Bắc Kinh hăng hái tìm cách lãnh đạo ‘trật tự thế giới mới’

Andrew Thornebrooke

Các binh sĩ của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc diễn hành sau buổi lễ kỷ niệm đánh dấu 70 năm Trung Quốc tham gia Chiến tranh Triều Tiên, hôm 23/10/2020, tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh. (Ảnh: Kevin Frayer/Getty Images)

Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ, Trung Cộng) đang tìm cách phá hủy hệ thống quốc tế và thiết lập lại nó theo cách của mình. Đối với nhiều người Mỹ, điều đó nghe có vẻ xa vời, nhưng đây chính xác là điều mà các quan chức và chiến lược gia của họ đang kêu gọi. 

Đối với các khán giả quốc tế, ĐCSTQ đã nhiều lần tuyên bố rằng các mục tiêu chính sách ngoại giao của họ là dựa trên những nguyên tắc mang “tính phổ quát”, “đối thoại mang tính xây dựng,” và “đôi bên cùng có lợi”. 

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng những khẩu hiệu như vậy chỉ là ảo ảnh, và hãy nhìn vào các hành động cụ thể của nhà cầm quyền này, họ đang phát triển sức mạnh quân sự và kinh tế của mình trên toàn thế giới. 

Theo “Báo cáo Sức mạnh Trung Quốc năm 2021” do Ngũ Giác Đài thực hiện theo ủy nhiệm của Quốc hội, chiến lược lớn của ĐCSTQ là nhằm đạt được “sự phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa” vào năm 2049. Điều này có nghĩa là phải sánh ngang hoặc vượt qua Hoa Kỳ trong tầm ảnh hưởng và quyền lực toàn cầu, thế chỗ các đồng minh của Hoa Kỳ trong khu vực, và thay đổi trật tự thế giới để “có lợi hơn cho hệ thống độc tài Bắc Kinh và các lợi ích quốc gia.” 

Phá rồi lại lập

Mặc dù các kịch bản dành cho ngoại giới là đôi bên cùng có lợi, nhưng lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình vẫn cho thấy những tầm nhìn khắc nghiệt hơn của ông cho tương lai tại quê nhà, khi cách xa khỏi ánh đèn sân khấu quốc tế. Trong quá trình thương thảo trong nội bộ chính quyền, ông đã đưa ra những lời kêu gọi ám chỉ rằng ĐCSTQ nên định hình lại nền quản trị toàn cầu và dẫn dắt trật tự quốc tế. 

Trong một bài diễn văn năm 2018, ông Tập nói rằng ĐCSTQ phải “lãnh đạo việc định hình lại hệ thống quản trị toàn cầu”. Trong một bài diễn văn khác năm 2021, ông nói rằng “một trật tự quốc tế bình đẳng và công bằng hơn phải được lưu tâm” và là do Trung Quốc lãnh đạo. 

Tương tự như vậy, tờ báo của Trường Đảng Trung Ương Trung Cộng đã phát hành một bài báo năm 2016, không lâu sau những cuộc cải tổ quân sự của ông Tập, tuyên bố rằng “chỉ là vấn đề thời gian” trước khi ĐCSTQ nằm trong số những nhà cầm quyền “dẫn đầu trật tự thế giới mới”.

Trong một cuộc họp kín của ĐCSTQ hồi tháng 11/2021, được gọi là Phiên họp Toàn thể lần thứ Sáu, ông Tập đã lãnh đạo Đảng ban hành một “thông cáo chung” viết lại lịch sử hiện đại của Trung Quốc và đề ra các mục tiêu của Đảng trong tương lai. 

trật tự thế giới mới
Lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình vỗ tay tại Đại Lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, Trung Quốc hôm 09/10/2021 (Ảnh: NOEL CELIS/AFP/Getty Images)

Theo đó, Trung Cộng ủng hộ chủ nghĩa Mao Trạch Đông, được gọi là “chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc”, là một “mô hình mới cho sự tiến bộ của nhân loại”. 

