Nước mắm, tư bản đỏ và chủ quyền quốc gia!

Nước mắm bị xóa sổ? Xóa sổ nước mắm?

Với thể chế cai trị của đảng CSVN, chuyện đất nước Việt Nam ngày nay có nhiều điều trái khoáy đến vô lý, khó lòng tưởng tượng có thể xảy ra, nhưng lại là sự thật!

Chẳng hạn như chuyện về nước mắm, gia vị truyền thống không thể thiếu trong đời sống của người dân Việt, bất kể giàu nghèo, sang hèn, từ đồng bằng đến cao nguyên, từ thành thị đến thôn quê –không rõ đã có tự bao giờ mà nay đang có nguy cơ bị xóa sổ và thay thế bằng một thứ dung dịch hỗn hợp nước muối và hóa chất để có vị tương tự.

*

Mới đây, nhà cầm quyền CSVN qua Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ là cơ quan thẩm định phối hợp với Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản đã biên soạn và phổ biến “Dự thảo tiêu chuẩn về Quy phạm thực hành sản xuất nước mắm”. Theo các cơ quan này thì “Dự thảo được xây dựng dựa trên căn cứ Tiêu chuẩn CODEX (CAC/RCP 52-2003)”, TCVN 7265:2015 và thực tế sản xuất nước mắm tại Việt Nam.

Sau khi bản dự thảo Tiêu chuẩn quốc gia “Quy phạm thực hành sản xuất nước mắm” được công bố, các doanh nghiệp chuyên sản xuất nước mắm đã phản đối vì cho rằng “có hơn 50 nội dung quy định không phù hợp với thực tế sản xuất nước mắm. Trong khi các doanh nghiệp sản xuất truyền thống đang bị cạnh tranh mạnh mẽ, hàng giả tràn lan thì dự thảo này nếu được thông qua lại càng làm doanh nghiệp kiệt quệ thêm.”

Không ít doanh nghiệp còn cho rằng “dự thảo mang tính chất “bóp nghẹt” các cơ sở nước mắm truyền thống khi đưa ra những tiêu chuẩn bất hợp lý”. Đơn cử, đầu tiên là tiêu chuẩn kiểm soát các loại thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật trong khi nguyên liệu làm nước mắm là cá biển, không thể có thuốc thú y…! Hay như quy định hàm lượng histamine trong nước mắm phải dưới 400 ppm, trong khi nước mắm truyền thống được làm từ cá biển nguyên chất nên hàm lượng đạm 20-40 độ khiến histamine ở mức 800-1.000 ppm.

Không chỉ vậy, trong dự thảo tiêu chuẩn lại có quy định “thùng chứa nước mắm phải màu sáng”. Thực tế, doanh nghiệp làm nước mắm bằng bể xi măng, chum, vại, thùng gỗ từ bao đời vẫn bảo đảm phẩm chất của sản phẩm!

Ngoài ra, dự thảo đưa ra chỉ tiêu kiểm soát vi sinh vật (độc tố Clostridium botulinum và Staphylococus aureus) cũng không phù hợp chút nào vì lý do rất đơn giản “vi sinh vật này gây bệnh từ thịt, còn cá thì không có. Đặc biệt, vi sinh vật này không phát triển được trong môi trường nước mắm nên không có mối nguy”. Như thế lấy gì để kiểm soát?

Bên cạnh đó, tiêu chuẩn TCVN-12607:2019 chỉ đưa ra hai loại khái niệm là nước mắm nguyên chất và nước mắm chung. Trong đó, dự thảo lại không phân định rõ quy trình sản xuất đâu là nước mắm truyền thống, đâu là nước mắm công nghiệp.

