Việt Nam có thể biến nguy thành cơ

Nguyễn Quang Dy

Cho đến cuối tháng 5/2020, Việt Nam đã thành công trong việc “chống dịch như chống giặc”, như thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói, với 328 ca lây nhiễm và không có ca nào tử vong, trong khi cả thế giới vẫn đang vận lộn với dịch.

Nhưng có một nguy cơ khác đang lởn vởn ở Biển Đông, là không gian sinh tồn không chỉ với Việt Nam mà còn với nhiều nước khác. Để đối phó với nguy cơ đó, Việt Nam bắt đầu công khai hợp tác với “Bộ Tứ”, trên danh nghĩa để đối phó với dịch Covid-19. Nhưng Mỹ, Nhật, Úc, Ấn, đã lập ra “Bộ Tứ” năm 2007 để đối phó với một Trung Quốc trỗi dậy.

Đối với Việt Nam, Trung Quốc là nguy cơ trước mắt. Tàu HD-8 của Trung Quốc, được nhiều tàu tuần duyên vũ trang hộ tống, đã bắt nạt Việt Nam tại bãi Tư Chính từ tháng 7 đến 10/2019,  và gần đây đã quay lại. Sau khi đi qua vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam tại Biển Đông, tàu Trung Quốc định bắt nạt chính phủ mới của Malaysia.

Trong khi đó, nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh đã hoạt động gẫn bãi ngầm Macclesfield cho đến ngày 25/4 khi nhóm tác chiến của Mỹ gồm tàu USS America đã rời đi nên cuộc đối đầu tạm dừng. Biển Đông có thể là chiến trường được Trung Quốc chọn để tập trận nhằm nâng cao kinh nghiệm chiến đấu, như một chuyên gia của RAND đã phân tích.

Để đối phó với nguy cơ tăng lên, Việt Nam đã nâng dần thế cờ, lần đầu tiên nâng khả năng hợp tác quốc phòng với các “nước lớn” như Mỹ, và thậm chí có thể đưa tranh chấp tại Biển Đông ra tòa trọng tài quốc tế. Ngày 25/11/2019, Viêt Nam đã công bố Sách trắng Quốc phòng mới, nhấn mạnh chính sách quốc phòng “Ba Không” – Không tham gia liên minh quân sự, không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự, và không liên kết với nước này để chống nước kia. Nhưng chính sách đó để ngỏ khả năng tăng cường hợp tác an ninh với các nước khác, đặc biệt là với Mỹ. Nói cách khác, Việt Nam có chiến lược phòng ngừa để răn đe nguy cơ Trung Quốc.

Trong khi các nước khác có tranh chấp ở Biển Đông ngại không muốn công khai ủng hộ các hoạt động tự do hàng hải, thì Sách trắng Quốc phòng của Việt Nam có đoạn viết: “Việt Nam sẵn sàng đón tàu hải quân, tàu cảnh sát biển, tàu biên phòng của các nước và các tổ chức quốc tế thăm xã giao, thăm thông thường, ghé đậu để sửa chữa, bổ sung vật chất hậu cần, kỹ thuật, hoặc trú tránh thiên tai, thảm họa”.

Sách trắng Quốc phòng cho thấy Hà Nội ngày càng khác biệt so với Bắc Kinh về cách ứng xử tại Biển Đông, và về nhận thức của Hà Nội trước nguy cơ chủ yếu, tuyên bố cam kết hợp tác với tất cả các nước, không phân biệt chế độ chính trị và cách biệt về kinh tế. Sách trắng còn gửi đi tín hiệu của Hà Nội về “lằn ranh đỏ” đối với chủ quyền quốc gia, và sẵn sàng tăng cường quan hệ quốc phòng với các nước lớn và các nước khác trong khu vực. Sách trắng cũng bác đề xuất muốn hạn chế các nước tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông không được tham gia các hoạt động hàng hải chung với các nước ngoài khu vực. Ngược lại, Sách trắng còn gợi ý triển vọng Việt Nam có thể cân nhắc điều chỉnh chính sách quốc phòng “Ba Không” truyền thống bất cứ lúc nào Việt Nam đứng trước sự đe dọa không thể chấp nhận được từ Trung Quốc, “tùy theo diễn biến của tình hình và trong những điều kiện cụ thể”.

