Do thành kiến tôi rất ít khi xem phim Hàn hoặc phim Ấn Độ. Cứ nghĩ đến những tập phim dài hàng trăm đến ngàn tập mà trong đó, những cảnh nước mắt rời đầm đìa chiếm một nửa thời gian là tôi đã thấy “hãi hùng”, vậy mà mới đây tôi dành hết 2 tiếng đồng hồ, ngồi nhấp nhỏm xem từ đầu cho đến cuối một cuốn phim Bollywood, Ấn Độ. Xem xong vẫn còn “thòm thèm”, nhưng đây là loại phim cinema chứ không phải phim tập nên đánh tắt máy, hạ màn.
“Half Girlfriend” – một cuốn phim nói về một mối tình trai gái thật lãng mạn, dù không tránh khỏi những cảnh đầy kịch tính mang tính chất “Ấn-Hàn” nhưng dựa trên một bối cảnh thật đậm chất người: Hướng về tương lai, tạo cơ hội giáo dục cho những đứa trẻ gái ở vùng quê làng Ấn Độ. Và đây chính là mục tiêu của Chetan Bhagat, tác giả của cuốn sách cùng tên mà nhà đạo diễn Mohit Sury đã dùng để dàn dựng nên.
“Half Girlfriend” là câu chuyện tình giữa Madhav Jha (Arjun Kapoor) chàng trai từ làng quê lên thủ đô New Dehli thi vào đại học và cô bé cùng trường Riya Somani (Shraddha Kapoor), con gái của một đại doanh gia giàu có đang sống tại đây.
Trong cuộc phỏng vấn để được nhận vào trường, qua những câu trả lời thật thành khẩn lý do muốn được học tại đây là để có được kỹ năng hầu sau khi tốt nghiệp Madhav có thể trở về quê nhà tiếp tục con đường của bà mẹ, là cô hiệu trưởng trường làng, để truyền bá kiến thức cho trẻ em làng quê, Madhav được ban giám khảo khen là một người thanh niên có tính đồng cảm (empathy) nhưng khả năng tiếng Anh tệ như chưa từng thấy. Madhav vượt qua ải phỏng vấn đầu tiên là do cậu ta đã mạnh dạn tiến đến trực diện với ban giám khảo để xin nói lời cuối cùng: “Xin Nhà trường hãy xét, liệu muốn nhận một sinh viên biết cảm thương đồng loại hay là một người giỏi Anh ngữ?”
Sau cửa ải phỏng vấn, Madhav vượt qua ải lọc thứ nhì về khả năng chơi thể thao với trò yêu thích là bóng rổ của cậu. Trên sân bóng, Madhav nhìn thấy cô bé Riya nhỏ bé xinh đẹp đang luống cuống trong trận đấu, cũng để lọc vào đại học. Madhav kín đáo khuyến khích Riya hãy tự tin mà ném bóng vào rổ.
Thành công với trận đấu, Riya ném cái nhìn kín đáo cám ơn dành cho Madhav rồi nhanh chóng leo lên chiếc xe Roll Royce bóng lộn đang có tài xế chờ sẵn để về nhà. Madhav mang theo hình ảnh của cô bé nhỏ bé xinh đẹp đi về khu cư xá dành cho nam sinh viên nghèo. Lần đầu tiên, Madhav một thanh niên con nhà nghèo, hiền lành thiệt thà không biết giao thiệp ăn nói, thường bị các bạn đồng môn cho là chậm chạp đã bắt đầu biết yêu.
