Ngày 3.2.2020, báo The Wall Street Journal xuất bản tại Mỹ cho đăng một bài trong mục ‘ý kiến’. Bài báo thành chuyện giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng và làm cho ba nhà báo bị Cộng Sản trục xuất. Một trong ba nhà báo bị đá khỏi Trung Cộng là Philip Wen mang quốc tịch Úc. Hai người kia là Josh Chin và Chao Deng mang quốc tịch Mỹ. Cả ba làm việc tại văn phòng của tờ The Wall Street Journal tại Bắc Kinh.
Thật ra, khi báo tin buồn cho ba nhà báo, phát ngôn viên bộ ngoại giao Trung Cộng, ông Cảnh Sảng (Geng Shuang), không phiền gì với nội dung bài báo. Cảnh Sảng cho biết chỉ cần đọc cái tên của bài báo là tức giận rồi. Tên bằng chữ Anh như sau ‘China Is the Real Sick Man of Asia; Its financial markets may be even more dangerous than its wildlife markets’. Thật ra cũng không phải tất cả 20 chữ ấy xúc phạm đến Trung Cộng. Mà chỉ 6 chữ ‘the Real Sick Man of Asia’.
Thời sự hôm nay xin được nói qua về ‘tên bệnh hoạn’ ấy.
Sick Man, bệnh hoạn
‘Sick man, bệnh hoạn’ thoạt đầu dùng chỉ đế quốc Ottoman vào thời suy tàn. Đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ này từng hùng mạnh từ năm 1299 cho đến khi tan tành vào năm 1922. Ottoman là đế quốc theo Hồi giáo do vị giáo sỹ tối cao (Caliph) cầm quyền. Ottoman rất rộng lớn: các nước Bulgary, Ai cập, Hy Lạp, Hungary, Jordan, Lebanon, lãnh thổ Palestines, Macedonia, Romania, Syria, một phần Ả Rập và phía Bắc Châu Phi đều thuộc về đế quốc này cả. Mặc dầu rất hùng mạnh, vào nửa sau trong thế kỷ 19, đế quốc Ottoman suy tàn. Lúc đó, người viết sử ở châu Âu dùng chữ ‘bệnh hoạn, sick man’ để chỉ cái đế quốc chết tiệt kia.
Không phải chỉ Ottaman bị coi là ‘bệnh hoạn’, ngay đế quốc Anh sau thời không bao giờ thấy mặt trời lặn cũng phải nhận ố danh ‘sick man, bệnh hoạn’. Vào những năm 1960 và 1970, Anh quốc phải ngậm đắng nuốt cay bị kêu là ‘bệnh hoạn ở châu Âu, sick man of Europe’. Ngoài Ottoman và đế quốc Anh, vào những năm cuối thế kỷ 19 sang đầu thế kỷ 20 thiên triều Trung Hoa phải muối mặt mà ký hết nhượng địa này sang nhượng địa khác cho các nước phương Tây thì báo chí Bạch Quỷ lại dùng chữ đê tiện này chỉ Thiên Triều! Trung Hoa chính là ‘sick man of Asia, tên bệnh hoạn ở Châu Á’. Viết ra chữ Tàu thành: 東亞病夫, Đông Á Bệnh Phu.
Từ lâu người Trung Hoa bực tức khi bị gọi là ‘bệnh hoạn’. Mà không phải chỉ có Bạch Quỷ chế nhạo Trung Quốc, ngay đến ‘Nhật lùn’ cũng không tha. Năm 1972, tài tử gốc Trung Hoa Lý Tiểu Long (Bruce Lee) đã gỡ nhục cho người nước mình. Lý Tiểu Long chỉ gỡ nhục trong phim Tinh Thành Môn (精武門, Fists of Fury), Trong phim, Lý Tiểu Long tung một đường quyền sấm sét đập tan một biển của người Nhật. Biển này đề bốn chữ: 東亞病夫, Đông Á Bệnh Phu. Chỉ có thế thôi mà dân Trung Hoa đã nhảy mừng.
Riêng tờ The Wall Street Journal xem chừng thích dùng chữ ‘sick man, bệnh hoạn’. Báo này nhiều lần dùng chữ này để chỉ toàn thể châu Âu, nước Phi Luật Tân, công ty bào chế dược phẩm Valeant, nước Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp và nhiều nước khác. Hễ nước nào hay công ty nào tàn lụi thì bị coi là ‘sick man, bệnh hoạn’.
