Phạm Thắng Vũ
Lại một mùa Giáng sinh đang đến gần, câu chuyện dưới đây là của 4 thuyền nhân sống rải rác trong các barrack tại một trại tị nạn thuộc vùng Đông Nam Á.
Ở đâu cũng vậy, tuy là trại tị nạn nhưng từ hơn cả tuần nay, không khí Giáng sinh đã rõ nét qua các giai điệu nhạc Noel trong các quán cà phê, trên màn hình ti vi khi chiếu cảnh mùa đông tuyết phủ với lò sưởi ấm cúng bên cạnh cây thông xanh – chùm đèn lấp lánh đặt trang trí ở góc phòng trong các gia đình bên trời Tây. Sẩm tối hôm đó, bốn người họ gặp nhau ở một bàn trong góc quán cà phê. Họ là: Ông già nhất, vợ con còn lại bên quê nhà, từng đi dạy học và mua bán sách báo cũ mưu sinh trước khi vượt biên, ông thứ hai, gốc là một quân nhân từng coi tù binh chiến tranh tại Phú Quốc, vợ chết khi vượt biên nhưng hai đứa con đang sống ở Mỹ, anh thứ ba, khoảng ba mươi, bộ đội đào ngũ từ đơn vị ở Campuchia và người cuối cùng là dân mua bán ở chợ trời, trẻ tuổi nhất trong số họ.
Anh bộ đội nói với ông già nhất:
– Năm nào cứ đến những ngày lễ như Giáng sinh này làm cháu nhớ lại những kỷ niệm cũ bên quê nhà. Nhớ và buồn quá bác.
Ông già nhất gật đầu nhè nhẹ để ông quân nhân đáp lời thay:
– Ai mà không cùng tâm trạng như cậu, mình ở đây xa cách quê nhà làm sao mà không nhớ thân nhân cho được. Hồi tôi ở Phú Quốc kìa, ngay trên quê hương mình đấy mà nhớ gia đình vô kể. Vài hôm nữa là Giáng sinh rồi lẩm nhẩm tháng hơn, lại đến Tết ta.
Anh trẻ nhất gật đầu:
– Tui cũng vậy. Nhớ gia đình quá mấy ông ơi!
Ông già nhất nói với ba người họ:
– Nghe ai nói cũng buồn và nhớ nhà nên tôi có cái ý này, không biết mấy ông thì sao?
Ý gì vậy! Nói ra đi… Cả ba người hỏi.
– Ngồi nhớ nhà mãi thêm buồn rồi cứ vậy thì sẽ rất chán nên tôi đề nghị tối hôm nay: Mỗi người trong chúng ta hãy kể câu chuyện cũ hoặc một kỷ niệm gì gì đó đã xẩy trong đời mình ở cái đêm Giáng sinh cho cả nhóm biết, xem coi chuyện ai hay nhất, quý vị nghĩ sao?
– Còn nghĩ sao nữa, tui đồng ý với ý kiến của bác. Anh trẻ nhất trả lời rồi sau đó quay qua hỏi ông quân nhân và anh bộ đội: “Không biết chú và anh đây thế nào?””.
– Tôi là một Phật tử nên nếu bảo kể chuyện về ngày Giáng sinh đạo Chúa thì chịu chết… Nhưng anh giáo (ông quân nhân thường ngày vẫn gọi ông già nhất là anh giáo) đã nói vậy thì ai có chuyện rồi cứ kể ra trước đi. Có người kể thì cũng cần có người nghe chứ, phải không nào? Nếu đồng ý cả thì xin anh giáo là người đầu tiên vì dầu sao đây cũng là đề nghị của anh và anh cũng thuộc hàng “trưởng thượng” trong nhóm mình, tôi nghĩ vậy.
Trưởng thượng ở đây là do sự hiểu biết cùng tuổi tác của ông già nhất mà ba người còn lại trong nhóm đã đồng ý từ khi họ làm bạn cà phê – thuốc lá với nhau.
Anh trẻ nhất tán đồng:
– Đúng quá! Kính lão đắc thọ! Người lớn tuổi kể trước rồi hàng em hàng cháu mới dám theo sau chứ.
Ông già nhất gật gật cái đầu như xác nhận mình “người lớn tuổi ” ở cái bàn này nhưng lại bảo:
– Đáng lẽ tôi đầu tiên nhưng tuổi trẻ bao giờ cũng là tương lai của dân tộc. Vậy, tôi đề nghị người trẻ nhất kể trước rồi cứ thế dần dần lên cho đến lượt tôi, đi sau cùng. Mình lớn tuổi rồi… lót tót theo sau thanh niên vậy. Đồng ý nha! Không bàn cãi tới lui gì nữa.
Anh trẻ nhất nghe vậy, trả lời liền:
– Không cho bàn cãi tới lui! Vậy nói tui mở màn trước. Được! Nhưng tui có một thắc mắc này xin muốn hỏi bác, chú và anh đây. Mới ban nãy, nghía qua cái ti vi, tui thấy trên đài chiếu quảng cáo về ngày Giáng sinh lúc thì Christmas lúc lại Xmas mà không biết tại sao. Chữ nào đúng, chữ nào sai và có phải chữ X là viết tắt của chữ Christ không?
Anh chàng này người miền Nam nên nhân xưng đại danh từ của anh ta khi nói chuyện với người khác đều một chữ: Tui, không biết khi anh nói chuyện với các thân nhân ruột thịt trong nhà thì cách xưng hô ra sao? Câu hỏi coi vậy mà khó trả lời ngay, ông quân nhân và anh bộ đội đều đưa mắt nhìn về ông già nhất, họ cũng chờ câu giải đáp. Ông già nhất nhìn cả ba người họ rồi nhăn nhăn vầng trán như khởi động bộ não của mình:
– À! Christmas là tiếng Anh. Christ là Chúa Cứu Thế còn mas là tiếp vĩ ngữ của chữ Christ. Mas xuất xứ từ chữ cổ Latin Âu châu là Missa mà ra. Missa là thánh lễ… Vậy Christmas là lễ mừng Chúa giáng sinh. Còn Xmas thì tôi đã từng nghe bảo X là một hàm số của mas do đám trí thức trẻ thuộc đạo Thiên Chúa bên trời Tây đặt ra cho money, amusement và self. Xmas coi vậy mà có ý nghĩa ngầm đấy. Cũng hay ra phết.
Thấy ba người họ trơ mắt nhìn vì chưa hiểu ý, ông ta tiếp:
– Trong chữ mas thì các chữ m, a, s được viết tắt từ money tiền bạc, amusement thú vui và self cái tôi hay cái ta. Chúng ta hãy tự xét mình rồi đối chiếu nó với ba chữ này thì sẽ tìm ra đáp số của X. X là ẩn số của ngày Giáng sinh đối với từng người.
Nghe như vậy, ông quân nhân cắt ngang:
– Ý anh giáo nói Xmas là đạo Chúa dạy ta nên sống theo kiểu biết xài đồng tiền cho đúng chỗ, đem niềm vui đến cho người khác và quên cái tôi mình đi, chỉ nên nghĩ cho tha nhân phải không?
– Phải! Đó là thông điệp của mỗi mùa Giáng sinh hàng năm. Ông già nhất gật đầu.
– Lạ nha! Lần đầu cháu mới nghe chuyện này đó. Hay quá bác! Anh bộ đội tán thưởng.
Nghe lời khen, ông già nhất khẽ cười như tự thưởng công cho niềm hãnh diện riêng cá nhân mình và quay qua bảo với anh mua bán chợ trời:
– Giải đáp thắc mắc cho rồi thì kể chuyện của cậu đi.
Lời nhắc của ông già nhất đã kéo anh trẻ nhất trở về “phận sự ” của mình. Anh ta sửa lại thế ngồi và đằng hắng ứ ừ ít câu trong cuống họng rồi nói:
– Bảo ai trẻ nhất thì phải kể trước tiên nhưng tui lại không biết chuyện gì về nhà thờ, về ngày lễ Giáng sinh đạo Chúa cả để mà tám ra đây. Gia đình tui theo đạo ông bà, thờ cúng tổ tiên bao đời rồi. Khó à nha. Thôi, có chuyện này gần gần với ngày Giáng sinh trong đời tui, không biết có thể kể ra được không nữa.
– Được! Được!… Kể ra đi! Ba người còn lại nhao nhao miệng.
Anh trẻ nhất bắt đầu:
– OK! Năm đó, đám tổ chức vượt biên dẫn tui xuống một vùng gần biển của tỉnh Trà Vinh để chờ taxi đưa ra cá lớn. Gọi là gần biển nhưng thực sự còn xa lắm vì chỗ họ ém tui ở lại nằm trong một cù lao heo hút không biết có phải thuộc huyện Trà Cú không nữa. Chủ nhà bảo từ đây ra được đến biển phải chạy ghe mất cả hàng giờ đồng hồ mới xong. Ém trong nhà đó vài ngày, tui lại được họ chuyển đến ở chung với ba cô gái khác trong căn chòi nằm giữa khu vườn cây ăn trái. Ở chung với người khác phái cũng đỡ buồn dù chẳng có gì với nhau. Khi đó là tháng 12 gần cuối năm rồi, mùa mưa cũng vừa hết nên đám tổ chức dự định sẽ đánh chuyến ngay trong đêm 22 là ngày kỷ niệm thành lập quân đội Việt Cộng. Đám tổ chức tính trong ngày lễ này, mấy tay bộ đội biên phòng vùng duyên hải Trà Vinh vì mải ăn uống nhậu nhẹt trong ngày lễ, sẽ lơ là việc canh gác nên có thể làm chuyến vượt biên thành công. Tính vậy mà không xong, bộ đội biên phòng tuy ăn nhậu nhưng họ vẫn canh gác chặt chẽ. Tui và ba cổ đã ra bãi ngồi chờ taxi rồi mà không xong. Đám tổ chức không đánh chuyến được nên họ lại tách cả nhóm ra, đưa mình ên tui đến trốn trong một xóm nhà dân rất lạ. Ba cô kia, họ đưa đi đâu thì tui không rõ. Đổi chỗ ẩn náu để an toàn và cũng để chờ chuyến mới thôi. Xóm dân cư đó chỉ độ gần hai chục căn nhà, người không nhiều lắm nhưng cái lạ ở đây là có những gia đình trong xóm, thân thể họ cao lớn hơn người mình, làn da họ đen hơn người Miên, mắt họ có khoen dưới mí và môi thì đỏ chót. Khi cười, hầu như ai trong số họ cũng phô hàm răng rất trắng nên trông giống như dân Phi Châu mà thực ra không phải. Họ nói chuyện với nhau và với cả tui nữa đều bằng tiếng Việt rất rành rẽ. Tụi ba Tàu bán hàng ở chợ trời Tân Thành trong Chợ Lớn tui gặp hàng ngày tuy nói rành tiếng Việt nhưng cái âm còn lơ lớ ngọng nghịu không được như đám dân này đâu. Ở trong nhà họ mà tui chẳng thấy trưng bàn thờ, bàn thiên gì cả. Không biết họ là giống dân gì? Người Chàm hay bà con của dân tộc Phù Nam mà lịch sử mình kể đã từng tồn tại ở vùng Óc Eo ngày xưa?
– Tôi nghĩ họ không phải là người Chàm. Ông già nhất chen vào và nói tiếp: “Người Chàm mà họ còn có tên khác Chiêm Thành thì chỉ ở ngoài miền Trung là chính vì đây là cố đô của họ. Tỉnh Trà Vinh chỉ có người Khmer tức người Miên, người Việt và dân ba Tàu thôi. Người Chàm ở miền Nam thì ta thấy họ sống ở vùng Châu Đốc mà bây giờ mình gọi là tỉnh An Giang đó. Tôi cũng không nghĩ đám dân đó là người Phù Nam vì theo lịch sử kể, quốc gia này đã biến mất từ thế kỷ thứ 7 rồi. Xa tít mù so với thời đại bây giờ lắm lắm. Óc Eo chỉ là một địa danh trong vùng núi Ba Thê ngày nay mà có lúc dân khảo cổ bảo đấy từng là một hải cảng sầm uất nhưng đối chiếu trên thực địa, hiện nó cách bờ biển rất xa”.
Nghe như thế, anh trẻ nhất hỏi:
– Vậy dân sống ở xóm tui kể đó là người nào hả bác?
– Cậu kể thì tôi nghe vậy chứ khó biết lắm vì tới bây giờ giới khảo cổ vẫn chưa xác định chắc chắn về sắc tộc của dân gọi là Phù Nam xưa. Có thể đám dân này đến nước Việt từ thời xa xưa nào đó… mà cũng có thể chỉ mới khoảng trong một hai trăm năm gần đây thôi. Biết đâu họ gốc gác là dân Ấn hay một sắc tộc Hồi nào đó thuộc vùng Nam Á Châu đã phải bỏ chạy khỏi quê hương họ để tìm nơi trú thân sau một cuộc binh lửa tranh giành ngôi báu, quyền hành. Thời xưa, cách chạy trốn tốt nhất thì cũng chỉ bằng phương tiện ghe thuyền vì nó vừa nhanh vừa mang được nhiều người cùng một lúc. Thời nhà Lý, mấy ông hoàng cũng dùng ghe thuyền chạy trốn thái sư Trần Thủ Độ mà bây giờ, lịch sử bảo còn tung tích ở tận đâu bên nước Đại Hàn. Mấy người đó cũng vậy, họ đi bằng ghe thuyền và khi đến được vùng ven biển nước mình để ẩn náu, bảo tồn tấm thân trước đã, chuyện quay trở về xứ phục hận sẽ tính sau. Cứ vậy rồi dần dà theo thời gian, con cháu họ lần hồi đã quên hết các tập tục ông bà để lại. Và, trong giao tiếp với dân địa phương là người Việt mình ở chung quanh, họ từ từ mất dần luôn ngôn ngữ riêng. Chỉ có hình hài, dòng giống… là tồn tại thôi.
Ông quân nhân hỏi:
– Xóm nhà đó ở đâu trong vùng Trà Cú – Trà Vinh vậy cậu?
Anh trẻ nhất lắc đầu, nói:
– Đám tổ chức đưa đón trong đêm trong hôm nên tui không biết. Nghĩ lại lúc đó tui thấy mình cũng dở ẹt ở chỗ không chịu hỏi người ta.
Ông quân nhân tiếp:
– Cuối cùng thì chuyến vượt biên đó ra sao? Cậu bảo cái gì gần gần với ngày Giáng sinh đó mà nghe thấy gì đâu.
Anh trẻ nhất ngồi yên giây lát rồi kể:
– Nấn ná hơn tuần lễ ở đó mà không thành, sau cùng phải quay về nhà thôi chú… Ai từng bị ém kín chờ lúc xuống taxi thì có gì hay ho đâu mà kể. Hồi hộp thấy mẹ. Nghe tiếng chân người đến gần thì cầu mong đó không phải công an, du kích đi tuần. Có một việc mà tui không biết nói như thế nào. Đám tổ chức đưa tui đi ẩn náu trong một căn nhà gần như bỏ hoang không có người ở… căn nhà đó có mấy buồng thì không biết nhưng họ đưa tui vào trong một buồng có cái lẫm chứa lúa khá lớn. Họ bắc cái thang tre sát vách buồng, bảo tui trèo vào lẫm và ngồi im trong đó, chờ họ. Trong cái lẫm đó, lúa cạn gần sát đáy và đã có một ông ngồi thù lù từ trước rồi. Xong, họ lấy tấm nắp đậy kín lẫm lại để không ai biết có tụi tui rồi bỏ đi mất tiêu. Ở chung, hỏi tên nhau thì tui được biết ông đó tên Phi, cũng vượt biên chung chuyến. Ở im trong căn buồng, cứ đến giấc trưa, chiều tối thì có người họ đến đưa đồ ăn và cho hai đứa tui ra ngoài vệ sinh tắm rửa một lát rồi trèo trở lại vào cái lẫm trốn. Cái lẫm chứa lúa làm bằng tấm tre đan nên tuy ngồi bên trong nhưng tụi tui vẫn có thể thấy bên ngoài qua các khe hở của mắt lưới. Có người ở chung thì mình cũng vui nhưng mệt vẫn mệt dù chẳng làm việc gì, có lẽ vì sợ mà ra. Một buổi quá trưa, cơm nước xong xuôi rồi, đang thiu thiu ngủ thì nghe có tiếng chân người bước phía bên ngoài nhà, tui tỉnh giấc ngay. Ông tên Phi đó cũng vậy. Hai đứa tui choàng dậy và qua các mắt lưới tre, một cô gái đẩy cửa vào trong căn buồng. Cô ta nhìn cái lẫm lúa, nhìn chung quanh căn phòng rồi từ từ… cởi quần áo mình ra. Trời! hai đứa tui nín thở luôn nhưng vẫn nhòm. Cô gái thoát y, thay bộ quần áo khác xong rồi nhanh chóng bỏ đi ra ngoài. Hai đứa tui nhìn nhau vì sợ mà cũng thích nữa. Sợ vì rủi cô này biết có tụi tui trong lẫm lúa nhòm lén thay đồ thì mặt mũi mình ra sao. Thích thì bản năng con người, ai mà chẳng thế. Sự việc mới xẩy ra trước mắt nên tuy nằm xuống trở lại khá lâu rồi mà trong trí hai đứa tui vẫn lởn vởn hình ảnh người con gái đó làm không tên nào ngủ được nữa. Cứ như vậy cho đến khi con mắt muốn sụp xuống thì tụi tui lại nghe tiếng động mới nên khẽ nhoài người lên để nhòm ra ngoài. Lần này tới hai cô gái khác theo nhau vào trong buồng và hình ảnh cũ lại tái diễn. Hai cô này là bạn nên họ vừa thay quần áo lại vừa trửng giỡn thân thể nhau nữa, thế mới chết tụi tui. Khi hai cô gái ra khỏi căn buồng rồi thì tui nghĩ, họ vào đây để thay quần áo thì chắc là dân ở thành phố xuống để vượt biên. Hỏi ông Phi, tui mới biết hôm nay là ngày Giáng sinh đạo Chúa và đám tổ chức định đánh chuyến vào dịp này. Đó! Câu chuyện tui nói gần gần với ngày Giáng sinh là vậy.
Tay bộ đội quay qua, đối mặt với anh trẻ nhất và hỏi:
– Chuyến đi không thành thế rồi sau mày có gặp lại mấy cô gái đó không?
– Không! Tui không gặp họ lần nào nữa và ngay cả với cái ông tên Phi. Đám tổ chức đưa từng người tụi tui ra khỏi căn buồng để về lại bến xe, ông Phi đó đi ra trước cả lúc lâu rồi mới tới phiên tui. Tui chẳng biết nhà cửa ông ta ở đâu chỉ nhớ có nói sống đâu đó trong vùng Long Xuyên thôi. Mình nghe thì nghe vậy mà chắc gì thật lòng, vượt biên mà.
– Ba cô này là ba cô gái mà mày kể ở chung chỗ trước đấy đó hả?
– Không phải. Mấy cô này khác, đẹp hơn nhiều.
– Đẹp hơn nhiều. Chu choa! Vượt biên không thành mà được quay phim tới ba cô gái lận. Dễ gì có mày!
– Vậy! Về kể chuyện này cho mấy đứa bạn nghe, tụi nó bảo thấy gái ở truồng xui lắm. Chuyến vượt biên đó, tui đi xa nhà lâu nhứt may mà không bị công an nó tó đó anh.
Ông quân nhân ngồi im hút thuốc, thả ra một luồng khói trắng rồi nhìn anh trẻ nhất và anh chàng bộ đội:
– Kỳ ngộ! Hay đấy. Còn chuyện của cậu, chần chừ gì nữa?
Anh chàng bộ đội nghe vậy liền trả lời:
– Chuyện của cháu xẩy ra ngay đêm Giáng sinh và cũng khá lâu rồi trước ngày cháu đi bộ đội lận. Gia đình cháu là dân Bắc kỳ 9 nút, lại đạo Công giáo, tưởng lý lịch như vậy sẽ thoát cảnh làm lính ông già nhưng đám tuyển quân ở phường vẫn ghi tên nên đành phải tuân lệnh thôi. Rời quân trường Núi Đất rồi nhận đơn vị tận bên Camphuchia mới thấy dân nước họ ghét người Việt Nam quá dù mấy năm trước, bộ đội từng giúp họ thoát tay đám Khmer đỏ. Nghe mấy đứa cùng trung đội bảo đây là mối thù truyền kiếp giữa hai dân tộc đã có lâu rồi, y như mình với bọn Ba Tàu – Tung Của. Đóng quân ở gần các phum dân Campuchia mà bộ đội đi lạng quạng thì nếu không chết vì bị bắn sẻ thì cũng cụt giò do đạp mìn gài. Ai gài, ai bắn sẻ? Cũng đám dân Khmer trong phum, y chang kiểu du kích thời chiến tranh ở nước mình khi trước. Do vậy, có chuyến đi công tác ở gần Tây Ninh thì cháu vọt về nhà liền. Về nhà rồi gia đình sắp xếp cho vượt biên và đi thoát ngay được, gặp đúng chuyến mà… Trở lại chuyện đêm Giáng sinh năm đó, cháu vừa vào khuôn viên giáo đường thì cậu bé giúp lễ đến gần bên bảo cháu vào gặp cha xứ ngay. Khi đó trời mới sâm sẩm tối, giờ lễ đêm còn xa, nhà ở lại gần giáo đường nên mình mới vơ vẩn vào xem hang đá trước. Cháu hỏi cậu bé lý do tại sao thì cậu trả lời không biết, bảo lệnh cha nói vậy thì nghe vậy. Vào nhà xứ gặp cha rồi chào và ngài hỏi: “Anh có người bạn học cũ tại trường X tên Cách phải không?”. Đứng yên một lát thì cháu nhớ đã có bạn học tên Cách thật nên gật đầu thì ngài lại tiếp: “Anh ta mới vào đây gặp cha và đang ngồi chờ anh ở phòng bên cạnh, anh sang gặp đi và liệu chuyện ra sao thì tuỳ ý nhưng phải nhanh vì lát nữa người đi lễ đông lắm sẽ rầy rà nếu giải quyết sự việc chậm, cha chỉ giúp được như vậy”. Cách là bạn học cũ với cháu ở trung học đệ nhị cấp nhưng khi chuyển lên lớp mười, đệ nhất cấp thì đã khác lớp vì nó theo ban B còn cháu chọn ban A… nhưng cũng xa cách cả mười năm rồi còn gì.
Anh trẻ nhất dơ tay làm cử chỉ chận mạch chuyện của anh bộ đội và xen vào:
– Đệ Nhị đệ Nhất cấp và ban B ba A của trung học thời đó là sao hả anh?
– Đệ Nhị cấp là trung học cấp 2 và đệ Nhất cấp là trung học cấp 3 bây giờ. Ban B là ban Toán, ban A là ban Văn chương của thời tao học khi đó.
Ông già nhất góp lời:
– Khi đó là trước ngày 30 tháng 4 năm 1975 đấy cậu. Việt Cộng chiếm được miền Nam đã thay mới nhiều thứ nhưng tôi nghĩ sau này, họ sẽ đổi lại theo cách sắp xếp cũ.
Anh bộ đội tiếp câu chuyện:
– Theo tay chỉ của cha xứ về hướng một cánh cửa, cháu bước vào phòng đó thì đã thấy một người ngồi chờ sẵn ở bàn. Đó là thằng Cách. Hồi còn học chung lớp, giữa cháu và nó không thân lắm. Gia đình nhà nó khá giả nên ngày nào đi học cũng bằng xe Honda riêng, mấy đứa học sinh có được. Mặt mũi sáng láng trong bộ y phục đúng mốt nên nó rất bảnh khác hẳn bây giờ ở trước mặt cháu, thằng Cách quá sức tồi tàn trong bộ dạng còm cõi với bộ quần áo cũ vừa bẩn vừa hôi. Cháu kéo ghế ngồi đối diện, nhìn chăm chăm vào mặt nó mà nghĩ: Thằng này thay đổi quá, nếu ở ngoài đường sẽ nhận không ra rồi buột miệng lầm thầm, hỏi từng câu: “Mầy là Cách… Cách dân Tây đây mà… sao mày biết tao ở đây mà tìm… kể ra cũng lâu lắm rồi nhỉ, nay mình mới gặp lại nhau”. Thằng Cách có cái biệt danh là Cách dân Tây, vì ba mẹ nó đặt tên con cái trong nhà theo thứ tự Duex, Trois, Quatre trong tiếng Pháp. Nó là con trai thứ ba trong nhà nên tên Cách, hai chị gái nó mang tên Đơ và Thoa. Thấy cháu lẩm bẩm như vậy, thằng Cách run run nắm lấy tay cháu, nói khẽ: “Vậy là mày nhận ra tao rồi, giúp tao nhen”. Theo lời kể thì mới bốn ngày trước, nó vừa trốn khỏi trại cưỡng bức lao động ở đâu đó trên vùng tỉnh Sông Bé. Nó chạy được vào một cánh rừng rồi lòng vòng lạc đường đến cả hai ngày trời thì mới gặp một căn nhà và vào xin đồ ăn nước uống. Chủ căn nhà là một tay già cán bộ tập kết đã cho nó ăn uống lại che chở và còn giúp nó có phương tiện về lại được Sài Gòn.
Ông quân nhân nghe chuyện kể tới đây liền nói:
– Gặp người tử tế đấy nhưng cũng khó tin ở đoạn kể về tay cán bộ. Cán bộ tập kết là Việt Cộng miền Nam nhưng thường thì đám đó mà gặp tù trốn trại là vây bắt giao cho công an liền một khi.
Anh bộ đội gật đầu, đồng tình:
– Đúng chú! Thằng Cách kể tiếp: “Tay cán bộ tập kết đó bảo mấy năm trước chú mầy mà ló mặt đến đây thì tao sẽ bắt ngay. Tao đã từng bắt mấy đứa tù trốn trại như vậy rồi nhưng nay thì đã khác”. Tuy gã cán bộ không nói lý do tại sao đã khác nhưng thằng Cách đoán có lẽ bọn Việt Cộng miền Bắc ào ào vô Nam quá đông rồi vì tranh dành địa vị với nhau nên đẩy ra rìa đám miền Nam tập kết năm xưa, nay không cần nữa, cho về vườn hết cả. Thêm vào đó, va chạm với xã hội còn lại của miền Nam trong giao tiếp, tâm tính của rất nhiều tên cán bộ tập kết như trường hợp của gã ân nhân thằng Cách đã thay đổi. Không còn tiếp tay cho bọn Việt Cộng làm điều ác như trước nữa, gã cựu cán bộ đó đã dấu thằng Cách trong nhà khi bọn công an lần theo dấu vết và mò vào tận nơi dò hỏi. Gã bảo không thấy tên tù trốn trại và bọn công an tin ngay lời nói đó do cái quá khứ cộng tác cũ. Đến ngày thứ năm kể từ lúc chạy trốn, chính tay già tập kết đã dùng xe bò chở than, ém thằng Cách nằm ở chính giữa đống hàng để lọc cọc ra được quốc lộ 13 và rồi thẳng tới trạm xe đò chạy tuyến đường Sài Gòn – Sông Bé trong chuyến chót an toàn. Ông ta còn cho nó ít tiền phòng thân dọc đường nữa.
Anh trẻ nhất hỏi vặn anh bộ đội:
– Mấy ngày ở trong rừng, bạn Cách của anh sống bằng cái gì? Nước thì uống nước suối, nước lạch đi… mình không kể nhưng đồ ăn kìa. Chắc chỉ trái cây rừng, mà sao biết thứ nào ăn được?
– Tao cũng hỏi như mày bây giờ và nó kể là trước lúc bỏ trốn thì đã dò dẫm chuyện đó từ một bạn tù trong phòng giam từng sống ở vùng rừng núi. Tổng quát, cứ trái cây rừng nào mà vị ngọt và chua thì ăn được. Với loại trái cây có vị vừa ngọt vừa đắng, ngọt không thôi hoặc ngọt nhưng cái hậu có vị beo béo thì mình phải cẩn thận. Nói là nói vậy nhưng khi đói quá thì cũng phải liều mạng và thằng Cách đã thử ăn một loại trái cây rừng nó gặp được, trông giống như quả nhãn mình thường trồng ở nhà. Quả nhãn rừng này khác ở chỗ phần cơm bọc chung quanh hạt đen ở giữa thay vì trắng lại có mầu đỏ và cũng có vị ngọt. Không dám ăn nhiều nhưng mới nuốt vài trái thì nó hoa mắt rồi lăn ra xỉu, miệng sùi bọt. Nằm ngay đơ trên đất cho đến khi cơn đau bụng đã đánh thức nó dậy. Nó cố lết đi, may gặp một con suối và đã uống nước cho có cái để ói ra nhằm làm dịu cơn đau đang cồn cào ruột gan. Nó ói ra nước bầy nhầy kèm với chút máu và nhờ vậy mới gượng đi được. Có suối, nó phải quay lại cái nghĩa địa cũ để lấy một bát cắm hương ở một mả hoang mà thủ làm đồ trữ nước uống. Muỗi trong rừng nhiều vô kể, trời bắt đầu sụp tối thì nó phải trèo lên cây cao, kiếm chỗ chạc ba ngồi ngủ để tránh thú dữ và mong gió khuya sẽ xua bớt đàn muỗi rừng lúc nào cũng vo ve điếc cả tai. Cứ lòng vòng lạc lối trong rừng như vậy cho đến khi nó trông thấy căn nhà của tay cán bộ.
Ông già nhất ngồi nghe nãy giờ, thốt lên:
– Nhân chi sơ tính bản thiện, người ở đâu, thời đại nào cũng có kẻ giống nhau. Bạn cậu và ông cha xứ làm tôi nhớ hình ảnh tay tù Jean Valjean và giám mục Myriel trong truyện Les Miserables của nhà văn Victor Hugo đấy. Kể tiếp chuyện đi.
Anh bộ đội nhìn ông già nhất trong giây lát rồi tiếp:
– Khi thấy cha xứ lấp ló ở cửa phòng, chỉ vào đồng hồ trên tay ngài thì cháu liền đứng lên, đi ra cảm ơn cha và bảo với ngài sẽ lo cho thằng Cách ngay. Rồi cháu dẫn nó về nhà, nói sơ với mẹ về hoàn cảnh. Mẹ cháu nói gần tới giờ lễ đêm rồi, trước mắt bảo bạn con tắm rửa, ăn uống và nghỉ ngơi đi, mai sẽ tính sau. Nó đi tắm, thay quần áo của cháu rồi ra ngồi ăn cơm chung bàn với gia đình. Sau đó cháu hỏi nó: “Sao mày biết tao ở đây mà tìm?”. Nó bảo hồi còn học chung, nhớ có lần đã nghe cháu nói nhà ở trong xứ đạo này nên khi về được tới Sài Gòn thì liền tìm đến ngay. Cũng từ kinh nghiệm của bạn tù dặn rằng: “Thời bây giờ, nếu cần tìm chỗ trú thân trong đêm tối, nên đến nhà thờ gặp mấy ông cha cố đạo Chúa thì hy vọng còn có lối thoát, đừng vô Chùa, mấy ông sư giờ không như ngày trước đâu”, tao đâu biết nhà mày và cũng không chắc mày còn ở đây hay đã chuyển đi nơi khác, cả mười năm rồi chứ ít gì nhưng cứ thử xem mới biết.
Ông quân nhân lấy tay khoa khoa trước mặt như không đồng ý với đoạn chuyện anh bộ đội vừa kể:
– Cha hay sư thì cũng tuỳ người tuỳ nơi chứ không phải đều một ruột như nhau hết cả đâu. Mà thôi, cậu cứ kể tiếp đi, tôi sẽ nói sau vậy
Nghe thế, anh bộ đội nói:
– Ăn xong, thằng Cách xin đi ngủ ngay, cháu đưa nó lên gác vào phòng riêng của mình và bảo: “Mày ngủ đi, lát tan lễ đêm về mình sẽ nói chuyện nhiều hơn”, nhưng nó ngủ một lèo cho tới quá trưa ngày hôm sau mới thức dậy được. Cũng dễ hiểu, nó mệt quá, trốn chạy trong rừng rồi đi cả ngày với tay cán bộ thì có nhắm mắt được là bao. Khi thằng Cách tỉnh ngủ rồi, nhìn mặt mũi nó, cháu phải kêu ông thợ hớt dạo vào nhà, tăm tia cho gọn đầu tóc rồi mới kéo nhau ra quán. Hai đứa ngồi ở cái bàn trong góc vườn cho kín đáo, thằng Cách kể: “Tao theo chuyến xe cuối về tới bến Miền Đông ở Thủ Đức thì trời đã quá chiều. Ra khỏi bến, đi lòng vòng mà lo tối nay chưa biết sẽ ngủ ở đâu, nhà thì xa, sợ mò về thì có thể sẽ bị bắt trở lại vì chắc chắn công an khu vực đã được tin báo rồi. Tao vào một quán cà phê ngồi nghỉ chân và nhớ đến mày, đến cái địa chỉ đã nghe khi trước. Mình không thể lang thang cả đêm ngoài đường được, công an sẽ chận hỏi và rồi rắc rối chứ chẳng chơi. Tao nghĩ vậy nên mới hỏi thăm bà chủ quán nước về đường đi rồi đón xe ôm đến được xứ đạo và xin vào gặp ông cha”.
