Châu Âu đã hết thời gian để điều chỉnh chính sách quốc phòng

Nguồn: Norbert Röttgen, “Europe Has Run Out of Time,” Foreign Affairs, 22/11/2024

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Với sự trở lại của Trump, lục địa già phải tự quản lý an ninh của mình – và phải nhanh chóng làm vậy.

Suốt hàng thập kỷ, liên minh xuyên Đại Tây Dương đã là nền tảng của an ninh châu Âu. Nhưng ngày nay, quan hệ đối tác của châu Âu với Mỹ đang đứng trước một bước ngoặt quan trọng. Với việc Donald Trump trở lại Nhà Trắng, thực sự có nguy cơ rằng sự can dự của Mỹ vào châu Âu có thể giảm mạnh. Nếu Mỹ ngừng viện trợ quân sự cho Kyiv, hậu quả sẽ rất sâu rộng, đối với cả cuộc chiến ở Ukraine lẫn hàng phòng thủ còn lại của châu Âu chống lại các mối đe dọa bên ngoài, trong đó có một nước Nga phục thù.

Dù nhiệm kỳ thứ hai của Trump nhiều khả năng sẽ mang lại một thay đổi triệt để hơn so với chính sách trước đây của Mỹ, nhưng thực ra sự bất mãn đối với những đóng góp của châu Âu vào quan hệ xuyên Đại Tây Dương đã tồn tại âm ỉ ở Mỹ trong nhiều năm. Tuy nhiên, châu Âu đã lãng phí quãng thời gian mà họ đáng lẽ phải dành để đầu tư nhiều hơn vào quan hệ này – bao gồm cả việc xây dựng hệ thống phòng thủ của riêng mình. Cuộc xâm lược Ukraine của Nga vào năm 2022 đáng lẽ phải là lời cảnh tỉnh cuối cùng, tạo ra động lực thực sự thúc đẩy nỗ lực của châu Âu nhằm trở thành một tác nhân an ninh đáng tin cậy đúng nghĩa. Nhưng thay vào đó, một lần nữa, họ lại để Mỹ dẫn đầu trong một cuộc chiến ở châu Âu. Giờ đây, lựa chọn dự phòng đó có nguy cơ biến mất và các nhà lãnh đạo châu Âu không thể chỉ đổ lỗi cho Washington về tình trạng khó khăn của họ.

Các nhà lãnh đạo châu Âu phải hành động quyết đoán để thúc đẩy một chiến lược thống nhất nhằm đảm bảo hòa bình và ổn định cho châu lục. Họ phải nhanh chóng tăng cường hỗ trợ kinh tế và quân sự cho Ukraine, bắt đầu nỗ lực nghiêm túc để tạo ra một ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu được tích hợp, và chứng minh cho Mỹ thấy rằng châu Âu đã sẵn sàng gánh vác trách nhiệm của mình trong quan hệ đối tác cùng có lợi. Từ giờ trở đi, an ninh của châu Âu sẽ phải là của châu Âu – hoặc nó sẽ không tồn tại.

KHÔNG CÒN CÓ THỂ QUAY LẠI

Kể từ khi Mỹ tham gia Thế chiến II, họ đã xem an ninh châu Âu là lợi ích cơ bản của mình. Chỉ khi có sự hỗ trợ của một châu Âu ổn định và hòa bình, Mỹ mới có thể thể hiện sức mạnh trên toàn cầu. Tuy nhiên, sự can dự của Washington với châu Âu không chỉ là về chiến lược. Liên minh này cũng dựa trên các giá trị, dựa trên cam kết chung là bảo vệ nền dân chủ chống lại chế độ chuyên chế. Trong Chiến tranh Lạnh, quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương càng được củng cố hơn nữa. Việc thành lập NATO vào năm 1949 đã tạo ra một “chiếc ô an ninh” Mỹ giúp châu Âu tái thiết và phát triển, và quan hệ đối tác kinh tế và quân sự giữa Mỹ và châu Âu trong những thập kỷ tiếp theo đã thành công rực rỡ.

Tuy nhiên, với sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh và sự khởi đầu của một kỷ nguyên đơn cực mới của Mỹ, một cảm giác tự mãn nguy hiểm đã xuất hiện ở cả hai bờ Đại Tây Dương. Sự ổn định tương đối của giai đoạn này khiến nhiều quốc gia châu Âu cắt giảm chi tiêu quốc phòng của họ, tin rằng chiến tranh đã biến mất khỏi lục địa già mãi mãi. Hầu hết các đội quân châu Âu đều được tái cấu trúc để tập trung vào các cuộc can thiệp ở nước ngoài và trong quá trình này đã bỏ bê khả năng bảo vệ đất nước của chính họ. Trong khi đó, Mỹ cũng vướng vào các cuộc xung đột tốn kém ở Trung Đông khiến các nguồn lực của họ dần cạn kiệt.

