Trở Lại Nghề Cũ Nơi Tạm Dung Mới

Đàm Trung Pháp

SAN ANTONIO, TEXAS – HÈ 1976

Sau cả một năm trời như kẻ mất hồn vì quá tiếc thương những ngày tháng cũ, vào đầu hè 1976 tôi được tuyển làm “chủ biên tài liệu huấn luyện” (training materials editor) cho Northrop Aircraft Corporation mới trúng thầu khế ước huấn luyện Anh ngữ căn bản cho quân nhân không lực hoàng gia Saudi Arabia qua Defense Language Institute (DLI) của Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ. Gia đình tôi gấp rút chuyển cư từ Georgia đến San Antonio, Texas để tôi nhận việc làm trong Lackland Air Force Base khổng lồ. Công việc làm văn phòng nhẹ nhàng và phù hợp khả năng, với trách nhiệm “hiệu đính” (editing) và “đọc kỹ lần chót” (final proofreading) các tài liệu huấn luyện trước khi nộp cho nhà in, mà lợi tức cũng đủ mưu sinh cho gia đình. Đáng lý phải vui mừng ghê lắm chứ, vậy mà sao tôi vẫn một lòng xót xa tiếc nhớ – có lúc tới mức thẫn thờ – khung trời đại học Saigon thân yêu của tôi ! Giờ đây nghĩ lại, bảy niên học (1968-1975) gắn bó với Đại Học Sư Phạm Saigon thuở ấy vẫn còn là quãng đời nghề nghiệp “nhiều ý nghĩa nhất” cho tôi vì được phục vụ giáo dục tại chính đất nước mình. Trong bảy niên học ấy tôi – một giảng sư ngữ học Anh của ĐHSP – cùng các đồng nghiệp đã giúp trường đào tạo ít nhất là 250 giáo chức Anh văn trung học đệ nhất và đệ nhị cấp. Đồng thời, vì kiêm nhiệm chức vụ giám đốc Trung Tâm Thính Thị Anh Ngữ (lúc đó trực thuộc Bộ Giáo Dục để công chức sắp đi Mỹ sử dụng) tôi đã giúp Bộ soạn thảo toàn bộ học trình để nâng cơ sở giáo dục này lên cấp đại học với danh xưng mới là Trung Tâm Sinh Ngữ (được Bộ Giáo Dục chuyển giao cho Đại Học Sư Phạm Saigon năm 1971 và vẫn do tôi làm giám đốc). Cơ sở tân lập này có nhiệm vụ tổ chức các học trình chuyên giảng dạy Anh văn, Pháp văn, Nhật văn, và Hoa văn bậc đại học (2 năm), khai trương từ niên học 1972-1973, với một số nhân viên giảng huấn do các tòa đại sứ liên hệ tại Saigon cung cấp để tăng cường cho nhân viên giảng huấn cơ hữu của Trung Tâm. Kế hoạch nâng học trình Trung Tâm lên mức cử nhân (4 năm) và xây cất thêm lớp học đang tiến hành thuận lợi thì xảy ra quốc nạn 30-4-1975. Tiếc ơi là tiếc !

Nỗi nhớ nhung day dứt cái khung trời đại học cũ đã thúc đẩy tôi phải tìm cách “trở về nghề cũ” – gọi là cái “nghiệp” của tôi có lẽ đúng hơn – bằng mọi giá, mặc dù tôi biết rõ công việc dạy đại học toàn thời gian (với hy vọng sẽ có “tenure” để đựơc nhà trường giữ lại cho đến khi về hưu) thì vô cùng khó kiếm. Tìm việc dạy đại học ở Mỹ là một cuộctranh tài gắt gao giữa nhiều ứng viên, đúng như cảnh “một con cá nhảy bao người buông câu” ít hứa hẹn. Thôi thì đành nhẫn nại mà kiếm, khởi đầu bằng cách xin làm “giảng viên” (part-time lecturer) khiêm tốn ở một “community college” để lấy kinh nghiệm “từng dạy học tại Mỹ” mỗi khi phải chứng minh điều kiện ấy. 

