Ngày 18/11, khi Thủ tướng Starmer nêu quan ngại với ông Tập Cận Bình về nhân quyền, Đài Loan, Hồng Kông và sức khỏe của người sáng lập Next Media Lê Trí Anh (Jimmy Lai), các nhà báo nước ngoài đã bị Trung Quốc đuổi ra ngoài trên đất Brazil. Cư dân mạng gọi hành động này của ông Tập Cận Bình là “có tật giật mình”.
Hành động thô bạo trên xảy ra khi lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình và Thủ tướng Anh Keir Starmer hội đàm bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Rio de Janeiro, Brazil.
Một số nhà phân tích tin rằng các nước dân chủ nên lấy hết can đảm để ngăn chặn những hành động xấu xa của ĐCSTQ, vì điều này đã vi phạm quyền được biết của người dân.
Sự tan băng trong quan hệ Trung – Anh đối mặt với thách thức
Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Anh trở nên căng thẳng trong những năm gần đây do ảnh hưởng của vấn đề nhân quyền, Hồng Kông và các vụ gián điệp. Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa lãnh đạo Trung Quốc và Anh sau 6 năm.
Theo truyền thông nước ngoài, ông Tập Cận Bình phát biểu trước, rằng hai nước sẽ tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, năng lượng sạch và các lĩnh vực khác.
Khi Thủ tướng Starmer bày tỏ lo ngại về nhân quyền, các nghị sĩ Anh bị Bắc Kinh trừng phạt, cùng các vấn đề như Đài Loan, Biển Đông, Hồng Kông và sức khỏe ngày càng xấu đi của người sáng lập Next Media Lê Trí Anh đang bị cầm tù, quan chức Trung Quốc bất ngờ yêu cầu các nhà báo nước ngoài ra khỏi hội trường.
“Bloomberg” cho biết, “sự cố khó xử” này nêu bật những thách thức mà ông Starmer phải đối mặt trong việc tìm cách làm tan băng mối quan hệ Trung -Anh.
Có thông tin cho rằng đây không phải là lần đầu tiên ĐCSTQ đuổi các nhà báo ra khỏi một cuộc họp. Trong cuộc gặp với Tập Cận Bình tổ chức ở Peru ngày 16/11, sau khi hai ông Biden và Tập Cận Bình lần lượt phát biểu, quan chức Trung Quốc cũng bắt đầu xua đuổi phóng viên nước ngoài tại hiện trường. Vì vậy, ngoại giới không biết hai bên đã thảo luận những gì.
Nội dung bài đăng trên X: “Khi Thủ tướng Anh Keir Starmer phát biểu trước mặt ông Tập Cận Bình tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Brazil rằng Trung Quốc vi phạm nhân quyền và đang nói về Đài Loan, Hồng Kông cùng ông Lê Trí Anh (Jimmy Lai), ĐCSTQ đã nhanh chóng làm gián đoạn cuộc họp, và ra lệnh cho các nhà báo Anh rời khỏi hội nghị.”
中共太不要臉了!
當英國首相基爾-斯塔默(Keir Starmer)在巴西舉行的20國集團峰會上當著習近平的臉說中國侵犯人權, 正在談台灣,香港,黎智英的時候,中共人迅速打斷會議,並 命令英國記者離開會場 pic.twitter.com/HLrZiMImGc
— 德潤傳媒 (@DXDWX999) November 19, 2024
Cư dân mạng: ĐCSTQ có tật giật mình
Sau khi video ĐCSTQ xua đuổi các nhà báo quốc tế được lan truyền rộng rãi, nó đã làm dấy lên những cuộc thảo luận sôi nổi trong cư dân mạng.
Một số cư dân mạng chỉ trích: “Hội nghị thượng đỉnh không diễn ra trên sân nhà của Trung Quốc, mà vẫn có thể kiêu ngạo đến mức không thể tưởng tượng được.”
“Là do Chính phủ Trung Quốc có tật giật mình. Họ dùng hành động để chứng minh tuyên bố của ông Starmer về việc Trung Quốc vi phạm nhân quyền là đúng.”
Người nổi tiếng trên mạng “Công tử Thẩm” mỉa mai: “Đây có phải là sự tự tin của một nước lớn không? Đây là dấu hiệu cho thấy sự trỗi dậy của Trung Quốc sao? Họ sợ phóng viên nghe được những lời này như vậy, sợ những lời người Anh nói bị phóng viên tại hiện trường bắt được, thật là nực cười.”