Trong những năm đó, Châu Âu và Mỹ đã phớt lờ hoặc hạ thấp các mối đe dọa đang gia tăng. Bắt đầu từ khoảng mười năm trước, những thách thức của Nga và Trung Quốc đối với trật tự quốc tế do Mỹ lãnh đạo đã bắt đầu gia tăng. Năm 2014, Nga sáp nhập Crimea và phát động chiến tranh ở khu vực Donbas của Ukraine. Sau khi Tập Cận Bình lên nắm quyền lãnh đạo Trung Quốc, vào năm 2012, ông đã đại tu chính sách kinh tế và đối ngoại của Trung Quốc và định vị  nước này như một cường quốc toàn cầu quyết tâm đứng ngang hàng với Mỹ. Trong khi đó, các nước phương Tây lại vật lộn với những tác động tiêu cực của toàn cầu hóa, bao gồm suy thoái công nghiệp, giảm khả năng cạnh tranh, xói mòn sự gắn kết xã hội, và bất mãn với nguyên trạng chính trị.

Trong chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ năm 2016, Trump đã truyền tải một cách hiệu quả những bất bình của công chúng nảy sinh từ những vấn đề này. Nhiều người dân Mỹ đã trở nên vỡ mộng với sự lãnh đạo toàn cầu, tức giận vì một lượng lớn tiền thuế của họ đã được chi cho các hoạt động của Mỹ ở nước ngoài trong lúc một số khu vực của đất nước đang phải vật lộn với khó khăn. Lời thề của Trump – đặt “Nước Mỹ trên hết” – và việc yêu cầu các đồng minh phải trả tiền đã nhận được sự ủng hộ. Điều mà nhiều người ở bên kia Đại Tây Dương hiểu ra quá muộn là: dù tiếng nói của Trump có thể là lớn nhất, nhưng tình cảm cơ bản – chí ít là khi nhắc đến châu Âu – đã lan rộng trong giới chính trị Mỹ. Ngay cả người tiền nhiệm của Trump, Tổng thống Barack Obama, cũng kết luận rằng Mỹ nên giảm dấu chân của mình ở châu Âu và Trung Đông để chuyển trọng tâm sang Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Hy vọng sai lầm mà nhiều nhà lãnh đạo châu Âu đã ấp ủ kể từ năm 2016, rằng châu Âu chỉ cần chờ đợi nhiệm kỳ tổng thống của Trump kết thúc, phải bị ném vào thùng rác của lịch sử. Dù cuộc chiến của Nga chống lại Ukraine đã khiến chính quyền Biden phải ưu tiên an ninh châu Âu, nhưng đây chỉ là một sự chệch hướng tạm thời, chứ không phải là một thay đổi bao trùm trong chiến lược của Mỹ. Ngày nay, không phải nhà lãnh đạo Mỹ nào cũng sẽ nhanh chóng rút lại cam kết của Washington đối với châu Âu – hoặc nói về liên minh với giọng điệu gay gắt – như Trump thường làm. Nhưng bỏ qua những khác biệt này, họ có lẽ vẫn đồng ý với yêu cầu cơ bản của Trump rằng châu Âu phải chịu trách nhiệm lớn hơn đáng kể đối với an ninh của chính mình.

Và đối với châu Âu, không còn thời gian để lãng phí. Trump đã nhiều lần bày tỏ sự ủng hộ của mình đối với việc dừng ngay lập tức mọi viện trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine, và châu Âu phải chuẩn bị cho khả năng rằng lần đầu tiên kể từ Thế chiến II, họ sẽ là bên chủ chốt, được giao nhiệm vụ chấm dứt một cuộc xung đột lớn trên lục địa. Một rủi ro thậm chí còn lớn hơn là Trump có thể theo đuổi một thỏa thuận với Tổng thống Nga Vladimir Putin để đóng băng giao tranh. Putin hiểu rằng một khi Trump tham gia đàm phán, ông sẽ phải đối mặt với áp lực trong nước để đạt được một thỏa thuận – một ràng buộc mà Putin không chia sẻ. Sự mất cân bằng này tạo ra đòn bẩy cho Putin, và bất kỳ thỏa thuận nào xuất hiện từ các cuộc đàm phán như vậy sẽ rất khó có thể bao gồm các biện pháp bảo vệ đầy đủ cho Ukraine – và rộng hơn là cho châu Âu – chống lại sự xâm lược trong tương lai của Nga. Việc Washington đáp ứng các mục tiêu chiến tranh của Moscow sẽ làm suy yếu nghiêm trọng uy tín của NATO, theo đó làm rung chuyển nền tảng của cấu trúc an ninh châu Âu.

