TÔI CÒN NỢ ANH

Thu Tuyết

Như có điều gì đó khiến tâm hồn tôi chùng xuống một nỗi buồn khó tả. Tôi đang lang thang suy nghĩ thì điện thoại reo: “Chị ơi, Bệnh viện trả anh Lộc về nhà, 2 tiếng sau sẽ rút ống trợ thở!”. Đó là Trần Việt Cường, em trai NS Trần Quang Lộc gọi cho tôi từ Mỹ. Thế là tôi không còn cơ hội để thăm anh, để nói với nhau về Album cuối cùng mà anh đã gởi gắm cả tâm huyết của anh cho tôi.

“Chào cô Thu Tuyết, Tôi đã hoàn tất Album phổ thơ cô gồm 8 ca khúc. Đây là Album cuối cùng của tôi dành cho cô với tất cả gởi gắm. Mong cô xem như một kỷ niệm đẹp của tôi dành cho cô”. Đây là những lời sau cuối anh viết cho tôi khi anh đã hoàn tất hai bài hát cuối cùng: “Bỗng Dưng Tôi Thấy Lạ và Dường Như”. Rồi một ngày sau đó, con trai anh, Trần Quang Phương Nam, nhắn tin cho tôi: “Ba con không còn minh mẫn nữa cô ơi”!

Tôi đã bật khóc, khóc vào một ngày cuối thu trong cơn mưa tầm tã của Melbourne. Khóc vì một tâm hồn nghệ sĩ thuần khiết, thuần khiết cho đến hơi thở cuối cùng. Khóc vì cái tình của một người nhạc sĩ đã cảm được thơ tôi và đã dốc chút hơi tàn sót lại để hoàn tất Album cho tôi. Còn ngôn từ nào hơn để nói lên cảm xúc của tôi dành cho anh, một người nhạc sĩ với tâm hồn trong veo và trái tim nhân bản.
 

Cách đây 5 năm, sau khi ra mắt Thu Trắng 2, vào một buổi chiều thật lạnh của mùa đông, tôi nhận một tin nhắn trong messenger: “Thơ của TT có nhiều cái lạ, sâu sắc. Nếu được, chọn cho mình một số bài tâm đắc. Mình sẽ phổ, có thể làm một Album riêng. Thân quý. Chúc an lành”.           

Tôi vào Facebook của người nhắn tin, thì đó là anh, một người mà tôi ngưỡng mộ, một nhạc sĩ tài hoa với nhiều tác phẩm nổi tiếng đi vào lòng người như: Có phải em mùa thu Hà Nội, Về đây nghe em…, đặc biệt là những nhạc phẩm nói về quê hương với ca từ và giai điệu nhẹ nhàng sâu lắng “rất quê hương”. Khi tâm hồn chông chênh mà nghe nhạc của anh, chúng ta sẽ tìm lại được sự an bình. Không chỉ thế, anh còn có một giọng hát trầm ấm và bình yên như chính con người và tác phẩm của anh vậy.

Rồi cuộc sống cuốn tôi vào công việc. Cho đến một buổi sáng mùa hè của Sài Gòn, chúng tôi hẹn nhau trong một quán cà phê xanh mát. Cảm giác đầu tiên của tôi về anh chị là một sự gần gũi và chân tình. Nét hiền hoà phúc hậu của anh chị đã toát ra từ một tâm hồn trong sạch (tôi nghĩ vậy) làm cho người đối diện có tình cảm trân quí. Chúng tôi đã bàn kế hoạch cho một Album sẽ hoàn tất cuối năm.

