Cổ Nhuế
Bầu cử tổng thống Mỹ diễn ra qua nhiều giai đoạn và kéo dài khá lâu. Thủ tục này có điều khác với thủ tục bầu cử tại Việt Nam và Úc.
Hiện nay, cuộc đua vào Bạch Ốc đang diễn ra ráo riết. Hai ứng cử viên hàng đầu đã tranh luận. Ngoài những tranh luận về chính sách, người ta còn lo lắng lần bầu cử này có thể xảy ra nhiều trục trặc. Trước khi trình bày những trục trặc có thể xảy ra (trong bài thời sự sau số báo 9.10.20 vì Việt Luận tuần tới sẽ dành nhiều trang trình bày về ngân sách của liên bang Úc), tuần này Cổ Nhuế kính mời bạn đọc nhìn qua một số thủ tục trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.
Dân Mỹ không trực tiếp bầu tổng thống
Từ đầu năm, cuộc chạy đua vào Bạch Ốc đã bắt đầu bằng các cuộc ‘primaries’ (người mình gọi là ‘bầu cử sơ bộ’) tại tiểu bang. Sớm nhất là sơ bộ tại Iowa vào ngày 3.2. Khi bầu cử sơ bộ tại tiểu bang không những các ứng cử viên trong đảng tranh quyền được đề cử mà đảng ở tiểu bang còn chọn một số đại diện để chính thức bầu tổng thống (tạm gọi là trong vòng nhì). Số người đại diện tiểu bang này gọi là ‘Electoral College, Cử Tri Đoàn’.
Thí dụ đảng Dân Chủ tại tiểu bang California đã tổ chức sơ bộ vào ngày 3.3.2020. Kết quả ứng cử viên Bernie Sanders thắng. Thắng tại một tiểu bang là điều đáng mừng nhưng phải thắng thật nhiều tiểu bang mới được đảng đề cử. Cuối cùng ông Joe Biden đã được đảng Dân Chủ đề cử. Cùng ngày đó, đảng Dân Chủ tại California còn chọn một phái đoàn gồm có 55 người đầu lá phiếu chính thức bầu tổng thống Mỹ. Ngày đầu lá phiếu chính thức trong năm nay sẽ là 14 tháng 12.
Chính cử tri đoàn mới trục tiếp bầu tổng thống Mỹ. Còn dân chúng Mỹ chỉ bầu … cử tri đoàn mà thôi. Trang web của văn khố Mỹ (https://www.archives.gov/) nói rõ ràng ‘When you vote for a Presidential candidate, you aren’t actually voting for President. You are telling your State which candidate you want your State to vote for at the meeting of electors. Khi đầu phiếu cho một ứng cử viên tổng thống nào đó, thực ra bạn không trực tiếp bầu tổng thống. Bạn chỉ nói cho tiểu bang rằng mình muốn tiểu bang bầu cho ai — khi các cử tri họp lại’.
Ở Úc cũng gần giống như vậy. Khi có tổng tuyển cử, chúng ta thường nói ‘Tui bầu cho ông Scott Morrison’; hay ‘Tui bầu cho bà Julia Gillard’. Trong thực tế, người đầu phiếu ở Úc chỉ bầu cho ông bà dân biểu ở đơn vị mình mà thôi. Sau đó, dân biểu trong quốc hội sẽ bầu ông Scott Morrison hay của bà Julia Gillard làm thủ tướng. Mà quốc hội cũng không bắt các dân biểu sắp hàng bỏ lá phiếu vào thùng để bầu ai làm thủ tướng vì quan toàn quyền đã biết tỏng ai bầu cho ai rồi. Thế là cứ đảng nào có đông dân biểu thì thủ lãnh đảng đó làm thủ tướng.
Dân Mỹ bầu tổng thống theo từng tiểu bang
Mặc dầu, tổng thống cai trị liên bang nhưng tiểu bang đứng ra tổ chức bầu cử, kiểm phiếu và kết quả tính theo từng tiểu bang. Dân Mỹ có thể tự mình đến phòng đầu phiếu hay qua nhiều cách khác. Cách đầu phiếu khác đang ồn ào trên báo chí là bầu theo lối gởi thơ qua bưu điện (mail voting). Có thể xảy ra trục trặc và kiện cáo vì lối bầu qua bưu điện này. Hai ông Donald Trump và Joe Biden đã nặng lời với nhau về chuyện đầu phiếu qua bưu điện trong khi tranh luận.
Năm nay, dân Mỹ đi bầu vào thứ Ba mồng 3 tháng 11 năm 2020. Trên lá phiếu có ghi tên các liên đảng tranh cử (và có tiểu bang cho phép người đi bầu được quyền ghi thêm tên liên danh mình thích vào lá phiếu). Từng tiểu bang sẽ đếm phiếu. Chúng ta nói ‘ông Donald Trump thắng tại tiểu bang Texas và hốt 38 phiếu ‘cử tri đoàn’. Chúng ta nói ‘ông Joe Biden thắng tại tiểu bang Montana và hốt 2 phiếu ‘cử tri đoàn’. Nói như vậy vì đông dân chúng ở tiểu bang ấy đã dùng lá phiếu để nói cho tiểu bang mình phải chọn phái đoàn do đảng của ông Donald Trump (hay Joe Biden) đã chọn trước để bỏ phiếu chính thức vào ngày 14 tháng 12. Vì phái đoàn này do phe ta chọn nên gần như chắc phe ta sẽ chính thức bầu lá phiếu cho phe mình. Nhưng chưa chắc ‘chăm phần chăm’. Vì thế năm nay dám có trục trặc. (Xin xem bài kế tiếp)
Sao Texas có 38 phiếu mà Vermount chỉ có 3?