Dù cùng chung trường nhưng với hai thế giới qua cách biệt, dù Madhav ngày đêm yêu thầm trộm nhớ nhưng cậu ta không thể nào tiếp cận được Riya nhưng nhờ vào cái may cho Madhav, cái rủi cho Riya, khi cô bé đau đớn nhìn thấy cảnh ông cha đánh đập bà Mẹ, không biết tâm sự cùng ai, Riya đi tìm giải khuây qua lời ca tiếng hát với cây đàn Guitar thân thuộc và … bóng rổ. Đến khi đó cô bé mới nhớ lại một anh bạn khờ khạo. Đây là dịp may của Madhav, hai người gặp nhau và trở thành đôi bạn … bóng rổ. Do sự xúi giục của bạn bè, chàng trai Madhav hiền lành đòi Riya được một lần đi xem chiếu bóng chung. Riya ngúng nguẩy thách thức “Nếu Madhav đứng ngay giữa sân ném được quả bóng vào rổ thì mình sẽ đi”. Một Madhav thiệt thà, chậm chạp nhưng vì tình yêu, cậu cố tập luyện ném banh từ sáng đến tận khuya, từ ngày này sang ngày khác. Tưởng chừng vô vọng, nhưng quyết tâm sắt đá, quyết làm cho được vì tình yêu, Madhav được tưởng thưởng: Riya một lần vô tình thấy được cảnh tập luyện “vì nàng” của Madhav nên đã chấp nhận lời mời đi xem chiếu bóng cùng Madhav. Một chàng trai quê mùa, nghèo nàn tiết kiệm từng đồng tiền ăn học do Mẹ gửi cho để mua vé, mua bắp rang, lúng túng vì là lần đầu tiên trong đời bước chân vào rạp chiếu bóng đã làm cho cô con gái trẻ đẹp con nhà giàu sang cảm động.
Kể từ đó, Riya dần dần tin yêu người bạn trai chân tình. Niềm ao ước có được tự tin để được một lần đàn hát trước đám đông của Riya được Madhav khuyến khích thực hiện. Cả hai bây giờ chỉ biết có nhau. Trong một bữa tiệc sinh nhật của Riya với hàng trăm người khách giàu có và đặc biệt có sự hiện diện của người đàn ông mà lâu nay cha mẹ Riya “ngắm nghía” cho cô, Madhav tỏ ra bực mình khi cậu ta được Riya giới thiệu là một “người bạn bóng rổ”. Madhav muốn nhiều hơn, muốn được Riya xác nhận “cậu là ai?”. Với vẻ mặt tinh nghịch như thường lệ, Riya trả lời ngắn gọn “anh là halffriend của em”.
Madhav chấp nhận, nhưng các bạn đồng phòng thì không. Chúng xúi Madhav phải làm sao đưa được Riya về phòng riêng.
Sau một lần cùng nhau chơi bóng rổ, Madhav “rủ rê” Riya về phòng và vì quá yêu, cậu ta chỉ muốn là một “friend” chứ không là một “halffriend” nên tỏ ra vội vã đòi hỏi. Tức giận vì bị Riya phản đối, Madhav mất bình tĩnh nên đã xô dụi cô bạn thân vào góc phòng. Riya không đau vì bị hành hạ nhưng cảm thấy nhục nhã do bị đám con trai bao vây trêu chọc khi cô bỏ ra khỏi phòng của Madhav.
Một tuần sau đó, bỏ qua tất cả những lời xin lỗi, ân hận của Madhav, Riya bỏ học và chấp nhận lời cầu hôn của người bạn giàu có thân thiết từ lâu nay.
Đau đớn vì mất người yêu do nông nổi của tuổi trẻ, ngay sau khi tốt nghiệp Madhav bỏ về quê làng để cố quên Riya và cũng để thực hiện ước mơ đưa cơ hội đến trường cho trẻ nhỏ và đặc biệt cho trẻ gái ở vùng thôn quê Ấn độ.
