Trong một bài bình luận đăng trên tờ Vox gần đây, ông Alex Ward, chuyên gia về an ninh quốc tế, nhận định Bắc Kinh đang không ngừng khai thác một cách tàn nhẫn đại dịch Covid-19, vốn do họ gây ra.
Từng là phó giám đốc tại Trung tâm Brent Scowcroft về An ninh Quốc tế của Hội đồng Đại Tây Dương (Mỹ), ông Ward cho rằng đại dịch virus corona đang hoành hành trên toàn thế giới, là “hỏa hoạn mà Trung Quốc đã châm lửa”, và bây giờ, trong khi họ hành động như thể lính cứu hỏa, thì họ “cũng đang đặt một chiếc thòng lọng lên cổ thế giới”.
Ông Ward lưu ý chính phủ Trung Quốc đã mất nhiều tuần để phủ nhận và hạ thấp mức độ nghiêm trọng của đợt bùng phát virus corona, đang lan rộng ra khắp thế giới.
“Việc che giấu đó khiến các quốc gia lỡ mất thời gian quan trọng cho việc chuẩn bị, và có khả năng hạn chế thiệt hại của Covid-19”, ông Ward nêu rõ.
Phát biểu với tờ Vox, một số chuyên gia cho hay chính quyền Trung Quốc phải chịu trách nhiệm cho hơn 3 triệu người nhiễm bệnh và hơn 200.000 ca tử vong [tính tại thời điểm 28/4], đã xảy ra trên toàn thế giới.
“Nhưng Trung Quốc không để cuộc khủng hoảng bị lãng phí. Thay vì tìm cách khắc phục, Bắc Kinh đang tận dụng sự hỗn loạn để theo đuổi các mục tiêu chính sách đối ngoại dài hạn, hung hăng hơn”, ông Ward nhận xét.
Ông Bonnie Glaser, giám đốc ‘Dự án Thế lực Trung Quốc’ tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), cũng nhận xét: “Khi nhìn thấy cơ hội, Trung Quốc chuyển sang khai thác chúng, và chúng ta đang ở trong một thời điểm mà người Trung Quốc chắc chắn nhìn thấy cơ hội”.
Ngoài ra, theo ông Ward, Bắc Kinh đã lợi dụng sự mất tập trung của thế giới, để khẳng định chủ quyền đối với các đảo tranh chấp ở Biển Đông, đe dọa Đài Loan và tăng cường nhiều quyền lực hơn đối với Hồng Kông, trong nỗ lực dập tắt phong trào dân chủ ở đó.
Trung Quốc đã lợi dụng các quốc gia dễ bị tổn thương ở châu Phi, vốn đang phải vật lộn để đối phó với virus corona và tác động kinh tế của đại dịch, bằng cách cung cấp các khoản nợ cần thiết, với điều kiện các quốc gia đó phải sử dụng tài sản quốc gia sinh lợi, làm tài sản thế chấp.
“Sau khi Mỹ tạm dừng tài trợ cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), vốn được cho là quá dễ dãi với Bắc Kinh, chính phủ Trung Quốc đã cam kết hỗ trợ thêm hàng triệu đô la cho tổ chức này, mang lại cho Bắc Kinh nhiều ảnh hưởng hơn trong tổ chức y tế toàn cầu, và cho phép Trung Quốc thể hiện họ là nhà vô địch mới của chủ nghĩa đa phương”, ông Ward nhận xét.
Ông Ward cho rằng Trung Quốc đã phát động một chiến dịch thông tin sai lệch, để làm chệch hướng, đổ lỗi sang các nước khác, chẳng hạn cho rằng virus này thực sự có nguồn gốc ở Mỹ, hoặc có thể ở Ý. Trung Quốc cũng gửi các thiết bị y tế và bác sĩ cần thiết đến các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề, nơi Bắc Kinh tìm cách mở rộng ảnh hưởng, cho phép họ đóng vai người hùng của đại dịch, thay cho kẻ phạm tội.
Ông Michael Sobolik, một chuyên gia về Trung Quốc tại Hội đồng Chính sách đối ngoại của Mỹ, cũng nhận xét: “Tất cả mọi thứ họ đang làm là một chiến thuật hung hăng. Trung Quốc đang đẩy mạnh ảnh hưởng lên tất cả các nước”.