Xa hơn, Đảng này còn yêu cầu rằng hệ tư tưởng của chủ nghĩa Marx phải được phổ biến trên toàn thế giới như một triết lý chính trị duy nhất “không chỉ có khả năng phá bỏ thế giới cũ mà còn lập lại thế giới mới”. 

Thông cáo tuyên bố, “Chúng ta phải sử dụng lập trường, quan điểm, và phương pháp của chủ nghĩa Marx để quan sát, hiểu, và định hướng các xu thế của thời đại, đồng thời không ngừng làm sâu sắc thêm hiểu biết của chúng ta về các quy luật đằng sau nền quản trị của một đảng cộng sản, việc xây dựng chủ nghĩa xã hội, và sự phát triển của xã hội nhân loại.” 

Khó ai có thể lường trước được tốc độ nhanh chóng mà Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (CHND Trung Hoa) đã chuyển mình từ một quốc gia nông nghiệp nghèo khổ thuần túy thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Thật sự là như vậy, ý tưởng cho rằng Trung Cộng là một địch thủ thực sự, không có mục tiêu nào khác ngoài lật đổ vai trò lãnh đạo toàn cầu của Hoa Kỳ là một khái niệm xa lạ đối với nhiều người chỉ hai năm trước đây. 

Ví dụ, năm 2019, Tổng thống Joe Biden đã bác bỏ quan điểm rằng Trung Quốc có thể cạnh tranh nghiêm túc với Hoa Kỳ. 

Ông nói sau khi thông báo về chiến dịch tranh cử tổng thống của mình rằng, “Họ không phải là đối thủ cạnh tranh của chúng ta.” 

Nhưng đến tháng 05/2021, vị tổng thống này đã thay đổi quan điểm của mình, ông nói trong một cuộc họp báo rằng “cuộc chiến giữa các nền dân dân chủ và các chế độ độc tài” đã diễn ra, và cảnh báo rằng Trung Cộng đang tìm cách thống trị Hoa Kỳ. 

Ông Biden nói rằng, “[Ông Tập] tin rằng Trung Quốc trước năm 2030, 2035 sẽ làm chủ Hoa Kỳ bởi các chế độ chuyên quyền có thể đưa ra các quyết định nhanh chóng.”

Nỗ lực phối hợp nhằm loại bỏ ảnh hưởng của Hoa Kỳ ở ngoại quốc để thế chân vào đó, là nền tảng mà ĐCSTQ đã lập ra. Ngoài ra, Bắc Kinh đang nhanh chóng xây dựng quân đội cần thiết để hoàn thành mục tiêu đó bằng vũ lực.

trật tự thế giới mới
Xe quân sự mang hỏa tiễn đất đối không HHQ-9B tham gia vào một cuộc duyệt binh tại Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh vào ngày 01/10/2019. (Ảnh: Greg Baker/AFP/Getty Images)

Quân đội hiện đại 

Quân đội của ĐCSTQ, Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA), đang trải qua một quá trình phát triển và hiện đại hóa chưa từng có để theo đuổi tham vọng thống trị toàn cầu của Đảng. 

Năm 2020, ông Tập đã ra lệnh quân đội sẵn sàng cho các cuộc xung đột kéo dài trên toàn khu vực. Theo kênh truyền thông nhà nước Tân Hoa Xã, ông đã nhấn mạnh rằng Đảng phải duy trì quyền lãnh đạo tuyệt đối đối với quân đội mọi lúc. 

Ông Tập nói, PLA phải “dồn toàn bộ tâm trí và sức lực để chuẩn bị cho chiến tranh.”

Tương tự như vậy, hồi tháng 07/2021, lãnh đạo Trung Quốc đã nói rằng những ai chống lại hoặc chèn ép CHND Trung Hoa sẽ phải “sứt đầu mẻ trán”. 

Những lời như vậy lẽ ra đã có thể được xem là mạnh miệng nếu không vì thực tế là ĐCSTQ có chiến lược phát triển bành trướng không kém.