Xin thưa: Ở Mỹ có 50 tiểu bang và lãnh thổ thủ đô gọi là District of Comubia. Có tiểu bang rất đông dân và cũng có tiểu bang bé tí xíu. Vậy thì làm sao để vừa giữ được bình đẳng giữa các tiểu bang và công bằng với nơi có đông dân. Ở thượng viện, các tiểu bang bình đẳng với nhau nhờ tiểu bang nào cũng có 2 nghị sỹ (lớn nhỏ gì cũng chỉ có 2 nghị sỹ). Trong khi đó ở hạ viện, các tiểu bang đông dân không bị thiệt thòi khi số dân biểu được tính theo dân số. California đông dân nhất nên có 53 dân biểu. Ngược lại, Rhode Island bé tí teo chỉ có 1 dân biểu. Cũng thế, Texas được 36 dân biểu. Còn Vermount ít dân nên chỉ có 1 dân biểu.
Vẫn chơi theo lối vừa bình đẳng vừa công bằng ấy, phái đoàn bầu cử chính thức của tiểu bang gồm có số người ngang bằng với tổng số nghị sỹ và dân biểu. Texas có 2 nghị sỹ và 36 dân biểu nên phái đoàn bầu cử chính thức của Texas có 38 người. Oregon có 2 nghị sỹ và 5 dân biểu nên phái đoàn bầu cử chính thức của Oregon chỉ gồm 7 người.
Phái đoàn này sẽ chính thức bầu tổng thống vào ngày 14.12.2020. Nhưng ngay sau ngày 3.11, báo chí đã nói ‘ông XXX thắng ở Texas vào hốt 38 phiếu cử tri đoàn. Cũng thế, chúng ta nói ‘ông YYY thắng ở Oregon và hốt 7 phiếu cử tri đoàn’.
Con số 270 nặn ra tổng thống Mỹ
Cộng hết phái đoàn của 50 tiểu bang và District of Columbia, ở Mỹ có 538 người được quyền bỏ lá phiếu chính thức bầu tổng thống. Mỗi người bỏ một lá phiếu (và bỏ cho phe ta). Liên danh nào được đa số thì coi như thắng. Đa số của 538 là 270. Đây là con số nặn ra tổng thống Mỹ.
Vì thông thường người trong phái đoàn này do phe ta chọn nên gần như chắc phe ta bỏ phiếu chính thức bầu cho phe mình, nên dù họ chưa chính thức bầu tổng thống Mỹ trong ngày 14 tháng 12 thế giới đã coi liên danh trên giấy tờ được 270 phiếu cử tri đoàn ‘đã’ đắc cử. Nhưng chưa chắc à nghe! (Xin đọc bài kế tiếp)
Dù đã được ít nhất 270 lá phiếu do cử tri đoàn bầu làm tổng thống / phó tổng thống Mỹ trong ngày 14.12 nhưng liên danh ấy chỉ chính thức đắc cử khi lưỡng viện quốc hội họp để kiểm phiếu lần chót vào ngày 6.1.2021. Hôm ấy, chủ tịch thượng viện (tức đương kim phó tổng thống) sẽ chính thức tuyên bố liên danh nào đắc cử. Năm nay, ông Mike Pence sẽ thi hành trọng trách đó.
Nếu không chuyển giao quyền trong êm thắm…
Sau khi được chủ tịch thượng viện chính thức tuyên bố, liên danh đắc cử sẽ nhậm chức vào ngày 20.1.2021. Sau khi, tổng thống đắc cử tuyên thệ — thủ tục bầu cử tổng thống mới kết thúc.
Nhưng vẫn có thể còn trục trặc vào phút chót: rủi một trong hai liên danh không đồng ý với kết quả thì ai sẽ đứng ra phân xử. Trong đêm kiểm phiếu năm 2000 ứng cử viên Al Gore (Dân Chủ) đã nhận thua và chúc mừng liên danh Cộng Hoà George W. Bush. Nhưng sau đó không đồng ý với kết quả tại tiểu bang Florida. Cuối cùng, tối cao pháp viện Mỹ phải phân xử.
Năm nay, có thể tối cao pháp viện phải một lần nữa phân xử. Rủi một phe không phục phán quyết của tối cao pháp viện thì sao? Người ta tưởng tưởng xe tăng, tầu ngầm và quân đội Mỹ dám làm … đảo chính lắm đa.
Xin được dành lại những trục trặc ấy trong một bài thời sự sau số báo ra ngày 9.10.2020.
Cổ Nhuế