Tổng thống Yoon Suk-yeol: Thiết quân luật là chính đáng, từ chối tự nguyện từ chức

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol. (Ảnh: Paul Froggatt/shutterstock)

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol trong bài phát biểu ngày 12/12, nói rằng lý do ban hành thiết quân luật bao gồm việc Trung Quốc thường xuyên hoạt động gián điệp. Ông cũng cho biết thiết quân luật là chính đáng và từ chối từ chức. Cùng ngày, người biểu tình cũng tụ tập bên ngoài dinh thự tổng thống yêu cầu ông từ chức.

Theo Hãng thông tấn Yonhap đưa tin hôm 12/12, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol nói rằng ông sẽ ứng đối với cuộc luận tội và điều tra một cách thẳng thắn.

Ông cáo buộc rằng lý do duy nhất khiến phe đối lập thổi phồng các luận điệu giả dối để kích động việc luận tội ông, chính là nhằm thoát khỏi tình cảnh lãnh đạo đảng của họ đang đối mặt với nguy cơ bị kết tội và đẩy nhanh việc tổ chức bầu cử sớm. Nói cách khác, họ sẵn sàng phá hủy hệ thống quốc gia để che đậy những sai phạm của mình và giành quyền kiểm soát chính phủ, hành động này mới thực sự là việc nhiễu loạn trật tự hiến pháp quốc gia.

Ông Yoon Suk-yeol: Thiết quân luật là chính đáng và từ chối từ chức

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã bày tỏ thái độ về tình trạng thiết quân luật trong bài phát biểu ngày 12/12, nhấn mạnh tính hợp pháp của việc ban bố thiết quân luật, chủ trương thiết quân luật là một hành động thuộc phạm vi quản lý quốc gia, đồng thời từ chối tự nguyện từ chức. Ngoài ra, ông khẳng định sẽ tích cực ứng đối với các nỗ lực luận tội và điều tra nhắm vào mình.

Ông cho biết dù là luận tội hay điều tra, ông cũng sẽ thẳng thắn đối đáp. Các nhà phân tích cho rằng những lời này của ông là có ý bác bỏ phương án “từ chức có trật tự” do đảng cầm quyền đề xuất, tức là tự mình từ chức vào một thời điểm cụ thể.

Ông nói rằng trong tình trạng khẩn cấp khi chính quyền quốc gia bị tê liệt, để bảo vệ đất nước và khôi phục hoạt động bình thường của chính phủ, tôi đã thực thi quyền hạn theo pháp luật và áp dụng biện pháp thiết quân luật khẩn cấp. Đây là một quyết định mang tính chính trị cao của tổng thống, và chỉ chịu sự ràng buộc bởi yêu cầu bãi bỏ từ Quốc hội.

Ông nói rằng việc tổng thống thực thi quyền ban bố tình trạng thiết quân luật là một hành vi quản trị, giống như việc thực thi quyền ân xá và quyền lực ngoại giao, và không phải là đối tượng thẩm tra của tư pháp. Ông cũng cho rằng việc coi các biện pháp khẩn cấp cứu nước là “nội chiến gây tổn hại cho đất nước” là hành vi đẩy hiến pháp và hệ thống pháp luật của đất nước vào vực thẳm nguy hiểm.

Ông nói: “Kể từ khi nhậm chức, tôi chưa bao giờ quan tâm đến danh vọng, nhiệm kỳ hay chức vụ. Muốn giữ chức tổng thống thì không cần phải chống lại những thế lực phá hoại trật tự hiến pháp của đất nước, chứ đừng nói đến việc ban bố tình trạng thiết quân luật.”

Ông đẩy trách nhiệm về việc làm tê liệt chính phủ quốc gia cho đảng đối lập, nói rằng đảng đối lập đã tiến hành luận tội nhiều quan chức kể từ khi thành lập chính phủ hiện tại, dẫn đến chính phủ quốc gia bị tê liệt. Ông cho rằng đảng đối lập chỉ có một lý do duy nhất để kích động luận tội bằng cách thổi phồng những luận điệu sai sự thật, chính là luận tội tổng thống để thoát khỏi tình thế khó khăn khi lãnh đạo đảng bị kết tội và tiến hành bầu cử sớm. Nói cách khác, đánh bại thể chế quốc gia nhưng cũng che đậy vết nhơ của chính họ và nắm quyền kiểm soát công việc đất nước, đây chính là hành động phá vỡ trật tự hiến pháp của đất nước.

Theo báo cáo, ông Yoon Suk-yeol cũng cho biết, “Phe đối lập, dựa vào lợi thế đa số ghế trong Quốc hội, đã hành động tùy tiện trong lập pháp và chỉ nhằm bảo vệ lãnh đạo đảng của họ. Đối mặt với kiểu ‘độc tài nghị viện’ này, tôi phải (thông qua việc tuyên bố thiết quân luật) bảo vệ chủ nghĩa tự do dân chủ và trật tự hiến pháp.” Ông cũng hỏi: “Làm thế nào mà các quyết định và hành động cầm quyền liên quan của tổng thống theo Hiến pháp lại có thể trở thành nội loạn?”

