Trudeau là kẻ thù tệ nhất của chính mình

Nguồn: Stephen Marche, “Justin Trudeau Was His Own Worst Enemy,” New York Times, 08/01/2025

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào những ngày đầu tươi sáng khi Justin Trudeau mới lên nắm quyền, một nhà báo đã đặt câu hỏi tại sao nội các của ông lại có tới 50% là phụ nữ. Trudeau đáp lại bằng một câu nói mà nay đã trở nên nổi tiếng: “Bởi vì bây giờ là năm 2015.” Nếu bạn muốn biết tại sao vào ngày 06/01 vừa qua, ông lại tuyên bố kế hoạch từ chức thủ tướng, thì câu trả lời cũng đơn giản như vậy: Bởi vì bây giờ là năm 2025.

Sự nghiệp chính trị của Trudeau đã đi theo quỹ đạo của chính trị cấp tiến toàn cầu trong thập kỷ vừa qua, phản ánh sự chuyển đổi của nó từ tư thế lạc quan lạnh lùng sang trạng thái tuyệt vọng hiện tại. Vào thời điểm ông bắt đầu nhiệm kỳ, Tạp chí New York đã mô tả Trudeau như một con búp bê giấy được mặc thêm quần áo – một mô tả có vẻ khá đúng. Giờ đây, ông ngày càng trở thành trò cười của những kẻ thù ghét phụ nữ (manosphere).

Năm 2015, Trudeau đi đầu trong một loại hình chính trị mới, cả về cách ông lên nắm quyền và cách ông chọn sử dụng quyền lực đó. Ông khai thác sức mạnh mới nổi của mạng xã hội, sử dụng tính cách dễ chịu của mình để giành chiến thắng trong cuộc bầu cử đầu tiên. Khi đã nhậm chức, ông bắt đầu nhấn mạnh đến giới tính và sắc tộc của những người mà ông đưa vào các vị trí quan trọng, cũng như những gì họ dự định làm với quyền lực mà họ nắm giữ. Thế nhưng, chính trị bản sắc giờ đây lại góp phần gây ra sự sụp đổ của ông, và các mạng xã hội đã quay lưng với ông.

Trudeau vẫn là chính mình, nhưng thời thế quanh ông đã thay đổi. Điều tệ nhất mà bạn, và tôi, có thể nói về ông là: ông không thể đối mặt với thực tế của một thế giới mới phân cực. Nhưng sự bất lực đó bắt nguồn từ những gì đã đưa ông lên nắm quyền ngay từ đầu.

“Không có bản sắc cốt lõi, không có xu hướng chính thống ở Canada,” ông nói với Tạp chí New York Times năm 2015. “Có những giá trị chung – cởi mở, tôn trọng, trắc ẩn, sẵn sàng làm việc chăm chỉ, luôn sát cánh bên nhau, tìm kiếm sự bình đẳng và công lý. Những phẩm chất đó là những gì khiến chúng tôi trở thành quốc gia hậu dân tộc đầu tiên.”

Qua lối nói của ông, tầm nhìn này nghe có vẻ rất hợp thời, khi nó đưa Canada đi theo cùng một hướng với một thế giới mở, không biên giới của sự giao lưu kinh tế và văn hóa đang mở rộng. Ông không tự hỏi – hiếm có ai tự hỏi – một “quốc gia hậu dân tộc” thực sự sẽ như thế nào, hoặc liệu nó có hiệu quả hay không.

Thuật ngữ này nghe khá hấp dẫn: một cách tồn tại về mặt chính trị mà không có những sự điên rồ của chủ nghĩa dân tộc. Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn chưa rõ một quốc gia hậu dân tộc có thể tồn tại như thế nào. Lòng yêu nước đã suy giảm đáng kể xuyên suốt nhiệm kỳ của Trudeau. Chỉ có 34% người dân trong nước hiện nay nói rằng họ “rất tự hào” là người Canada, giảm so với mức 52% vào năm 2016.

