Cú sốc mới lên Bắc Kinh: Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ có kế hoạch thăm Đài Loan
Tiếp sau chuyến thăm của Bộ trưởng Y tế Hoa Kỳ và Chủ tịch Thượng viện Séc, đây sẽ là sự đả kích mạnh mẽ đối với chính quyền Trung Quốc.
Các quan chức Đài Loan và Hoa Kỳ gần đây đã tổ chức một cuộc họp trực tuyến và Hoa Kỳ đã đề xuất một nền tảng đối thoại cấp cao mới mang tên “Đối thoại Kinh tế và Thương mại Đài Loan-Hoa Kỳ” (Economic and Commercial Dialogue). Chỉ huy thứ ba của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, thứ trưởng phụ trách tăng trưởng kinh tế, năng lượng và môi trường, Keith Krach sẵn sàng đích thân dẫn đầu một phái đoàn tới Đài Loan. Nếu điều này xảy ra, ông sẽ là quan chức cấp cao thứ hai của Hoa Kỳ thăm Đài Loan trong năm nay sau Bộ trưởng Y tế, và là cấp cao nhất có chuyến thăm Đài Loan của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.
Sau khi Bộ trưởng Bộ Kinh tế Đài Loan Vương Mỹ Hoa và Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về Châu Á và Thái Bình Dương David Stilwill có cuộc họp trực tuyến vào ngày 31/8, ông Stilwill thông báo rằng hai bên sẽ tổ chức “Đối thoại Kinh tế và Kinh doanh Đài Loan-Hoa Kỳ”, do ông Keith Krach chủ trì. Đây là cấp độ ngoại giao cao nhất trong lịch sử đối thoại kinh tế và thương mại Đài Loan – Hoa Kỳ.
Thời báo Liberty Times đưa tin vào ngày 2/9 rằng Bộ Ngoại giao Đài Loan đang thảo luận về các chi tiết của cuộc đối thoại với Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Được biết ông Krach dự định đích thân dẫn đầu một phái đoàn đến Đài Loan, hai ben hiện đang lên kế hoạch cho chuyến thăm này và tiến độ tổng thể là khá nhanh. Nếu việc thu xếp suôn sẻ, một cuộc họp có thể được tổ chức trong tháng này.
Bộ trưởng Y tế Hoa Kỳ Alex Azar đã đến thăm Đài Loan vào tháng trước, đây là quan chức cấp cao nhất của Hoa Kỳ đã đến thăm Đài Loan kể từ khi quan hệ ngoại giao giữa Đài Loan và Hoa Kỳ chấm dứt vào năm 1979.
Khi Bộ trưởng Bộ Kinh tế Đài Loan Vương Mỹ Hoa tham dự cuộc họp báo về ngành công nghiệp bán dẫn và điện tử của Đài Loan vào ngày 2/9, bà đã xác nhận với phóng viên rằng cuộc đối thoại sẽ được tổ chức nhanh hơn thỏa thuận thương mại Đài Loan-Hoa Kỳ. Giới quan sát cho rằng các chiến lược song phương và tái cấu trúc chuỗi cung ứng ở Hoa Kỳ sẽ là những vẫn đề trao đổi chuyên sâu. Chất bán dẫn, 5G… chắc chắn cũng sẽ là một trong những chủ đề trong cuộc đối thoại.
Điều này nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ coi Đài Loan là một đối tác chiến lược quan trọng và tăng tốc hợp tác với Đài Loan trên các khía cạnh kinh tế, công nghệ và địa chính trị để củng cố quan hệ đồng minh, đồng thời cũng gửi một tín hiệu rõ ràng tới Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Đáng chú ý, trước đó, nhân vật cấp cao thứ hai của Cộng hòa Séc, Chủ tịch Thượng viện Miloš Vystrčil đã dẫn đầu đoàn đại biểu thăm Đài Loan. Tại đây, hai nước Đài Loan và Cộng hòa Séc cũng đã ký ba bản ghi nhớ hợp tác kinh tế (MOU).
Đài Loan thông báo rằng Viện Hoa Kỳ tại Đài Loan và Bộ Ngoại giao, Bộ Kinh tế Đài Loan, Văn phòng Kinh tế và Thương mại châu Âu, Nhật Bản, Hiệp hội Trao đổi Đài Loan và Hội đồng Phát triển Ngoại thương Đài Loan, ngày 4/9 sẽ đồng tổ chức diễn đàn “Tái cấu trúc chuỗi cung ứng thúc đẩy khả năng phục hồi giữa các đối tác có cùng ý tưởng”.
