Phát biểu tại Phiên họp toàn thể lần thứ tư của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), ông Tập Cận Bình đã nêu rõ: “Những tồn đọng tham nhũng vẫn chưa được loại bỏ mà đang tiếp tục gia tăng”, và rằng “tình hình đấu tranh chống tham nhũng rất phức tạp và nghiêm trọng, tham nhũng là mối đe dọa lớn nhất”. Có phân tích cho rằng đây là lần đầu tiên ông Tập công khai thừa nhận “càng chống tham nhũng, tham nhũng càng nhiều”. Ông Ngô Văn Hân – Đại diện Hiệp hội Nhân quyền Quốc tế, chuyên gia về các vấn đề Trung Quốc – nói với phóng viên của Vision Times rằng phát biểu của Tập Cận Bình cho thấy đối thủ chính trị của ông không những không bị đánh bại mà còn ngày càng đông hơn.
Đối thủ chính trị của ông Tập chưa bị đánh bại mà ngày càng đông hơn?
Ông Ngô nhận định về việc ông Tập lại nhắc đến vấn đề chống tham nhũng tại đại hội lần này: “Kỳ thực cái mà ông Tập gọi là tham nhũng, chính là để chỉ các đối thủ chính trị. Nếu ông Tập kêu gọi tăng cường chống tham nhũng, có nghĩa là ông ấy đang tăng cường lật đổ các đối thủ chính trị. Tham nhũng chỉ là cái cớ, kẻ thù chính trị mới là thật.” Trên bề mặt, Tập nói đã bắt ai, đã lấy lại được bao nhiêu tiền cho nhân dân, điều này có thể là sự thật nhưng không phải nguyên nhân chủ yếu, mà chỉ là cái cớ. Ông ấy không thể nói người nào đó là kẻ thù chính trị, cùng lắm chỉ có thể nói người đó không trung thành với Đảng.
Ông Ngô phân tích câu nói “những tồn đọng tham nhũng vẫn chưa được loại bỏ mà đang tiếp tục gia tăng” của ông Tập có nghĩa là “kẻ thù chính trị vẫn đang làm loạn, hơn nữa càng ngày càng đông”.
Các thế lực chống Tập đã gây sức ép và giành được một số quyền lực
Ông Ngô tin rằng ông Tập Cận Bình đang bị gây sức ép và đã mất đi một phần sức mạnh quân sự, nhưng vẫn giữ được một số quyền lực: “Tôi đoán là Tập Cận Bình vẫn chưa hạ đài, ông ấy vẫn nắm quyền lực, nhưng đối thủ chính trị của ông gồm các lão làng chính trị trong quân đội với đại diện là Trương Hựu Hiệp, Ôn Gia Bảo, cho đến phe chống Tập thế hệ đỏ thứ hai do Lưu Nguyên đại diện. Họ đang từng bước gây sức ép lên Tập Cận Bình. Bước đi thành công đầu tiên là một phần quyền lực quân sự đã không còn nằm trong tay ông ấy nữa”.
Nếu ông Tập Cận Bình bị hạ đài, liệu ĐCSTQ sẽ sụp đổ theo không?
Về vấn đề này, ông Ngô tin rằng dù ông Tập có bị hạ đài hay không thì ĐCSTQ vẫn sẽ tiến đến diệt vong, thậm chí có thể diệt vong ngay cả khi Tập còn tại vị. Bởi vì ông ấy là tác nhân chính đẩy nhanh sự sụp đổ của ĐCSTQ.
Lần đầu tiên ông Tập công khai thừa nhận “càng chống tham nhũng, tham nhũng càng nhiều”
Ông Trần Phá Không, một nhà bình luận chính trị tại Hoa Kỳ, đã phân tích trên kênh truyền thông cá nhân rằng lời phát biểu “những tồn đọng tham nhũng vẫn chưa được loại bỏ mà đang tiếp tục gia tăng” của ông Tập tại phiên họp Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương ĐCSTQ đánh dấu lần đầu tiên ông công khai thừa nhận “càng chống tham nhũng, tham nhũng càng nhiều”.