Theo Yonhap, cuộc trò chuyện của ông Yoon Suk-yeol kéo dài khoảng 29 phút. Được biết, sau khi ông Yoon Suk-yeol ghi lại đoạn video cuộc trò chuyện vào sáng hôm đó, ông đã gửi đoạn video này đến các phương tiện truyền thông lớn.

Lý do ban hành thiết quân luật bao gồm việc Trung Quốc thường xuyên hoạt động gián điệp

Theo AFP, trong phát biểu hôm 12/12, ông Yoon Suk-yeol dẫn chứng trường hợp công dân Trung Quốc chụp ảnh các địa điểm quân sự ở Hàn Quốc, cho rằng đây là “mối đe dọa” đối với “an ninh quốc gia”.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc phản ứng bằng cách nói rằng Tổng thống Hàn Quốc “đã phóng đại cái gọi là hoạt động gián điệp của Trung Quốc mà không có bằng chứng”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh cho biết trong một cuộc họp báo thường kỳ, “Trung Quốc vô cùng ngạc nhiên và không hài lòng với những ngôn luận này của Hàn Quốc”. AFP lưu ý rằng bà Mao Ninh không nêu tên Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol.

Trong phát biểu của mình, ông Yoon cáo buộc đảng đối lập chính đã ngăn cản nỗ lực cải cách luật phản gián của Hàn Quốc.

Ông cũng cho biết, khuôn khổ pháp lý hiện hành không cho phép “bất kỳ biện pháp trừng phạt nào đối với người nước ngoài tham gia vào các hoạt động gián điệp”, và ông trích dẫn hai trường hợp nghi ngờ hoạt động gián điệp liên quan đến công dân Trung Quốc. Vụ đầu tiên, 3 người Trung Quốc bị bắt vì dùng máy bay không người lái chụp ảnh tàu sân bay Mỹ ở cảng Busan (phía nam). Theo ông Yoon, thiết bị của 3 người nói trên bị Hàn Quốc thu giữ còn có hình ảnh các cơ sở quân sự. Trong trường hợp thứ hai, ông nói về một người đàn ông sử dụng máy bay không người lái để quay phim trực tiếp trụ sở cơ quan tình báo Hàn Quốc sau khi từ Trung Quốc đến Seoul.

Ông cáo buộc đảng đối lập chính đang cố gắng bãi bỏ Luật An ninh Quốc gia bất chấp những “vụ gián điệp” này. Ông cũng nói, “Không biết đảng đối lập này thực sự phục vụ cho quốc gia nào”.

Theo phản hồi ngoại giao của Trung Quốc, “những nhận xét này không có lợi cho sự phát triển lành mạnh và ổn định của quan hệ Trung Quốc-Hàn Quốc”.

Người biểu tình vượt hàng rào cảnh sát, kêu gọi ông Yoon Suk-yeol từ chức ở lối vào phủ tổng thống

Những người biểu tình kêu gọi Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol từ chức đã vượt qua hàng rào cảnh sát và tràn vào lối vào dinh thự chính thức của tổng thống ở Hannam-dong, quận Yongsan, Seoul. Họ yêu cầu ông Yoon Suk-yeol từ chức. Đây là lần đầu tiên dinh tổng thống bị “thất thủ” trước đám đông tụ tập kể từ sau vụ thiết quân luật.

Theo Yonhap đưa tin hôm 12/12, cùng với việc Quốc hội Hàn Quốc dự định tổ chức cuộc bỏ phiếu lần thứ hai về vụ luận tội ông Yoon Suk-yeol vào ngày 14/12, lời kêu gọi luận tội của công chúng ngày càng gia tăng. Vào lúc 2h chiều ngày hôm đó, Liên đoàn Công đoàn Dân chủ Quốc gia (Korean Confederation of Trade Unions) và các nhóm xã hội dân sự đã tập trung tại Ga Tòa thị chính Seoul để biểu tình về hướng dinh thự của tổng thống. Ban tổ chức và cảnh sát lần lượt ước tính số lượng người tham gia là 10.000 và 4.000 người.

Mặc dù cảnh sát đã huy động các đội lưu động và xe buýt để ngăn chặn, nhưng những người biểu tình cuối cùng đã vượt qua hàng rào cảnh sát và đến trạm gác ở lối vào dinh tổng thống. Nhóm biểu tình hô vang khẩu hiệu lên án ông Yoon Suk-yeol. Khi cảnh sát ra lệnh giải tán 4 lần, nhóm biểu tình đã giải tán vào khoảng 6h10 và đến Yeouido để tham gia cuộc mít tinh dưới ánh nến được tổ chức trước Quốc hội.

Trí Đạt

Related posts