Thù dai như Cộng Sản
Không biết Trung Cộng có thực sự bị chạm nọc vì bị réo tên là ‘thằng cha bệnh hoạn’ hay không vì Trung Cộng trục xuất ba nhà báo làm việc cho Mỹ (trùng hợp) sau khi Mỹ làm khó dễ nhà báo Trung Cộng. Trước đó vài tiếng đồng hồ, Hoa Kỳ xếp năm cơ quan báo chí của Trung Cộng có văn phòng tại Mỹ vào mục ‘foreign missions, cơ quan nước ngoài’. Lý do Mỹ đưa ra khi làm thế vì cho rằng tên là báo chí nhưng các văn phòng này thực chất đều dưới quyền kiểm soát của chính phủ Bắc Kinh. Năm văn phòng báo chí này gồm có hãng thông tấn do chính phủ Bắc Kinh điều hành Tân Hoa Xã (Xinhua), đài truyền hình của chính phủ China Global Television Network (thường gọi tắt là CGTN), đài truyền thanh chuyên nghề tuyên giáo China Radio International, báo đảng China Daily, và công ty xuất bản tuyên truyền cho Trung Cộng có tên là Hai Tian Development USA. Vì bị xếp vào ‘cơ quan nước ngoài’, từ nay các văn phòng báo chí kể trên phải xin phép Hoa Kỳ khi thuê mướn hay tậu mãi bất động sản. Hơn nữa, khi năm cơ quan thông tấn ấy thay đổi nhân viên thì cũng phải báo cho Hoa Kỳ hay. Bị lật tẩy, Trung Cộng túc giận lắm. Trung Cộng đuổi ba nhà báo của tờ báo Mỹ WSJ. Không biết để trả đủa hay không, cũng trong buổi họp báo báo tin trục xuất ba nhà báo trên, Cảnh Sảng thòng thêm Bắc Kinh ‘dành quyền trả đủa’.
Cũng chưa chắc Bắc Kinh tống cổ ba nhà báo Mỹ vì chuyện Mỹ khui ra văn phòng báo chí của Trung Cộng ở Mỹ đều do Cộng Sản chỉ huy. Có thể Trung Cộng trả thù cá nhân ba nhà báo này. Nhớ lại mới đây chính tờ WSJ khui ra chuyện Trung Cộng giấu diếm từ lâu. Đó là Bắc Kinh bí mật bắt nhốt cả triệu người Ngô Duy Nhĩ ở Tân Cương (Xinjiang). Chắc bạn đọc đoán được ai khui chuyện động trời này ra. Xin thưa ba nhà báo vừa bị tống cổ khỏi Bắc Kinh: Josh Chin và Chao Deng (Mỹ), và Philip Wen (Úc). Trung Cộng thù dai thiệt. Họ ngậm thù cho tới nay mới ra lệnh cho cả ba được năm ngày thu dọn quần áo nhét vào va ly và mua vé máy bay một chiều ra khỏi Trung Cộng.
Nói cho ngay trục xuất nhà báo là chuyện khá hiếm hoi ở Bắc Kinh. Từ năm 1988 đến nay, Trung Cộng chưa đụng tới biện pháp này. Có chăng, Trung Cộng chỉ không gia hạn chiếu khán cho nhà báo bị ghi tên vào sổ bìa đen. Thật vậy, ở trong xứ Cộng Sản, ai khui ra những thứ ‘bí mật quốc gia’ đều bị nạn. Vào tháng Tám năm ngoái, ký giả Chun Han Wong – mang thể thông hành Singapore — không được gia hạn chiếu khán. Tội của Chun Han Wong là viết chung với ký giả Úc Philip Wen bài báo nói về người anh em họ của ‘hoàng đế’ Tập Cận Bình. Hai ký giả này cho biết ‘hoàng thân’ Ming Chai đang bị cơ quan tình báo và công lực Úc điều tra.