Ông Ward cho hay một số chuyên gia thế giới tin rằng đó “là một phần trong chiến lược rộng lớn hơn của ông Tập, nhằm đánh bật nước Mỹ ra khỏi vị trí siêu cường duy nhất toàn cầu, và mở rộng phạm vi của Trung Quốc trên toàn thế giới. Nói cách khác, ông Tập chỉ đơn thuần khai thác cuộc khủng hoảng virus corona để đạt được mục tiêu của mình, thậm chí còn nhanh hơn”.
Bắc Kinh muốn Trung Quốc nhanh ‘vĩ đại’ trở lại?
Giáo sư Andrew Erickson, một chuyên gia về Trung Quốc tại Đại học Chiến tranh Hải quân Hoa Kỳ, không nghi ngờ về những tham vọng của ông Tập và Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Viết trên tờ ‘War on the Rocks’ vào tháng 10/2019, giáo sư Erickson nhận định: “Ảo tưởng [của Trung Quốc] không có gì bí mật: ông Tập Cận Bình thề sẽ làm cho Trung Quốc vĩ đại trở lại. Chiến lược của ông Tập đối với một Trung Quốc hiện đại về sức mạnh và ảnh hưởng chưa từng thấy, đòi hỏi phải lấy lại vinh quang đã mất ở trong và ngoài nước”.
Về khía cạnh này, ông Ward lưu ý bản thân ông Tập đã nói rất nhiều. Trong một bài phát biểu quan trọng vào tháng 10/2017, ông Tập đưa ra các mốc thời gian cụ thể cho các mục tiêu vĩ đại của mình, rằng (i) Trung Quốc sẽ có một “xã hội thịnh vượng vừa phải trên tất cả các khía cạnh” vào năm 2021; (ii) Trung Quốc sẽ trở thành một nhà lãnh đạo thế giới về công nghệ và hiện đại hóa quân sự vào năm 2035; và (iii) tranh chấp kéo dài hàng thập niên của Bắc Kinh với Đài Loan, sẽ được giải quyết đến năm 2049.
Ông Aaron Friedberg, một chuyên gia về Trung Quốc tại Đại học Princeton, cho rằng đó là những hứa hẹn đầy tham vọng của ông Tập, được thực hiện với thời hạn chặt chẽ. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi ông Tập sẽ không lãng phí cơ hội để đạt được tiến bộ trong các kế hoạch đó.
“Trung Quốc có cơ hội và đã nắm lấy nó”, ông Ward nhấn mạnh.
Hôm 14/4, Tổng thống Donald Trump tuyên bố Mỹ sẽ tạm thời ngừng tài trợ cho WHO, khi cho rằng cơ quan y tế toàn cầu này ‘xoay quanh Trung Quốc’, và đã quá khoan dung đối với Bắc Kinh trong những ngày đầu của đại dịch virus corona.
Và chỉ 2 tuần sau, Trung Quốc đã công khai cam kết tài trợ thêm 30 triệu USD cho WHO. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng (Geng Shuang) thông báo Bắc Kinh đã đóng góp tiền cho WHO vì họ “bảo vệ lý tưởng và nguyên tắc của chủ nghĩa đa phương, và duy trì vị thế và quyền lực của Liên Hợp Quốc”.
Tuy nhiên, theo ông Ward, rất ít người tin rằng đó là một động thái vị tha của Bắc Kinh. Thay vào đó, hầu hết mọi người đều cho rằng đó là chủ nghĩa cơ hội.
“Mỹ đã để lại một khoảng trống lãnh đạo, và Trung Quốc nhanh chóng nhảy vào để chiếm lấy. Chỉ với một khoản đóng góp (tương đối) nhỏ, Bắc Kinh trông giống như một người ủng hộ đáng tin cậy của hợp tác toàn cầu, và là đối tác có trách nhiệm trong phản ứng y tế công cộng đối với virus corona”, ông Ward nhận xét.
“30 triệu [USD] thì như muối bỏ biển. Nếu họ muốn đóng góp nhiều hơn, họ hoàn toàn có thể đóng góp nhiều hơn. Nhưng đó thực sự là một tín hiệu cho Nhà Trắng và thế giới rằng Hoa Kỳ có thể không có nhiều ảnh hưởng như họ nghĩ”, ông Sobolik bình luận.