Theo phân tích của giới quan sát, châu Âu và Nhật Bản đã tham gia cùng Hoa Kỳ và Cộng hòa Séc để hợp tác sâu sắc hơn với Đài Loan, dự kiến việc tách thế giới khỏi Trung Quốc sẽ được đẩy mạnh.
Giải Ngoại hạng Anh cắt hợp đồng phát sóng tại Trung Quốc, có hiệu lực ngay lập tức
Premier League cho rằng đối tác Trung Quốc đã vi phạm hợp đồng.
Giải bóng đá ngoại hạng Anh Premier League đã thông báo vào thứ Năm (3/9) rằng sẽ chấm dứt hợp đồng 490 triệu bảng với nhà cung cấp dịch vụ phát trực tuyến PPTV của Trung Quốc, việc chấm dứt này có hiệu lực ngay lập tức.
Giải bóng đá cấp quốc gia được cho là hấp dẫn nhất hành tinh cho biết trong một thông báo đưa ra hôm thứ Năm (3/9): “Premier League xác nhận đã chấm dứt hợp đồng cấp phép phát sóng trực tiếp giải đấu tại Trung Quốc vào ngày hôm nay (3/9). Giải Ngoại hạng Anh sẽ không đưa ra thêm bình luận về vấn đề này trong giai đoạn hiên tại”, Epochtimes dẫn tin cho hay.
Truyền thông Anh đưa tin, tháng trước, Premier League cáo buộc PPTV phải trả khoảng 160 triệu bảng phí phát sóng cho giải đấu, nhưng khoản tiền này đã bị khất nợ trong sáu tháng. Premier League cho rằng đối tác đã vi phạm hợp đồng. Sau nhiều vòng đàm phán, họ đã quyết định chấm dứt hợp đồng, bao gồm cả hợp đồng ba năm tiếp theo đến 2025.
PPTV đã mua bản quyền phát sóng độc quyền của Premier League ở Trung Quốc Đại lục và Ma Cao từ năm 2019 đến năm 2022 với giá 564 triệu bảng Anh vào năm 2016. Có thông tin cho rằng, giao dịch trên là hợp đồng phát sóng ở nước ngoài lớn nhất của Premier League.
PPTV thuộc sở hữu của nhà bán lẻ Trung Quốc Suning, cũng là đơn vị sở hữu đội bóng Serie A là Inter Milan. Premier League đã trở nên rất phổ biến ở Trung Quốc đại lục trong những năm gần đây và Trung Quốc trở thành khu vực có doanh thu phát sóng ở nước ngoài cao nhất của giải đấu này.
Năm 2016, PPTV đã thắng kênh Super Sports để giành quyền sở hữu bản quyền truyền hình Ngoại hạng Anh trên lãnh thổ Trung Quốc trong 3 mùa từ năm 2019 đến 2022. Tuy nhiên, sau khi đại dịch viêm phổi Vũ Hán (Covid-19) bùng phát, công ty nói rằng cuộc khủng hoảng tài chính đã khiến họ phải hoãn khoản thanh toán vào đầu năm nay.
Tờ Independent của Anh đưa tin, một số người tin rằng việc phía Trung Quốc không thanh toán có thể là do căng thẳng leo thang trong quan hệ Trung-Anh. Chính quyền Trung Quốc đã bị cáo buộc che giấu dịch bệnh và ép buộc thực thi “Luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông” lên Hương Cảng, khiến chính quyền Trung Quốc ngày càng xấu hổ trong cộng đồng quốc tế.
Chính phủ của Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 14/7 chính thức thông báo sẽ cấm hoàn toàn Huawei tham gia vào các dự án 5G của nước này. Trước đó, ông nói rằng nếu “Luật An ninh Quốc gia” trở thành hiện thực, Anh sẽ khởi động một chương trình nhập cư “thiết kế riêng” cho người dân Hồng Kông.
Trung Quốc nhắm mục tiêu vượt Mỹ về năng lượng hạt nhân vào năm 2030
Theo Hiệp hội hạt nhân thế giới, tổng công suất điện hạt nhân của Trung Quốc, gồm cả các lò phản ứng đang xây dựng và trong kế hoạch đã lên đến 108.700 megawatt vào tháng Tư, vượt trên mức 105.120 của Mỹ.
Xu hướng này đang phản ánh những cách tiếp cận khác nhau đối với năng lượng hạt nhân sau sự cố Fukushima ở Nhật Bản vào tháng 3/2011, theo tờ Nikkei.
Trong khi Mỹ, châu Âu và Nhật lo ngại về các rủi ro và phản ứng của công chúng, thì nhiều quốc gia khác đã trở nên nhạy bén hơn: Indonesia và Philippines đã bày tỏ mối quan tâm đến những kế hoạch về lò phản ứng, khiến vai trò cung ứng của Trung Quốc và Nga đã trở nên nổi bật.