 Tuy nhiên, mọi thứ chưa được thực hiện. Vì lúc đó tôi đang chuẩn bị để ra mắt Album, DVD và sách cho Thu Trẳng 3 (trong đó có bài Tôi Bên Lề Quê Hương của anh) nên phải hoãn chương trình với anh lại. Trong thời gian đó, thỉnh thoảng anh vẫn phổ thơ, rồi hát và gởi bài cho tôi. Cho đến khi công việc xong, tôi gọi anh thì được biết anh đang ung thư giai đoạn cuối! Thật buồn! Tôi chỉ mong anh giữ gìn sức khoẻ và dự định tháng 2/2020 sẽ về Saigon, ghé thăm anh. Nhưng Coronavirus đã lấy mất cơ hội của tôi! 

Điều làm cho tôi ray rức là như nợ anh một món nợ ân tình không sao trả được. Đó là khi anh nhận tập thơ của tôi (theo lời đề nghị của anh), khi mà anh chỉ còn một con mắt, con mắt kia đã bị ung thư tàn phá; trong cơn đau vật vã của những ngày cuối đời, anh đã cố đọc, đọc để chọn 4 bài thơ phổ nhạc. Rồi nhờ người hát demo và hoà âm phối khí cho hai bài cuối cùng trước khi anh không còn tỉnh táo nữa!

Một sự ngẫu nhiên chăng, hai bài sau cuối anh phổ thơ mang một ý nghĩa lạ kỳ. Có phải khi chúng ta đi gần hết con đường gian khổ của cuộc trần, rồi một chiều nào đó nhìn xa xăm, ta chợt thấy cuộc đời thật lạ: 

“Bỗng dưng tôi thấy lạ.

Mùa xuân đi qua như cơn gió vô tình thổi vào mặt người mang theo một mùi hương lạ.

Và những cánh hoa khập khiễng rơi như người thương binh đang khập khiễng trên con đường lạ đầy hoang sơ của cây cỏ bên lề.

Nắng hôm nay cũng lạ, không như nắng Sàigòn của mùa khô làm cỏ cây nhọc nhằn tồn tại. Nắng Melbourne nhàn nhạt tưới rộng trên sông, trên muôn loài sau mùa đông cành gốc cô đơn, trơ trọi buồn với cái lạnh buốt da.

Và như một phép lạ mà Thượng đế ban cho loài người để vượt qua những gian nan, để sống, để yêu; là nắng làm xuân rực rỡ, làm thế giới đầy sắc màu, làm biển xanh hơn và gió cũng thơm hơn.

 Trái tim tôi hôm nay cũng lạ, rộn ràng hơn bởi vẻ đẹp ấm áp, nồng nàn của một không gian yên bình nhưng khắc khoải những thoáng cô đơn.

Tôi tìm kiếm chung quanh những khuôn mặt người thân, nhưng thật lạ! Dường như chúng chỉ ẩn hiện trên nền trời xanh pha chút xám buồn như vài cụm mây còn sót lại sau mùa đông giá rét.

Đôi lúc lòng người cũng rất lạ! Phải chăng thời gian và không gian là chiếc đũa thần gõ vào hư không nhưng đầy quyền lực mang theo sự thay đổi của con người và thế giới với hai mảng màu sáng, tối.

Tôi ngơ ngác uống từng giọt lạ rơi rớt vào hồn, vào tim để hạnh phúc với những thanh thoát còn sót lại của cuộc đời, để nuôi dưỡng sức chịu đựng, để vượt qua những biến động và để thì thầm với thế gian rằng: Lạ đem đến cho ta cái đẹp mạnh mẽ như cánh hoa vươn mình rực rỡ trên đống đổ nát hoang tàn sau một cơn động đất”

(LẠ – ThuTuyet, Thu Trắng 3, NS Trần Quang Lộc phổ thơ)