Ông Trần cho rằng trong 12 năm chống tham nhũng của Tập Cận Bình, tham nhũng không những không được loại bỏ mà càng ngày càng tăng. Đây được xem là thất bại kép của ông ấy trong thời gian chấp chính, tham nhũng càng ngày càng lan rộng.
Thể chế ĐCSTQ là căn nguyên của nạn tham nhũng
Ông Tập Cận Bình tuyên bố: “Nhiệm vụ xóa bỏ điều kiện và môi trường nuôi dưỡng nạn tham nhũng vẫn còn nặng nề và gian khổ”.
Theo ông Trần Phá Không, môi trường sinh ra tham nhũng kỳ thực chính là chế độ độc đảng của ĐCSTQ, cũng chính là chế độ độc tài của ông Tập Cận Bình: “Bởi vì loại chế độ này không bị giám sát, không được kiểm tra và cân bằng, không có hệ thống tư pháp độc lập, không có tự do báo chí và không có tự do ngôn luận”.
Ông Trần nhận định chỉ cần làm được 3 việc thì tham nhũng sẽ bị loại bỏ. Thứ nhất, cần công bố tài sản của quan chức. Tuy nhiên có người đề xuất giải pháp này lên và đã bị ông Tập bắt rồi. Thứ hai, cần có tự do báo chí. Hiện này không chỉ không thực hiện việc này mà còn phong sát tin tức. Thứ ba, cần độc lập tư pháp. Trước pháp luật ai ai cũng đều bình đẳng, không chỉ đối với người dân bình thường mà cả quan chức cấp trung hạ, quan chức cấp cao cho đến lãnh đạo cao nhất.
Ngoài ra, nhà bình luận Vương Hữu Quần cho rằng việc ông Tập không động đến cơ chế khiến tham nhũng ngày càng gia tăng và lan rộng cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến “càng chống tham nhũng, tham nhũng càng nhiều”.
Ông Vương đã đăng một bài báo trên kênh truyền thông tiếng Trung ở nước ngoài, trong đó phân tích 5 lý do khiến ông Tập “càng chống tham nhũng, tham nhũng càng nhiều”. Một trong số đó là sự hủ bại của ĐCSTQ là hủ bại có tính hệ thống.
Ông Vương chỉ ra rằng ĐCSTQ là một thể chế độc tài độc đảng. Đảng quản việc lập pháp, thực thi pháp luật và tư pháp. Đảng chịu trách nhiệm ra quyết định, thực hiện và giám sát. Đảng quản cả công vụ, viện kiểm sát, pháp luật và các ban ngành: “Khi Đảng một thân kiêm 3 trọng trách như vậy thì không thể có sự giám sát chặt chẽ. Nếu không có sự giám sát chặt chẽ thì tham nhũng sẽ tiếp tục gia tăng và lan rộng”.
Theo ông Vương, việc ông Tập sử dụng chống tham nhũng như một công cụ đấu tranh quyền lực cũng là nguyên nhân dẫn đến “càng chống tham nhũng, tham nhũng càng nhiều”.
“Tập cho rằng đối với các quan chức cấp cao đe dọa quyền lực của mình, thì ông ta sẽ thanh trừng không thương tiếc như các phần tử hủ bại. Đối với các quan chức cấp cao không uy hiếp đến quyền lực của Tập, thì cho dù có hủ bại tới đâu, ông ta cũng không động đến họ”.
Nhà bình luận độc lập Thái Thận Khôn cũng tin rằng thể chế ĐCSTQ là căn nguyên của tham nhũng. Ông Thái nhận định không ai trong số những người mà ông Tập trọng dụng là trong sạch, và không quan chức nào có khả năng kinh qua được các đợt điều tra, kể cả ông Thái Kỳ.
“Do đó, chế độ này có vấn đề. Loại chế độ này có thể biến bất kỳ ai thành ma quỷ. Ai cũng chỉ muốn nắm giữ quyền lực mà không bị giám sát, không bị ước chế, đều có thể tự do điên cuồng tích lũy tài sản. Nếu như không cải cách từ chế độ chính trị thì có bắt thêm bao nhiêu con hổ nữa cũng vô dụng”.
Lý Tịnh Dao, Vision Times