Trời vẫn trong của một ngày vào hạ. Hàng chuối trước nhà đong đưa với gió. Không gian yên bình làm Mai nhớ nhà, nhớ mẹ, nhớ cái vườn nhỏ sau nhà và những cây chuối, nhưng là chuối của quê hương. Không như chuối ở đây chỉ có hoa và lá, mà hoa ra được một lần trong năm. Nó màu trắng tinh khiết mang hình hài của con chim phụng. Khác với chuối quê nhà, mỗi khi cho ta trái thì chuối mẹ phải từ giã cõi đời. Một hy sinh quá lớn, như sự hy sinh của những người mẹ Việt Nam vậy.
Mai còn do dự có nên về thăm mẹ, bởi nghe Việt Nam bây giờ có thể sẽ là một ổ dịch của Corona Virus. Mai không muốn đem mầm bệnh ấy về xứ sở trong lành này, nơi mà người dân còn yên tâm với những sinh hoạt hằng ngày, không phải mang mặt nạ. Nếu có ai đó làm điều này thì dường như không bình thường, chỉ gây sự chú ý của những người được cho là bình thường.
Nhấc điện thoại lên để huỷ chuyến bay, rồi đặt xuống, nhiều lần như vậy. Một sự mâu thuẫn trong Mai. Hình ảnh người mẹ lom khom nơi đầu ngõ ngóng chờ, cứ ẩn hiện trong tâm hồn cô. Có cái gì đó xốn xang trong lồng ngực. Mai được biết, nơi quê nhà rất nhiều người dân không mua nổi cái mặt nạ, phương tiện tối thiểu để phòng thân. Nó vừa đắt tiền bởi những kẻ trục lợi, vừa khan hiếm. Mặt khác, sự quan tâm lớn của dân nghèo là kiếm sống từng ngày thì cái con “Cô Rô Na” đó có gì là quan trọng!
Họ vẫn thản nhiên như “chuyện thường ngày đầu ngõ”, mặc cho thỉnh thoảng có nghe đâu đó “mấy cái loa phóng thanh bên đường” nhắc nhở cái con khó đọc, khó nhớ ấy. Họ vẫn cười hồn nhiên vì nó chẳng nằm trong tâm trí. Có thể Corona Virus chỉ thích những chốn phồn hoa đô thị, những khu nghỉ mát sang trọng, những nhà hàng đắt tiền, những nơi kẻ qua người lại rộn ràng nhộn nhịp… Nó chưa tới được những vùng nông thôn hẻo lánh, những vùng núi quanh năm đi bằng ngựa thồ và sương mù dày đặt vào đông. Vì ở đó người dân sống hiền hoà với thiên nhiên, hạnh phúc với cỏ cây muôn thú…
Mãi với những suy nghĩ lành lặn, Mai thấy yên lòng. Rồi sẽ về thăm mẹ thôi, khi dịch bệnh được ngăn ngừa và cứu chữa dễ dàng. Mai quyết định huỷ chuyến bay, trở về với những bề bộn thường ngày. Mai yêu đất nước này, yêu sự thân thiện của người dân đủ các sắc tộc. Một đất nước đa văn hoá nhưng vẫn hoà mình vào cái chung của xã hội.
Mai yêu ý thức hệ của người dân nơi đây, từ một đứa trẻ đã biết nói những điều trung thực, nói dối là cái gì đó rất xấu hổ. Khác với không ít người lớn ở quê hương Mai, nói dối là chuyện thường ngày. Dối vợ, dối con, dối bạn bè, dối trong làm ăn… một tập hợp nói dối. Và Mai cũng được nghe một cụm từ khá lạ: “Dối toàn tập!”. Đa phần người dân quê hương Mai chơn chất thật thà, nhưng để đối phó với những nhiễu nhương, buộc họ phải quên đi cái chất thật của mình. Lâu dần cũng quen!
Một tuần sau đó khi ánh nắng nhạt chiều hè còn vương trước thềm nhà, điện thoại rung, đứa em gào lên: Chị ơi, mẹ đi rồi! Mai lặng người buông rơi điện thoại: Mẹ ơi! Mai nghẹn lời. Không gian mờ nhạt một màu tang bao phủ. Muộn rồi Mai ơi!
***
Không còn hình bóng còm cõi của mẹ chờ Mai như ngày nào, không còn nụ cười mếu máo trên khuôn mặt nhăn nheo và đôi cánh tay mở rộng ôm Mai vào lòng với dòng nước mắt hạnh phúc! Mai bước vào sân, nhà đông người nhưng không gian im lặng, chỉ có tiếng nức nở của em bên chiếc quan tài màu gỗ. Mẹ nằm đó, trên khuôn mặt tái xanh còn vương nỗi buồn, chỉ có Mai đọc được, bởi Mai biết mẹ đang chờ đứa con về muộn! Trong tiếng nấc nghẹn, Mai thì thầm: Mẹ ơi, con về rồi!
***
Trong cõi xa xăm, mẹ mỉm cười nhìn Mai: “Rồi bình yên trở lại, con yêu”. Loài người sẽ vĩnh biệt Corona một ngày rất gần.
Melbourne, một chiều tháng hai
Thu Tuyết