Nhân tổ chức Melinda and Bills Gates Foundation tổ chức một buổi phỏng vấn để cung cấp tài chánh tài trợ cho những tổ chức từ thiện tại một thị trấn lớn kế cận, Madhav quyết định tham dự để tìm tài chánh hầu có thể mở rộng ngôi trường mà lâu nay Mẹ của cậu làm hiệu trưởng, để xây dựng thêm các phòng vệ sinh hầu có thể nhận thêm học sinh nữ. Mãi cho đến thời điểm đó, các bé gái ở vùng thôn quê không được cha mẹ cho đến trường học với lý do là trước sau cũng đi lấy chồng. Lý do này thường được che đậy dưới lời bào chữa “Trường học không có phòng vệ sinh riêng cho trẻ gái”
Buổi phỏng vấn vòng loại được tổ chức trong một Khách Sạn mà Riya cũng “vô tình” đang trú ngụ do công việc làm của cô. Cả hai gặp gỡ lại nhau. Thật sự, chỉ sau sáu tháng làm vợ, Riya không chịu nổi những trận đòn hành hạ của chồng và gia đình. Riya xin ly dị và trờ về nhà mẹ nhưng tại đây, như truyền thống có sẵn, cô cũng bị xua đuổi để trở lại với nhà chồng. Riya thề sẽ không bao giờ trở lại gia đình cha mẹ và tìm cách tìm kiếm người tình thuở non dại bằng cách xin làm việc tại thị trấn gần làng quê của Madhav.
Cuộc tình ngây dại của thưở mới lớn nay tỏa sáng với hai đứa trẻ nay không còn non dại nữa. Riya nay đã hiểu cái lý tưởng sống, hiểu trong con người thật thà chất phác và có vẻ chậm chạp của Madhav là một ngọn lửa nhiệt huyết, mạnh mẽ bất tận dành cho làng nước, cho trẻ nhỏ kém điều kiện. Riya hứa và quyết tâm trau dồi tiếng Anh, chuẩn bị bài diễn thuyết cho Madhav cho buổi phỏng vấn kế tiếp. Trên con đường làng từ thị trấn về quê để làm quen cùng Mẹ của Madhav, được chở trên một chiếc xe đạp cũ kỹ, Riya hạnh phúc, hãnh diện khi thấy người dân, trẻ nhỏ chào đón người tình của mình thật niềm nở. Riya càng hiểu hơn cái giá trị cho cuộc sống mà Madhav theo đuổi.
Buổi ra mắt bất thành, Riya bị mẹ của Madhav tỏ vẻ khinh thị khi biết cô là một “halff Girlfriend” đã từng “nửa chừng” bỏ rơi con trai của mình, “nửa chừng” bỏ học và “nửa chừng” bỏ chồng. Riya đau đớn, nhanh chóng rời khỏi nhà của Madhav với hành trang dặn dò của bà Mẹ “Nếu thật tình thương thì hãy rời bỏ Madhav”.
Vì quý cái nhiệt huyết của Madhav và thương những đứa bé con của làng quê, Riya tiếp tục khuyến khích ủng hộ Madhav đến ngày cậu ta ra trước ban giám khảo có cả sự hiện diện của Bill Gates để nói lên những lời tiếng Anh lủng củng đầy accent nhưng chân thành, từ cái tâm của một người con của làng xã nay muốn tạo cơ hội cho các bé gái được đi đến trường. Bill Gates đồng cảm với những ước mơ xây dựng cơ sở giáo dục cho các bé gái ở làng xã xa xôi nên quyết định trợ cấp cho dự án giáo dục của Madhav.
Madhav đang hưởng vinh quang khi được dân làng cõng trên vai reo hò tán thưởng thì cậu ta cũng nhận ra Riya đã biến mất khỏi cuộc đời của cậu. Một bé gái đến trao cho cậu một bức thư của Riya cho biết dù yêu Madhav, dù ngưỡng mộ một con người có lý tưởng như cậu nhưng cô đành phải quyết định ra đi vì chứng bệnh ung thư hoại huyết. Thời gian còn lại chỉ còn 3 tháng, nên cô phải ra đi để thực hiện nốt những chuyện chưa giải quyết xong.
