Ngày nay xem những cuốn video như Đêm trường Vũ Hán, nghe tâm sự của những nạn nhân dịch bệnh ở Hồ Bắc, nơi cách ly, khu bệnh viện, nơi hỏa thiêu và ngay cả trên du thuyền có cái tên rất đẹp Công chúa kim cương (Diamond Princess)…cư dân Toronto lại giật mình. Giật mình nhớ lại những gì diễn ra gần 20 năm trước khi dịch SARS bất ngờ xuất hiện ở một thành phố được coi là yên lành nhất không phải chỉ riêng Bắc Mỹ mà có thể nói là nơi đáng sinh cơ, lập nghiệp nhất trên toàn thế giới.
2002, một
năm đầu thế kỷ mới. Quảng đông, một vùng đất xa xôi chỉ hiện ra trong phim ảnh,
với nhân vật Hoàng Phi Hồng, Diệp Vấn… và ký ức về những món “cao lương mỹ vị.”
Nhưng năm đó, ở đó, nét xám đã xóa màu hồng khi một loại virus mới gây dịch bệnh
viêm phổi cấp tính, vào tháng 12, bột khởi ở Quảng đông và chắp cánh bay tới
Toronto.
SARS là chữ đầu của SARS Coronavirus tức Severe Acute Respiratory Syndrome (Hội
chứng hô hấp cấp tính.) Không phải chỉ riêng Canada nhiễm SARS (với 438 bệnh
nhân và 44 tử vong) mà vào 2003, có tới 26 quốc gia bị SARS đe dọa với hàng
ngàn trường hợp nhiễm bệnh và hàng trăm người thiệt mạng!
Vào ngày 12 tháng 4, 2003, các nhà khoa học làm việc tại Trung tâm Michael
Smith ở Vancouver, British Columbia đã hoàn thành việc lập bản đồ trình tự gene
của một coronavirus được cho là có liên quan đến SARS. Nhóm nghiên cứu được
hướng dẫn bởi Tiến sĩ Marco Marra và hợp tác với Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật
British Columbia và Phòng thí nghiệm Vi sinh Quốc gia ở Winnipeg, Manitoba, đã
sử dụng các mẫu từ các bệnh nhân bị nhiễm bệnh ở Toronto. Bản đồ, được WHO ca
ngợi là một bước tiến quan trọng trong việc chống lại SARS, được chia sẻ với
các nhà khoa học trên toàn thế giới thông qua trang web của GSC. Bác sĩ Donald
Low của Bệnh viện Mount Sinai, Toronto mô tả khám phá này được thực hiện với
“tốc độ chưa từng thấy”.Trình tự của SARS coronavirus đã được xác nhận bởi các
nhóm độc lập khác.
Các chuyên gia Trung Quốc đã khẳng định virus SARS được truyền từ cầy hương,
vốn được xem là món ăn đặc sản ở Quảng Đông. Gần đây, giới khoa học gia Trung
quốc cho rằng loại virus mới này có gốc là loại dơi có móng hình móng ngựa
(horseshoe bat) ở hang động Vân nam truyền qua trung gian cầy hương tới con
người!
Làm cách nào mà SARS từ Quảng đông có thể tới được Toronto. Hoàn toàn do một sự
tình cờ chết chóc!
Bác sĩ từng khiến dịch SARS lan khắp thế giới!
Ngày 21/2/2003, bác sĩ Lưu Kiếm Luân vào phòng 911 khách sạn Metropole ở Hong
Kong, không biết rằng mình là người mở đầu cho một chuỗi bi kịch.
Đầu tháng 2/2003, giáo sư Lưu, 64 tuổi, làm việc bán thời gian tại bệnh viện
Tôn Trung Sơn số hai ở Quảng Đông, nơi điều trị một số bệnh nhân bị viêm phổi
không rõ nguyên nhân. 45 bệnh nhân và nhân viên y tế tại bệnh viện mắc bệnh
này. Ca nhiễm đầu tiên được cho là một người bán hải sản từ Quảng Châu, thủ phủ
tỉnh Quảng Đông, nhập viện ngày 31/1/2003.
Bác sĩ Lưu bị sốt, nhưng sau khi uống kháng sinh, ông vẫn cảm thấy đủ khỏe để
cùng vợ đón xe bus đến Hong Kong dự đám cưới một người cháu. Vợ chồng ông đi
mua sắm và dùng bữa với họ hàng trưa 21/2/2003. Đến 17h hôm đó, ông tới khách
sạn Metropole tại Cửu Long và thuê phòng 911. Dù chỉ nghỉ lại đây một đêm, ông
đã tiếp xúc với nhiều khách khác trong thang máy hoặc đại sảnh.