XÂY DỰNG NĂNG LỰC

Châu Âu hiện không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tự quản lý an ninh của mình. Rõ ràng là họ có tiềm năng kinh tế để làm như vậy; GDP kết hợp của Liên minh châu Âu cao gấp khoảng mười lần so với Nga. Điều kìm hãm châu Âu là thiếu ý chí chính trị. Sự thiếu ý chí đó đã được minh chứng trong việc hỗ trợ quân sự cho Ukraine: dù lạc hậu về công nghệ và suy yếu về kinh tế, nhưng trong năm qua, Triều Tiên ước tính đã cung cấp cho Nga số lượng đạn pháo cao hơn toàn bộ EU cung cấp cho Ukraine trong cùng kỳ. Tình trạng đáng thương này đã nảy sinh bất chấp việc EU có một cơ sở công nghiệp vững mạnh và có bốn trong mười nước xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới trong số các thành viên của mình.

Châu Âu cần tăng cường năng lực phòng thủ của mình – và phải làm việc đó nhanh chóng. Nhưng dự án này đòi hỏi khả năng lãnh đạo chính trị, mà hiện tại rất khó có được. Ở Đức, chính phủ liên minh đã sụp đổ, và các chính trị gia của nước này sẽ dành những tháng tới để bận rộn với các cuộc bầu cử sớm, dự kiến diễn ra vào ngày 23/02 và quá trình xây dựng liên minh sẽ diễn ra sau đó. Ở Pháp, Tổng thống Emmanuel Macron đã mất thế đa số trong quốc hội vào mùa hè này, khiến ông suy yếu về mặt chính trị. Trong khi đó, quan hệ của EU với Anh, một trong những cường quốc quân sự đáng gờm nhất châu Âu, vẫn còn căng thẳng, ngay cả khi hai bên đều nỗ lực chân thành để cải thiện việc hợp tác.

May mắn thay, các thành viên EU khác như Ba Lan, các quốc gia Baltic, và các nước Bắc Âu sẵn sàng dẫn đầu. Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk hiện đang cố gắng tập hợp các quốc gia NATO hàng đầu châu Âu để cải thiện sự phối hợp về vấn đề Ukraine và tăng cường hỗ trợ cho Kyiv. Nhưng bất kỳ sự tăng cường quốc phòng đáng kể nào cũng cần sức mạnh kinh tế và ảnh hưởng chính trị của Đức để thành công, điều đó có nghĩa là chính phủ mới ở Berlin sẽ cần phải nghiêm túc giải quyết các thách thức an ninh của châu lục và sẵn sàng bỏ tiền ra cho một nỗ lực rộng lớn hơn của châu Âu.

Đứng trước khả năng Mỹ rút viện trợ, Châu Âu cũng cần tăng đáng kể sự hỗ trợ tài chính và quân sự cho Ukraine. Theo Viện Nghiên cứu Kinh tế Thế giới Kiel, tổng viện trợ quân sự mà Đức, Pháp, và Anh đã cung cấp cho Ukraine kể từ khi bắt đầu cuộc chiến toàn diện chỉ bằng một nửa số tiền mà Mỹ đã đóng góp. Dù việc lấp đầy ngay lập tức và hoàn toàn khoảng trống mà Mỹ để lại có thể không khả thi, nhưng mục tiêu là phải thu hẹp khoảng trống càng nhiều càng tốt. Trước tiên, các nước EU sẽ cần chuyển hướng sang các thị trường quốc tế, bao gồm cả Mỹ, để mua các hệ thống vũ khí và đạn dược mà Châu Âu hiện chưa thể tự sản xuất với số lượng đủ nhiều. Riêng người Đức cũng nên thực hiện các bước đã bị họ trì hoãn quá lâu: gửi tên lửa Taurus tầm xa đến Ukraine và gỡ bỏ các hạn chế còn lại đối với việc Kyiv sử dụng vũ khí phương Tây để tấn công các mục tiêu quân sự sâu bên trong nước Nga. Gần đây, Mỹ đã dỡ bỏ các hạn chế kiểu này đối với việc sử dụng tên lửa ATACMS của mình, và Pháp cùng với Anh, những nước đã chuyển giao tên lửa hành trình của riêng họ cho Ukraine, dường như cũng đang làm theo.