Ông Hideo Nakasugi, chuyên gia cao cấp tại Diễn đàn Công nghiệp Nguyên tử Nhật Bản, cho biết Trung Quốc đưa nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của họ hoà lưới điện chỉ khoảng ba thập kỷ trước, nhưng “về trình độ công nghệ, họ đã đuổi kịp trình độ tiên tiến nhất thế giới.”
Mỹ vẫn dẫn đầu về công suất hoạt động với khoảng 98.000 MW, Pháp theo sau với 62.000 MW, Trung Quốc đứng thứ ba với 45.000 MW. Nhưng trong khi Mỹ đang dừng hoạt động nhiều lò phản ứng và chỉ có vài lò mới được chuẩn bị để thay thế, thì Trung Quốc đang xây 11 lò phản ứng mới cùng 40 lò trong giai đoạn lên kế hoạch.
Tổng công ty Hạt nhân Quốc gia thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc hồi đầu tháng Tám đã bắt đầu truyền tải điện từ lò phản ứng số 5 tại nhà máy Tianwan thuộc tỉnh Giang Tô vào vận hành, cũng là lò phản ứng thứ 48 của đất nước. Năm 2019, Trung Quốc đưa 3 lò phản ứng mới hoà lưới điện trong khi Mỹ đóng cửa vĩnh viễn một lò tại đảo Three Mile ở bang Pennsylvania vào tháng 9 năm ngoái.
Các lò phản ứng nói chung mất khoảng 5 năm từ khi bắt đầu tới lúc hoàn thành, có nghĩa là Trung Quốc có thể dẫn đầu về năng lực hoạt động trong khoảng một thập kỷ tới.
Nhật Bản đã áp đặt các quy định chặt chẽ đối với các nhà máy điện hạt nhân sau thảm họa Fukushima và tiến tới dỡ bỏ các nhà máy cũ. Trong số hơn 50 nhà máy hoạt động trước tai nạn năm 2011, 24 đang chờ tháo dỡ. Một số nhà máy với năng lực mới vẫn duy trì nhưng không được thúc đẩy thêm.
Ngược lại, từ sau thảm hoạ, Trung Quốc đã khởi động khoảng 30 lò phản ứng mới. Nga và Ấn Độ dự định tăng gấp đôi công suất của họ. Ba nước này đang phát triển công nghệ hạt nhân thế hệ tiếp theo và có rất nhiều các lò phản ứng nghiên cứu và các lò thử nghiệm đang phát triển.
Song song với gấp rút tăng cường xây dựng trong nước, Bắc Kinh được cho là cũng đang tiếp thị thiết bị điện hạt nhân cho các nước đang phát triển. Bốn lò phản ứng do Trung Quốc xây dựng đang hoạt động ở Pakistan, và khoảng 10 lò khác được lên kế hoạch ở Thổ Nhĩ Kỳ và các nơi khác.
Nhật Bản đã cố gắng xuất khẩu thiết bị điện hạt nhân sang Anh và Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng các yếu tố như chi phí xây dựng tăng cao khiến dự án phải dừng lại. Từ năm 2010, hơn 70% tổng số lò phản ứng mới được hoà vào lưới điện khắp thế giới do Trung Quốc hoặc Nga xây dựng.
Chuyên gia cao cấp tại Viện Nghiên cứu Nhật Bản và là chuyên gia về chính sách năng lượng, ông Shinichiro Takiguchi cho biết: “Nếu Trung Quốc và Nga xây dựng công nghệ mới của họ trong khi việc xây dựng mới của Nhật, Mỹ và châu Âu bị chậm lại, nguy cơ phụ thuộc vào hai nước đó trên bình diện quốc tế là rất cao. Điều này khiến họ có ảnh hưởng nhiều hơn đối với các nước đang phát triển.”
Sự trỗi dậy của Bắc Kinh và Moscow trở thành các nhà cung cấp lò phản ứng hạt nhân cũng làm dấy lên lo ngại về phổ biến vũ khí hạt nhân.
“Trung Quốc và Nga có những điều kiện nới lỏng hơn các nước như Nhật và Mỹ khi yêu cầu người mua phải có các biện pháp bảo vệ để ngăn chặn năng lượng hạt nhân xuất khẩu bị chuyển sang sử dụng trong các loại vũ khí,” ông Hirofumi Tosaki, nghiên cứu viên cao cấp tại Học viện Các vấn đề quốc tế của Nhật Bản nói.