Sáng 22/2, Lưu bị sốt, khó thở và tim đập nhanh. Ông đi bộ đến bệnh viện Kwong
Wah gần đó và được đưa vào khoa cấp cứu. Lưu nói với các bác sĩ Hong Kong rằng
ông không bị “bệnh viêm phổi gần đây xuất hiện ở đại lục”.
Tuy nhiên, Lưu đã sai. Bệnh viêm phổi ông nhắc đến là SARS (Hội chứng hô hấp
cấp tính nặng) và đúng là ông đã nhiễm virus. Lưu qua đời ngày 4/3 tại Hong
Kong.
Dịch SARS khởi phát ở Quảng Đông vào tháng 11/2002, virus lây từ dơi vào cầy
hương được bán ở chợ rồi lây cho con người. Trung Quốc ban đầu giấu thông tin
và hạ thấp mức nghiêm trọng của dịch này. Cho đến khi Tưởng Ngạn Vĩnh, bác sĩ
quân đội Trung Quốc về hưu, vạch trần việc che đậy vào đầu năm 2003, phần lớn
Trung Quốc và phần còn lại của thế giới mới nhận thức được mối nguy hiểm thực
sự.
Ngày 10/2/2003, Trung Quốc báo cáo dịch này với WHO. WHO ngày 12/3/2013 tuyên
bố dịch là tình trạng khẩn cấp toàn cầu. Dịch lây lan ở 37 quốc gia và vùng
lãnh thổ, khiến hơn 8.000 người nhiễm, 813 người thiệt mạng. 80% nạn nhân ở
Trung Quốc, chỉ riêng Hong Kong ghi nhận 299 trường hợp tử vong. SARS dễ dàng
lây lan với các triệu chứng như sốt, ớn lạnh, đau nhức cơ thể và thường diễn
tiến thành viêm phổi, với tỷ lệ tử vong 10%.
Bác sĩ Lưu không chỉ là bệnh nhân SARS đầu tiên ở Hong Kong, ông còn được coi
là “người siêu truyền bệnh” đã lây cho ít nhất 23 người tại khách sạn, nhiều
người trong số đó ở cùng tầng 9 với ông. Vợ ông Lưu không bị nhiễm nhưng em rể
ông phải nhập viện ngày 1/3/2003 và qua đời ngày 19/3/2003. 80% ca nhiễm SARS ở
Hong Kong được cho là xuất phát từ ông Lưu.
Theo WHO, hơn 4.000 ca nhiễm vì SARS trên thế giới có liên quan đến quá trình
ông Lưu nghỉ lại tại tầng 9 khách sạn Metropole Hong Kong, nhưng cách ông này
lây truyền virus cho các khách khác trong khách sạn vẫn là một điều bí ẩn.
Một số nhà điều tra tin rằng ông Lưu có thể đã nôn mửa trước cửa phòng khách
sạn và những người đi qua đã vô tình nhiễm virus. Các quan chức WHO khẳng định
quá trình lây truyền virus diễn ra ở hành lang tầng 9 khách sạn, không phải
trong các phòng, thang máy hay đại sảnh.
Người Mỹ gốc Hoa Johnny Cheng, ở đối diện phòng bác sĩ Lưu tại khách sạn, đã
mang virus SARS đến Việt Nam. Cheng được đưa vào bệnh viện Việt Pháp ngày
26/2/2003 với các triệu chứng sốt, ho nhiều, khó thở. Vài ngày sau, gia đình
Cheng thuê chuyên cơ đưa ông về nước, để lại Bệnh viện Việt Pháp một loạt y tá,
bác sĩ sốt với biểu hiện giống ông. Cheng qua đời ngày 13/3/2003.
Bác sĩ người Ý Carlo Urbani, chuyên gia bệnh truyền nhiễm của WHO, là một trong
những người đã khám cho Cheng. Ông sớm nhận ra sự bất thường và ngay lập tức
cảnh báo cho WHO, đồng thời cùng Bộ Y tế Việt Nam thúc đẩy việc lập hàng rào
cách ly ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Tuy nhiên, chính ông cũng nhiễm SARS và
qua đời ngày 29/3/2003.
SARS khiến 65 người nhiễm, 5 người tử vong tại Việt Nam. Ngày 28/4/2003, Việt
Nam được WHO công nhận là nước đầu tiên khống chế được dịch, kết thúc 45 ngày
chống SARS.