Sự thất bại của tầm nhìn toàn diện của Trudeau không chỉ là vấn đề chiến tranh văn hóa. Thứ làm nên siêu cường kinh tế Canada luôn là sự ủng hộ rộng rãi, liên đảng phái đối với chính sách nhập cư được quản lý chặt chẽ, vốn đóng vai trò quan trọng trong việc bổ sung các lao động lành nghề cho dân số ít ỏi và đang già đi của đất nước. Chính sách của chính phủ Trudeau kể từ sau đại dịch Covid là đưa nửa triệu người nhập cư vào mỗi năm, mà không có bất kỳ kế hoạch chắc chắn nào về cách quản lý tác động của họ đối với hệ thống nhà ở và cơ sở hạ tầng, theo đó dẫn đến một thảm họa; niềm tin ngây thơ của ông vào nhập cư như một động lực tích cực có lẽ đã khiến ông không đặt câu hỏi về những giới hạn của nó. Kết quả là, số người Canada tin rằng có quá nhiều người nhập cư đã tăng hơn 30 điểm phần trăm chỉ trong hai năm qua.

Đôi khi, Trudeau dường như chỉ khoe khoang đạo đức mà không đem lại một chính sách hiệu quả – đây chính là đặc điểm tồi tệ nhất của chính trị cấp tiến khi chúng thoái trào trong mười năm vừa qua. Trong thời gian ông tại nhiệm, việc thừa nhận đất đai thuộc về người bản địa (land acknowledgments) đã trở thành thông lệ phổ biến trên khắp Canada, nhưng tuổi thọ của người bản địa lại giảm mạnh. Tôi có thể nói thêm rằng khoe khoang đạo đức hiện là, và sẽ luôn là, một nỗi đau của người Canada, chứ không riêng Trudeau. Những gì họ căm ghét ở ông thực chất là những điều họ ghê tởm ở chính mình, và đó cũng là lý do khiến lòng căm thù ấy trở nên dữ dội đến vậy.

Người Canada thường có xu hướng quay lưng lại với thủ tướng của họ sau mỗi 10 năm. Chính phủ Harper đã sụp đổ tan tành vào năm 2015, chính phủ Tự do dưới thời Paul Martin cũng có kết cục tương tự vào năm 2006. Trước đó, chính phủ Bảo thủ Tiến bộ của Brian Mulroney chỉ còn được đúng hai ghế trong cuộc bầu cử năm 1993. Sự ra đi của Trudeau là một phần của truyền thống: Cách người Canada cảm ơn các nhà lãnh đạo vì sự phục vụ của họ là đá những người này ra khỏi cửa bằng đôi giày nhọn nhất mà họ có thể tìm thấy.

Trudeau, theo một nghĩa nào đó, là một nhân vật bi thảm – điều làm nên sự vĩ đại của ông giờ đây quay lại hủy hoại ông. Ở thời kỳ đỉnh cao, ông có thể sử dụng sức quyến rũ của mình để phục vụ cho việc thực hiện các chính sách nghiêm túc và quan trọng.

Trong nửa đầu nhiệm kỳ của mình, chính phủ Trudeau đã giảm một nửa tình trạng nghèo đói ở trẻ em, hợp pháp hóa cần sa và trợ tử, cũng như đầu tư những khoản lớn vào việc chăm sóc trẻ em. Nửa sau nhiệm kỳ của ông được định hình bởi các cuộc khủng hoảng: đàm phán với chính quyền Trump 1.0 ngày càng hỗn loạn, đại dịch Covid, và lạm phát. Theo bất kỳ đánh giá sáng suốt nào, chính phủ của Trudeau cũng đều xử lý cả ba vấn đề này tốt như mong đợi. Các nhà lãnh đạo nắm quyền sau Covid đã bị từ chối trên toàn cầu. Hành động từ chối đó là hợp lý, nhưng không có nghĩa là nó đúng.

Trudeau sẽ là một thủ tướng vịt què cho đến khi đảng của ông chọn ra người đứng đầu mới. (Ông cũng tuyên bố vào ngày 06/01 rằng mình sẽ từ chức lãnh đạo Đảng Tự do.) Chí ít là cho đến nay, năm 2025 dường như không phải là năm dành cho những hiểu biết tinh tế và cảm thông về các sự kiện trong bối cảnh thời đại. Dù sao thì, hai điều vẫn có thể đúng cùng một lúc. Chính trị đại diện của Trudeau đã sụp đổ dù xuất phát từ những ý định tốt đẹp nhất, nhưng ông vẫn để lại một di sản đã định hình đất nước trở nên tốt đẹp hơn. Người dân Canada có thể một ngày nào đó sẽ nhận ra được tính hai mặt này. Nhưng có lẽ chúng ta sẽ phải chờ đến năm 2035.

Cuốn sách gần đây nhất của Stephen Marche là “The Next Civil War.” Ông viết tác phẩm này từ Toronto, nơi ông sinh sống.

Related posts