Lại một lần nữa Riya lại biến mất khỏi cuộc đời của Madhav, cậu ta đau đớn, vật vã như điên loạn nhưng cuối cùng, bất chấp những lời lẽ khuyên nhủ của bà Mẹ, Madhav chấp nhận đi làm thực tập tại Liên Hiệp Quốc ở thành phố New York, Hoa Kỳ để có cơ hội tìm kiếm Riya vì trước đây cô bé đã từng có ước mơ một lần được ca hát trong một quán Bar tại thành phố này.
Cuộc sống của Madhav trong thời gian lưu lại tại thành phố đông dân cư không gì khác hơn là làm việc và lăn lộn đến những quán Bar của người Ấn độ thường hay lui tới. Cuộc tìm kiếm ngày càng trở nên vô vọng, ngày hạn định về cái chết của Riya cũng ngày càng trôi qua xa vời. Đau đớn, cuồng điên nhưng cuối cùng Madhav phải chấp nhận Riya đã qua đời từ lâu.
Đêm Giáng sinh cũng là đêm cuối cùng để Madhav rời khỏi New York trở về với làng quê vì thời gian thức tập tại LHQ cũng đã chấm dứt, thật tình cờ Madhav nhìn thấy hình ảnh của Riya đang ngồi ca được chiếu trong một Video tự quay của một người con gái đang tỏ lòng yêu cậu ta. Cảm thông với tình yêu của Madhav dành cho Riya, cô gái đã cho địa chỉ quán Bar mà Riya thường ca hát. Madhav liền chạy đến, lặng người không nói nên lời khi thấy người yêu đang ngồi ca với cây đàn Guitar quen thuộc, cộng thêm chiếc khăn quàng màu đỏ mà cậu đã tặng Riya trong thời gian còn là Sinh Viên khoác trên vai.
Cuối cùng, vì tình yêu, Riya bỏ qua những lời khinh miệt trước đây mà bà mẹ đã dành cho cô để trở về Ấn độ, cùng nhau chung tay đào tạo một thế hệ trẻ làng quê. Giờ đây bà mẹ đã hiểu thế nào là sức mạnh của Tình yêu khi đứng âu yếm xem Riya đang dịu dàng dạy đứa cháu nội gái của mình phải ném cho được quả bóng vào rổ theo nguyên tắc giáo dục mà bà đã từng dạy dỗ Madhav: “Phải cố làm cho được, không được bỏ dở” trong sân trường chan hòa tiếng cười vui đùa của các bé nhỏ trai gái hài hòa.
“Half Girlfriend” không chỉ là câu chuyện về một tình bạn cao quý, một tình yêu lãng mạn vô cùng cảm động của một đôi trai gái trẻ đầy nhựa sống mà còn là câu chuyện hướng giới trẻ về lý tưởng tranh đấu và sống cho một xã hội bình đẵng, bình đẵng giới. Câu chuyện chạm vào được những vấn đề xã hội, và có tính tác động tới xã hội. Ở đây, người trẻ sống tích cực, nuôi nấng, bám đuổi những mục tiêu xã hội và điều hạnh phúc với những người trẻ như họ là được đi tới cùng giấc mơ, do dù phải chịu nhiều hy sinh về mặt vật chất, danh vọng…
Dưới một góc nhìn tích cực, với “Half Girlfriend” nhà đạo diễn Mohit Sury và Chetan Bhagat, tác giả của cuốn sách đã thành công khi qua một tình yêu trai gái thanh cao, đã truyền được cảm hứng hoạt động hướng về một xã hội bình đẵng cho những thế hệ trẻ ngày nay đang có xu hướng chỉ biết hưởng thụ, cho giới trẻ thấy rằng, mỗi con người đều có thể là một Madhav. Một thanh niên sống có lý tưởng vì đời, biết mơ mộng nhưng lại có quyết tâm vượt lên trên thực tế khắc nghiệt. Bất kể quyết tâm gì, kể cả cái quyết tâm “I will find her from any corner of the world!” đều được đền bù: Một gia đình hạnh phúc, trong một xã hội hài hòa.
Phương Tôn