Maria Korsnick, Chủ tịch và Giám đốc điều hành của Viện Năng lượng Hạt nhân Mỹ tuần trước cho biết “các nỗ lực thúc đẩy năng lượng hạt nhân trên bình diện quốc tế của Trung Quốc và Nga là phần cốt lõi trong chính sách đối ngoại của họ,” đồng thời cho rằng “Mỹ đã bị rớt lại phía sau.”
Để tạo điều kiện cho các công ty Mỹ trong cuộc đua hạt nhân, hồi tháng Bảy Thượng viện Mỹ đã thông qua Đạo luật Hướng dẫn Năng lượng Hạt nhân để thúc đẩy sự đổi mới trong lĩnh vực này và Tập đoàn Phát triển Tài chính Quốc tế do nhà nước điều hành đã gỡ bỏ lệnh cấm tài trợ các dự án hạt nhân.
TQ: Bệnh thối gốc và thân bùng phát trên 12 triệu mẫu lúa mì
Trong lúc Trung Quốc có khả năng xảy ra khủng hoảng lương thực do thiên tai dịch bệnh, hiện tại, bệnh thối gốc và thân lúa mì lại bùng phát trên khu vực tỉnh Sơn Đông, với diện tích thiệt hại đã lên đến hơn 12 triệu mẫu.
Ngày 2/9, trang Sina và The Paper đưa tin, giới chức chính phủ Trung Quốc mới đây đã ban hành “Thông báo về việc tăng cường kiểm soát bệnh thối gốc và thân lúa mì”, xác nhận sự lây lan nhanh chóng của “bệnh thối gốc và thân lúa mì” ở nước này. Trước mắt, diện tích cây bệnh ở Sơn Đông đã vượt quá 12 triệu mẫu, lan rộng khắp 15 thành phố và 123 huyện, với tỷ lệ bông trắng cao từ 30% đến 50%, trở thành dịch bệnh chính trên lúa mì ở tỉnh Sơn Đông, đe dọa nghiêm trọng đến an ninh lương thực.
Bệnh thối gốc và thân lúa mì chủ yếu do nhiễm nấm Fusarium graminearum và Fusarium pseudograminearum. Một khi bị nhiễm bệnh, sức đẻ nhánh giảm, cây lùn, ốm yếu, số hạt và khối lượng hạt trên cây giảm, giai đoạn sau dễ hình thành bệnh héo rũ, trắng bông, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản lượng.
Theo Sở Nông nghiệp và Nông thôn tỉnh Sơn Đông, nguyên nhân gây nên tình trạng nghiêm trọng này là do biến đổi khí hậu, phương pháp và hệ thống trồng trọt, canh tác có sự thay đổi…
Tin tức được lan truyền làm nóng lên dư luận Trung Quốc, nhiều người dân đã để lại lời bình: “Dịch lợn rồi thì không có thịt lợn, giờ lại không có bột mì!” “Thương cho dân, tiếp đây rồi không biết sẽ ăn gì?” “ĐCSTQ thực sự đã đến đường cùng rồi. Trời cũng không muốn nhìn nữa.”
Tại Trung Quốc, từ đầu năm đến nay, ngoài dịch viêm phổi Vũ Hán, còn có dịch hạch, châu chấu, lũ lụt, hạn hán, mưa tuyết, mưa đá, sâu keo và nhiều thảm họa khác, đã gây thiệt hại nặng nề cho các vùng sản xuất lương thực chính và khiến Trung Quốc phải đối mặt với khủng hoảng lương thực nghiêm trọng. Thậm chí, ông Tập Cận Bình còn nhấn mạnh trong cuộc họp Bộ Chính trị, cần phải “thúc đẩy mạnh mẽ việc sử dụng tập trung, tiết kiệm tài nguyên nước sông Hoàng Hà và coi tài nguyên nước là ràng buộc cứng rắn nhất.”
Đồng thời, chính phủ Trung Quốc cũng đã nhập khẩu một lượng lớn lương thực. Ngày 26/7, Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố số liệu cho biết, nước này đã nhập khẩu 10,51 triệu tấn đậu nành từ Brazil trong tháng Sáu, tăng 18,6% so với tháng Năm và tăng 91% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngoài ra, kể từ tháng Bảy, Trung Quốc đột ngột tăng nhập khẩu đậu tương và ngô của Mỹ. Theo dữ liệu từ Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, kết thúc tuần vào ngày 17/6, Trung Quốc lập kỷ lục nhập khẩu ngô từ Mỹ, đồng thời nhập khẩu đậu tương Mỹ của Trung Quốc cũng đã lập kỷ lục kể từ tháng 3/2019.
