Tâm Tuệ
Từ khi ông Kim Jong Un trở thành lãnh đạo tối cao của Triều Tiên vào năm 2011 và ông Tập Cận Bình nhậm chức Chủ tịch nước Trung Quốc vào năm 2012, mối quan hệ ngoại giao giữa 2 quốc gia này đã trở nên nguội lạnh, thậm chí rơi vào xích mích. Nhưng những chuyến thăm Bắc Kinh theo kiểu “đánh nhanh, rút nhanh” vừa qua của lãnh đạo họ Kim đã hàn gắn rất nhiều mối quan hệ “truyền thống lâu đời” này.
Các đời Chủ tịch nước Trung Quốc gần đây như các ông Hồ Cẩm Đào và Tập Cận Bình đều không mặn mà gì lắm với việc công du đến Triều Tiên.
Điều này hoàn toàn trái ngược với thời ông Giang Trạch Dân còn tại vị. Khi đó, ông Giang đã thường xuyên qua lại với các lãnh đạo Triều Tiên, tạo nên các mối quan hệ bền chặt nhưng bí hiểm với quốc gia kỳ dị này.
Giang Trạch Dân và Kim Jong-il: Bạo chúa kết bạn với độc tài
Ngày 5/10/2015, tờ Tân Kinh đăng bài có tiêu đề “Trong 25 năm có 17 quan chức lãnh đạo Trung Quốc đến thăm Triều Tiên”, trong đó đặc biệt nhắc đến việc cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân lần đầu tiên đi công du nước ngoài đã lựa chọn Triều Tiên làm điểm đến.
Tờ báo cho biết vào tháng 3/1990, ông Giang Trạch Dân đã đến thăm Triều Tiên. Đây cũng là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của ông Giang trên cương vị Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Trong chuyến thăm, ông Giang nói với ông Kim Il-sung (Kim Nhật Thành), lãnh đạo Triều Tiên lúc đó, rằng bất chấp cục diện quốc tế có biến đổi thế nào, ông Giang nhất định vẫn sẽ ủng hộ Triều Tiên.
Đến tháng 9/2001, ông Giang Trạch Dân lại một lần nữa đến thăm Triều Tiên. Lần này, cùng với Kim Jong-il, ông Giang đã đến thăm Cung kỷ niệm Kumsusan (còn được gọi là Lăng mộ Kim Nhật Thành) và “chiêm ngưỡng di dung của Kim Il-sung”.
Trong thời gian cầm quyền, ông Hồ Cẩm Đào chỉ đến thăm Triều Tiên một lần vào năm 2005. Còn ông Tập Cận Bình chỉ đến thăm Triều Tiên vào năm 2008, khi còn là Phó Chủ tịch nước.
Như vậy, ông Giang là người thân thiết với Bình Nhưỡng nhất trong số các lãnh đạo còn tại thế, với thời gian viếng thăm 2 lần trong khi cầm quyền.
Ngoài việc trực tiếp gặp gỡ ông Kim Il-sung, ông Giang Trạch Dân còn để lại một ấn tượng với ông Kim Jong-il, mà hai ông Hồ Cẩm Đào và ông Tập Cận Bình không thể nào so bì được.
Đó là vào tháng 4/2004, sau khi ông Giang Trạch Dân “giao gậy chỉ huy mà không giao quân quyền” cho ông Hồ Cẩm Đào, vẫn còn giữ thân phận Chủ tịch Quân ủy Trung ương, ông Giang Trạch Dân đã tiếp ông Kim Jong-il tại Bắc Kinh.
Một ngày sau đó, giới báo chí đăng một bài viết với tiêu đề “Thất lễ trong lễ nghi ngoại giao”, trong đó đăng một bức ảnh chụp cảnh ông Giang Trạch Dân và ông Kim Jong-il “kề cổ bá vai, ôm nhau môi gần chạm môi”.