Ông James Fanell, một thành viên tại Trung tâm Chính sách An ninh Geneva và là cựu giám đốc hoạt động tình báo và thông tin của Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương, cho biết: “Một người Mỹ bình thường thường không nhận thức được sức mạnh quân sự và ngoại giao mà CHND Trung Hoa đã đạt được trong hai thập niên qua.” 

“Tương tự, người Mỹ bình thường không biết về chương trình hiện đại hóa quân sự chưa từng có của PLA và việc ngày nay năng lực hải quân, không quân, và hỏa tiễn của PLA đã vượt qua Hoa Kỳ như thế nào.” 

Hiện đại hóa quân đội được giới lãnh đạo Đảng coi là một “lực đẩy toàn diện”, những khả năng quân sự càng ngày càng mở rộng bao gồm việc phát triển các vũ khí siêu thanh, một kho vũ khí hạt nhân mở rộng nhanh chóng, và lực lượng hải quân lớn nhất thế giới, mỗi phương diện đều nhằm đối đầu và khắc phục một điểm yếu đã biết trong chính sách và khả năng quốc phòng của Hoa Kỳ. 

Ông Tập đã gọi chương trình hiện đại hóa của PLA là “sự phát triển đi tắt đón đầu”. Đây là sự phát triển nhằm bỏ qua các thế hệ tiếp theo của công nghệ quân sự mà không phải lãng phí nguồn lực để theo kịp với vũ khí hiện đại của Hoa Kỳ. 

Ví dụ, cuộc thử nghiệm vũ khí siêu thanh của Trung Cộng hồi tháng 07/2021 được cho là đã thử một hệ thống bắn phá quỹ đạo có khả năng mang các đầu đạn hạt nhân né tránh các hệ thống cảnh báo sớm và phòng thủ hỏa tiễn của Hoa Kỳ, được thiết kế để bảo vệ chống lại vũ khí đạn đạo truyền thống. 

Tướng John Hyten, sĩ quan cao cấp thứ hai của Ngũ Giác Đài vào thời điểm đó nói rằng vụ thử nghiệm này giống như một lần dẫn đầu sử dụng vũ khí hạt nhân, và cáo buộc một bộ máy quan liêu “nghiệt ngã” đã cản trở quân đội Hoa Kỳ phát triển một hệ thống tương tự cách đây một thập niên.

Ông Fanell tin rằng sự tiến triển liên tục của chương trình hiện đại hóa ấn tượng của ĐCSTQ cũng tương đương với sự thiếu hiểu biết đáng kinh ngạc của phương Tây về chương trình nói trên, và còn bị bế tắc hơn bởi cái gọi là những thuộc cấp của Trung Quốc – những người ở các tổ chức học thuật, các tổ chức tư vấn, và văn phòng chính phủ thúc đẩy các các nghị trình ủng hộ Trung Quốc hoặc nói cách khác là bao che cho các hoạt động chính trị của ĐCSTQ. 

Ông Fanell nói về lực lượng hải quân của PLA: “Chỉ trong tuần này, một đô đốc bốn sao về hưu đã táo bạo viết rằng, hải quân của PLA đã trở thành lực lượng hải quân lớn nhất thế giới, nhưng họ ‘có chất lượng thấp hơn nhiều.’” 

“Điều này chỉ đơn giản là sai. Tôi đã ở trên những chiến hạm của hải quân PLA vài lần trong 20 năm qua, và tôi có thể nói với quý vị rằng các chiến hạm và thủy quân của họ thực sự không ‘có chất lượng thấp hơn nhiều.’”

Chỉ trích nói trên không có gì mới mẻ. Điều này đã được đề cập trong báo cáo thường niên của Heritage Foundation về sức mạnh quân đội Hoa Kỳ hồi đầu năm nay, vốn đã lưu ý xu hướng của các chiến lược gia Hoa Kỳ – phóng đại quá mức tầm quan trọng của hàng không mẫu hạm Mỹ trong khi hạ thấp các lợi thế về số lượng và địa lý của lực lượng hải quân Trung Quốc. 