Đặc nhiệm Ấn Độ tử vong gần biên giới Trung Quốc
Binh sĩ đặc nhiệm Tenzin Nyima đã tử vong trong khi một người khác bị thương nặng do trúng mìn bên bờ hồ Pangong Tso, gần biên giới với Trung Quốc, ba quan chức Ấn Độ và hai thân nhân của đặc nhiệm này ngày 2/9 nói với Reuters.
Ông Nyima, 53 tuổi, thuộc biên chế Lực lượng Đặc nhiệm Tiền phương (SFF). Lực lượng của SFF chủ yếu được tuyển mộ từ cộng đồng hàng trăm nghìn người Tây Tạng đang định cư tại Ấn Độ, số còn lại là công dân Ấn Độ.
Hai thân nhân và hai hàng xóm của Nyima kể rằng một quan chức chính phủ Ấn Độ khi đưa quan tài phủ quốc kỳ của ông Nyima về làng đã tuyên bố rằng đặc nhiệm này “hy sinh khi bảo vệ Ấn Độ”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Xuân Oánh hôm 2/9 tuyên bố bà không biết liệu người Tây Tạng có “chiến đấu cho Ấn Độ” hay không. Tuy nhiên, bà nói rằng Trung Quốc kiên quyết phản đối việc bất cứ nước nào, trong đó có Ấn Độ, ủng hộ các hoạt động “ly khai” của các thế lực đòi độc lập cho Tây Tạng.
Bắc Kinh đe dọa trả đũa nhân viên ngoại giao Mỹ
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh hôm nay đe dọa nước này sẽ có những phản ứng thích đáng, tùy theo tình hình, để đáp trả các hạn chế mới của Mỹ với nhân viên ngoại giao Trung Quốc, theo Reuters.
Trước đó, Washington hôm 2/9 thông báo, các quan chức ngoại giao cấp cao của Trung Quốc sẽ phải xin phép Bộ Ngoại giao Mỹ trước khi tới thăm các trường đại học ở Mỹ. Ngoài ra, các sự kiện văn hóa được tổ chức bên ngoài trụ sở cơ quan đại diện của Bắc Kinh ở Mỹ với hơn 50 người tham dự cũng phải chờ cấp phép từ Bộ Ngoại giao.
Ông Biden gây quỹ tranh cử cao kỷ lục
AFP đưa tin, chiến dịch tranh cử của ông Joe Biden hôm 2/9 cho biết ông cùng Ủy ban Toàn quốc đảng Dân chủ đã thu được 364,5 triệu USD, khoản tiền gây quỹ tranh cử hàng tháng cao kỷ lục.
“Con số ấy khiến tôi kinh ngạc”, ông Biden nói. “Hơn 205 triệu USD, hay 57% số tiền chúng tôi huy động được, đến từ các khoản quyên góp trực tuyến, từ những người quyên góp từng 5 USD, 10 USD, 20 USD”.
“Chúng ta phải giữ được những kỷ lục như vậy nếu muốn đảm bảo cơ hội chiến thắng”, ông Biden kêu gọi những người ủng hộ.
Bão Maysak gây lụt lớn ở Triều Tiên
KCNA hôm nay đưa tin, bão Maysak gây mưa xối xả ở các vùng phía đông Triều Tiên, gây lũ lụt nặng nề ở thành phố ven biển Wonsan và người dân gần núi Kumgang phải sơ tán đến các khu vực an toàn hơn.
“Tính đến 10 giờ sáng nay, bão số 9 (bão Maysak) đã tiến vào vùng biển cách thành phố Kimchaek khoảng 90 km về phía nam. Toàn bộ khu vực phía đông của đất nước đã chịu ảnh hưởng của bão … Cơn bão đã đổ bộ gần thành phố Kimchaek sau 11 giờ sáng”, đài KCNA đưa tin.
Đến trưa, đài này cho hay cơn bão đã suy yếu do áp suất thấp và dự báo bão sẽ suy yếu trên cả nước vào buổi chiều.
Mỹ cấm vận Huawei, cả Thâm Quyến và Trung Quốc đang gặp khó
Các nhà phân tích đánh giá rằng các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhắm vào Huawei là một đòn giáng mạnh vào không chỉ công ty bị cáo buộc làm gián điệp cho Bắc Kinh mà còn với cả nền kinh tế của thành phố Thâm Quyến, nơi công ty này đặt đại bản doanh, và thậm chí với cả nền kinh tế Trung Quốc.
