Omicron : Pháp giảm thời hạn tiêm liều nhắc lại xuống 3 tháng
Trọng Thành
Hôm 27/12/2021, Hội đồng cố vấn về dịch tễ đã họp dưới sự chủ trì của tổng thống Emmanuel Macron để bàn về các biện pháp mới nhằm kịp thời giảm thiểu đà lây lan và các tác hại của biến thể Omicron. Giảm thời hạn tiêm liều nhắc lại, tăng số ngày làm việc từ xa là hai trong số các biện pháp chính được công bố sau cuộc họp. Nhưng chính phủ không tái lập lệnh giới nghiêm.
Tiêm chủng được coi là biện pháp chủ yếu để giảm thiểu mức độ nguy hiểm của virus. Sau cuộc họp hôm qua, thủ tướng Jean Castex thông báo kể từ thứ Ba 28/12/2021, tất cả những người đã được tiêm hai liều hoặc một liều sẽ có thể được tiêm liều nhắc lại sau 3 tháng, chứ không phải 4 tháng như trước đây. Với chính sách mới này, chính phủ Pháp hy vọng sẽ thúc đẩy khoảng 20 triệu người Pháp, trong diện liên quan, nhanh chóng tiêm liều nhắc lại, để giảm số người mắc các chứng nặng nếu nhiễm virus gây bệnh Covid-19.
Chính phủ đang chuẩn bị để sớm đưa ra một dự luật chuyển chứng nhận y tế liên quan đến Covid-19 thành chứng nhận tiêm chủng. Nếu Quốc Hội bỏ phiếu thông qua dự luật này, để vào các địa điểm đông người (như nhà hàng, quán bar, bảo tàng, rạp hát, phòng tập thể thao…) kể từ ngày 15/01/2022, có giấy chứng nhận âm tính với virus corona là chưa đủ, mà có chứng nhận đã tiêm chủng đủ liều.
Chính phủ cũng áp dụng trở lại giới hạn số người có mặt tại các cuộc tập hợp, tối đa 2.000 người trong không gian khép kín, và 5.000 ở không gian ngoài trời. Lệnh này sẽ được áp dụng ngay từ 27/12, có hiệu lực trong 3 tuần lễ. Tại các khu vực trung tâm thành phố, việc mang khẩu trang ngoài đường là bắt buộc.
Theo thủ tướng Jean Castex, làm việc từ xa sẽ trở thành quy định bắt buộc đối với tất cả các doanh nghiệp và nhân viên, trong điều kiện cho phép, tối thiểu là ba ngày trong một tuần, và nếu được thì bốn ngày. Việc xem xét lại quy định về thời gian cách ly với người nhiễm virus, hoặc nghi nhiễm, theo hướng giảm bớt để phù hợp với tình hình mới, sẽ được đưa ra từ đây đến cuối tuần.
Thủ tướng Pháp cam kết « các lĩnh vực kinh tế bị tác động bởi những quyết định mà chính phủ đưa ra sẽ được bồi thường, trong khuôn khổ các thương lượng sẽ sớm được tiến hành và do bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Bruno Le Maire chủ trì ».
Biện pháp giấy chứng nhận tiêm chủng và nhiều biện pháp hạn chế mới khác của chính quyền bị nhiều chính trị gia đối lập, trong đó có lãnh đạo đảng cực hữu Marins Le Pen (RN), lên án.
Không giới nghiêm dịp Giao thừa
Mặc dù đưa ra nhiều biện pháp siết chặt, chính phủ Pháp quyết định giữ nguyên ngày học sinh trở lại trường sau kỳ nghỉ, dự kiến là 03/01/2022. Hoãn thời điểm trở lại trường học thêm một tuần là đề xuất của bà Valérie Pécresse, ứng cử viên tổng thống của đảng cánh hữu đối lập LR. Chính phủ cũng quyết định không giới nghiêm vào dịp Giao thừa, thứ Sáu 31/12. Nhưng thủ tướng Jean Castex cũng một lần nữa nhắc lại các yêu cầu của ngành y tế : « Giới hạn các cuộc vui lớn, mang khẩu trang, thông khí, xét nghiệm ».
Về diễn biến dịch bệnh, người đứng đầu chính phủ cho biết áp lực gia tăng lên hệ thống bệnh viện, nhưng với « nhịp độ vừa phải », với hơn 16.000 người mắc Covid-19 đang được điều trị, trong đó có hơn 3.000 người đang được điều trị tích cực. Thủ tướng Castex cho biết Hội đồng cố vấn về dịch tễ sẽ họp lại ngày 05/01 để « điểm lại » tình hình dịch bệnh sau kỳ nghỉ cuối năm.
