Sau khi Nga và Ukraine khai chiến, xuất hiện nghi ngờ rằng các sự cố về tuyến cáp ngầm ở biển Baltic ở Bắc Âu là do bị cố tình cắt. Tháng trước, thêm hai cáp số liệu ngầm ở biển Baltic kết nối cơ sở hạ tầng quan trọng của châu Âu đã bị hư hỏng trong vòng 24 giờ. Lấy lý do bảo vệ an ninh biển Baltic và khu vực lân cận, NATO sau đó đã phát động cuộc tập trận hải quân lớn nhất khu vực ở Bắc Âu. Ngoài ra, sự kiện này thường được so sánh với vụ nổ đường ống khí đốt Norstream 1 & 2 hồi tháng 9/2022, mà hiện nay các điều tra của Đức, quốc gia liên quan, đang chỉ hướng nghi phạm là nhóm người Ukraine, mặc dù quy mô và tính chất hai vụ khác nhau khá lớn.
Đức: Vụ việc liên quan đến chiến tranh hỗn hợp
Công ty nhà nước Cinia của Phần Lan tối 18/11 (theo giờ địa phương) đã ra thông báo, cáp dữ liệu ngầm C-Lion 1 giữa Phần Lan và Đức được phát hiện bị hỏng khiến kết nối liên lạc bị gián đoạn. Vì vùng biển này nằm ngoài khu vực vận chuyển tấp nập nhất của Thụy Điển, cho nên trường hợp đứt cáp kiểu này, nếu không có tác động từ bên ngoài thì sẽ không xảy ra ở vùng biển này. Công ty nghi ngờ cáp đã bị đứt do neo tàu hoặc lưới kéo dưới đáy biển.
Chỉ một ngày trước đó, ngày 17/11, tuyến cáp thông tin ngầm giữa Lithuania và Thụy Điển trong vùng biển quốc tế cũng bị hư hỏng, khiến đường dây kết nối Đông Tây BSG giữa Lithuania và đảo Gotland của Thụy Điển bị tê liệt hoàn toàn. Rất may, lưu lượng dữ liệu không bị phá hoại vĩnh viễn. BSG là chỉ về kết nối từ các quốc gia vùng Baltic đến đảo Gotland của Thụy Điển.
Các nhà điều tra Phần Lan và Thụy Điển lần lượt cho rằng mỏ neo của một tàu container Trung Quốc kéo lê dưới đáy biển có thể phải chịu trách nhiệm cho sự cố này.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius và Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock nghi ngờ rằng đây là nằm trong chiến tranh hỗn hợp (hybrid). Chính phủ liên bang Đức sẽ hỗ trợ điều tra.
Theo cách hiểu thông thường, một cuộc chiến tranh hiện đại sẽ không chỉ diễn ra ở phương diện quân sự (ví như triển khai chiến tranh ủy nhiệm), mà còn có thể đồng thời diễn ra trên phương diện ngoại giao (ví như dùng cơ chế kiện của ICC để chính khách đối phương bị hạn chế đi lại trên quốc tế), kinh tế (ví như trừng phạt cấm vận kinh tế), truyền thông và mạng xã hội (ví như truyền tin sai lệch, ma quỷ hóa lãnh đạo đối phương), hệ thống thông tin (ví như hack để phá hoại hay trộm thông tin), tâm lý chiến, can thiệp bầu cử, v.v.
Bà Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock nói rằng vụ đứt cáp này có thể là một phần trong chiến tranh hỗn hợp mà châu Âu đang bị tấn công, và nói “việc này không thể nào hoàn toàn là vô tình xảy ra được”.
Ông Boris Pistorius đã chỉ ra khi tham dự cuộc họp của EU tại Brussels vào ngày 19/11, rằng ông không tin dây cáp đã vô tình bị hư hỏng do mỏ neo. “Có những dấu hiệu rõ ràng cho thấy có điều gì đó đang xảy ra ở đây”. Do đó, trong tình huống không có đủ chứng cứ để biết là ai làm, “chúng tôi phải khẳng định rằng việc này liên quan đến một hoạt động chiến tranh hỗn hợp”.
Tổng cộng có 16 tuyến cáp ngầm đi qua vùng đặc quyền kinh tế của Đức ở biển Baltic, Văn phòng Vận tải và Thủy văn Liên bang Đức cho biết trong chương trình “Tin tức hôm nay” (Tagesschau) của Đức. 9 trong số đó là cáp điện áp cao và 7 tuyến được sử dụng để truyền số liệu.
Theo các nhận định từ các nguồn tin an ninh, tàu chở hàng Yipeng 3 của Trung Quốc, rời cảng Ust-Luga của Nga vào ngày 15/11 năm nay, đã đi qua vùng biển kinh tế của Thụy Điển trong khoảng thời gian từ ngày 17 đến ngày 18. Mỏ neo của nó đã đã bị kéo qua đáy đại dương và cắt đứt 2 cáp ngầm.
Con tàu sau đó bị tạm giữ trong vùng biển kinh tế của Đan Mạch, được giám sát bởi các tàu hải quân của các thành viên NATO, Thụy Điển đã yêu cầu đưa con tàu trở lại để điều tra.
Trung Quốc cho biết họ sẵn sàng hỗ trợ điều tra; đồng minh của Trung Quốc là Nga phủ nhận có liên quan đến bất kỳ sự cố cơ sở hạ tầng nào ở Baltic.