Anh trẻ nhất hỏi:
– Bạn Cách của anh nhà ở đâu, chắc cũng đâu đó trong Sài Gòn?
Anh bộ đội lắc đầu, đáp lại:
– Không! Nó tận trên vùng Củ Chi-Hậu Nghĩa lận… mày cũng biết chỗ đó mà.
Ông quân nhân nói:
– Củ Chi-Hậu Nghĩa nằm về hướng đi Tây Ninh-Campuchia, cách Sài Gòn cũng cả trăm cây số chứ ít gì. Thời còn chiến tranh, vùng này là địa bàn hoạt động của bọn Việt Cộng đó.
– Đúng chú. Anh bộ đội gật đầu và tiếp: “Thằng Cách kể sau ngày 30 tháng Tư thì bố mẹ nó bán căn nhà ở Sài Gòn và về quê cũ ở trong vùng Củ Chi này. Những năm có chiến tranh với Khmer Đỏ, nhà nước bắt lính dữ lắm nhưng vì là con trai duy nhất trong gia đình nên nó thoát cảnh bộ đội, chỉ lòng vòng ở nhà phụ cha mẹ làm ruộng thôi. Ngoài ruộng rẫy, nhà nó còn nuôi khá nhiều gà vịt. Đám ấp đội rồi cả bọn công an sống chung trong xóm thường bắt trộm gà vịt nhà nó nên ông bà già mới làm đơn thưa nhưng chính quyền địa phương chẳng xử. Tánh nó nóng, ức lòng cái vụ gà vịt mất trộm nên khi gặp đám công an-ấp đội thì chửi đổng. Dịp lễ 30-4 của năm trước đó, nó đi chơi bài ở mấy nhà gần gần thì bị đám này rình bắt và giải giao cho trại cưỡng bức lao động Bố Lá với tội danh thành phần cờ bạc-quậy phá làng xóm. Trong trại lao động này, có một gã quản giáo là anh ruột của tên ấp đội bắt giữ thằng Cách. Tên quản giáo đó đì nó sát ván, sơ hở một chút là bị phạt và có khi còn không cho gia đình tiếp tế thăm nuôi nữa”.
Ba người ngồi chung bàn nghe anh bộ đội kể, họ im lặng như đang thả hồn về các cảnh sống cũ bên quê nhà và rồi ông già nhất khơi lại câu chuyện:
– Ở nước mình, ai bị tù giam đã khổ mà sống trong trại cưỡng bức lao động thì còn thê thảm hơn vì không rõ ngày nào mới được thả ra. Đã thế, tù nhân lại còn phải đi lao động nặng hàng ngày nữa.
Nghe ông già nhất nói, anh bộ đội gật đầu đồng tình và kết thúc:
– Vậy! Thằng Cách đã quyết định phải trốn trại sau khi dò hỏi từ các người bị giam cùng phòng với nó. Có người đã ba năm, người thì năm năm rồi mà họ không chút hy vọng sẽ bao giờ được thả khỏi trại nên nó phải bùng thôi. Chuyện kể đêm Giáng sinh của cháu là vậy… Bây giờ thì tới phiên người khác.
Anh bộ đội dứt lời, đưa mắt nhìn về phía ông quân nhân nhưng anh trẻ nhất khoát tay:
– Tui thấy chưa xong nhen… anh ngưng ngang xương vậy đâu được. Kể thêm đi huynh, tui muốn biết anh bạn Cách cuối cùng ra sao, không lẽ cứ trốn trong nhà anh?
Nghe anh trẻ nhất hỏi, ông già nhất gật đầu còn ông quân nhân hùa theo:
– Phải đó! Chuyện coi như chưa có hồi kết thúc… rồi anh chàng trốn trại đó đi đâu? Kể tiếp đi mà.
Thấy phản ứng của ba người họ, anh bộ đội khẽ lắc đầu, trả lời:
– Thôi được rồi… mà cũng đúng. Để cháu kể tiếp đây. Anh ta khẽ hắng giọng trước khi nói: “Ở được vài ngày thì nhân lúc cháu vắng nhà, mẹ cháu hỏi chuyện và thằng Cách đã nói thật hết cả. Khi cháu về, bà cho gọi cả hai xuống nhà và bảo với thằng Cách: Dân xứ đạo ở vùng Gò Vấp này, chẳng ai ưa đám công an nên gia đình không lo vụ bị hàng xóm chỉ chọt, mách lẻo gì. Bác nói vậy để cháu an tâm nhưng mình phải tính sao cho gọn chứ cứ trốn tránh mãi thì cũng kẹt”. Nói là tính mà có ai trong nhà nghĩ ra được gì đâu nên cuối cùng, cháu đành phải vào vấn kế với cha xứ. Ngài nghe xong chuyện mới bảo cháu và thằng Cách đi gặp báo Tuổi Trẻ. “Báo này có nhóm phóng viên chuyên săn tin về các vụ oan sai của dân, hai anh thử đến trình bày với họ, may ra”, cha góp ý như thế nên cháu mới lấy xe chở thằng Cách đến tận toà soạn của báo. Nó vào gặp và được đám phóng viên ở đó chịu giúp… Chuyện thì dài lắm, không phải một sớm một chiều là xong ngay được đâu. Tóm tắt, đám phóng viên đó đưa thằng Cách quay về trại cưỡng bức lao động và rồi nó đã được thả tự do không lâu sau đó.
– Thế mấy tên công an, ấp đội chơi đểu… tụi nó có bị gì không? Anh trẻ nhất hỏi.
– Thằng Cách không kể thêm gì nữa nhưng tao nghĩ đám lưu manh đó chắc cũng sợ mà bớt tự tung tự tác hại người. Anh bộ đội trả lời.
Ông già nhất gật gù cái đầu, bảo:
– Cậu làm việc lành trong đêm Giáng sinh thật quá hay, coi như món quà dâng lên Chúa vậy. Nhiều người khi gặp nạn, họ chạy cầu cứu bạn bè mà chẳng mấy ai chịu giúp cho.
Ông quân nhân gật đầu, đế vào:
– Giúp người ở bước hoạn nạn là đạo lý trên đời, tôi thật lòng khen cậu đấy. Thời bây giờ, mấy vùng quê hẻo lánh càng xa thành phố chừng nào thì người dân càng khổ chừng nấy với cái bọn công an địa phương lộng quyền.
Anh bộ đội tít mắt hài lòng, quay qua nói với ông quân nhân:
– Bố mẹ cháu vẫn dạy con cái trong nhà phải giúp người hoạn nạn – cơ nhỡ cho dù chẳng phải bà con, bạn bè gì cả. Chính vì vậy mà đêm Giáng sinh năm đó cháu mới dám dẫn thằng Cách về nhà. Chuyện cháu kể xong rồi thì bây giờ đến lượt chú chứ.Ông quân nhân khẽ lấy tay dúi dúi cán điếu thuốc lá vào cái gạt tàn và ậm ừ:
– Lượt tôi ư! Phải rồi. Nhưng tôi đã nói có biết chuyện gì về đạo Chúa đâu mà kể. Anh giáo ác quá… Hai cậu này kể chuyện thì cũng cần có tôi ngồi nghe chứ. Cho tôi qua phà nha, anh giáo và hai cậu nghĩ sao?
Ông già nhất nghe vậy liền ngồi hẳn lên, lắc đầu:
– Không được! Tôi có bảo anh kể chuyện đạo Chúa đâu mà cứ từ chối mãi… Nhớ được chuyện gì liên quan đến anh trong đêm Giáng sinh là OK. Quân nhân thì chắc anh phải biết chuyện gì hay hay chứ. Anh bảo tôi cho qua phà nhưng còn hai cậu này thì sao?
– Không! Không được. Đã nghe chuyện người khác thì mình cũng phải kể chuyện của mình ra chứ, vậy mới công bằng. Chú phải kể thôi. Hai cậu trẻ tuổi lần lượt nói.
Ông quân nhân gục gặc cái đầu, đảo mắt qua ba người họ rồi chậm rãi từng tiếng:
– Á à! Mấy người nhất định không tha tôi ha. Thôi… để tôi kể vậy. Tôi đã từng là lính gác tù tại đảo Phú Quốc đấy. Tù đây là bọn phiến Cộng bị phe mình bắt được và nhốt chung trong một cái trại giam lớn lắm… lúc đông nhất có tới gần bốn mươi ngàn tù binh lận. Gần bốn mươi ngàn tù binh. Ông quân nhân lập lại câu nói và tiếp: “Chuyện tôi sắp kể đây, đã xẩy ra trong một đêm Giáng sinh ở đó nhưng khá lâu rồi”.
Nghe đến đây thì ông già nhất cười dòn:
– Thấy chưa, tôi đã bảo anh là quân nhân thì chắc chắn biết nhiều chuyện hay rồi. Giờ lòi ra chuyện ở trại giam tù binh Việt Cộng thì còn gì hơn.
– Tôi khi đó là một hạ sĩ thuộc Tiểu đoàn 7 Quân cảnh, tòng sự trong ban Tiếp liệu.
Ông quân nhân nói tới đây thì ngưng lại trong chốc lát như để hồi tưởng về câu chuyện sắp kể, ba người ngồi chung bàn chăm chăm nhìn ông chờ đợi. Một khoảng khắc trôi qua, ông quân nhân rít một hơi thuốc lá rồi chậm rãi: “Trại giam tù binh Phú Quốc là cái tên sau này chứ trước kia phe Việt Nam Cộng Hoà mình gọi nó là trại giam phiến Cộng. Mình vẫn coi bọn Việt Cộng là cái đám thổ phỉ, phiến loạn qua các hành động bắt giữ, tra tấn và giết dân lành vô tội ở các vùng nông thôn. Trại giam này nằm ở thung lũng An Thới thuộc ấp 5 của xã Dương Tơ thuộc tỉnh Hà Tiên cũ… bây giờ nó có tên mới là tỉnh Kiên Giang. Như can nãy tôi vừa kể, trại giam từng chứa tới gần bốn mươi ngàn tù binh nên nó rộng tới cả 400 mẫu tây và có tới 4 tiểu đoàn quân cảnh để canh gác bọn tù. Bốn tiểu đoàn quân cảnh đó là tiểu đoàn 7, 8, 9 và 14. Chuyện tôi kể xẩy ra trong đêm 24 tháng 12 của năm 1971 là một cuộc vượt ngục của tù binh Việt Cộng”.
– Anh nói đúng! Trước kia mình vẫn coi bọn Việt Cộng là đám thổ phỉ, phiến loạn. Báo chí đăng tin thời sự cũng gọi bằng cái tên Cộng phỉ hay phiến Cộng. Ông già nhất góp lời:
– Đám tù binh đào một đường hầm từ trong căn phòng giam và trổ lối ra khỏi bên ngoài hàng rào kẽm gai của trại. Tối hôm đó vì là ngày Giáng sinh nên một số lính quân cảnh có đạo Chúa do bận việc đi lễ nủa đêm, đã bỏ việc kiểm danh các phòng giam như thường lệ và vì vậy, đám tù binh đã chui ra khỏi trại giam bằng đường hầm này. Chúng đi thoát hết cả phòng rồi thì mãi đến gần 2 giờ sáng lính gác vào đổi phiên mới phát giác khi họ đi kiểm danh. Khi đó tôi đang ngủ thì nghe còi báo động nên choàng dậy mới biết sự việc vừa xẩy ra.
Ngồi uống cà phê trong quán
Anh bộ đội hỏi:
– Chú kể thì đường hầm đã được bọn họ đào từ trước rồi. Đào hầm từ phòng giam ra tới bên ngoài hàng rào thì chắc phải lâu lắm mới xong. Vậy mà mấy chú không biết?
Ông quân nhân gật đầu, tiếp:
– Thế mới nói! Cái này thì mình phải nhận là bọn tù khéo che mắt lính gác bên phe mình. Cái phòng giam đó nằm gần hàng rào nhất nên chúng mới chọn để đào hầm. Sau này khi quân cảnh bắt được lại một số tù thì mới biết cách thức của bọn chúng. Cái đường hầm đó dài trên 70 mét, ngầm sâu dưới đất hơn 1 mét và chạy thẳng ra khỏi hàng rào. Theo lời cung khai thì khi ló đầu lên khỏi cửa hầm ở bên ngoài hàng rào, tên tù ra trước cột sợi dây để những gã theo sau cứ thế lần theo lối mà vào rừng. Sợi dây này dài tới cả hai trăm thước và là cách để bọn tù khỏi bị lạc nhau trong đêm tối. Dây thì bọn chúng bện bằng sợi xé nhỏ từ các bao nylon đựng thực phẩm. Rồi khi tập trung hết cả ở chỗ cuối của đoạn dây, bọn tù vượt ngục kiểm danh thấy đủ người thì mới chẩu. Phòng giam đó có 40 tên và chúng chia làm 3 hướng để thoát.
Quân cảnh trại giam Phú Quốc và một lỗ đào của tù binh Việt Cộng.
– Thật không khác trong phim Cuộc Vượt Ngục Vĩ Đại mà năm xưa mấy rạp Rex, Eden từng chiếu. Ở hoàn cảnh giống nhau thì hành sự sẽ tương tự thôi. Ông già nhất buột miệng.
– Nghe hay quá chú. Rồi mình có bắt được tụi nó không? Anh trẻ nhất hỏi:
– Có bắt được. Ông quân nhân gật đầu rồi tiếp: “Khi phát giác ra vụ đào tẩu, quân cảnh trại giam liền phối hợp với cảnh sát địa phương làm cuộc lục soát liền nhưng mãi bốn ngày sau mới bắt được 8 tên thôi, số còn lại thì thoát hết cả. Từ lời khai của 8 tên tù này thì mình mới biết bọn tù đào đường hầm cả nửa năm trời mới xong. Mỗi lần đào thì đất được chuyển lên mặt phòng, bọn tù cho vào túi nhỏ rồi lén đem đi rải mỏng ở ngoài sân hay đổ xuống mương nước nằm gần các phòng giam”.
Anh trẻ tuổi hỏi ông quân nhân:
– Tụi tù lấy cái gì để đào đất?
– Bằng muỗng ăn cơm thôi. Thấy nó nho nhỏ vậy chứ khoét đất dễ lắm tuy hơi chậm.
Ông già nhất hỏi:
– Tôi nghe bảo có vài vụ thanh toán giữa tụi tù binh với nhau nữa, phải không anh?
Ông quân nhân đáp:
– Nhiều và ghê rợn lắm anh giáo. Thỉnh thoảng lính gác trại giam vẫn bắt gặp một xác người nào đó nằm chết với cây đũa xuyên qua hai tai. Có khi giữa khuya, nghe tiếng hét ở phòng giam, lính gác chạy đến thì lại một người mặt mũi đầy máu đang gào la, quờ quạng trên sàn… Coi lại thì người đó đã bị móc mất hai con ngươi rồi. Có người khi đang tắm, bị đồng bọn xô chúi xuống giếng vỡ đầu mà chết tươi nữa. Tới giờ, nghĩ lại các chuyện bọn tù binh làm, tôi còn rùng mình.
– Sát nhất nhân vạn nhân cụ. Ông già nhất chen vào: “Đây là cách hành động của bọn Việt Cộng với dân chúng. Cứ làm các sự ác công khai cho dân thấy thì sẽ phải sợ chúng mà im răm rắp vâng lời. Anh tính xem, giết người bằng cách đâm chiếc đũa vào tai thì ít nhất chúng phải có 5, 6 thằng mới làm được nên không thể nói do thù hằn cá nhân gì cả. Một hành động có sắp xếp sẵn từ trước. Này nhé, bốn thằng giữ hai tay hai chân, một thằng giữ chặt cái đầu, một thằng bịt kín miệng không cho la cầu cứu… để cho đứa khác đóng chiếc đũa vào lỗ tai nạn nhân. Còn lấy bóng đèn giữa đêm khuya như anh kể thì chỉ cần một tên có nghề võ bò đến sát bên nạn nhân đang ngủ say và rồi tung ra như chớp ngón Bạch Cốt Trảo. Ôi thôi!”.
– Đã vào tù rồi, sao họ lại thanh toán nhau khiếp vậy hả chú? Anh trẻ nhất le lưỡi khi hỏi.
– Đám Việt Cộng trong tù vẫn bào chữa cho các vụ thanh toán này bằng điệp khúc: Phải giết tên đó vì nó là một gián điệp của CIA gài vào giả làm tù binh ta để theo dõi các hoạt động trong phòng giam mà báo cáo ra ngoài cho bọn Nguỵ. Cậu biết là tuy ở tù nhưng đám Việt Cộng đầu sỏ vẫn tổ chức ngầm các cấp uỷ đảng để chúng kiểm soát và chỉ huy tất cả tù nhân. Những nạn nhân của chúng, đơn thuần chỉ là người đã chán cảnh ở tù, nay muốn ra hồi chánh với chính quyền nên đó là lý do họ bị giết chết. Gián điệp CIA nào mà vô trong mấy phòng giam tù binh đó để kiếm tin tức. Bất cứ tù binh Việt Cộng nào khi bị bắt, phía an ninh quân đội Việt Nam Cộng Hoà đã điều tra tên đó xong hết cả rồi thì mới đưa đi giam ở Phú Quốc.
Anh bộ đội xen vào:
– Hồi còn ở đơn vị bộ đội, cháu nghe mấy ông chính trị viên bảo tù binh ở Phú Quốc bị quân cảnh chế độ cũ cưỡng bức lao động nặng, bị bỏ đói, bị tra tấn dữ lắm đến nỗi Hồng Thập Tự quốc tế phải can thiệp thì mới bớt. Lại có nhà báo đòi phải cải thiện chuyện giam giữ tù binh nữa. Có đúng vậy không?
Ông quân nhân nghe vậy, buột miệng cười khẩy:
– Cậu từng là bộ đội nên mới hồ nghi những việc tôi vừa kể. Hãy nghe tôi đây. Thứ nhất, bọn chính trị viên đó từng nghe ai đó tuyên truyền như cậu đã nghe và chúng tin nên nói lại như cái loa. Thứ hai, bọn đó biết tất cả sự thật nhưng vẫn phải nói láo vì đây là bổn phận của chúng. Tù binh Việt Cộng trong trại giam Phú Quốc không hề phải lao động gì cả nha cậu. Trong vòng rào kẽm gai thì lao động cái gì đây? Ba cái vụ trồng rau là do tù binh xin tự cải thiện vì xuất thân của chúng hầu như là dân quê. Bọn tù binh muốn siêng năng thì cũng chẳng có việc để làm. Những khi bị quân cảnh bắt buộc phải nhổ cỏ sân trại giam, gia cố làm lại hàng rào, khơi thông cống rãnh hôi thối cho thoáng thì chúng nghe lệnh rồi ngồi ì ra cả đám trên sân. Hỏi, chúng nại cớ không tiếp tay làm các công việc phục vụ quân sự của phe đối phương. Cậu có biết một lần tù binh Việt Cộng trong trại hè nhau tuyệt thực đến ngất xỉu thì bọn cố vấn Mỹ đến trại buộc tụi tôi phải nấu cháo bồi dưỡng chúng nó nữa đó. Nghe không thể tin được phải không, mà đó là sự thật.
– Sao tụi Mỹ nó biết mà đến trại làm chuyện ruồi bu vậy. Rồi mình có nấu cháo cho tụi nó ăn không. Anh trẻ tuổi hỏi:
Ông quân nhân gật đầu:
– Có gì lạ! Bọn cố vấn Mỹ sống ở thị trấn Dương Đông, xa xôi gì. Trong trại mà xẩy ra chuyện gì thì đám tay chân báo tin cho biết ngay. Vụ tuyệt thực kỳ đó, tụi tôi nhận lệnh phải nấu cháo mà cháo gà mới tức chứ. Mình sống ở đảo, món ăn mặn quanh năm gần như chỉ là cá với tôm – cua thôi. Thịt heo cũng có mà ít còn gà thì thôi, quá sang dễ gì. Vậy mà bọn cố vấn Mỹ mang gà đến tận trại giam, buộc tụi tôi phải nấu cháo cho bọn tù ăn để mau lại sức sau cú tuyệt thực. Lý do: Sợ đám Việt Cộng ngoài Hà Nội sẽ đối xử tệ với bọn tù binh phi công Mỹ đang bị nhốt ở Hoả Lò. Gà bọn cố vấn Mỹ đưa đến nhiều lắm, cả trăm con và đã làm sẵn sạch sẽ hết rồi. Đám cố vấn Mỹ áp lực tụi tôi phải nấu cháo ngay vì muốn tận mắt xem tù binh Việt Cộng ăn nữa. Cháo nấu bằng mấy cái nồi lớn như cái phi đựng xăng và khi chín thì đám nhà bếp hè nhau đứng vạch chim đái thẳng vào cho bõ ghét. Bọn cố vấn Mỹ đến kiểm tra rồi thì bọn tù binh xúm lại ăn cháo vì cho là thắng lợi. Bọn tù binh cũng biết đói chứ bộ, tuyệt thực để làm màu với bọn cố vấn Mỹ thôi. Kể cũng tức cười, mình biết tỏng mà chẳng làm gì được. Còn cái vụ Hồng Thập Tự thì cậu phải biết là tổ chức đó lúc nào cũng thiên Cộng… Bây giờ thì đám này sáng mắt rồi vì Việt Cộng đã lộ bộ mặt thật. Tôi kể đến đâu rồi nhỉ? À! Tụi nhân viên Hồng Thập Tự quốc tế đến Sài Gòn, đề nghị với chính quyền phải cho họ đi thăm trại giam Phú Quốc. Vụ này hình như là giữa năm 1970 gì đó. Thăm rồi, khi trở về Sài Gòn, họ lôi mấy quy ước Geneva ra, cáo buộc chính phủ ngược đãi tù binh Việt Cộng: Nhốt quá nhiều người trong phòng giam và lại không có phương tiện giải trí như phim ảnh, truyền hình nữa. Có bố láo không! Cũng trong thời gian đó, bọn trùm Việt Cộng ở Hà Nội không cho mấy nhân viên Hồng Thập Tự này đi thăm đám tù binh phi công Mỹ và bọn Mặt trận trong Nam thì chối phắt: Cách Mạng không có trại giam như bọn Nguỵ, ở các địa phương giải phóng chỉ có nhốt lẻ tẻ vài người thôi và nếu Hồng Thập Tự đòi đi thì cứ tự tiện, không bảo đảm an ninh. Xong! Vậy mà đám nhân viên Hồng Thập Tự quốc tế im re, chẳng phản đối gì sất. Còn cái vụ đòi cải thiện lao tù cho tù binh trong các trại giam nữa. À ha! Chính mấy ông cha đạo Chúa ở Sài Gòn bày ra nhằm phá thối chính quyền thời đó đấy. Can nãy, tôi đã bảo với mấy cậu cha hay sư có thực tâm tốt lành không là còn tuỳ từng người.
Ông già nhất, góp lời:
– Mấy ông linh mục đó thiên Cộng anh ơi, giờ họ cũng lộ mặt mo hết cả rồi. Ngẫm lại mấy chuyện anh vừa kể, mình thấy chính quyền Việt Nam Cộng Hoà thời đó gần như một mình mà tứ bề thọ địch. Ngoài Việt Cộng là chính thì còn phải đối phó với bọn cố vấn Mỹ, bọn mang danh tổ chức quốc tế như báo chí và Hồng Thập Tự này… Thêm vào đó là bọn trí thức nằm vùng xưng tên thành phần thứ ba. Nói đến đây ông già nhất lắc đầu: “Tất cả hè nhau mà phá phe quốc gia mình, hỏi sao mà không mất nước”.
Ông quân nhân hít một hơi thuốc lá, thở ra làn khói trắng rồi đáp:
– Chính xác! Tứ bề thọ địch như vậy, nếu miền Nam Việt Nam Cộng Hoà mình không mất nước thì mới là chuyện lạ. Thôi, chuyện tôi kể đêm Giáng sinh chỉ vậy, coi như xong nhiệm vụ nha anh giáo. Ráng hết sức rồi đó.
Ông già nhất phát một tay lên như chận lời, giọng vui:
– Mới tiết lộ có chút xíu xìu xiu mà nói ráng hết sức… Gác tù Việt Cộng lại để cho chúng vượt ngục chạy thoát được mà nói xong nhiệm vụ. Kể thêm đi… Chuyện tù binh dễ gì có ai biết ngoài mấy ông quân cảnh, tụi này có nghe cũng giữ bí mật cho mà. Bảo đảm.
Hai cậu trẻ tuổi nghe ông già nhất nói vậy, liền a tòng:
– Phải! Phải a! Chú cứ dấu chuyện xưa thì đám hậu sinh làm sao mà biết. Kể thêm đi chú ơi, năn nỉ đó.
– Kể thêm… Ừ thôi cũng được. Nhưng tôi biết kể thêm cái chi đây? Anh giáo và hai cậu đây thử hỏi cái gì liên can đến tù binh thì may ra nhớ đâu tôi xâu đấy. Ông quân nhân ngập ngừng.
Nghe ông quân nhân nói vậy, ba người còn lại khẽ nhìn nhau bối rối. Chắc trong trí họ cũng không biết phải hỏi cái gì đây? Vừa lúc, một người hầu quán đến bàn, mang thêm cho họ bình trà mới thay cho ấm cũ đã cạn. Anh trẻ nhất với tay lấy bình trà và lần lượt rót đầy cốc của từng người. Trà nóng gặp không khí lạnh của ban đêm nên bốc hơi trắng thơm lừng. Ông già nhất cầm cốc lên, nhấp một ngụm rồi khơi lại chuyện:
– Tôi nghe bảo tù Việt Cộng ở Phú Quốc gồm cả bộ đội chính quy miền Bắc với đám giải phóng miền Nam phải không anh. Mình nhốt tụi nó chung với nhau hết hả.
Ông quân nhân:
– Phải mà cũng không phải anh giáo. Lúc mới đầu mình không phân biệt tù binh miền Bắc miền Nam gì, coi chung là phiến Cộng cả. Cứ bên an ninh quân đội điều tra tên tù nào xong, chuyển sang thì mình giam thôi nhưng sau mình tách ra nhốt riêng hết. Bắc ra Bắc, Nam ra Nam không có chung đụng gì với nhau.
– Sao vậy anh?
– Cũng do tụi nó mà ra. Anh biết bọn tù bộ đội miền Bắc lúc nào cũng coi thường đám tù giải phóng miền Nam. Bề ngoài thì bọn chúng cùng là tù binh Việt Cộng nhưng bề trong, chẳng bên nào ưa bên nào. Chính vì vậy mà xẩy ra những vụ ấu đả giữa tụi nó với nhau nên chính phủ mình phải phân loại Bắc ra Bắc, Nam ra Nam và giam giữ riêng biệt. Bắc đây là bọn bộ đội chính quy như đám cán binh của sư đoàn Sao Vàng, sư đoàn 308 hay trung đoàn Bông lau bông liếc gì gì đó thuộc bên kia cầu Hiền Lương – Bến Hải. Còn Nam là đám tập kết năm xưa giờ vượt Trường Sơn, vượt đường mòn Hồ Chí Minh trở về hay bọn dân sống ở miền quê trong này đi theo mà chúng gọi là thoát ly như tụi trong Công trường 7, Công trường 9 hoặc trung đoàn Quyết Thắng, tiểu đoàn Tây Đô… Khi trao trả tù binh, chính phủ mình thả đám miền Bắc ở bờ sông Thạch Hãn của tỉnh Quảng Trị còn đám miền Nam thì tại phi trường Lộc Ninh thuộc tỉnh Bình Long.
– Họ có bị bỏ đói, tra tấn không chú. Cháu nghe người ta vẫn bảo… Anh bộ đội ngưng ngang câu hỏi.
Ông quân nhân thấy thái độ của anh bộ đội, cười gằn:
– Cậu vẫn còn tin lời của mấy tay chính trị viên kể, tôi biết nhiều người cũng nghĩ như cậu. Với lại, ở thời điểm đó cậu cũng còn nhỏ nên không biết sự thật là phải, chẳng trách. Cả một bộ máy chính quyền đồng thanh nói láo, nói láo mãi về một chuyện thì người dân cũng ít nhiều phải mắc bẫy chứ. Lúc trao trả tù binh cho phe chúng ở Lộc Ninh và ở bờ sông Thạch Hãn, Việt Cộng tên nào tên nấy béo tốt mà đám cán bộ đại diện đi nhận người vẫn lu loa: “Tù binh ta bị chính quyền Nguỵ bỏ đói, vi phạm công ước Geneva…”. Những ngày trao trả tù binh, đài truyền hình Sài Gòn cử nhân viên đến tận các nơi quay phim về làm phóng sự tình hình. Buổi tối, màn hình ti vi đài số 9 chiếu đi chiếu lại các phóng sự đó nhưng nhiều người xem mà vẫn tin lời chúng nói. Báo chí cũng đăng tin kèm ảnh mà có người vẫn không chịu nghĩ: Nếu thực sự bị chính quyền miền Nam VNCH bỏ đói, làm sao bọn tù binh Việt Cộng lại mập mạp hơn cả đám cán bộ đi nhận người. Còn tra tấn ư! Bắt được mấy thằng tù bỏ trốn như tôi kể 8 thằng vừa rồi, mang về trại, tra hỏi mà cứ im lặng thì tụi an ninh phải đục sặc máu ra thôi. Không khai thì đánh, đánh cho lòi chuyện mới xong. Trị an thì phải vậy. Ngay cả ở trại Galang này, cậu cũng biết thuyền nhân mình tuy là người của Cao Uỷ Tị Nạn Liên Hiệp Quốc thật nhưng ai nhập nha trộm đồ của người khác hay đánh nhau xem thử, police Indo khi bắt được, chúng có dợt người đó cho phù mỏ không?
Nghe đến đây thì ông già nhất gật gù đầu, thẽ thọt:
– Hồi đó xem vô tuyến truyền hình thấy thân thể tù binh Việt Cộng ở địa điểm trao trả thì mới rõ họ chẳng hề bị bỏ đói đâu. Mấy thầy dạy chung trường với tôi cũng bảo chính phủ mình lo cái ăn uống cho tù binh Việt Cộng còn ngon hơn nuôi tù hình sự ở trại giam Chí Hoà. Bằng cớ là thân xác tù binh Việt Cộng, người nào tay cũng có bắp thịt, ngực nở nang và chạy thật nhanh.
