Thủ tướng tân cử Nhật Bản Shigeru Ishiba: Những điều cần biết

Lãnh đạo tân cử và chủ tịch đương nhiệm của Đảng Dân chủ Tự do (LDP) Shigeru Ishiba phát biểu trong buổi họp báo sau khi đắc cử trong cuộc bầu cử lãnh đạo đảng vào ngày 27 tháng 9 năm 2024 tại Tokyo, Nhật Bản. Người chiến thắng trong cuộc bầu cử của Đảng Dân chủ Tự do sẽ trở thành Thủ tướng tiếp theo của Nhật Bản vào ngày 1 tháng 10, sau khi Thủ tướng đương nhiệm Kishida Fumio từ chức lãnh đạo đảng. (Nguồn ảnh: Kim Kyung-Hoon – Pool/Getty Images)

Ông Shigeru Ishiba, Thủ tướng tân cử Nhật Bản chia sẻ ông đọc ba cuốn sách mỗi ngày và thà đọc sách còn hơn giao lưu với các đồng nghiệp trong đảng – những chính trị gia đã bầu chọn ông làm tân lãnh đạo đảng vào hôm thứ Sáu (27/9) vừa qua.

Chính trị gia 67 tuổi, tự nhận mình là một con “sói đơn độc” sau bốn lần tranh cử thất bại, đã đắc cử vị trí lãnh đạo Đảng Dân Chủ Tự Do (LDP), đảng đã thống trị chính trường Nhật Bản trong bảy thập kỷ qua.

Ông Ishiba lên nắm quyền trong bối cảnh đảng LDP đang lâm vào bờ vực khủng hoảng nghiêm trọng. Trong hai năm qua, đảng LDP đánh mất dần dần sự ủng hộ của công chúng do mối liên hệ không rõ ràng với một giáo phái đang gây tranh cãi, cũng như bê bối quyên góp không tiết lộ.

Ông Ishiba, đã từng giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng, bước chân vào quốc hội Nhật Bản vào năm 1986 sau một thời gian ngắn phục vụ trong lĩnh vực ngân hàng. Ông Ishiba đã bị các thủ tướng trước đây, bao gồm cả Thủ tướng sắp mãn nhiệm ông Fumio Kishida, bãi miễn khỏi nội các chính phủ, khiến ông trở thành một tiếng nói bất đồng trong đảng.

Ông đã lên tiếng chỉ trích các chính sách hiện tại của Thủ tướng Fumio Kishida như quyết định tăng cường sử dụng năng lượng hạt nhân, cũng như lên án đảng LDP vì từ chối chấp thuận cho các cặp vợ chồng tự do sử dụng tên họ riêng sau khi kết hôn.

“Tôi chắc chắn đã làm tổn thương nhiều người, khiến họ cảm thấy không vui và khiến nhiều người phải chịu đựng. Tôi chân thành xin lỗi vì tất cả những thiếu sót của mình”, ông Ishiba lên tiếng xin lỗi các nhà lập pháp LDP, những đồng nghiệp đã tập trung tại trụ sở đảng để tham dự cuộc bầu cử, trước khi ông chiến thắng sát nút trước nữ chính trị gia cứng rắn Sanae Takaichi.

Khởi động chiến dịch tranh cử của mình tại một ngôi đền Thần đạo ở vùng nông thôn tỉnh Tottori, nơi cha ông từng là tỉnh trưởng, cũng là nơi ông Ishiba bắt đầu sự nghiệp chính trị vào thời kỳ hoàng kim khi nền kinh tế bong bóng của Nhật bản tăng trưởng nhanh chóng. Ông Ishida tuyên bố rõ ràng trước những cử tri ủng hộ rằng cuộc bầu cử này sẽ là “trận chiến cuối cùng” của ông.

Ông Ishiba, khi giữ chức Bộ trưởng Nông nghiệp, đã cam kết sẽ chuyển rời một số bộ ngành cùng cơ quan chính phủ ra khỏi Tokyo nhằm phục hồi các khu vực nông thôn đang suy thoái của Nhật Bản. Ông đồng thời cũng đề xuất thành lập một cơ quan chính phủ giám sát xây dựng các hầm trú ẩn khẩn cấp trên khắp Nhật Bản, những khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi thiên tai.

XUNG ĐỘT QUAN ĐIỂM

Phong cách thể hiện quan điểm thẳng thắn của ông Ishiba, gồm cả việc kêu gọi Thủ tướng Kishida từ chức, đã khiến ông đối mặt với sự thù ghét của rất nhiều đồng nghiệp trong đảng LDP.

