Ngày 2-7-2019 là tròn 20 năm ngày mất Mario Puzo và 2019 cũng là năm đánh dấu sự ra đời The Godfather – tác phẩm đã bán được ít nhất 21 triệu bản khắp thế giới và được chuyển thể thành bộ phim cùng tên lừng danh với sự xuất hiện của các ngôi sao Marlon Brando, Al Pacino, James Caan, Robert Duvall…
Từ Mario Puzo…
Mario Puzo sinh ngày 15-10-1920 tại Hell’s Kitchen (khu định cư đông đúc của người Ý tại Manhattan phía Tây New York), là một trong 7 người con của một gia đình Ý nhập cư. Năm Puzo 12 tuổi, bố ông đã rời bỏ gia đình. Sau khi phục vụ trong quân đội, Puzo làm nhiều nghề kiếm sống. Tiểu thuyết đầu tiên của ông là The dark arena (1955) và sau đó ông bỏ ra 9 năm ròng để viết quyển The fortunate pilgrim, nói về cuộc sống của dân Ý nhập cư tại New York. Năm 45 tuổi, Puzo cảm thấy mệt mỏi. Cạnh đó, ông còn mang khoản nợ 20,000 USD. Một hôm, trong bữa ăn trưa với một người bạn, Puzo kể vài mẩu chuyện vui về mafia và đưa cho anh ta xem bản phác thảo (The Godfather) dày 10 trang. Puzo được đưa đến giới thiệu với Nhà xuất bản G.P. Putnam’s Sons.
Một giờ sau khi nghe Puzo kể chuyện mafia, ban biên tập G.P. Putnam’s Sons bật đèn xanh và đưa cho ông một khoản ứng trước (5,000 USD – theo Los Angeles Times; 5 triệu USD – theo CNN). Năm 1969, The Godfather ra đời. Ðọc The Godfather, người ta có cảm giác hẳn Puzo phải lăn lộn trầy vi tróc vảy trong thế giới ngầm và quen biết nhiều mafiaso cũng như kết thân với giang hồ gộc. Tuy nhiên, tác phẩm The Godfather là công trình được khai sinh sau ba năm Puzo lục lạo và đào xới tư liệu.
Năm 1984, Puzo tung ra một quyển mafia nữa – The Sicilian – và cũng được chuyển thể thành phim nhưng thất bại. Năm 1992, Puzo cho ra mắt The Fourth K (tác phẩm kinh dị nói về tương lai) và năm 1996, ông tung ra quyển The last don. Tác phẩm này cũng trở thành tiểu thuyết bán chạy, đứng suốt hai tháng trong danh sách best-seller của New York Times và được chuyển thể thành phim truyền hình nhiều tập vào năm 1997, với sự tham gia của Danny Aiello, Kirstie Alley và Joe Montegna… Mario Puzo là bậc thầy kể chuyện. Ông là người đầu tiên phơi bày rõ nét về tội ác và sự tàn bạo trong thế giới ngầm mafia. Ông mang người đọc vào một xã hội bị tiêm nhiễm bởi bạo lực và các cuộc chiến băng đảng giành giật lợi lộc và quyền lực. Puzo vạch ra một thế giới mà súng ống được xem là tiếng nói của tòa án và giết chóc theo lối “trải thảm” là cung cách hành xử của “lương tri mafia”. Trước và sau Puzo, gần như chưa có nhà văn nào thành công bằng ông ở thể loại tội phạm mafia…
Sau thành công của The Godfather-văn học, Puzo cùng đạo diễn Francis Ford Coppola tung ra kịch bản cho The Godfather-điện ảnh. “Bố già” trên màn bạc thậm chí còn gây tiếng vang mạnh hơn “Bố già” trong truyện. Phim The Godfather (1972) và The Godfather II (1974) đều giành được Oscar giải kịch bản hay nhất. Marlon Brando giành được Oscar giải nam diễn viên chính xuất sắc nhất cho phần một và Robert De Niro giành được Oscar giải nam diễn viên phụ cho phần hai. The Godfather III được tung ra năm 1990, không thành công lắm tuy nhận được một số đề cử. Sau đó, Puzo viết kịch bản cho một số phim khác, trong đó có hai phim về siêu nhân, phim The Cotton Club và Christopher Columbus.
