VN ta từ xưa có quan điểm “môn đăng hộ đối” trong hôn nhân.
Thời “phi cao đẳng bất thành phu phụ” xửa xưa lắm rồi. Từ hồi tiền chiến, các cô tiểu thư nhà giàu, gia đình lại có cửa hàng mặt phố nên ra giá, nếu chàng không phải cao đẳng thì đừng có mơ giấc mộng phu phụ với nàng.
Theo thời gian, không phải cao đẳng nữa mà tiêu chuẩn được nâng cao hơn cho phù hợp với thực tế.
Cách đây hơn hai chục năm, khi một cô về thưa với gia đình xin kết hôn với anh đồng nghiệp thì gia đình phán thẳng:
-Không xứng rồi. Con mình cử nhân mà cậu kia mới có bằng trung cấp!
Làm sao vượt rào cản bất xứng về bằng cấp mới có cái đám cưới nên sau đó anh chàng phải cày cục học đại học tại chức cho… bằng vợ rồi sau đó mới tính tới chuyện sắm sính lễ rước nàng về dinh.
Cao hơn nữa là bà nọ có con gái sắp lấy chồng, nhưng bà im bặt, cũng không khoe mẽ gì vì con gái bà đã là thạc sĩ mà con rể tương lai mới có bằng đại học cho dù anh chàng kia lợi tức cao hơn vợ khá nhiều. Bởi bây giờ cử nhân nhan nhản nên không còn giá trị mấy, bằng cấp buộc phải leo lên tiến sĩ thì mới mở mày mở mặt được với người ta.
Nhất sĩ nhì nông hết gạo chạy rông nhất nông nhì sĩ. Câu tục ngữ xưa dường như vẫn đúng thời buổi bây giờ bởi tâm lý người Việt hiện nay vẫn trọng bằng cấp. Ngày xưa đậu cao được bổ làm quan tức là cuộc sống yên ấm vì vừa có quyền hành chức vụ, vừa lương cao bổng lộc dồi dào.
Thời Pháp thuộc, nền giáo dục rộng hơn một chút, tuy nhiên cánh cửa vẫn hẹp nên ai lọt qua đều thực sự rất giỏi. Thời quốc gia cánh cửa đại học rộng thêm bậc nữa vì nhiều trường đại học hơn, một số trung học tư, đại học tư của các tôn giáo…
Nhưng tới bây giờ mới thật trăm hoa đua nở. Các loại trường tư từ tiểu học lên trung học, đại học… nở bùng khắp nơi.
Số học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia năm 2018 chiếm 97,57% Số rớt ít ỏi có thể tham dự kỳ thi lần thứ 2 và nhiều phần đậu nốt. Tội nghiệp, cho đám học sinh mới lớn tấm bằng lận lưng để chúng tiếp tục đi học hay đi làm cũng được, coi như hoàn tất phần học vấn căn bản chứ đánh rớt làm gì!.
Vì thế trường đại học mở rộng cửa đón sinh viên, đáp ứng yêu cầu thực tế ấy.
Trừ những gia đình quá nghèo, còn thì học sinh tuổi 18 vào đại học là lẽ đương nhiên. Thông thường học đại học bốn năm. Hoặc học cao đẳng ba năm rồi học tiếp liên thông đại học thêm hai năm nữa. Ngoài các đại học công trực thuộc bộ Giáo dục còn có các đại học thuộc UBND thành phố như đại học Sài Gòn, đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Học viện Ngân hàng trực thuộc Ngân hàng nhà nước, học viện Ngoại giao trực thuộc bộ Ngoại giao… Rồi đại học của vùng miền như Cần Thơ, Tây Nguyên…
Các đại học tư nở rộ như nấm sau cơn mưa. Đại học mở nhiều nên có sự phân biệt rõ ràng. Đại học quốc gia có giá trị nhất vì điểm đầu vào cao. Sau đó cứ tuần tự nhiều trường đi xuống. Thậm chí có nhiều trường lấy điểm sát đáy. Chuyện đó không thành vấn đề vì có nhiều người chỉ cần một tấm bằng đại học bất kỳ để được tuyên bố với đời tốt nghiệp đại học. Còn đại học đó học môn gì, thuộc một trường đại học vô danh nào đó thì không quan trọng.
Đại học nhiều quá hóa… nhàm. Bằng cử nhân bị lạm phát. Văn bằng cử nhân nhiều như lá rụng mùa thu nên dần dần mất giá trị.