Ông Fanell nói rằng: “Tác động từ tuyên bố này và nhiều, nhiều báo cáo khác như báo cáo này trong 20 năm qua đã phục vụ mục đích làm tê liệt các chính trị gia Hoa Kỳ không hiểu được mối hiểm họa sát thương từ CHND Trung Hoa và PLA.”

Cuối cùng, cần phải hiểu rằng chính quyền Trung Quốc đã cải tổ cấu trúc lực lượng hiện tại của mình với mục đích duy nhất là loại bỏ Hoa Kỳ ra khỏi khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. 

Ông Fanell nói: “Hải quân Trung Quốc (PLAN) đã được thiết kế và xây dựng suốt 20 năm qua để đánh bại Hải quân Hoa Kỳ trong một trận chiến trên biển, trong khi Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ luôn bị ám ảnh với việc thực hiện các hoạt động chống khủng bố ở Trung Đông.” 

“Cần phải nói rõ rằng khi đề cập đến lĩnh vực quân sự, Hoa Kỳ đang đi sau PLA rất nhiều, đặc biệt là khi chiến đấu trên biển. Ngày nay Hải quân Trung Quốc không chỉ là lực lượng lớn nhất thế giới, mà còn có nhiều hỏa tiễn hành trình đạn đạo chống hạm hơn bất kỳ lực lượng hải quân nào khác.”

Ông Fanell cho rằng, ở cấp độ hiện tại, Hoa Kỳ chỉ đơn giản là thiếu sức mạnh để duy trì hiện trạng trong khu vực. Ông nói, việc khắc phục điểm yếu đó là cấp thiết, do Đài Loan đóng vai trò trung tâm trong các cuộc giao tranh giành ảnh hưởng toàn cầu đang diễn ra của Trung-Mỹ.

Ông Fanell nói: “Đài Loan là trọng tâm trong mục tiêu của ĐCSTQ để thay thế sự lãnh đạo và ảnh hưởng toàn cầu của Hoa Kỳ.”

“Chinh phục Đài Loan là trọng tâm của chiến lược loại bỏ Hoa Kỳ ra khỏi khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.” 

Bốn chiến đấu cơ F-16 V được nâng cấp do Hoa Kỳ sản xuất bay trong một màn trình diễn tại một buổi lễ của Lực lượng Không quân Gia Nghĩa ở miền nam Đài Loan vào ngày 18/11/2021. (Ảnh: Sam Yeh/AFP/Getty Images)

Tất cả các con đường đều dẫn đến Đài Loan

Đài Loan rất quan trọng trong tầm nhìn của ông Tập về tương lai thống trị toàn cầu của Trung Cộng. ĐCSTQ đã khởi xướng số lượng kỷ lục các cuộc xâm nhập vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan trong suốt năm 2021 trong nỗ lực nhằm trấn áp quân đội Đài Loan và biện minh cho những tuyên bố của mình rằng hòn đảo này là một phần lãnh thổ của họ. 

Ông Tập đã tuyên bố sẽ đạt được mục tiêu “thống nhất đất nước” trong một bài diễn văn hồi tháng 10/2021, và gọi việc hòn đảo này tiếp tục độc lập là một “mối nguy tiềm ẩn nghiêm trọng đối với quá trình phục hưng quốc gia.”

Một phần lý do cho việc chiếm Đài Loan một cách tuyệt vọng là ý thức hệ. Đây là một vấn đề chiến lược khác. 

Cưu Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Keith Krack nói rằng: “Không có gì phải nghi ngờ về việc ĐCSTQ coi mô hình dân chủ của Đài Loan là mối đe dọa đối với chủ nghĩa Marx-Lenin.”

