Trong 6 tháng đầu năm 2024, Việt Nam ghi nhận 40.102 vụ lừa đảo tài chính, chỉ đứng sau Thái Lan và Indonesia tại khu vực Đông Nam Á.
Theo báo cáo do Hãng phần mềm bảo mật Kaspersky vừa công bố, Thái Lan ghi nhận số vụ lừa đảo tài chính cao nhất Đông Nam Á, lên đến 141.258 vụ; kế đến là Indonesia 48.439 vụ.
Việt Nam và Malaysia đứng ở vị trí thứ 3 và thứ 4 với lần lượt 40.102 vụ và 38.056 vụ.
Singapore và Philippines ghi nhận ít vụ tấn công lừa đảo tài chính nhất, với lần lượt là 28.591 và 26.080 vụ.
Mặc dù vậy, cả Thái Lan và Singapore đều ghi nhận mức tăng số vụ lừa đảo tài chính cao nhất, lần lượt 582% và 406% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, Thái Lan và Singapore là hai quốc gia có mức tăng trưởng cao nhất trong các vụ lừa đảo tài chính. Cụ thể, số vụ tấn công tại Thái Lan đã tăng 582%, trong khi Singapore ghi nhận mức tăng trưởng 406% so với cùng kỳ năm 2023.
Lừa đảo tài chính là hình thức lừa đảo nhằm đánh cắp thông tin cá nhân và tài chính liên quan tới mạo danh các tổ chức tài chính, hệ thống thanh toán và các nền tảng thương mại điện tử. Kẻ tấn công dụ dỗ nạn nhân tiết lộ thông tin cá nhân và có giá trị, như thông tin đăng nhập tài khoản ngân hàng, ví điện tử… hoặc dữ liệu cá nhân và công ty được lưu trữ trong các tài khoản này.
Theo ông Adrian Hia, Giám đốc Điều hành khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Kaspersky: “Số nạn nhân đã tăng đáng kể trong những năm gần đây, do việc sử dụng ngân hàng trực tuyến và các dịch vụ tài chính kỹ thuật số ngày càng phổ biến. Các chuyên gia của Kaspersky cho rằng sự gia tăng này không phải do người dùng mất cảnh giác, mà xuất phát từ thực trạng tội phạm mạng đang ngày càng táo bạo hơn trong việc tìm cách đánh cắp tiền, dữ liệu người dùng, bao gồm thông tin từ các thiết bị của công ty”.
Theo báo cáo, tội phạm công nghệ thường giả mạo các thương hiệu nổi tiếng trong lĩnh vực thương mại điện tử, ngân hàng, và ứng dụng thanh toán để đánh cắp thông tin cá nhân của người dùng và doanh nghiệp. Sau đó, những thông tin này được sử dụng để đăng nhập vào các nền tảng chính thống để thực hiện các hành vi chiếm đoạt tài sản của người dùng.
Một hình thức lừa đảo khác cũng đang trở nên phổ biến là mạo danh các tổ chức từ thiện, dụ dỗ nạn nhân quyên góp vào các quỹ giả mạo.
Tội phạm mạng không ngừng nâng cao thủ đoạn, điều chỉnh chiến thuật lừa đảo, lợi dụng các công cụ thông minh, như trí tuệ nhân tạo và tự động hóa, để thực hiện hành vi lừa đảo. Số cuộc tấn công đã tăng 41% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) vào đầu tháng 9/2024 nêu 24 hình thức lừa đảo phổ biến trong không gian mạng Việt Nam, chia thành 3 nhóm lừa đảo chính, gồm giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác.
24 hình thức lừa đảo đang diễn ra trên không gian mạng Việt Nam:
– Lừa đảo “combo du lịch giá rẻ”.
– Lừa đảo cuộc gọi video Deepfake, Deepvoice.
– Lừa đảo “khóa SIM” vì chưa chuẩn hóa thuê bao.
– Giả mạo biên lai chuyển tiền thành công.
– Giả danh giáo viên/nhân viên y tế báo người thân đang cấp cứu.
– Chiêu trò lừa đảo tuyển người mẫu nhí.
– Thủ đoạn giả danh các công ty tài chính, ngân hàng.
– Cài cắm ứng dụng, link quảng cáo cờ bạc, cá độ, tín dụng đen,…
– Giả mạo trang thông tin điện tử, cơ quan, doanh nghiệp (BHXH, ngân hàng…)
– Lừa đảo SMS Brandname, phát tán tin nhắn giả mạo.
– Lừa đảo đầu tư chứng khoán, tiền ảo, đa cấp.
– Lừa đảo tuyển CTV online.
– Đánh cắp tài khoản MXH, nhắn tin lừa đảo.
– Giả danh cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án gọi điện lừa đảo.
– Rao bán hàng giả hàng nhái trên sàn thương mại điện tử.
– Đánh cắp thông tin CCCD đi vay nợ tín dụng.
– Lừa đảo chuyển nhầm tiền vào tài khoản ngân hàng.
– Lừa đảo dịch vụ lấy lại tiền khi đã bị lừa.
– Lừa đảo lấy cắp Telegram OTP.
– Lừa đảo tung tin giả về cuộc gọi mất tiền như FlashAI.
– Lừa đảo dịch vụ lấy lại Facebook.
– Lừa đảo tình cảm, dẫn dụ đầu tư tài chính, gửi bưu kiện, trúng thưởng,…
– Rải link phishing lừa đảo, seeding quảng cáo bẩn trên Facebook.
– Lừa đảo cho số đánh đề.
“Đối với mỗi nhóm đối tượng ở độ tuổi khác nhau, bao gồm người cao tuổi, trẻ em, sinh viên, đối tượng công nhân, nhân viên văn phòng…, kẻ lừa đảo thực hiện những hình thức dẫn dụ khác nhau, mục tiêu chung là lấy lòng tin, đánh cắp thông tin người dùng, sau đó chiếm đoạt tài sản.” – Cục An toàn thông tin khuyến cáo.
Nguyễn Quân