Khi Hoa Kỳ sử dụng các biện pháp cứng rắn với chính quyền Trung Quốc, khả năng tiếp cận dễ dàng của Thâm Quyến với nguồn vốn, công nghệ và thị trường nước ngoài đang sụp đổ.
Đối với Huawei, cơ hội phát triển của công ty này đang cạn kiệt khi Washington liên tục ngăn chặn sự tham gia của nó vào mạng 5G trên toàn cầu. Đồng thời hạn chế Huawei mua các linh kiện công nghệ quan trọng của Mỹ.
Lệnh trừng phạt mới của chính phủ Mỹ đối với Huawei và các chi nhánh của công ty này là rất chặt chẽ. Cụ thể, Huawei bị cấm mua chất bán dẫn được sản xuất bằng thiết bị hoặc phần mềm của Mỹ từ tháng Chín, một quy định mà một số nhà phân tích coi là bản án tử hình đối với tập đoàn công nghệ hàng đầu Trung Quốc.
Sự suy thoái hoặc sụp đổ hoàn toàn trong hoạt động kinh doanh của Huawei sẽ không chỉ giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế Thâm Quyến, mà còn làm suy giảm niềm tin rộng rãi vào sức mạnh kinh tế và công nghệ của Trung Quốc. Điều mà Bắc Kinh đang cố gắng nêu bật trong lễ kỷ niệm 40 năm thành lập thành phố Thâm Quyến.
Liu Kaiming, Giám đốc Viện Quan sát Đương đại ở Thâm Quyến, chuyên theo dõi tình trạng của các nhà sản xuất Trung Quốc, cho biết, các lệnh trừng phạt làm suy yếu Huawei sẽ gây ra một hiệu ứng đáng sợ cho toàn bộ chuỗi cung ứng điện tử của Trung Quốc.
Ông Liu nói: “Không có công ty nào khác ở Trung Quốc có thể thay thế Huawei để dẫn đầu ngành công nghệ và [hoạt động] toàn cầu hóa của đất nước. Nếu Huawei còn không thể chịu được các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ, thì ai có thể?”.
Quy mô kinh tế của Thâm Quyến năm ngoái đã vượt qua Hồng Kông, việc Huawei gặp khó sẽ mang tới hậu quả rất nặng nề, vì công ty này được xem là một trong những viên ngọc sáng nhất trên vương miện của trung tâm công nghệ Trung Quốc.
Huawei là doanh nghiệp đóng góp lớn nhất vào tổng sản phẩm quốc nội của Thâm Quyến năm 2016. Theo dữ liệu mới nhất từ văn phòng thống kê của Thâm Quyến, Huawei đóng góp khoảng 7% GDP của thành phố.
Vào năm đó, Huawei là công ty duy nhất đóng góp hơn 100 tỷ nhân dân tệ (14,4 tỷ USD) cho nền kinh tế địa phương. Đó là chưa kể đến những đóng góp gián tiếp của công ty này.
Theo một nghiên cứu được xuất bản bởi Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Đổi mới của Thâm Quyến, Huawei đã đầu tư vào nghiên cứu và phát triển tại thành phố trong giai đoạn 2014-2016 nhiều hơn so với bất kỳ công ty nào khác của Thâm Quyến.
Vai trò quan trọng của công ty đối với thành phố cũng được đặc biệt chú ý vào năm 2018, khi Huawei quyết định xây dựng một cơ sở hoạt động mới ở thành phố Đông Quan lân cận.
Peng Peng, Phó chủ tịch Hiệp hội Nghiên cứu Cải cách Hệ thống Quảng Đông cho biết, các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Huawei sẽ được áp dụng trên toàn Hoa Kỳ, báo hiệu rằng các doanh nghiệp Trung Quốc trên toàn cầu không còn được chào đón như trước.
“Vẫn khó dự đoán mức độ ảnh hưởng. Nhưng thị trường toàn cầu đã có thái độ khác so với trước đây đối với sản xuất của Trung Quốc và sự trỗi dậy của Trung Quốc”, ông Peng Peng nói.
Ông Liu, một nhà nghiên cứu ở Thâm Quyến, đồng ý rằng những rắc rối của Huawei sẽ có tác động trên phạm vi rộng trên khắp cả Trung Quốc, báo hiệu sự kết thúc của kỷ nguyên các công ty Trung Quốc được thừa nhận là nhân tố quan trọng trong chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu.
“Logic của sự hợp tác như vậy đã bị gián đoạn và quá trình phân tách đã bắt đầu. Ông dự đoán một số công ty Trung Quốc có vốn đầu tư nước ngoài, bao gồm nhiều công ty đặt tại Thâm Quyến sẽ thu xếp rời đi”, ông Liu đánh giá.