“Người dân Đài Loan có cùng văn hóa, phong tục, ngôn ngữ như nước láng giềng Trung Quốc. Họ là một bằng chứng sống động cho thấy người Trung Quốc không cần phải bị tước đoạt đi quyền tự do cá nhân và quyền con người trước ý chí của một nhà nước cộng sản tàn ác để có thể thành công.” 

Chính phủ dân chủ của Đài Loan đi ngược lại tất cả những gì mà Phiên họp Toàn thể lần thứ Sáu của ĐCSTQ đại diện. Sự tiếp tục tồn tại của họ chứng tỏ sai lầm của tuyên bố cho rằng chỉ có chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc mới có khả năng giải quyết những hiện thực lịch sử độc nhất vô nhị của nhà nước Trung Quốc. 

Để phục hưng quốc gia, trọng tâm chiến lược lớn của ĐCSTQ sẽ bất thành nếu không có sự thống nhất này. 

Ông Krach cho rằng một tình huống như vậy khiến ông Tập liều lĩnh đặt cược toàn bộ vào việc đại lục sẽ nhanh chóng chiếm lấy Đài Loan. Và sự liều lĩnh đó khiến ông ấy trở nên rất nguy hiểm. 

Ông nói rằng: “Tổng Bí thư Tập coi việc sáp nhập Đài Loan là một viên ngọc quý trên vương miện trong di sản của mình.” 

“Điều đó chắc chắn khiến các căng thẳng Trung Quốc-Đài loan dễ trở nên bùng phát hơn, đặc biệt vì ông ấy cảm nhận được căng thẳng nội bộ do cuộc khủng hoảng năng lượng và cách giải quyết sai lầm của ông đối với nền kinh tế Trung Quốc.”

Ở cấp độ chiến lược, việc chiếm Đài Loan sẽ cung cấp cho Trung Cộng khả năng phát triển sức mạnh vượt ra ngoài cái gọi là chuỗi đảo thứ hai và đe dọa các căn cứ quân sự của Hoa Kỳ và các lực lượng của đồng minh. Điều này có thể khiến tất cả các lực lượng của Hoa Kỳ và đồng minh trong khu vực gặp rủi ro bị tấn công bằng hỏa tiễn. 

Đài Loan là một phần của chuỗi đảo đầu tiên, một nhánh của các quần đảo lớn trải dài từ Indonesia qua Philippines tới Nhật Bản. Duy trì một sự hiện diện thông qua chuỗi đầu tiên là điều cần thiết để lực lượng quân sự đi qua chuỗi đảo thứ hai, và xa hơn là tiến vào Thái Bình Dương.

ĐCSTQ từ lâu đã nhận thức được nhu cầu chiến lược đó: kiểm soát Đài Loan.

Theo một bài báo năm 2004 của hãng thông tấn nhà nước Thời báo Hoàn Cầu, việc chiếm Đài Loan sẽ khai mở phía đông Thái Bình Dương cho quân đội Trung Quốc và đồng thời làm xói mòn hàng rào chiến lược do chuỗi đảo đầu tiên dựng lên, mà hiện đang kìm chân lực lượng của họ ở đất liền. 

Do đó, [chiếm lấy] Đài Loan là điều cần thiết cho cuộc chiến tranh giành quyền lực thống trị toàn cầu của Trung Cộng, vì cả sự thống trị về mặt ý thức hệ của chủ nghĩa cộng sản Trung Quốc lẫn năng lực quân sự để tiến hành chiến tranh với Hoa Kỳ đều phụ thuộc vào điều đó. 

Có lẽ vì lý do đó, một bài xã luận gần đây của Thời báo Hoàn Cầu đã tuyên bố rằng nhà cầm quyền này sẽ “tấn công mạnh quân đội Hoa Kỳ vốn đến để giải cứu Đài Loan,” và nói thêm rằng bất kỳ các loại vũ khí nào được Hoa Kỳ đưa đến Đài Loan đều sẽ bị phá hủy. 

Ông Krach nói: “Sau nhiều thập niên chờ thời, đóng vai nạn nhân, lôi kéo sự ưu đãi từ thế giới tự do, Tổng Bí thư Tập quyết định đã đến lúc Trung Quốc phải nắm giữ vai trò thống trị trên trường thế giới.” 