Theo giới truyền thông, vào năm 2005, khi ông Hồ Cẩm Đào đến thăm Triều Tiên, ông Kim Jong-il cũng ôm nhưng không thân mật đến mức độ như đối với ông Giang Trạch Dân.
Còn khi ông Tập Cận Bình đến thăm Bình Nhưỡng vào năm 2008, người ta không thấy ông Kim Jong-il ôm ông Tập, làm báo chí phải bàn luận “là chủ không nồng nhiệt hay là do khách cự tuyệt”.
Theo tuần báo “Văn Hối Độc Thư” số ra vào tháng 8/2006, trong bài viết “Ký sự Giang Trạch Dân thăm nước ngoài”, vào năm 1990, khi ông Giang Trạch Dân lần đầu tiên đến thăm Triều Tiên, cả hai cha con ông Kim Il-sung và ông Kim Jong-il đều ra đón tiếp nồng hậu.
Ông Kim Il-sung còn đưa ra chỉ thị “trong Đảng phải ra văn kiện, nhà nhà đều phải biết”. Chỉ nhìn vào vài chi tiết trong việc chiêu đãi long trọng như vậy, cũng đủ thấy ông Giang Trạch Dân và ông Kim Jong-il có mối quan hệ vô cùng “vững chắc”.
Đặc biệt, trong vấn đề nhân quyền ông Giang Trạch Dân và ông Kim Jong-il dường như có rất nhiều nét tương đồng.
Sự khủng khiếp của Triều Tiên: Thân gái đọa đày
Triều Tiên nổi tiếng như một quốc gia bí hiểm và khó hiểu, hầu như không tồn tại cái gọi là “nhân quyền”, dưới sự cai trị của ông Kim Jong-il với bàn tay sắt trong suốt 17 năm, với các nhà tù khổ sai và các trại cải tạo trên khắp đất nước.
Trong khi các hành động chà đạp nhân quyền của gia tộc họ Kim thường bị cộng đồng quốc tế lên án một cách công khai, thì các hành động khủng bố nhân quyền của Trung Quốc dưới thời ông Giang Trạch Dân lại ít được đề cập hơn trên các phương tiện truyền thông thế giới, mặc dù nếu xét về số lượng người chết hay về tính chất kéo dài của hành động, thì ông Giang Trạch Dân “tàn bạo” cũng không kém ông Kim Jong-il.
Có một điều đặc biệt, đó là những người rất nổi tiếng và được công chúng khen ngợi vì đã dám dũng cảm lên tiếng vạch trần những tội ác diệt chủng mang tính “hủy hoại phẩm giá con người” của cặp bài trùng Giang Trạch Dân – Kim Jong-il, lại chính là những người phụ nữ xinh đẹp, dịu dàng và nữ tính.
Cuộc đời đầy bi kịch của thiếu nữ Triều Tiên – cô Yeonmi Park – có thể sẽ khiến nhiều người cảm thấy chua xót cho số phận con người (đặc biệt là số phận người phụ nữ) khi phải sống trong những xã hội không thèm đếm xỉa gì tới “nhân quyền (quyền lợi cơ bản của con người)”. Yeonmi Park sinh ngày 4/10/1993 tại thành phố Hyesan, tỉnh Ryanggang, phía bắc của Triều Tiên.
Tại Diễn đàn “Tân Tú Thế Giới” (One Young World) tổ chức tại Dublin (Ireland) vào năm 2014, cô Yeonmi Park đã thổn thức kể lại cuộc sống của cô khi còn ở Triều Tiên, dưới chế độ độc tài của Kim Jong-il.
“Triều Tiên là một quốc gia không thể tưởng tượng nổi; ở đó chỉ có duy nhất một kênh truyền hình của Nhà nước. Tôi chưa từng thấy thứ gì nói về tình yêu giữa nam và nữ. Không sách, không bài hát, không bài báo… Mỗi câu chuyện đều là lời tuyên truyền về hình ảnh những kẻ độc tài họ Kim. Người dân Triều Tiên có thể bị tử hình nếu gọi điện thoại quốc tế mà không được chính quyền cho phép”.
