Xã hội
Hoa Kỳ được cho là tương đối cởi mở và đồng thời lại luôn tôn trọng
cuộc sống riêng tư của mỗi cá nhân. Mỗi người, sau khi đi làm về,
bước vào nhà đóng cửa lại thì sau đó là cả một thế giới của riêng
họ. Thế nhưng, tưởng vậy mà không phải vậy, ít ra là đối với những
người sống độc thân. Dường như cuộc sống của những người này vẫn
thường xuyên phải nghe những lời dị nghị, xầm xì từ những người
hàng xóm, bạn bè, và thậm chí từ ngay những người thân trong gia
đình cho rằng chắc họ phải có vấn đề gì đó nên mới còn… độc thân.
Tuy nhiên, kết quả một cuộc nghiên cứu mới đây được đăng trên tạp chí
Journals of Gerontology, chuyên về lão khoa, cho thấy trên thực tế những
điều nói trên là một quan niệm khá cổ hủ không đúng với cuộc sống
của người độc thân thời hiện đại này. Những người độc thân thời nay
cảm thấy hài lòng với cuộc sống của họ hơn là những người độc thân
thời trước. Và hơn nữa, theo các nhà nghiên cứu của Trung tâm Lão khoa
Đức tại Berlin, sau khi phân tích các dữ liệu thu thập từ một cuộc
khảo sát nhóm người ở độ tuổi từ 40 đến 85 cho biết, những người
sống độc thân khi càng lớn tuổi hơn thì lại càng cảm thấy hài lòng
với cuộc sống của họ hơn. Kết quả nghiên cứu này nói chung được áp
dụng cho tất cả các quốc gia Tây phương chứ không chỉ riêng một quốc
gia nào.
Đây được xem là một bản tin quan trọng, lý do là vì một trong những
chiều hướng thay đổi lớn nhất trong dân số Mỹ trong vòng 50 năm qua là
số người sống độc thân ngày càng gia tăng. Năm 2017, kết quả một cuộc
khảo sát dân số Hoa Kỳ cho thấy có hơn 120 triệu người Mỹ, hay gần 48
phần trăm người Mỹ ở độ tuổi từ 18 hoặc lớn hơn là ly dị, goá bụa
hay chưa từng lập gia đình. Năm 1970, con số đó chỉ ở mức 29 phần trăm
dân số, hay tương đương với 39 triệu người Mỹ trưởng thành ở độ tuổi
18 hoặc hơn, là dân độc thân.
Một trong những lý do đưa tới tình trạng số người độc thân ở Mỹ tăng
là vì tuổi trung bình của những người lần đầu tiên lập gia đình
cũng ngày càng tăng. Năm 2006, tuổi trung bình người Mỹ lập gia đình
lần đầu là 25.5 cho phụ nữ và 27.5 cho nam giới; đến năm 2015, con số
đó tăng lên 27.1 cho phụ nữ và 29.2 cho nam giới.
Trong số đó, đặc biệt là những người trẻ, trì hoãn chuyện lập gia
đình vì nhiều lý do, trong đó phải kể đến những lý do chính như vì
công việc chưa vững chắc, lương bổng không tăng, nợ nần nhiều. Một số
đông khác thì quyết định sống độc thân tại chỗ suốt đời. Một phúc
trình từ Trung tâm Nghiên cứu Pew ước tính đến khi những người trẻ
trưởng thành hiện nay bước vào độ tuổi 40, 50 của họ, có đến 25
phần trăm trong số này là độc thân và chưa từng lập gia đình. Và hầu
hết những người này có thể là sẽ tiếp tục sống độc thân suốt đời.
Mặc dù vậy cho đến nay những người độc thân vẫn phải đối diện với
một sự kỳ thị, có khi âm thầm, có khi lộ liễu. Sự kỳ thị đó dựa
trên quan niệm cho rằng người độc thân có cuộc sống cô đơn, sầu khổ hoặc
ích kỷ; rằng họ cũng rất thèm muốn lập gia đình nhưng không thể;
rằng chắc là họ phải có vấn đề gì đó nên mới độc thân.
Tuy nhiên, kết quả nhiều cuộc nghiên cứu cho thấy những người độc thân
không hề sống cô đơn, khép kín chút nào. Họ sống hoà mình và hăng
hái trong các sinh hoạt với bạn bè và hàng xóm của họ hơn so với
những người có gia đình. Họ cũng năng thăm hỏi, hỗ trợ và giữ liên
lạc với những người thân trong gia đình hơn là nhóm người kia.
Trên thực tế, người sống độc thân thường chính là động cơ của tất
cả mọi sinh hoạt chính ở các đô thị. Họ thường tham gia trong các
nhóm hoạt động dân sự và các sinh hoạt công cộng, theo học nhiều hơn
trong các lớp dạy âm nhạc và nghệ thuật, và thường đi ăn tối ở bên
ngoài nhiều hơn so với những người không còn độc thân hay đang có quan
hệ với ai đó. Người độc thân, cho dù họ đang sống một mình hay với
ai khác, cũng thường tình nguyện tham gia với các tổ chức phục vụ
xã hội, các nhóm hoạt động giáo dục, bệnh viện và các tổ chức
chuyên về nghệ thuật nhiều hơn là những người đã lập gia đình.
Ngược lại, các cặp uyên ương sau khi dọn vào sống chung với nhau hay có
cưới hỏi hẳn hoi, thì họ thường có khuynh hướng sống khép kín, thậm
chí kể cả khi họ vẫn chưa có con cái.