Covid-19: Mỹ giảm thời gian cách ly xuống còn 5 ngày
Trọng Thành
Ảnh chụp bên ngoài một bệnh viện tại thành phố New York, Mỹ, ngày 18/11/2021. AFP – SPENCER PLATT
Tình hình dịch bệnh có chiều hướng căng thẳng hơn tại Mỹ những ngày gần đây. Số lượng ca nhiễm mới hàng ngày tăng gần gấp đôi so với hai tuần trước. Biến thể Omicron lây nhanh nhưng có thể ít gây bệnh nặng, nhất là với người đã tiêm chủng hai liều. Chính quyền trung ương kêu gọi « bình tĩnh », đồng thời ra quy định mới giảm mạnh thời gian cách ly.
Theo quy định của Trung tâm Ngăn ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh của Hoa Kỳ (CDC), kể từ hôm qua 27/12/2021, thời gian cách ly với người nhiễm virus không triệu chứng được giảm từ 10 xuống còn 5 ngày. Đối với những người chưa tiêm chủng, thời gian cách ly của người tiếp xúc với ca nhiễm cũng giảm từ 14 xuống 5 ngày. Riêng những ai đã tiêm chủng mà có tiếp xúc với người nhiễm thì không cần cách ly.
Theo AFP, cơ quan y tế Mỹ thông tin rõ ràng là đa số các trường hợp nhiễm virus xảy ra trong thời gian hai ngày trước và ba ngày sau khi xuất hiện các triệu chứng bệnh Covid-19. CDC khuyến cáo mọi người sau thời gian cách ly nên mang khẩu trang đủ 5 ngày.
Tại New York, lo ngại trước làn sóng dịch bệnh mới, thị trưởng Bill de Blasio quyết định tiêm chủng bắt buộc với toàn bộ nhân viên chính quyền thành phố, giáo viên cũng như nhân viên các công ty tư nhân. Quyết định có hiệu lực từ hôm 27/12. Người vi phạm bị phạt tiền tới 1.000 đô la.
New York: số lượng trẻ dưới 5 tuổi phải nhập viện tăng vọt
Cơ quan y tế New York cũng lo ngại trước tình trạng số lượng bệnh nhân trẻ em phải nhập viện do Covid-19 tăng vọt từ giữa tháng 12. Thông tin viên David Thomson tường trình :
« Trẻ em nhập viện do Covid-19 vẫn còn rất hiếm. Tùy theo từng bang, tỷ lệ này chỉ chiếm từ 2 đến 4% số ca nhập viện nói chung. Tuy nhiên, xu hướng đang được ghi nhận ở New York là đáng báo động. Trong vòng hai tuần, số bệnh nhi nhập viện liên quan đến Covid tăng gấp bốn lần. Trong số các bệnh nhi này, không em nào được tiêm chủng đầy đủ.
Cũng phải nói rằng một nửa trong số bệnh nhi này là trẻ em dưới 5 tuổi, chưa đủ điều kiện tiêm vac-xin. Ở quy mô quốc gia, Hoa Kỳ ghi nhận mức tăng 31% trong 10 ngày. Trung bình tuần trước, có 800 trẻ em phải nhập viện do Covid mỗi ngày, theo Washington Post, phần lớn là thiếu niên đã có các yếu tố nguy cơ.
Thứ Hai 27/12, đối mặt với dịch bệnh gia tăng mạnh ở Hoa Kỳ và tình trạng thiếu các bộ xét nghiệm, tổng thống Joe Biden trấn an, kêu gọi người Mỹ đừng hoảng sợ ».
Căng thẳng Ukraina: Mỹ, Nga sẽ họp vào ngày 10/01/2022
Trọng Thành
Theo thông báo của Washington, Hoa Kỳ và Nga sẽ có một cuộc họp cấp cao về an ninh vào ngày 10/01/2022, với căng thẳng Ukraina là chủ đề chính.
Hôm qua, 27/12/2021, một người phát ngôn phụ trách an ninh của Nhà Trắng cho AFP biết là hai chính quyền Mỹ và Nga đã thỏa thuận thương lượng về khủng hoảng Ukraina và kiểm soát vũ khí hạt nhân vào ngày 10/01/2021. Phát ngôn viên nói trên cho biết Hoa Kỳ « nóng lòng » đối thoại với Nga.
Hôm nay, thứ trưởng bộ Ngoại Giao Nga Sergueï Riabkov xác nhận là thương thuyết với phía Mỹ nhằm tìm kiếm giải pháp làm giảm căng thẳng liên quan đến Ukraina sẽ diễn ra vào thời điểm nói trên tại Genève. Tuyên bố với hãng tin Tass, thứ trưởng ngoại giao Nga khẳng định « ngày 10/01 sẽ là ngày đối thoại song phương Nga – Mỹ chủ yếu », nhưng cho biết ông không chờ đợi hai bên đạt được đồng thuận trong « một ngày duy nhất » này.