Trong giới ăn chơi ở Úc, Ming Chai thuộc về hạng VVIP (Very…VIP) của Crown Casino. Riêng đại gia ở Melbourne thì không lạ gì Ming Chai thường đi cặp với Tom “Mr Chinatown” Zhou. Cặp bài trùng này thường dùng máy bay riêng bay cùng khắp nước Úc. Có khi bay ra ngoại quốc với nhiệm vụ ‘cò mồi’ khách đánh bạc hạng sang cho Crown Casino. Ông này đã từng bị Interpol truy nã vì tội gian lận. “Mr Chinatown” đã bị bắt và dẫn độ về Trung Cộng để ra toà vì tội tham nhũng và rửa tiền. Theo dự trù, Mr Chinatown sẽ ra toà tại …. Bạn đọc có biết tại đâu không? Xin thưa: Vũ Hán! Ông này bị tố nhiều tội lắm. Trong đó có tội tạt ác xít vào mặt kẻ thù. Vào năm 2017, Ming Chai cùng đi với đại gia Tom “Mr Chinatown” Zhou qua Vanuatu trong nỗ lực dùng tiền mua đứt thủ tướng Charlot Salwai của Vanuatu để được giấy phép mở sòng bài ở bển. Riêng Ming Chai – dù là ‘hoàng thân’ — vào năm 2014 đã từng bị tố tham nhũng. May mắn, Ming Chai được Mr Chinatown từ Úc tuyển mộ vào nhóm VVIP cho Crown Casino, xách đầu qua Úc, rồi được vào quốc tịch Úc.
Dù Ming Chai, năm nay 61 tuổi, đã đã thành ‘người Úc’ nhưng đời tư của bà con dây mơ rễ má với Tập Cận Bình luôn luôn là ‘bí mật quốc gia’. Vì thế trước khi bài báo của hai ký giả Chun Han Wong và Philip Wen in ra, quan chức Cộng Sản ở Bắc Kinh đã xin đừng in và doạ nếu in thì lãnh đủ hậu quả. WSJ không nghe. Cứ in. Và hậu quả là ký giả Chun Han Wong, người Singapore, không được gia hạn chiếu khán. Còn Philip Wen, người Úc, bị ghi tên vào sổ bìa đen. Và nay bị trục xuất.
Ý kiến bạn đọc
Lần này, mục ‘ý kiến’ của tờ WSJ đã khiến cho ba nhà báo bị … bể nồi cơm. Ý kiến gì mà làm cho Trung Cộng nổi giận đến thế? Xin thưa: ý kiến do ông Walter Russell Mead, giáo sư tại Bard College tại tiểu bang New York, Hoa Kỳ, viết. Ông giáo sư dám nghĩ rằng: đại dịch COVID-19 cho thế giới thấy quyền lực trùng trùng của một nước Trung Cộng vĩ đại thực ra rất mỏng dòn. Rồi ổng còn dám suy đoán: vì con vi khuẩn li ti này, Trung Cộng dán rút khỏi sân chơi thế giới lắm đa!
Nào ta lướt qua bài báo …’tai hại’ này. Hiện nay thế giới chứng kiến hệ thống y tế của một nước Trung Cộng gần tỷ rưởi dân tan tành. Nhưng điều này chưa phải là tất cả. Tác giả bài báo đoán ‘con vi khuẩn giết người này, hay ảnh hưởng của nó trên thị trường tài chính có thể làm thay đổi luôn nền kinh tế và thể chế chính trị của Trung Cộng. Chuyện thay đổi này có thể xảy ra bất kỳ lúc nào’.
Mở đầu bài báo, giáo sư môn bang giao quốc tế tại Bard College tố cáo Bắc Kinh đã tìm cách ngăn chận thế giới biết cơn dịch nặng nề đến đâu. Cộng Sản Bắc Kinh giữ bí mật để lo cho chính mình hơn là cứu dân.
“…, cái guống máy khổng lồ của một nước Trung Cộng vĩ đại đã bị quê xệ, vì mấy con vi khuẩn từ loài dơi nhảy qua loài người. Trong lúc bộ máy cầm quyền Trung Cộng gồng mình ngăn chận cơn dịch và khởi đầu lại các hoạt động kinh tế thì cả thế giới đã từng quen ngưỡng phục đà phát triển không ngừng của Trung Cộng nay sực nhớ ra: không được coi bất cứ chuyện gì là đương nhiên — kể cả quyền lực của Trung Cộng”.