Nhu cầu đòi hỏi một giá trị cao hơn cử nhân. Vì thế khoa “Đào tạo sau đại học” xuất hiện tức thì. Học thạc sĩ có học phí từ vài chục triệu ở trường trong nước đến hơn trăm triệu (liên kết với nước ngoài), học từ mười tám đến hai mươi bốn tháng.
Thời buổi này, công chức có chức vụ hoặc ở trong “diện quy hoạch” đều lo le tấm bằng thạc sĩ lận lưng. Thành thử chẳng lạ khi lý lịch của ông quan nào cũng có hai tới ba bằng thạc sĩ chứ không phải cử nhân. Thạc sĩ kinh tế hẳn hoi. Bèo lắm cũng là thạc sĩ tư tưởng… Anh Khiết đang là công chức trong biên chế. Anh cày cục văn bằng thạc sĩ vì: “nếu sở bổ nhiệm chức vụ phó phòng, thì giữa hai người ngang cơ nhau đều có bằng đại học thì ai có thêm thạc sĩ sẽ thắng.
Nơi nào cũng mở lớp cao học, ai cũng khoe văn bằng thạc sĩ khiến thiên hạ dè bỉu thạc sĩ nhiều như nấm, thạc sĩ bỏ đầy rổ… Nói vậy chứ “trong chăn mới biết chăn có rận”, thi đầu vào ở số ít các trường danh giá cũng chua lắm. Nếu là ngành Kinh tế thì phải thi môn Toán, Kinh tế, Anh văn. Còn nếu lớp liên kết với nước ngoài thì chỉ cần có bằng IELTS 6.5.
Việc học cao học trở nên sôi nổi trong thị trường giáo dục những năm gần đây. Học viên cần tấm bằng, nhà trường cung cấp dịch vụ này. Nhà trường mở lớp cao học ngay tại trường, liên kết với các trường khác trong và ngoài nước… tận dụng trên cơ sở sẵn có: bảng hiệu, phòng ốc, thư viện, bàn ghế, điện, nước… học phí tự ấn định, chi cho nhà trường, giáo viên…
Người ta nói cao học chính là nồi cơm của đại học không ngoa. Món lợi bày trước mắt nên ngoài trường đại học thì trường cao đẳng, trung cấp, ngay cả công ty cũng mở lớp học thạc sĩ. Đó là trường hợp một công ty ở Đồng Nai chẳng ăn nhậu gì tới học hành cũng treo bảng tuyển sinh, thực chất chỉ là trung gian kiếm học viên ở giữa ăn tiền cò, hoặc tuyển sinh… chui tới Bộ Giáo dục cũng chẳng biết ất giáp gì. Tréo ngoe có trường không tuyển đủ sinh viên vào bậc đại học nhưng vẫn ráng mở cho được bậc cao học. Ngay cả trường cao đẳng cũng đăng thông báo tuyển sinh cao học.
Dẫu sao học thạc sĩ cũng có phần rắc rối. Thi vào, thi ra, học các môn học, làm luận văn tốt nghiệp. Dễ thì dễ, cũng mất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc. Vì thế, có một nơi, Viện Quản trị và Tài chánh không có chức năng đào tạo chương trình cao đẳng, đại học, thạc sĩ nhưng lại mở ra chương trình thạc sĩ “có một không hai” là “thạc sĩ mini” chỉ học trong… bốn tháng. Lớp thạc sĩ thu nhỏ, học trong phòng… hẹp. Theo quy định của Bộ Giáo dục, các viện không được phép đào tạo và liên kết đào tạo từ trung cấp chuyên nghiệp trở lên trong cũng như ngoài nước, nhưng viện này đã không ngần ngại tổ chức chiêu sinh chui thu nhận hàng trăm học và dĩ nhiên đút túi không ít tiền.
Sau này thấy phần thi tuyển vào tuy đã “uyển chuyển” hơn trước kia rất nhiều nhưng vẫn còn khó quá với số đông cử nhân, là rào cản làm nản lòng nhiều người. Mà nếu không nhiều người thi đậu phần thi tuyển để bảo đảm học xong phải ra trường với tấm bằng thạc sĩ thì còn ai nức lòng ghi danh học cao học nữa. Mà không ai ghi danh học thì nhà trường… ế. Ế thì không tiền!
Vì thế để mở rộng cánh cửa thạc sĩ hơn nữa, để khuyến khích người ta nên tích cực đóng tiền ghi danh thì có nhiều cách để giúp đỡ các học viên.