Vấn đề Hồng Kông
Theo ông Ward, ông Tập cũng đã tận dụng sự rối loạn do đại dịch virus corona gây ra, để gây thêm uy quyền ở Hồng Kông, và trấn áp phong trào dân chủ ở đó.
Hôm 18/4, hơn một chục nhà hoạt động dân chủ và các nhà lập pháp đã bị bắt giữ tại Hồng Kông, ghi dấu một cuộc vây bắt lớn nhất trong một ngày, trong nhiều năm. Một trong những người bị giam giữ là ông Martin Lee, người sáng lập 81 tuổi của Đảng Dân chủ Hồng Kông, người đã làm tan vỡ [âm mưu của] Bắc Kinh, tìm cách áp đặt quyền lực hoàn toàn đối với thành phố.
“Người dân Hồng Kông hiện phải đối mặt với 2 dịch bệnh từ Trung Quốc: virus corona và những cuộc tấn công vào các quyền cơ bản nhất của con người chúng ta. Tất cả chúng ta đều có thể hy vọng một loại vắc-xin sẽ sớm được phát triển cho virus corona. Nhưng một khi quyền con người và luật pháp của Hồng Kông bị dần dần hạn chế, thì virus chết người của sự cai trị độc đoán, sẽ vẫn còn ở đó”, ông Lee đã nói với tờ Washington Post 3 ngày sau khi bị bắt.
Bắc Kinh cũng đã bắt đầu can thiệp công khai về chính trị Hồng Kông theo một cách mới. Ví dụ như vào giữa tháng 4/2020, Văn phòng Các vấn đề Hồng Kông và Ma Cao, một cơ quan của nhà nước Trung Quốc, chịu trách nhiệm giám sát Hồng Kông, đã chỉ trích một số nhà lập pháp của thành phố, về các cuộc tranh luận gây cản trở, mà họ cho là đã dẫn đến sự tồn đọng của luật pháp.
“Kết luận lại, các chuyên gia nói rằng Bắc Kinh đang sử dụng virus corona như một vỏ bọc để củng cố sự cai trị độc đoán của họ đối với Hồng Kông, và hoàn toàn dập tắt phong trào dân chủ”, ông Ward nhấn mạnh.
Vấn đề Biển Đông
Ông Ward cho rằng Trung Quốc cũng đang cố gắng lan rộng sự thống trị đó ở những nơi khác.
Bắc Kinh từ lâu đã đưa ra yêu sách đối với các đảo tranh chấp ở Biển Đông. Để khẳng định yêu sách của mình, các tàu hải quân Trung Quốc đã [dùng vũ lực] xua đuổi các nước có yêu sách khác, như Philippines và Việt Nam, ra khỏi khu vực, để họ có thể kiểm soát hoàn toàn các hòn đảo và các nguồn tài nguyên dầu khí tự nhiên xung quanh.
Thực tế đó đã không dừng lại trong đại dịch. Đầu tháng 4/2020 chẳng hạn, một tàu Trung Quốc đã đánh chìm một tàu đánh cá Việt Nam ở Biển Đông, và tuyên bố chủ quyền đối với các đảo khác trong khu vực.
“Trung Quốc có thể hy vọng, vừa gửi một thông điệp tới các quốc gia khác có liên quan đến Biển Đông rằng Trung Quốc sẽ không lùi bước trong bất kỳ trường hợp nào, và vừa gửi một thông điệp tới người dân trong nước về sự lãnh đạo mạnh mẽ của đảng”, ông Kelsey Broderick, một Nhà phân tích Trung Quốc tại công ty tư vấn Eurasia Group, nói với hãng truyền hình CNBC hôm 13/4.
Trong khi đó, quân đội Trung Quốc tiếp tục gây áp lực lên Đài Loan, bao gồm cả việc các máy bay chiến đấu thường xuyên bay gần không phận Đài Loan, và gửi các đội tàu đến gần hòn đảo.