Những sự thù ghét cộng với việc ông từng thoái đảng trong vòng bốn năm để tham gia vào một nhóm đối lập vào năm 1993, đã khiến ông gặp khó khăn giành được đủ 20 đề cử cần thiết từ các nhà lập pháp đáp ứng điều kiện để trở thành đề cử viên trong cuộc bầu cử vào thứ Sáu (27/9).

Thiếu hụt sự ủng hộ từ các nhà lập pháp trong cùng đảng đồng nghĩa với việc ông Ishiba phải dựa hoàn toàn vào sự ủng hộ từ các đảng viên cấp cơ sở mà ông đã vun đắp trong suốt bốn thập kỷ chính trị của mình.

Mặc dù không phục vụ trong bất kỳ vị trí nào trong nội các chính phủ hiện nay, nhưng ông Ishiba vẫn duy trì được sự yêu mến từ công chúng nhờ nhiều lần chia sẻ quan điểm thẳng thắn trên truyền thông, các bài đăng trên mạng xã hội và trên YouTube. Nhân những lần xuất hiện này, ông đã chia sẻ suy ngẫm sâu sắc của mình về các chủ đề đa dạng từ tỷ lệ sinh giảm của Nhật Bản đến món mì ramen yêu thích.

Để trở nên gần gũi hơn với công chúng, ông cũng thường làm bản thân trở nên hài hước, như thể hiện phong cách ăn nói có phần vụng về cùng sở thích sưu tầm mô hình nhựa của các con tàu và máy bay quân sự, một số trong đó được ông trưng bày trang trọng trên kệ sách trong văn phòng quốc hội của mình ở Tokyo.

NGOẠI GIAO VỚI HOA KỲ

Ông Ishiba, vẫn được các đồng nghiệp công nhận là một nhà trí thức có tiếng nói quan trọng trong đảng LDP đồng thời cũng là một chuyên gia về chính sách an ninh quốc gia, đã lên tiếng ủng hộ một Nhật Bản mạnh mẽ hơn, giảm bớt sự phụ thuộc vào đồng minh lâu năm Hoa Kỳ trong việc bảo vệ đất nước.

Theo các nhà phân tích, quan điểm của ông Ishiba có thể khiến mối bang giao giữa Washington và Nhật Bản trở nên phức tạp hơn trong bối cảnh quốc gia láng giềng Trung Quốc tăng cường điều động quân sự trong khu vực.

Trong chiến dịch tranh cử vị trí lãnh đạo đảng LDP, ông lên tiếng kêu gọi Nhật Bản lãnh đạo thành lập liên minh quân sự “NATO châu Á“, một đề xuất mà Washington đã bác bỏ nhanh chóng do cảm thấy nó quá vội vã trong thời điểm hiện tại.

Trong một đề xuất táo bạo khác, ông Ishiba cho biết ông sẽ tìm cách giám sát chặt chẽ hơn các căn cứ tại thành phố Okinawa, nơi quân đội Hoa Kỳ tập trung đóng quân. Ông cũng mong muốn Nhật Bản có vị trí ngang hàng với Washington khi quyết định lúc nào nên sử dụng vũ khí hạt nhân ở châu Á.

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Reuters, ông Ishiba chỉ trích mạnh mẽ Hoa Kỳ ngăn chặn Nippon Steel mua lại U.S. Steel, cho rằng quyết định đánh giá Nhật Bản như một rủi ro an ninh quốc gia thật bất công. Trong khi đó, Thủ tướng Kishida đã tránh đưa ra bình luận về vấn đề này trước cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2024.

THAY ĐỔI CHÍNH SÁCH

Trong cuộc chạy đua cho vị trí lãnh đạo đảng LDP lần này, ông Ishiba đã thay đổi một số chính sách khiến quan điểm của ông mâu thuẫn với các đồng nghiệp trong đảng. Thay đổi quan điểm đáng chú ý nhất là việc ông lựa chọn duy trì hoạt động của một số lò phản ứng hạt nhân ở Nhật Bản, mặc dù trước đây ông phản đối kịch liệt sử dụng năng lượng hạt nhân trong khi ủng hộ mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo.

Ông Ishiba, một chính trị gia bảo thủ tài chính, hứa hẹn tôn trọng tính độc lập của Ngân hàng Nhật Bản trong các quyết định chính sách tiền tệ, nhưng dạo gần đây ông nhận định rằng ông vẫn chưa rõ liệu Nhật Bản có điều kiện phù hợp để tăng lãi suất hay không.

“Các chính trị gia không cần phải là những người bạn thân thiết, miễn là chính sách và lập trường chính trị của họ tương đồng [với tôi]”, ông Ishiba tuyên bố trong một video đăng tải trên YouTube vào tuần này.

Thiên Vân, theo Reuters

Related posts