“ĐCSTQ cũng hiểu vai trò chiến lược của Đài Loan như một cường quốc công nghệ cao, uy tín, đặc biệt là với tư cách nhà sản xuất chất bán dẫn hàng đầu thế giới,” ông Krach nói khi đề cập đến thực tế rằng Đài Loan sản xuất khoảng 63% chất bán dẫn trên toàn cầu, vốn rất quan trọng đối với các công nghệ từ xe bán tải đến hỏa tiễn đạn đạo – một năng lực mà Bắc Kinh khao khát có được. 

“Đó là lý do tại sao việc kiểm soát Đài Loan là một ưu tiên chiến lược của ĐCSTQ, và việc bảo vệ Đài Loan cũng như bảo đảm công nghệ của tương lai là công nghệ đáng tin cậy phải là ưu tiên của thế giới tự do.”

Tham vọng bá chủ

Chiến lược lớn của Trung Cộng là trở thành bá chủ. Tham vọng của họ là thay thế vai trò của Hoa Kỳ, và ông Tập đã chỉ thị để củng cố địa vị của quân đội nhắm tới mục tiêu cuối cùng này. Ông Anders Corr, người đứng đầu công ty cố vấn Corr Analytics và là một cộng tác viên của The Epoch Times nói rằng: “Các mục tiêu bá chủ toàn cầu của ĐCSTQ không chỉ là tuyên truyền, mà là điều có thật.”

“Họ đang đạt được bước tiến với những luật có hiệu lực trên toàn cầu, gắn liền với các nỗ lực dẫn độ hung hăng, cùng với việc gia tăng ảnh hưởng, có xu hướng kiểm soát Liên Hiệp Quốc và các tổ chức quốc tế cùng các tập đoàn đa quốc gia khác.” 

Để đạt được mục tiêu đó, Trung Cộng đang theo đuổi một chiến lược toàn dân, tận dụng bộ máy quân sự, kinh tế, và ngoại giao để chống lại Hoa Kỳ. 

Theo ông Corr, điều này gây nguy hiểm cho tất cả người Mỹ vì ĐCSTQ gần như chắc chắn sẵn sàng đi xa hơn trong việc theo đuổi xung đột mang tính hủy diệt hơn so với mong muốn của Hoa Kỳ. 

Ông Corr nói, “ĐCSTQ sẵn sàng mạo hiểm cho chiến tranh hơn là chúng ta, mà họ có thể dùng đến một hình thức xung đột mạo hiểm để buộc chúng ta phải rút lui. Chiến tranh trong thời đại hạt nhân chống lại kẻ thù có vũ khí hạt nhân là điều gần như không thể tưởng tượng được đối với người dân ở các nền dân chủ, mà theo quan điểm của Bắc Kinh đó là một điểm yếu cần được khai khác.” 

Bộ máy ngoại giao của Trung Cộng nói rằng họ muốn các kịch bản hòa bình và đôi bên cùng có lợi. Tuy nhiên, những gì họ không nhắc đến lại chính xác là những gì ông Tập cho là cần thiết để hòa bình có thể bắt đầu. 

Ông Tập nói một cách đơn giản trong lễ kỷ niệm Chiến tranh Triều Tiên hồi năm 2020 rằng: “Cần phải có một chiến thắng để giành được hòa bình và sự tôn trọng.”

Chiến thắng chứ không phải là tình hữu nghị là điều mà Trung Cộng giờ đây đang tìm kiếm.

Ông Andrew Thornebrooke là một phóng viên của The Epoch Times, chuyên đưa tin về các vấn đề liên quan đến Trung Quốc với trọng tâm là quốc phòng, các vấn đề quân sự, và an ninh quốc gia. Ông có bằng Thạc sĩ lịch sử quân sự tại Đại học Norwich.

Thuần Thanh biên dịch

Related posts