Hồi học trung học, có một ông thầy mà tôi sợ còn hơn sợ ma. Lúc thầy bước vào lớp, tim tôi đập thình thịch. Mặt tái mét, và cặp mắt tôi tìm đường chạy trốn, chỉ vì sợ bắt gặp đôi mắt mình thì thầy sẽ mời lên bục dò bài.. và kết quả thì trăm nhớ ngàn chê.
Nhưng cũng may, trời thương, giúp tôi tìm được một luồng gió mới. Tôi giã từ miền trung thùy dương rồi khăn gói vào Saigon học lớp cuối trung học. Người ta khi đi học thì chọn trường danh tiếng nhứt của Saigon, còn tui thì hơi khác thường, thấy trường nào rẻ thì chui vô. Cuối cùng tôi ghi danh học trường Văn Học vì cái tên của trường thì rất kêu, đầy ‘văn chương bác học’, nhưng học phí thì chỉ thế thôi.
Đúng là ở hiền gặp lành, vì từ nhỏ đến giờ tui chưa bao giờ giựt hụi hay vô nhà hàng ăn rối thong thả bước ra ‘quên’ trả tiền, nên Trời thương mình thật thà khờ khạo. May mắn trong việc tìm thầy học đạo, tôi được học triết với thầy Trần Bích Lan, tức là thi sĩ Nguyên Sa. Thầy là người đã ảnh hưởng lớn trong cuộc đời dạy học của tôi sau này tạ̣i các đại họ̣c như Tasmania, Western England và Vienna.
Thật là một sự trái ngược huyền diệu. Hồi ấy tôi ghét đi học bao nhiêu thì nay tôi khoái đi học cả ngàn lần. Lớp học trong giờ triết của Thầy Nguyên Sa không còn chổ để nhúc nhích, vậy mà cả lớp ai cũng mê man ngồi nghe thầy giảng bài. Ai ai cũng chăm chú nghe Thầy giảng, cảm giác như nằm vào lòng mẹ để được nghe chuyện thần tiên .
Vì Thầy Nguyên Sa là một nhà thơ, nên thỉnh thoảng học trò được nghe Thầy nhẹ nhàng điểm thêm vài câu thơ lãng mạn của mình khi giảng bài triết học. Người ta thường bảo triết học thì trừu tượng, xa vời đời sống tình cảm, nhưng với Thầy thì khác. Thầy biết mang triết học gần với tình người và đời sống nộ̣i tâm. Tôi có thể ngồi cả ngày trong lớp học chật chội này để được nghe giọng nói truyền cảm của Thầy.
Hồi trước chưa biết Nga là ai, nhưng cũng đoán là người yêu của Thầy vì hình ảnh của Nga ẩn hiện đó đây trong những bài thơ lãng mạn của Thầy.
Hôm nay Nga
buồn như một con chó ốm
Như con mèo ngái ngủ trên tay anh
Ðôi mắt cá ươn như sắp sửa se mình
Ðể anh giận sao chả là nước biển!… (Nga)
Có một lần tôi phải xuống văn phòng nhà trường để xin giấy tờ bổ túc cho hồ sơ vào đại học. Trước mắt tôi là một ‘cô’ con gái nhỏ nhắn, duyên dáng, với nụ̣ cười hiền hòa. Nhìn mái tóc rất ngắn với chiếc áo dài lụa, tôi linh cảm ngay người con gái đó là bông hoa trong các bài thơ lãng mạn của Thầy
Anh vẫn nhớ
em ngồi đây tóc ngắn
Mà mùa thu dài lắm ở chung quanh
Linh hồn anh vội vã vẽ chân dung
Bày vội vã vào trong hồn mở cửa (Áo Lụa Hà Đông)
Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên, cùng thời với tôi, là người đã mang thơ Nguyên Sa đến gần với người yêu thơ nhạc qua những bài nhạc phổ thơ NguyÊn Sa như Áo Lụa Hà Đông, Paris Có Gì Lạ Không Em. Khi nhận được tin thi sĩ Nguyên Sa qua đời tại Mỹ nm 1998, Ngô Thụy Miên viết:
“Thôi, cái thời tuổi trẻ mộng mơ, yêu đương nồng nàn ngày nào đã thực sự không còn nữa. Không còn nữa những lụa là mưa nắng Sàigòn, cũng không còn nữa Paris, người tình và giòng sông Seine với những vòng tay ôm, những môi hôn vội vả… Người đạo diễn đã bỏ cuộc chơi, bọn tài tử chúng tôi ở lại còn gì để bàn chuyện thu phong, còn gì để làm dáng với đời, làm điệu với người!“…
Sau khi rời Saigon, tôi được qua Đại Học Monash học tiếp cao học. Đây là một trường nổi tiếng trên thế giới của Úc và tôi luôn luôn hãnh diện và quá may mắn được học trường này. Nhưng thú thật, khi ngồi nghe một vài giáo sư dạy, tôi cảm thấy thời gian sao trôi quá chậm, đôi khi đi vào nhàm chán, cảm giác như mùa xuân đã ra đi từ thuở nào.