Biện pháp “nội bất xuất ngoại bất nhập” áp dụng ở một vài bệnh viện vùng GTA
khi SARS lan tràn
Ngày 1/3/2003, cô gái Singapore Esther Mok, một khách khác tại khách sạn, được
đưa vào bệnh viện Tan Tock Seng sau khi về nước từ Hong Kong. Mặc dù cô sống
sót, một số thành viên gia đình bị lây từ cô không qua khỏi.
Ngày 4/3/2003, một người đàn ông 27 tuổi đã đến thăm khách trên tầng 9 khách
sạn, được đưa vào bệnh viện Hoàng tử xứ Wales ở Hong Kong. Ít nhất 99 nhân viên
y tế bị lây khi điều trị cho anh này.
Dịch SARS được kiểm soát vào năm 2003 và không có ca nhiễm nào được báo cáo kể
từ năm 2004.
Ở Toronto thì sao?
Một phụ nữ Canada gốc Hoa, 78 tuổi từ Hongkong trở về Toronto vào ngày 23 tháng
hai, năm 2003. Hai ngày sau bà ta cảm thấy nóng sốt. Năm ngày sau bệnh nhân tới
bác sĩ gia đình và than rằng mình bị ho khan và mình mẩy đau nhức. Tiếp đó tình
trạng sức khỏe của bênh nhân suy thoái khá mau và vào 5 tháng ba, 2003 thì tạ
thế. Hai ngày nữa trôi qua, ngưởi con trai của kẻ xấu số tới trung tâm cấp cứu
Grace Division của bệnh viện Scarborough với chứng trạng sốt cao độ và ho dữ
dội. Bệnh nhân được theo dõi trong phòng cấp cứu từ 18 tới 20 giờ nhưng ngày
hôm sau tình trạng của bệnh nhân mỗi lúc một trầm trọng nên được đưa vào phòng
săn sóc đặc biệt. Nhưng cứu trợ vô hiệu vì bênh nhân qua đời vào 13 tháng ba,
2003. Tiếp theo, nhiểu thành viên trong gia đình nạn nhân cũng có triệu chứng
khó thở và cảm cúm. Hiện tượng báo nguy!
Allison McGeer, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại hệ thống Sinai Health System,
và là nhân vật ở tuyến đầu trước nạn dịch bệnh bùng phát ở Toronto cho biết:
“Vào lúc đó thì xảy ra tin tức dịch bệnh bùng phát ở Hong kong, trở thành hồi
chuông báo động gia đình nạn nhân đã nhiễm loại virus mới.”
Kinh hoàng lan rộng trong di dân gốc Hoa cư ngụ quanh vùng Toronto, nhất là vào
thởi điểm, 12 tháng ba, 2003, WHO đưa ra khuyến cáo khẩn cấp đề phòng một chứng
tương tự như sưng phổi cấp tính…
Ở Toronto SARS lan truyền rộng hơn, nhất là trong bệnh viện và vào ngày 13
tháng ba, Health Canada được báo động.
SARS tiếp tục truyền nhiễm ở bệnh viện Scarborough tới mức nơi đây phải đóng
cửa khu cấp cứu. Cũng để ra bất cứ ai vào bệnh viện sau ngày 16 tháng ba được
yêu cầu cách ly ở nhà trong vòng 10 ngày.
Vào ngày 25 tháng ba, 2003, chính quyền Ontario (do ông Ernie Eves làm thủ
hiến) khẳng định SARS là bệnh dễ lây lan, nên cho phép nhân viên y tế theo dõi
kẻ nhiễm bệnh và ra lệnh ngăn chặn họ tiếp xúc với người khác.
Thủ hiến Ernie Eves cũng tuyên bố SARS tạo tình trạng khẩn cấp y tế cho tỉnh
bang. Tiếp đó, bộ trưởng y tế và săn sóc dài hạn yêu cầu các bệnh viện phải
thành lập những tiểu ban chuyên biệt săn sóc bệnh nhân SARS. Khẩu trang được
tung ra, y phục bảo hộ được khuyến cáo.
Tất cả các bệnh viện ở vùng GTA và hạt Simcoe được khuyến cáo áp dụng chương
trình khẩn cấp “Code Orange” nghĩa là các bệnh viện tập trung vào việc phòng
SARS nên có thể ngừng các dịch vụ y tế không cần thiết.
Dịch SARS lây lan rất nhanh, do tiếp cận giữa bệnh nhân và người khỏe, do không
khí ô nhiễm bởi SARS khiến người khỏe hít phải. Như ở Hong kong, nơi dịch bệnh
lan tràn với 1755 ca nhiễm bệnh và con số tử vong, lên tới 299, chỉ thua đại
lục với con số 349 (theo thống kê từ 1 tháng 11, 2002 tới 31 tháng 7, 2003.)