Theo các nguồn tin ngoại giao Việt Nam, thảo luận ở Hà Nội về khả năng đưa vấn đề Biển Đông ra tòa quốc tế cấp thiết hơn trước. Tại hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ 11 do Học viện Ngoại giao Việt Nam tổ chức ngày 6/11/2019, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung đã phát biểu: “Hiến chương Liên Hiệp quốc và Công ước về luật biển của Liên Hiệp quốc (UNCLOS 1982) có đủ cơ chế cho chúng ta áp dụng những biện pháp đó”.

Bộ tứ: Một cuộc khảo sát ẩn danh nhận được 276 phản hồi của 10 nước ASEAN (Source: Southeast Asia Perceptions of the Quadrilateral Security Dialogue)

Cơ chế đối thoại An ninh Tứ cường gồm Mỹ, Nhật, Úc, Ấn (được gọi là “Bộ Tứ” Kim cương) do Thủ tướng Nhật Shinzo Abe khởi xướng năm 2007, được sự ủng hộ của Phó Tổng thống Mỹ Dick Cheney, Thủ tướng Úc John Howard và Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh. Nhưng chính phủ Úc dưới thời Thủ tướng Kevin Rudd, đã rút lui vào năm 2009. Nay nhìn lại, ý tưởng về “Bộ Tứ” đó tuy hay nhưng thời cơ chưa thật chín muồi.

Đến tháng 11/2017, bốn nước đó đã chính thức khôi phục lại ý tưởng về “Bộ Tứ” như một sáng kiến mới tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN và Đông Á. Washington đã biến sáng kiến đó thành động lực chính cho tầm nhìn “Indo-Pacific Mở và Tự do” (FOIP), và Tổng thống Donald Trump đã có sáng kiến dùng “Bộ Tứ” để thúc đẩy hợp tác an ninh khu vực. Đến nay, các quan chức cao cấp của bốn nước đã họp chính thức năm lần.

Giới ngoại giao cho rằng Hà Nội đã lặng lẽ cân nhắc việc hợp tác với “Bộ Tứ”. Để đối phó với tham vọng mới của Trung Quốc, Việt Nam đã thăm dò khả năng hợp tác với nhóm bốn nước cùng với các đối tác khác trong khu vực như New Zealand và Hàn Quốc. Đó là “Bộ Tứ cộng ba”, trước mắt để đối phó với dịch Covid-19.

Ngày 27/3, các nước trong “Bộ Tứ” đã họp trực tuyến lần đầu tiên với New Zealand, Hàn Quốc, và Việt Nam ở cấp thứ trưởng, để trao đổi không chỉ về giải pháp cho đại dịch Covid-19 mà còn về cách khôi phục kinh tế sau đại dịch, với dự kiến họp hàng tuần. Tuy Hàn Quốc và Việt Nam đã thành công bước đầu trong việc kiểm soát đại dịch và có thể chia sẻ kinh nghiệm, nhưng các nước “Bộ Tứ” vẫn còn đang phải chống dịch.

Các nước trong “Bộ Tứ cộng ba” đã họp không chỉ về cách chống dịch Covid-19, mà còn về chuyển giao công nghệ và cách khôi phục kinh tế đúng hướng. Tuy Việt Nam là một đối tác chiến lược tiềm năng với cả bốn nước “Bộ Tứ”, nhưng vẫncó xu hướng muốn hạn chế hợp tác theo tầm nhìn chiến lược giữa các nước Bộ Tứ cộng ba”. New Zealand cũng như Ấn Độ đều có quan điểm trung lập giữa Mỹ và Trung Quốc, và không muốn thấy cơ chế đối thoại này được coi là một cách gắn kết với chiến lược ngăn chặn Trung Quốc.

