“Khi bạn đọc những dòng chữ này thì tôi không còn trên cõi đời này nữa.”
Bạn thân mến. Bạn có bao giờ nhận được một bức thư ngắn ngủi như thế chưa nhỉ? Trên thế giới có không biết bao nhiêu những tờ thư bắt đầu và kết thúc chỉ bằng một câu ấy. Ngày trước tôi cũng có lần viết một dòng ngắn ngủi như thế cho một người bạn. “Khi bạn đọc được những dòng chữ này thì tôi hoặc đang nằm trong bụng cá, hoặc đang ở trại giam, hoặc cũng có thể đang ở trại tỵ nạn nào đó ở Đông Nam Á.” Những dòng chữ để lại cho người bạn năm ấy là câu nhập đề cho một chuyện kể (hiếm hoi) có hậu, một loại hồi ký có “happy ending”, bởi tôi may mắn có thể kể lể dông dài những tình tiết gay cấn (hoặc nhàm chán vì cứ bắt thiên hạ nghe hoài) xảy ra sau đó. Trong khi có biết bao nhiêu người khác thiếu may mắn; với họ, dòng chữ viết vội trên mảnh giấy gửi cho người ở lại, là lời chào vĩnh biệt.
Cách đây không lâu, trong một đoạn băng hình ngắn, gửi ra ngoài cái khung hào nhoáng của một vương quốc dầu hỏa ở bán đảo Ả Rập, có một cô gái, và câu nhắn gửi này: “Nếu bạn coi được băng hình này thì thật là không tốt nữa rồi, bởi tôi hoặc là đã chết hoặc là đang gặp hoàn cảnh vô cùng, vô cùng tồi tệ.”
Khi câu nhắn gửi ấy được phát tán khắp nơi trên thế giới thì người gửi đi tin nhắn ấy đã bặt tông tích.
Bạn thân mến, đó là câu chuyện của một nàng Công Chúa Ả Rập, chuyện kể không từ trong cổ tích, mà chỉ mới xảy ra cách đây không lâu, ngay trong thế kỷ bạn và tôi đang sống.
Nàng Công Chúa Ả Rập. Ngay từ những ngày mới lớn tôi đã hình dung đến một chuyện tình lãng mạn có mình làm nhân vật chính, và vai nữ chính là một nàng Công Chúa Ả Rập. Có lẽ thuở bé nghe hoài những chuyện cổ tích về xứ Ngàn Lẻ Một Đêm nên trong tâm trí in đặm hình ảnh mượt mà của những nàng Công Chúa Ả Rập (dĩ nhiên là khuôn mặt trái soan, là đôi mắt đen nhánh to tròn, là sống mũi cao và thẳng, là cánh môi mọng đỏ, là nụ cười hút hồn, là giọng nói ngào đường ướp mật). Lớn thêm chút nữa, trong đầu vướng thêm những lời hát khơi gợi cả một khung huyền thoại đại loại như “Nhớ chuyện ngàn đêm xứ Ba Tư, và chuyện thần tiên bao thế hệ…” thật nhiều thứ nuôi dưỡng trí tưởng tượng niên thiếu biết bao lâu. Lớn thêm nhiều chút nữa, nghĩa là khi đã định cư ở Quê Hương Thứ Hai, có việc làm trong một bộ phận của Bộ Di Trú, một lần, tôi được một vị khách đến từ bán đảo Ả Rập, khu vực Trung Đông, nhờ tôi giúp làm hồ sơ bảo lãnh cho cô con gái đã qua tuổi vị thành niên, không còn nằm trong tiêu chuẩn bảo lãnh thân nhân của ông bố.
Ông gợi ý tôi đứng ra bảo lãnh con gái ông trong diện hôn thê – lúc ấy Canada còn cho bảo lãnh vợ hay chồng sắp cưới – thấy tôi ngần ngừ, ông khách khuyến khích: “Cậu sẽ có cô vợ là một nàng Công Chúa Ả Rập.”
Bạn thân mến, tôi đã không có được một nàng Công Chúa Ả Rập làm bạn trăm năm bởi tôi yếu bóng vía, không biết tiếng Ả Rập. Và không thích mùi dầu hỏa.
Rõ dại!
Tuy nhiên tôi không tiếc bởi có thể ông khách xứ dầu hỏa kia chỉ ví von lãng mạn hóa cuộc sống thế thôi, cũng như những thanh niên đang theo đuổi cô gái Trung Quốc thường hay lãng mạn hóa chuyện tình của mình và gọi cô gái made-in-China ấy là Cánh Hồng Trung Quốc, chứ thực ra đã mang thân phận nữ nhi thì cho dù là công chúa chăng nữa cũng luôn luôn sống trong sự đè nén, áp bức và bất công của xã hội, nhất là ở những quốc gia của khối Ả Rập hay các nước khu vực Á Châu như Trung Hoa, Việt Nam, Đại Hàn, Ấn Độ, Hồi Quốc…
Nàng Công Chúa Ả Rập có thật của ngày hôm nay là công chúa Latifa bint Mohammed al-Maktoum của United Arab Emirates, người đã gợi được sự chú ý của thế giới qua đoạn băng hình ngắn ngủi với câu nói: “If you are watching this video it’s not such a good thing, either I’m dead or I’m in a very, very bad situation.” Và khi thế giới nhận được những hình ảnh ấy thì cô đã bị bắt lại và thế giới bên ngoài không còn tin tức gì của cô nữa.