Sự cố tương tự xảy ra vào năm ngoái, khi tàu container NewNew Polar Bear của Trung Quốc làm hỏng 2 dây cáp nối Estonia với Phần Lan và Thụy Điển, cũng như đường ống dẫn khí đốt tự nhiên giữa Estonia và Phần Lan. Trung Quốc lúc đó cũng hứa hỗ trợ nhưng NewNew Polar Bear không ở lại. Một năm sau, các nhà điều tra Phần Lan và Estonia vẫn chưa đưa ra kết luận.
TeleGeography, một công ty nghiên cứu viễn thông của Mỹ, cho biết tại vùng biển Baltic tương đối nông, cáp viễn thông, dây điện và đường ống dẫn khí đốt tự nhiên đặc biệt dễ bị hư hại do mật độ tàu thuyền qua lại dày đặc.
Ngoại trưởng châu Âu cáo buộc Nga phá hủy cơ sở hạ tầng an ninh
Ngoại trưởng Anh, Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha và Ba Lan ngày 19/11 ra tuyên bố chung lên án Nga gây nguy hiểm cho cơ sở hạ tầng an ninh của châu Âu.
Ngoại trưởng Đức Boerberk tham dự cuộc gặp với ngoại trưởng Ba Lan, Pháp và Ý tại Warsaw (Ba Lan) ngày 19/11 để thảo luận về tình hình cuộc chiến Ukraine – Nga, và theo nguồn tin, người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU – bà Kaja Kallas cũng tham dự. Bộ Ngoại giao Tây Ban Nha và Vương quốc Anh tham gia thông qua truyền hình.
Tuyên bố cho biết: “Các hành động chiến tranh hỗn hợp của chính quyền Moscow chống lại NATO và Liên minh châu Âu đã đạt đến đỉnh điểm chưa từng có về loại hình và quy mô, gây ra những rủi ro an ninh nghiêm trọng.” Họ cũng cam kết duy trì một NATO mạnh mẽ.
Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cho rằng việc cắt 2 dây cáp “không thể là một sự cố ngẫu nhiên” mà là một hành động phá hoại phức hợp. Bà nói: “Chúng ta đang gặp phải sự cố (tấn công phức hợp) tương tự ở Đức… xâm nhập mạng, giám sát cơ sở hạ tầng, bưu kiện bất ngờ phát nổ trên máy bay chở hàng, và hôm qua…đó là đường cáp truyền thông tin giữa Phần Lan và Đức, còn có thể ảnh hưởng đến Thụy Điển.”
Truyền thông Đức Tagesschau chỉ ra rằng trong tuyên bố chung do 6 ngoại trưởng đưa ra tại cuộc gặp ngày 19/11, họ đã trực tiếp chỉ ra rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin “tấn công một cách có hệ thống vào cấu trúc an ninh châu Âu”.
Báo cáo nêu rõ: “Moscow đang tăng cường chiến tranh hỗn hợp chưa từng có chống lại các nước NATO và EU, điều này gây ra những rủi ro an ninh lớn”.
Ngoại trưởng Ba Lan Radosław Sikorski cảnh báo nếu Nga không ngừng phá hoại, Ba Lan sẽ đóng cửa thêm lãnh sự quán Nga ở Ba Lan.
NATO triển khai cuộc tập trận hải quân lớn nhất ở Bắc Âu để đảm bảo an ninh biển Baltic
Vài giờ sau khi 2 đường cáp viễn thông bị cắt đứt ở Biển Baltic, 30 tàu của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và 4.000 quân nhân đã có mặt ở cùng vùng biển để tham gia một trong những cuộc tập trận hải quân lớn nhất ở Bắc Âu.
Reuters đưa tin, cuộc tập trận “Freezing Winds” kéo dài 12 ngày là một phần trong nỗ lực của NATO nhằm tăng cường bảo vệ cơ sở hạ tầng hàng hải. Biển Baltic chiếm 15% lưu lượng vận chuyển hàng hải của thế giới và được coi là ngày càng có nguy cơ bị tấn công.
Biển Baltic được bao quanh bởi 8 thành viên NATO và Nga. Kể từ khi chiến tranh Nga – Ukraine bùng nổ vào tháng 2/2022, quan hệ giữa NATO và Nga trở nên căng thẳng và liên tục có báo cáo về thiệt hại đối với cơ sở hạ tầng quan trọng của châu Âu ở Biển Baltic.
Ông Arlo Abrahamson, người phát ngôn của Bộ Tư lệnh Lực lượng đồng minh Hàng hải NATO (MARCOM), cho biết: “NATO đang tăng cường tuần tra… Các đồng minh đang đầu tư vào các công nghệ mới nổi có thể giúp bảo đảm an ninh tốt hơn cho những tài sản này”.
Tuy nhiên, các mỏ neo có thể dễ dàng cắt đứt dây cáp và điều kiện hàng hải nguy hiểm, nên hiện tại việc ngăn chặn các cuộc tấn công như vậy gần như không thể thực hiện được.
Để đối phó với các mối đe dọa tiềm tàng, NATO đã mở Trung tâm An ninh Hàng hải cho Cơ sở hạ tầng quan trọng dưới đáy biển (CUI) ở London vào tháng Năm năm nay, với hy vọng lập bản đồ tất cả cơ sở hạ tầng quan trọng trong vùng biển do NATO kiểm soát và xác định các điểm yếu.
Thành phố Rostock bên bờ biển Baltic của Đức cũng đã thành lập trụ sở hải quân đa quốc gia vào tháng 10 năm nay để bảo vệ lợi ích của các quốc gia thành viên NATO tại vùng biển này.
Trí Đạt