Trong trung hạn đến dài hạn, EU sẽ cần phải cải tổ năng lực quốc phòng và ngành công nghiệp quốc phòng của mình nếu châu Âu muốn tự bảo vệ an ninh của họ một cách có ý nghĩa. Hiện tại, châu Âu đang mua phần lớn vũ khí từ nước ngoài, nhưng hoạt động này phải chấm dứt. Một nhà cung cấp an ninh đáng tin cậy phải có khả năng đáp ứng hầu hết các nhu cầu quốc phòng của chính mình. Châu Âu sẽ phải vượt qua các lợi ích quốc gia vốn xem các ngành công nghiệp quốc phòng chỉ là sự mở rộng của chính sách công nghiệp trong nước. Thay vào đó, các ngành công nghiệp này phải được định hình lại để phục vụ cho các lợi ích an ninh chung của châu Âu. Điều này sẽ đòi hỏi các cường quốc quân sự hàng đầu của châu lục – Pháp, Đức, Ý, Ba Lan, và Anh – phải dẫn đầu việc phát triển một chiến lược chung cho toàn châu Âu. Trên thực tế, quá trình này sẽ bao gồm việc mở rộng quy mô sản xuất và cắt giảm chi phí bằng cách tích hợp mọi khâu của chu trình sản xuất, từ lập kế hoạch năng lực đến phát triển và mua sắm. Nếu quá trình tích hợp này được quản lý thành công, ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu có thể cạnh tranh ở cấp độ của ngành quốc phòng Mỹ.

ĐẢM BẢO TƯƠNG LAI CỦA CHÂU ÂU

Việc không ưu tiên các nỗ lực phòng thủ ngay bây giờ sẽ khiến châu Âu dễ bị tổn thương sâu rộng trước sự xâm lược liên tục của Nga. Hơn nữa, bất kỳ sự chần chừ nào trong việc gánh vác thêm gánh nặng phòng thủ của lục địa sẽ gây căng thẳng cho quan hệ xuyên Đại Tây Dương vào thời điểm quan trọng. Việc đảm bảo rằng Mỹ vẫn sẽ là đối tác an ninh chắc chắn là tốt cho lợi ích của châu Âu. Nhưng để làm như vậy, châu Âu cần phải chủ động, kêu gọi Washington cùng xây dựng một cân bằng trách nhiệm mới và thảo luận về các mục tiêu an ninh chung.

Điều này bao gồm việc cải thiện hợp tác xuyên Đại Tây Dương trong các vấn đề ngoài châu Âu. Trước hết, Liên minh châu Âu – bao gồm cả Ủy ban châu Âu và các quốc gia thành viên – và Mỹ phải thống nhất các chiến lược của họ để giải quyết “trục thù địch” đang tìm cách thách thức trật tự quốc tế. Trung Quốc, Iran, và Triều Tiên đang hỗ trợ cuộc chiến của Nga ở Ukraine bằng cách cung cấp vũ khí và hàng hóa lưỡng dụng, trong khi Nga tìm cách hỗ trợ lực lượng Houthi do Iran hậu thuẫn ở Yemen. Trên hết, Trung Quốc đã lợi dụng sự mất tập trung của phương Tây để mở rộng ảnh hưởng của mình ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và xa hơn nữa. Bắc Kinh đang xem xét kỹ lưỡng phản ứng của phương Tây ở Ukraine, xem cuộc xâm lược của Nga là bản kế hoạch tiềm năng cho một cuộc tấn công vào Đài Loan. Sẽ là thiển cận nếu Mỹ và châu Âu xem xét những mối đe dọa này một cách biệt lập, hoặc cố gắng chống lại chúng một mình. Nếu các nhà lãnh đạo ở cả hai bờ Đại Tây Dương muốn trật tự tự do quốc tế tồn tại lâu dài, với Mỹ là cốt lõi, họ phải cùng nhau giải quyết những thách thức này.

Giờ đây, người châu Âu phải phát huy hết tiềm năng của châu lục như một tác nhân an ninh đáng tin cậy, qua đó cứu vãn quan hệ xuyên Đại Tây Dương và kiểm soát tham vọng đế quốc của Nga. Nếu nỗ lực này thất bại – và nếu sự ủng hộ của Mỹ giảm sút – thì cái giá phải trả sẽ rất đắt. Nếu không có hàng phòng thủ vững chắc cản đường, thì Putin sẽ không có lý do gì để dừng lại ở Ukraine. Sau nhiều thập kỷ tương đối hòa bình, chiến tranh một lần nữa có thể trở thành một đặc điểm cố định của chính trị châu Âu.

Norbert Röttgen là thành viên Quốc hội Đức và Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội. Ông từng giữ chức Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại từ năm 2014 đến năm 2021 và là Bộ trưởng Liên bang về Môi trường, Bảo tồn Thiên nhiên, và An toàn Hạt nhân từ năm 2009 đến năm 2012.

Related posts