Trong sự xáo trộn tâm linh này, bổng dưng tôi nhớ đến Thầy Nguyên Sa của Saigon năm xưa, nhớ lớp học đang say mê theo từng câu nói nhẹ nhàng thi vị của Thầy. Nhìn đám mây đang lang thang lờ lững trôi đến một chân trời nào đó, tôi thì thầm hai câu thơ của Thầy mà tôi đã học thuộc lòng từ thuở nào:
Tôi muốn
hỏi thầm người rất nhẹ
Tôi đưa người hay tôi đưa tôi (Tiễn Biệt)
Good morning Melbourne
Sau một chuyến bay đêm (vol de nuit), chiếc máy bay hạ cánh ở phi trường Melbourne. Cái cảm giác lìa xa Saigon bắt đầu từ từ thấm nhập vào tâm trí của tôi. Vâng, tôi thậ̣t sự đà xa lìa Saigon rồi. Lòng bùi ngùi, tôi cố trấn tỉnh mình với những toan tính cho con đường phía trước, dù biết rằng trái tim của mình vẫn còn vương vấn với những ngày tháng êm đềm ở quê nhà.
Và từ đó trên con đường nhạt nắng
Ai âm thầm nhẹ ngắm mái tóc em
Ai bước bên em khi con phố lên đèn
Ai hôn nhẹ đôi mắt buồn tha thiết. (Tamar Le)
Sau khi làm xong
thu tục hải quan, tôi bắt đầu để ý đến môi trường xung quanh và nhận
thức rằng mình đang ở xứ lạ̣ quê người. Ở ngoài cổng ra bên trái,
tôi thấy một cô gái người Úc cầm cái bảng đề rõ tên tôi. Tôi chưa kịp
đến gần cô ta thì đã nghe cô vui vẽ hỏi:
– You must be Thao, welcome to Melbourne. I’m Janet, from Monash.
– Thank you, Janet. Your presence is a beautiful welcome for me.
Thật vậy, Monash cũng đã báo cho tôi biết trước là sẽ cho người ra phi trường đón tôi. Mấy ông thương gia thì được tiếp đón bởi mấy người đàn ông bụng phệ, ăn mặc rất trịnh trọng như Mafia, còn tôi thì may mắn hơn nhiều. Janet đẹp, trẻ trung, vui tính, duyên dáng, và rất lanh lợi, thể hiện qua tư cách cũng như lời nói và nụ cười.
Đây là lần đầu trong đời tôi được trực tiếp chuyện trò với một cô gái Tây Phương. Không hiểu sao, tôi cảm thấy hơi lúng túng, có lẽ vì tôi chưa quen với giọng Úc hay là một rung cảm nào đó đang len lén nhẹ nhàng đi vào tâm hồn mình, Tôi mỉm cười nghĩ thầm: có lẽ Monash cố tô điểm thêm cái nét lãng mạn của Melbourne dành cho tôi khi đặt chân đến mảnh đất thơ mộ̣ng hiền hòa này.
Khi đến đường Wellington cạnh Monash campus, Janet rẽ vào cư xá Mannix College, đã chu đáo dành sẳn phòng trọ cho tôi. Janet giúp tôi mang hành lý vào tòa nhà đồ sộ này, nơi mà tôi tạ̣m nghỉ chân vảo khúc cuối của một cuộc hành trình ở một chân trời mới.
Tối hôm đó, tôi trằn trọc mãi không ngủ được. Khu cư xá rất là vắng vẻ, không một lời nói hay tiếng cười, tất cả là một không gian trống vắng bao trùm nổi cô đơn vô bờ của người xa nhà. Tự̣ dưng, những hình ảnh êm đềm sâu đậ̣m tình người của quê hương mình trổi dậy trong lòng tôi như những làn sóng vỗ về bờ cát trắng dưới sự che chở nhiệm màu của ánh trăng rằm mờ ảo.
Trong ký ức tôi lúc này là những hình ảnh của con đường cây cao bóng mát, những mái tóc thề của các cô gái Trưng Vương hay Sương Nguyệt Anh bay bay theo làn gió mát của Saigon khi con phố sửa soạn lên đèn, là những lời nói yêu đương của những cặp tình nhân dìu nhau đi dưới cơn mưa hòa hợp với lời ca tiếng nhạc từ những quán cafe bên vệ đường.
Em biết không khi chiều vàng bóng xế,
Bên chân trời mây câm lặng chờ ai,
Sợ trăng tàn vì không có ngày mai
Mặt trời ngủ để đêm dài vô tậ̣n. (Tamar Le)
Tamar Le, Melbourne