SAN ANTONIO COLLEGE

San Antonio College là trường đại học cộng đồng lớn nhất tiểu bang Texas sở hữu một “campus” rộng mênh mông trong trung tâm thành phố San Antonio, trên đại lộ huyết mạch San Pedro Avenue. Dân chúng ở đây gọi tắt tên trường này là “SAC” (phát âm như chữ “sack”). Để thực hiện bước đầu của giấc mơ “trở lại nghề cũ” tôi nhất quyết trở thành một “part-time lecturer” trong English Department của San Antonio College gần nhà. 
Liên lạc bằng điện thoại vào văn phòng ban Anh văn của San Antonio College tôi được nói chuyện với vị trưởng ban. Tiến sĩ Roger Smith rất nhã nhặn, và sau khi biết tôi từng du học tại Mỹ và dạy Anh văn ở Đại học Saigon, ông mời tôi đến gặp ông “càng sớm càng tốt” tại campus. Tôi thực mở cờ trong bụng khi ông cho biết lục cá nguyệt mùa thu 1976 sắp tới ban Anh văn cần tuyển thêm một giảng viên buổi chiều để dạy lớp “English composition” cho các sinh viên năm thứ nhất. 

THIỆN DUYÊN VỚI GIÁO DỤC TEXAS

Buổi chiều ngày hôm sau, Tiến sĩ Roger Smith dẫn tôi đi giới thiệu với Tiến sĩ William Brown (giám đốc các lớp buổi chiều) tại văn phòng của ông Brown. Cả hai người đều rất lịch sự và hòa nhã trong buổi “job interview” cấp kỳ ấy – một điều tôi ghi nhớ mãi đến tận ngày nay. Họ xem xét vita và transcripts của tôi từ hai Đại học Miami và Georgetown, và hỏi tôi về kinh nghiệm dạy học. Rồi sau khi tôi ký tên vào đơn xin việc để hoàn tất thủ tục “tuyển dụng” làm lecturer, họ cảm ơn tôi đã “hợp tác” với SAC, và cho biết trong khoảng một tuần nữa tôi sẽ nhận được hợp đồng dạy học (teaching contract) gửi về nơi tôi cư ngụ. Tiến sĩ Smith cũng không quên tặng tôi cuốn textbook để soạn học trình (syllabus) cho lớp.

Đâu ngờ cái “thiện duyên” này đã gắn bó cả cuộc đời tỵ nạn của tôi với hệ thống giáo dục Texas. Gắn bó đó lần lượt “dẫn” tôi vào Khu Học Chánh Dallas với chức vụ “giám đốc ngôn ngữ thế giới” (director of world languages 1981-1997), vào “ban thỉnh giảng” (part-time faculty) của San Antonio College (1976-1980), Texas Woman’s University (1981-1992), University of Texas at Dallas (1993-1997), rồi cuối cùng“dẫn” tôi trở lại ngôi trường yêu mến nhất của tôi là Texas Woman’s University để dạy học toàn thời gian cho đến khi về hưu (1998-2012) với tước vị danh dự vĩnh viễn “Professor of Linguistics Emeritus.” Đây là một vinh dự rất lớn cho tôi, sau 14 năm giảng dạy ngữ học tại TWU và 6 năm làm chủ biên (series editor) cho chuyên san sư phạm “Cultural and linguistic issues in the education of English language learners” do “Federation of North Texas Area Universities” xuất bản.