“Tôi sinh năm 1993. Khi lên 9 tuổi, tôi chứng kiến mẹ của bạn tôi bị tử hình công khai. Tội của bà là đã xem một bộ phim Hollywood. Sự hoài nghi về tính chất vĩ đại của chế độ Triều Tiên có thể khiến 3 thế hệ trong một gia đình bị bỏ tù hoặc bị tử hình.”
“Và khi tôi lên 4 tuổi, mẹ tôi dặn tôi thậm chí không được thì thầm. Bởi vì thậm chí cả chim và chuột cũng có thể nghe thấy những gì tôi nói. Thú thật, tôi từng nghĩ rằng những nhà độc tài Triều Tiên có khả năng đọc được từng ý nghĩ của mình.”
“Trong cái ngày trốn khỏi Triều Tiên, tôi đã chứng kiến cảnh mẹ tôi bị hãm hiếp. Kẻ hãm hiếp là một tên môi giới người Trung Quốc. Mẹ tôi đành phải chịu đựng cho kẻ đó hãm hiếp để bảo vệ tôi”.
Nhưng sau đó, Yeonmi Park cũng phải chấp nhận để cho một tên buôn người khác hãm hiếp, và lạm dụng cô về mặt thể xác. Bởi vì nếu từ chối, cô sẽ bị đưa về Triều Tiên, đối mặt với những sự tra tấn khủng khiếp trong nhà tù và cuối cùng là án tử hình.
Yeonmi Park đã cắn răng chịu đựng cuộc sống “địa ngục trần gian” như vậy, cho đến khi cô và mẹ mình đến được Hàn Quốc. Năm 2014, cô sang Mỹ định cư và lấy chồng. Cô đã hạ sinh 1 bé trai vào năm 2018.
Cô cũng cho biết: “Khoảng 300.000 người tị nạn Triều Tiên đang phải sống lưu vong trong hoàn cảnh đầy rẫy hiểm nguy tại Trung Quốc. 70% phụ nữ và trẻ em gái vị thành niên Triều Tiên đều đang là các nạn nhân bị ngược đãi, có khi họ bị bán với một cái giá rẻ mạt tương đương 200 đô la”.
“Đẹp có sứ mệnh”: Khi nhan sắc lên tiếng
Nếu nhà hoạt động nhân quyền Yeonmi Park lên án vi phạm nhân quyền dưới thời cai trị độc tài của gia đình họ Kim, thì Hoa hậu thế giới Canada gốc Hoa, cô Anastasia Lin với phương châm “ Đẹp có sứ mệnh” lên án về lạm dụng nhân quyền ở Trung Quốc.
Khác với quá khứ thảm thương của thiếu nữ Triều Tiên Yeonmi Park, cuộc đời của Hoa hậu Thế giới Canada Anastasia Lin lại khá bằng phẳng.
Anastasia Lin sinh ngày 1/1/1990 tại tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc. Thiếu nữ Trung Quốc này sang Canada định cư cùng với mẹ mình lúc mới 13 tuổi.
Mẹ của Anastasia Lin là một giáo sư đại học giảng dạy về kinh tế phương Tây và tài chính thế giới, và đã giáo dục cô một cách nghiêm khắc. Bà cho cô đi học tiểu học sớm hơn 2 năm so với các bạn đồng trang lứa, và yêu cầu cô phải học đàn piano từ nhỏ.
Anastasia Lin nhớ lại, hồi cô còn bé, hằng ngày cô phải leo núi cùng với mẹ từ 6 giờ sáng, và trên đỉnh núi, mẹ cô yêu cầu cô phải đọc to các từ vựng tiếng Anh, để luyện tập khả năng phát âm của cô. Cũng tại đỉnh núi đó, Anastasia Lin và mẹ bắt sóng của chương trình Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (Voice of America), vốn bị cấm đoán tại Trung Quốc.
