Thủ tướng Albania – ông Edi Rama – hôm thứ Bảy (ngày 22/12) thông báo nước này quyết định đóng cửa TikTok, phiên bản quốc tế thuộc sở hữu của ByteDance Trung Quốc, 1 năm kể từ ngày 1/1/ 2025.
Theo tờ báo Le Monde, Thủ tướng Edi Rama giải thích sau cuộc gặp với một số giáo viên, phụ huynh và nhà tâm lý học, “TikTok đã trở thành côn đồ khu phố, chúng ta cần đuổi tên côn đồ này khỏi khu phố của chúng ta ít nhất một năm.”
Trong khi đóng cửa TikTok, Albania sẽ triển khai kế hoạch “giáo dục học sinh và giúp phụ huynh chú ý đến sự tiến bộ của con cái họ”.
Quyết định này được đưa ra sau một vụ việc ở nước này cách đây vài tuần. Sau khi tranh cãi về TikTok, một nhóm thanh thiếu niên Tirana đã ẩu đả trước cổng trường khiến một học sinh 14 tuổi tử vong và một học sinh khác bị thương.
Sau vụ việc, một cuộc tranh luận lớn đã nổ ra ở Albania, phụ huynh, trường học, giáo viên và nhà tâm lý học thảo luận về tác động của TikTok đối với thanh thiếu niên.
Ông Rama than thở: “Ở Trung Quốc, Douyin được giới thiệu như một nền tảng để học sinh tham gia học từ xa, cách bảo vệ thiên nhiên và cách bảo vệ truyền thống, nhưng bên ngoài Trung Quốc, tất cả những gì chúng tôi thấy chỉ là vũng nước bẩn và vũng bùn. Sao chúng ta lại cần những thứ này chứ?”
Ứng dụng TikTok có hơn 1 tỷ người dùng trên toàn thế giới và đặc biệt phổ biến với giới trẻ, những người bị thu hút bởi định dạng video siêu ngắn và lướt tay liên tục.
Ứng dụng này vượt qua tất cả các đối thủ trong việc thu hút sự chú ý. Theo báo cáo của ‘We Are Social’, người dùng Android sử dụng ứng dụng này trung bình 34 giờ mỗi tháng vào năm 2024.
Nhưng thành công khiến người ta choáng ngợp này cũng dẫn đến nhiều lời chỉ trích. TikTok đã bị cáo buộc bởi nhiều thuật toán không rõ ràng khi giam giữ người dùng vào các kho nội dung và khuyến khích truyền bá thông tin sai lệch, cũng như nội dung bất hợp pháp, bạo lực hoặc tục tĩu, đặc biệt là trong giới trẻ.
Mạng xã hội này đã gây ra nhiều tranh cãi trên khắp thế giới, từ lệnh cấm sử dụng ở thanh thiếu niên của Úc, cho đến cáo buộc hoạt động gián điệp từ Mỹ và Liên minh châu Âu. EU vừa mở cuộc điều tra nghi ngờ nước ngoài can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống bị hủy bỏ ở Romania. TikTok đã bị cấm ở Ấn Độ kể từ năm 2020 sau các cuộc đụng độ chết người ở biên giới nước này với Trung Quốc.
Các nước láng giềng của Albania là Kosovo, Bắc Macedonia và Serbia cũng cáo buộc nền tảng này có tác động không tốt, đặc biệt là đối với giới trẻ.
Theo RFI