– Đấy, đấy… Ông quân nhân đưa mắt nhìn ông già nhất và anh bộ đội như một đồng tình vì lời xác nhận điều ông vừa nói rồi tiếp: “Khi mình nghe một ai đó nói kiểu tôi bị bỏ đói thì phải nhìn vào thân thể của người ấy xem coi ra sao. Có lòi xương, xanh xao – gầy gò hay lại béo đỏ, vạm vỡ. Tù binh Việt Cộng ở Phú Quốc được nhà thầu giao thực phẩm là gạo trắng trong bao bố chỉ xanh mà dân mình thường gọi là gạo Mỹ hạt dài, gạo Thái Lan hạt tròn đó. Rau xanh như bầu bí, su su, cải này… cũng do nhà thầu mua từ nông dân trồng bên ngoài. Còn cá thì mua từ các chủ ghe cào ngoài biển. Trong tuần, bọn tù binh còn có một ngày ăn thịt heo nữa. Tất cả thứ, nhà thầu hàng ngày gom lại mang vào nạp cho quân cảnh rồi quân cảnh giao lại cho bọn tù nhà bếp mà chúng gọi cái tên chung anh nuôi tự nấu ăn lấy. Cá thì hầu hết là cá biển mà toàn là cá thu, cá ngừ, cá ngân không hà. Chim – Thu – Ngừ – Đé – Hường – Đước – Kìm – Măng… là tên các loại cá biển ngon, có nhiều thịt ai cũng biết. Một lần, nhà thầu giao loại cá chỉ vàng thì bọn nhà bếp tù binh làm reo không nhận. Lý do: Cá đó ít thịt nhiều xương. Theo hợp đồng đã ấn định trước, nếu nhà thầu làm ăn không đúng thì sẽ bị ban chỉ huy trại giam huỷ khế ước ngay và thuê người khác thế chỗ liền. Chính vì vậy mà nhà thầu lúc nào cũng phải đàng hoàng khi nhận cung ứng thực phẩm cho tù binh. Họ kiếm ăn được thì tội gì phải lươn lẹo, cắt xén ăn bớt thực phẩm cung cấp cho tù binh làm gì… Ai muốn mất chỗ bở. Cứ nhìn thân thể bọn tù binh thì biết họ được quân cảnh gác tù cho ăn uống đầy đủ hay bị bỏ đói? Cũng từ cái gian xảo của bọn cán bộ Việt Cộng nên mới lộ ra sự thật. Như tôi đã kể can nãy, trước lúc được thả, đại diện bọn Việt Cộng trong Uỷ ban Quân sự Bốn bên khi đến thăm trại tù binh Phú Quốc đã ngầm ra chỉ thị cho bọn tù đảng uỷ rồi nên khi vừa xuống khỏi máy bay C130 hay xe nhà binh GMC ở địa điểm trao trả, bọn tù binh sau tiếng hô của một gã đảng uỷ nào đó đã đồng loạt quẳng đôi dép đi, cởi bỏ bộ quần áo đang mặc trên người cùng vất túi quà tặng phẩm. Thâm ý của chúng muốn dựa vào hình ảnh tù binh Việt Cộng trần xì tà lỏn, đi chân không để vu vạ cho chính phủ miền Nam VNCH đối xử tệ bạc nhưng không ngờ lại để lộ ra hình ảnh thân thể vạm vỡ, mạnh khoẻ của người tù. Ngậm máu phun người trước đỏ miệng mình. Đến nơi trao trả, tên nào tên nấy chạy nhanh như bị ma đuổi”.
– Nghe bảo ở địa điểm trao trả, có tù binh Việt Cộng xin ở lại với chính phủ mình, phải không anh? Trong các chuyến trao trả đó, chắc anh cũng có mặt. Ông già nhất hỏi.
Ông quân nhân gật đầu, trả lời:
– Tôi có tháp tùng theo một chuyến thôi còn sau đó thì đến phiên người khác nhưng những sự việc tôi biết là do các anh em trong đơn vị kể lại. Nói đến đây thì ông quân nhân ngưng lời, hắng giọng như sắp sửa sẽ phải kể một hơi dài và đưa mắt nhìn cả ba người trong bàn, tiếp: “Riêng anh giáo thì tôi không nói làm gì vì anh đã biết cả nhưng với hai cậu trẻ này thì cần phải nghe để hiểu sự thật. Trong những lần trao trả tù binh ở Lộc Ninh hay ở bờ sông Thạch Hãn. Chuyến nào cũng có tù binh Việt Cộng xin ở lại với chính phủ miền Nam VNCH mình. Ở lại đây là hồi chánh tại chỗ, là không muốn về với phía Việt Cộng nữa. Lúc thì một người, lúc thì vài người hoặc đông nhất cả một tập thể đến hơn trăm tù binh… xin ở lại. Nếu chính phủ mình không đồng ý tiếp nhận họ thì họ tự sát còn hơn là về với Việt Cộng. Họ nói vậy đấy. Có người thủ sẵn giấy xin hồi chánh trong người từ trước và đợi đến lúc đó mới xuỳ ra. Trong khi phía tù binh miền Nam VNCH mình thì không có ai xin ở lại với bọn Việt Cộng mà còn có người bị chúng ỉm đi không trao trả cho nữa. Sau vụ một người xin ở lại thì các chuyến kế tiếp, bọn tù binh Việt Cộng khi vừa đến nơi trao trả, chúng cứ ba người choàng tay với nhau thật chặt tiếng là để dìu nhau đi vì quá yếu sức nhưng thực tế là người này kềm người kia không cho chạy thoát. Vậy mà vẫn có người vùng chạy ra được nhưng phải vọt nhanh đến với phái đoàn kiểm tra quốc tế thì mới ổn. Người lớ ngớ chạy chậm mà đám cán bộ đi nhận người chận được thì sẽ bị đồng bọn xúm lại đánh hội đồng tơi bời, thê thảm máu me đầy mặt rồi bị kéo đi mất trước sự bất lực của đại diện phe bên mình”.
– Bên mình trao trả cho phía Việt Cộng bao nhiêu người và nhận lại bao nhiêu người… Thời gian bao nhiêu lâu mới xong? Còn anh nói có vụ bọn chúng ỉm người đi, không trao trả là sao? Ông giáo cất lời hỏi.
Nghe câu hỏi của ông già nhất, ông quân nhân ngồi yên lặng như đang lục lại ký ức cũ của mình. Một thoáng trôi qua, ông nói:
– Anh giáo hỏi vậy thì tôi chỉ biết thời gian gói gọn trong 60 ngày thôi… Tôi không rõ là ngày đầu tiên khi nào cũng như ngày cuối cùng của việc trao trả. Thật ra thì thời gian và con số bao nhiêu người đã được các bên liên quan thảo luận và chấp nhận ở các buổi họp từ trước rồi. Là một quân nhân coi tù khi đó thì tôi chỉ làm nhiệm vụ đi theo áp tải việc thực hiện trao trả thôi. Con số thì nói gọn là phe mình trao trả cho bọn Việt Cộng gần 27.000 người để nhận lại khoảng 5000 người. Chênh lệch quá mà mình cũng chẳng làm gì hơn được cũng từ sự dối trá lươn lẹo của bọn Việt Cộng và sự phủi tay của người Mỹ. Nói ra điều này thì chắc có người không tin chứ có một lần tại bờ sông Thạch Hãn, phía miền Nam VNCH trao trả 1200 tù binh Việt Cộng để chỉ nhận lại có 3 người tù phe mình mà mấy người này lại phải khiêng bằng cáng băng ca khi đưa xuống ghe.
– Lấy 3 người đổi với 1200 người. Thật tui mới nghe lần đầu. Cậu trẻ nhất thốt lên.
Ông quân nhân gật đầu, tiếp:
– Vậy! Nhưng đó là sự thật. Còn nói người Mỹ phủi tay là vì sau khi họ nhận về gần 600 tù binh ở phi trường Gia Lâm mà đa số là phi công rớt máy bay ngoài miền Bắc thì coi như đã xong chuyện tại Việt Nam nên họ cũng không làm hết trách nhiệm của một đồng minh chủ chốt với phe mình. Những tù binh mình bị bắt bên chiến trường Hạ Lào, ở các trận đánh tại Kampuchia thì phía Việt Cộng ỉm đi đâu có chịu trao trả. Mình phản đối việc đó thì bọn chúng nói để liên lạc với bọn Pathet Lào, Khmer Đỏ và sẽ can thiệp giúp đỡ trong cái tình người Việt giữa người Việt với nhau. Chắc anh giáo còn nhớ vụ ông đại tá Lữ đoàn trưởng dù Nguyễn Văn Thọ bị bắt năm xưa do chính Hà Nội đã rêu rao trên đài phát thanh mà chúng vẫn lì mặt, chối là không biết… Rồi còn cả những tù binh biệt kích Delta, Lôi Vũ nhẩy toán ra Bắc hoạt động thời cụ Ngô Đình Diệm nữa. Chúng bắt được những biệt kích quân này và cũng đưa họ lên báo lên đài phát thanh gọi là tố cáo trước nhân dân: Bọn Nguỵ xâm nhập, phá hoại… mà rồi vẫn chối không có. Thật tội nghiệp cho những người này và cả gia đình họ. Không biết bây giờ số phần họ ra sao? Đã được tha tù chưa hay chết mất xác trong xó xỉnh nào đó ở vùng rừng núi ngoài miền Bắc rồi.
– Anh nói đến số phần làm tôi tự dưng nghĩ không biết đám tù binh Việt Cộng khi được phía mình trao trả thì số phận họ rồi sẽ ra sao? Ông già nhất ưu tư.
– Sẽ khổ lắm anh giáo… Chắc chắn là vậy mà họ chẳng tránh được đâu. Ông quân nhân chắt lưỡi tiếp: “Trước khi được trao trả, có những tù binh đã kín đáo bộc bạch với cá nhân tôi về việc họ sẽ phải tiếp tục ở tù sau khi được thả từ trại giam Phú Quốc. Lúc đầu tôi không hiểu sau hỏi kỹ lại thì mới rõ chuyện. Những người tù này cho biết phía Việt Cộng đã làm xong một trại tù rất lớn ở vùng Sầm Sơn-Thanh Hoá rồi. Tại sao họ biết tin này? Cũng chính từ những nhân viên phía Việt Cộng trong Uỷ ban quân sự bốn bên khi đi thăm tù nhân đã tiết lộ cho biết trước. Tất nhiên đám cán bộ này nói đó là trại an dưỡng, tẩm bổ thân xác tù binh khi được đón về từ tay giặc Nguỵ… nhưng mấy tù binh nói chuyện với tôi thì bảo đó chỉ là trại giam trá hình thôi và họ biết khi được nhận về, sẽ phải vào đó để cải tạo tư tưởng mà lần này, bọn coi tù sẽ là các đồng chí phe mình. Thể nào mà chẳng có vụ kiểm thảo, phê bình, tố cáo lẫn nhau để lập công và tránh tội đã có trong thời gian ở tù tại Phú Quốc. Khổ đó nha, chết người chứ chẳng chơi”.
– Chú ơi! Họ biết vậy mà sao lại không xin hồi chánh ngay lại phải đợi đến khi trao trả mới quyết định? Anh bộ đội vọt miệng hỏi.
– Sau này khi trại giam Phú Quốc sạch bóng tù binh rồi thì ngồi kiểm lại sự việc, mấy ông thầy trong đơn vị tôi bảo là đa số tù binh xin hồi chánh đều thuộc dân miền Nam và thật hiếm hoi mới có một cán binh miền Bắc xin ở lại. Tại sao vậy? Không phải đề cao tinh thần chiến đấu của họ đâu nếu như đặt hoàn cảnh mình là họ thì sẽ phải quyết định như thế nào giữa việc chọn ở lại miền Nam hay quay về miền Bắc để gặp mặt thân nhân sau bao ngày tù đày. Cán binh miền Bắc gần như là dân quê thì hỏi ai không nặng tình quê hương, tình gia đình trong lòng. Bị bắt ở mặt trận rồi khi sống tại trại giam Phú Quốc thì ít nhiều họ cũng biết về xã hội của miền Nam VNCH rồi đối chiếu với xã hội miền Bắc, nó kém xa. Muốn ở lại nhưng cũng muốn gặp mặt thân nhân rồi nỗi lo thân nhân nơi quê nhà sẽ gánh hậu quả từ việc hối chánh của mình mà nhiều tù binh đành phải dấu kín các ưu tư của bản thân với bạn đồng tù chung quanh. Được trao trả mà nhiều mặt anh tù binh lộ rõ vẻ buồn lẫn lo lắng thật khác với khuôn mặt rạng rỡ của tù binh miền Nam VNCH khi được phe ta đón về. Ông quân nhân nói.
Ông già nhất thêm lời:
– Như anh kể, thì tôi nghĩ tù binh Việt Cộng trong trại giam Phú Quốc còn thanh toán nhau được thì nếu ở trong cái trại cải tạo của chính bọn chúng, chúng sẽ lần lượt thịt nhau cho đến chết mà thôi. Bọn Việt Cộng ngoài miệng nói chuyện lúc nào cũng một lòng một dạ, cùng đồng tâm chí hướng nhưng trong thực tế chúng nghi ngờ chẳng tin ai hết. Cái tổ tam tam chế ta thường thấy trong các đơn vị của chúng là để tên này kèm hai thằng kia rồi cả ba đứa âm thầm báo cáo cho cán bộ chỉ huy bất cứ cái gì chúng đã nghe được, thấy được của nhau.
– Sống gần tụi tù binh Việt Cộng lâu ngày thì tôi nghiệm ra điều này anh giáo: Khi nào mình nghe tụi nó nói chuyện với nhau bằng câu cậu cậu, tớ tớ là bình yên, không có gì đáng lo. Còn khi ta nghe xưng hô với nhau bằng câu đồng chí, đồng chí thì thôi, cầm chắc chúng chuẩn bị đưa nhau lên bàn mổ đó. Hà hà! Ông quân nhân cười khá to sau câu nói.
– Lúc nãy chú kể là phía miền Nam VNCH trao trả tới gần 27.000 tù binh vậy thì cái trại an dưỡng ở Thanh Hoá, tui nghĩ chỗ đó phải rộng lắm mới chứa hết được bằng đấy người. Cậu trẻ nhất nói.
– Cháu nói đúng. Như chú đã kể rồi, trại giam tù binh ở Phú Quốc thời trước đã rộng tới cả 400 mẫu tây mà nay tất cả tù binh Việt Cộng hoặc tù chính trị Việt Cộng của tất cả các trại giam khắp 44 tỉnh thành ở miền Nam VNCH đem dồn về một chỗ thì nó phải rộng lắm, rộng lắm… Ông quân nhân vừa nói vừa khoa tay qua lại nhau.
Anh bộ đội gật đầu, đồng tình:
– Rộng lắm! Nhớ lần cháu vào thăm thằng bạn đóng quân trong Trung đoàn Gia Định ở trại Quang Trung cũ đã thấy chỉ có vài ngàn bộ đội thôi mà chỗ nó ở đã rộng khiếp. Đây lại tới cả mấy chục ngàn người kể cả quản giáo nữa.
– Nói như bác với chú đây thì sao bọn Việt Cộng lại ác quá vậy. Anh trẻ nhất hỏi.
– Tôi đã nói rồi, đó là sách lược của chúng. Việt Cộng luôn làm điều ác công khai để nhằm doạ dân thấy mà sợ rồi vì sợ nên đành phải im thin thít nghe theo lời chúng. Hai cậu còn trẻ tuổi nên không biết các chuyện ghê rợn Việt Cộng đã làm đâu. Khi Việt Cộng quyết định giết người nào, thay vì bắn người ấy một phát đạn cho xong đời thì không, chúng lại chặt nạn nhân làm ba khúc, để nằm vương vãi trên mặt đất bất kể kẻ đó là đàn ông, đàn bà hay con gái trẻ tuổi. Giữa việc dùng mã tấu chém và cầm súng bắn vào thân người thì việc nào dễ làm hơn và việc nào sẽ tạo ra hình ảnh ghê rợn hơn? Hai cậu cứ nghĩ đi! Ba khúc thân người nằm đó, sáng ra người dân đi qua có trông thấy ai mà không khiếp vía. Thân nhân ở gần có trông thấy cũng chẳng dám ra dọn xác nạn nhân về chôn vì bọn nằm vùng chưa cho phép. Có khi, xác rữa nát không ai nhận thì lính miền Nam VNCH phải ra tay mới êm. Miệt vườn, dân quê theo Việt Cộng cũng vì lý do sợ chúng mà phải theo chứ tâm hồn dân quê thường chất phác, bằng lòng với cuộc sống ruộng vườn thì hơi đâu mà họ suy nghĩ đến ba cái vụ như bóc lột, đấu tranh giai cấp, lý tưởng lý tiếc gì… Việt Cộng bịa ra hết và nhồi vào đầu dân quê cả thôi. Ông già nhất nói.
– Anh giáo kể cho hai cậu này mấy chuyện Việt Cộng hành hình dân lành vùng quê đó hả? Ông quân nhân hỏi.
– Đúng! Việt Cộng làm cái gì chúng cũng tính toán với nhau trước kể cả giết người mà chúng gọi là họp đảng uỷ. Một tính toán lạnh lùng, bất nhân, vô cảm của loài thú dữ. Chúng đã từng trói tay bao nhiêu nạn nhân rồi bỏ người đó vào bao bố, rọ lợn và nhét đầy đá xong đem ném xuống sông như đã làm với nhà văn Khái Hưng, Lan Khai nè. Có khi lại mổ bụng nạn nhân còn sống rồi nhét trấu vào trước mặt bao nhiêu người đứng xem chung quanh như lúc hành hình ông cả Điệp, hương quản Bụng… ở dưới miền Tây năm xưa. Việt Cộng không coi người thuộc phía đối phương ra cái đinh gì cả khi đã xác định lập trường là kẻ thù hoặc là bạn mà không đếm xỉa đến tình cảnh của nạn nhân như người đó có một mái ấm gia đình, cha mẹ già phải phụng dưỡng, con cái nhỏ cần nuôi nấng. Chỉ biết có lệnh giết là giết… là giết thôi. Giết, giết nữa bàn tay không phút nghỉ. Câu thơ của một thi sĩ Việt Cộng đấy. Có vậy mình mới hiểu tại sao đám cán binh Việt Cộng có thể bình thản bắn thẳng vào dòng người bỏ chạy trên các quốc lộ ở các vùng xẩy ra chiến sự. Chính phủ miền Nam VNCH mình thì lại khác. Người là người chứ không phải con vật mà ngay cả với con vật như chó, mèo thì mình cũng còn đối xử cách nhân ái kia mà. Mạng người là quý nhất nên phải trân trọng dù xuất thân của cá nhân đó không ra gì. Bởi vậy, chính phủ miền Nam VNCH mới lập ra nguyên cả một cái bộ Chiêu hồi dành cho cán binh, bộ đội, tù binh Việt Cộng muốn xin hồi chánh.
Nghe ông già nhất nói thế, ông quân nhân cất lời:
– Ồ! Anh giáo nói ra thì tôi mới nhớ, cái bộ Chiêu Hồi đó đã giúp cho nhiều người làm lại cuộc đời lắm. Nói đâu xa, riêng trại tù binh Phú Quốc không thôi, không kể mấy vụ hồi chánh tại chỗ trong các buổi trao trả, tính ra từ khi lập trại giam cho đến trước ngày thi hành Hiệp định Ba Lê thì đã có trên 10.000 tù binh ở đó xin hồi chánh với chính phủ miền Nam VNCH mình.
– Nhiều người dữ vậy chú, tui thật không ngờ. Anh trẻ nhất nói.
– Con số đó chưa thấm vào đâu so với tổng số tù binh Việt Cộng đã hồi chánh trong thời còn chiến tranh hai miền khi đó đã lên tới trên 200.000 ngàn người lận. Nói thì nói nhưng tôi vẫn thắc mắc không biết sau khi bọn Việt Cộng vào được Sài Gòn rồi thì số phận những người hồi chánh này đã ra sao nữa? Việt Cộng đã làm gì với họ hả anh giáo, anh biết gì không? Ông quân nhân hỏi.
– Có những hồi chánh viên rất nổi tiếng như nhà văn Xuân Vũ, ca sĩ Bùi Thiện, thượng tá Tám Hà… thì những người này kịp thời di tản trong dịp 30 tháng Tư năm đó nên thoát nạn. Hai cậu trẻ này chắc không biết mấy nhân vật tôi vừa nói đâu. Thôi sẵn dịp để tôi nói luôn cho biết. Xuân Vũ là tác giả quyển Đường Đi Không Đến kể chuyện đám Việt Cộng tập kết ra Bắc năm xưa rồi sau này hồi kết về miền Nam bằng cách đi bộ băng qua vùng rừng núi Trường Sơn. Bùi Thiện là ca sĩ của đoàn văn công trung ương Hà Nội còn thượng tá Tám Hà là phó chính uỷ phân khu 1 dịp tết Mậu Thân năm 1968. Hồi chánh viên ở lại trong nước khi đó thì gần như 100% phải thu xếp hành lý đi tù cải tạo như các sĩ quan, viên chức của chính phủ miền Nam VNCH mình. Ông già nhất nói đến đây thì yên lặng như đang nghĩ về những người cũ trong câu chuyện và rồi tiếp lời ngay: “Lúc còn bán sách cũ ở phố Calmet, tôi đã nghe mấy người chủ sạp hàng ở đó xì xào về cái tin trung tá hồi chánh viên Huỳnh Cự bị kẹt lại, phải bị tù cải tạo cả 7, 8 năm trời mới được tha về. Về nhà chưa được bao lâu thì ông này lại chết trong một vụ đụng xe mà ai cũng nói do đám thủ ác Việt Cộng dàn dựng sẵn cách nhà không xa. Nghe kể, ông Cự này cũng biết thân biết phận mình nên chẳng dám đi đâu ra ngoài vậy mà, cho đến ngày Tết ta, ông ta tưởng sẽ yên mới dám ló mặt. Nào ngờ, ra được đầu ngõ thì có chiếc ô tô từ xa phóng đến tông thẳng vào làm ông ngã lăn quay ngay trên mặt đường. Gã tài xế chiếc ô tô lui xe lại thật nhanh và chạy tới cán thêm lên người ông ta lần nữa để chắc ăn trước khi y cho xe vọt mất. Công an có đến lập biên bản rồi sau bảo vì không có tung tích chiếc xe gây nạn nên từ từ nội vụ chìm luôn. Ác và thê thảm quá nhưng theo tôi có lẽ phải dành cho số phận của liệt sĩ Nguyễn Văn Bé kìa”.
– Nguyễn Văn Bé! Phải anh nói đến Nguyễn Văn Bé mà Hà Nội từng phong là liệt sĩ trong vụ đập mìn vào thân thiết vận xa M 113 diệt trên 60 lính Mỹ và Nguỵ đứng vây chung quanh đó không? Ông quân nhân hỏi dồn.
– Đó đa anh! Ông già nhất tiếp thêm: “Tay Nguyễn Văn Bé này ra hồi chánh rồi mà không hiểu sao bọn Hà Nội lại đưa tin về vụ tự sát đập mìn rồi phong cho anh ta là liệt sĩ. Hà Nội còn cho in một con tem dán thư vẽ cảnh đập mìn bá vơ đó nữa… Hình như có cả vụ dựng tượng cho tay Bé này mà khi ấy ở miền Nam VNCH, anh ta đang làm việc trong bộ Chiêu Hồi. Vài ngày sau khi Việt Cộng chiếm được Sài Gòn, có người kể đã gặp Nguyễn Văn Bé tại bến phà Rạch Miễu trong một chiều sâm sẩm tối mà rồi tay hồi chánh viên này ra sao thì không ai biết. Ngay cả với gia đình anh ta cố công đi tìm mà không ra. Mấy sĩ quan miền Nam VNCH khi ở tù cải tạo kể lại họ đã nghe một quản giáo Việt Cộng nói úp úp mở mở lúc thì đảng và nhà nước ta đã giải quyết xong câu chuyện Nguyễn Văn Bé rồi, sau đó y ta lại nói biết chỗ Nguyễn Văn Bé bị giam. Cứ lấy lý mà suy theo cái tin này thì mình nghĩ bọn Việt Cộng bắt được Nguyễn Văn Bé và sau đó đã giết chết anh ta để mất béng đi câu chuyện đã phong liệt sĩ đập mìn giết giặc năm xưa. Kể cũng đáng thương cho số phận của một người tự dưng thành liệt sĩ bất đắc dĩ. Việt Cộng đã tạo ra nhân vật liệt sĩ Nguyễn Văn Bé và rồi cũng chính bọn chúng đã cho bốc hơi người này luôn”.
Tù binh miền Bắc mặt buồn so, lo lắng ở địa điểm trao trả bên bờ sông Thạch Hãn.
– Cháu nghe kể phía chính quyền thời đó định ém một số tù binh nhưng bị phía miền Bắc phản đối quá nên phải trao trả hết. Đúng không chú? Anh bộ đội hỏi ông quân nhân.
– Nãy giờ tôi chờ câu hỏi này của cậu. Ông quân nhân cười và tiếp: “Tôi đã trả lời câu này nhiều lần rồi cho những người y như cậu đấy. Đây! Chính quyền miền Nam VNCH không muốn duy trì cái trại giam tù binh Phú Quốc đâu. Chẳng qua hoàn cảnh chiến tranh thì phải vậy thôi. Tại sao? Như tôi đã kể rồi. Duy trì một trại giam cả mấy chục ngàn tù binh cộng thêm 4 tiểu đoàn quân cảnh canh gác thì nó sẽ ngốn vào ngân sách của chính quyền bao nhiêu tiền. Dưới sự theo dõi thường xuyên của bọn Mỹ, bọn nhà báo thiên tả nước ngoài, bọn trí thức phá rối ở Sài Gòn còn thêm tổ chức Hồng thập Tự nữa thì làm sao mà có vụ tù binh phải ăn thức ăn tồi tệ, mặc quần áo rách nát, ốm đau không có thuốc chữa bệnh… Riêng gạo không thôi, mức ấn định đầu người 700 gram một ngày thì cậu cứ tính thử sẽ biết số lượng cần dùng. Nói ra thì ít ai tin chứ tù binh có nhiều tên ăn in ít đi vì sợ mập. Ăn ở không, thực phẩm đầy đủ nếu không kiêng khem thì cơ thể béo ra có gì lạ. Nhưng để thân thể mập béo trong trại tù binh Nguỵ là điều tố cáo người cán binh đó đã đầu hàng giặc, chỉ biết ăn và ăn trong khi bao nhiêu đồng chí ngoài mặt trận phải chịu đói khát trong chiến đấu. Bọn đảng uỷ trong nhà giam nói vậy đấy. Rồi vì thức ăn bỏ thừa nhiều, nhà thầu lấy về đem nuôi heo thì chúng vịn vào đó tuyên truyền quân cảnh ăn bớt khẩu phần của tù binh. Có những đợt cấp phát hàng hoá mới cho tù vừa nhập trại như chiếu, mùng, mền đắp… còn tốt hơn cả so với thứ mà lính quân cảnh chúng tôi đang dùng. Nếu không có trại tù này thì chính phù mình thời đó có thêm tiền để chi dùng vào việc khác nên ai thèm ém giữ tù binh lại làm gì. Bọn Việt Cộng cũng biết điều đó nên thực tế chúng cũng không muốn nhận đám tù binh về đâu. Nghe kỳ quá hả. Còn trại tù binh Phú Quốc thì chính phủ mình vừa hao tốn ngân sách, mất 4 tiểu đoàn lính bận việc canh gác tù thay vì chiến đấu ngoài mặt trận mà chúng còn có chỗ để tuyên truyền ngược đãi tù binh, vi phạm công ước Geneva. Bị nhốt tù lâu ngày, tiếp xúc với binh lính miền Nam VNCH thì tinh thần tù binh đã ít nhiều thay đổi vì các sự thật hiển hiện trước mắt khác với những gì họ đã nghe được khi xưa. Nhận trao trả về một lúc cả hàng ngàn tù binh như vậy, nó sẽ gây xáo trộn tinh thần các cán binh khác nếu như bọn Việt Cộng bổ sung họ vào chung hàng ngũ các đơn vị bộ đội. Còn cho giải ngũ tập thể thì cũng kẹt vì những tù binh này về lại quê nhà sẽ gặp gỡ thân nhân, bè bạn cùng hàng xóm trong giao tiếp. Họ sẽ kể chuyện đã thấy khi ở tù trong miền Nam và đó là điều mà Hà Nội đã phải làm cấp tốc cho xong cái trại ở Sầm Sơn-Thanh Hoá để chờ sẵn”.
– Cháu hiểu rồi. Vậy là tù binh được trao trả hết… không có ém giữ ai lại. Anh bộ đội lắp bắp miệng.
– Đúng! Giữ họ lại để làm mắm à! Trại giam trống không, 4 tiểu đoàn quân cảnh tụi tôi phải rời đảo Phú Quốc về lại đất liền và bổ sung cho quân số đang thiếu hụt của các đơn vị bộ binh ở các vùng chiến thuật khi đó. Cũng có người vừa đến hạn giải ngũ thì xin ở lại Phú Quốc luôn. Cậu cứ nghĩ xem, nếu quân cảnh mà xử tệ bạc với đám tù binh như lời tuyên truyền thì mấy người đó phải cao chạy xa bay khỏi hòn đảo chứ. Tôi nói thêm điều này, trại giam đó bỏ không cho đến khi bọn Việt Cộng chiếm được miền Nam rồi thì chúng dùng lại một thời gian ngắn để nhốt sĩ quan-viên chức VNCH mình chở từ trong đất liền ra gọi là tù cải tạo. Đâu khoảng hơn năm trời thì chúng lại chuyển những người tù cải tạo này vào đất liền trở lại và tôi nghe nói cái trại đó tan hoang cả rồi. Vì sao? Lớp bộ đội coi trại giam trước khi rút đi tháo gỡ làm của riêng một mớ rồi đến đám dân nằm vùng ở Phú Quốc cũng vào tháo gỡ theo. Cứ vậy mà trại giam chỉ còn trơ nền đất không chung với cây cỏ mọc hoang dại. Ông quân nhân dứt lời, với tay lấy ra điếu thuốc mới sau câu nói và mồi lửa hít một hơi ngon lành. Một khoảnh khắc yên lặng trôi qua như chợt nhớ ra điều gì đó, ông quân nhân đưa mắt nhìn ông già nhất, giọng đùa:
– Phần của tôi xong rồi. Bây giờ đến phiên ai kể chuyện đây?
– Anh bảo tôi chứ gì nhưng tự nhiên bây giờ mình lại… quên mất câu chuyện định kể đây. Không biết làm sao nữa. Hay là thế này, cho tôi qua phà nha, được không? Ông già nhất hỏi.
Đâu được! Phải kể chuyện mình chứ… Nghe chuyện người khác thì bác phải kể chuyện mình ra. Hai cậu trẻ tuổi cùng thốt lên.
Ông già nhất nhắm khẽ đôi mắt lại. Anh bộ đội và anh trẻ tuổi nhất nhìn nhau rồi định nói điều gì đó thì ông quân nhân khẽ phát tay ra hiệu cản lại như bảo phải chờ, đừng gấp gáp. Một thoáng qua đi, ông già nhất mở mắt nhìn cả ba người họ, cười:
– Tôi phải kể chuyện mình chứ! Muốn người khác làm điều công bằng với mình thì mình phải đối xử công bằng với họ. Nãy thì tôi quên nhưng bây giờ lại nhớ ra chuyện để kể rồi. Khổ thế đó, dấu hiệu gì đây? Mình đã già rồi, phải không?
Nghe ông già nhất nói vậy, anh trẻ nhất reo lên, vỗ tay khe khẽ vào vai anh bộ đội:
– Bác nhớ ra được là hay quá, kể ngay cho những đứa như tui và anh đây biết chuyện cũ như chú quân cảnh vừa rồi đó. Tui đã là người kể đầu tiên thì bây giờ bác là người bao chót, phải không? Bác kể đi… đặng nhóm mình còn về barrack ngủ chứ, sắp giới nghiêm rồi đó.
Giới nghiêm! Chính là giờ mà phòng an ninh P3V tại trại tị nạn quy định trong mỗi buổi tối. Khi nghe tiếng còi hụ lên từ các loa phóng thanh thì thuyền nhân phải trở về phòng của mình để ngủ, không ai được đi léng phéng hay tiếp tục la cà ngoài đường nữa và thường thì 11 giờ khuya là giới nghiêm nhưng vào những ngày lễ Tết hoặc dịp quốc khánh Indonesia, tiếng còi hụ sẽ trễ hơn vài giờ đồng hồ.
– Tôi biết chứ! Cậu đừng nhắc. Sở dĩ tôi hơi… chậm là vì ban nãy mải nghe bài hát Giáng sinh trên ti vi để nhớ lại chuyện sắp kể ra đây này.
– Bài hát Giáng sinh nào vậy? Anh giáo nói mà tôi không hiểu. Ông quân nhân ngạc nhiên.
– Từ từ! Ông già nhất giơ một cánh tay như muốn chận lời ông quân nhân rồi ông ta khẽ hắng giọng và tiếp: “Vài hôm nữa sẽ đến ngày lễ Giáng sinh và như khởi đầu của buổi kể chuyện hôm nay, tôi bảo vì mình nhớ nhà nên ai có kỷ niệm hoặc có câu chuyện gì liên quan đến ngày lễ Giáng sinh thì hãy kể ra cho mọi người trong nhóm chúng ta cùng nghe, mong rằng sẽ bớt buồn và thử xem câu chuyện của người nào hay nhất. Phải không nào?”.
– Phải đó! Phải đó đa! Hai cậu trẻ nhất cùng thốt lên một câu còn ông quân nhân thì gật gù cái đầu, khẽ khàng: “Nhưng anh giáo chưa kể chuyện anh mà?”.
