- Lê Xuân
Thời báo Hoàn Cầu, cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ nói rằng Bắc Kinh có thể biến các cuộc tập trận trên đảo Hải Nam thành cuộc xâm lược để đáp trả “những kẻ ly khai” Đài Loan.
Đầu tuần này, hãng tin Nhật Bản Kyodo News cho biết Bộ Tư lệnh Chiến khu Nam Bộ của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đang lên kế hoạch tổ chức các cuộc tập trận vào tháng 8 để chuẩn bị cho một cuộc tấn công trong tương lai vào Quần đảo Đông Sa do Đài Loan kiểm soát (Quần đảo Pratas).
Cuộc tập trận quân sự dự kiến diễn ra ngoài khơi đảo Hải Nam, gồm tàu đổ bộ, trực thăng, và hải quân đánh bộ.
Truyền thông Nhật Bản đã suy đoán rằng các cuộc tập trận có thể là khúc dạo đầu để Trung Quốc thiết lập khu vực nhận dạng phòng không ở Biển Đông.
Hôm 13/5, Trung Quốc đe dọa rằng nước này có thể biến các cuộc tập trận quân sự thành một cuộc xâm lược đảo thật và thậm chí là chính Đài Loan.
Thời báo Hoàn Cầu, cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ đã trích dẫn lời từ các “chuyên gia,” cho hay Quần đảo Đông Sa có vị trí chiến lược quan trọng và PLA có khả năng “biến bất kỳ cuộc tập trận nào thành hành động thật nếu Đài Loan kiên quyết đòi ly khai.” Tuy vậy, tờ báo không xác nhận hay phủ nhận tính xác thực của nguồn tin trên, chỉ cho biết phía Trung Quốc chưa công bố chính thức về cuộc tập trận.
Song Zhongping, một “chuyên gia quân sự” được Thời báo Hoàn Cầu trích lời, cho biết quần đảo Đông Sa nằm ngoài khơi bờ biển phía đông nam của Trung Quốc nối liền Biển Đông và Tây Thái Bình Dương, và nếu Đài Loan cho Mỹ thuê để giám sát hoặc tiến hành các hoạt động chống tàu ngầm, “điều này có thể gây nguy hiểm cho PLA.”
Ông Song sau đó đổ lỗi cho chính quyền Tổng thống Thái Anh Văn với “các hoạt động ly khai gia tăng” đã làm tình hình xuyên eo biển trở nên căng thẳng. Ông tuyên bố với những động thái này, PLA sẽ cần chuẩn bị cho một cuộc đối đầu quân sự, bao gồm tổ chức các cuộc tập trận quân sự, để “cảnh báo những kẻ ly khai Đài Loan không được vượt qua lằn ranh đỏ”.
Ngoài quần đảo Đông Sa, vị chuyên gia quân sự này cũng tiết lộ PLA đã được huấn luyện thường xuyên các nhiệm vụ đổ bộ để tiếp quản các đảo khác như quần đảo Bành Hồ (Peng Hu) và thậm chí cả hòn đảo chính Đài Loan. Ông Song cũng cảnh báo rằng các cuộc tập trận có thể nhanh chóng được chuyển đổi thành một cuộc xâm lược thực sự để đối kháng lại với các hoạt động của “những kẻ ly khai”.
Lực lượng phòng vệ Đài Loan hiện đã triển khai lực lượng để bảo vệ một sân bay nhỏ trên quần đảo Đông Sa, đồng thời tiến hành giám sát mọi động thái của phía Trung Quốc, lên kế hoạch dự phòng và duy trì khả năng sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ quần đảo này.
Phía Mỹ cũng đã liên tục điều máy bay trinh sát tới gần quần đảo Đông Sa để thu thập dữ liệu về hoạt động của Trung Quốc.
Quần đảo Đông Sa nằm cách Hồng Kông 340 km và cách Đài Bắc 850 km, được chính quyền Đài Loan đặt trong phạm vi quản lý hành chính của thành phố Cao Hùng, trong khi Trung Quốc tuyên bố chủ quyền và đặt nó thuộc tỉnh Quảng Đông.
Lê Xuân (t/h)