Vấn đề châu Phi
Theo ông Ward, ngoài Biển Đông, Trung Quốc cũng đang phô diễn sức mạnh của mình trên các châu lục khác, đặc biệt là châu Phi. Nhiều chính phủ châu Phi, những nước phải vận lộn để chống lại virus corona, đang yêu cầu [Bắc Kinh] giảm nợ để họ có thể đầu tư nhiều hơn vào chăm sóc sức khỏe, vệ sinh, thực phẩm và các chương trình xã hội, nhằm giữ an toàn cho hàng triệu người trong đại dịch.
Trung Quốc, một trong những chủ nợ lớn nhất của lục địa [châu Phi], đang lẩn tránh trước ý tưởng xóa nợ quy mô lớn, vì sợ nó có thể tạo ra tiền lệ xấu.
Theo Tạp chí Phố Wall, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã yêu cầu các quan chức châu Phi cung cấp tài sản thế chấp, để đổi lấy sự giúp đỡ về kinh tế. Ví dụ như chính phủ Zambia phải sử dụng quyền khai thác kim loại đồng làm tài sản thế chấp cho khoản vay từ Trung Quốc.
Phát biểu với tờ Vox, một số chuyên gia nói rằng họ không hề ngạc nhiên trước điều đó, vì theo họ, Trung Quốc có quan điểm rất ‘thực dụng’ về chính sách đối ngoại: Nếu Bắc Kinh cho ai một cái gì, thì họ sẽ cần nhận được một cái gì đó.
“Cung cấp cho các quốc gia châu Phi các khoản vay kinh tế hàng tỷ đô la, chỉ để không bao giờ thấy được sự thu hồi vốn đầu tư, là điều mà các quan chức Trung Quốc không bao giờ chấp nhận, khi họ xem xét mục đích của các khoản vay”, ông Ward nhận xét.
Nhưng theo ông Ward, hành động của Bắc Kinh theo cách này trong thời điểm châu Phi khó khăn, có thể làm hỏng những mối quan hệ Trung – Phi vừa chớm nở. Nó không giúp được gì cho việc phân biệt chủng tộc đối với người châu Phi ở Trung Quốc, vốn đang ngày càng gia tăng trong cuộc khủng hoảng virus corona, trong đó nhiều người châu Phi bị cấm ở khách sạn, nhà hàng, cửa hàng, v.v.
Anh Frank Nnabugwu, một doanh nhân người Nigeria sống ở thành phố Quảng Châu, cho biết chính quyền không cho anh ấy trở về ngôi nhà mà anh đang thuê.
“Các nhân viên bảo vệ nói với chúng tôi: ‘Không người nước ngoài nào được phép’. Tôi bối rối, rất thất vọng. Tôi đã ngủ trên đường phố”, anh Nnabagwu nói với tờ The Guardian hôm 27/4/2020.
Ông Ward cho rằng “rõ ràng Trung Quốc đã không đánh giá lại chính sách đối ngoại của mình trong giai đoạn nguy hiểm mà họ có phần trách nhiệm. Thay vào đó, họ tăng cường thêm nỗ lực để thấy nó trở thành sự thật. Điều đó, trên thực tế là Trung Quốc đang ở thế tấn công [ở châu Phi]”.
Ngoài ra theo ông Ward, [ở chiều hướng ngược lại], Bắc Kinh cũng đang sử dụng các biện pháp khác, chủ yếu là một chiến dịch tuyên truyền thông tin sai lệch trên qui mô lớn, để chơi phòng ngự [ở châu Âu], hòng trốn tránh trách nhiệm.
Trung Quốc sử dụng thông tin sai lệch của Nga, để làm chệch hướng dư luận
Theo bà Jessica Brandt, một chuyên gia về thông tin sai lệch của Trung Quốc tại Quỹ Marshall (Đức), khi có những yêu cầu rằng Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về đại dịch gia tăng, Bắc Kinh chủ yếu đã chọn cách “kháng cự lại, và để làm được điều đó, Trung Quốc đã sử dụng thông tin sai lệch của Nga”.