Nhưng trong mấy năm qua, tầm nhìn chiến lược của các nước khu vực đã thay đổi. Việc ngày càng nhiều nước khu vực chấp thuận tầm nhìn Indo-Pacific là một chỉ dấu. Từ 2019, ASEAN đã chấp thuận tầm nhìn Indo-Pacific, và quá trình thể chế hóa từng bước ý tưởng về “Bộ Tứ” chứng tỏ việc mở rộng này là có cơ sở thực tiễn. Trước mắt Trung Quốc chắc không có lý do để chống lại các nước khu vực hợp tác nhằm đối phó với đại dịch Covid-19.

Khó xử: ASEAN phân hóa liệu Bộ Tứ có thể cản bước Trung Quốc bá quyền, đa số phản hồi của Việt Nam và Philippine ủng hộ nhóm bốn nước đối thoại về an ninh (Southeast Asia Perceptions of the Quadrilateral Security Dialogue)

Derek Grossman, một chuyên gia phân tích của RAND, coi Việt Nam là “trường hợp lý thú”, có thể đóng góp tuyệt vời cho “Bộ Tứ mở rộng đối phó với Trung Quốc”. Ông lập luận rằng mở rộng “Bộ Tứ” cho một nước Đông Nam Á tham gia sẽ làm suy yếu lập trường của Trung Quốc cho rằng “Bộ Tứ” chỉ là một nhóm nước ngoài khu vực định ngăn chặn họ.

Tuy lãnh đạo Việt Nam vẫn ngại theo ý tưởng “Bộ Tứ mở rộng”, nhưng cách hành xử cứng rắn của Trung Quốc ở Biển Đông có thể buộc họ phải theo. Như đã thể hiện qua lập trường phòng ngừa trong Sách Trắng Quốc phòng, Hà Nội chắc sẽ tham gia “Bộ Tứ mở rộng” từng bước có mức độ, để tránh làm cho nước láng giềng khổng lồ phản ứng.

Theo một khảo sát của Lê Thu Hường, là chuyên gia phân tích của ASPI, đa số các ý kiến phản hồi của ASEAN coi ý tưởng về “Bộ Tứ” sẽ bổ sung cho cơ chế an ninh của ASEAN. Tuy có một số ý kiến tỏ ra lo ngại về tác động tiêu cực đến sự trung lập của ASEAN, nhưng có 57% ý kiến phản hồi của ASEAN ủng hộ “Bộ Tứ” có vai trò hữu ích cho an ninh khu vực. Kết quả khảo sát chứng tỏ những ý kiến ủng hộ “Bộ Tứ” mạnh nhất là của người Việt Nam và Philippines, vì họ muốn duy trì an ninh và ổn định ở khu vực.

Trong khi 54% ý kiến phản hồi của ASEAN cho rằng ý tưởng mở rộng “Bộ Tứ” tùy thuộc vào thái độ hung hăng của Trung Quốc, thì 69% phản hồi hy vọng “Bộ Tứ” có thể đóng góp để đảm bảo trật tự dựa trên luật lệ. Kết quả khảo sát ngược với cách hiểu của nhiều người cho rằng điều đó gây tranh cãi và khiêu khích. Vì vậy, “Bộ Tứ” đang dần mở rộng.

Hoặc là Hà Nội có thể dựa vào các nước ASEAN như Indonesia, Malaysia và Philippines, để ủng hộ và hợp tác tại Biển Đông. Trung Quốc đã bắt nạt và cưỡng ép các nước này, bác bỏ các yêu cầu của họ về lãnh hải ở Biển Đông. Bốn nước này có thể tập trận hay tuần tra ở Biển Đông, như Philippines đã từng đưa ra đề xuất không chính thức về “tuần tra đoàn kết”. Các nước Đông Nam Á mong muốn đoàn kết để chống dịch Covid-19 có thể dẫn đến các hình thức hợp tác mới, đem lại lợi ích để đối phó với các phiêu lưu quân sự mới của Trung Quốc.

Một phiên bản tiếng Anh của bài viết đã được xuất bản bởi Yale Global.

N.Q.D.

Related posts