Đối phó với COVID-19, không thể quên nguyên nhân ô nhiễm SARS ở một chúng cư
Hong Kong
Rạng sáng 31/3/2003, cảnh sát vũ trang và quan chức y tế Hong Kong mặc đồ bảo
hộ tiến vào chúng cư Amoy Gardens, một “tâm chấn” trong dịch SARS.
Sau khi khởi phát vào tháng 11/2002 từ phía nam tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc,
dịch SARS (hội chứng hô hấp cấp tính nặng) lây lan nhanh chóng và gieo “ác
mộng” khắp châu Á. Một trong những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là Hong
Kong, với tỷ lệ trung bình 50 ca nhiễm mỗi ngày.
Tuy nhiên, hơn 200 người tại tòa nhà E của chung cư Amoy Gardens thuộc khu vực
Cửu Long bị nhiễm virus trong thời gian rất ngắn. Mối liên hệ duy nhất giữa họ
là đều sống trong các căn chúng cư thẳng hàng với nhau tại tòa nhà.
Theo yêu cầu của cơ quan y tế Hong Kong, cảnh sát và giới chức nhanh chóng cô
lập tòa nhà E, khiến cư dân tại đây mắc kẹt. Dưới lệnh giám sát y tế trong vòng
24 giờ, họ không được rời nơi cư trú, cũng không thể tiếp khách.
Những cư dân của Amoy Gardens sau đó được chuyển tới một khu trại biệt lập và
quản lý theo các điều luật cách ly, quy định chưa từng được áp dụng kể từ sau
dịch hạch năm 1894. Họ lưu trú tại khu trại 10 ngày, trong khi các bác sĩ,
chuyên gia lâm sàng và kỹ sư thoát nước tìm kiếm manh mối trong tòa nhà.
Nhóm chuyên gia nhanh chóng phát giác bằng chứng cho thấy tình trạng lây lan
dọc của virus liên quan đến hệ thống thoát nước. Một bệnh nhân SARS 33 tuổi tới
từ Thâm Quyến được cho là người đã truyền virus thông qua hệ thống đường ống bị
lỗi trong tòa nhà. Người này đến Hong Kong để điều trị thận và đang bị tiêu
chảy nặng.
Theo cơ quan y tế đặc khu, hệ thống xả nước của tòa nhà E trước đó bị hỏng,
khiến ống chữ S bên dưới bồn cầu một số căn chúng cư bị cạn suốt thời gian dài,
tạo điều kiện cho các giọt chất lỏng chứa virus tích tụ trong cống thoát.
Việc cư dân xả nước bồn cầu có thể đã khiến các giọt này bắn ra. Quạt thông gió
cũng có khả năng đã hút các giọt vào nhà tắm, khiến virus đọng lại trên thảm
sàn, khăn tắm và đồ dùng vệ sinh cá nhân.
Tình hình thậm chí phức tạp hơn khi 147 cư dân trong tòa nhà E trốn khỏi đây
trước khi nó bị cách ly. Họ tới khách sạn, hoặc ở cùng gia đình, bạn bè và rất
có thể đã truyền virus cho cộng đồng. Cuối cùng, tổng cộng 329 cư dân tại Amoy
Gardens bị nhiễm SARS, 42 người chết, trong đó có 22 người sống trong tòa nhà
E.
Nhiều người Hong Kong hồi tưởng về chung cư “tử thần” sau khi hơn 100 người
sống trong tòa nhà Hong Mei House ở quận Quỳ Thanh bị yêu cầu di tản khẩn cấp
hôm 11/2 giữa dịch virus corona chủng mới (Covid-19). 4 người sống trong tòa
nhà nhiễm bệnh, trong khi giới chức nghi ngờ virus có thể đã lây lan qua hệ
thống đường ống.
“Vì đường ống chất thải kết nối với đường ống khí, rất có khả năng virus trong
chất thải đã truyền qua quạt gió vào toilet”, giáo sư, nhà vi trùng học Yuen Kwok-yung
cho hay, nhưng nói thêm rằng dự đoán chưa được xác thực và việc sơ tán nhằm đảm
bảo an toàn cho cư dân trong tòa nhà.
Chính quyền đã tìm cách xoa dịu nỗi lo về Covid-19, đồng thời bác bỏ những điểm
tương đồng giữa tòa nhà Hong Mei House với sự việc tại Amoy Gardens, trong bối
cảnh số người chết vì Covid-19 nâng lên 1.357 cùng hơn 60.000 ca nhiễm. Hong
Kong có 49 ca nhiễm và một trường hợp tử vong (theo con số thống kê đầu tháng
2, 2020.)