Đầu tiên, Trung Quốc đưa ra các thuyết âm mưu về sự khởi đầu của virus. Một điều chắc chắn là virus corona có nguồn gốc từ Vũ Hán trước khi nó lan sang phần còn lại của thế giới. Tuy nhiên, các quan chức Trung Quốc, bao gồm cả phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng (Zhao Lijian), đã đưa ra giả thiết giả dối rằng virus corona xuất hiện đầu tiên ở Mỹ. Điều tương tự cũng xảy ra với Ý khi chiến dịch tuyên truyền của Trung Quốc cũng đã chĩa dùi vào quốc gia châu Âu này, rằng Ý có thể là điểm khởi đầu tiềm năng cho dịch bệnh.
“Đây là một thủ đoạn thông tin sai lệch cổ điển của Nga. Thay vì đưa ra một lý thuyết mới dựa trên thực tế, chế độ lặp lại một tuyên bố giả dối cho đến khi nó khiến mọi người nghi ngờ về sự thật. Đối với Trung Quốc, việc sử dụng các kênh chính thức để thúc đẩy các thuyết âm mưu, là điều mới lạ”, bà Brandt vạch rõ.
Để minh chứng, bà Brandt lưu ý về sự gia tăng 300% số lượng quan chức Trung Quốc trên trang mạng Twitter trong năm qua, bắt đầu từ thời điểm các cuộc biểu tình ở Hồng Kông, khởi xướng vào mùa xuân 2019. Đó có thể là một phần trong nỗ lực của Trung Quốc, nhằm truyền bá thông tin sai lệch tốt hơn và xa hơn.
Các quan chức Trung Quốc cũng gửi các thiết bị y tế và bác sĩ đến một số quốc gia châu Âu, vốn đang phải vật lộn để đối phó với sự bùng phát của virus corona. Chính quyền Bắc Kinh đã thực hiện một thỏa thuận lớn về việc cung cấp hỗ trợ cho Ý vào tháng 3/2020, khi Ý là một trong những nước phải gánh chịu sự hoành hành của dịch bệnh tồi tệ nhất thế giới. Trung Quốc cũng gửi các thiết bị và vật tư y tế cho Serbia, Hà Lan và Tây Ban Nha.
Ông Ward cho hay lý do Bắc Kinh làm tất cả những điều này, không phải là lòng vị tha thuần túy hay thậm chí là sự thừa nhận trách nhiệm của chính họ trong việc tạo ra cuộc khủng hoảng từ đầu. Thay vào đó, các chuyên gia nói rằng Trung Quốc đang cố gắng chống lại báo chí, chỉ trích về việc Bắc Kinh đã xử lý yếu kém sự bùng phát virus ngay từ sớm.
“Thay vì [thừa nhận] là một chính phủ thiếu tinh thần trách nhiệm, với những thất bại đã gây ra một đại dịch chết người trên thế giới, Trung Quốc đang cố gắng trông giống như vị cứu tinh của thế giới, cung cấp những nguồn cung cấp quan trọng cho các nước đang gặp khó khăn”, ông Ward lên án.
Nhưng, theo ông Ward, các nước mà Trung Quốc lựa chọn giúp đỡ, cũng là những quốc gia mà Bắc Kinh đã nỗ lực xây dựng mối quan hệ chặt chẽ trong nhiều năm qua, vừa để mở rộng phạm vi kinh tế ở châu Âu và vừa để làm suy yếu các liên minh của Mỹ trong khu vực.
Chẳng hạn như Ý, quốc gia lớn đầu tiên ở châu Âu, đã ký kết Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc, với kế hoạch hàng nghìn tỷ đô la của Bắc Kinh để xây dựng cơ sở hạ tầng và quan hệ kinh tế trên khắp 3 châu lục, nhằm thống trị thương mại toàn cầu.
Bằng cách cung cấp viện trợ quan trọng cho Ý và các quốc gia châu Âu chủ chốt khác trong đại dịch, Trung Quốc hy vọng tiếp tục thắt chặt mối quan hệ với các quốc gia đó, và làm sứt mẻ mối quan hệ của họ với Mỹ.
Ông Jennifer Staats, một chuyên gia về Trung Quốc tại Viện Hòa bình Hoa Kỳ, đã thẳng thắn nhận định rằng: “Nói chung, Trung Quốc chỉ làm những việc giúp cho chính họ, không có gì hơn thế. Các nhà lãnh đạo của Đảng Cộng sản đang nỗ lực hành động để đánh bóng hình ảnh của Trung Quốc như là một nhà lãnh đạo toàn cầu, đối phó với cuộc khủng hoảng Covid-19”.