… Đến Ngọc Thứ Lang
Nói đến The Godfather không thể không nhắc đến bản dịch “thần sầu quỷ khốc” của Ngọc Thứ Lang. Chỉ riêng chữ “Bố Già” dùng để dịch “The Godfather” đã thấy Ngọc Thứ Lang xứng đáng là cao thủ. Trong bản dịch, Ngọc Thứ Lang còn “chế” ra nhiều từ mà sau này đã đi thẳng ra xã hội để trở thành câu nói cửa miệng dân chơi lẫn dân nhà lành. Chữ “The Don” (trong tên “Don Vito Corleone”) được dịch thành “Ông Trùm” nghe thật đã. Và cũng chữ đó, trong trường hợp dùng miêu tả các thành viên trong gia đình Don Vito Corleone nói chuyện với nhau thì nó lại được dịch là “Ông Già”. Còn nữa, ai có thể dịch được “The Turk” thành “thằng Ðường Thổ” để nghe cho đúng chất giang hồ? Và, “Mama Corleone”, với người khác chắc chỉ dịch là “bà Corleone”, thì với Ngọc Thứ Lang thì nó phải là “Bà Trùm”. Cách sử dụng đại từ xưng hô của Ngọc Thứ Lang cũng tuyệt cú mèo. Bản tiếng Anh chỉ là “I” với “you” nhưng khi Ông Trùm nói chuyện với mấy ông già gốc Ý thì nó được dịch là “Tôi với bạn”. Cách dịch này dường như thể hiện được thâm ý Ông Trùm: muốn cho thấy mình gần gũi thân thiện nhưng đồng thời khiến người đối diện luôn có cảm sợ hãi mơ hồ trong khi cùng lúc cảm nhận được vẻ đáng tôn kính của Ông Trùm. Và khi Ông Trùm nói với đám đệ tử thì “I” với “you” được chuyển thành “Tao với mi”! Thật quá tuyệt đỉnh!
Một cách chính xác, Ngọc Thứ Lang không dịch mà là phóng tác nhưng bản phóng tác của ông không đi quá xa nguyên tác. Bằng cách sử dụng cách hành văn với ngôn ngữ đậm chất anh chị giang hồ phổ biến Sài Gòn thập niên 1970, Ngọc Thứ Lang đã Việt hóa siêu đẳng bản dịch The Godfather. Ông không bám từng chữ, từng câu mà lại đảo lộn, có khi cả đoạn, để diễn đạt theo tư duy độc giả Việt. So sánh bản dịch với nguyên tác, có thể thấy bản dịch đọc sướng hơn bản gốc của Mario Puzo. Sướng hơn bội lần! Như thể Ngọc Thứ Lang viết lại theo một phiên bản Việt hóa của riêng ông. Ngay từ đoạn đầu tiên của truyện, Ngọc Thứ Lang đã thi triển kỹ thuật dịch như vậy:
Bản gốc thế này: “Amerigo Bonasera sat in New York Criminal Court Number 3 and waited for justice; vengeance on the men who had so cruelly hurt his daughter, who had tried to dishonor her”.
Ngọc Thứ Lang dịch như sau: “Amerigo Bonasera có việc ra Tòa. Tòa Ðại-hình Nữu-Ước, Phòng 3 để nghe công lý phán xét, trừng trị hai thằng khốn can tội bạo hành, toan cưỡng dâm con gái lão”. Cụm từ “có việc ra Tòa” nghe đã cực kỳ! Rồi còn “hai thằng khốn”! Không thể tuyệt hơn!
Trong suốt bản dịch, Ngọc Thứ Lang sử dụng một văn phong đặc chất… “Ngọc Thứ Lang”. Cái chất “Ngọc Thứ Lang” mạnh đến mức “bán cả mùi” của Mario Puzo! “Kìa cha mẹ chúng đang tíu tít bao quanh hai cậu quý tử”; “Coi, con này còn đẹp quá chớ?”… Chữ “kìa” và chữ “coi” đó của Ngọc Thứ Lang nặng tới hàng tạ! “Out fucking” được dịch thành “Ði ngủ với trai” (cách cô đào trả lời anh chồng) là một điển hình “rất Ngọc Thứ Lang” nữa. Và đây, “Hận lắm nhưng lại đánh không nổi con điếm này chỉ vì nó đẹp quá, đẹp quá đi” (He hated the woman on the floor but her beauty was a magic shield).
