Mai Bá Kiếm
Phải nói người soạn Nghị định 168 rất chu đáo, khi quy định tại điều 10 rằng “NGƯỜI ĐI BỘ QUA ĐƯỜNG KHÔNG CÓ TÍN HIỆU BẰNG TAY (không vẫy tay khi sang đường) SẼ BỊ PHẠT HÀNH CHÍNH TỪ 150.000 – 250.000 ĐỒNG”. Thật vi diệu, trước đây người đi bộ được xem là NGƯỜI THAM GIA GIAO THÔNG, nay NĐ 168 coi người đi bộ như PHƯƠNG TIỆN GIAO THÔNG , mà hai chân là hai bánh xe, hai tay là hai đèn xi nhan.
Sắp tới nếu có kiểm định xe máy, thì phải kiểm định người đi bộ vì họ cũng là phương tiện tham gia giao thông. Ai cụt chân là thiếu bánh, cụt tay thiếu xi nhan sẽ bị cấm tham gia giao thông (sẽ phát sinh dịch vụ “Grab walk” – người lành lặn dắt người cụt tay qua đường lấy tiền cước).
Người soạn NĐ 168 chu đáo là vì, trên mặt đường đoạn sắp đến chỗ vạch cho người đi bộ, đã có 4 vạch hình thoi (vạch 7.6). Tài xế, người chạy xe máy và xe đạp khi thấy vạch hình thoi phải chậm lại, quan sát, nhường đường cho người đi bộ, các nghị định cũ đều phạt xe vi phạm vạch 7.6. Nay, NĐ 168 phạt cả người đi bộ không “vẫy tay chào xe” là phạt cả 2 đầu, tức 2 phương tiện xung đột giao thông. Xe nhường đường cho xe cứu thương còn bị phạt, thì thương binh và người tàn tật có thể bị phạt lỗi “không vẫy tay”.
Người soạn NĐ 168 tính chi ly về nội dung mà quên hình thức cấu thành văn bản pháp luật. Theo điều 151 Luật ban hành văn bản pháp luật, thì từ ngày ký văn bản như nghị định đến ngày có hiệu lực ít nhất là 45 ngày. Riêng NĐ 168 có hiệu lực tốc hành là 5 ngày. Vậy mà các báo chính thống không dám lên tiếng, chỉ có Fbker Nguyễn Huy Cường phát hiện.
M.B.K.
Nguồn: FB Kiem Mai Ba
*
Trước kia, người ta nói rằng kẹt xe là do người tham gia giao thông không tuân thủ luật giao thông. Thực tế hiện tại chứng minh khi người tham gia giao thông đi đúng Luật thì tình trạng kẹt xe không hề giảm mà còn tăng lên. Việc chấn chỉnh giao thông hiện nay, về mặt hình thức giống như khiến cho một đám đông kẹt xe trong lộn xộn trở nên kẹt xe có hàng lối hơn mà thôi.
Khi trùm buôn lậu xăng dầu ra Tòa, ông ta nói nhờ ông ta mà xăng dầu trong nước không thiếu hụt. Không biết ông ta nói đúng hay không? Sau câu nói đó, năm 2022, người dân xếp hàng đổ xăng. Mọi hoạt động gần như tê liệt vì thiếu xăng.
Khi người dân, doanh nghiệp làm đúng luật mà không được hưởng “trái ngọt” đúng với những điều vốn phải có hay cao hơn là kì vọng đặt ra. Phải coi lại nền móng ban đầu của cả hệ thống.
Chúng ta đã đánh giá đúng, đầu tư đúng và đủ về cả vật chất lẫn khoa học cho hệ thống giao thông hay chưa? Giải pháp tiếp theo là gì để giảm ùn tắc giao thông trong tương lai.
Và đây là câu chuyện tầm nhìn của lãnh đạo.
Dân mình hiền, hiền đến độ cam chịu thì phải. Coi 2 cái clip đèn đỏ đứng hình được cho là ở Bình Dương và Củ Chi, chẳng thấy dân nào gọi “hỏi thăm” ông Giám đốc Trung Tâm quản lý Giao thông công cộng của Tp.HCM và Bình Dương hoặc nữa là Giám đốc Sở Giao Thông Vân Tải của hai tỉnh/thành này. Rồi yêu cầu ổng tắt đèn giao thông và cho CSGT tới điều tiết giao thông.
Sau sự vụ cũng chẳng thấy dân nào trong hàng ngàn dân đứng chịu nắng cả mấy tiếng đồng hồ có động thái khởi kiện hai cái Trung Tâm đó hoặc cơ quan chủ quản của họ là Sở Giao Thông Vận Tải ra Tòa.
Chúng ta cứ so chính quyền mình với chính quyền Mỹ. Xong nhìn lại dân Mỹ đi, cái gì họ cũng kiện, dù chỉ kiện để lấy 1 đô la danh dự thôi. Pháp quyền nếu không thể đòi hỏi từ trên xuống thì sẽ bắt đầu bằng cái gốc của dân.
Lương cơ bản 1 ngày là 280 ngàn đồng. Một giờ là 35 ngàn đồng, chờ 1 tiếng 35 ngàn nếu có thêm thiệt hại rõ về kinh tế, đền hợp đồng đều phải tính rõ.
Khởi kiện ra Tòa đối với những sai sót, thiếu trách nhiệm gây ra hậu quả hay bất tiện cho dân là quyền của người dân. Và đó là hành động văn minh để tiến tới một xã hội văn minh.