Chuyến đào thoát của Nàng Công Chúa Ả Rập Latifa được chuẩn bị thật kỹ lưỡng, hệt như những chuyến vượt biên của người Việt Nam thuở trước. Ngày trước, người Việt “có ý đồ vượt biên” thường phải gom góp tiền bạc, lén lút mua dầu, kín đáo sắm ghe, cẩn thận tìm tài công, thận trọng chờ mùa biển lặng sóng êm, và phó mạng cho biển cả… Ai đã từng vượt biên đường biển thì biết rõ những chi tiết ấy. Và điều đáng ngại nhất là sợ bị lừa, mất tiền, mất vàng và có thể mất luôn mạng sống.
Công Chúa Latifa chuẩn bị chuyến vượt biên suốt bảy năm trời. Và đây không phải là chuyến đi đầu tiên. Trong đoạn video thâu trước đó, cô cho biết đã tìm cách trốn khỏi quê nhà – xứ United Arab Emirates (UAE) – vào năm 16 tuổi. Chuyến đi bất thành, cô bị bắt ở biên giới, và dù là một nàng công chúa, cô cũng bị 3 năm tù, thường xuyên bị đánh đập và tra tấn. “Một tên vệ binh đè tôi xuống, một đứa khác vừa đánh tôi vừa nói, ‘cha cô ra lệnh cho tụi tôi đánh cô cho chết luôn’”. Kinh nghiệm đau thương ấy khiến chuyến đi thứ nhì, cô bỏ ra bảy năm trời để chuẩn bị.
Nàng Công Chúa Ả Rập Latifa, 32 tuổi, là một trong ba mươi người con của ông hoàng Mohammed bin Rashid al-Maktoum, Thủ Tướng nước (tạm dịch là) Liên Hiệp Ả Rập Emirates. Và là người thứ nhì đã tìm cách trốn khỏi “chiếc lồng bằng vàng” theo lời cô mô tả. Năm 2000, chị của cô là Shamsa cũng tìm cách trốn khỏi sự kiềm chế của nhà cầm quyền UAE trong lúc theo học ở Anh Quốc và bị bắt cóc trở về nước để trừng phạt. Việc bắt cóc ấy vi phạm luật lệ Anh quốc nhưng cảnh sát Anh đành bó tay vì không được sự cộng tác của nhà cầm quyền UAE trong cuộc điều tra. Shamba sống tám năm trong tù và khi được thả, cô thường xuyên bị “điều trị” bằng những loại thuốc có tác dụng làm hôn ám đầu óc, làm mịt mù trí nhớ. Và cô hoàn toàn biến mất khỏi tầm nhìn của công chúng.
Được sự trợ giúp của một cựu chuyên viên tình báo Pháp (Hervé Jaubert) và nữ huấn luyện viên võ thuật người Phần Lan (Tiina Jauhiainen), Latifa chuẩn bị chuyến vượt biên thật kỹ lưỡng. Khi biết Jaubert đã từng trốn thoát khỏi UAE bằng đường biển, Latifa tìm cách liên lạc với ông để nhờ ông giúp cô trốn ra nước ngoài. Để biết chắc là mình không bị gài bẫy, vị cựu sĩ quan hải quân và là cựu chuyên viên tình báo này đã thận trọng giữ liên lạc với cô suốt mấy năm trời trước khi gặp mặt cô lần đầu.
Trong một điện thư gửi cho Jaubert, Latifa kể về thân phận của cô và của phụ nữ nói chung trong một xã hội mà phụ nữ không được coi như những con người thực sự; một thứ “subhumans”, thứ sinh vật hạ đẳng sống trong sự kìm kẹp và áp bức đầy bất công của luật lệ Hồi Giáo. Những liên lạc thường xuyên ấy giúp phá tan sự nghi ngờ nơi vị cựu chuyên viên tình báo người Pháp này và ông quyết định giúp Latifa đi tìm tự do.
Trong thời gian chờ đợi ấy, Latifa tập capoeira, một môn võ thuật của Brazil với Tiina Jauhiainen. Hai người trở thành bạn thân, và họ gặp nhau thường xuyên. Họ dự tính sẽ vượt Ấn Độ Dương, đến Ấn Độ, từ đó sẽ bay đến Hoa Kỳ cho Latifa xin tỵ nạn.
