- Xuân Lan
Những người ủng hộ 12 người Hồng Kông bị giam giữ ở Trung Quốc Đại lục trong hơn hai tháng qua đã tổ chức các cuộc biểu tình khắp thế giới vào cuối tuần qua, kêu gọi trả tự do cho 12 người này.
Các cuộc biểu tình xảy ra sau khi nhiều nhà hoạt động và những người ủng hộ, bao gồm là nhà hoạt động môi trường Thụy Điển nổi tiếng Greta Thunberg, đã lên mạng xã hội trong những tuần gần đây đăng ảnh của chính họ cùng với thông điệp “# save12hkyouths” (Cứu 12 người Hồng Kông).
12 cư dân Hồng Kông đã bị lực lượng tuần duyên Trung Quốc chặn bắt vào cuối tháng 8 khi họ cố gắng chạy trốn đến Đài Loan để tránh việc bị đàn áp bởi Luật An ninh mới, chủ yếu xuất phát từ các cuộc biểu tình chống chính phủ năm ngoái.
Sự kiện về Hồng Kông đã được phát trực tuyến trên một trang Facebook dành riêng cho chủ đề này, thu hút hơn 8.000 người xem cùng lúc khi cao điểm. Trong một studio địa phương, nhà hoạt động Gwyneth Ho Kwai-lam đã phỏng vấn thân nhân của một số người bị giam giữ nhằm kêu gọi các đại biểu Quốc hội nhân dân địa phương giúp họ liên lạc với chính quyền trung ương để đưa người thân của họ trở về.
Một trong số những người này cho biết các thành viên trong gia đình rất thất vọng vì chính quyền Hồng Kông đã rất miễn cưỡng trước đề nghị hỗ trợ.
Nhà hoạt động chính trị Joshua Wong Chi-Mush cũng xuất hiện và phát biểu: “Việc chúng ta có thể huy động rất nhiều người Hồng Kông ở nước ngoài và những người ủng hộ khác hợp lực để cất lên tiếng nói là một thông điệp quan trọng – đó là, bất chấp việc áp dụng Luật An ninh quốc gia, chúng ta có không từ bỏ cuộc chiến của mình và thế giới cũng đã không từ bỏ mối quan tâm về người Hồng Kông.”
Tại London, nơi diễn ra cuộc biểu tình lớn nhất hôm thứ Bảy, nhà hoạt động Hồng Kông Nathan Law Kwun-chung đã nói chuyện với một đám đông tụ tập gần Cầu Tháp. Đây là bài phát biểu trước công chúng đầu tiên của anh kể từ khi phải sống lưu vong sau khi Luật An ninh được áp dụng vào ngày 30/6.
Nathan nói: “Đây là thời điểm quan trọng để tuyên bố ủng hộ người dân Hồng Kông và 12 người bị giam giữ ở Trung Quốc đại lục. “Yêu cầu của chúng tôi rất đơn giản: dân chủ và tự chủ. Và chúng tôi sẽ không bỏ cuộc”.
Benedict Rogers, một nhà hoạt động thành lập nhóm Hong Kong Watch, và Luke De Pulford, người trong Ủy ban Nhân quyền của Đảng Bảo thủ Anh, cũng tham dự sự kiện.
Ông Rogers nói: “Họ đang ở trong nhà tù tại Trung Quốc. “Và chúng tôi ở đây để kêu gọi thế giới hãy hiệp lực cất tiếng nói để [Trung Quốc] trả tự do cho 12 người Hồng Kông. Hãy thả họ về Hồng Kông”.
“Nếu việc [họ trở về] không thể xảy ra ngay lập tức, ít nhất hãy cho phép họ có luật sư do họ lựa chọn, được tiếp cận y tế nếu họ cần, được liên lạc với gia đình của họ.”
Những nỗ lực của các luật sư được gia đình chỉ định để gặp những người bị giam giữ đã nhiều lần bị chính quyền Đại lục từ chối, họ cho biết mỗi người đã có hai luật sư đại diện.
Nhà chức trách Thâm Quyến xác nhận vào tháng trước, 10 người trong nhóm đã bị bắt vì tình nghi vượt biên trái phép, trong khi hai người còn lại bị tạm giữ vì tội tổ chức vượt biên, tội danh có thể chịu mức án 7 năm.
Bất chấp những lời kêu gọi chính quyền Hồng Kông hỗ trợ và đưa họ trở lại, chính quyền địa phương cho biết 12 người trước tiên sẽ phải bị xử lý theo luật ở Đại lục.
Cảnh sát Hồng Kông hồi đầu tháng đã bắt giữ 9 người vì tình nghi tiếp tay cho những người này. Họ bị cáo buộc cung cấp kinh phí, bố trí tàu cao tốc và tổ chức nơi ẩn náu ở Hồng Kông và Đài Loan cho những người muốn chạy trốn.
Ngoài cuộc biểu tình ở Anh, còn có các cuộc biểu tình ở New York và San Francisco, Brisbane và Melbourne, cũng như ở Thụy Điển, Đức, Hà Lan và Ý. Tại Đài Bắc, 3.000 người đã tham gia tuần hành vào Chủ nhật, theo nhà tổ chức Hong Kong Outlanders.
Xuân Lan, theo SCMP