Các nền dân chủ thiếu can đảm
Trong chương trình truyền thông cá nhân của mình, nhà bình luận thời sự Lý Đại Vũ tiết lộ: “Kể từ khi đàn áp Pháp Luân Công vào năm 1999, từ lâu ĐCSTQ đã có một thỏa thuận riêng bất thành văn với cộng đồng quốc tế, tức là bạn có thể chỉ trích nhân quyền của tôi, nhưng bạn không thể nói điều đó ở nơi công cộng, chỉ có thể nói lúc riêng tư.”
Ông Lý chỉ ra rằng chỉ khi nói ở nơi công cộng, ĐCSTQ mới cảm thấy áp lực, trong khi nói chuyện riêng tư thì không có tác dụng gì. ĐCSTQ không hề sợ hãi. “Tuy nhiên, khi nói đến đàn áp nhân quyền, nhiều nước dân chủ vẫn thiếu dũng khí khi đối mặt với ĐCSTQ.”
Lần này, việc xua đuổi các phóng viên trước mặt Thủ tướng Anh là một ví dụ. Mục đích đuổi phóng viên khỏi cuộc gặp song phương với ông Biden cũng tương tự, vì nhiều vấn đề ĐCSTQ muốn được thảo luận riêng.
Ông nói: “Chi tiết này đáng được các chính phủ phương Tây, gồm cả các nền dân chủ châu Á quan tâm. Họ nên nhìn xem ĐCSTQ đang làm gì trước mặt lãnh đạo của họ tại các hội nghị quốc tế. Một khi điều này xảy ra, miễn là cả hai bên không đồng ý, tại sao các nước dân chủ không thể ngăn chặn ngay lập tức?
Kỳ thực đây là việc xâm phạm quyền được biết của người dân và xâm phạm quyền của các phóng viên truyền thông. Điều này không nên được bảo vệ sao? Hơn nữa, nó cũng tạo cơ hội cho ĐCSTQ tạo ra những tin tức sai sự thật.”
Ông lấy ví dụ, ngày 15/11, khi Thủ tướng Singapore Lawrence Wong gặp Chủ tịch Tập Cận Bình tại APEC, Tân Hoa Xã đưa tin, Singapore không ủng hộ Đài Loan độc lập. “Chính quyền Đài Loan đã tham vấn Bộ Ngoại giao Singapore và nhận được câu trả lời rằng Singapore chưa bao giờ nói điều này.”
Ông Lý Đại Vũ cho rằng các nước phương Tây quá lịch sự và lịch thiệp khi đối phó với những băng đảng như ĐCSTQ. “Nếu kiểu trục xuất nhà báo này xảy ra một lần nữa, tôi nghĩ lãnh đạo các nước dân chủ phải có can đảm để ngăn chặn nó, và bác bỏ hành vi tà ác của ĐCSTQ muốn thảo luận sau cánh cửa đóng kín.”
Bộ Ngoại giao của ĐCSTQ là “Bộ Tuyệt giao”
Trong một chương trình truyền thông cá nhân, ông Trần Phá Không, nhà bình luận chính trị sống tại Hoa Kỳ, cho biết việc trục xuất các nhà báo là một kế hoạch đã được tính toán trước của Trung Quốc. Bất cứ khi nào nhắc đến nhân quyền và ông Lê Trí Anh, các phóng viên đều bị trục xuất.
Ông tin rằng điều này xảy ra có nhiều lý do như:
– Ông Tập Cận Bình không quan tâm đến hình ảnh quốc tế của mình. Họ là chế độ chuyên chế, độc tài.
– Ngoại giao chiến binh sói của ĐCSTQ là chưa đủ, còn phải dùng đến ngoại giao thô bạo.
– Họ làm điều này cho tổng thống sắp tới của Mỹ Trump xem và thể hiện sức mạnh với ông Trump.
Ông Trần Phá Không nói rằng việc Trung Quốc cưỡng bức trục xuất các nhà báo đã vi phạm luật pháp quốc tế. “Việc xô đẩy hoặc xua đuổi các nhà báo ở Trung Quốc đã là bất hợp pháp, chứ chưa nói đến việc làm điều đó trên đất của người khác, trên đất Brazil.”
Sự phát triển của ĐCSTQ từ “ngoại giao chiến binh sói” sang “ngoại giao động thủ” hoàn toàn là do thế giới quan của ông Tập Cận Bình. Ông Trần Phá Không cho biết: “Cách tiếp cận của ông Tập Cận Bình đã được cư dân mạng Trung Quốc mô tả, không phải là Bộ Ngoại giao mà là Bộ Tuyệt giao.”
Lý Tịnh Dao / Vision Times