Sau năm ngày im lặng, tối thứ Ba (0.7/2019) Alek Sigley, 29 tuổi, sinh viên cao học Úc bị Bắc Hàn bắt giam với cáo buộc gián điệp, đã lên tiếng phản bác cáo buộc gián điệp.
Tối 9.7.2019, Sigley đã viết trên mạng Twitter: “Các cáo buộc tôi là gián điệp hiển nhiên là sai. Tài liệu tôi gửi NK News đều là các tài liệu đã được công khai trên trang đó, và tương tự với các cơ quan truyền thông khác”. Sigley cũng cho biết mình vẫn khỏe cả về thể chất và tinh thần dù trải qua một câu chuyện “rất buồn”. Sigley viết thêm: “Tôi sẽ không thể hoàn tất chương trình cao học từ Đại học Kim Nhật Thành sau khi học xong một nửa và đạt điểm tốt”. Sigley cho hay anh ta vẫn rất quan tâm đến Bắc Hàn, muốn tiếp tục nghiên cứu và làm việc với đất nước này: “Tôi có thể không bao giờ được bước trên đường phố Bình Nhưỡng, thành phố rất đặc biệt trong trái tim tôi… Nhưng cuộc đời là vậy”.
Câu chuyện về Sigley đã làm nóng truyền thông Úc khi bị báo là mất tích tại Bắc Hàn: gia đình mất liên lạc từ ngày 25.6.2019, toàn bộ các tài khoản trên mạng xã hội hay blog trên Internet đều bị khóa. Sự việc Sigley làm dấy lên những mối lo ngại về tính mạng của và gia đình của Sigley đã thông báo với chính quyền. Nhưng vì không có quan hệ ngoại giao với Bắc Hàn, chính phủ Úc đã phải nhờ cậy đến Bộ Ngoại giao Thụy Điển, là nước Tây phương đầu tiên đặt quan hệ chính thức với Bắc Hàn.
Sigley sinh trưởng tại Tây Úc, lấy vợ Nhật, sử dụng thành thạo tiếng Hàn và tiếng Trung Quốc, đã theo học ngành Hàn học tại Đại học Quốc gia Úc (ANU). Năm 2016 Sigley nhận được học bổng tại Nam Hàn theo chương trình Tân Colombo do nguyên Ngoại trưởng Julie Bishop thành lập với mục đích đưa sinh viên Úc đến các nước Á châu học ngôn ngữ và văn hóa Á châu.
Trong thời gian học tại Nam Hàn Sigley đã nhiều lần đến viếng thăm Bắc Hàn. Đầu năm 2018 học bổng của Bộ Ngoại giao Úc kết thúc thì đến tháng Tư Sigey được Đại học Kim Nhật Thành, là đại học hàng đầu của Bắc Hàn, chấp nhận cho ghi danh chương trình cao học ngành Văn chương Triều Tiên, trở thành người Úc đầu tiên đến học ở thủ đô Bình Nhưỡng. Tại đây, Sigley còn tổ chức tour du lịch mạng tên Tongil Tours, tức “Tour du lịch Thống Nhất” để đưa người đến du lịch Bắc Hàn, và thường xuyên viết bài về đời sống của mình cũng như các món ăn và đời sống tại Bắc Hàn để tải lên mạng xã hội, thu hút khoảng 4,000 người theo dõi.
Thế rồi tự dưng anh ta mất tích, vắng mặt một cách khó hiểu. Sau một thời gian dài căng thẳng, với sự ồn ào trên truyền thông và đàm phán trong vòng bí mật của đặc sứ Thụy Điển Kent Harstedt, ngày 4.7.2019 Sigley đã được phép rời Bắc Hàn để bay sang Bắc Kinh và từ đây về Nhật gặp vợ mình.