Ông già nhất khẽ hít một hơi thuốc lá rồi đảo mắt nhìn cả ba người trước mặt và bắt đầu kể sau làn khói trắng:
– Đúng! Thì đây. Năm nào cũng vậy, cứ đến dịp lễ Giáng sinh đạo Chúa thì dù muốn hay không muốn, trong ký ức của tôi vẫn nhớ lại câu chuyện của ngày hôm đó. Tôi không biết phải khởi đầu câu chuyện từ đoạn nào đây? Thôi thì như vầy. Năm 1971 vào mùa hè, học sinh ở các trường trung – tiểu học đã nghỉ hết cả và đang chờ khai trường cho niên khoá mới. Gần hết mùa nghỉ hè thì tôi và vài thầy cô khác trong trường nhận được lệnh đi dự buổi họp của Sở Giáo Dục tổ chức. Họp cũng chỉ bàn về việc chuẩn bị việc giảng dạy cho niên học mới. Tan họp thì do thấy trời còn sớm, tôi mới chạy vào nội đô Sài Gòn rồi gửi xe đi lòng vòng đây đó. Ghé nhà sách Khai Trí mua được vài quyển rồi lúc quay ra ngoài, tôi định bụng thử đến tiệm Xuân Thu xem coi có kiếm được thêm các sách mới xuất bản không. Khi băng qua ngã tư Nguyễn Huệ – Lê Lợi thì gặp lại cậu em họ của tôi cũng đang từ hướng đường đối diện phía bên kia đi tới. Gọi là anh em bà con trong họ hàng nhưng thực tế thì giữa tôi và cậu em này, ngay từ hồi còn nhỏ xíu ngoài Bắc rồi khi di cư vào Nam có gặp mặt nhau lần nào đâu. Chỉ mới trước đó vài tháng, nhân lần đi ăn cỗ cưới của một gia đình người thân trong họ tận trên vùng Thủ Đức thì mới gặp cậu em này do tình cờ ngồi chung một bàn với nhau và vì vậy mới biết cậu đi làm cho USAID, một cơ quan chuyên về viện trợ của Mỹ tại miền Nam VNCH. Cậu ta lại đi chung với 2 người Mỹ khác nên giới thiệu họ với tôi rồi thấy đứng trò chuyện giữa đường không tiện, mời đi cà phê ở một cái quán gần đó, quán Givral… ai ở Sài Gòn cũng biết chỗ này. Hết chầu nước thì cả nhóm lại thả bộ vào hành lang Eden ghé mắt xem tiệm này, vào thăm quán hàng kia một chút rồi thì chia tay. Lúc đó, một trong hai người Mỹ ngỏ ý muốn chụp vài tấm ảnh làm kỷ niệm cho buổi gặp mặt nên tôi và cậu em đồng ý. Cả bốn người chúng tôi đứng chung với nhau trước cửa ra ở hướng bên đường Tự Do đối diện với rạp cine Rex, ngó xeo xéo qua Toà Đô Chánh và nhờ một tay chụp hình dạo lảng vảng gần đó bấm máy hộ. Cái máy chụp ảnh đó là loại máy chụp hình lấy liền chỉ sau vài phút chờ và là ảnh màu. Thế mới hay! Lý do có vụ chụp ảnh kỷ niệm, tôi nghĩ bởi lúc ngồi trong quán Givral, cậu em đã giới thiệu với 2 người Mỹ tôi là giáo sư dạy các trường đại học tại Sài Gòn. Buổi hôm đó vì tôi vừa đi họp Sở về, quần áo vest bảnh bao, thắt caravat cùng giầy vớ cẩn thận thêm mấy quyển sách cầm trên tay nữa… đã làm mình có cái vẻ giáo sư đại học chứ sự thực, mình chỉ dạy làng nhàng ở các lớp trung học thôi. Trình của mình làm sao với tới bậc đại học được. Không nhớ tay người Mỹ đó chụp mấy kiểu nhưng khi lấy ra được ảnh thì cho hai anh em tôi mỗi người một tấm. Đưa ảnh xong thì 2 người Mỹ đó bỏ đi. Họ đi rồi, tôi hỏi ra mới biết là nhân viên của thư viện Abraham Licoln nằm ở góc đường Lê Lợi – Nguyễn Huệ cũng gần đó, không xa. Hai anh em tôi hỏi thăm nhau về công việc đang làm, tin tức vài người bà con thân thuộc… rồi thì cũng chia tay, đường ai nấy đi.
– Abrham Lincoln là ông tổng thống Mỹ bị ám sát chết đó phải không bác. Cậu trẻ nhất hỏi.
Ông già nhất gật đầu, nói:
– Đúng vậy! Abraham Lincoln là vị tổng thống thứ 16 của Hoa Kỳ trong thời nội chiến giữa hai miền Nam – Bắc khi còn vụ nô lệ người da đen gốc Phi châu. Nghe bảo ông ta bị ám sát chết khi đang ngồi xem kịch tại một hí viện. Thư viện Abraham Lincoln này có rất nhiều sách báo Anh ngữ và nơi đây cũng là toà soạn của tạp chí Thế Giới Tự Do nổi tiếng. Cậu em họ của tôi làm việc cho cơ quan USAID mà không hiểu sao lại có bạn Mỹ là nhân viên của thư viện đó vì hai cơ quan này đâu có dính dáng gì đến nhau? Lúc đó tôi thắc mắc như vậy và rồi cũng quên đi ngay. Mãi cho đến những ngày cuối tháng 4 năm 1975 thì tôi mới gặp lại cậu em họ này. Hôm đó, tôi đi dạy học lớp buổi sáng ở trường về nhà thì thấy cậu ta đã ngồi chờ sẵn từ trước. Anh em gặp lại nhau rất mừng, tôi không ngờ lại biết nhà tôi nữa, đang định hỏi thì cậu nói ngay: “Anh còn tâm trí để dạy học được nữa sao? Phải tìm mọi cách mà dọt ngay vì sớm muộn gì, bọn Việt Cộng cũng sẽ chiếm thủ đô Sài Gòn này”. Tình hình khi đó ở thủ đô Sài Gòn hỗn loạn lắm vì rất đông nạn nhân chiến cuộc từ ngoài miền Trung đổ về sống tạm cư lây lất đầy trong các sân vận động, trong chùa và cả nhà thờ nữa… Rồi còn lính mình nữa… Họ đi nghễu nghện ở ngoài đường với quân phục tơi tả của các binh chủng tan hàng từ các tỉnh đổ về và đang chờ bổ sung quân số cho đơn vị mới. Dù cậu em không nói ra thì bản thân tôi cũng biết phải chạy ra ngoại quốc ngay vì phe ta đã bị người Mỹ bỏ rơi rồi. Mất nước tới nơi nhưng mà xuất cảnh bằng cách nào đây? Bằng đường biển thì con đường duy nhất để ra Vũng Tàu là quốc lộ 51 đã bị Việt Cộng cắt ngang do chúng chiếm được vùng Nhơn Trạch. Đi bằng máy bay thì gia đình tôi không đủ tiền mua vé và cũng chẳng có sổ passport gì cả. Ngay tại Sài Gòn đây, tôi muốn chạy xe vào bến cảng hải quân ở Bạch Đằng để xem coi có thể đi ké được chiếc tàu hàng nào không mà cũng không thể. Lính canh gác đã rào kín hết các cổng trong tình trạng giới nghiêm nội bất xuất-ngoại bất nhập. Tôi nói thật với cậu ta: “Anh nghe tin, đọc báo biết các việc đó nhưng chẳng thể làm gì được nên cứ đành tiếp tục đến trường dạy học, chờ xem thế sự ra sao. Cậu đến nhà, anh vui quá, giúp cho gia đình anh di tản ra ngoại quốc nha”.
– Cái máy ảnh anh kể đó là loại Polaroid chụp lấy liền hình mầu chỉ trong vài phút. Tôi đã thấy đám phóng viên ngoại quốc dùng loại máy chụp ảnh này khi họ đến trại tù binh Phú Quốc và ở các buổi trao trả tại phi trường Lộc Ninh. Máy này mắc tiền đó đa anh giáo. Hãng Polaroid đánh đúng vào ý thích của khách hàng là khi chụp ảnh xong thì đều muốn coi được ngay tấm hình đó nhưng nó có một bất tiện là không có phim âm bản nên nếu chụp tấm nào, chỉ có tấm đó thôi và không thể rửa thêm lần thứ hai thứ ba được. Ông quân nhân góp lời.
Ông già nhất khẽ gật đầu như thừa nhận lời vừa nói của ông quân nhân và tiếp:
– Như vừa kể tôi rất muốn gặp lại cậu em này mà chẳng biết chỗ cậu sống ở đâu. Sau lần gặp cậu ta với 2 người Mỹ đó đến nay cả mấy năm rồi còn gì. Gặp là để mong cậu từng có thời gian làm việc với họ thì may ra có thể tìm được cách để mình níu theo mà đi nên giờ cậu ta đến nhà thì khác gì một cái phao cứu sinh cho bản thân và gia đình. Nghe tôi nhờ cậy, cậu ta nói: “Em vừa ở ngoài Trung vào đây, tình hình bây giờ rối mù chẳng biết đường mà liệu nữa, người Mỹ thay đổi kế hoạch liền liền. Giờ phải chờ ngày mai xem có tin gì mới không. Tình hình biến chuyển lẹ quá, càng lúc càng xấu”. Tin gì? Tôi hỏi thêm thì cậu bảo: “Minh lớn sẽ nhận chức tổng thống ngay tối hôm nay ở dinh Độc Lập. Nội các mới có thể phải chia chung một số ghế với bọn Mặt trận Giải phóng nằm vùng ở Sài Gòn. Sứ quán Hoa Kỳ biết hết cả và mong có thể thêm thời gian để họ đưa hết các người cần di tản ra khỏi Sài Gòn trước khi bọn Cộng Sản Bắc Việt chiếm trọn quyền hành, gạt tất cả từ Minh lớn đến đám Mặt trận ra rìa. Em sẽ đưa gia đình anh chị đi chung chuyến bay và chắc chỉ vài ngày nữa mình sẽ lên đường”. Hỏi thêm thì cậu ta bảo sẽ đưa cả nhà tôi vào trong sứ quán Mỹ và để lên xe buýt vô phi trường Tân Sơn Nhứt rồi lên máy bay C 130 bay sang Phi Luật Tân. Nghe như vậy, tôi không biết nói gì hơn vì không ngờ cậu ta còn nhớ đến mình nên kêu vợ con ra cảm tạ cái ơn. Vợ tôi cứ lắp lắp: “Gia đình anh chị thật có phúc mới gặp được bà con như chú, thôi thì đành trông cậy mọi sự”. Cậu em ở lại ăn qua quýt bữa cơm với gia đình tôi xong thì bỏ đi ngay, nói sẽ quay trở lại và bảo tôi thu xếp ít quần áo phòng sẵn. Chiều tối hôm ấy, vang vang những tiếng nổ rung chuyển cả đường phố Sài Gòn rồi sau mới biết do Việt Cộng ném bom ở phi trường Tân Sơn Nhứt và pháo kích vào các khu dân cư mà ra. Điện bị cúp nữa làm cả khu phố tối hù. Cả đêm hôm đó, tôi gần như thức trắng để chờ cậu em quay lại trong tâm trạng sợ đạn pháo kích rớt xuống nhà mình thì khốn. Có lúc, tôi đi ra ngoài đầu ngõ thấy dòng người ta chạy qua lại trên đường bất chấp cả lệnh giới nghiêm. Tiếng còi hụ của xe cứu hoả, xe cứu thương trong tiếng súng nổ cùng tiếng máy bay ầm ì xa xa trên trời cao càng làm mình thêm lo thêm rối trí. Tôi quay về nhà nằm chờ đợi, lúc ngủ lúc thức vật vờ ở cái ghế dài salon phòng khách cho tới khi trời sáng rõ thì cậu ta lại đến, bảo: “Vụ di tản bằng phi cơ ở Tân Sơn Nhứt coi như chấm dứt rồi. Bom máy bay và đạn pháo 130 ly của Việt Cộng chiều tối hôm qua đã cày nát bề mặt phi đạo nên chắc người Mỹ phải tính cách khác. Khi nào anh nghe bài hát X này trên băng tầng FM thì phải nhanh chân chạy đến sứ quán Hoa Kỳ ngay… Em ghé báo tin anh biết và bây giờ thì phải đi chút công việc gấp, nếu không thấy em trở lại đây thì cả nhà cố tự thân đến đó, anh em mình sẽ gặp lại nhau thôi”. Cậu ta còn dặn nên thủ ít tiền đô trong người phòng có lúc cần dùng đến và nhớ đừng chần chờ, đi càng nhanh càng tốt. Khi cậu ta ra khỏi nhà rồi, tôi cứ để nguyên radio mở ở cái băng tần FM mà cậu vừa chỉ dẫn và nghĩ đích thực cậu này là nhân viên CIA như người trong họ hàng đã kháo nhau từ trước. Ở thời điểm đó, hỏi có mấy người Việt mình biết đến cái vụ bài hát X hiệu lệnh di tản này của người Mỹ.
– Á à! Thì ra cái bài hát tôi nghe kể người Mỹ đã dùng trong ngày di tản hôm đó đó phải không? Nghe nói máy bay trực thăng Mỹ sẽ đón người ở sứ quán Hoa Kỳ cũng như ở các toà buyn đinh khác nữa mà. Phải không anh giáo? Ông quân nhân chen vào.
Ông già nhất chưa trả lời thì anh chàng bộ đội hỏi:
– Bài hát trên băng tần FM hả bác? Bác còn nhớ nó không?
– Nhớ chứ! Can nãy mấy người có thấy tôi ngóng xem cái ti vi chơi một khúc chung với cảnh Noel đó không. Ông già nhất gật đầu, khẽ huýt gió một đoạn nhạc ngắn rồi khẽ khàng: “Đó! Đó! Thôi thì nói luôn cho biết. Bài hát X đó có tên là White Christmas và do nam ca sĩ Bing Crosby hát. Cậu em bảo tôi khi nào nghe thấy băng tần FM phát ra bài này thì nó chính là hiệu lệnh để di tản. Tôi chờ thì đến gần trưa mới nghe thấy bài hát này thật… Tôi đang mơ một mùa Giáng sinh tuyết trắng với các tấm thiệp Giáng sinh tôi đã viết… Lời của bài hát X. Tôi và vợ con chuẩn bị sẵn sàng chờ cậu ta đến nhưng rồi một giờ, hai giờ đồng hồ qua đi mà không thấy bóng dáng cậu này đâu cả. Vợ tôi nhớ lời dặn cũ thì lại thúc phải tự đi nhanh kẻo không kịp nên tôi lấy chiếc Honda Dame đèo vợ con chạy ngay đến sứ quán Mỹ. Dọc đường đi, tôi thấy lại cảnh chiến tranh tại Sài Gòn như hồi Tết Mậu Thân năm xưa. Từ Phú Nhuận vào nội đô không xa lắm mà tôi phải nhích từng đoạn từng đoạn trên đường nghẹt cứng người và xe. Mãi rồi khi đến được sứ quán Mỹ thì hỡi ơi… Quá đông con người ta đang xếp hàng dọc trên đường và ngay tại cánh cửa cổng ra vào, tình cảnh trông thật nản. Đám đông người xô lấn chen nhau đông đặc, không ai chịu nhường cho ai cả. Ai cũng muốn vào được bên trong toà nhà nhưng việc đó đâu có dễ dàng gì”.
Ông quân nhân lại hỏi:
– Nghe nói khi đó không chỉ một sứ quán Hoa Kỳ mà còn mấy buyn đinh khác nữa chính phủ Mỹ đã chọn ra để máy bay trực thăng đáp xuống đón người. Mấy buyn đinh đó ở chỗ nào trong Sài Gòn hả anh giáo?
– Mấy gì anh! Tới mười ba cái buyn đinh lận. Cái thì ở đường Trương Minh Giảng, cái thì ở đường Tú Xương rồi ở cả đường Gia Long nữa… Tôi chẳng nhớ hết đâu! Ông già nhất đáp lời.
Dòng người xếp hàng trước cổng sứ quán Mỹ để mong vào được bên trong
Nói xong thì ông già nhất ngồi thừ người ra như để dòng ký ức quay trở về ngày tháng cũ của năm đó. Ba người còn lại trong bàn yên lặng nhìn ông ta như một thông cảm cho tâm trạng riêng tư. Nhắc lại những kỷ niệm cũ, lòng ai không bồi hồi. Một lát thì ông già nhất lại tiếp:
– Thấy dòng người quá đông, tôi bảo với bà xã phải xếp hàng thôi, không cách nào khác… Trâu chậm thì uống nước đục. Mình tuy chậm nhưng sẽ là kẻ đến sớm so với các người khác còn đang ở nhà. Vất bỏ cái xe Honda Dame đi, tôi bảo vợ con chịu khó đứng trong hàng để giữ chỗ trước còn bản thân thì chạy lòng vòng tới lui chỗ này chỗ kia tìm cậu em họ. Phải có cậu ấy thì cả gia đình tôi mới mong vào bên trong toà đại sứ được. Tôi đi đến từng đám người tụm 5 tụm 3 bên kia đường và ở các con ngõ gần chung quanh sứ quán Mỹ nhưng không thấy cậu ta. Quay trở về dòng người, tôi xếp hàng lại với vợ con mình và cứ nhích từng bước cả tiếng đồng hồ sau thì gia đình cũng lần đến được cánh cửa cổng nhưng rồi lại bị lính thuỷ quân lục chiến Mỹ đẩy ra rìa ngay vì không có giấy tờ gì để vào bên trong sứ quán được. Không vào được bên trong, gia đình tôi cứ đứng ngay tại cánh cửa cổng, nghĩ cậu em tôi sẽ xuất hiện mà mãi chẳng thấy đâu. Sau thì thằng con trai tôi, khi đó nó mới khoảng 6 tuổi, bám theo chân một gia đình khác và nhờ vậy, đã âm thầm lẻn vào được bên trong sứ quán.
– Thằng bé khôn quá! Đúng con anh giáo. Ông quân nhân gật gù cái đầu và nở nụ cười.
Ông già nhất ánh lên ánh mắt tinh quái khi nghe ông quân nhân khen đứa con trai mình và tiếp ngay:
– Đấy! Vào được bên trong rồi thì thằng con tôi lại chạy trở ra phía cánh cửa cổng, lấy tay làm loa khẽ gọi và vẫy vợ chồng tôi nữa. Vợ tôi bập bẹ vài câu Anh ngữ với mấy gã lính thuỷ quân lục chiến Mỹ bảo đó là đứa con trai, nó theo chúng bạn chạy vào trong mà lại không chịu trở ra ngoài với bố mẹ. Mãi thì một gã lính cho phép vợ tôi vào trong để dẫn nó ra nhưng rồi bà ấy và đứa con trai biến mất luôn vào dòng người, chỉ còn lại mình tôi vẫn đứng bên cánh cửa cổng. Đây là một sắp xếp của vợ chồng tôi từ trước, ai cứ vào được thì vào, đi được người nào thì cứ đi còn hơn chết chùm cả đám. Vợ tôi vào được bên trong đó thì cố kiếm cậu em mà chẳng thấy rồi sau tình cờ thì bà lại gặp một cô bé gần nhà nên mới nhờ giúp. Cô bé này, có tên gọi là cô Hai cũng sống trong khu phố không xa và thỉnh thoảng đến nhờ tôi dạy thêm ít câu tiếng Anh đàm thoại. Không biết cô ta làm cái gì mà cũng có mặt trong sân sứ quán và nhận ra vợ con tôi nên mới đến hỏi chuyện. Hỏi rồi biết tôi còn kẹt ở bên ngoài thì cô bảo sẽ nhờ người chồng ra cánh cửa cổng thử gặp, may ra. Trời ơi! Cô bé này lấy chồng Mỹ từ lâu rồi mà thật khéo dấu, hàng xóm chẳng ai biết và cả gia đình tôi nữa. Vợ chồng cô bé Hai đi ra cánh cửa cổng gặp đám lính thuỷ quân lục chiến Mỹ rồi vẫy tôi lại gần hỏi xem có giấy tờ gì liên quan đến chính phủ Hoa Kỳ không. Tôi định lắc đầu thì chợt nhớ đến tấm ảnh Polaroid cũ liền vội lục trong cái túi xách tay PanAm lấy nó ra cho cả bọn họ xem. Cô bé Hai bảo với người chồng và các gã lính rằng tôi là nhân viên sở Mỹ ở một văn phòng ngoài miền Trung, chạy thoát tay Việt Cộng vào đây và giấy tờ đã mất hết chỉ còn duy nhất tấm ảnh. Mấy gã lính gác cổng chuyền tay nhau xem tấm ảnh và khi hỏi thêm chi tiết thì tôi lấy lý lịch của cậu em điền vào cho bản thân mình nhưng cũng chưa xong việc ngay. Khi một gã lính đòi tôi chi 500 đô thì mới cho vào bên trong thì tôi lấy ra cả một xấp tiền giấy nhưng đếm tất cả chỉ được 310 đô thôi. Lý do: Đô la Mỹ khi đó khan hiếm vô cùng, vợ tôi xoay mãi cũng chỉ đủ tiền mua ngần ấy nhưng lại toàn bạc lẻ. Lúc đầu, gã lính đó không đồng ý cứ khăng khăng phải có đủ 500 đô mới được. Cô bé Hai trổ tài thuyết phục, bảo bọn Việt Cộng mà vào đây thì chúng sẽ giết chết hoặc bỏ tù tôi ngay tức khắc nếu như còn kẹt lại, không chạy kịp. Chồng cô ta cũng nói vào và sau cùng gã lính đó mới chịu nhận xấp tiền và cho tôi đi vào bên trong. Nếu không có vợ chồng cô bé Hai này giúp thì bản thân tôi đành chịu cứ đứng ở cánh cửa cổng mãi vì làm sao mà vào bên trong toà nhà được. Nhưng sau này nghĩ lại, chẳng thà gia đình tôi đừng vào trong sứ quán Mỹ thì biết đâu sẽ hay hơn và sẽ không mất 310 đô mà cả nhà lại có thể đi thoát bằng tàu lớn ở bến Bạch Đằng. Nhiều người ở quận 4 đã di tản thoát thân ngay những phút cuối bằng tàu lớn ở đây mà chẳng mất đồng nào cả. Trở lại chuyện cũ thì vào trong sân sứ quán Mỹ rồi, tôi mới thấy cả ngàn người nam – phụ – lão – ấu đang ngồi, đứng, nằm chen chúc bên nhau trong dòng người xếp hàng rồng rắn để chờ được gọi đến lượt di tản. Hỏi thì mới hay có người đã vào đây từ mấy ngày hôm trước mà tới giờ, họ vẫn chưa nhúc nhích gì cả. Súng ngắn, ai đó vất bỏ vài khẩu nằm im phơi bóng dưới đáy cái hồ nước trong vắt. Bọn lính thuỷ quân lục chiến Mỹ cứ tách dân da trắng hoặc một số người Việt ra trước rồi đưa họ lên sân thượng để theo máy bay trực thăng UH ra hạm đội, người còn lại trong hàng thì phải chờ đi các lượt sau. Thấy cách đưa người di tản như vậy, ai cũng cho là quá chậm vì lâu lâu mới có một chiếc trực thăng đáp xuống mà chỉ chở được độ chục người trong mỗi chuyến. Cuối cùng, nhân viên làm việc ở sứ quán mới hạ lệnh cho cưa đổ cái cây to ở mé sân sau, lấy chỗ trống để trực thăng khổng lồ hạ cánh. Loại trực thăng này to lắm, tôi không biết tên nó… nhưng có thể chở được thêm khá nhiều người so với loại UH nhỏ xíu”.
– Trực thăng vận tải CH 47 Chinook phải không anh giáo? Ông quân nhân hỏi.
Ông già nhất nghe câu hỏi, lắc đầu:
– Không! Không phải loại Chinook CH 47 sâu rọm đâu anh. Loại trực thăng này khác anh à. Nó còn to hơn Chinook CH 47 nữa và cũng vì vậy mà không sử dụng được sau vài chuyến bốc người ở sân sứ quán Mỹ. Sức quay từ các cánh quạt của nó đã làm bể cửa kiếng các phòng, thổi muốn bay người đứng ở dưới đất và có thể sẽ làm sập cả những bức tường vây quanh toà nhà nữa nên kế hoạch dùng loại máy bay này để di tản người trong phút cuối đành phải bỏ. Chỉ dùng duy nhất loại trực thăng UH thôi và lính thuỷ quân lục chiến Mỹ cứ lần lượt đưa từng đợt, từng đợt người lên sân thượng. Sân thượng tuy rộng nhưng chỉ có một bãi đáp cho trực thăng UH mỗi lần xuống một, hai chiếc nên mình có muốn nhanh hơn cũng không được. Khi đó sốt ruột lắm.
Anh chàng bộ đội chen vào:
– Nghe bác nói thì rốt cuộc cả gia đình cũng không đi thoát. Vậy mà cháu nghe kể người Mỹ đưa máy bay trực thăng đáp xuống sân thượng sứ quán đón dân Việt di tản ra hạm đội 7 hết cả.
Ông già nhất gật đầu, nhắc lại câu vừa kể:
– Khi đó sốt ruột lắm… Phải! Cứ nghĩ gia đình mình vào được sứ quán Mỹ thì rồi sẽ đi thoát. Có ai ngờ! Cứ nhích từng bước một để theo nhau lên từng tầng của toà nhà. Tầng hai rồi tầng ba, tấng bốn… thật là lâu trong dòng người xếp hàng. Chiều xuống dần và đêm tối ì ạch trôi qua nhưng đám đông người di tản vẫn còn nghẹt cứng cho đến khi cả gia đình tôi đứng được trong dòng người ở cái cầu thang dẫn lên sân thượng, nơi máy bay trực thăng UH đáp xuống đón người. Rồi lên được tới sân thượng thì mừng muốn rớt nước mắt. Nhìn bầu trời chung quanh, Sài Gòn đã bắt đầu hưng hửng sáng, không khí buổi ban mai thổi mát mặt, làm mình tỉnh ngủ sau cả đêm dài thức trắng. Tôi nói lời an ủi khi thấy vẻ mệt mỏi trên khuôn mặt của vợ mình: Ráng chịu đựng thêm chút nữa đi… Ra được hạm đội 7 thì cả nhà ta sẽ ổn. Tiếng động cơ trực thăng UH từ xa xa vọng lại chung với tiếng gầm rú đinh tai của những khu trục cơ F4 Phantom đảo lộn trên cao để bảo vệ các chuyến bay di tản và rồi một chiếc trực thăng đã xuất hiện ngay ở phía trên đầu mình. Ục… ục… ục! Tôi nhìn lên, chiếc UH đó đang xuống thấp dần để bốc người như các chuyến trước đây. Gia đình tôi rồi sẽ ngồi trên chiếc trực thăng đó chỉ trong vài phút nữa thôi và thoát nạn. Tôi nghĩ vậy thì thấy gã lính thuỷ quân lục chiến Mỹ đứng ngay trước mặt thọc hai ngón tay vào miệng y để phát ra những tiếng tuýt tuýt như một hiệu còi. Sau đó, y ta co tay làm thêm một dấu hiệu mới thì mấy gã lính khác còn lại vội tản ra và đẩy cả đám người chúng tôi đi lùi dần xuống khỏi cái cầu thang. Xuống hết cái thang thì cả dòng người vẫn phải theo lệnh của mấy tay lính thuỷ quân lục chiến Mỹ để tiếp tục đi xuống các tầng dưới toà nhà rồi sau cùng thì đến tầng trệt và ra đứng hẳn ở trên sân sứ quán. Thấy tình hình như vậy, có người hỏi lý do thì một gã lính trả lời tập trung ở sân sứ quán để lên xe buýt chở vào phi trường Tân Sơn Nhứt và máy bay C 130 sẽ đón sau. Gã lính đó nói các tàu chiến của hạm đội 7 đã đầy người, không thể chứa thêm được nên phải chuyển phương cách di tản. Xuống dưới sân của toà nhà thì mới thấy số người chờ di tản vẫn đầy nghẹt tuy không đông như hôm qua. Bây giờ thì chẳng còn hàng ngũ trật tự gì như trước nữa, mạnh ai muốn đứng, ngồi hay nằm vật xuống sàn nhà hoặc bất cứ chỗ nào tuỳ ý nhưng đều giống nhau ở khuôn mặt chung nỗi lo âu cùng mệt mỏi. Vẫn đông người như vậy thì không biết ở cánh cửa cổng có còn ai không? Tôi nghĩ những người ở bên ngoài cánh cửa cổng cố hết sức để vào được bên trong sân toà nhà mà không biết cả đống người vẫn bị dính chặt ở đây chưa di tản và cũng chẳng biết tình hình rồi sẽ ra sao? Bất chợt có tiếng ai đó nói lớn cửa dẫn lên tầng trên đã bị thuỷ quân lục chiến Mỹ khoá chặt rồi. Nghe vậy thì có người nói phải phá ổ khoá cửa. Phá ổ khoá cửa, nhằm có đường để cả bọn mình đi lên trở lại cái sân thượng, chỗ máy bay trực thăng xuống đón người thì mới thoát. Phải làm vậy thôi, bọn mình mà không có mặt ở bãi đáp trên sân thượng, máy bay trực thăng sẽ bay qua luôn và đến các buyn đinh khác. Có người lại nói các xe buýt của sứ quán từ hôm qua đã chở người vào Tân Sơn Nhứt rồi phải quay về đây thì làm gì có vụ tập trung ở đó để lên máy bay C 130 như lời gã lính thuỷ quân lục chiến Mỹ nào đó nói. Mình bị người Mỹ bỏ lại rồi, kết luận là vậy. Những người đang phá ổ khoá cửa thì phải thối lui xuống ngay vì họ chịu không nổi hơi lựu đạn cay do lính thuỷ quân lục chiến Mỹ ném xuống. Hơi khói lựu đạn cay lan dần xuống tới tầng dưới, tôi nắm tay dẫn vợ và đứa con trai theo chân những người khác chạy vội ra chỗ đất trống của toà nhà để bớt ngộp. Ở đây, nhìn ra cánh cửa cổng vẫn còn khoá chặt và vẫn có người đang cố sức trèo qua lớp hàng rào kẽm gai giăng trên cao để nhẩy vào phía bên trong. Không một bóng người lính thuỷ quân lục chiến Mỹ nào cả dù khi đó tiếng máy bay trực thăng trên sân thượng vẫn ục ục vọng xuống đất. “Trực thăng đang bốc những người lính thuỷ quân lục chiến Mỹ cuối cùng và bỏ rơi bọn mình cả rồi…”, tiếng một ai đó thét lớn. Rồi tiếng người khóc rấm rức, tiếng người khác chửi thề chung với lời nguyền rủa bọn Mỹ đểu giả. Trời Sài Gòn khi đó đã sáng rõ mà đám người chúng tôi vẫn không ai dám bỏ ra khỏi toà nhà vì cố nuôi một niềm tin mơ hồ trong lòng: Lính thuỷ quân lục chiến Mỹ cùng các trực thăng rồi sẽ quay trở lại đây và sẽ áp tải hết tất cả người Việt đến thẳng hạm đội 7. Họ sẽ giữ lời hứa như một nhân viên sứ quán đã cam kết vào chiều tối ngày hôm qua “Tất cả các bạn người Việt hiện diện ở đây sẽ được bốc ra hạm đội 7 hết cả. Chúng tôi đang thực hiện chiến dịch di tản. Hãy yên tâm và giúp chúng tôi duy trì trật tự, đi theo hàng ngũ”. Ở góc tường sát với toà nhà bên cạnh, chút khói trắng vẫn bốc lên từ mấy thùng phi sắt mà ngày hôm qua, các nhân viên của sứ quán đã đốt rất nhiều chồng hồ sơ cùng giấy tờ tài liệu mật. Không ai được lại gần mấy thùng phi đó và nhân viên có lúc phải rưới thêm dầu vào để ngọn lửa cháy nhanh hơn. Tình cảnh hiện tại, đám chúng tôi chẳng biết phải làm gì ngoài việc chờ đợi di tản trong vô vọng. Có người suy đoán không chừng công binh đã sửa cấp tốc xong cái phi đạo trong Tân Sơn Nhứt rồi và bọn mình sẽ được di tản bằng máy bay vận tải C 130 như lời gã lính thuỷ quân lục chiến Mỹ đã nói. Bọn mình ở đây cộng thêm số người ở các buyn đinh khác nữa sẽ rất đông, không thể dùng trực thăng di tản hết được và chỉ một cách vào Tân Sơn Nhứt thì mới xong việc. Sau mới biết các tin đó để trấn an tinh thần của nhau. Không thể phá được cái ổ khoá cửa thì vài người lại đi đập bể tấm kiếng của các gian phòng gần đó. Tôi kéo vợ con đến một chỗ kín gần góc nhà và ngồi im để chờ điều chưa biết sắp xẩy đến. Tôi yên lặng khi nghe lời thì thào của bà xã: “Mình làm gì bây giờ anh?”. Tôi không thấy đói bụng ngoài cái mệt mỏi của thân xác. Lương khô, nước ngọt và những lon đồ hộp từ các thùng Ration C nằm lăn lóc đầy trên sàn nhà mà chẳng có ai màng đến. Tôi rối trí khi vợ tôi nhắc lại câu hỏi cũ và chỉ biết lắc đầu vì phải lo lắng nhiều thứ trong một thời gian quá ngắn ngủi.