Sau chín tháng chuẩn bị, hai người rời Dubai ngày 24 tháng Hai, 2018. Chuyến mạo hiểm của họ bắt đầu vào bữa điểm tâm buổi sáng ở một quán cà phê quen, vì họ thường đến đó nên những con mắt canh chừng nghiêm nhặt của đám cận vệ cũng trở nên lơ là. Latifa trút bỏ abaya, áo khoác ngoài của phụ nữ Ả Rập, bỏ điện thoại lại quán để không bị theo dõi, và ăn mặc như hai du khách bình thường, hai người lái xe vượt biên giới qua nước láng giềng Oman. Đó là lần đầu tiên công chúa Latifa được ngồi ở ghế trước một chiếc xe hơi. Từ thủ đô Muscat của Oman, họ dùng xuồng bơi 26 Km ra khơi để gặp Herbé Jaubert, từ đó họ lặn lội thêm 24 Km bằng xe trượt nước (jetski) nơi ghe lớn đậu với thủ thủy đoàn Philippines chờ sẵn. Chiếc ghe lớn của Jaubert treo cờ Mỹ với hy vọng mọi sự đột kích hay tấn công của đám “an ninh biển” (theo ngôn ngữ nhà nước Việt Cộng) nếu xảy ra, sẽ là một biến cố gây tiếng vang và dễ được quốc tế can thiệp.
Điểm đến của họ là Goa, một tiểu bang ở phía tây Ấn Độ bên bờ Ấn Độ Dương.
Chuyến hải trình rất gian nan vì sóng biển cao tới hai mét và gió thổi mạnh. Nhưng họ cũng đến được điểm hẹn. Để chuẩn bị cả cho sự thành công lẫn thất bại của chuyến đi, Latifa dùng điện thoại nhắn tin cho gia đình, tiếp xúc nhóm Detained in Dubai – một tổ hợp các luật sư tại Anh Quốc có mục đích trợ giúp những người sống ở nước ngoài – và liên lạc với giới truyền thông, hy vọng việc loan truyền tin tức sẽ giúp bảo vệ cho cô phần nào, tuy nhiên các ký giả được liên lạc cũng như giới truyền thông không tin – vì thời buổi này, tin giả nhiều như ruồi, như muỗi – và không ai để ý đến những lời cầu cứu của một cô gái đang lênh đênh trên đại dương, có thể bị bắt trở lại bất cứ lúc nào để chết rũ trong tù. Hậu quả là cô vẫn chỉ vùng vẫy một mình trong tuyệt vọng.
Khi tàu của họ chỉ còn cách bờ biển Ấn Độ khoảng 48 km, một toán biệt kích Ấn Độ đã bất ngờ đột nhập lên tàu bắt Latifa, và đem cô lên máy bay trực thăng, đem về trao trả cho UAE. Ấn Độ và UAE là đồng minh nên chuyện Ấn Độ tấn công tàu ngoại quốc trong hải phận Ấn Độ và bắt người trao cho UAE hoàn toàn không gây chút sóng gió nào.
Từ đó thế giới không còn nghe tin tức hay nhìn thấy hình ảnh nào của Latifa nữa.
Bạn thân mến. Câu chuyện về nàng Công Chúa Ả Rập thời hiện đại làm tôi nhớ những chuyến vượt biên của người Việt chúng ta năm xưa. Tôi nhớ những cái đầu ngoi lên từ những khoang tàu chật hẹp, những bàn tay tua tủa mọc lên, ríu rít vẫy gọi những chiếc tàu buôn lặng lẽ lướt xa dần; tôi nhớ những con tàu hung hãn với bọn thú dữ tay vung mã tấu, dao, búa; lôi kéo những hình hài nhem nhuốc, tàn tạ đem đi biệt tích; tôi nhớ những con tàu mũi nhọn bằng sắt đâm thẳng vào lườn chiếc ghe ốm đói; tôi nhớ những vòng nước xoáy khi chiếc ghe mỏng mảnh xoay tròn và chìm vào vũng nước đen ngòm, những vòng nước xoáy giống hệt những vòng nước tung tóe khi chiếc trực thăng của đám biệt kích Ấn Độ dồn cô giáo võ thuật người Phần Lan, vị cựu sĩ quan Hải Quân Pháp và nàng Công Chúa Ả Rập khao khát tự do vào một góc thân tàu và xoay đầu bay về phía tây bắc, nơi có thủ đô Dubai tráng lệ, hào nhoáng, sang trọng nhất nhì thế giới, nhưng cũng là nơi phụ nữ bị xem như những sinh vật hạ đẳng, những đồ vật do bọn đàn ông làm sở hữu chủ.
Và tôi nhớ con mắt đẵm lệ của cô giáo võ thuật người Phần Lan khi nhắc về cô bạn thân gốc hoàng gia của xứ dầu hỏa Trung Đông: “I hope she is still alive.”
Bạn thân mến, bỗng dưng tôi nhớ Công Chúa Huyền Trân nước Việt mình. Không bận tâm so sánh nàng Công Chúa nước Đại Việt của 700 năm trước với nàng Công Chúa Ả Rập thế kỷ 21, tôi chỉ hình dung ra nỗi buồn thê thiết của cái điều mà nhân gian vẫn gọi là “thân phận nữ nhi” cho dù đó là thân phận của một nàng công chúa, và nhận ra rằng những thân phận ấy thời buổi nào, đất nước nào – nếu vắng đi sự bình đẳng giới tính thì – cũng héo hắt như nhau.
Khúc An
__._,_.___