Tâm Tuệ Hơn 80,000ha cây ăn trái ĐBSCL nguy cơ ảnh hưởng hạn mặn
Theo dự báo, diện tích cây ăn quả có khả năng bị ảnh hưởng hạn, mặn là khoảng 80,55 nghìn ha (chiếm 23,2% tổng diện tích cây ăn quả toàn vùng ĐBSCL) trong mùa khô 2020-2021.
Thông tin trên được ông Lê Thanh Tùng – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho hay tại Hội nghị triển khai giải pháp phòng chống hạn, mặn và công tác quản lý cấp mã số vùng trồng cây ăn quả (CAQ) vùng ĐBSCL 2020-2021 diễn ra sáng nay (17/9) tại Tiền Giang được báo Tiền Phong trích dẫn.
Theo ông Tùng, mùa khô 2019-2020, vùng ĐBSCL có khoảng 25,12 nghìn ha cây ăn quả (CAQ) bị ảnh hưởng bởi khô hạn, xâm nhập mặn. Trong đó, có 9,64 nghìn ha cây sầu riêng; 5,74 nghìn ha bưởi; 4,61 nghìn ha chôm chôm; 2,34 nghìn ha chanh; 0,10 nghìn ha hồng xiêm và 2,65 nghìn cây ăn quả khác. Trong tổng số diện tích bị ảnh hưởng, có khoảng 11.181 ha bị thiệt hại trên 70%…
Riêng vùng giáp biển thuộc các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh và Sóc Trăng có diện tích bị ảnh hưởng lớn nhất với khoảng 13,8 nghìn ha (chiếm 55%); vùng giữa (Tiền Giang, Vĩnh Long) là vùng trọng điểm phát triển CAQ của ĐBSCL có khoảng 8,8 nghìn ha bị ảnh hưởng (chiếm 35%)…
Nguyên nhân được xác định là do khô hạn kéo dài, thiếu nước ngọt tưới, một số nơi không thể vận chuyển nước; nước mặn xâm nhập (rò rỉ, thẩm thấu) vào mương vườn ảnh hưởng nghiêm trọng trên những vườn không có đê bao khép kín; nước tưới nhiễm mặn; cây bị sốc do môi trường bất lợi, cây suy kiệt…
Đại diện Cục Trồng trọt cho biết, dự báo mùa khô 2020-2021, tình hình có khả năng tương đương mùa khô 2015-2016. Diện tích CAQ có khả năng bị ảnh hưởng hạn mặn là khoảng 80,55 nghìn ha (chiếm 23,2% tổng diện tích CAQ toàn vùng ĐBSCL).
Báo Tuổi trẻ dẫn tin từ Cục Trồng trọt, năm 2020 Việt Nam có 1,067 triệu ha cây ăn trái, trong đó ĐBSCL là vùng sản xuất cây ăn quả chủ lực chiếm 39% tổng diện tích cây ăn quả cả nước. Nhưng đây cũng là khu vực trồng cây ăn trái chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của hạn mặn những năm qua.
ĐBSCL là vùng trồng cây ăn quả chủ lực (chiếm khoảng 58% diện tích cây ăn quả toàn miền Nam), tiếp đến là vùng Đông Nam bộ (17%), vùng duyên hải Nam trung bộ (15%) và vùng Tây Nguyên (10%).
Năm 2019 giá trị xuất khẩu rau quả của VN đạt 3,747 tỷ USD trong khi nhập khẩu 1,778 tỷ USD, xuất siêu ngành đạt gẩn 2 tỷ USD.
Việt Nam muốn đưa quan hệ với Nhật Bản lên tầm cao mới
Việt Nam muốn đưa quan hệ với đối tác Nhật phát triển lên tầm cao mới sau khi ông Suga Yoshihide được bầu làm Thủ tướng mới của Nhật Bản.
Theo truyền thông nhà nước, hôm 16/9, trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến việc Nhật Bản có thủ tướng mới, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết:
“Việt Nam chúc mừng ngài Suga Yoshihide được bầu làm Thủ tướng mới của Nhật Bản.”
Bà Hằng nói thêm: “Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hợp tác hữu nghị với Nhật Bản và mong muốn hợp tác chặt chẽ với ngài Thủ tướng và Chính phủ mới của Nhật Bản để đưa quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam – Nhật Bản phát triển lên tầm cao mới, ngày càng toàn diện, thực chất, hiệu quả, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực và trên thế giới”.
Cùng ngày, các lãnh đạo của Việt Nam bao gồm Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gửi điện mừng nhân dịp ông Suga Yoshihide được bầu làm Thủ tướng Nhật Bản.
Trước đó, trong phiên họp bất thường hôm 16/9, Quốc hội Nhật Bản chính thức bầu ông Suga Yoshihide làm Thủ tướng thứ 99 của nước này.