– Phải chi lúc đó gia đình anh chạy ngay đến bến Bạch Đằng thì may ra còn kịp chuyến di tản. Sau này, nghe tin trên đài VOA, BBC… tường thuật về buổi trưa hôm 30 tháng 4 năm đó, có mấy chiếc tàu thương mãi chở người vừa rời khỏi bến Bạch Đằng độ mươi mười lăm phút thì xe tăng T 54 Cộng Sản Bắc Việt mới xuất hiện ở khu vực kho 5 Khánh Hội. Mấy thương thuyền đó chạy thoát hết ra biển rồi nhập chung với đoàn tàu hải quân Mỹ luôn. Ngẫm lại, thấy do cái số cả anh giáo à. Ông quân nhân thẽ thọt.
– Vậy! Do cái số cả. Ông già nhất lập lại lời nói của ông quân nhân.
– Cuối cùng thì người di tản ở sứ quán Mỹ ra sao hả bác? Trực thăng không đón, cứ chờ mãi ở đó cho đến khi Việt Cộng vào? Anh trẻ tuổi nhất cất tiếng hỏi.
– Còn sao nữa hả cậu! Khi có tin từ ngoài phía cánh cửa cổng bảo là xe tăng T 54 Cộng Sản Bắc Việt chiếm được Ngã Tư Bẩy Hiền, rồi kế đó lại cái tin bọn chúng đã vào được bên trong bộ Tổng Tham Mưu và hiện có một đoàn xe tải Molotova đang trên đường đi đến sứ quán Mỹ này. Tin đó vừa loan ra thì ôi thôi! Không ai bảo ai đều đồng loạt đứng lên, cùng chạy đến cánh cửa cổng và phá banh nó để tìm đường thoát ra được bên ngoài cho nhanh. Tôi và vợ con ra khỏi sứ quán Mỹ và khi đi vào con hẻm nhỏ của ngày hôm trước, chiếc xe Honda Dame vất bỏ vẫn còn nằm nguyên nơi đó. Không ai thèm đụng đến vì nó cũ mèng và chung quanh, vài chiếc xe hơi, xe Vespa, xe Lambetta, xe Standard, xe Honda SS 50 láng coóng còn nằm đầy ra đấy. Nước mất tới nơi, thân không biết có giữ được không thì mấy của nả này ai cần đến. Tôi lấy xâu chìa khoá còn giữ ở trong túi quần và nổ lại máy chiếc xe. Trên đường chạy xe về lại nhà mình, trước mắt tôi ở từng đoạn đường đi ngang qua là các chiếc xe tăng T 54, xe tải Molotova cắm cành lá giả trang ở các cạnh thùng… chở đầy bộ đội chính quy Cộng Sản Bắc Việt chạy ngược chiều đường để vào bên trong nội đô Sài Gòn. Ở vài giao lộ, xe thiết giáp M 113, xe tăng M 41, xe nhà binh GMC đầy vũ khí mà không một bóng lính mình chung quanh. Những gốc cây, cuối một hẻm đường… quân phục lính mình bỏ nằm gọn ở dưới đất chung với các mũ sắt, súng cùng dây ba chạc còn đầy các băng đạn… thấy mà đau lòng. Còn có cả xác lính mình nằm chết bên lề đường nữa, chẳng biết do người ấy tự sát hay bị trúng đạn khi giao tranh. Thấy một nhóm người vừa đàn ông vừa thanh niên cởi trần, quần cụt đứng lớ ngớ, thất thểu bên cạnh đường, tôi dừng xe lại nhìn họ… đoán là lính mình đây và quả thật là vậy. Tự dưng một nỗi buồn vô hạn dâng trào trong lòng tôi vì chỉ trong một thời gian có vài tháng mà đất nước mất hết vào tay giặc, tan hàng tập thể cùng một ngày. Ông già nhất khẽ chắt lưỡi, lắc đầu.
– Người em bà con cô cậu gì của bác, số phận chú ấy ra sao? Anh bộ đội hỏi.
Ông già nhất khẽ lắc đầu, đáp:
– Cậu em bà con hả? Sau cái hôm đó, tôi chẳng bao giờ gặp lại lần nữa… cho đến tận bây giờ. Không biết cậu ta có kịp di tản hay bị kẹt lại. Cậu ta có đến các buyn đinh khác? Tôi thực chẳng biết nữa. Tôi mà định cư ở Mỹ rồi nếu có thì giờ rảnh, sẽ thử dò tìm tin tức xem sao. Hy vọng rồi sẽ gặp lại cậu ta.
– Còn cái cô me Mỹ, chắc cũng đi được hả bác? Anh bộ đội hỏi thêm.
– Khi giúp tôi vào bên trong sân rồi thì ít lâu sau, vợ chồng cô bé Hai được nhân viên toà đại sứ tách riêng rồi đưa họ lên sân thượng. Ông già nhất cười và tiếp lời: “Kể ra thì chua chát thật, me Mỹ lại ưu tiên di tản trước cả những sĩ quan, viên chức cao cấp của chính quyền miền Nam VNCH mình”.
– Anh giáo nói sao, tôi chưa hiểu? Ông quân nhân thắc mắc.
– Thế này! Ừm… Ừm. Ông già nhất khẽ hắng giọng, tiếp: “Khi đứng hết cả ở sân toà nhà rồi thì chúng tôi mới biết, trong số người bị kẹt lại, có một ông thiếu tướng Nam Hàn, một ông thiếu tướng Đài Loan và cả một số người Âu Châu nữa”.
– Người Âu châu! Ý bác muốn nói là dân da trắng, tóc vàng, mắt xanh lơ. Anh trẻ tuổi nhất bập bẹ lời.
– Phải! Chính vì có những người Âu châu này nên đã làm cả bọn chúng tôi nghĩ họ là người Mỹ thì trực thăng UH sẽ quay trở lại đón và mình sẽ theo chân đi cùng. Chừng hỏi ra thì mới biết họ là người Tây Đức, người Ý Đại Lợi và cả dân da đen vùng Bắc Phi, người Á Căn Đình ở Nam Mỹ nữa. Trong số họ, tuy da trắng tóc vàng hoặc tóc nâu, tóc đen… nhưng đều không phải là công dân Mỹ. Thế có bỏ mẹ không! Người Mỹ thực thụ thì đi mất hết cả rồi, đám Âu châu ở đây giờ cũng như dân Việt mình, kẹt giỏ hết cả đám. Tại sao đám người này lại có mặt ở đây? Họ là nhân viên các hãng buôn ngoại quốc, dân du lịch hoặc nhân viên các sứ quán nước khác bị kẹt lại và chạy vào đây để mong được sứ quán Mỹ giúp cho di tản hòng thoát tay bọn Việt Cộng. Mẹ kiếp! Dân Âu châu mà cũng tránh mặt bọn Việt Cộng y như người khoẻ mạnh tránh gặp bệnh nhân phong hủi. Chờ mãi mà không thấy máy bay trực thăng đến thì màn đập phá lại tiếp tục. Có một căn phòng bị đập bể cửa tan hoang và nhờ vậy, vô tình đã giải thoát cho 2 ông bộ trưởng đang bị nhốt trong đó. Thế mới hài hước! Hai ông này, ra được ngoài căn phòng rồi còn tưởng việc di tản vẫn đang tiếp tục. Hỏi, cả hai kể là đã vào sứ quán từ ngày hôm trước lận, lính thuỷ quân lục chiến Mỹ dẫn cả hai ông vào căn phòng đó bảo ngồi chờ sẽ đến lượt gọi ra để đi và mấy cái samsonite hành lý thì phải tách ra, mang lên tập trung trước ở sân thượng. “Các ông sẽ nhận lại khi ra tới hạm đội 7”, một gã lính thuỷ quân lục chiến Mỹ cam đoan và thế là hai ông này tèo hết hành lý. Phòng đó có tường cách âm, có tủ lạnh và đầy đủ các thứ cần dùng không khác gì khách sạn nên hai bộ trưởng nhà ta cứ yên tâm chờ. Ta phải nhớ rằng, trước đó độ hai tuần lễ, sứ quán Mỹ ở Nam Vang bên Campuchia cũng có cái màn trực thăng bốc người di tản sang Thái Lan rồi và, chắc cũng đã có mấy ông to – bà lớn Campuchia bị lính thuỷ quân lục chiến Mỹ đỡ nhẹ cặp samsonite, túi xách tay kiểu như vậy. Ông già nhất khẽ cười.
– Hai ông bộ trưởng đó chắc đã mất khá nhiều tiền đô và có thể cả vàng cục, nhẫn hạt xoàn nữa. Tui thấy mấy cha nội thuỷ quân lục chiến Mỹ chơi một cú quá gọn. Cứ tham nhũng cho cố đi rồi thì cũng trắng tay. Anh chàng mua bán chợ trời nói.
Ông già nhất lắc đầu, nói:
– Bên Campuchia tôi không biết chứ hai ông bộ trưởng đó thì nghĩ tài sản họ mang theo cũng chẳng có là bao. Giỏi lắm là chục ngàn đô, vài lượng vàng lá trong cặp là cùng, vậy thôi. Tôi nói chỉ có như thế là vì một người làm chức bộ trưởng, nếu muốn tham nhũng, người đó cũng phải ngồi ở vị trí có thể kiếm ăn được thì mới có miếng, không gặp chỗ ngon thì cũng đành chịu. Thêm nữa, hai ông này tôi nghe tiếng trên báo là những người có tư cách nên họ mới tin lời nói của mấy tay lính mà giao hành lý mang theo. Bản thân mình thành thực thì cũng nghĩ người khác thành thực như mình. Người khác mà samsonite đựng đầy nhóc tiền đô, vàng lá, nhẫn hạt xoàn thì đời nào chịu đưa cho ai giữ hộ… Đồng tiền liền với khúc ruột mà.
Ông quân nhân lại hỏi:
– Tại sao sứ quán Mỹ lại bỏ rơi không đón hết những người đã được họ chọn cho vào trong toà nhà. Có gì lấn cấn trong nội bộ không hả anh giáo?
– Lúc đầu ai cũng cho là do bộ đội chính quy Cộng Sản Bắc Việt vào tới Sài Gòn quá nhanh nên sứ quán Mỹ đành bỏ rơi người lại, không thể di tản hết cả nhưng tôi thì nghĩ cũng không hẳn là vậy. Ông già nhất ngồi yên trong chốc lát như một cân nhắc điều sẽ nói và sau đó tiếp lời: “Anh nhớ lại đi, chiều ngày hôm trước… tức ngày 29 đó… Ở hướng Tây Bắc Sài Gòn, Bắc Việt đã chiếm được trại huấn luyện tân binh Quang Trung ở vùng ngã tư An Xương rồi. Từ nơi đó vào tới ngã tư Bẩy Hiền chỉ cách độ 6 hay 7 cây số đường là cùng. Ngã tư Bẩy Hiền thuộc quận Tân Bình và cứ thẳng đường Phạm Hồng Thái thì sẽ đến chợ Bến Thành ngay. Tự dưng bọn chúng dừng chân như cố ý… chờ. Chờ cái gì vậy? Chờ cho xong vụ di tản người từ Sài Gòn ra hạm đội 7. Tại sao có vụ chờ này? Phải chăng có một thoả thuận ngầm nào đó giữa người Mỹ và tụi Cộng Sản Bắc Việt hay không thì chẳng ai biết nhưng mình có thể dự đoán theo chiều hướng đó. Phía Cộng Sản Bắc Việt sẽ ngưng bắn từ giờ X đến giờ Y để các trực thăng Mỹ an toàn khi chở người di tản ra hạm đội 7. Các trực thăng đón người hầu như bay rất thấp về hướng Đông để ra biển và trực chỉ thẳng đến hạm đội 7. Đây quả là miếng mồi ngon cho loại hoả tiễn tầm nhiệt SA 7 của bọn Việt Cộng ở vùng Rừng Sát, sông Lòng Tàu nếu như chúng muốn nhắm bắn vào phi cơ. Hoả tiền tầm nhiệt SA 7 là loại súng cá nhân, vác trên vai khi khai hoả. Sáng sớm ngày 29 khi trời chưa rõ hẳn, bằng loại hoả tiễn tầm nhiệt SA 7 này, bọn Việt Cộng đã bắn rớt một máy bay C 119 ngay trên bầu trời Sài Gòn. Thử nghĩ chỉ cần vài máy bay trực thăng UH ăn phải hoả tiễn tầm nhiệt SA 7và bị rớt thì vụ di tản chắc chắn sẽ phải ngưng lại ngay. Ngưng lại có thể một ngày, hai ngày và sẽ kéo dài thêm nữa. Thuỷ quân lục chiến Mỹ buộc phải nhập cuộc rồi sẽ có lính chết, máy bay bị rớt thêm và làm dân Hoa Kỳ bên chính quốc nổi nóng. Biết đâu khi các sự việc đó xẩy ra dồn dập khiến người Mỹ phải thay đổi sách lược và đòi các phe liên quan ở Việt Nam phải tuân theo hiệp định Ba Lê 1973. Rồi máy bay B52 lại được lệnh cất cánh trở lại chung với việc thuỷ quân lục chiến Mỹ đổ bộ để tham chiến. Ta biết người Mỹ đã ép chính quyền miền Nam VNCH mình khi ký hiệp định Ba Lê 1973 mà rồi họ có tuân thủ theo đâu nên bọn Cộng Sản Bắc Việt nó mới lấn tới, lấn tới mãi. Mình thử nghĩ như vậy đi. Thực ra bọn Cộng Sản Bắc Việt rất sợ người Mỹ nên chúng gần như án binh bất động cả bao nhiêu tiếng đồng hồ cho đến khi giờ Y tới, các phi vụ di tản phải chấm dứt theo thoả thuận ngầm này dù vẫn còn rất đông người đang chờ ở sân sứ quán cũng như ở các buyn đinh khác. Nghĩ được như vậy thì mình mới thông cảm người Mỹ đã cố hết sức để đưa dân Việt di tản mà không xuể. Nghĩ được như vậy thì mới thấy chuyện có mặt của nhóm mình tối hôm nay trong trại tị nạn này cũng có phần lớn trách nhiệm của người Mỹ. Như A là nguyên nhân của B và B là đầu mối của C… vậy. Câu chuyện của tôi tới đây là hết”. Ông già nhất lấy tay phất ngang như một dấu hiệu kết thúc một sự việc.
Thoáng yên lặng trôi qua với bốn người họ. Ông quân nhân rít tiếp hơi thuốc lá đang cháy dở trên tay còn ông già nhất cầm cái ấm trà định rót uống thì thấy đã nó cạn nên bỏ xuống trở lại. Hai cậu trẻ tuổi ngồi yên, trơ mắt nhìn. Bất chợt tiếng còi hụ vang lên từ cái loa phóng thanh trên cột đèn đường gần đó khiến cả bốn người họ đồng loạt đứng lên và lục tục theo chân những người khách khác để ra khỏi quán. Giờ giới nghiêm đến rồi, không ai có thể nán lại thêm chút nào được nữa, sẽ rất phiền nếu bị police trong trại bắt gặp.
Đi sát bên nhau trong một hướng khác để về lại barrack, anh bộ đội nói với anh trẻ tuổi nhất:
– Bây giờ thì đến phiên nhóm mình tan hàng. Thôi về ngủ ngon nha mày, mình sẽ gặp lại nhau tối mai. OK!
Không biết khi gặp lại nhau trong chầu cà phê lần tới thì bốn thuyền nhân này sẽ chọn câu chuyện của ai đã kể đêm hôm đó là hay nhất. Còn các bạn đã đọc đến dòng chữ này, sẽ nghĩ sao?
Chuyện Kể Đêm Mùa Đông Năm Ấy
Phạm Thắng Vũ
Lại một mùa Giáng sinh đang đến gần, câu chuyện dưới đây là của 4 thuyền nhân sống rải rác trong các barrack tại một trại tị nạn thuộc vùng Đông Nam Á.
Ở đâu cũng vậy, tuy là trại tị nạn nhưng từ hơn cả tuần nay, không khí Giáng sinh đã rõ nét qua các giai điệu nhạc Noel trong các quán cà phê, trên màn hình ti vi khi chiếu cảnh mùa đông tuyết phủ với lò sưởi ấm cúng bên cạnh cây thông xanh – chùm đèn lấp lánh đặt trang trí ở góc phòng trong các gia đình bên trời Tây. Sẩm tối hôm đó, bốn người họ gặp nhau ở một bàn trong góc quán cà phê. Họ là: Ông già nhất, vợ con còn lại bên quê nhà, từng đi dạy học và mua bán sách báo cũ mưu sinh trước khi vượt biên, ông thứ hai, gốc là một quân nhân từng coi tù binh chiến tranh tại Phú Quốc, vợ chết khi vượt biên nhưng hai đứa con đang sống ở Mỹ, anh thứ ba, khoảng ba mươi, bộ đội đào ngũ từ đơn vị ở Campuchia và người cuối cùng là dân mua bán ở chợ trời, trẻ tuổi nhất trong số họ.
Anh bộ đội nói với ông già nhất:
– Năm nào cứ đến những ngày lễ như Giáng sinh này làm cháu nhớ lại những kỷ niệm cũ bên quê nhà. Nhớ và buồn quá bác.
Ông già nhất gật đầu nhè nhẹ để ông quân nhân đáp lời thay:
– Ai mà không cùng tâm trạng như cậu, mình ở đây xa cách quê nhà làm sao mà không nhớ thân nhân cho được. Hồi tôi ở Phú Quốc kìa, ngay trên quê hương mình đấy mà nhớ gia đình vô kể. Vài hôm nữa là Giáng sinh rồi lẩm nhẩm tháng hơn, lại đến Tết ta.
Anh trẻ nhất gật đầu:
– Tui cũng vậy. Nhớ gia đình quá mấy ông ơi!
Ông già nhất nói với ba người họ:
– Nghe ai nói cũng buồn và nhớ nhà nên tôi có cái ý này, không biết mấy ông thì sao?
Ý gì vậy! Nói ra đi… Cả ba người hỏi.
– Ngồi nhớ nhà mãi thêm buồn rồi cứ vậy thì sẽ rất chán nên tôi đề nghị tối hôm nay: Mỗi người trong chúng ta hãy kể câu chuyện cũ hoặc một kỷ niệm gì gì đó đã xẩy trong đời mình ở cái đêm Giáng sinh cho cả nhóm biết, xem coi chuyện ai hay nhất, quý vị nghĩ sao?
– Còn nghĩ sao nữa, tui đồng ý với ý kiến của bác. Anh trẻ nhất trả lời rồi sau đó quay qua hỏi ông quân nhân và anh bộ đội: “Không biết chú và anh đây thế nào?””.
– Tôi là một Phật tử nên nếu bảo kể chuyện về ngày Giáng sinh đạo Chúa thì chịu chết… Nhưng anh giáo (ông quân nhân thường ngày vẫn gọi ông già nhất là anh giáo) đã nói vậy thì ai có chuyện rồi cứ kể ra trước đi. Có người kể thì cũng cần có người nghe chứ, phải không nào? Nếu đồng ý cả thì xin anh giáo là người đầu tiên vì dầu sao đây cũng là đề nghị của anh và anh cũng thuộc hàng “trưởng thượng” trong nhóm mình, tôi nghĩ vậy.
Trưởng thượng ở đây là do sự hiểu biết cùng tuổi tác của ông già nhất mà ba người còn lại trong nhóm đã đồng ý từ khi họ làm bạn cà phê – thuốc lá với nhau.
Anh trẻ nhất tán đồng:
– Đúng quá! Kính lão đắc thọ! Người lớn tuổi kể trước rồi hàng em hàng cháu mới dám theo sau chứ.
Ông già nhất gật gật cái đầu như xác nhận mình “người lớn tuổi ” ở cái bàn này nhưng lại bảo:
– Đáng lẽ tôi đầu tiên nhưng tuổi trẻ bao giờ cũng là tương lai của dân tộc. Vậy, tôi đề nghị người trẻ nhất kể trước rồi cứ thế dần dần lên cho đến lượt tôi, đi sau cùng. Mình lớn tuổi rồi… lót tót theo sau thanh niên vậy. Đồng ý nha! Không bàn cãi tới lui gì nữa.
Anh trẻ nhất nghe vậy, trả lời liền:
– Không cho bàn cãi tới lui! Vậy nói tui mở màn trước. Được! Nhưng tui có một thắc mắc này xin muốn hỏi bác, chú và anh đây. Mới ban nãy, nghía qua cái ti vi, tui thấy trên đài chiếu quảng cáo về ngày Giáng sinh lúc thì Christmas lúc lại Xmas mà không biết tại sao. Chữ nào đúng, chữ nào sai và có phải chữ X là viết tắt của chữ Christ không?
Anh chàng này người miền Nam nên nhân xưng đại danh từ của anh ta khi nói chuyện với người khác đều một chữ: Tui, không biết khi anh nói chuyện với các thân nhân ruột thịt trong nhà thì cách xưng hô ra sao? Câu hỏi coi vậy mà khó trả lời ngay, ông quân nhân và anh bộ đội đều đưa mắt nhìn về ông già nhất, họ cũng chờ câu giải đáp. Ông già nhất nhìn cả ba người họ rồi nhăn nhăn vầng trán như khởi động bộ não của mình:
– À! Christmas là tiếng Anh. Christ là Chúa Cứu Thế còn mas là tiếp vĩ ngữ của chữ Christ. Mas xuất xứ từ chữ cổ Latin Âu châu là Missa mà ra. Missa là thánh lễ… Vậy Christmas là lễ mừng Chúa giáng sinh. Còn Xmas thì tôi đã từng nghe bảo X là một hàm số của mas do đám trí thức trẻ thuộc đạo Thiên Chúa bên trời Tây đặt ra cho money, amusement và self. Xmas coi vậy mà có ý nghĩa ngầm đấy. Cũng hay ra phết.
Thấy ba người họ trơ mắt nhìn vì chưa hiểu ý, ông ta tiếp:
– Trong chữ mas thì các chữ m, a, s được viết tắt từ money tiền bạc, amusement thú vui và self cái tôi hay cái ta. Chúng ta hãy tự xét mình rồi đối chiếu nó với ba chữ này thì sẽ tìm ra đáp số của X. X là ẩn số của ngày Giáng sinh đối với từng người.
Nghe như vậy, ông quân nhân cắt ngang:
– Ý anh giáo nói Xmas là đạo Chúa dạy ta nên sống theo kiểu biết xài đồng tiền cho đúng chỗ, đem niềm vui đến cho người khác và quên cái tôi mình đi, chỉ nên nghĩ cho tha nhân phải không?
– Phải! Đó là thông điệp của mỗi mùa Giáng sinh hàng năm. Ông già nhất gật đầu.
– Lạ nha! Lần đầu cháu mới nghe chuyện này đó. Hay quá bác! Anh bộ đội tán thưởng.
Nghe lời khen, ông già nhất khẽ cười như tự thưởng công cho niềm hãnh diện riêng cá nhân mình và quay qua bảo với anh mua bán chợ trời:
– Giải đáp thắc mắc cho rồi thì kể chuyện của cậu đi.
Lời nhắc của ông già nhất đã kéo anh trẻ nhất trở về “phận sự ” của mình. Anh ta sửa lại thế ngồi và đằng hắng ứ ừ ít câu trong cuống họng rồi nói:
– Bảo ai trẻ nhất thì phải kể trước tiên nhưng tui lại không biết chuyện gì về nhà thờ, về ngày lễ Giáng sinh đạo Chúa cả để mà tám ra đây. Gia đình tui theo đạo ông bà, thờ cúng tổ tiên bao đời rồi. Khó à nha. Thôi, có chuyện này gần gần với ngày Giáng sinh trong đời tui, không biết có thể kể ra được không nữa.
– Được! Được!… Kể ra đi! Ba người còn lại nhao nhao miệng.
Anh trẻ nhất bắt đầu:
– OK! Năm đó, đám tổ chức vượt biên dẫn tui xuống một vùng gần biển của tỉnh Trà Vinh để chờ taxi đưa ra cá lớn. Gọi là gần biển nhưng thực sự còn xa lắm vì chỗ họ ém tui ở lại nằm trong một cù lao heo hút không biết có phải thuộc huyện Trà Cú không nữa. Chủ nhà bảo từ đây ra được đến biển phải chạy ghe mất cả hàng giờ đồng hồ mới xong. Ém trong nhà đó vài ngày, tui lại được họ chuyển đến ở chung với ba cô gái khác trong căn chòi nằm giữa khu vườn cây ăn trái. Ở chung với người khác phái cũng đỡ buồn dù chẳng có gì với nhau. Khi đó là tháng 12 gần cuối năm rồi, mùa mưa cũng vừa hết nên đám tổ chức dự định sẽ đánh chuyến ngay trong đêm 22 là ngày kỷ niệm thành lập quân đội Việt Cộng. Đám tổ chức tính trong ngày lễ này, mấy tay bộ đội biên phòng vùng duyên hải Trà Vinh vì mải ăn uống nhậu nhẹt trong ngày lễ, sẽ lơ là việc canh gác nên có thể làm chuyến vượt biên thành công. Tính vậy mà không xong, bộ đội biên phòng tuy ăn nhậu nhưng họ vẫn canh gác chặt chẽ. Tui và ba cổ đã ra bãi ngồi chờ taxi rồi mà không xong. Đám tổ chức không đánh chuyến được nên họ lại tách cả nhóm ra, đưa mình ên tui đến trốn trong một xóm nhà dân rất lạ. Ba cô kia, họ đưa đi đâu thì tui không rõ. Đổi chỗ ẩn náu để an toàn và cũng để chờ chuyến mới thôi. Xóm dân cư đó chỉ độ gần hai chục căn nhà, người không nhiều lắm nhưng cái lạ ở đây là có những gia đình trong xóm, thân thể họ cao lớn hơn người mình, làn da họ đen hơn người Miên, mắt họ có khoen dưới mí và môi thì đỏ chót. Khi cười, hầu như ai trong số họ cũng phô hàm răng rất trắng nên trông giống như dân Phi Châu mà thực ra không phải. Họ nói chuyện với nhau và với cả tui nữa đều bằng tiếng Việt rất rành rẽ. Tụi ba Tàu bán hàng ở chợ trời Tân Thành trong Chợ Lớn tui gặp hàng ngày tuy nói rành tiếng Việt nhưng cái âm còn lơ lớ ngọng nghịu không được như đám dân này đâu. Ở trong nhà họ mà tui chẳng thấy trưng bàn thờ, bàn thiên gì cả. Không biết họ là giống dân gì? Người Chàm hay bà con của dân tộc Phù Nam mà lịch sử mình kể đã từng tồn tại ở vùng Óc Eo ngày xưa?
– Tôi nghĩ họ không phải là người Chàm. Ông già nhất chen vào và nói tiếp: “Người Chàm mà họ còn có tên khác Chiêm Thành thì chỉ ở ngoài miền Trung là chính vì đây là cố đô của họ. Tỉnh Trà Vinh chỉ có người Khmer tức người Miên, người Việt và dân ba Tàu thôi. Người Chàm ở miền Nam thì ta thấy họ sống ở vùng Châu Đốc mà bây giờ mình gọi là tỉnh An Giang đó. Tôi cũng không nghĩ đám dân đó là người Phù Nam vì theo lịch sử kể, quốc gia này đã biến mất từ thế kỷ thứ 7 rồi. Xa tít mù so với thời đại bây giờ lắm lắm. Óc Eo chỉ là một địa danh trong vùng núi Ba Thê ngày nay mà có lúc dân khảo cổ bảo đấy từng là một hải cảng sầm uất nhưng đối chiếu trên thực địa, hiện nó cách bờ biển rất xa”.
Nghe như thế, anh trẻ nhất hỏi:
– Vậy dân sống ở xóm tui kể đó là người nào hả bác?
– Cậu kể thì tôi nghe vậy chứ khó biết lắm vì tới bây giờ giới khảo cổ vẫn chưa xác định chắc chắn về sắc tộc của dân gọi là Phù Nam xưa. Có thể đám dân này đến nước Việt từ thời xa xưa nào đó… mà cũng có thể chỉ mới khoảng trong một hai trăm năm gần đây thôi. Biết đâu họ gốc gác là dân Ấn hay một sắc tộc Hồi nào đó thuộc vùng Nam Á Châu đã phải bỏ chạy khỏi quê hương họ để tìm nơi trú thân sau một cuộc binh lửa tranh giành ngôi báu, quyền hành. Thời xưa, cách chạy trốn tốt nhất thì cũng chỉ bằng phương tiện ghe thuyền vì nó vừa nhanh vừa mang được nhiều người cùng một lúc. Thời nhà Lý, mấy ông hoàng cũng dùng ghe thuyền chạy trốn thái sư Trần Thủ Độ mà bây giờ, lịch sử bảo còn tung tích ở tận đâu bên nước Đại Hàn. Mấy người đó cũng vậy, họ đi bằng ghe thuyền và khi đến được vùng ven biển nước mình để ẩn náu, bảo tồn tấm thân trước đã, chuyện quay trở về xứ phục hận sẽ tính sau. Cứ vậy rồi dần dà theo thời gian, con cháu họ lần hồi đã quên hết các tập tục ông bà để lại. Và, trong giao tiếp với dân địa phương là người Việt mình ở chung quanh, họ từ từ mất dần luôn ngôn ngữ riêng. Chỉ có hình hài, dòng giống… là tồn tại thôi.
Ông quân nhân hỏi:
– Xóm nhà đó ở đâu trong vùng Trà Cú – Trà Vinh vậy cậu?
Anh trẻ nhất lắc đầu, nói:
– Đám tổ chức đưa đón trong đêm trong hôm nên tui không biết. Nghĩ lại lúc đó tui thấy mình cũng dở ẹt ở chỗ không chịu hỏi người ta.
Ông quân nhân tiếp:
– Cuối cùng thì chuyến vượt biên đó ra sao? Cậu bảo cái gì gần gần với ngày Giáng sinh đó mà nghe thấy gì đâu.
