Suy nghĩ tản mạn về “Phong trào xã hội dân sự, dân chủ” ở Việt Nam

Mạc Văn Trang

16-12-2024

1. Nhiều người cho rằng “Phong trào Xã hội dân sự, dân chủ” ở Việt Nam đã xẹp rồi, không còn sôi nổi như từ 2011 đến những năm sau đó. Nhớ lại những cuộc tập hợp đông đảo, rầm rộ tưởng nhớ các chiến sĩ hy sinh ở biên giới phía Bắc, ở Hoàng Sa, Gạc Ma; những cuộc xuống đường phản đối Formosa, phản đối chặt phá cây ở Hà Nội, những cuộc biểu tình dữ dội phản đối giàn khoan HD-981 của Trung Cộng, phản đối “Ba đặc khu”, phản đối cướp đất của dân oan… đông đảo, rầm rộ, quyết liệt, nay không còn nữa.

Những Bản Tuyên bố, những Kiến nghị được đông đảo người ký, nay cũng thưa dần; những bài phản biện mạnh mẽ, nay cũng lác đác… Tình hình thực tế đúng như vậy. Các biện pháp trấn áp của nhà cầm quyền đã thành công: Hàng trăm người hăng hái đấu tranh tiêu biểu đã vào tù với những bản án nặng nề; Những người còn lại bị trấn áp, đe dọa, ngăn chặn, cô lập, chia rẽ… bằng mọi biện pháp để vô hiệu hoá. Sự sợ hãi, vô cảm lan dần trong cộng đồng, tưởng như một xã hội liệt kháng!

Nhưng “phong trào” lắng xuống không có nghĩa là tan rã, những khát khao về một xã hội Dân sự, Dân chủ… ngày càng lắng sâu, lan rộng trong xã hội, vẫn âm ỉ, nhất là với lớp trẻ. Đó là xu hướng tất yếu hướng đến các giá trị văn minh phổ quát của nhân loại, mà không thế lực nào ngăn cản được.

2. Sự phân hoá ngày càng rõ

Một đám đông xuống đường hô vang đả đảo chính quyền, tưởng là một “phong trào rầm rộ”, nhưng thực ra có nhiều động cơ rất khác nhau, mà nó sẽ phân hóa dần trong “quá trình đấu tranh”.

– Nhiều người bức xúc vì quyền lợi, đấu tranh dữ dội, nhưng khi quyền lợi được đáp ứng, bức xúc được giải tỏa thì coi như đợt đấu tranh đó kết thúc. (Ví dụ công nhân đòi tăng lương, khách hàng đòi ngân hàng trả tiền…);

– Nhiều dân oan, nhiều người ủng hộ đấu tranh cho công lý, dân chủ… nhưng trước sự lì lợm của nhà cầm quyền các cấp, kéo dài mãi; khiếu kiện 10 – 20 năm rồi mệt mỏi, chán nản, vô vọng, lo tìm đường làm ăn sinh sống, mặc dù trong lòng đầy ấm ức.

– Nhiều người tham gia vào từng sự kiện, hết sự kiện thì thôi, như: Xuống đường vì phản đối chặt cây xanh, vì giàn khoan HD-981 của Trung Cộng, vì Ba đặc khu… Xong vụ đó rồi thôi. Không nên đòi hỏi người ta cứ phải đấu tranh mãi.

– Nhiều người tham gia phong trào đấu tranh, mong muốn thay đổi… Nhưng trước các biện pháp muôn hình vạn trạng của nhà cầm quyền thì đành im lặng để làm ăn sinh sống cho lành.

– Còn nhiều lý do khác nữa khiến nhiều người nguội dần nhiệt huyết tranh đấu.

– Sự phân hóa và tập hợp lại, giờ đây chủ yếu có ba lực lượng dai dẳng “đấu” nhau trên mạng xã hội, đó là: Những người “cuồng Cộng”; những người “trung dung” và những người “cuồng chống Cộng”. Nhà cầm quyền kích thích cho ba nhóm này đấu nhau. Xã hội quan sát và bình luận theo cách nghĩ, cách cảm nhận của mỗi cá nhân, có lúc “oánh” nhau loạn xạ trên không gian mạng.

3. Sự khác biệt các xu hướng chính trị – xã hội là tất yếu

Trong một xã hội dân chủ, tự do tư tưởng, tự do ngôn luận tất yếu có nhiều xu hướng tồn tại, lan truyền. Sự cọ sát giữa những xu hướng đó sẽ mở mang dân trí và hướng đến chọn lựa xu hướng chủ đạo, được đa số người dân, nhất là giới tinh hoa ủng hộ. Tình trạng hiện nay có ba luồng tư tưởng chính.

Một là, những người “Cuồng chống Cộng”. Vì nhiều lý do, họ mang tư tưởng định kiến rằng: “Cộng sản không thể thay đổi, chỉ có lật đổ, tiêu diệt, chứ không có cách nào khác”. Mặc dù “Việt Cộng” ngày nay cũng có khác “Cộng sản” ngày xưa đấy, nhưng với họ, không tin cộng sản bất cứ điều gì! Tất nhiên những người “chống Cộng” cực đoan này cũng có nhiều động cơ khác nhau, có những người thật lòng, có loại giả vờ. Có khi giả vờ lại hung hăng hơn!