Cho đến hôm nay, anh là người duy nhất phổ những bài thơ xuôi của tôi. Anh đã hiểu sâu sắc ý của thơ và đồng cảm với cảm xúc của tác giả để viết ra những giai điệu nhẹ nhàng nhưng tha thiết của một tâm hồn luôn lạc quan yêu cuộc sống. Với anh, ngoài những ca khúc viết cho tình yêu đôi lứa, cho thân phận con người, dường như anh sinh ra là để viết cho quê hương, một quê hương thanh bình yên ả với cánh đồng xanh mượt lúa thơm, với bước chân trẻ thơ tung tăng đến trường của một sáng thu mà không cần tay mẹ dắt, và với mùi hương ngạt ngào của vườn cau dưới cái nắng trong veo mùa hạ:
 


“Tôi bên lề quê hương nghe tim mình chảy chậm

Nghe hơi thở lặng dần khi chiều về trên cánh đồng gió non thơm mùi của lúa

Nghe mắt cay cay uống giọt mưa trưa và tiếng gà gáy lạ

Nghe tiếng bước chân tung tăng trên con đường làng vào một sáng thu có nắng nhạt trải dài trên lối nhỏ đến trường

Tôi bên lề quê hương nghe tim mình xao động

Khi ký ức hiện về ngạt ngào mùi hương của không gian xanh thẳm màu trời qua kẽ lá vườn cau

Khi bài hát ru con đong đầy tình yêu của mẹ và nồng nàn đậm chất quê hương

Khi con mương chảy xiết nước nguồn nuôi ta lớn lên thành hình con người có trái tim và tâm hồn sạch…”

(Tôi Bên lề Quê Hương, – ThuTuyet, Thu Trắng 3, NS Trần Quang Lộc phổ thơ)

Anh là một người con hiếu đạo, anh rất yêu Mẹ, một tình yêu vô bờ nên cảm xúc dễ dàng tuôn trào khi đọc những bài thơ viết về Mẹ của tôi:
 

“Tôi vẫn nhớ ngày xưa còn bé

Bàn tay gầy mẹ ôm cả tuổi thơ

Ôm mùa đông, ôm nắng hạ chờ

Rồi chới với, tôi theo chồng biền biệt

Thời gian đưa Mẹ tôi đi vội

Hình hài này đã trút hết cho con

Để hôm nay trong chiếc bóng cõi mòn

Đôi mắt Mẹ như hoàng hôn bao phủ”

(Thăm Mẹ – ThuTuyet, Thu Trắng 3, NS Trần Quang Lộc phổ thơ)

Cho đến những ngày cuối đời, những bài thơ về Mẹ vẫn là sự lựa chọn đầu tiên cho anh phổ nhạc, bởi hình ảnh người Mẹ vẫn ngự trị bên anh trong từng hơi thở:

 “Hôm nay cũng vào thu một sáng

Nhưng hàng dừa xa quá anh ơi!

Em cứ ngỡ hôm qua nơi đầu ngõ

Bóng mẹ hiền in lối nhỏ nắng mai

Hôm nay thu về nơi xứ lạ

Bên dòng sông cũng nắng nhẹ hôm nào

Nhưng xa lắm đường làng “Tôi đi học”

Có mẹ cầm tay, bước nôn nao

Thu ơi, về chi nơi xứ lạ!

Anh có còn nhớ chuyện ngày xưa

Mẹ có còn dáng thon thon nhỏ

Nắm tay “Tôi đi học” dưới thu mùa”

(Sáng Thu Đi Học – ThuTuyet, Thu Trắng 3, NS Trần Quang Lộc phổ thơ)

Và có phải ngẫu nhiên mà anh đã mượn lời thơ để nói rằng: Dường như anh chưa bao giờ ra đi. Mãi mãi anh vẫn còn trong lòng của chúng ta, những người yêu nhạc và quí mến anh:

“Dường như anh ở đây

Hay chỉ là cơn mộng

Bên góc đời gió lộng

Dường như anh ở đây!”

(Dường Như – ThuTuyet, Thu Trắng 3, NS Trần Quang Lộc phổ thơ)

Xin gởi đến gia đình anh lời chia buồn sâu sắc nhất và cầu xin anh sớm về nước Chúa.

Related posts