Anh trẻ nhất ngồi yên giây lát rồi kể:
– Nấn ná hơn tuần lễ ở đó mà không thành, sau cùng phải quay về nhà thôi chú… Ai từng bị ém kín chờ lúc xuống taxi thì có gì hay ho đâu mà kể. Hồi hộp thấy mẹ. Nghe tiếng chân người đến gần thì cầu mong đó không phải công an, du kích đi tuần. Có một việc mà tui không biết nói như thế nào. Đám tổ chức đưa tui đi ẩn náu trong một căn nhà gần như bỏ hoang không có người ở… căn nhà đó có mấy buồng thì không biết nhưng họ đưa tui vào trong một buồng có cái lẫm chứa lúa khá lớn. Họ bắc cái thang tre sát vách buồng, bảo tui trèo vào lẫm và ngồi im trong đó, chờ họ. Trong cái lẫm đó, lúa cạn gần sát đáy và đã có một ông ngồi thù lù từ trước rồi. Xong, họ lấy tấm nắp đậy kín lẫm lại để không ai biết có tụi tui rồi bỏ đi mất tiêu. Ở chung, hỏi tên nhau thì tui được biết ông đó tên Phi, cũng vượt biên chung chuyến. Ở im trong căn buồng, cứ đến giấc trưa, chiều tối thì có người họ đến đưa đồ ăn và cho hai đứa tui ra ngoài vệ sinh tắm rửa một lát rồi trèo trở lại vào cái lẫm trốn. Cái lẫm chứa lúa làm bằng tấm tre đan nên tuy ngồi bên trong nhưng tụi tui vẫn có thể thấy bên ngoài qua các khe hở của mắt lưới. Có người ở chung thì mình cũng vui nhưng mệt vẫn mệt dù chẳng làm việc gì, có lẽ vì sợ mà ra. Một buổi quá trưa, cơm nước xong xuôi rồi, đang thiu thiu ngủ thì nghe có tiếng chân người bước phía bên ngoài nhà, tui tỉnh giấc ngay. Ông tên Phi đó cũng vậy. Hai đứa tui choàng dậy và qua các mắt lưới tre, một cô gái đẩy cửa vào trong căn buồng. Cô ta nhìn cái lẫm lúa, nhìn chung quanh căn phòng rồi từ từ… cởi quần áo mình ra. Trời! hai đứa tui nín thở luôn nhưng vẫn nhòm. Cô gái thoát y, thay bộ quần áo khác xong rồi nhanh chóng bỏ đi ra ngoài. Hai đứa tui nhìn nhau vì sợ mà cũng thích nữa. Sợ vì rủi cô này biết có tụi tui trong lẫm lúa nhòm lén thay đồ thì mặt mũi mình ra sao. Thích thì bản năng con người, ai mà chẳng thế. Sự việc mới xẩy ra trước mắt nên tuy nằm xuống trở lại khá lâu rồi mà trong trí hai đứa tui vẫn lởn vởn hình ảnh người con gái đó làm không tên nào ngủ được nữa. Cứ như vậy cho đến khi con mắt muốn sụp xuống thì tụi tui lại nghe tiếng động mới nên khẽ nhoài người lên để nhòm ra ngoài. Lần này tới hai cô gái khác theo nhau vào trong buồng và hình ảnh cũ lại tái diễn. Hai cô này là bạn nên họ vừa thay quần áo lại vừa trửng giỡn thân thể nhau nữa, thế mới chết tụi tui. Khi hai cô gái ra khỏi căn buồng rồi thì tui nghĩ, họ vào đây để thay quần áo thì chắc là dân ở thành phố xuống để vượt biên. Hỏi ông Phi, tui mới biết hôm nay là ngày Giáng sinh đạo Chúa và đám tổ chức định đánh chuyến vào dịp này. Đó! Câu chuyện tui nói gần gần với ngày Giáng sinh là vậy.
Tay bộ đội quay qua, đối mặt với anh trẻ nhất và hỏi:
– Chuyến đi không thành thế rồi sau mày có gặp lại mấy cô gái đó không?
– Không! Tui không gặp họ lần nào nữa và ngay cả với cái ông tên Phi. Đám tổ chức đưa từng người tụi tui ra khỏi căn buồng để về lại bến xe, ông Phi đó đi ra trước cả lúc lâu rồi mới tới phiên tui. Tui chẳng biết nhà cửa ông ta ở đâu chỉ nhớ có nói sống đâu đó trong vùng Long Xuyên thôi. Mình nghe thì nghe vậy mà chắc gì thật lòng, vượt biên mà.
– Ba cô này là ba cô gái mà mày kể ở chung chỗ trước đấy đó hả?
– Không phải. Mấy cô này khác, đẹp hơn nhiều.
– Đẹp hơn nhiều. Chu choa! Vượt biên không thành mà được quay phim tới ba cô gái lận. Dễ gì có mày!
– Vậy! Về kể chuyện này cho mấy đứa bạn nghe, tụi nó bảo thấy gái ở truồng xui lắm. Chuyến vượt biên đó, tui đi xa nhà lâu nhứt may mà không bị công an nó tó đó anh.
Ông quân nhân ngồi im hút thuốc, thả ra một luồng khói trắng rồi nhìn anh trẻ nhất và anh chàng bộ đội:
– Kỳ ngộ! Hay đấy. Còn chuyện của cậu, chần chừ gì nữa?
Anh chàng bộ đội nghe vậy liền trả lời:
– Chuyện của cháu xẩy ra ngay đêm Giáng sinh và cũng khá lâu rồi trước ngày cháu đi bộ đội lận. Gia đình cháu là dân Bắc kỳ 9 nút, lại đạo Công giáo, tưởng lý lịch như vậy sẽ thoát cảnh làm lính ông già nhưng đám tuyển quân ở phường vẫn ghi tên nên đành phải tuân lệnh thôi. Rời quân trường Núi Đất rồi nhận đơn vị tận bên Camphuchia mới thấy dân nước họ ghét người Việt Nam quá dù mấy năm trước, bộ đội từng giúp họ thoát tay đám Khmer đỏ. Nghe mấy đứa cùng trung đội bảo đây là mối thù truyền kiếp giữa hai dân tộc đã có lâu rồi, y như mình với bọn Ba Tàu – Tung Của. Đóng quân ở gần các phum dân Campuchia mà bộ đội đi lạng quạng thì nếu không chết vì bị bắn sẻ thì cũng cụt giò do đạp mìn gài. Ai gài, ai bắn sẻ? Cũng đám dân Khmer trong phum, y chang kiểu du kích thời chiến tranh ở nước mình khi trước. Do vậy, có chuyến đi công tác ở gần Tây Ninh thì cháu vọt về nhà liền. Về nhà rồi gia đình sắp xếp cho vượt biên và đi thoát ngay được, gặp đúng chuyến mà… Trở lại chuyện đêm Giáng sinh năm đó, cháu vừa vào khuôn viên giáo đường thì cậu bé giúp lễ đến gần bên bảo cháu vào gặp cha xứ ngay. Khi đó trời mới sâm sẩm tối, giờ lễ đêm còn xa, nhà ở lại gần giáo đường nên mình mới vơ vẩn vào xem hang đá trước. Cháu hỏi cậu bé lý do tại sao thì cậu trả lời không biết, bảo lệnh cha nói vậy thì nghe vậy. Vào nhà xứ gặp cha rồi chào và ngài hỏi: “Anh có người bạn học cũ tại trường X tên Cách phải không?”. Đứng yên một lát thì cháu nhớ đã có bạn học tên Cách thật nên gật đầu thì ngài lại tiếp: “Anh ta mới vào đây gặp cha và đang ngồi chờ anh ở phòng bên cạnh, anh sang gặp đi và liệu chuyện ra sao thì tuỳ ý nhưng phải nhanh vì lát nữa người đi lễ đông lắm sẽ rầy rà nếu giải quyết sự việc chậm, cha chỉ giúp được như vậy”. Cách là bạn học cũ với cháu ở trung học đệ nhị cấp nhưng khi chuyển lên lớp mười, đệ nhất cấp thì đã khác lớp vì nó theo ban B còn cháu chọn ban A… nhưng cũng xa cách cả mười năm rồi còn gì.
Anh trẻ nhất dơ tay làm cử chỉ chận mạch chuyện của anh bộ đội và xen vào:
– Đệ Nhị đệ Nhất cấp và ban B ba A của trung học thời đó là sao hả anh?
– Đệ Nhị cấp là trung học cấp 2 và đệ Nhất cấp là trung học cấp 3 bây giờ. Ban B là ban Toán, ban A là ban Văn chương của thời tao học khi đó.
Ông già nhất góp lời:
– Khi đó là trước ngày 30 tháng 4 năm 1975 đấy cậu. Việt Cộng chiếm được miền Nam đã thay mới nhiều thứ nhưng tôi nghĩ sau này, họ sẽ đổi lại theo cách sắp xếp cũ.
Anh bộ đội tiếp câu chuyện:
– Theo tay chỉ của cha xứ về hướng một cánh cửa, cháu bước vào phòng đó thì đã thấy một người ngồi chờ sẵn ở bàn. Đó là thằng Cách. Hồi còn học chung lớp, giữa cháu và nó không thân lắm. Gia đình nhà nó khá giả nên ngày nào đi học cũng bằng xe Honda riêng, mấy đứa học sinh có được. Mặt mũi sáng láng trong bộ y phục đúng mốt nên nó rất bảnh khác hẳn bây giờ ở trước mặt cháu, thằng Cách quá sức tồi tàn trong bộ dạng còm cõi với bộ quần áo cũ vừa bẩn vừa hôi. Cháu kéo ghế ngồi đối diện, nhìn chăm chăm vào mặt nó mà nghĩ: Thằng này thay đổi quá, nếu ở ngoài đường sẽ nhận không ra rồi buột miệng lầm thầm, hỏi từng câu: “Mầy là Cách… Cách dân Tây đây mà… sao mày biết tao ở đây mà tìm… kể ra cũng lâu lắm rồi nhỉ, nay mình mới gặp lại nhau”. Thằng Cách có cái biệt danh là Cách dân Tây, vì ba mẹ nó đặt tên con cái trong nhà theo thứ tự Duex, Trois, Quatre trong tiếng Pháp. Nó là con trai thứ ba trong nhà nên tên Cách, hai chị gái nó mang tên Đơ và Thoa. Thấy cháu lẩm bẩm như vậy, thằng Cách run run nắm lấy tay cháu, nói khẽ: “Vậy là mày nhận ra tao rồi, giúp tao nhen”. Theo lời kể thì mới bốn ngày trước, nó vừa trốn khỏi trại cưỡng bức lao động ở đâu đó trên vùng tỉnh Sông Bé. Nó chạy được vào một cánh rừng rồi lòng vòng lạc đường đến cả hai ngày trời thì mới gặp một căn nhà và vào xin đồ ăn nước uống. Chủ căn nhà là một tay già cán bộ tập kết đã cho nó ăn uống lại che chở và còn giúp nó có phương tiện về lại được Sài Gòn.
Ông quân nhân nghe chuyện kể tới đây liền nói:
– Gặp người tử tế đấy nhưng cũng khó tin ở đoạn kể về tay cán bộ. Cán bộ tập kết là Việt Cộng miền Nam nhưng thường thì đám đó mà gặp tù trốn trại là vây bắt giao cho công an liền một khi.
Anh bộ đội gật đầu, đồng tình:
– Đúng chú! Thằng Cách kể tiếp: “Tay cán bộ tập kết đó bảo mấy năm trước chú mầy mà ló mặt đến đây thì tao sẽ bắt ngay. Tao đã từng bắt mấy đứa tù trốn trại như vậy rồi nhưng nay thì đã khác”. Tuy gã cán bộ không nói lý do tại sao đã khác nhưng thằng Cách đoán có lẽ bọn Việt Cộng miền Bắc ào ào vô Nam quá đông rồi vì tranh dành địa vị với nhau nên đẩy ra rìa đám miền Nam tập kết năm xưa, nay không cần nữa, cho về vườn hết cả. Thêm vào đó, va chạm với xã hội còn lại của miền Nam trong giao tiếp, tâm tính của rất nhiều tên cán bộ tập kết như trường hợp của gã ân nhân thằng Cách đã thay đổi. Không còn tiếp tay cho bọn Việt Cộng làm điều ác như trước nữa, gã cựu cán bộ đó đã dấu thằng Cách trong nhà khi bọn công an lần theo dấu vết và mò vào tận nơi dò hỏi. Gã bảo không thấy tên tù trốn trại và bọn công an tin ngay lời nói đó do cái quá khứ cộng tác cũ. Đến ngày thứ năm kể từ lúc chạy trốn, chính tay già tập kết đã dùng xe bò chở than, ém thằng Cách nằm ở chính giữa đống hàng để lọc cọc ra được quốc lộ 13 và rồi thẳng tới trạm xe đò chạy tuyến đường Sài Gòn – Sông Bé trong chuyến chót an toàn. Ông ta còn cho nó ít tiền phòng thân dọc đường nữa.
Anh trẻ nhất hỏi vặn anh bộ đội:
– Mấy ngày ở trong rừng, bạn Cách của anh sống bằng cái gì? Nước thì uống nước suối, nước lạch đi… mình không kể nhưng đồ ăn kìa. Chắc chỉ trái cây rừng, mà sao biết thứ nào ăn được?
– Tao cũng hỏi như mày bây giờ và nó kể là trước lúc bỏ trốn thì đã dò dẫm chuyện đó từ một bạn tù trong phòng giam từng sống ở vùng rừng núi. Tổng quát, cứ trái cây rừng nào mà vị ngọt và chua thì ăn được. Với loại trái cây có vị vừa ngọt vừa đắng, ngọt không thôi hoặc ngọt nhưng cái hậu có vị beo béo thì mình phải cẩn thận. Nói là nói vậy nhưng khi đói quá thì cũng phải liều mạng và thằng Cách đã thử ăn một loại trái cây rừng nó gặp được, trông giống như quả nhãn mình thường trồng ở nhà. Quả nhãn rừng này khác ở chỗ phần cơm bọc chung quanh hạt đen ở giữa thay vì trắng lại có mầu đỏ và cũng có vị ngọt. Không dám ăn nhiều nhưng mới nuốt vài trái thì nó hoa mắt rồi lăn ra xỉu, miệng sùi bọt. Nằm ngay đơ trên đất cho đến khi cơn đau bụng đã đánh thức nó dậy. Nó cố lết đi, may gặp một con suối và đã uống nước cho có cái để ói ra nhằm làm dịu cơn đau đang cồn cào ruột gan. Nó ói ra nước bầy nhầy kèm với chút máu và nhờ vậy mới gượng đi được. Có suối, nó phải quay lại cái nghĩa địa cũ để lấy một bát cắm hương ở một mả hoang mà thủ làm đồ trữ nước uống. Muỗi trong rừng nhiều vô kể, trời bắt đầu sụp tối thì nó phải trèo lên cây cao, kiếm chỗ chạc ba ngồi ngủ để tránh thú dữ và mong gió khuya sẽ xua bớt đàn muỗi rừng lúc nào cũng vo ve điếc cả tai. Cứ lòng vòng lạc lối trong rừng như vậy cho đến khi nó trông thấy căn nhà của tay cán bộ.
Ông già nhất ngồi nghe nãy giờ, thốt lên:
– Nhân chi sơ tính bản thiện, người ở đâu, thời đại nào cũng có kẻ giống nhau. Bạn cậu và ông cha xứ làm tôi nhớ hình ảnh tay tù Jean Valjean và giám mục Myriel trong truyện Les Miserables của nhà văn Victor Hugo đấy. Kể tiếp chuyện đi.
Anh bộ đội nhìn ông già nhất trong giây lát rồi tiếp:
– Khi thấy cha xứ lấp ló ở cửa phòng, chỉ vào đồng hồ trên tay ngài thì cháu liền đứng lên, đi ra cảm ơn cha và bảo với ngài sẽ lo cho thằng Cách ngay. Rồi cháu dẫn nó về nhà, nói sơ với mẹ về hoàn cảnh. Mẹ cháu nói gần tới giờ lễ đêm rồi, trước mắt bảo bạn con tắm rửa, ăn uống và nghỉ ngơi đi, mai sẽ tính sau. Nó đi tắm, thay quần áo của cháu rồi ra ngồi ăn cơm chung bàn với gia đình. Sau đó cháu hỏi nó: “Sao mày biết tao ở đây mà tìm?”. Nó bảo hồi còn học chung, nhớ có lần đã nghe cháu nói nhà ở trong xứ đạo này nên khi về được tới Sài Gòn thì liền tìm đến ngay. Cũng từ kinh nghiệm của bạn tù dặn rằng: “Thời bây giờ, nếu cần tìm chỗ trú thân trong đêm tối, nên đến nhà thờ gặp mấy ông cha cố đạo Chúa thì hy vọng còn có lối thoát, đừng vô Chùa, mấy ông sư giờ không như ngày trước đâu”, tao đâu biết nhà mày và cũng không chắc mày còn ở đây hay đã chuyển đi nơi khác, cả mười năm rồi chứ ít gì nhưng cứ thử xem mới biết.
Ông quân nhân lấy tay khoa khoa trước mặt như không đồng ý với đoạn chuyện anh bộ đội vừa kể:
– Cha hay sư thì cũng tuỳ người tuỳ nơi chứ không phải đều một ruột như nhau hết cả đâu. Mà thôi, cậu cứ kể tiếp đi, tôi sẽ nói sau vậy
Nghe thế, anh bộ đội nói:
– Ăn xong, thằng Cách xin đi ngủ ngay, cháu đưa nó lên gác vào phòng riêng của mình và bảo: “Mày ngủ đi, lát tan lễ đêm về mình sẽ nói chuyện nhiều hơn”, nhưng nó ngủ một lèo cho tới quá trưa ngày hôm sau mới thức dậy được. Cũng dễ hiểu, nó mệt quá, trốn chạy trong rừng rồi đi cả ngày với tay cán bộ thì có nhắm mắt được là bao. Khi thằng Cách tỉnh ngủ rồi, nhìn mặt mũi nó, cháu phải kêu ông thợ hớt dạo vào nhà, tăm tia cho gọn đầu tóc rồi mới kéo nhau ra quán. Hai đứa ngồi ở cái bàn trong góc vườn cho kín đáo, thằng Cách kể: “Tao theo chuyến xe cuối về tới bến Miền Đông ở Thủ Đức thì trời đã quá chiều. Ra khỏi bến, đi lòng vòng mà lo tối nay chưa biết sẽ ngủ ở đâu, nhà thì xa, sợ mò về thì có thể sẽ bị bắt trở lại vì chắc chắn công an khu vực đã được tin báo rồi. Tao vào một quán cà phê ngồi nghỉ chân và nhớ đến mày, đến cái địa chỉ đã nghe khi trước. Mình không thể lang thang cả đêm ngoài đường được, công an sẽ chận hỏi và rồi rắc rối chứ chẳng chơi. Tao nghĩ vậy nên mới hỏi thăm bà chủ quán nước về đường đi rồi đón xe ôm đến được xứ đạo và xin vào gặp ông cha”.
Anh trẻ nhất hỏi:
– Bạn Cách của anh nhà ở đâu, chắc cũng đâu đó trong Sài Gòn?
Anh bộ đội lắc đầu, đáp lại:
– Không! Nó tận trên vùng Củ Chi-Hậu Nghĩa lận… mày cũng biết chỗ đó mà.
Ông quân nhân nói:
– Củ Chi-Hậu Nghĩa nằm về hướng đi Tây Ninh-Campuchia, cách Sài Gòn cũng cả trăm cây số chứ ít gì. Thời còn chiến tranh, vùng này là địa bàn hoạt động của bọn Việt Cộng đó.
– Đúng chú. Anh bộ đội gật đầu và tiếp: “Thằng Cách kể sau ngày 30 tháng Tư thì bố mẹ nó bán căn nhà ở Sài Gòn và về quê cũ ở trong vùng Củ Chi này. Những năm có chiến tranh với Khmer Đỏ, nhà nước bắt lính dữ lắm nhưng vì là con trai duy nhất trong gia đình nên nó thoát cảnh bộ đội, chỉ lòng vòng ở nhà phụ cha mẹ làm ruộng thôi. Ngoài ruộng rẫy, nhà nó còn nuôi khá nhiều gà vịt. Đám ấp đội rồi cả bọn công an sống chung trong xóm thường bắt trộm gà vịt nhà nó nên ông bà già mới làm đơn thưa nhưng chính quyền địa phương chẳng xử. Tánh nó nóng, ức lòng cái vụ gà vịt mất trộm nên khi gặp đám công an-ấp đội thì chửi đổng. Dịp lễ 30-4 của năm trước đó, nó đi chơi bài ở mấy nhà gần gần thì bị đám này rình bắt và giải giao cho trại cưỡng bức lao động Bố Lá với tội danh thành phần cờ bạc-quậy phá làng xóm. Trong trại lao động này, có một gã quản giáo là anh ruột của tên ấp đội bắt giữ thằng Cách. Tên quản giáo đó đì nó sát ván, sơ hở một chút là bị phạt và có khi còn không cho gia đình tiếp tế thăm nuôi nữa”.
Ba người ngồi chung bàn nghe anh bộ đội kể, họ im lặng như đang thả hồn về các cảnh sống cũ bên quê nhà và rồi ông già nhất khơi lại câu chuyện:
– Ở nước mình, ai bị tù giam đã khổ mà sống trong trại cưỡng bức lao động thì còn thê thảm hơn vì không rõ ngày nào mới được thả ra. Đã thế, tù nhân lại còn phải đi lao động nặng hàng ngày nữa.
Nghe ông già nhất nói, anh bộ đội gật đầu đồng tình và kết thúc:
– Vậy! Thằng Cách đã quyết định phải trốn trại sau khi dò hỏi từ các người bị giam cùng phòng với nó. Có người đã ba năm, người thì năm năm rồi mà họ không chút hy vọng sẽ bao giờ được thả khỏi trại nên nó phải bùng thôi. Chuyện kể đêm Giáng sinh của cháu là vậy… Bây giờ thì tới phiên người khác.
Anh bộ đội dứt lời, đưa mắt nhìn về phía ông quân nhân nhưng anh trẻ nhất khoát tay:
– Tui thấy chưa xong nhen… anh ngưng ngang xương vậy đâu được. Kể thêm đi huynh, tui muốn biết anh bạn Cách cuối cùng ra sao, không lẽ cứ trốn trong nhà anh?
Nghe anh trẻ nhất hỏi, ông già nhất gật đầu còn ông quân nhân hùa theo:
– Phải đó! Chuyện coi như chưa có hồi kết thúc… rồi anh chàng trốn trại đó đi đâu? Kể tiếp đi mà.
Thấy phản ứng của ba người họ, anh bộ đội khẽ lắc đầu, trả lời:
– Thôi được rồi… mà cũng đúng. Để cháu kể tiếp đây. Anh ta khẽ hắng giọng trước khi nói: “Ở được vài ngày thì nhân lúc cháu vắng nhà, mẹ cháu hỏi chuyện và thằng Cách đã nói thật hết cả. Khi cháu về, bà cho gọi cả hai xuống nhà và bảo với thằng Cách: Dân xứ đạo ở vùng Gò Vấp này, chẳng ai ưa đám công an nên gia đình không lo vụ bị hàng xóm chỉ chọt, mách lẻo gì. Bác nói vậy để cháu an tâm nhưng mình phải tính sao cho gọn chứ cứ trốn tránh mãi thì cũng kẹt”. Nói là tính mà có ai trong nhà nghĩ ra được gì đâu nên cuối cùng, cháu đành phải vào vấn kế với cha xứ. Ngài nghe xong chuyện mới bảo cháu và thằng Cách đi gặp báo Tuổi Trẻ. “Báo này có nhóm phóng viên chuyên săn tin về các vụ oan sai của dân, hai anh thử đến trình bày với họ, may ra”, cha góp ý như thế nên cháu mới lấy xe chở thằng Cách đến tận toà soạn của báo. Nó vào gặp và được đám phóng viên ở đó chịu giúp… Chuyện thì dài lắm, không phải một sớm một chiều là xong ngay được đâu. Tóm tắt, đám phóng viên đó đưa thằng Cách quay về trại cưỡng bức lao động và rồi nó đã được thả tự do không lâu sau đó.
– Thế mấy tên công an, ấp đội chơi đểu… tụi nó có bị gì không? Anh trẻ nhất hỏi.
– Thằng Cách không kể thêm gì nữa nhưng tao nghĩ đám lưu manh đó chắc cũng sợ mà bớt tự tung tự tác hại người. Anh bộ đội trả lời.
Ông già nhất gật gù cái đầu, bảo:
– Cậu làm việc lành trong đêm Giáng sinh thật quá hay, coi như món quà dâng lên Chúa vậy. Nhiều người khi gặp nạn, họ chạy cầu cứu bạn bè mà chẳng mấy ai chịu giúp cho.
Ông quân nhân gật đầu, đế vào:
– Giúp người ở bước hoạn nạn là đạo lý trên đời, tôi thật lòng khen cậu đấy. Thời bây giờ, mấy vùng quê hẻo lánh càng xa thành phố chừng nào thì người dân càng khổ chừng nấy với cái bọn công an địa phương lộng quyền.
Anh bộ đội tít mắt hài lòng, quay qua nói với ông quân nhân:
– Bố mẹ cháu vẫn dạy con cái trong nhà phải giúp người hoạn nạn – cơ nhỡ cho dù chẳng phải bà con, bạn bè gì cả. Chính vì vậy mà đêm Giáng sinh năm đó cháu mới dám dẫn thằng Cách về nhà. Chuyện cháu kể xong rồi thì bây giờ đến lượt chú chứ.Ông quân nhân khẽ lấy tay dúi dúi cán điếu thuốc lá vào cái gạt tàn và ậm ừ:
– Lượt tôi ư! Phải rồi. Nhưng tôi đã nói có biết chuyện gì về đạo Chúa đâu mà kể. Anh giáo ác quá… Hai cậu này kể chuyện thì cũng cần có tôi ngồi nghe chứ. Cho tôi qua phà nha, anh giáo và hai cậu nghĩ sao?
Ông già nhất nghe vậy liền ngồi hẳn lên, lắc đầu:
– Không được! Tôi có bảo anh kể chuyện đạo Chúa đâu mà cứ từ chối mãi… Nhớ được chuyện gì liên quan đến anh trong đêm Giáng sinh là OK. Quân nhân thì chắc anh phải biết chuyện gì hay hay chứ. Anh bảo tôi cho qua phà nhưng còn hai cậu này thì sao?
– Không! Không được. Đã nghe chuyện người khác thì mình cũng phải kể chuyện của mình ra chứ, vậy mới công bằng. Chú phải kể thôi. Hai cậu trẻ tuổi lần lượt nói.
Ông quân nhân gục gặc cái đầu, đảo mắt qua ba người họ rồi chậm rãi từng tiếng:
– Á à! Mấy người nhất định không tha tôi ha. Thôi… để tôi kể vậy. Tôi đã từng là lính gác tù tại đảo Phú Quốc đấy. Tù đây là bọn phiến Cộng bị phe mình bắt được và nhốt chung trong một cái trại giam lớn lắm… lúc đông nhất có tới gần bốn mươi ngàn tù binh lận. Gần bốn mươi ngàn tù binh. Ông quân nhân lập lại câu nói và tiếp: “Chuyện tôi sắp kể đây, đã xẩy ra trong một đêm Giáng sinh ở đó nhưng khá lâu rồi”.
Nghe đến đây thì ông già nhất cười dòn:
– Thấy chưa, tôi đã bảo anh là quân nhân thì chắc chắn biết nhiều chuyện hay rồi. Giờ lòi ra chuyện ở trại giam tù binh Việt Cộng thì còn gì hơn.
– Tôi khi đó là một hạ sĩ thuộc Tiểu đoàn 7 Quân cảnh, tòng sự trong ban Tiếp liệu.
Ông quân nhân nói tới đây thì ngưng lại trong chốc lát như để hồi tưởng về câu chuyện sắp kể, ba người ngồi chung bàn chăm chăm nhìn ông chờ đợi. Một khoảng khắc trôi qua, ông quân nhân rít một hơi thuốc lá rồi chậm rãi: “Trại giam tù binh Phú Quốc là cái tên sau này chứ trước kia phe Việt Nam Cộng Hoà mình gọi nó là trại giam phiến Cộng. Mình vẫn coi bọn Việt Cộng là cái đám thổ phỉ, phiến loạn qua các hành động bắt giữ, tra tấn và giết dân lành vô tội ở các vùng nông thôn. Trại giam này nằm ở thung lũng An Thới thuộc ấp 5 của xã Dương Tơ thuộc tỉnh Hà Tiên cũ… bây giờ nó có tên mới là tỉnh Kiên Giang. Như can nãy tôi vừa kể, trại giam từng chứa tới gần bốn mươi ngàn tù binh nên nó rộng tới cả 400 mẫu tây và có tới 4 tiểu đoàn quân cảnh để canh gác bọn tù. Bốn tiểu đoàn quân cảnh đó là tiểu đoàn 7, 8, 9 và 14. Chuyện tôi kể xẩy ra trong đêm 24 tháng 12 của năm 1971 là một cuộc vượt ngục của tù binh Việt Cộng”.
– Anh nói đúng! Trước kia mình vẫn coi bọn Việt Cộng là đám thổ phỉ, phiến loạn. Báo chí đăng tin thời sự cũng gọi bằng cái tên Cộng phỉ hay phiến Cộng. Ông già nhất góp lời:
– Đám tù binh đào một đường hầm từ trong căn phòng giam và trổ lối ra khỏi bên ngoài hàng rào kẽm gai của trại. Tối hôm đó vì là ngày Giáng sinh nên một số lính quân cảnh có đạo Chúa do bận việc đi lễ nủa đêm, đã bỏ việc kiểm danh các phòng giam như thường lệ và vì vậy, đám tù binh đã chui ra khỏi trại giam bằng đường hầm này. Chúng đi thoát hết cả phòng rồi thì mãi đến gần 2 giờ sáng lính gác vào đổi phiên mới phát giác khi họ đi kiểm danh. Khi đó tôi đang ngủ thì nghe còi báo động nên choàng dậy mới biết sự việc vừa xẩy ra.
Ngồi uống cà phê trong quán
Anh bộ đội hỏi:
– Chú kể thì đường hầm đã được bọn họ đào từ trước rồi. Đào hầm từ phòng giam ra tới bên ngoài hàng rào thì chắc phải lâu lắm mới xong. Vậy mà mấy chú không biết?
Ông quân nhân gật đầu, tiếp:
– Thế mới nói! Cái này thì mình phải nhận là bọn tù khéo che mắt lính gác bên phe mình. Cái phòng giam đó nằm gần hàng rào nhất nên chúng mới chọn để đào hầm. Sau này khi quân cảnh bắt được lại một số tù thì mới biết cách thức của bọn chúng. Cái đường hầm đó dài trên 70 mét, ngầm sâu dưới đất hơn 1 mét và chạy thẳng ra khỏi hàng rào. Theo lời cung khai thì khi ló đầu lên khỏi cửa hầm ở bên ngoài hàng rào, tên tù ra trước cột sợi dây để những gã theo sau cứ thế lần theo lối mà vào rừng. Sợi dây này dài tới cả hai trăm thước và là cách để bọn tù khỏi bị lạc nhau trong đêm tối. Dây thì bọn chúng bện bằng sợi xé nhỏ từ các bao nylon đựng thực phẩm. Rồi khi tập trung hết cả ở chỗ cuối của đoạn dây, bọn tù vượt ngục kiểm danh thấy đủ người thì mới chẩu. Phòng giam đó có 40 tên và chúng chia làm 3 hướng để thoát.
Quân cảnh trại giam Phú Quốc và một lỗ đào của tù binh Việt Cộng.
– Thật không khác trong phim Cuộc Vượt Ngục Vĩ Đại mà năm xưa mấy rạp Rex, Eden từng chiếu. Ở hoàn cảnh giống nhau thì hành sự sẽ tương tự thôi. Ông già nhất buột miệng.
– Nghe hay quá chú. Rồi mình có bắt được tụi nó không? Anh trẻ nhất hỏi:
– Có bắt được. Ông quân nhân gật đầu rồi tiếp: “Khi phát giác ra vụ đào tẩu, quân cảnh trại giam liền phối hợp với cảnh sát địa phương làm cuộc lục soát liền nhưng mãi bốn ngày sau mới bắt được 8 tên thôi, số còn lại thì thoát hết cả. Từ lời khai của 8 tên tù này thì mình mới biết bọn tù đào đường hầm cả nửa năm trời mới xong. Mỗi lần đào thì đất được chuyển lên mặt phòng, bọn tù cho vào túi nhỏ rồi lén đem đi rải mỏng ở ngoài sân hay đổ xuống mương nước nằm gần các phòng giam”.
Anh trẻ tuổi hỏi ông quân nhân:
– Tụi tù lấy cái gì để đào đất?
– Bằng muỗng ăn cơm thôi. Thấy nó nho nhỏ vậy chứ khoét đất dễ lắm tuy hơi chậm.
Ông già nhất hỏi:
– Tôi nghe bảo có vài vụ thanh toán giữa tụi tù binh với nhau nữa, phải không anh?
Ông quân nhân đáp:
– Nhiều và ghê rợn lắm anh giáo. Thỉnh thoảng lính gác trại giam vẫn bắt gặp một xác người nào đó nằm chết với cây đũa xuyên qua hai tai. Có khi giữa khuya, nghe tiếng hét ở phòng giam, lính gác chạy đến thì lại một người mặt mũi đầy máu đang gào la, quờ quạng trên sàn… Coi lại thì người đó đã bị móc mất hai con ngươi rồi. Có người khi đang tắm, bị đồng bọn xô chúi xuống giếng vỡ đầu mà chết tươi nữa. Tới giờ, nghĩ lại các chuyện bọn tù binh làm, tôi còn rùng mình.