Một điểm bất hợp lý khác là dự thảo yêu cầu doanh nghiệp phải “thiết kế và xây dựng cơ sở sản xuất; nâng cấp nơi sản xuất nước mắm truyền thống trở thành nhà xưởng hiện đại…” Theo các doanh nghiệp, điều này chỉ nhằm buộc các nhà sản xuất phải đầu tư thêm chi phí để xây dựng cơ sở sản xuất với quy mô lớn thì mới đáp ứng được các tiêu chuẩn như dự thảo đưa ra. Có gì bảo đảm rằng “cơ sở to lớn, hiện đại thì phẩm chất sản phẩm làm ra sẽ tốt”?.

*

Chỉ đến bày giờ người Viêt mới nghe đến có 2 loại nước mắm khác nhau đang được sản xuất và tiêu thụ tại Việt Nam, đó là “nước mắm truyền thống”“nước mắm công nghiệp”.

Nước mắm truyền thống, theo định nghĩa là nước mắm sản xuất theo phương pháp đã lưu truyền từ bao đời nay là cá tươi được ủ với muối trong môi trường kín để lên men, phân hủy và cho ra chất dung dịch sậm màu, vị mặn, chưa nguồn đạm từ cá. Trong khi đó, nước mắm công nghiệp là loại dung dịch chế biến bằng hỗn hợp nước lạnh, muối và các chất hóa học (theo quảng cáo là các nguồn sinh tố cộng màu sắc và mùi vị tương đương như nước mắm).

Và điều đáng chú ý là giá cả chênh lệch giữa 2 loại nước mắm này khiến người ta phải thắc mắc “nước mắm công nghiệp là cái thứ nước gì?”. Để trả lời, hãy nhìn bảng giá trên kệ hàng ở 1 siêu thị có nêu giá của nước mắm Nam Ngư (sản phẩm công nghiệp của công ty thực phẩm Masan): Loại STK 4,8 lít có giá 44.900 đồng VN (tương đương 1 lít có giá 9.354 đồng VN). Trong thực tế, chi phí phân phối, tiếp thị, quảng cáo (Sales & Marketing) trung bình chiếm 70% giá thành sản phẩm có nghĩa “như vậy 1 lít nước mắm công nghiệp thành phẩm, đóng chai có giá sản xuất: 2.806 đồng VN”. Nếu trừ thêm cả chi phí nhà xưởng, thiết bị, vận hành… thì nguyên giá sản xuất 1 lít nước mắm công nghiệp là bao nhiêu? Rõ ràng là rẻ hơn cả nước … lạnh đóng chai!

*

Chủ nhân của tập đoàn Masan là Nguyễn Đăng Quang, đầu năm ngoái 2018, vừa được công nhận là tỷ phú đô la thứ 3 của Việt Nam! Cũng giống như “tỷ phú đô la” Phạm Nhật Vượng, Quang cũng gầy dựng cơ nghiệp tại Đông Âu và chẳng bao lâu sau có gia sản giàu có bùng phát tại Việt Nam. Câu hỏi đặt ra là, “ở Việt Nam có lợi thế gì mà giúp những người này chuyển về Việt Nam làm ăn rồi trở thành những đại phú gia trogn thời gian kỷ lục như thế?” giàu? Chỉ có thể khẳng định 2 ý đơn giản, thứ nhất người tiêu thụ tại Việt Nam quá … ngây thơ, thứ nhì là bọn này đã dễ dàng liên kết với nhà cầm quyền CSVN để tha hồ tự tung tự tác, lừa bịp người tiêu thụ trong nước đồng thời tiêu diệt những đối thủ nhỏ hơn.