Ông cho biết thêm: “Các công ty điện tử có vốn đầu tư nước ngoài thực sự là nhân tố cao cấp của ngành sản xuất điện tử xuất khẩu của Trung Quốc. Việc di dời của họ sẽ không có lợi cho sự đổi mới công nghệ của Trung Quốc”.
Đầu tháng này, công ty Catcher Technology của Đài Loan, nhà cung cấp thiết bị cho Apple, thông báo sẽ bán toàn bộ cổ phần trong hai công ty Trung Quốc cho Lens Technology với giá 1,43 tỷ USD tiền mặt.
Vào tháng Bảy, một nhà cung cấp khác của Apple có trụ sở tại Đài Loan là Wistron, cho biết họ sẽ bán hai công ty con ở Trung Quốc cho công ty đại lục Luxshare Group.
“Cũng giống như đầu những năm 2000, khi doanh nghiệp Mỹ yêu cầu các nhà cung cấp Đài Loan và Hàn Quốc chuyển sang Trung Quốc, thì giờ đây chính những doanh nghiệp Mỹ đang yêu cầu họ chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam, Ấn Độ và Đài Loan”, ông Liu nói.
Pompeo: Ông Tập đã lựa chọn, Mỹ sắp có hành động cứng rắn ở cấp độ cao hơn
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết trong một cuộc phỏng vấn hôm thứ Ba (01/09) với kênh Fox Business Network rằng Hoa Kỳ sẽ đưa ra một loạt chính sách lớn nhắm vào Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trong thời gian tới, vì trong mối quan hệ Mỹ – Trung, “Tổng Bí thư Tập Cận Bình đã có sự lựa chọn”.
Hôm thứ Ba, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã tiếp nhận phỏng vấn cùng chương trình “Lou Dobbs Tonight” của Fox Business Network, lần nữa tập trung vào các chủ đề như việc ĐCSTQ đánh cắp công nghệ, lãnh sự quán Trung Quốc là ổ gián điệp và liệu có nên hạn chế sinh viên Trung Quốc hay không.
Vào đầu tháng 8 năm nay, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nói rằng Hoa Kỳ và Trung Quốc đã bước vào giai đoạn “Chiến tranh Lạnh mới”.
Người dẫn chương trình đặt câu hỏi, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc nói rằng giữa hai nước đang bước vào Chiến tranh Lạnh, điều này đã xác định chưa?
Ông Mike Pompeo nói: “Đúng vậy, dùng Chiến tranh Lạnh để ví von mối quan hệ giữa hai nước thật sự có những chỗ không tương đồng. Nhưng thực tế là ĐCSTQ dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Tập Cận Bình thực sự đã đưa ra lựa chọn”.
“Ông ấy (Tập Cận Bình) đã biểu đạt thái độ rõ ràng về mọi mặt, cho dù đó là mở rộng sức mạnh quân sự, nỗ lực ngoại giao, mưu đồ thông qua dự án ‘Một vành đai, một con đường’ thiết lập các nước chư hầu… ĐCSTQ là chế độ độc tài đang tranh giành quyền bá chủ trên toàn thế giới, mang đến nhiều thách thức khác nhau”.
“ĐCSTQ thành lập Mặt trận Thống nhất ở xã hội quốc tế – vì vậy chúng tôi buộc phải đóng cửa lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston, Texas, vì ở đó có các hành động gián điệp phá hoại, nó thực sự là một ổ gián điệp”, ông nói.
Ngoại trưởng Mike Pompeo nói về những điểm tương đồng giữa mối quan hệ hiện tại của hai nước và Chiến tranh Lạnh. Ông nói, “Sự khác biệt so với Chiến tranh Lạnh là chúng tôi đang đối mặt với thách thức của một quốc gia có dân số 1,4 tỷ người đang bị ĐCSTQ trói buộc. Tăng trưởng GDP trung bình hàng năm của quốc gia này khoảng 6%, khiến Hoa Kỳ mất hàng triệu việc làm. Chúng tôi sẽ phải đối đầu với nó (ĐCSTQ), và Tổng thống Trump sẽ lần lượt chống lại tất cả các phương diện này”.
Ông cũng nói, “Tôi nghĩ mọi người đã thấy những lời lẽ ngày càng gay gắt của ĐCSTQ, bởi vì họ đã cảm nhận được áp lực của chính phủ kỳ này đối với họ”.