Tuy nhiên, ông Ward cho rằng Trung Quốc đã đối mặt với một vấn đề lớn, khi kế hoạch [của họ] đã bắt đầu phản tác dụng.
Trung Quốc không thể hợp tác với Mỹ và một số nước
Theo ông Ward, hành động của Trung Quốc khiến cho việc hợp tác với Mỹ và một số nước khác là không thể.
Mặc dù chiến dịch quan hệ công chúng (PR) toàn cầu của Trung Quốc đã mang lại một số kết quả đối với một số lãnh đạo của các nước, như Tổng thống Serbia Alexanderar Vucic và ngoại trưởng Ý [Di Maio] đã ca ngợi sự giúp đỡ của Trung Quốc, nhưng một số nước bắt đầu chán ngấy với các thủ đoạn gây áp lực và điệu bộ của Bắc Kinh.
Ông Ward lấy nước Úc làm ví dụ. Khi chính phủ Úc khởi đầu một nỗ lực toàn cầu để mở một cuộc điều tra về nguồn gốc của sự bùng phát virus corona, các quan chức Trung Quốc đã đe dọa trả đũa kinh tế.
“Có lẽ những người dân bình thường sẽ nói, ‘Tại sao chúng ta nên uống rượu Úc? Ăn thịt bò Úc. Cha mẹ của các học sinh cũng sẽ nghĩ … liệu đây có phải là nơi tốt nhất để gửi con cái họ đến không”, đại sứ Trung Quốc tại Úc Thành Cạnh Nghiệp (Cheng Cheng Jingye), hăm dọa trong một cuộc phỏng vấn gần đây với Tạp chí Tài chính Úc.
Nhưng, thay vì nhượng bộ theo yêu cầu của Bắc Kinh, Ngoại trưởng Úc Marise Payne trong một tuyên bố hôm 27/4 nêu rõ: “Chúng tôi không chấp nhận bất kỳ ý kiến nào, rằng ép buộc kinh tế là một phản ứng thích hợp đối với lời kêu gọi [điều tra] đánh giá như vậy, khi điều chúng ta cần là hợp tác toàn cầu”.
Một số quốc gia cũng phàn nàn về chất lượng thấp của các thiết bị và vật tư y tế do Trung Quốc cung cấp. Chẳng hạn, một số bộ kít xét nghiệm mà Bắc Kinh cung cấp cho các quốc gia châu Âu, cho kết quả không chính xác. Các nhà khoa học Tây Ban Nha đã phát hiện ra rằng các bộ kít xét nghiệm từ công ty Công nghệ Sinh học Thâm Quyến Bioeasy của Trung Quốc, cho kết quả xét nghiệm các trường hợp dương tính với độ chính xác chỉ đạt khoảng 30%.
“Điều đó đã khiến Trung Quốc bị tai tiếng tại châu lục với hàng dởm. Bạn không thể khoe khoang và cung cấp chất lượng không đạt tiêu chuẩn”, bà Brand nhận xét.
Các chuyên gia cho rằng những nỗ lực năng nổ của Trung Quốc nhằm khai thác đại dịch vì lợi ích của chính họ, đã khiến các chính phủ, đặc biệt là Mỹ, khó tin tưởng và hợp tác với nước này.
“Tôi nghĩ rằng vào thời điểm này, sẽ rất khó để hợp tác, mặc dù điều đó là vì lợi ích cho các quốc gia, bao gồm cả Mỹ”, giáo sư Friedberg chia sẻ.
Các chuyên gia cho rằng nếu Trung Quốc không hợp tác với các nước khác, dịch bệnh này có thể tiếp tục lan rộng.
“Khi đó, các hành động của Trung Quốc không những làm cho thế giới kém an toàn hơn, mà còn không giúp nó đạt được uy tín toàn cầu, mà chế độ tìm kiếm. Trên mọi lĩnh vực, tôi không nghĩ rằng họ đang chiến thắng”, giáo sư Friedberg khẳng định.
Theo Vox
Duy Nghĩa dịch và biên tập