Cuộc đối thoại song phương ngày 10/01 được tiến hành trong khuôn khổ đối thoại chiến lược về an ninh mà tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và đồng nhiệm Nga Vladimir Putin thỏa thuận tại thượng đỉnh Genève hồi tháng 6/2021. Mặc dù về nguyên tắc, cuộc đối thoại này chủ yếu hướng đến việc thương thuyết lại về các thỏa thuận kiểm soát vũ khí hạt nhân thời hậu Chiến tranh lạnh, nhưng hai bên sẽ đặc biệt tập trung vào tình hình tại vùng biên giới Ukraina – Nga, nơi Matxcơva đang triển khai hàng chục nghìn binh sĩ, gây lo ngại về một vụ can thiệp vũ trang chống Ukraina.
Hiện tại, danh sách các thành viên hai đoàn đàm phán chưa được công bố.
Mọi thỏa thuận liên quan đến Ukraina phải có sự tham gia của Kiev
Từ hơn một tháng nay, chính quyền Nga bị phương Tây tố cáo chuẩn bị can thiệp quân sự vào Ukraina, điều mà Matxcơva bác bỏ. Nga khẳng định đang bị Kiev và khối NATO khiêu khích và yêu cầu Liên minh Bắc Đại Tây Dương cam kết ngừng mở rộng sang các quốc gia thuộc Liên Xô cũ, đặc biệt là sang Ukraina. Nga đã đưa ra hai dự thảo hiệp ước về vấn đề này.
Hôm qua, người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ khẳng định Washington « sẵn sàng thảo luận » về các văn bản đó, nhưng cũng nhấn mạnh là trong đó « có nhiều điều mà phía Nga biết là không thể chấp nhận được ». Theo Washington, mọi thỏa thuận liên quan đến các quyền lợi của Ukraina đều phải có sự tham gia của chính quyền Kiev.
Vẫn theo phát ngôn viên phụ trách an ninh của Nhà Trắng, tiếp theo đối thoại Mỹ – Nga, sẽ có thể có thêm hai cuộc họp khác liên quan đến Ukraina: Đàm phán NATO – Nga vào ngày 12/01, và đàm phán Mỹ – Nga và một số quốc gia châu Âu vào ngày 13/01. Các cuộc họp vào ngày hôm sau sẽ do Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) chủ trì.
Theo Reuters hôm qua, chính quyền Nga đang cân nhắc việc tham gia các đàm phán với NATO ngày 12/01.
Nhật Bản, Trung Quốc sẽ lập đường dây điện thoại “quân sự khẩn cấp”
Phan Minh
Theo thông báo của tổng thư ký chính phủ Nhật Bản Hirokazu Matsuno hôm nay, 28/12/2021, được hãng tin Reuters trích dẫn, bộ trưởng Quốc Phòng Nhật Bản Nobuo Kishi đã thỏa thuận với đồng nhiệm Trung Quốc về việc lập một đường dây điện thoại « quân sự khẩn cấp » vào năm 2022, để ngăn chặn các cuộc xung đột không đáng có giữa Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản và quân đội Trung Quốc.
Hôm qua, trong cuộc hội đàm trực tuyến với bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa, bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Kishi Nobuo đã bày tỏ quan ngại sâu sắc với đồng nhiệm Trung Quốc về điều mà ông gọi là nỗ lực đơn phương của Bắc Kinh nhằm thay đổi bằng vũ lực hiện trạng của các vùng biển trong khu vực.
Theo đài NHK, ông Kishi đã bày tỏ quan ngại về tình hình ở Biển Hoa Đông, bao gồm vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku, mà chính phủ Tokyo vẫn khẳng định chủ quyền và xem là một phần không thể tách rời của lãnh thổ Nhật Bản. Tuy nhiên, quần đảo này cũng đang bị Trung Quốc và Đài Loan đòi chủ quyền.
Ông Kishi lên tiếng phản đối các hành động của Trung Quốc điều động quân lính và các chiến hạm tới khu vực này và thúc giục Bắc Kinh kiềm chế. Ông Kishi nói rằng hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan rất quan trọng đối với an ninh của Nhật Bản và cộng đồng quốc tế và Nhật Bản đang theo dõi chặt chẽ các diễn biến tại đây.
Trong khi đó, theo tờ Hoàn Cầu Thời Báo, bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa nói với ông Kishi rằng Nhật Bản « nên đối mặt với sự thật và học hỏi từ lịch sử », rằng Trung Quốc sẽ kiên quyết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và quyền hàng hải của mình ở Biển Hoa Đông và quần đảo Senkaku, ngay sau khi báo chí Nhật Bản đưa tin nước này gần đây đã tiến hành một cuộc tập trận ở Senkaku với lý do « các thế lực từ bên ngoài » đã chiếm đóng quần đảo.