– Sát nhất nhân vạn nhân cụ. Ông già nhất chen vào: “Đây là cách hành động của bọn Việt Cộng với dân chúng. Cứ làm các sự ác công khai cho dân thấy thì sẽ phải sợ chúng mà im răm rắp vâng lời. Anh tính xem, giết người bằng cách đâm chiếc đũa vào tai thì ít nhất chúng phải có 5, 6 thằng mới làm được nên không thể nói do thù hằn cá nhân gì cả. Một hành động có sắp xếp sẵn từ trước. Này nhé, bốn thằng giữ hai tay hai chân, một thằng giữ chặt cái đầu, một thằng bịt kín miệng không cho la cầu cứu… để cho đứa khác đóng chiếc đũa vào lỗ tai nạn nhân. Còn lấy bóng đèn giữa đêm khuya như anh kể thì chỉ cần một tên có nghề võ bò đến sát bên nạn nhân đang ngủ say và rồi tung ra như chớp ngón Bạch Cốt Trảo. Ôi thôi!”.
– Đã vào tù rồi, sao họ lại thanh toán nhau khiếp vậy hả chú? Anh trẻ nhất le lưỡi khi hỏi.
– Đám Việt Cộng trong tù vẫn bào chữa cho các vụ thanh toán này bằng điệp khúc: Phải giết tên đó vì nó là một gián điệp của CIA gài vào giả làm tù binh ta để theo dõi các hoạt động trong phòng giam mà báo cáo ra ngoài cho bọn Nguỵ. Cậu biết là tuy ở tù nhưng đám Việt Cộng đầu sỏ vẫn tổ chức ngầm các cấp uỷ đảng để chúng kiểm soát và chỉ huy tất cả tù nhân. Những nạn nhân của chúng, đơn thuần chỉ là người đã chán cảnh ở tù, nay muốn ra hồi chánh với chính quyền nên đó là lý do họ bị giết chết. Gián điệp CIA nào mà vô trong mấy phòng giam tù binh đó để kiếm tin tức. Bất cứ tù binh Việt Cộng nào khi bị bắt, phía an ninh quân đội Việt Nam Cộng Hoà đã điều tra tên đó xong hết cả rồi thì mới đưa đi giam ở Phú Quốc.
Anh bộ đội xen vào:
– Hồi còn ở đơn vị bộ đội, cháu nghe mấy ông chính trị viên bảo tù binh ở Phú Quốc bị quân cảnh chế độ cũ cưỡng bức lao động nặng, bị bỏ đói, bị tra tấn dữ lắm đến nỗi Hồng Thập Tự quốc tế phải can thiệp thì mới bớt. Lại có nhà báo đòi phải cải thiện chuyện giam giữ tù binh nữa. Có đúng vậy không?
Ông quân nhân nghe vậy, buột miệng cười khẩy:
– Cậu từng là bộ đội nên mới hồ nghi những việc tôi vừa kể. Hãy nghe tôi đây. Thứ nhất, bọn chính trị viên đó từng nghe ai đó tuyên truyền như cậu đã nghe và chúng tin nên nói lại như cái loa. Thứ hai, bọn đó biết tất cả sự thật nhưng vẫn phải nói láo vì đây là bổn phận của chúng. Tù binh Việt Cộng trong trại giam Phú Quốc không hề phải lao động gì cả nha cậu. Trong vòng rào kẽm gai thì lao động cái gì đây? Ba cái vụ trồng rau là do tù binh xin tự cải thiện vì xuất thân của chúng hầu như là dân quê. Bọn tù binh muốn siêng năng thì cũng chẳng có việc để làm. Những khi bị quân cảnh bắt buộc phải nhổ cỏ sân trại giam, gia cố làm lại hàng rào, khơi thông cống rãnh hôi thối cho thoáng thì chúng nghe lệnh rồi ngồi ì ra cả đám trên sân. Hỏi, chúng nại cớ không tiếp tay làm các công việc phục vụ quân sự của phe đối phương. Cậu có biết một lần tù binh Việt Cộng trong trại hè nhau tuyệt thực đến ngất xỉu thì bọn cố vấn Mỹ đến trại buộc tụi tôi phải nấu cháo bồi dưỡng chúng nó nữa đó. Nghe không thể tin được phải không, mà đó là sự thật.
– Sao tụi Mỹ nó biết mà đến trại làm chuyện ruồi bu vậy. Rồi mình có nấu cháo cho tụi nó ăn không. Anh trẻ tuổi hỏi:
Ông quân nhân gật đầu:
– Có gì lạ! Bọn cố vấn Mỹ sống ở thị trấn Dương Đông, xa xôi gì. Trong trại mà xẩy ra chuyện gì thì đám tay chân báo tin cho biết ngay. Vụ tuyệt thực kỳ đó, tụi tôi nhận lệnh phải nấu cháo mà cháo gà mới tức chứ. Mình sống ở đảo, món ăn mặn quanh năm gần như chỉ là cá với tôm – cua thôi. Thịt heo cũng có mà ít còn gà thì thôi, quá sang dễ gì. Vậy mà bọn cố vấn Mỹ mang gà đến tận trại giam, buộc tụi tôi phải nấu cháo cho bọn tù ăn để mau lại sức sau cú tuyệt thực. Lý do: Sợ đám Việt Cộng ngoài Hà Nội sẽ đối xử tệ với bọn tù binh phi công Mỹ đang bị nhốt ở Hoả Lò. Gà bọn cố vấn Mỹ đưa đến nhiều lắm, cả trăm con và đã làm sẵn sạch sẽ hết rồi. Đám cố vấn Mỹ áp lực tụi tôi phải nấu cháo ngay vì muốn tận mắt xem tù binh Việt Cộng ăn nữa. Cháo nấu bằng mấy cái nồi lớn như cái phi đựng xăng và khi chín thì đám nhà bếp hè nhau đứng vạch chim đái thẳng vào cho bõ ghét. Bọn cố vấn Mỹ đến kiểm tra rồi thì bọn tù binh xúm lại ăn cháo vì cho là thắng lợi. Bọn tù binh cũng biết đói chứ bộ, tuyệt thực để làm màu với bọn cố vấn Mỹ thôi. Kể cũng tức cười, mình biết tỏng mà chẳng làm gì được. Còn cái vụ Hồng Thập Tự thì cậu phải biết là tổ chức đó lúc nào cũng thiên Cộng… Bây giờ thì đám này sáng mắt rồi vì Việt Cộng đã lộ bộ mặt thật. Tôi kể đến đâu rồi nhỉ? À! Tụi nhân viên Hồng Thập Tự quốc tế đến Sài Gòn, đề nghị với chính quyền phải cho họ đi thăm trại giam Phú Quốc. Vụ này hình như là giữa năm 1970 gì đó. Thăm rồi, khi trở về Sài Gòn, họ lôi mấy quy ước Geneva ra, cáo buộc chính phủ ngược đãi tù binh Việt Cộng: Nhốt quá nhiều người trong phòng giam và lại không có phương tiện giải trí như phim ảnh, truyền hình nữa. Có bố láo không! Cũng trong thời gian đó, bọn trùm Việt Cộng ở Hà Nội không cho mấy nhân viên Hồng Thập Tự này đi thăm đám tù binh phi công Mỹ và bọn Mặt trận trong Nam thì chối phắt: Cách Mạng không có trại giam như bọn Nguỵ, ở các địa phương giải phóng chỉ có nhốt lẻ tẻ vài người thôi và nếu Hồng Thập Tự đòi đi thì cứ tự tiện, không bảo đảm an ninh. Xong! Vậy mà đám nhân viên Hồng Thập Tự quốc tế im re, chẳng phản đối gì sất. Còn cái vụ đòi cải thiện lao tù cho tù binh trong các trại giam nữa. À ha! Chính mấy ông cha đạo Chúa ở Sài Gòn bày ra nhằm phá thối chính quyền thời đó đấy. Can nãy, tôi đã bảo với mấy cậu cha hay sư có thực tâm tốt lành không là còn tuỳ từng người.
Ông già nhất, góp lời:
– Mấy ông linh mục đó thiên Cộng anh ơi, giờ họ cũng lộ mặt mo hết cả rồi. Ngẫm lại mấy chuyện anh vừa kể, mình thấy chính quyền Việt Nam Cộng Hoà thời đó gần như một mình mà tứ bề thọ địch. Ngoài Việt Cộng là chính thì còn phải đối phó với bọn cố vấn Mỹ, bọn mang danh tổ chức quốc tế như báo chí và Hồng Thập Tự này… Thêm vào đó là bọn trí thức nằm vùng xưng tên thành phần thứ ba. Nói đến đây ông già nhất lắc đầu: “Tất cả hè nhau mà phá phe quốc gia mình, hỏi sao mà không mất nước”.
Ông quân nhân hít một hơi thuốc lá, thở ra làn khói trắng rồi đáp:
– Chính xác! Tứ bề thọ địch như vậy, nếu miền Nam Việt Nam Cộng Hoà mình không mất nước thì mới là chuyện lạ. Thôi, chuyện tôi kể đêm Giáng sinh chỉ vậy, coi như xong nhiệm vụ nha anh giáo. Ráng hết sức rồi đó.
Ông già nhất phát một tay lên như chận lời, giọng vui:
– Mới tiết lộ có chút xíu xìu xiu mà nói ráng hết sức… Gác tù Việt Cộng lại để cho chúng vượt ngục chạy thoát được mà nói xong nhiệm vụ. Kể thêm đi… Chuyện tù binh dễ gì có ai biết ngoài mấy ông quân cảnh, tụi này có nghe cũng giữ bí mật cho mà. Bảo đảm.
Hai cậu trẻ tuổi nghe ông già nhất nói vậy, liền a tòng:
– Phải! Phải a! Chú cứ dấu chuyện xưa thì đám hậu sinh làm sao mà biết. Kể thêm đi chú ơi, năn nỉ đó.
– Kể thêm… Ừ thôi cũng được. Nhưng tôi biết kể thêm cái chi đây? Anh giáo và hai cậu đây thử hỏi cái gì liên can đến tù binh thì may ra nhớ đâu tôi xâu đấy. Ông quân nhân ngập ngừng.
Nghe ông quân nhân nói vậy, ba người còn lại khẽ nhìn nhau bối rối. Chắc trong trí họ cũng không biết phải hỏi cái gì đây? Vừa lúc, một người hầu quán đến bàn, mang thêm cho họ bình trà mới thay cho ấm cũ đã cạn. Anh trẻ nhất với tay lấy bình trà và lần lượt rót đầy cốc của từng người. Trà nóng gặp không khí lạnh của ban đêm nên bốc hơi trắng thơm lừng. Ông già nhất cầm cốc lên, nhấp một ngụm rồi khơi lại chuyện:
– Tôi nghe bảo tù Việt Cộng ở Phú Quốc gồm cả bộ đội chính quy miền Bắc với đám giải phóng miền Nam phải không anh. Mình nhốt tụi nó chung với nhau hết hả.
Ông quân nhân:
– Phải mà cũng không phải anh giáo. Lúc mới đầu mình không phân biệt tù binh miền Bắc miền Nam gì, coi chung là phiến Cộng cả. Cứ bên an ninh quân đội điều tra tên tù nào xong, chuyển sang thì mình giam thôi nhưng sau mình tách ra nhốt riêng hết. Bắc ra Bắc, Nam ra Nam không có chung đụng gì với nhau.
– Sao vậy anh?
– Cũng do tụi nó mà ra. Anh biết bọn tù bộ đội miền Bắc lúc nào cũng coi thường đám tù giải phóng miền Nam. Bề ngoài thì bọn chúng cùng là tù binh Việt Cộng nhưng bề trong, chẳng bên nào ưa bên nào. Chính vì vậy mà xẩy ra những vụ ấu đả giữa tụi nó với nhau nên chính phủ mình phải phân loại Bắc ra Bắc, Nam ra Nam và giam giữ riêng biệt. Bắc đây là bọn bộ đội chính quy như đám cán binh của sư đoàn Sao Vàng, sư đoàn 308 hay trung đoàn Bông lau bông liếc gì gì đó thuộc bên kia cầu Hiền Lương – Bến Hải. Còn Nam là đám tập kết năm xưa giờ vượt Trường Sơn, vượt đường mòn Hồ Chí Minh trở về hay bọn dân sống ở miền quê trong này đi theo mà chúng gọi là thoát ly như tụi trong Công trường 7, Công trường 9 hoặc trung đoàn Quyết Thắng, tiểu đoàn Tây Đô… Khi trao trả tù binh, chính phủ mình thả đám miền Bắc ở bờ sông Thạch Hãn của tỉnh Quảng Trị còn đám miền Nam thì tại phi trường Lộc Ninh thuộc tỉnh Bình Long.
– Họ có bị bỏ đói, tra tấn không chú. Cháu nghe người ta vẫn bảo… Anh bộ đội ngưng ngang câu hỏi.
Ông quân nhân thấy thái độ của anh bộ đội, cười gằn:
– Cậu vẫn còn tin lời của mấy tay chính trị viên kể, tôi biết nhiều người cũng nghĩ như cậu. Với lại, ở thời điểm đó cậu cũng còn nhỏ nên không biết sự thật là phải, chẳng trách. Cả một bộ máy chính quyền đồng thanh nói láo, nói láo mãi về một chuyện thì người dân cũng ít nhiều phải mắc bẫy chứ. Lúc trao trả tù binh cho phe chúng ở Lộc Ninh và ở bờ sông Thạch Hãn, Việt Cộng tên nào tên nấy béo tốt mà đám cán bộ đại diện đi nhận người vẫn lu loa: “Tù binh ta bị chính quyền Nguỵ bỏ đói, vi phạm công ước Geneva…”. Những ngày trao trả tù binh, đài truyền hình Sài Gòn cử nhân viên đến tận các nơi quay phim về làm phóng sự tình hình. Buổi tối, màn hình ti vi đài số 9 chiếu đi chiếu lại các phóng sự đó nhưng nhiều người xem mà vẫn tin lời chúng nói. Báo chí cũng đăng tin kèm ảnh mà có người vẫn không chịu nghĩ: Nếu thực sự bị chính quyền miền Nam VNCH bỏ đói, làm sao bọn tù binh Việt Cộng lại mập mạp hơn cả đám cán bộ đi nhận người. Còn tra tấn ư! Bắt được mấy thằng tù bỏ trốn như tôi kể 8 thằng vừa rồi, mang về trại, tra hỏi mà cứ im lặng thì tụi an ninh phải đục sặc máu ra thôi. Không khai thì đánh, đánh cho lòi chuyện mới xong. Trị an thì phải vậy. Ngay cả ở trại Galang này, cậu cũng biết thuyền nhân mình tuy là người của Cao Uỷ Tị Nạn Liên Hiệp Quốc thật nhưng ai nhập nha trộm đồ của người khác hay đánh nhau xem thử, police Indo khi bắt được, chúng có dợt người đó cho phù mỏ không?
Nghe đến đây thì ông già nhất gật gù đầu, thẽ thọt:
– Hồi đó xem vô tuyến truyền hình thấy thân thể tù binh Việt Cộng ở địa điểm trao trả thì mới rõ họ chẳng hề bị bỏ đói đâu. Mấy thầy dạy chung trường với tôi cũng bảo chính phủ mình lo cái ăn uống cho tù binh Việt Cộng còn ngon hơn nuôi tù hình sự ở trại giam Chí Hoà. Bằng cớ là thân xác tù binh Việt Cộng, người nào tay cũng có bắp thịt, ngực nở nang và chạy thật nhanh.
– Đấy, đấy… Ông quân nhân đưa mắt nhìn ông già nhất và anh bộ đội như một đồng tình vì lời xác nhận điều ông vừa nói rồi tiếp: “Khi mình nghe một ai đó nói kiểu tôi bị bỏ đói thì phải nhìn vào thân thể của người ấy xem coi ra sao. Có lòi xương, xanh xao – gầy gò hay lại béo đỏ, vạm vỡ. Tù binh Việt Cộng ở Phú Quốc được nhà thầu giao thực phẩm là gạo trắng trong bao bố chỉ xanh mà dân mình thường gọi là gạo Mỹ hạt dài, gạo Thái Lan hạt tròn đó. Rau xanh như bầu bí, su su, cải này… cũng do nhà thầu mua từ nông dân trồng bên ngoài. Còn cá thì mua từ các chủ ghe cào ngoài biển. Trong tuần, bọn tù binh còn có một ngày ăn thịt heo nữa. Tất cả thứ, nhà thầu hàng ngày gom lại mang vào nạp cho quân cảnh rồi quân cảnh giao lại cho bọn tù nhà bếp mà chúng gọi cái tên chung anh nuôi tự nấu ăn lấy. Cá thì hầu hết là cá biển mà toàn là cá thu, cá ngừ, cá ngân không hà. Chim – Thu – Ngừ – Đé – Hường – Đước – Kìm – Măng… là tên các loại cá biển ngon, có nhiều thịt ai cũng biết. Một lần, nhà thầu giao loại cá chỉ vàng thì bọn nhà bếp tù binh làm reo không nhận. Lý do: Cá đó ít thịt nhiều xương. Theo hợp đồng đã ấn định trước, nếu nhà thầu làm ăn không đúng thì sẽ bị ban chỉ huy trại giam huỷ khế ước ngay và thuê người khác thế chỗ liền. Chính vì vậy mà nhà thầu lúc nào cũng phải đàng hoàng khi nhận cung ứng thực phẩm cho tù binh. Họ kiếm ăn được thì tội gì phải lươn lẹo, cắt xén ăn bớt thực phẩm cung cấp cho tù binh làm gì… Ai muốn mất chỗ bở. Cứ nhìn thân thể bọn tù binh thì biết họ được quân cảnh gác tù cho ăn uống đầy đủ hay bị bỏ đói? Cũng từ cái gian xảo của bọn cán bộ Việt Cộng nên mới lộ ra sự thật. Như tôi đã kể can nãy, trước lúc được thả, đại diện bọn Việt Cộng trong Uỷ ban Quân sự Bốn bên khi đến thăm trại tù binh Phú Quốc đã ngầm ra chỉ thị cho bọn tù đảng uỷ rồi nên khi vừa xuống khỏi máy bay C130 hay xe nhà binh GMC ở địa điểm trao trả, bọn tù binh sau tiếng hô của một gã đảng uỷ nào đó đã đồng loạt quẳng đôi dép đi, cởi bỏ bộ quần áo đang mặc trên người cùng vất túi quà tặng phẩm. Thâm ý của chúng muốn dựa vào hình ảnh tù binh Việt Cộng trần xì tà lỏn, đi chân không để vu vạ cho chính phủ miền Nam VNCH đối xử tệ bạc nhưng không ngờ lại để lộ ra hình ảnh thân thể vạm vỡ, mạnh khoẻ của người tù. Ngậm máu phun người trước đỏ miệng mình. Đến nơi trao trả, tên nào tên nấy chạy nhanh như bị ma đuổi”.
– Nghe bảo ở địa điểm trao trả, có tù binh Việt Cộng xin ở lại với chính phủ mình, phải không anh? Trong các chuyến trao trả đó, chắc anh cũng có mặt. Ông già nhất hỏi.
Ông quân nhân gật đầu, trả lời:
– Tôi có tháp tùng theo một chuyến thôi còn sau đó thì đến phiên người khác nhưng những sự việc tôi biết là do các anh em trong đơn vị kể lại. Nói đến đây thì ông quân nhân ngưng lời, hắng giọng như sắp sửa sẽ phải kể một hơi dài và đưa mắt nhìn cả ba người trong bàn, tiếp: “Riêng anh giáo thì tôi không nói làm gì vì anh đã biết cả nhưng với hai cậu trẻ này thì cần phải nghe để hiểu sự thật. Trong những lần trao trả tù binh ở Lộc Ninh hay ở bờ sông Thạch Hãn. Chuyến nào cũng có tù binh Việt Cộng xin ở lại với chính phủ miền Nam VNCH mình. Ở lại đây là hồi chánh tại chỗ, là không muốn về với phía Việt Cộng nữa. Lúc thì một người, lúc thì vài người hoặc đông nhất cả một tập thể đến hơn trăm tù binh… xin ở lại. Nếu chính phủ mình không đồng ý tiếp nhận họ thì họ tự sát còn hơn là về với Việt Cộng. Họ nói vậy đấy. Có người thủ sẵn giấy xin hồi chánh trong người từ trước và đợi đến lúc đó mới xuỳ ra. Trong khi phía tù binh miền Nam VNCH mình thì không có ai xin ở lại với bọn Việt Cộng mà còn có người bị chúng ỉm đi không trao trả cho nữa. Sau vụ một người xin ở lại thì các chuyến kế tiếp, bọn tù binh Việt Cộng khi vừa đến nơi trao trả, chúng cứ ba người choàng tay với nhau thật chặt tiếng là để dìu nhau đi vì quá yếu sức nhưng thực tế là người này kềm người kia không cho chạy thoát. Vậy mà vẫn có người vùng chạy ra được nhưng phải vọt nhanh đến với phái đoàn kiểm tra quốc tế thì mới ổn. Người lớ ngớ chạy chậm mà đám cán bộ đi nhận người chận được thì sẽ bị đồng bọn xúm lại đánh hội đồng tơi bời, thê thảm máu me đầy mặt rồi bị kéo đi mất trước sự bất lực của đại diện phe bên mình”.
– Bên mình trao trả cho phía Việt Cộng bao nhiêu người và nhận lại bao nhiêu người… Thời gian bao nhiêu lâu mới xong? Còn anh nói có vụ bọn chúng ỉm người đi, không trao trả là sao? Ông giáo cất lời hỏi.
Nghe câu hỏi của ông già nhất, ông quân nhân ngồi yên lặng như đang lục lại ký ức cũ của mình. Một thoáng trôi qua, ông nói:
– Anh giáo hỏi vậy thì tôi chỉ biết thời gian gói gọn trong 60 ngày thôi… Tôi không rõ là ngày đầu tiên khi nào cũng như ngày cuối cùng của việc trao trả. Thật ra thì thời gian và con số bao nhiêu người đã được các bên liên quan thảo luận và chấp nhận ở các buổi họp từ trước rồi. Là một quân nhân coi tù khi đó thì tôi chỉ làm nhiệm vụ đi theo áp tải việc thực hiện trao trả thôi. Con số thì nói gọn là phe mình trao trả cho bọn Việt Cộng gần 27.000 người để nhận lại khoảng 5000 người. Chênh lệch quá mà mình cũng chẳng làm gì hơn được cũng từ sự dối trá lươn lẹo của bọn Việt Cộng và sự phủi tay của người Mỹ. Nói ra điều này thì chắc có người không tin chứ có một lần tại bờ sông Thạch Hãn, phía miền Nam VNCH trao trả 1200 tù binh Việt Cộng để chỉ nhận lại có 3 người tù phe mình mà mấy người này lại phải khiêng bằng cáng băng ca khi đưa xuống ghe.
– Lấy 3 người đổi với 1200 người. Thật tui mới nghe lần đầu. Cậu trẻ nhất thốt lên.
Ông quân nhân gật đầu, tiếp:
– Vậy! Nhưng đó là sự thật. Còn nói người Mỹ phủi tay là vì sau khi họ nhận về gần 600 tù binh ở phi trường Gia Lâm mà đa số là phi công rớt máy bay ngoài miền Bắc thì coi như đã xong chuyện tại Việt Nam nên họ cũng không làm hết trách nhiệm của một đồng minh chủ chốt với phe mình. Những tù binh mình bị bắt bên chiến trường Hạ Lào, ở các trận đánh tại Kampuchia thì phía Việt Cộng ỉm đi đâu có chịu trao trả. Mình phản đối việc đó thì bọn chúng nói để liên lạc với bọn Pathet Lào, Khmer Đỏ và sẽ can thiệp giúp đỡ trong cái tình người Việt giữa người Việt với nhau. Chắc anh giáo còn nhớ vụ ông đại tá Lữ đoàn trưởng dù Nguyễn Văn Thọ bị bắt năm xưa do chính Hà Nội đã rêu rao trên đài phát thanh mà chúng vẫn lì mặt, chối là không biết… Rồi còn cả những tù binh biệt kích Delta, Lôi Vũ nhẩy toán ra Bắc hoạt động thời cụ Ngô Đình Diệm nữa. Chúng bắt được những biệt kích quân này và cũng đưa họ lên báo lên đài phát thanh gọi là tố cáo trước nhân dân: Bọn Nguỵ xâm nhập, phá hoại… mà rồi vẫn chối không có. Thật tội nghiệp cho những người này và cả gia đình họ. Không biết bây giờ số phần họ ra sao? Đã được tha tù chưa hay chết mất xác trong xó xỉnh nào đó ở vùng rừng núi ngoài miền Bắc rồi.
– Anh nói đến số phần làm tôi tự dưng nghĩ không biết đám tù binh Việt Cộng khi được phía mình trao trả thì số phận họ rồi sẽ ra sao? Ông già nhất ưu tư.
– Sẽ khổ lắm anh giáo… Chắc chắn là vậy mà họ chẳng tránh được đâu. Ông quân nhân chắt lưỡi tiếp: “Trước khi được trao trả, có những tù binh đã kín đáo bộc bạch với cá nhân tôi về việc họ sẽ phải tiếp tục ở tù sau khi được thả từ trại giam Phú Quốc. Lúc đầu tôi không hiểu sau hỏi kỹ lại thì mới rõ chuyện. Những người tù này cho biết phía Việt Cộng đã làm xong một trại tù rất lớn ở vùng Sầm Sơn-Thanh Hoá rồi. Tại sao họ biết tin này? Cũng chính từ những nhân viên phía Việt Cộng trong Uỷ ban quân sự bốn bên khi đi thăm tù nhân đã tiết lộ cho biết trước. Tất nhiên đám cán bộ này nói đó là trại an dưỡng, tẩm bổ thân xác tù binh khi được đón về từ tay giặc Nguỵ… nhưng mấy tù binh nói chuyện với tôi thì bảo đó chỉ là trại giam trá hình thôi và họ biết khi được nhận về, sẽ phải vào đó để cải tạo tư tưởng mà lần này, bọn coi tù sẽ là các đồng chí phe mình. Thể nào mà chẳng có vụ kiểm thảo, phê bình, tố cáo lẫn nhau để lập công và tránh tội đã có trong thời gian ở tù tại Phú Quốc. Khổ đó nha, chết người chứ chẳng chơi”.
– Chú ơi! Họ biết vậy mà sao lại không xin hồi chánh ngay lại phải đợi đến khi trao trả mới quyết định? Anh bộ đội vọt miệng hỏi.
– Sau này khi trại giam Phú Quốc sạch bóng tù binh rồi thì ngồi kiểm lại sự việc, mấy ông thầy trong đơn vị tôi bảo là đa số tù binh xin hồi chánh đều thuộc dân miền Nam và thật hiếm hoi mới có một cán binh miền Bắc xin ở lại. Tại sao vậy? Không phải đề cao tinh thần chiến đấu của họ đâu nếu như đặt hoàn cảnh mình là họ thì sẽ phải quyết định như thế nào giữa việc chọn ở lại miền Nam hay quay về miền Bắc để gặp mặt thân nhân sau bao ngày tù đày. Cán binh miền Bắc gần như là dân quê thì hỏi ai không nặng tình quê hương, tình gia đình trong lòng. Bị bắt ở mặt trận rồi khi sống tại trại giam Phú Quốc thì ít nhiều họ cũng biết về xã hội của miền Nam VNCH rồi đối chiếu với xã hội miền Bắc, nó kém xa. Muốn ở lại nhưng cũng muốn gặp mặt thân nhân rồi nỗi lo thân nhân nơi quê nhà sẽ gánh hậu quả từ việc hối chánh của mình mà nhiều tù binh đành phải dấu kín các ưu tư của bản thân với bạn đồng tù chung quanh. Được trao trả mà nhiều mặt anh tù binh lộ rõ vẻ buồn lẫn lo lắng thật khác với khuôn mặt rạng rỡ của tù binh miền Nam VNCH khi được phe ta đón về. Ông quân nhân nói.
Ông già nhất thêm lời:
– Như anh kể, thì tôi nghĩ tù binh Việt Cộng trong trại giam Phú Quốc còn thanh toán nhau được thì nếu ở trong cái trại cải tạo của chính bọn chúng, chúng sẽ lần lượt thịt nhau cho đến chết mà thôi. Bọn Việt Cộng ngoài miệng nói chuyện lúc nào cũng một lòng một dạ, cùng đồng tâm chí hướng nhưng trong thực tế chúng nghi ngờ chẳng tin ai hết. Cái tổ tam tam chế ta thường thấy trong các đơn vị của chúng là để tên này kèm hai thằng kia rồi cả ba đứa âm thầm báo cáo cho cán bộ chỉ huy bất cứ cái gì chúng đã nghe được, thấy được của nhau.
– Sống gần tụi tù binh Việt Cộng lâu ngày thì tôi nghiệm ra điều này anh giáo: Khi nào mình nghe tụi nó nói chuyện với nhau bằng câu cậu cậu, tớ tớ là bình yên, không có gì đáng lo. Còn khi ta nghe xưng hô với nhau bằng câu đồng chí, đồng chí thì thôi, cầm chắc chúng chuẩn bị đưa nhau lên bàn mổ đó. Hà hà! Ông quân nhân cười khá to sau câu nói.
– Lúc nãy chú kể là phía miền Nam VNCH trao trả tới gần 27.000 tù binh vậy thì cái trại an dưỡng ở Thanh Hoá, tui nghĩ chỗ đó phải rộng lắm mới chứa hết được bằng đấy người. Cậu trẻ nhất nói.
– Cháu nói đúng. Như chú đã kể rồi, trại giam tù binh ở Phú Quốc thời trước đã rộng tới cả 400 mẫu tây mà nay tất cả tù binh Việt Cộng hoặc tù chính trị Việt Cộng của tất cả các trại giam khắp 44 tỉnh thành ở miền Nam VNCH đem dồn về một chỗ thì nó phải rộng lắm, rộng lắm… Ông quân nhân vừa nói vừa khoa tay qua lại nhau.
Anh bộ đội gật đầu, đồng tình:
– Rộng lắm! Nhớ lần cháu vào thăm thằng bạn đóng quân trong Trung đoàn Gia Định ở trại Quang Trung cũ đã thấy chỉ có vài ngàn bộ đội thôi mà chỗ nó ở đã rộng khiếp. Đây lại tới cả mấy chục ngàn người kể cả quản giáo nữa.
– Nói như bác với chú đây thì sao bọn Việt Cộng lại ác quá vậy. Anh trẻ nhất hỏi.
– Tôi đã nói rồi, đó là sách lược của chúng. Việt Cộng luôn làm điều ác công khai để nhằm doạ dân thấy mà sợ rồi vì sợ nên đành phải im thin thít nghe theo lời chúng. Hai cậu còn trẻ tuổi nên không biết các chuyện ghê rợn Việt Cộng đã làm đâu. Khi Việt Cộng quyết định giết người nào, thay vì bắn người ấy một phát đạn cho xong đời thì không, chúng lại chặt nạn nhân làm ba khúc, để nằm vương vãi trên mặt đất bất kể kẻ đó là đàn ông, đàn bà hay con gái trẻ tuổi. Giữa việc dùng mã tấu chém và cầm súng bắn vào thân người thì việc nào dễ làm hơn và việc nào sẽ tạo ra hình ảnh ghê rợn hơn? Hai cậu cứ nghĩ đi! Ba khúc thân người nằm đó, sáng ra người dân đi qua có trông thấy ai mà không khiếp vía. Thân nhân ở gần có trông thấy cũng chẳng dám ra dọn xác nạn nhân về chôn vì bọn nằm vùng chưa cho phép. Có khi, xác rữa nát không ai nhận thì lính miền Nam VNCH phải ra tay mới êm. Miệt vườn, dân quê theo Việt Cộng cũng vì lý do sợ chúng mà phải theo chứ tâm hồn dân quê thường chất phác, bằng lòng với cuộc sống ruộng vườn thì hơi đâu mà họ suy nghĩ đến ba cái vụ như bóc lột, đấu tranh giai cấp, lý tưởng lý tiếc gì… Việt Cộng bịa ra hết và nhồi vào đầu dân quê cả thôi. Ông già nhất nói.
– Anh giáo kể cho hai cậu này mấy chuyện Việt Cộng hành hình dân lành vùng quê đó hả? Ông quân nhân hỏi.