Hai là, những người “Cuồng Cộng”. Những người này bất cứ ai nói đụng đến chế độ, phê phán, chê bai chính quyền là bị quy kết ngay là “phản động”, “chống phá”, “ba que”, “bám càng”, “cút ra khỏi nước đi”… Tất nhiên trong số này chủ yếu là Dư luận viên và “lực lượng hơn 10 nghìn chiến sĩ 47 vừa hồng vừa chuyên, tác chiến trên không gian mạng 24/24”, “đấu tranh với các thế lực thù địch một mất một còn”!… Họ tha hồ thoá mạ bất cứ ai, được Tuyên giáo chỉ đạo, bảo kê, chả ai làm gì được họ. Sự lộng quyền đó khiến họ bộc lộ thứ văn hoá bạo lực trên không gian mạng, ảnh hưởng xấu đến tư duy, đến văn hoá cộng đồng mạng.

Ba là, những người “trung dung”. Nhiều đảng viên lão thành, nhiều trí thức trong và ngoài nước, thấy rõ những sai lầm, bất cập của Đảng và Nhà nước; nhưng với sự hiểu biết, trách nhiệm công dân, họ đã và đang đưa ra những phản biện, kiến nghị xây dựng, dai dẳng từ mấy chục năm nay.

Thực sự ở Việt Nam không có chính trị gia đối lập, không có đảng phái phong trào đối lập mưu đồ tranh giành quyền bính chính trị; thực tế là chỉ có các cá nhân và vài nhóm “góp ý, kiến nghị” cải cách thể chế. Họ không có mưu đồ và hiểu rõ không nhằm “phá hoại, lật đổ” chính quyền, mà động cơ chủ yếu như Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh viết:

“Còn hơi còn sức còn lên tiếng

Là muốn quyền uy bớt lỗi lầm”.

(Nhưng các thế lực “cuồng Cộng” thì cứ kêu toáng lên “Thế lực thù địch” để hù dọa, để kiếm ăn…).

4. Những người “trung dung” thường kiến nghị gì?

– Hãy từ bỏ chủ nghĩa Mác – Lê ảo tưởng, phản khoa học, duy ác, qua thực tế đã thất bại với mô hình CNXH ở tất cả các nước đã thực nghiệm;

– Đảng không còn “cộng sản” nữa, hãy quay lại Đảng Lao động – Đảng của những người Lao động tiến bộ…

– Nước không “XHCN” nữa, hay quay về Việt Nam dân chủ Cộng hoà cho đúng bản chất nhà nước mà người dân mong đợi;

– Đất nước thống nhất 50 năm rồi, lòng người vẫn ly tán. Hãy thực hiện chính sách hoà hợp dân tộc, để đoàn kết quốc gia, tạo nên sức mạnh mới…

– Đổi mới lần 1 (1986) đã cứu đất nước khỏi lâm nguy, đem lại nhiều thành quả kinh tế xã hội, đưa đất nước vào ổn định phát triển nhiều mặt. Nhưng chưa cải cách thể chế nên đã tạo ra những rào cản, “nút thắt” gây ra tham nhũng, lãng phí, phân hoá xã hội nặng nề và nhiều hệ luỵ làm tha hoá đạo đức, văn hoá, giáo dục, xã hội… Tất cả cho thấy cái thể chế hiện thời không giải quyết được những vấn nạn đó.

– Đổi mới lần 2, hay cải cách thể chế là yêu cầu cấp bách của xã hội, không thể nào trì hoãn được nữa! Nhưng không mong muốn một cuộc cách mạng từ dưới lên, gây rối loạn đất nước. Luồng tư tưởng chủ đạo là đoàn kết, lắng nghe, cùng hợp lực đổi mới thể chế từng bước để tiến tới dân chủ hoá xã hội một cách ổn định, bền vững.

Đã có một số ý kiến cho rằng: “Độc tài” tạm thời cũng được, nhưng phải là “Độc tài anh minh” để học Singapore, hàn Quốc, Đài Loan… Từ độc tài chuyển sang dân chủ hoá xã hội một cách căn bản.

Không có tam quyền phân lập, không có luật pháp chuẩn mực và được thượng tôn thì không thể có dân chủ và xã hội phát triển lành mạnh; không thể khắc phục được những khuyết tật do thể chế cũ đẻ ra, như mọi người đã thấy.

5. Giữ đất nước hoà bình, xã hội ổn định và giới lãnh đạo quyết tâm đổi mới/ cải cách thể chế để đất nước “vươn mình trong kỷ nguyên mới”, tiến tới dân chủ, văn minh là điều người dân mong muốn và đó là xu hướng chủ đạo để đoàn kết quốc gia, dân tộc, là sứ mệnh của giới lãnh đạo hiện nay.

Vẫn có người nói rằng, “đừng mong hổ ăn chay”! Nhưng tôi đã thấy một con sư tử bỏ ăn thịt, ăn cỏ mà vẫn béo tốt. Trên đời chuyện gì cũng có thể xảy ra. Nhiều chuyện lạ đã và đang xảy ra đó thôi. Cứ cùng nhau tiếp tục góp sức và hy vọng!

Nguồn: Tiếng Dân

Related posts