Khi mẹ cô kể cho cô nghe về vụ Thảm sát Thiên An Môn và cuộc Đàn áp Pháp Luân Công tại Trung Quốc, Anastasia Lin đã rất sốc: “Tôi đã cảm thấy mình đã bị lừa dối, ngay tại quê hương Đại lục của mình”.
Trong cuộc thi Miss World Canada vào năm 2013, cô đã dành tặng phần thi chơi đàn piano của mình “tới những người đã phải mất mạng chỉ vì niềm tin ngay chính của mình, và hàng triệu người khác vẫn đang kiên định với niềm tin ngay chính của họ”. Đó chính là những ai đang phải đối mặt với sự bức hại cực kỳ tàn nhẫn đang diễn ra tại Trung Quốc kể từ năm 1999 đến nay.
Không chỉ là một Hoa hậu Nhân quyền nổi tiếng với phương châm “Đẹp có sứ mệnh”, dám “lên tiếng vì những con người không được phép lên tiếng ngay tại chính quê hương của mình”, Anastasia Lin còn là nhân vật chính trong nhiều bộ phim tài liệu gây rúng động lòng người, khi công khai nói về những tội ác diệt chủng mang tính “hủy hoại phẩm giá con người” do cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân gây ra – khởi xướng cuộc đàn áp đẫm máu đối với Pháp Luân Công (còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp).
Tại Diễn đàn Tự do Oslo năm 2016, Hoa hậu Anastasia Lin đã kể lại tuổi thơ của cô khi còn sống tại Trung Quốc, dưới chế độ độc tài của Giang Trạch Dân.
“Vâng, tôi là hoa hậu. Tôi sinh ra ở Trung Quốc. Khi còn ở đó tôi tin mọi điều mình được dạy. Sau đó, tôi chuyển đến Canada, và được nhận món quà thật quý giá, cơ hội tái tạo lại cái nhìn của bản thân về thế giới. Tôi muốn tìm hiểu những điều bị giấu diếm mà mình chưa biết nên tôi tìm mọi từ khoá bị các thầy cô Trung Quốc dán mác “nhạy cảm”. Tôi xem được những đoạn video về sự tàn bạo của cuộc thảm sát Thiên An Môn năm 1989. Đây là sự kiện mà hầu như đã bị xoá khỏi ký ức người dân Trung Quốc. Tôi cũng biết về cuộc bức hại Pháp Luân Công. Tôi tham gia phim và chương trình truyền hình thực tả tình trạng vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc. Để chuẩn bị, tôi gặp gỡ những người là nạn nhân trực tiếp, gồm cả học viên Pháp Luân Công. Họ không phải tội phạm. Họ là người tin vào Chân-Thiện-Nhẫn. Tôi muốn cất tiếng thay những người Trung Quốc bị đánh đập, bị đốt, giật điện chỉ vì giữ vững đức tin. Những người phải ăn thức ăn ôi thiu trong tù bằng đôi tay phồng rộp, vì họ dám có đức tin. Tôi tham gia cuộc thi Hoa hậu Thế giới Canada như một nỗ lực vì nhân quyền. Tôi muốn kết thúc bài diễn thuyết bằng một trong những cảnh khó diễn nhất đối với tôi trong phim ‘Lưỡi Dao Rỉ Máu’. Mời quý vị xem. ” Dừng, dừng, cô ta bị nghẹn rồi. Cô từ bỏ tuyệt thực chưa? Ông có vợ hay con gái không? Nếu họ bị đối xử như thế này ông sẽ cảm thấy ra sao? Tại sao ông lại làm bác sỹ? Làm để bức hại người tốt sao? Sao cô phải khổ sở thế này? Chúng tôi đối xử với cô thế này, cô hận chúng tôi không? Không hận. Bởi vì các anh mới chính là nạn nhân bị bức hại trong chuyện này. Chỉ vì công việc mà làm những chuyện tán tận lương tâm thế này. Tương lai khi chân tướng công khai khắp thiên hạ. Khi con cái các anh hỏi: “Thời điểm Pháp Luân Công bị bức hại, cha đã làm gì?” Các anh làm sao trả lời đây?”