Các trường làng nhàng có nhiều kiểu chiêu sinh. Như cấp học bổng cho vui, cho nợ đầu vào…tức là nếu đợi tên học viên đó thi đậu để học thì y cứ rớt “đầu vào” hoài nên nhà trường du di bằng cách cho đóng tiền để vào học các môn trước, thi các tín chỉ đều đều cho dù vẫn thiếu kết quả “đầu vào”. Một năm hai lần trường tổ chức thi tuyền, ghi danh để thi, nếu rớt sẽ thi lại kỳ sau. Thi chừng nào đậu thì thôi. Khi ấy sẽ được công nhận các tín chỉ đã học khi qua một trường nào khác, nộp tín chỉ đã thi thì khỏi cần học lại môn đó.
Vì thế có người học tới tín chỉ cuối cùng mà vẫn không cầm được bằng tốt nghiệp vì thiếu phần thi đậu đầu tiên. Hay là vừa thi vào đậu thì liền ngay lập tức thi ra tốt nghiệp mà không cần phải học ngày nào vì các môn đã học hết rồi đâu. Việc học trở nên dễ dàng vì khỏi học Anh văn như chương trình thạc sĩ thường bắt buộc mà nội dung bài đã được dịch hết ra tiếng Việt…
Luận văn thạc sĩ cũng hạ xuống dễ dãi chút cho học viên có thể làm được chứ khó quá cũng phiền phức. Đã đậu vào, đã học đủ các tín chỉ mà vẫn mắc kẹt phần luận văn tốt nghiệp sao được. Việc tuyển sinh thay đổi sao cho hấp dẫn càng nhiều người tới ghi danh càng tốt.
Gần đây khi thấy các thí sinh thi cử trầy trật hoài vì bị kỳ thi vào chặn họng khiến công việc tuyển sinh của nhà trường không được suôn sẻ, lớp học sẵn sàng ngồi đợi mà không có học viên để thu tiền. Do đó cần phải thúc đẩy học viên hơn bằng cách nhà trường mở các lớp luyện thi hay gọi là ôn thi cũng được. Đương nhiên thí sinh thi trường nào phải đóng tiền học lớp luyện thi của trường ấy. Vấn đề là chương trình ôn thi được giới hạn tới mức mỗi môn thi chỉ còn vài bài. Giống y hệt như những lớp ôn thi ở mọi trường. Cứ thuộc tủ vài bài đó vì đề thi sẽ nằm một trong số vài bài ôn thi. Không kể trước ngày thi một tuần, ở Hà Nội, các cửa hàng photocopy đã phất phới bán “bùa”. Cao học, đại học hay trung học cũng y như nhau. Dẫu có học bài rồi nhưng bùa dắt lưng vẫn thấy yên tâm hơn. Với lại thi cao học tức cũng lớn rồi, đi làm rồi nên lỡ có quay cóp chút đỉnh thì giám thị chỉ nhắc nhở cảnh cáo thôi chứ cũng chẳng mạnh tay làm gỉ..
Nhờ vậy mà lúc này việc chiêu sinh thạc sĩ có phần trơn tru hơn vì hầu hết thí sinh đều đậu cả.
Học thạc sĩ hầu hết là người đã đi làm nên khó bỏ việc để cắp sách đến trường dù là học buổi tối. Bởi vậy tỉnh nọ ở gần SG lên trường X. mời thày về dạy cao học cho ba chục cán bộ lãnh đạo của tỉnh. Mỗi cuối tuần, xe lên SG đưa đón thầy xuống tỉnh, ăn ở thịnh soạn, phong bì ấm áp thì chắc sẽ có ba mươi cái văn bằng thạc sĩ đạt loại từ xuất sắc đến giỏi.
Ông trưởng phòng của một sở nọ đi học bữa đực bữa cái vì bận công tác liên miên. Cả lớp xì xào đừng lo ông mất bài không thi nổi vì ổng hay mời thầy đi nhậu và mới nhận cháu của thầy vào làm một chân trong sở.
Cô giáo tiếng Anh góp chuyện cô học chương trình liên kết với đại học bên Canada. Học phí hơn 100 triệu nhưng chỉ cần đóng học phí thôi chứ không như chương trình của VN. Mới nghe qua tưởng rẻ chỉ hơn 50 triệu nhưng sau đó chạy phong bì cho thày cô trong thời gian viết luận văn tốt nghiệp thì cũng xấp xỉ cả trăm…
Tại thạc sĩ nhiều cả rổ nên chuyện học thạc sĩ kể hoài không hết…
Sài Gòn Cô Nương