Masan đã có cả một hồ sơ “thành tích bất hảo” như:

1. Năm 2007, Masan dùng đòn bẩn MCPD nhắm vào nước tương truyền thống để độc bá thị trường. Sự vụ như sau:

Tháng 7/2005, nước tương Chinsu của Masan xuất cảng sang thị trường Âu châu bị cáo buộc có chứa 3-MCPD (một loại độc tố sinh ra trong quá trình lên men đậu nành để sản xuất nước tương, có khả năng gây ung thư) quá nồng độ cho phép. Lúc đó tất cả các loại nước tương lên men theo phương pháp truyền thống trên toàn cõi Việt Nam đều bị nhưng chỉ có Masan xuất cảng sang Âu châu nên mới bị kiểm tra. Thay vì thông báo về chuẩn mực an toàn thực phẩm cho tất cả doanh nghiệp nước tương Việt Nam hiệu chỉnh quy trình sản xuất để cho ra sản phẩm tốt hơn, thì ngược lại Masan tung tiền cho truyền thông CS quay mũi giáo đánh vào các doanh nghiệp làm nước nương nhỏ lẻ ở Việt Nam.

Cách đánh của Masan và các bước giết chết doanh nghiệp nước tương nhỏ ở Việt Nam được Masan làm như sau:

– Bước 1, Masan lùa báo chí tung tin về sự nguy hiểm của 3-MCPD làm cho người tiêu thụ Việt Nam hoang mang;

– Bước 2, Masan âm thầm sản xuất lại nước tương không còn dùng phương pháp lên men truyền thống mà chỉ pha chế hóa chất nhằm mục đích để kiểm soát nồng độ 3-MCPD, còn những nồng độ những hóa chất khác trong nước tương được thả nổi;

– Bước 3, mua chuộc để các cơ quan quản lý nhà nước vào cuộc xét nghiệm toàn bộ các thương hiệu nước tương khác. Tất cả đều bị dính lỗi “3-MCPD vượt ngưỡng cho phép” duy chỉ riêng nước tương Tam Thái Tử và Chinsu của Masan là đủ tiêu chuẩn(!);

– Bước 4, tuyên bố thưởng tiền mặt bạc tỷ cho ai phát giác ra 3-MCPD trong nước tương của Masan.

Như vậy, với vai trò thủ phạm bị điểm mặt và cấm xuất cảng nước tương sang Âu Châu, Masan đã bung tiền điều khiển giới truyền thông để đánh chết doanh nghiệp thấp cổ bé họng tại Việt Nam để độc bá thị trường.

2. Năm 2017, Masan dùng đòn bẩn Arsen (thạch tín) nhắm vào nước mắm truyền thống để độc bá thị trường một lần nữa.

(Arsen là một nguyên tố độc hại nếu nó nằm trong hợp chất vô cơ, và Arsen sẽ không độc hại nếu nó nằm trong một số hợp chất hữu cơ). Cũng tương tự vụ 3-MCPD, Masan cũng dự tính đánh chết nước mắm truyền thống bằng sự đánh lận con đen giữa Arsen vô cơ và Arsen hữu cơ.

Các bước thực hiện như sau:

– Bước 1, dùng tiền bơm cho truyền thông công bố nồng độ Arsen trong nước mắm. Họ không hề nhắc tới đó là “Arsen hữu cơ hay Arsen vô cơ” để đánh lận. Thực chất, nước mắm được ủ từ cá muối đều có Arsen cao nhưng đó là Arsen hữu cơ vô hại;

– Bước 2, Masan dùng hóa chất pha chế nước mắm công nghiệp sao cho nồng độ Arsen thấp dưới mức cho phép. Còn những thành phần hóa chất khác thả nổi;

– Bước 3, bơm tiền cho một đơn vị nhà nước, mà cụ thể là Hội Bảo Vệ Người Tiêu Dùng Vinatas công bố danh sách các thương hiệu nước mắm nhiễm Arsen;

– Bước 4, Masan cho quảng bá rầm rộ nước mắm công nghiệp “không thạch tín” để giết chết các doanh nghiệp nước mắm truyền thống.

Nhờ mạng xã hội phanh phui trò gian trá, kế hoạch này bị công luận lên án, thế nhưng tờ báo Thanh Niên -kẻ đánh thuê cho Masan- và Vinatas -một tổ chức vô đạo đức chỉ bị phạt qua loa rồi mọi sự chìm xuồng.