Không được lấy chuyện gì là đương nhiên, can’t be taken (anything) for granted! là lời cảnh cáo của giáo sư bang giao quốc tế tại Bard College. Thật vậy, Trung Cộng đã hùng mạnh đến độ hà hiếp các nước lân bang: nó muốn đất nào thì đất đó phải thần phục; nó muốn biển nào thì biển đó phải tự biến thành màu đỏ! Trung Cộng đã tiến lên thành nền kinh tế thứ nhì thế giới. Ỷ có hơn tỷ rưởi dân, Trung Cộng làm eo các đại công ty như Intel, Facebook, Google, Amazon… có muốn bán hàng thì phải chịu ách kiểm duyệt Cộng Sản quàng vào cổ. Ngoài ra, Sau mấy chục năm kể từ khi Đặng Tiểu Bình chịu nhục biến nước Trung Cộng thành cơ xưởng cặm cụi làm hàng hoá cho thế giới xài chơi, bây giờ Trung Cộng đã chôm gần hết kỹ thuật của phương Tây. Trung Cộng ‘ngạo nghễ’ coi mình như cỗ máy không thể thiếu cho thế giới. Chúng ta đã nghe người ta nói ‘When China sneezes, the world catches a cold, khi Trung Cộng nhảy mũi, cả thế giới bị cảm cúm’. Bậy giờ, Trung Cộng mắc dịch thì thế giới … tiêu tùng. Dường như, chừng vài tuần nữa hàng ‘made in China’ trong kho của thế giới cạn và Trung Cộng vẫn còn ‘nhảy mũi’. Lúc đó, thế giới mới thấm đòn COVID-19 – như giáo sư Mead cảnh cáo:
“Nhiều người đoán đại dịch này khiến cho kinh tế Trung Cộng sụt xuống thật nhanh và thật sâu trong ba tháng đầu năm nay, nhưng kinh tế Trung Cộng sẽ phục hồi khi cơn dịch tàn. Đó là hậu quả ngắn hạn. Còn hậu quả dài hạn và quan trọng nhất từ cơn dịch này có thể là các công ty toàn cầu sẽ tìm cách thoát khỏi lệ thuộc vào nguồn cung cấp hàng hoá từ Trung Cộng. Phải khôn mà nghĩ thêm những mồi đe doạ về sức khoẻ khi chuẩn bị cho những trận chiến về thương mại sắp tới, và tìm nhiều nguồn cung cấp hàng khác nhau”.
Thật vậy, khi xảy ra chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng, nhiều công ty đã ‘di tản’ cơ xưởng ra khỏi Trung Cộng. Bây giờ, họ càng phải làm thế nhiều hơn và nhanh hơn. Samsung, Apple, Wolkswagen hay bất cứ công ty nào có cơ xưởng ở Trung Cộng đã từng phải ‘di tản’ để tránh thuế do ông Donald Trump đánh, thì nay bắt buộc phải ra đi vì con COVID-19 cắn vào triệu công nhân ở bển.
Hậu quả về kinh tế này có thể làm tan tành ‘giấc mơ Trung Hoa’ của Tập Cận Bình. Bài báo kết luận:
“Nếu Bắc Kinh mất bớt ảnh hưởng về chính trị thì có thể xảy ra điều bất ngờ trên thế giới. Nếu đối thủ duy nhất của Mỹ rút khỏi sân chơi thì thế giới trở lại thời chỉ có độc một quyền lực. Hiện nay, ở Mỹ khuynh hướng rút về đang thịnh hơn chủ trương can thiệp vào thế giới. Nếu Trung Cộng không còn tranh giành nữa, có thể càng đông người Mỹ cho rằng: Hoa Kỳ nên rút bớt can thiệp vào thế giới”.
Lập luận của giáo sư Mead làm cho Cổ Nhuế giật mình. Giật mình vì tưởng khi con rồng Trung Cộng nhoè nhạt thì cọp giấy Hoa Kỳ tung hoành. Không. Cọp giấy sẽ an tâm hơn khi thu mình trở về lo cho dân mình trước. Vậy thì thế giới sẽ thế nào? Dám trở thành đa cực, đa quyền lắm đa. Trong thế giới mới này, Úc và Việt Nam dám thành một trong nhiều thứ ‘quyền lực’ lắm đa.
Cổ Nhuế