Trung Quốc và Triều Tiên: Hướng đi nào cho tương lai nhân quyền?
Đôi bạn “ngưu tầm ngưu” Giang Trạch Dân (Trung Quốc) và Kim Jong-il (Triều Tiên) từ lâu đã không còn là nguyên thủ quốc gia nữa, nhưng những di họa mà họ đã để lại cho dân tộc mình thì vẫn còn khủng khiếp cho đến tận ngày hôm nay.
Trong khi lãnh đạo Triều Tiên, ông Kim Jong-un, vẫn tiếp tục phong cách “cai trị dân chúng dưới bàn tay sắt” vốn được thừa kế từ cha mình là ông Kim Jong-il, thì Chủ tịch Trung Quốc, ông Tập Cận Bình, đã có nhiều động thái nhằm giảm thiểu hoặc xóa bỏ các hậu quả tai hại về mặt kinh tế – xã hội do bộ sậu chính trị của ông Giang Trạch Dân gây ra.
Bên cạnh đó, đang có một nhân tố thứ ba, đóng vai trò đáng kể trong việc định hình tương lai nhân quyền đối với Trung Quốc, và đặc biệt là đối với Triều Tiên, đó chính là: Chính phủ Hoa Kỳ dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Donald Trump.
Tổng thống Trump đã và đang thực hiện nhiều chính sách cứng rắn đối với Trung Quốc và Triều Tiên, và các chính sách của ông đã bắt đầu phát huy các tác dụng tích cực.
Đạo luật Magnitsky ban đầu được ký bởi Tổng thống Barack Obama vào năm 2016 nhằm trừng phạt các quan chức Nga có vi phạm nhân quyền và tham nhũng. Dưới thời Tổng thống Donald Trump, văn bản này được mở rộng thành Đạo luật Toàn cầu Magnitsky vào tháng 4 năm 2017. Theo Đạo luật, những người phạm tội ở bất kỳ quốc gia nào cũng có thể bị trừng phạt.
Đạo luật Magnitsky “cho phép Tổng thống áp đặt lệnh trừng phạt tài chính và hạn chế thị thực đối với các cá nhân nước ngoài nhằm đáp lại những vi phạm của họ về nhân quyền và tham nhũng”, theo lời mô tả về Đạo luật đăng trên Cục Văn thư Liên bang Mỹ. Các hình phạt chính của đạo luật này là ngăn cấm những kẻ phạm tội nhập cảnh vào Hoa Kỳ và đóng băng tài sản của họ ở Hoa Kỳ.
Bên cạnh đó, Tổng thống Donald Trump cũng đã thành công trong việc khiến chính quyền Bình Nhưỡng phải quay trở lại bàn đàm phán đối với vấn đề giải trừ vũ khí hạt nhân, nhờ vào hàng loạt các biện pháp trừng phạt quốc tế không khoan nhượng.
Cuối cùng, có rất nhiều cơ sở để cho rằng, tình trạng “khủng khiếp” về mặt nhân quyền tại Trung Quốc và Triều Tiên rồi cũng sẽ phải thay đổi. Chính quyền Bình Nhưỡng sẽ không thể cứ mãi chơi trò “câu giờ” đối với Hoa Kỳ và cộng đồng quốc tế trong vấn đề giải trừ vũ khí hạt nhân, và trong vấn đề ngược đãi nhân quyền.
Còn tại Bắc Kinh, Chủ tịch Tập Cận Bình hoàn toàn có thể thấy trước một viễn cảnh, đó là nếu như ông tiếp tục đàn áp Pháp Luân Công như phe cánh của Giang Trạch Dân trong ĐCSTQ vẫn đang tiến hành, thì hoàn cảnh bi đát hiện nay của ông Giang Trạch Dân (đối thủ chính trị nguy hiểm nhất của Chủ tịch Tập) sẽ lại là tương lai của ông lúc về già.