Nhưng Sigley rất kín miệng về thời gian mất tích tại Bắc Hàn, yêu cầu truyền thông tôn trọng tính riêng tư của mình, chỉ cho biết đang mong muốn “quay trở lại cuộc sống bình thường” của mình. Anh ta phát biểu: “Tôi chỉ muốn mọi người biết rằng tôi ổn và tôi cảm ơn họ vì đã lo lắng cho sức khỏe của tôi cũng như sự ủng hộ đã dành cho gia đình tôi trong tuần qua. Hiện tôi có ý định quay trở lại cuộc sống bình thường, nhưng trước hết muốn cảm ơn những người đã có những hành động để bảo đảm rằng tôi vẫn an toàn và khỏe mạnh.”
Tổng trưởng Nội vụ Peter Dutton ngày 5.7 cảnh báo trên mạng tryền hình 9 News rằng Sigley không nên quay trở lại Bắc Hàn. “Lời khuyên của tôi rất rõ. Hãy ở lại Nhật. Hãy quay lại Nam Hàn, Úc. Đó đều là những lựa chọn tốt hơn là quay lại Bắc Hàn. Tôi không nghĩ anh ta sẽ lặp lại trường hợp tương tự vì có thể sẽ có kết thúc rất khác”.
Đặc sứ Thụy Điển Kent Harstedt, người giúp anh Sigley được thả, cũng giải thích cụ thể mà chỉ hoan nghênh chính quyền Bắc Hàn “lắng nghe những quan điểm và giải quyết vấn đề nhanh chóng”.
Tuy nhiên sau đó Bắc Hàn kết tội Sigley hoạt động gián điệp. Hôm thứ Bảy tuần qua (6.7.2019) Hãng thông tấn trung ương Bắc Hàn KCNA tuyên bố Sigley can tội gián điệp, đã thú nhận và được Bắc Hàn khoan hồng, trục xuất ra khỏi đất nước mình,
Tuyên bố của hãng thông tấn nhà nước KCNA nêu rõ: “Anh ta bị bắt quả tang chống Bắc Hàn thông qua mạng internet cùng một tổ chức liên quan vào ngày 25.6.2019. Điều tra cho thấy trang tin NK News và các phương tiện truyền thông chống Bắc Hàn khác đã xúi giục (Sigley) trao dữ liệu và hình ảnh mà anh ta thu thập và phân tích trong thời gian sục sạo Bình Nhưỡng bằng cách sử dụng thẻ sinh viên nước ngoài… Anh ta đã thành thật thú nhận các hành vi gián điệp của mình, trong đó thu thập và cung cấp dữ liệu một cách có hệ thống về tình hình ở Bắc Hàn, đồng thời xin ân xá, xin lỗi vì đã xâm phạm chủ quyền của Bắc Hàn”, KCNA nêu rõ.
KCNA cho biết chính phủ Bắc Hàn đã trục xuất Sigley vào ngày 4-7 dựa trên sự “khoan hồng nhân đạo”.
Ba này sau Sigley lên tiếng phản bác như đã thấy ở trên.
Trên thực tế thì các bài viết của Sigley đều cố đưa ra một bức tranh tích cực về Bắc Hàn. Ông Euan Graham, Giám đốc điều hành trung tâm La Trobe Asia thuộc Đại học La Trobe, cho hay “Sigley luôn cố gắng khắc họa một bức tranh Bắc Hàn khá tích cực và tử tế”.
Tuy nhiên theo ông Leonid Petro, một chuyên gia về Bắc Hàn của Đại học Quốc gia Úc, cũng là thầy của Sigley và tiếp tục giữ quan hệ sau đó, từng phát biểu ABC News khi thông tin mất tích loan ra: “Tôi nghĩ Bắc Hàn muốn chấm dứt việc Sigley liên tục chia sẻ thông tin lên mạng xã hội. Việc Sigley vừa đi học, vừa tổ chức tour du lịch, vừa đăng tải thông tin về Bắc Hàn trên mạng xã hội có thể được coi là điều nguy hiểm. Đặc biệt khi Mỹ và Bắc Hàn đang có dấu hiệu chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh lần thứ ba”.