Các nhà phân tích Trung Quốc do Hoàn Cầu Thời Báo trích dẫn đánh giá cuộc tập trận nói trên « vạch trần tham vọng sở hữu quần đảo » của Nhật Bản và đây rõ ràng là « một hành động khiêu khích nhắm vào Trung Quốc ».
Nga giải thể tổ chức bảo vệ nhân quyền Memorial
Thu Hằng
Memorial, tổ chức trụ cột của xã hội dân sự và giới bảo vệ nhân quyền tại Nga, vừa chính thức bị giải thể theo quyết định của Tòa Tối Cao ngày 28/12/2021. Bản án được tuyên chỉ một ngày sau khi nhà sử học Yury Dmitriyev của Memorial, chuyên nghiên cứu về đàn áp thời Stalin, bị tuyên án 15 năm tù, trong vụ xử « lạm dụng tình dục đối với con gái nuôi ».
Phía bị cáo lên án những cáo buộc bịa đặt để trừng trị nhà sử học đã phát hiện ra những hố chôn tập thể thời Stalin.
Từ hơn 30 năm nay, tổ chức Memorial điều tra các vụ thanh trừng thời Liên Xô và thống kê các vụ trấn áp hiện tại, trong đó có những vụ xảy ra dưới thời tổng thống Putin.
Thông báo giải thể « Memorial International và tất cả các chi nhánh cấp vùng » được chính tổ chức phi chính phủ thông báo trên tài khoản Telegram. Theo AFP, lý do được thẩm phán Alla Nazarova đưa ra là Memorial International đã vi phạm quy định về « tác nhân ngoại quốc » do không ghi rõ điểm này trên tất cả các ấn phẩm của tổ chức theo yêu cầu của pháp luật đối với các tổ chức nhận tài trợ từ nước ngoài.
Trong phiên tòa ngày 28/12, chưởng lý Alexei Jafiarov cáo buộc tổ chức bảo vệ nhân quyền « tạo hình ảnh dối trá về Liên Xô như là một Nhà nước khủng bố », « bôi bẩn kí ức » về Thế Chiến II và tìm cách « phục hồi nhiều tội phạm Đức quốc xã ».
Luật sư bào chữa Maria Eismont đánh giá bản án của tòa là « một quyết định độc ác, bất công ».
Tư pháp Nga quyết định triệt tận gốc tổ chức Memorial. Ngoài việc lệnh giải thể tổ chức phi chính phủ này, trong một hồ sơ khác, Trung tâm Bảo vệ Nhân Quyền, trực thuộc Memorial, cũng bị cáo buộc « quảng bá cho khủng bố và chủ nghĩa cực đoan » và vi phạm luật về « tác nhân ngoại quốc ». Phiên xử dự kiến diễn ra tại Matxcơva vào ngày 29/12.
Tổng thống Ba Lan phủ quyết đạo luật truyền thông gây tranh cãi
Phan Minh
Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda hôm qua, 27/12/2021, đã phủ quyết đạo luật truyền thông gây tranh cãi vì bị xem là công cụ nhằm bịt miệng kênh tin tức độc lập TVN24 do tập đoàn Mỹ Discovery kiểm soát.
Vừa được Quốc Hội thông qua vào ngày 17/12/2021, đạo luật này đã khiến hàng nghìn người Ba Lan xuống đường biểu tình. Đối với những người biểu tình, luật mới nhắm trực tiếp vào tập đoàn truyền hình TVN, cơ quan truyền thông độc lập quan trọng nhất của Ba Lan, ủng hộ phe đối lập với chính phủ bảo thủ đang cầm quyền. Tuy nhiên, tổng thống Duda đã phủ quyết đạo luật này, vốn đã bị Ủy Ban Châu Âu lên án về những hậu quả nghiêm trọng đối với tự do báo chí và tính đa nguyên của truyền thông.
Về mặt chính thức, đạo luật nhằm mục đích bảo vệ các phương tiện truyền thông quốc gia bằng cách ngăn chặn các tập đoàn bên ngoài Khu vực Kinh tế Châu Âu (EEA) nắm đa số vốn của một cơ quan truyền thông Ba Lan. Nhưng trên thực tế, luật này chủ yếu buộc tập đoàn Mỹ Discovery phải nhượng lại cổ phần của họ trong tập đoàn TVN. Kênh truyền hình TVN24 thường xuyên chỉ trích đảng Pháp luật và Công lý cầm quyền. Đảng này vốn đang kiểm soát truyền hình công và nhiều tờ báo địa phương. TVN do đó là một trong những phương tiện truyền thông độc lập cuối cùng ở Ba Lan.