Công ty Google Việt Nam có trụ sở tại TP.HCM bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 4 năm 2025, để hỗ trợ các chương trình về chuyển đổi số quốc gia.
Mới đây, Google đã gửi mail đến các khách hàng Việt Nam, trong đó nêu rõ, kể từ ngày 1/4/2025, Google Asia Pacific Pte. Ltd. có trụ sở tại Singapore sẽ chuyển nhượng các quyền lợi và nghĩa vụ theo hợp đồng liên quan đến khách hàng quảng cáo của mình tại Việt Nam về Công ty TNHH Google Việt Nam (đại lý của Google) có trụ sở tại TP.HCM.
Google Việt Nam sẽ là đơn vị ký kết hợp đồng và lập hóa đơn cho dịch vụ cung cấp cho khách hàng tại Việt Nam. Như vậy, các khách hàng Việt Nam khi thanh toán các dịch vụ sẽ nhận được hóa đơn bằng tiền Việt Nam và sẽ có khoản thuế VAT 10% theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Đồng thời, kể từ 1/3, các đối tác trở thành khách hàng của bất kỳ sản phẩm nào được liệt kê trong phần Việt Nam, Công ty TNHH Google Việt Nam sẽ là đối tác chính thức chịu trách nhiệm, thay cho Google Asia Pacific.
Vnexpress.net dẫn lời đại diện truyền thông Google: “Chúng tôi hiện có đội ngũ nhân viên tại chỗ để phục vụ khách hàng quảng cáo ở Việt Nam tốt hơn và hỗ trợ quá trình chuyển đổi kỹ thuật số quốc gia”. Vị này cũng xác nhận sự hiện diện của công ty tại Việt Nam.
Phía Google cũng yêu cầu đối tác khách hàng của mình cung cấp mã số thuế, tên và địa chỉ cho Công ty Google Việt Nam, trùng với thông tin đã đăng ký với đơn vị thuế, để nhận được hóa đơn hợp lệ. Đồng thời, sẽ không có sự thay đổi nào được thực hiện khi hóa đơn đã được xuất.
Theo thông tin trên trang tra cứu về mã số thuế, Google Việt Nam được thành lập từ tháng 31/5/2023, có địa chỉ tại TP.HCM. Cập nhật mã thuế lần cuối cùng vào 3/12/2024.
Các ngành nghề kinh doanh của công ty là quảng cáo (ngành nghề chính), ngoài ra còn có bán buôn tổng hợp, hoạt động tư vấn quản lý, nghiên cứu thị trường và thăm dò dư luận.
Google đánh giá Việt Nam là thị trường có nền kinh tế số phát triển mạnh mẽ hàng đầu khu vực Đông Nam Á.
Theo Báo cáo e-Conomy SEA 2024 do Google, Temasek và Bain & Company công bố tháng 11, quy mô nền kinh tế số Việt Nam dự kiến đạt 36 tỷ USD trong năm 2024, tăng trưởng 16% so với năm trước, trong đó thị trường thương mại điện tử chiếm tỷ trọng lớn nhất với 22 tỷ USD. Dự kiến, đến năm 2030, giá trị giao dịch toàn thị trường có thể dao động 90 – 200 tỷ USD.
Phan Vũ
11 tháng năm 2024, Việt Nam xuất siêu 24,31 tỷ USD
Trong 11 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 715,55 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 14,4%; nhập khẩu tăng 16,4%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 24,31 tỷ USD.
Cụ thể, trong tháng 11, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 66,4 tỷ USD, giảm 4,1% so với tháng trước và tăng 9,0% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 11/2024 sơ bộ đạt 33,73 tỷ USD, giảm 5,3% so với tháng trước và tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 369,93 tỷ USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 103,88 tỷ USD, tăng 20,0%, chiếm 28,1% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 266,05 tỷ USD, tăng 12,4%, chiếm 71,9%.
Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 11 tháng năm 2024, nhóm hàng công nghiệp chế biến sơ bộ đạt 325,52 tỷ USD, chiếm 88,0%.
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 11/2024 sơ bộ đạt 32,67 tỷ USD, giảm 2,8% so với tháng trước và tăng 9,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng năm 2024, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 345,62 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 126,05 tỷ USD, tăng 18,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 219,57 tỷ USD, tăng 15,2%.
Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu 11 tháng năm 2024, nhóm hàng tư liệu sản xuất sơ bộ đạt 323,72 tỷ USD, chiếm 93,7%.
Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 11 tháng năm 2024, với kim ngạch đạt 108,9 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 130,2 tỷ USD.
Cán cân thương mại hàng hóa tháng 11 sơ bộ xuất siêu 1,06 tỷ USD. Tính chung 11 tháng năm 2024, sơ bộ xuất siêu 24,31 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 26,2 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 22,17 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 46,48 tỷ USD.
Phan Vũ
Nguồn ảnh: Tổng cục Thống kê