Thử xem hẳn vài đoạn nữa để thấy rõ hơn cách “viết lại” tài tình của Ngọc Thứ Lang:
Bản dịch: Sáng thứ Năm, không hiểu sao lão thức giấc sớm hơn thường lệ. Cả một căn phòng mênh mông như còn phảng phất hơi sương. In hình ở cuối giường một dáng dấp quen thuộc quá? Vội chống cùi chỏ ngồi lên chú mục nhìn. Thì ra một cái đầu ngựa! Còn ngái ngủ, tay lão quờ quạng bật đèn. Ôi chao ánh đèn nháng lên cho thấy rõ mồn một. Woltz chết lặng người, như vừa lãnh một cú búa bổ vào đúng giữa ngực, tim nhảy loạn xạ và cứ thế mà nôn oẹ. Coi, con Khartoum!…
BẢN GỐC: On this Thursday morning, for some reason, he awoke early. The light of dawn made his huge bedroom as misty as a foggy meadowland. Far down at the foot of his bed was a familiar shape and Woltz struggled up on his elbows to get a clearer look. It had the shape of a horse’s head. Still groggy, Woltz reached and flicked on the night table lamp. The shock of what he saw made him physically ill. It seemed as if a great sledgehammer had struck him on the chest, his heartbeat jumped erratically and he became nauseous. His vomit spluttered on the thick bear rug…
BẢN DỊCH: Giang sơn của lão mà chúng dám giở trò sao, dám ngồi lên đầu lão chắc? Quả thực óc tự tôn, tính tự cao tự đại đã hại Jack Woltz phen này! Chỉ cần xuống một búa cái rụp là có thế lực văng trời cũng phải mở mắt. Vito Corleone chơi cú này quá rõ rồi. Ra điều bảo thẳng vào mặt lão rằng… Mày cỡ lớn thật, mày thế lực thật, mày có chơi Tổng Thống và bồ bịch ông Tổng FBI thì thằng lái buôn dầu ăn gốc Ý hạng bét này muốn lấy mạng lúc nào mày phải chết lúc ấy. Nếu tao muốn thì mày phải chết! Ðiệu này thì chết thực chớ còn mơ hồ gì? Mạng mình kể như nó nắm. Nhưng nó dám lấy mạng mình chỉ vì mình không cho thằng Johnny đóng phim thì trời đất ơi, láo quá! Ai cho phép nó chơi ngang vậy? Có thứ thế giới nào chấp nhận thứ quyền sinh sát láo đến vậy? Thôi đến thế là hết! Mình có tiền, mình có công ty, mình có toàn quyền ra lệnh. Vậy mà mình không được làm theo ý mình! Phải tuân lệnh của nó? Mười lần độc hơn Cộng Sản!
BẢN GỐC: Woltz was not a stupid man, he was merely a supremely egotistical one. He had mistaken the power he wielded in his world to be more potent than the power of Don Corleone. He had merely needed some proof that this was not true. He understood this message. That despite all his wealth, despite all his contacts with the President of the United States, despite all his claims of friendship with the director of the FBI, an obscure importer of Italian olive oil would have him killed. Would actually have him killed! Because he wouldn’t give Johnny Fontane a movie part he wanted. It was incredible. People didn’t have any right to act that way. There couldn’t be any kind of world if people acted that way. It was insane. It meant you couldn’t do what you wanted with your own money, with the companies you owned, the power you had to give orders. It was ten times worse than communism.
Có một chi tiết cột mốc thời gian nữa cũng cần nói thêm: năm nay cũng là tròn 40 năm ngày mất nhà văn Ngọc Thứ Lang, bút danh của ông Nguyễn Ngọc Tú. Ông mất trong một trại tù cộng sản ở Khánh Hòa vào năm 1979, khi chưa đầy 50 tuổi, không vợ, không con…
…
Nhân tiện xin nói thêm. Cơn sốt The Godfather đầu thập niên 1970 tại Mỹ xuất hiện gần như cùng thời điểm mà thể loại “tiểu thuyết du đãng” bùng nổ ở Sài Gòn. Nguyễn Thụy Long tung ra Loan mắt nhung năm 1967; rồi Ðiệu ru nước mắt, Vết thù hằn trên lưng ngựa hoang của Duyên Anh… Tuy nhiên, tiểu thuyết du đãng Sài Gòn khác với The Godfather. “Tư duy du đãng” Sài Gòn khác với “tư duy du đãng New York”. Du đãng Sài Gòn được miêu tả là những thanh niên bất cần đời, hận thù chiến tranh và chỉ muốn thiêu đốt tương lai bằng cuộc sống bạt mạng vô định. Du đãng Sài Gòn cũng được miêu tả như những kẻ nghĩa hiệp, tôn trọng tình nghĩa anh em và căm ghét giả trá ngụy quân tử.
Như lời đàn anh Trần Ðại dằn mặt một tên du đãng quèn (chuyên bắt nạt con nít) tên Tony Hải (trong “Ðiệu ru nước mắt”): “Mày có học mà đi học những “trò chơi” hèn hạ của một thằng vô học. Mày làm cho đời càng ngày càng tởm du đãng. Chúng tao đang cố gắng bắt đời phải hiểu chúng tao để hết khinh bỉ chúng tao. Thì chính bọn mày lại nhổ những bãi đờm nhầy nhụa lên hai tiếng du đãng khiến đời càng tởm du đãng hơn. Tao ban cho mày một cái ân huệ cuối cùng là tha rạch mặt mày. Nhưng mày phải về với gia đình, học hành ngoan ngoãn. Tao nhìn khuôn mặt mọng sữa của mày, tao thương hại mày lắm. Mày chưa xứng đáng làm du đãng đâu, đừng đua đòi. Du đãng đâu có hành động như chúng mày. Du đãng như chúng mày là du đãng chó ghẻ. Làm du đãng như chúng mày, đến thuở nào mới rửa nhục được hở ranh con?”…
Mạnh Kim
Orange County, CA