Từ hoảng loạn tạo thêm hỗn loạn
Ngoài tình trạng truyền nhiễm bệnh nhanh chóng, trong đại dịch SARS, chính
quyền Hong Kong còn phải giải quyết những tin đồn và cơn hoảng loạn lây lan
nhanh không kém. Một tuần trước khi giới chức hành động, người dân đã mở trang
web sosick.org để thu thập thông tin của
cư dân tại các chung cư có người nhiễm bệnh, từ Amoy Gardens tới tòa nhà Lower
Ngau Tau Kok Estate gần đó.
Malik Peiris, giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu bệnh cúm thuộc Đại học Hong
Kong, nhận định sự cố tại chung cư Amoy Gardens là bước ngoặt trong đại dịch
SARS. “Công chúng khi đó muốn nhận được câu trả lời rõ ràng, điều không phải
lúc nào cũng thực hiện được. Bài học rút ra là sự thẳng thắn vô cùng cần thiết
trong việc truyền đạt điều chưa chắc chắn”, Peiris nói.
Theo bình luận viên Peter Shadbolt của CNN, một bài học khác từ SARS, về mặt
dịch tễ học, là các loại dịch bệnh cũng như phương thức lây lan của chúng sẽ
không ngừng biến đổi. SARS cũng do một chủng virus corona gây ra, được cho là
có nguồn gốc từ loài dơi, sau đó lây sang người thông qua những con cầy hương
tại các chợ động vật hoang dã.
Giáo sư Gabriel Leung tại Đại học Hong Kong cho biết các nhà virus học hiện
không chỉ xem xét con đường lây bệnh một chiều từ động vật sang người, mà còn
từ người sang động vật, sau đó trở lại con người. “SARS là một hồi chuông cảnh
tỉnh, không chỉ với Hong Kong mà cả thế giới, cho thấy các bệnh truyền nhiễm
luôn hiện hữu. Vi sinh vật sẽ mãi mãi tồn tại cùng chúng ta”, Leung nói.
SARS tạo sự kỳ thị
SARS bộc phát ở Trung quốc khiến tinh thần kỳ thị người hoa (Sinophobia) có cơ
hội phát triển ở những đầu óc hẹp hòi, ích kỷ. Riêng ở Toronto trong khoảng
2002-2003, nhiều người trong cộng đồng gốc Á chịu thiệt thòi vì bị nhìn với đôi
mắt nghi kỵ và nhận lời chỉ trích bóng gió, kể cả học sinh khó tránh những lời
chế giễu và mỉa mai từ bè bạn da trắng nên phải tạm thời nghỉ học.. Vì SARS mà
kinh tế tạm thời thoái trào, nhất là giới buôn bán nhỏ khó tránh thất thu vì
dịch bệnh.
Nhìn lại dĩ vãng và hướng tới tương lai
Nhìn lại tai biến SARS bùng phát tại Toronto năm 2002, nhân loại đã rút được
kinh nghiệm quý báu phòng chống COVID-19 hiện giờ:
-Phải để cao phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Chẳng hạn đã nghi ngờ
coronavirus từ loài dơi hay cầy hương thì cần nghiên cứu trước sự tác hại của
chúng và thuốc trị liệu và chủng ngừa (vaccine) dịch bệnh do chúng gây ra. Cũng
cần thận trọng nếm các món “sơn hào, hải vị” xa lạ vì đừng quên “người ta đào
huyệt chôn mình bằng hai hàm răng.”
-Phải chuẩn bị từ nhân viên đến phương tiện đối kháng dịch bệnh trước khi dịch
bệnh bùng phát.
-Phải phát giác kịp thời khi dịch bệnh chớm phát, không thể giấu giếm vì bất cứ
lý do nào như kinh tế hay chính trị…
-Phải có sự chung tay đối phó với dịch bệnh chứ không mượn cớ dịch bệnh mà thúc
giục sự hận thù và kỳ thị nảy sinh từ lòng ích kỷ.
-Biện pháp cách ly là cần nhưng phải có phương pháp. Đừng để cách ly tại gia
đình nhiều khi gây mầm bệnh lan rộng.
-Tránh sự hoảng loạn dẫn tới thêm đổ vỡ kinh tế và tạo sự khủng hoảng đạo đức.
Khẩu trang được phát, lời khuyên phòng dịch được nhắc nhở
Chu Nguyễn