Nước Mỹ là một xã hội được tổ chức và sắp đặt theo từng cặp, từng đôi.
Hãy cứ nhìn thử một ví dụ điển hình, mỗi khi có những chương trình
giảm giá trên một món hàng hay một dịch vụ nào đó thì người ta
thường cho giảm giá theo từng cặp, từ một cặp vé coi phim, coi đại
nhạc hội cho đến một cặp vé đi du lịch. Thứ gì cũng đi theo từng cặp,
từng đôi như thế thì thử hỏi đâu là sự công bằng cho hơn 100 triệu con người
độc thân hiện nay ở Mỹ. Và do đó, khi những người độc thân cứ hay phải nghe
những lời khuyên nhủ, cố vấn, và được ngỏ lời giúp mai mối, ghép cặp, ghép đôi
họ với những người nào đó thì hỏi tại sao những người độc thân tự nguyện này
không nổi nóng sao được.
Những ai đã từng trải qua kinh nghiệm đều nói rằng thời gian khó khăn nhất để
được sống là một người độc thân mà không bị ai dòm ngó là ở vào độ tuổi khoảng 30.
Đây là độ tuổi khi mà những người thân xung quanh mong đợi người độc thân lập
gia đình nhiều nhất, và do đó cũng mãnh liệt nhất đến nỗi nhiều người trong số
họ phải tìm cách lánh mặt ở những buổi họp mặt có đông người. Bạn bè và người
thân trong gia đình, hầu như ai cũng đang chuẩn bị lập gia đình, hay đã lập gia
đình rồi, làm cho những người độc thân cảm thấy như một kẻ bị đẩy ra rìa. Nhất
là những người độc thân chỉ quen toàn là những đôi, những cặp thì cảm giác còn
trở nên đau đớn hơn nữa.
Nhưng không vì thế mà những người độc thân không thể không điều chỉnh lại thái
độ sống của mình để trở thành một người có cuộc sống hạnh phúc hơn.
Người ta kể câu chuyện cô Katie Tomaszewski sau khi ly dị chồng ở tuổi 28 thì
cô luôn có cảm giác xấu hổ khi phải sống cu ky một mình. Do đó, cô đã sống đúng
như những gì cô nghĩ một người độc thân cần phải làm: Cô hẹn hò với hết người
này tới người khác, cô chúi đầu vào công việc đến quên ngày quên tháng và rảnh
một chút là đi ra ngoài, hay mời bạn bè đến nhà ăn tối gần như mỗi đêm chỉ vì
cô sợ bị cô đơn. Cô trở nên tuyệt vọng và chán nản, cố tìm cho mình một đối
tượng – bất cứ đối tượng nào đó – để có thể cứu vớt cô ra khỏi cảnh đơn chiếc.
Nhưng thật sự ra không hẳn là cô cần một người bạn tình, tất cả chỉ vì do áp
lực đến từ bên ngoài xã hộilàm cho cô có cảm giác cuộc sống của cô như đang có
quá nhiều khoảng trống cần phải lấp vào. Trên thực tế thì không phải vậy, mà là
vì cô không nhận thức ra được chính con người của mình.
Cô Tomaszewski nhớ lại rằng lúc ban đầu có cảm giác ghen tị với những người
xung quanh và lúc nào cũng tự hỏi là tại sao mình lại không được hạnh phúc như
họ. Những cuộc hẹn hò của cô dần dà trở nên nhàm chán, mối tình nào cũng chưa
kịp vỗ cánh bay thì đã lao vào ngõ cụt, và cô ngày càng cảm thấy không hài lòng
với cuộc sống của chính mình.
Rồi cô nghĩ lại và tự nhủ cần phải thay đổi. Cô bắt đầu đối xử với chính bản
thân mình như một người tình vậy. Cô tự mua cho mình những món quà sinh nhật
thật sang trọng và tự mình đi ra ngoài ăn tối vào những ngày lễ. Và cô bắt đầu
sắp xếp lại giường chiếu cho gọn gàng như cô đã từng làm trước đây. Và nhờ vậy,
mỗi khi đi làm về, mở cửa bước vào và nhìn thấy một sự gọn gàng vừa mắt làm cho
cô có cảm giác đây chính là căn nhà thân yêu của mình để được trở về mỗi ngày. Cô
ăn uống điều độ và siêng tập thể dục hơn. Và sự tự chăm sóc và quan tâm đó từ
từ đã mang hạnh phúc trở lại cho cuộc sống của cô.
Vậy thì chắc hẳn một người sống độc thân vẫn có thể có một cuộc sống hạnh
phúc?Muốn được vậy các chuyên gia khuyên là hãy tập trung vào điểm này là hãy
sống hết mình với hiện tại, và chỉ sống cho mình thay vì mất thì giờ đi tìm một
người bạn tình mà mình không cần hay chưa cần. Hãy tìm cách làm quen và sinh
hoạt chung với những người độc thân vui vẻ, hạnh phúc. Và hãy hãnh diện với
cuộc đời do chính mình tạo ra – một cuộc đời độc thân không làm phiền đến ai mà
cũng đừng để ai làm phiền đến mình.
Sống độc thân hay không là do mình lựa chọn chứ không nên để bất cứ ai áp đặt
cho mình. Và suy cho cùng, độc thân hay không không quan trọng, điều quan trọng
nhất là sống sao cho hạnh phúc vì mỗi phút giây đi qua thì ta không thể lấy lại
được cái giây phút qua đi đó.
Huy Lâm