ENGLISH COMPOSITION – FALL 1976 

Lục cá nguyệt mùa thu 1976 khai giảng cuối tháng 8, và sinh viên học với tôi vào các ngày thứ ba mỗi tuần, bắt đầu từ 6 giờ chiều. Tôi đã soạn một học trình kỹ lưỡng cho lớp này, nắm vững nội dung cuốn textbook, và sẵn sàng “ra quân.” Buổi học đầu tiên cho tôi thấy San Antonio là một thành phố đa chủng tộc. Trong khoảng 25 sinh viên hiện diện thì hơn nửa thuộc sắc tộc Mễ tây cơ, số còn lại là người da trắng và đôi ba người da đen. Tôi tự giới thiệu qua loa và gửi lời chào mừng họ, trước bằng tiếng Anh và sau bằng tiếng Tây ban nha. Các sinh viên gốc Mễ tây cơ rất đỗi ngạc nhiên và lộ rõ niềm hân hoan vì tôi biết tiếng nói của họ. 
Sau khi giải thích cho họ rõ mục tiêu của lớp và những trách nhiệm của họ trong khóa học, tôi chia xẻ với họ về quá trình dạy học của tôi tại Việt Nam cũng như công việc tôi đang làm ban ngày tại Lackland Air Force Base. Phần thời giờ còn lại, tôi yêu cầu mọi người viết cho tôi một trang về cuộc đời của họ, để giúp tôi “làm quen” với họ. Tiện thể, đấy cũng là phương cách thực tế nhất để tôi lượng giá khả năng viết tiếng Anh của họ. Trước khi cho lớp ra về, tôi còn nhắc nhở họ chịu khó đi học đều đặn và đọc kỹ các chương trong textbook như đã ghi trong học trình. Buổi học đầu tiên thuận buồm xuôi gió. Khi đọc các trang sinh viên viết về cuộc đời họ thì tôi thấy khả năng viết tiếng Anh của họ không đồng đều chút nào. Vài ba người viết toàn hảo, đa số viết tạm được, và số còn lại viết dở lắm. Tôi biết là tôi sẽ phải để ý đến nhóm sau cùng này rất nhiều vì họ chưa nắm vững cú pháp và còn phạm nhiều lỗi chính tả. Qua những trang họ viết, tôi được biết họ làm nhiều công việc khác nhau để mưu sinh. Họ đều hy vọng khi tốt nghiệp SAC thì nghề nghiệp họ sẽ có cơ hội thăng tiến. 
Kinh nghiệm dạy Anh văn nhiều năm của tôi tại quê nhà thực quý báu. Bao nhiêu “tuyệt chiêu” tôi đều mang ra sử dụng để giúp sinh viên SAC tránh được những lỗi lầm tối kỵ trong khi viết luận văn, như dàn bài lỏng lẻo dẫn đến sự thiếu mạch lạc (lack of cohesion), các câu văn tràng giang không chịu ngừng nghỉ (run-on sentences) vì người viết chưa thạo cách chấm câu (punctuation), các câu cụt ngủn vì thiếu chủ từ hoặc động từ (fragments), lỗi cú pháp và chính tả (syntactical and spelling errors) gây ra vì cẩu thả, vân vân. Quả thực, tôi đã dùng khá nhiều mực đỏ để chấm bài của họ. Sau khi trả lại các bài luận văn đã chấm và sửa lỗi cho họ, tôi đều có phần tóm lược các lỗi chính và nhắc nhở họ cách tránh những “cạm bẫy” (pitfalls) ấy.

LỜI TẠ LỖI MUỘN MÀNG 

Sau khi nộp bài thi cuối khóa cho tôi thì đa số sinh viên lặng lẽ ra về. Một vài người nói lời cảm ơn và khen ngợi lối dạy học vui tươi của tôi. Người cuối cùng lên nộp bài là một sinh viên Mỹ trắng đứng tuổi có khuôn mặt phong sương, luôn luôn ngồi ở một góc cuối lớp và chẳng bao giờ lên tiếng cả. Một cách chậm chạp, ông ta nói với tôi, “Giáo sư Đàm ơi, trước khi chúng ta chia tay, tôi xin ông nhận lời tạ lỗi muộn màng của tôi. Thú thực, tôi không có cảm tình với ông chút nào lúc khóa học bắt đầu vì ông là người Việt. Tôi là một cựu chiến binh Mỹ phục vụ tại Việt Nam, có bạn bè và thân nhân chết trận bên ấy. Tôi cũng lầm to khi cho rằng một người ngoại quốc như ông thì không thể nào chỉ dẫn người Mỹ chúng tôi viết luận văn bằng tiếng mẹ đẻ của chúng tôi được.” Quá ngỡ ngàng và xúc động, tôi vội đáp lời, “Ông Jones, ông không cần phải tạ lỗi với tôi đâu, tất cả chỉ là sự hiểu lầm mà thôi. Tuy nhiên, tôi rất xúc động vì những lời nói thành thực và tử tế của ông.” Chúng tôi bắt tay và chúc lành cho nhau khi giã từ. Trên đường đi bộ ra bãi đậu xe, tôi còn nghe văng vẳng bên tai những lời nói bộc trực ấy của ông Jones. Mắt tôi đã nhòa lệ lúc nào chẳng hay. 


[ĐTP 2020]

Related posts