Năm 2007 Masan đã giết sạch doanh nghiệp nước tương truyền thống một cách gọn nhẹ. Năm 2017 dùng lại chiêu cũ để giết nước mắm truyền thống nhưng không như ý. Mọi tội lỗi đều đổ cho một tờ báo và Hội Bảo Vệ Người Tiêu Dùng, trong khi Masan lại vô tội và vẫn tiếp tục cho người dân Việt Nam uống hóa chất chứ không ăn sản phẩm của tự nhiên.

*

Một nhà khoa học trong nước, Tiến sĩ Phan Thanh Sơn thuộc Khoa Hóa, trường Đại học Bách Khoa tại Saigon đã phẫn nộ lên tiếng qua bài “Cớ sao phải đuổi cùng giết tận nước mắm truyền thống?”

Tác giả nhắc lại sự kiện cách đây 2 năm, truyền thông tung tin “Nước mắm truyền thống nhiễm thạch tín” làm người tiêu dùng hoang mang, và các cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống phải 1 phen lao đao! Trong khi sự thật, thạch tín ở dưới dạng cơ kim trong cá (arsenobetaine) là chất vô hại, vốn đã có mặt trong nước mắm bao đời nay; chỉ có thạch tín dưới dạng vô cơ mới là chất cực độc, là loại mà người ta dùng để đầu độc kẻ thù như thường thấy trong phim mà 2 loại thạch tín này thì khác nhau hoàn toàn! Cuối cùng thì nước mắm truyền thống cũng được minh oan, thoát được 1 kiếp nạn! Và những tưởng được yên thân, nhưng không, đợt tấn công lần này bài bản hơn, mượn tay cơ quan công quyền, khoác lên tấm áo mĩ miều “bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng”, để bức tử nước mắm truyền thống!

TS Phan Thanh Sơn giải thích:

“Phải khẳng định rằng, từ cổ chí kim, chưa có bất kỳ bằng chứng khoa học nào cho thấy sử dụng nước mắm truyền thống sẽ có nguy cơ mắc ung thư hay những bệnh nguy hiểm khác!”

Ngược lại, v­ới các hóa chất, kể cả loại cho phép dùng trong thực phẩm, nhà sản xuất hóa chất bắt buộc phải luôn khuyến cáo những nguy cơ đi kèm, và tất cả thông tin phải được thể hiện rất minh bạch và chi tiết. Một vấn đề khá quan trọng, với những hóa chất dùng trong ngành dược hoặc thực phẩm, là dù cho hóa chất X nào đó ở dạng tinh khiết 100% có an toàn tuyệt đối đi chăng nữa, thì nhất định cần phải làm rõ ở từng trường hợp, các tạp chất lẫn vào X có tạp chất nào gây ung thư không, có tạp chất nào gây ra những bệnh nguy hiểm khác không. Độ tinh khiết 99% không có nghĩa là an toàn, tai họa đang rình rập ở 1% còn lại đó!

Cũng cần phải nói thêm chuyện nữa là “dù X được cho là an toàn ở mức a nào đó, nhưng nếu 1 người sử dụng/nhiễm X dưới mức a năm này qua tháng nọ, sau mấy chục năm, chuyện gì xảy ra cho người đó, chưa ai biết!” (Thí dụ với phenol, hồi 1984, TDI (tolerable daily intake) được quy định cho phenol là 1.5 mg/kg bw/day, nhưng chưa đầy 20 năm sau, thấy không ổn, EFSA phải vội vàng giảm mức này xuống còn 0.5 mg/kg bw/day!

“Bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng” ư, rất tốt nhưng trước khi soạn thảo bộ tiêu chuẩn về nước mắm, bắt buộc phải tổ chức các hội thảo khoa học 1 cách nghiêm túc. Trong các hội thảo, bên cạnh “khách quen” của ban tổ chức, nhất định phải mời ít nhất những nhà khoa học thuộc các chuyên ngành: (1) Công nghiệp thực phẩm, (2) Công nghiệp chế biến thủy hải sản, (3) Hóa phân tích, (4) Khoa học y tế, mà phải đến từ nhiều đơn vị khác nhau mới khách quan; và không thể vắng mặt những nhà làm nước mắm truyền thống có lịch sử lâu đời! Nhà KH muốn đề xuất 1 con số nào đó trong bộ tiêu chuẩn này cũng phải dựa trên bằng chứng khoa học mới có thể được chấp nhận!

Trên tờ Tuổi Trẻ ngày 10/3, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản nói rằng “đã tổ chức nhiều cuộc hội nghị hội thảo rồi”. Đó chỉ là ngụy biện vì ai đã từng tổ chức hội thảo hội nghị hay thậm chí tổ chức các hội đồng gồm chuyên gia để đánh giá, đều quá hiểu rằng, muốn kết quả sau cùng thế nào, thì mời thành phần tham dự theo thế ấy, “đúng quy trình”! Quả là RẤT ĐÊU!

Có quá nhiều điểm bất hợp lý trong bản dự thảo bộ tiêu chuẩn nước mắm và chuyện không đơn giản là chỉ cần dựa vào những con số vô hồn trong 1 bộ tiêu chuẩn của ai đó, sau đó biến thành tiêu chuẩn của mình là xong. Thí dụ như tiêu chuẩn về arsen, bộ tiêu chuẩn quy định 1 con số, nhưng thử hỏi trong bộ tiêu chuẩn có nói rõ làm sao để phân biệt arsen nào là arsen vô cơ (độc hại), arsen nào là arsen cơ kim (không độc hại) không, nếu không phân biệt được arsen nào là arsen nào, thì giải quyết thế nào đây? Hay tiêu chuẩn về một kim loại nặng nào đó chẳng hạn, nếu chẳng may nước mắm có nhiễm kim loại nặng, thì cần xem có phải do vùng biển cung cấp cá để làm nước mắm bị ô nhiễm bởi nước thải độc hại từ các khu công nghiệp hay không, và xử lý chuyện này không đơn giản chỉ là ban hành 1 bộ tiêu chuẩn!

Tác giả kết luận:

“Nghĩ cũng lạ, nước mắm truyền thống làm từ cá biển, vậy mà dự thảo này lại yêu cầu đem nước mắm đi kiểm tra dư lượng thuốc trừ sâu, thuốc thú y và các loại kháng sinh (?) Nếu cơ quan công quyền thật sự có tâm muốn “bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng” khỏi bị ảnh hưởng bởi dư lượng thuốc trừ sâu, thì việc cần làm ngay không phải là tiêu chuẩn cho nước mắm, mà là tìm giải pháp cho hàng loạt rau củ, trái cây đã và đang nhiễm thuốc trừ sâu tran lan! Tương tự như vậy, nếu biết lo sợ dư lượng thuốc thú y hay kháng sinh có ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, thì việc khẩn cấp trước mắt là lo cho thịt heo thịt bò khỏi bị nhiễm hóa chất!

Thế nhưng chuyện sống hay chết của nước mắm truyền thống không chỉ liên quan đến mỗi nước mắm không thôi. Nếu một mai chẳng may nước mắm truyền thống bị bức tử, ngư dân nản lòng bỏ biển, nếu chỉ còn trơ trọi lính hải quân cô đơn giữa muôn trùng biển khơi thôi thì có đủ sức giữ toàn vẹn biển đảo cho nước Việt này không? Mỗi ngư dân, mỗi con thuyền ra khơi đánh cá là một cột mốc biên cương trên biển, phải trân trọng và làm mọi cách để họ bám biển

Nếu vì lý do gì đó, ngư dân Việt nản lòng mà bỏ biển, chắc chắn trăm năm sau biển này là biển của ai đó! Đừng ai và đừng bao giờ quên điều đó!!

Phạm Thạch Hồng

Related posts