Ông Pompeo tiết lộ rằng trong vài ngày và vài tuần tới, mọi người sẽ thấy chính quyền Tổng thống Trump có những hành động cứng rắn ở cấp độ lớn hơn, bao gồm việc hạn chế sinh viên Trung Quốc đến Mỹ du học. “Mọi người sẽ thấy rằng Hoa Kỳ đang ứng phó vấn đề này một cách rất nghiêm túc, và hết thảy những gì chúng tôi đã làm sẽ mang lại lợi ích cho nền kinh tế Mỹ”.
Ông cũng nói rằng ĐCSTQ từ chối hành sự như một quốc gia bình thường và từ chối cạnh tranh theo phương thức kinh doanh chính thường. Hoa Kỳ đã nhẫn nhịn điều này trong nhiều thập kỷ. Ông nói thêm: “Chúng tôi đã làm rõ vấn đề sở tại một cách đầy đủ, và bây giờ là lúc chúng tôi bắt tay thực hiện các chiến lược liên quan của Tổng thống”.
Khi được hỏi liệu sẽ có lệnh cấm hoàn toàn đối với sinh viên Trung Quốc nhập cảnh vào Hoa Kỳ hay không, ông Pompeo trả lời rằng về vấn đề này ông không biết cuối cùng Tổng thống sẽ đưa ra quyết định thế nào. “Không phải tất cả họ (sinh viên Trung Quốc) đều là gián điệp, nhưng nhiều người trong số họ đang chịu sự theo dõi của ĐCSTQ, các thành viên trong gia đình họ đang bị ĐCSTQ giám sát sau khi họ trở về. Tất cả đều do chính phủ Trung Quốc làm ra, mục đích để đảm bảo người dân ở ngoài trước sau đều sẽ bán mạng cho họ”.
Đức xác nhận Navalny bị đầu độc bằng Novitchok , Berlin gây áp lực với Moscow
Lãnh tụ đối lập Nga Alexei Navalny, đang được chăm sóc trong một bệnh viện ở Berlin, bị đầu độc bằng hóa chất phá hoại não bộ thuộc loại “Novitchok”. Trên đây là tuyên bố của thủ tướng Đức Angela Merkel thứ Tư (02/09/2020).
Chất độc thần kinh này đã từng được sử dụng vào năm 2018 trên lãnh thổ Anh Quốc trong vụ mưu sát cựu điệp viên Nga Sergei Skripal. Theo thủ tướng Đức, sự kiện các kết quả phân tích, xét nghiệm tìm thấy chất độc cực mạnh này đặt ra nhiều câu hỏi nghiêm trọng mà chỉ có chính phủ Nga mới có thể trả lời và phải trả lời. Trong khi các nước Tây phương yêu cầu Matxcơva phải nói sự thật, chính phủ Nga nói là đang chờ Đức trưng bằng chứng.
Từ Mcoscow, thông tín viên Étienne Bouche tường thuật:
“Vào thời điểm này, Moscow chưa có thể trả lời Berlin. Đó là lời giải thích của phát ngôn viên điện Kremlin, Dmitri Peskov chiều ngày thứ Tư.
Về mặt chính thức, Moscow cho biết đã yêu cầu được tiếp cận các dữ kiện, các thông tin y tế của phía Đức nhưng cho đến nay, vẫn chưa được đáp ứng. Kremlin cũng cam kết sẵn sàng hợp tác toàn diện với Đức. Thế nhưng, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Nga, Maria Zarkharova, bác bỏ thẳng thừng các tuyên bố của Berlin và gọi các tuyên bố của Đức là “ngoại giao loa phóng thanh”.
Cho đến nay, để biện minh cho thái độ dè dặt của mình, Moscowcho là thiếu bằng chứng đầu độc. Các bác sĩ Nga chăm sóc cho Alexei Navalny ở Siberi cũng loại trừ giả thuyết này .
Còn đối với những người thân cận của nhà đối lập, ông bị đầu độc là điều chắc chắn. Ivan Jordanov, một trong những cộng sự thân tín nhất của Alexei Navalny, xác quyết : tìm thấy hóa chất loại Novitchok quy kết trực tiếp trách nhiệm của Nhà nước Nga trong vụ đầu độc này” .
Tiếp theo tuyên bố của Berlin, nhiều thủ đô Tây phương đồng loạt lên án chính quyền Nga. Liên Hiệp Châu Âu lên án « một hành động hèn nhát », Roma, Luân Đôn yêu cầu Matxcơva phải nói sự thật. Washington, Ottawa lên án và kêu gọi Nga giải thích.
Tại Đức, nhiều lãnh đạo chính trị và ngoại giao kêu gọi Châu Âu phản ứng mạnh kể cả sử dụng « vũ khí kinh tế và khí đốt » theo nghĩa đình chỉ dự án ống dẫn khí Bắc hải lưu số 2.