– Đúng! Việt Cộng làm cái gì chúng cũng tính toán với nhau trước kể cả giết người mà chúng gọi là họp đảng uỷ. Một tính toán lạnh lùng, bất nhân, vô cảm của loài thú dữ. Chúng đã từng trói tay bao nhiêu nạn nhân rồi bỏ người đó vào bao bố, rọ lợn và nhét đầy đá xong đem ném xuống sông như đã làm với nhà văn Khái Hưng, Lan Khai nè. Có khi lại mổ bụng nạn nhân còn sống rồi nhét trấu vào trước mặt bao nhiêu người đứng xem chung quanh như lúc hành hình ông cả Điệp, hương quản Bụng… ở dưới miền Tây năm xưa. Việt Cộng không coi người thuộc phía đối phương ra cái đinh gì cả khi đã xác định lập trường là kẻ thù hoặc là bạn mà không đếm xỉa đến tình cảnh của nạn nhân như người đó có một mái ấm gia đình, cha mẹ già phải phụng dưỡng, con cái nhỏ cần nuôi nấng. Chỉ biết có lệnh giết là giết… là giết thôi. Giết, giết nữa bàn tay không phút nghỉ. Câu thơ của một thi sĩ Việt Cộng đấy. Có vậy mình mới hiểu tại sao đám cán binh Việt Cộng có thể bình thản bắn thẳng vào dòng người bỏ chạy trên các quốc lộ ở các vùng xẩy ra chiến sự. Chính phủ miền Nam VNCH mình thì lại khác. Người là người chứ không phải con vật mà ngay cả với con vật như chó, mèo thì mình cũng còn đối xử cách nhân ái kia mà. Mạng người là quý nhất nên phải trân trọng dù xuất thân của cá nhân đó không ra gì. Bởi vậy, chính phủ miền Nam VNCH mới lập ra nguyên cả một cái bộ Chiêu hồi dành cho cán binh, bộ đội, tù binh Việt Cộng muốn xin hồi chánh.
Nghe ông già nhất nói thế, ông quân nhân cất lời:
– Ồ! Anh giáo nói ra thì tôi mới nhớ, cái bộ Chiêu Hồi đó đã giúp cho nhiều người làm lại cuộc đời lắm. Nói đâu xa, riêng trại tù binh Phú Quốc không thôi, không kể mấy vụ hồi chánh tại chỗ trong các buổi trao trả, tính ra từ khi lập trại giam cho đến trước ngày thi hành Hiệp định Ba Lê thì đã có trên 10.000 tù binh ở đó xin hồi chánh với chính phủ miền Nam VNCH mình.
– Nhiều người dữ vậy chú, tui thật không ngờ. Anh trẻ nhất nói.
– Con số đó chưa thấm vào đâu so với tổng số tù binh Việt Cộng đã hồi chánh trong thời còn chiến tranh hai miền khi đó đã lên tới trên 200.000 ngàn người lận. Nói thì nói nhưng tôi vẫn thắc mắc không biết sau khi bọn Việt Cộng vào được Sài Gòn rồi thì số phận những người hồi chánh này đã ra sao nữa? Việt Cộng đã làm gì với họ hả anh giáo, anh biết gì không? Ông quân nhân hỏi.
– Có những hồi chánh viên rất nổi tiếng như nhà văn Xuân Vũ, ca sĩ Bùi Thiện, thượng tá Tám Hà… thì những người này kịp thời di tản trong dịp 30 tháng Tư năm đó nên thoát nạn. Hai cậu trẻ này chắc không biết mấy nhân vật tôi vừa nói đâu. Thôi sẵn dịp để tôi nói luôn cho biết. Xuân Vũ là tác giả quyển Đường Đi Không Đến kể chuyện đám Việt Cộng tập kết ra Bắc năm xưa rồi sau này hồi kết về miền Nam bằng cách đi bộ băng qua vùng rừng núi Trường Sơn. Bùi Thiện là ca sĩ của đoàn văn công trung ương Hà Nội còn thượng tá Tám Hà là phó chính uỷ phân khu 1 dịp tết Mậu Thân năm 1968. Hồi chánh viên ở lại trong nước khi đó thì gần như 100% phải thu xếp hành lý đi tù cải tạo như các sĩ quan, viên chức của chính phủ miền Nam VNCH mình. Ông già nhất nói đến đây thì yên lặng như đang nghĩ về những người cũ trong câu chuyện và rồi tiếp lời ngay: “Lúc còn bán sách cũ ở phố Calmet, tôi đã nghe mấy người chủ sạp hàng ở đó xì xào về cái tin trung tá hồi chánh viên Huỳnh Cự bị kẹt lại, phải bị tù cải tạo cả 7, 8 năm trời mới được tha về. Về nhà chưa được bao lâu thì ông này lại chết trong một vụ đụng xe mà ai cũng nói do đám thủ ác Việt Cộng dàn dựng sẵn cách nhà không xa. Nghe kể, ông Cự này cũng biết thân biết phận mình nên chẳng dám đi đâu ra ngoài vậy mà, cho đến ngày Tết ta, ông ta tưởng sẽ yên mới dám ló mặt. Nào ngờ, ra được đầu ngõ thì có chiếc ô tô từ xa phóng đến tông thẳng vào làm ông ngã lăn quay ngay trên mặt đường. Gã tài xế chiếc ô tô lui xe lại thật nhanh và chạy tới cán thêm lên người ông ta lần nữa để chắc ăn trước khi y cho xe vọt mất. Công an có đến lập biên bản rồi sau bảo vì không có tung tích chiếc xe gây nạn nên từ từ nội vụ chìm luôn. Ác và thê thảm quá nhưng theo tôi có lẽ phải dành cho số phận của liệt sĩ Nguyễn Văn Bé kìa”.
– Nguyễn Văn Bé! Phải anh nói đến Nguyễn Văn Bé mà Hà Nội từng phong là liệt sĩ trong vụ đập mìn vào thân thiết vận xa M 113 diệt trên 60 lính Mỹ và Nguỵ đứng vây chung quanh đó không? Ông quân nhân hỏi dồn.
– Đó đa anh! Ông già nhất tiếp thêm: “Tay Nguyễn Văn Bé này ra hồi chánh rồi mà không hiểu sao bọn Hà Nội lại đưa tin về vụ tự sát đập mìn rồi phong cho anh ta là liệt sĩ. Hà Nội còn cho in một con tem dán thư vẽ cảnh đập mìn bá vơ đó nữa… Hình như có cả vụ dựng tượng cho tay Bé này mà khi ấy ở miền Nam VNCH, anh ta đang làm việc trong bộ Chiêu Hồi. Vài ngày sau khi Việt Cộng chiếm được Sài Gòn, có người kể đã gặp Nguyễn Văn Bé tại bến phà Rạch Miễu trong một chiều sâm sẩm tối mà rồi tay hồi chánh viên này ra sao thì không ai biết. Ngay cả với gia đình anh ta cố công đi tìm mà không ra. Mấy sĩ quan miền Nam VNCH khi ở tù cải tạo kể lại họ đã nghe một quản giáo Việt Cộng nói úp úp mở mở lúc thì đảng và nhà nước ta đã giải quyết xong câu chuyện Nguyễn Văn Bé rồi, sau đó y ta lại nói biết chỗ Nguyễn Văn Bé bị giam. Cứ lấy lý mà suy theo cái tin này thì mình nghĩ bọn Việt Cộng bắt được Nguyễn Văn Bé và sau đó đã giết chết anh ta để mất béng đi câu chuyện đã phong liệt sĩ đập mìn giết giặc năm xưa. Kể cũng đáng thương cho số phận của một người tự dưng thành liệt sĩ bất đắc dĩ. Việt Cộng đã tạo ra nhân vật liệt sĩ Nguyễn Văn Bé và rồi cũng chính bọn chúng đã cho bốc hơi người này luôn”.
Tù binh miền Bắc mặt buồn so, lo lắng ở địa điểm trao trả bên bờ sông Thạch Hãn.
– Cháu nghe kể phía chính quyền thời đó định ém một số tù binh nhưng bị phía miền Bắc phản đối quá nên phải trao trả hết. Đúng không chú? Anh bộ đội hỏi ông quân nhân.
– Nãy giờ tôi chờ câu hỏi này của cậu. Ông quân nhân cười và tiếp: “Tôi đã trả lời câu này nhiều lần rồi cho những người y như cậu đấy. Đây! Chính quyền miền Nam VNCH không muốn duy trì cái trại giam tù binh Phú Quốc đâu. Chẳng qua hoàn cảnh chiến tranh thì phải vậy thôi. Tại sao? Như tôi đã kể rồi. Duy trì một trại giam cả mấy chục ngàn tù binh cộng thêm 4 tiểu đoàn quân cảnh canh gác thì nó sẽ ngốn vào ngân sách của chính quyền bao nhiêu tiền. Dưới sự theo dõi thường xuyên của bọn Mỹ, bọn nhà báo thiên tả nước ngoài, bọn trí thức phá rối ở Sài Gòn còn thêm tổ chức Hồng thập Tự nữa thì làm sao mà có vụ tù binh phải ăn thức ăn tồi tệ, mặc quần áo rách nát, ốm đau không có thuốc chữa bệnh… Riêng gạo không thôi, mức ấn định đầu người 700 gram một ngày thì cậu cứ tính thử sẽ biết số lượng cần dùng. Nói ra thì ít ai tin chứ tù binh có nhiều tên ăn in ít đi vì sợ mập. Ăn ở không, thực phẩm đầy đủ nếu không kiêng khem thì cơ thể béo ra có gì lạ. Nhưng để thân thể mập béo trong trại tù binh Nguỵ là điều tố cáo người cán binh đó đã đầu hàng giặc, chỉ biết ăn và ăn trong khi bao nhiêu đồng chí ngoài mặt trận phải chịu đói khát trong chiến đấu. Bọn đảng uỷ trong nhà giam nói vậy đấy. Rồi vì thức ăn bỏ thừa nhiều, nhà thầu lấy về đem nuôi heo thì chúng vịn vào đó tuyên truyền quân cảnh ăn bớt khẩu phần của tù binh. Có những đợt cấp phát hàng hoá mới cho tù vừa nhập trại như chiếu, mùng, mền đắp… còn tốt hơn cả so với thứ mà lính quân cảnh chúng tôi đang dùng. Nếu không có trại tù này thì chính phù mình thời đó có thêm tiền để chi dùng vào việc khác nên ai thèm ém giữ tù binh lại làm gì. Bọn Việt Cộng cũng biết điều đó nên thực tế chúng cũng không muốn nhận đám tù binh về đâu. Nghe kỳ quá hả. Còn trại tù binh Phú Quốc thì chính phủ mình vừa hao tốn ngân sách, mất 4 tiểu đoàn lính bận việc canh gác tù thay vì chiến đấu ngoài mặt trận mà chúng còn có chỗ để tuyên truyền ngược đãi tù binh, vi phạm công ước Geneva. Bị nhốt tù lâu ngày, tiếp xúc với binh lính miền Nam VNCH thì tinh thần tù binh đã ít nhiều thay đổi vì các sự thật hiển hiện trước mắt khác với những gì họ đã nghe được khi xưa. Nhận trao trả về một lúc cả hàng ngàn tù binh như vậy, nó sẽ gây xáo trộn tinh thần các cán binh khác nếu như bọn Việt Cộng bổ sung họ vào chung hàng ngũ các đơn vị bộ đội. Còn cho giải ngũ tập thể thì cũng kẹt vì những tù binh này về lại quê nhà sẽ gặp gỡ thân nhân, bè bạn cùng hàng xóm trong giao tiếp. Họ sẽ kể chuyện đã thấy khi ở tù trong miền Nam và đó là điều mà Hà Nội đã phải làm cấp tốc cho xong cái trại ở Sầm Sơn-Thanh Hoá để chờ sẵn”.
– Cháu hiểu rồi. Vậy là tù binh được trao trả hết… không có ém giữ ai lại. Anh bộ đội lắp bắp miệng.
– Đúng! Giữ họ lại để làm mắm à! Trại giam trống không, 4 tiểu đoàn quân cảnh tụi tôi phải rời đảo Phú Quốc về lại đất liền và bổ sung cho quân số đang thiếu hụt của các đơn vị bộ binh ở các vùng chiến thuật khi đó. Cũng có người vừa đến hạn giải ngũ thì xin ở lại Phú Quốc luôn. Cậu cứ nghĩ xem, nếu quân cảnh mà xử tệ bạc với đám tù binh như lời tuyên truyền thì mấy người đó phải cao chạy xa bay khỏi hòn đảo chứ. Tôi nói thêm điều này, trại giam đó bỏ không cho đến khi bọn Việt Cộng chiếm được miền Nam rồi thì chúng dùng lại một thời gian ngắn để nhốt sĩ quan-viên chức VNCH mình chở từ trong đất liền ra gọi là tù cải tạo. Đâu khoảng hơn năm trời thì chúng lại chuyển những người tù cải tạo này vào đất liền trở lại và tôi nghe nói cái trại đó tan hoang cả rồi. Vì sao? Lớp bộ đội coi trại giam trước khi rút đi tháo gỡ làm của riêng một mớ rồi đến đám dân nằm vùng ở Phú Quốc cũng vào tháo gỡ theo. Cứ vậy mà trại giam chỉ còn trơ nền đất không chung với cây cỏ mọc hoang dại. Ông quân nhân dứt lời, với tay lấy ra điếu thuốc mới sau câu nói và mồi lửa hít một hơi ngon lành. Một khoảnh khắc yên lặng trôi qua như chợt nhớ ra điều gì đó, ông quân nhân đưa mắt nhìn ông già nhất, giọng đùa:
– Phần của tôi xong rồi. Bây giờ đến phiên ai kể chuyện đây?
– Anh bảo tôi chứ gì nhưng tự nhiên bây giờ mình lại… quên mất câu chuyện định kể đây. Không biết làm sao nữa. Hay là thế này, cho tôi qua phà nha, được không? Ông già nhất hỏi.
Đâu được! Phải kể chuyện mình chứ… Nghe chuyện người khác thì bác phải kể chuyện mình ra. Hai cậu trẻ tuổi cùng thốt lên.
Ông già nhất nhắm khẽ đôi mắt lại. Anh bộ đội và anh trẻ tuổi nhất nhìn nhau rồi định nói điều gì đó thì ông quân nhân khẽ phát tay ra hiệu cản lại như bảo phải chờ, đừng gấp gáp. Một thoáng qua đi, ông già nhất mở mắt nhìn cả ba người họ, cười:
– Tôi phải kể chuyện mình chứ! Muốn người khác làm điều công bằng với mình thì mình phải đối xử công bằng với họ. Nãy thì tôi quên nhưng bây giờ lại nhớ ra chuyện để kể rồi. Khổ thế đó, dấu hiệu gì đây? Mình đã già rồi, phải không?
Nghe ông già nhất nói vậy, anh trẻ nhất reo lên, vỗ tay khe khẽ vào vai anh bộ đội:
– Bác nhớ ra được là hay quá, kể ngay cho những đứa như tui và anh đây biết chuyện cũ như chú quân cảnh vừa rồi đó. Tui đã là người kể đầu tiên thì bây giờ bác là người bao chót, phải không? Bác kể đi… đặng nhóm mình còn về barrack ngủ chứ, sắp giới nghiêm rồi đó.
Giới nghiêm! Chính là giờ mà phòng an ninh P3V tại trại tị nạn quy định trong mỗi buổi tối. Khi nghe tiếng còi hụ lên từ các loa phóng thanh thì thuyền nhân phải trở về phòng của mình để ngủ, không ai được đi léng phéng hay tiếp tục la cà ngoài đường nữa và thường thì 11 giờ khuya là giới nghiêm nhưng vào những ngày lễ Tết hoặc dịp quốc khánh Indonesia, tiếng còi hụ sẽ trễ hơn vài giờ đồng hồ.
– Tôi biết chứ! Cậu đừng nhắc. Sở dĩ tôi hơi… chậm là vì ban nãy mải nghe bài hát Giáng sinh trên ti vi để nhớ lại chuyện sắp kể ra đây này.
– Bài hát Giáng sinh nào vậy? Anh giáo nói mà tôi không hiểu. Ông quân nhân ngạc nhiên.
– Từ từ! Ông già nhất giơ một cánh tay như muốn chận lời ông quân nhân rồi ông ta khẽ hắng giọng và tiếp: “Vài hôm nữa sẽ đến ngày lễ Giáng sinh và như khởi đầu của buổi kể chuyện hôm nay, tôi bảo vì mình nhớ nhà nên ai có kỷ niệm hoặc có câu chuyện gì liên quan đến ngày lễ Giáng sinh thì hãy kể ra cho mọi người trong nhóm chúng ta cùng nghe, mong rằng sẽ bớt buồn và thử xem câu chuyện của người nào hay nhất. Phải không nào?”.
– Phải đó! Phải đó đa! Hai cậu trẻ nhất cùng thốt lên một câu còn ông quân nhân thì gật gù cái đầu, khẽ khàng: “Nhưng anh giáo chưa kể chuyện anh mà?”.
Ông già nhất khẽ hít một hơi thuốc lá rồi đảo mắt nhìn cả ba người trước mặt và bắt đầu kể sau làn khói trắng:
– Đúng! Thì đây. Năm nào cũng vậy, cứ đến dịp lễ Giáng sinh đạo Chúa thì dù muốn hay không muốn, trong ký ức của tôi vẫn nhớ lại câu chuyện của ngày hôm đó. Tôi không biết phải khởi đầu câu chuyện từ đoạn nào đây? Thôi thì như vầy. Năm 1971 vào mùa hè, học sinh ở các trường trung – tiểu học đã nghỉ hết cả và đang chờ khai trường cho niên khoá mới. Gần hết mùa nghỉ hè thì tôi và vài thầy cô khác trong trường nhận được lệnh đi dự buổi họp của Sở Giáo Dục tổ chức. Họp cũng chỉ bàn về việc chuẩn bị việc giảng dạy cho niên học mới. Tan họp thì do thấy trời còn sớm, tôi mới chạy vào nội đô Sài Gòn rồi gửi xe đi lòng vòng đây đó. Ghé nhà sách Khai Trí mua được vài quyển rồi lúc quay ra ngoài, tôi định bụng thử đến tiệm Xuân Thu xem coi có kiếm được thêm các sách mới xuất bản không. Khi băng qua ngã tư Nguyễn Huệ – Lê Lợi thì gặp lại cậu em họ của tôi cũng đang từ hướng đường đối diện phía bên kia đi tới. Gọi là anh em bà con trong họ hàng nhưng thực tế thì giữa tôi và cậu em này, ngay từ hồi còn nhỏ xíu ngoài Bắc rồi khi di cư vào Nam có gặp mặt nhau lần nào đâu. Chỉ mới trước đó vài tháng, nhân lần đi ăn cỗ cưới của một gia đình người thân trong họ tận trên vùng Thủ Đức thì mới gặp cậu em này do tình cờ ngồi chung một bàn với nhau và vì vậy mới biết cậu đi làm cho USAID, một cơ quan chuyên về viện trợ của Mỹ tại miền Nam VNCH. Cậu ta lại đi chung với 2 người Mỹ khác nên giới thiệu họ với tôi rồi thấy đứng trò chuyện giữa đường không tiện, mời đi cà phê ở một cái quán gần đó, quán Givral… ai ở Sài Gòn cũng biết chỗ này. Hết chầu nước thì cả nhóm lại thả bộ vào hành lang Eden ghé mắt xem tiệm này, vào thăm quán hàng kia một chút rồi thì chia tay. Lúc đó, một trong hai người Mỹ ngỏ ý muốn chụp vài tấm ảnh làm kỷ niệm cho buổi gặp mặt nên tôi và cậu em đồng ý. Cả bốn người chúng tôi đứng chung với nhau trước cửa ra ở hướng bên đường Tự Do đối diện với rạp cine Rex, ngó xeo xéo qua Toà Đô Chánh và nhờ một tay chụp hình dạo lảng vảng gần đó bấm máy hộ. Cái máy chụp ảnh đó là loại máy chụp hình lấy liền chỉ sau vài phút chờ và là ảnh màu. Thế mới hay! Lý do có vụ chụp ảnh kỷ niệm, tôi nghĩ bởi lúc ngồi trong quán Givral, cậu em đã giới thiệu với 2 người Mỹ tôi là giáo sư dạy các trường đại học tại Sài Gòn. Buổi hôm đó vì tôi vừa đi họp Sở về, quần áo vest bảnh bao, thắt caravat cùng giầy vớ cẩn thận thêm mấy quyển sách cầm trên tay nữa… đã làm mình có cái vẻ giáo sư đại học chứ sự thực, mình chỉ dạy làng nhàng ở các lớp trung học thôi. Trình của mình làm sao với tới bậc đại học được. Không nhớ tay người Mỹ đó chụp mấy kiểu nhưng khi lấy ra được ảnh thì cho hai anh em tôi mỗi người một tấm. Đưa ảnh xong thì 2 người Mỹ đó bỏ đi. Họ đi rồi, tôi hỏi ra mới biết là nhân viên của thư viện Abraham Licoln nằm ở góc đường Lê Lợi – Nguyễn Huệ cũng gần đó, không xa. Hai anh em tôi hỏi thăm nhau về công việc đang làm, tin tức vài người bà con thân thuộc… rồi thì cũng chia tay, đường ai nấy đi.
– Abrham Lincoln là ông tổng thống Mỹ bị ám sát chết đó phải không bác. Cậu trẻ nhất hỏi.
Ông già nhất gật đầu, nói:
– Đúng vậy! Abraham Lincoln là vị tổng thống thứ 16 của Hoa Kỳ trong thời nội chiến giữa hai miền Nam – Bắc khi còn vụ nô lệ người da đen gốc Phi châu. Nghe bảo ông ta bị ám sát chết khi đang ngồi xem kịch tại một hí viện. Thư viện Abraham Lincoln này có rất nhiều sách báo Anh ngữ và nơi đây cũng là toà soạn của tạp chí Thế Giới Tự Do nổi tiếng. Cậu em họ của tôi làm việc cho cơ quan USAID mà không hiểu sao lại có bạn Mỹ là nhân viên của thư viện đó vì hai cơ quan này đâu có dính dáng gì đến nhau? Lúc đó tôi thắc mắc như vậy và rồi cũng quên đi ngay. Mãi cho đến những ngày cuối tháng 4 năm 1975 thì tôi mới gặp lại cậu em họ này. Hôm đó, tôi đi dạy học lớp buổi sáng ở trường về nhà thì thấy cậu ta đã ngồi chờ sẵn từ trước. Anh em gặp lại nhau rất mừng, tôi không ngờ lại biết nhà tôi nữa, đang định hỏi thì cậu nói ngay: “Anh còn tâm trí để dạy học được nữa sao? Phải tìm mọi cách mà dọt ngay vì sớm muộn gì, bọn Việt Cộng cũng sẽ chiếm thủ đô Sài Gòn này”. Tình hình khi đó ở thủ đô Sài Gòn hỗn loạn lắm vì rất đông nạn nhân chiến cuộc từ ngoài miền Trung đổ về sống tạm cư lây lất đầy trong các sân vận động, trong chùa và cả nhà thờ nữa… Rồi còn lính mình nữa… Họ đi nghễu nghện ở ngoài đường với quân phục tơi tả của các binh chủng tan hàng từ các tỉnh đổ về và đang chờ bổ sung quân số cho đơn vị mới. Dù cậu em không nói ra thì bản thân tôi cũng biết phải chạy ra ngoại quốc ngay vì phe ta đã bị người Mỹ bỏ rơi rồi. Mất nước tới nơi nhưng mà xuất cảnh bằng cách nào đây? Bằng đường biển thì con đường duy nhất để ra Vũng Tàu là quốc lộ 51 đã bị Việt Cộng cắt ngang do chúng chiếm được vùng Nhơn Trạch. Đi bằng máy bay thì gia đình tôi không đủ tiền mua vé và cũng chẳng có sổ passport gì cả. Ngay tại Sài Gòn đây, tôi muốn chạy xe vào bến cảng hải quân ở Bạch Đằng để xem coi có thể đi ké được chiếc tàu hàng nào không mà cũng không thể. Lính canh gác đã rào kín hết các cổng trong tình trạng giới nghiêm nội bất xuất-ngoại bất nhập. Tôi nói thật với cậu ta: “Anh nghe tin, đọc báo biết các việc đó nhưng chẳng thể làm gì được nên cứ đành tiếp tục đến trường dạy học, chờ xem thế sự ra sao. Cậu đến nhà, anh vui quá, giúp cho gia đình anh di tản ra ngoại quốc nha”.
– Cái máy ảnh anh kể đó là loại Polaroid chụp lấy liền hình mầu chỉ trong vài phút. Tôi đã thấy đám phóng viên ngoại quốc dùng loại máy chụp ảnh này khi họ đến trại tù binh Phú Quốc và ở các buổi trao trả tại phi trường Lộc Ninh. Máy này mắc tiền đó đa anh giáo. Hãng Polaroid đánh đúng vào ý thích của khách hàng là khi chụp ảnh xong thì đều muốn coi được ngay tấm hình đó nhưng nó có một bất tiện là không có phim âm bản nên nếu chụp tấm nào, chỉ có tấm đó thôi và không thể rửa thêm lần thứ hai thứ ba được. Ông quân nhân góp lời.
Ông già nhất khẽ gật đầu như thừa nhận lời vừa nói của ông quân nhân và tiếp:
– Như vừa kể tôi rất muốn gặp lại cậu em này mà chẳng biết chỗ cậu sống ở đâu. Sau lần gặp cậu ta với 2 người Mỹ đó đến nay cả mấy năm rồi còn gì. Gặp là để mong cậu từng có thời gian làm việc với họ thì may ra có thể tìm được cách để mình níu theo mà đi nên giờ cậu ta đến nhà thì khác gì một cái phao cứu sinh cho bản thân và gia đình. Nghe tôi nhờ cậy, cậu ta nói: “Em vừa ở ngoài Trung vào đây, tình hình bây giờ rối mù chẳng biết đường mà liệu nữa, người Mỹ thay đổi kế hoạch liền liền. Giờ phải chờ ngày mai xem có tin gì mới không. Tình hình biến chuyển lẹ quá, càng lúc càng xấu”. Tin gì? Tôi hỏi thêm thì cậu bảo: “Minh lớn sẽ nhận chức tổng thống ngay tối hôm nay ở dinh Độc Lập. Nội các mới có thể phải chia chung một số ghế với bọn Mặt trận Giải phóng nằm vùng ở Sài Gòn. Sứ quán Hoa Kỳ biết hết cả và mong có thể thêm thời gian để họ đưa hết các người cần di tản ra khỏi Sài Gòn trước khi bọn Cộng Sản Bắc Việt chiếm trọn quyền hành, gạt tất cả từ Minh lớn đến đám Mặt trận ra rìa. Em sẽ đưa gia đình anh chị đi chung chuyến bay và chắc chỉ vài ngày nữa mình sẽ lên đường”. Hỏi thêm thì cậu ta bảo sẽ đưa cả nhà tôi vào trong sứ quán Mỹ và để lên xe buýt vô phi trường Tân Sơn Nhứt rồi lên máy bay C 130 bay sang Phi Luật Tân. Nghe như vậy, tôi không biết nói gì hơn vì không ngờ cậu ta còn nhớ đến mình nên kêu vợ con ra cảm tạ cái ơn. Vợ tôi cứ lắp lắp: “Gia đình anh chị thật có phúc mới gặp được bà con như chú, thôi thì đành trông cậy mọi sự”. Cậu em ở lại ăn qua quýt bữa cơm với gia đình tôi xong thì bỏ đi ngay, nói sẽ quay trở lại và bảo tôi thu xếp ít quần áo phòng sẵn. Chiều tối hôm ấy, vang vang những tiếng nổ rung chuyển cả đường phố Sài Gòn rồi sau mới biết do Việt Cộng ném bom ở phi trường Tân Sơn Nhứt và pháo kích vào các khu dân cư mà ra. Điện bị cúp nữa làm cả khu phố tối hù. Cả đêm hôm đó, tôi gần như thức trắng để chờ cậu em quay lại trong tâm trạng sợ đạn pháo kích rớt xuống nhà mình thì khốn. Có lúc, tôi đi ra ngoài đầu ngõ thấy dòng người ta chạy qua lại trên đường bất chấp cả lệnh giới nghiêm. Tiếng còi hụ của xe cứu hoả, xe cứu thương trong tiếng súng nổ cùng tiếng máy bay ầm ì xa xa trên trời cao càng làm mình thêm lo thêm rối trí. Tôi quay về nhà nằm chờ đợi, lúc ngủ lúc thức vật vờ ở cái ghế dài salon phòng khách cho tới khi trời sáng rõ thì cậu ta lại đến, bảo: “Vụ di tản bằng phi cơ ở Tân Sơn Nhứt coi như chấm dứt rồi. Bom máy bay và đạn pháo 130 ly của Việt Cộng chiều tối hôm qua đã cày nát bề mặt phi đạo nên chắc người Mỹ phải tính cách khác. Khi nào anh nghe bài hát X này trên băng tầng FM thì phải nhanh chân chạy đến sứ quán Hoa Kỳ ngay… Em ghé báo tin anh biết và bây giờ thì phải đi chút công việc gấp, nếu không thấy em trở lại đây thì cả nhà cố tự thân đến đó, anh em mình sẽ gặp lại nhau thôi”. Cậu ta còn dặn nên thủ ít tiền đô trong người phòng có lúc cần dùng đến và nhớ đừng chần chờ, đi càng nhanh càng tốt. Khi cậu ta ra khỏi nhà rồi, tôi cứ để nguyên radio mở ở cái băng tần FM mà cậu vừa chỉ dẫn và nghĩ đích thực cậu này là nhân viên CIA như người trong họ hàng đã kháo nhau từ trước. Ở thời điểm đó, hỏi có mấy người Việt mình biết đến cái vụ bài hát X hiệu lệnh di tản này của người Mỹ.
– Á à! Thì ra cái bài hát tôi nghe kể người Mỹ đã dùng trong ngày di tản hôm đó đó phải không? Nghe nói máy bay trực thăng Mỹ sẽ đón người ở sứ quán Hoa Kỳ cũng như ở các toà buyn đinh khác nữa mà. Phải không anh giáo? Ông quân nhân chen vào.
Ông già nhất chưa trả lời thì anh chàng bộ đội hỏi:
– Bài hát trên băng tần FM hả bác? Bác còn nhớ nó không?
– Nhớ chứ! Can nãy mấy người có thấy tôi ngóng xem cái ti vi chơi một khúc chung với cảnh Noel đó không. Ông già nhất gật đầu, khẽ huýt gió một đoạn nhạc ngắn rồi khẽ khàng: “Đó! Đó! Thôi thì nói luôn cho biết. Bài hát X đó có tên là White Christmas và do nam ca sĩ Bing Crosby hát. Cậu em bảo tôi khi nào nghe thấy băng tần FM phát ra bài này thì nó chính là hiệu lệnh để di tản. Tôi chờ thì đến gần trưa mới nghe thấy bài hát này thật… Tôi đang mơ một mùa Giáng sinh tuyết trắng với các tấm thiệp Giáng sinh tôi đã viết… Lời của bài hát X. Tôi và vợ con chuẩn bị sẵn sàng chờ cậu ta đến nhưng rồi một giờ, hai giờ đồng hồ qua đi mà không thấy bóng dáng cậu này đâu cả. Vợ tôi nhớ lời dặn cũ thì lại thúc phải tự đi nhanh kẻo không kịp nên tôi lấy chiếc Honda Dame đèo vợ con chạy ngay đến sứ quán Mỹ. Dọc đường đi, tôi thấy lại cảnh chiến tranh tại Sài Gòn như hồi Tết Mậu Thân năm xưa. Từ Phú Nhuận vào nội đô không xa lắm mà tôi phải nhích từng đoạn từng đoạn trên đường nghẹt cứng người và xe. Mãi rồi khi đến được sứ quán Mỹ thì hỡi ơi… Quá đông con người ta đang xếp hàng dọc trên đường và ngay tại cánh cửa cổng ra vào, tình cảnh trông thật nản. Đám đông người xô lấn chen nhau đông đặc, không ai chịu nhường cho ai cả. Ai cũng muốn vào được bên trong toà nhà nhưng việc đó đâu có dễ dàng gì”.
Ông quân nhân lại hỏi:
– Nghe nói khi đó không chỉ một sứ quán Hoa Kỳ mà còn mấy buyn đinh khác nữa chính phủ Mỹ đã chọn ra để máy bay trực thăng đáp xuống đón người. Mấy buyn đinh đó ở chỗ nào trong Sài Gòn hả anh giáo?
– Mấy gì anh! Tới mười ba cái buyn đinh lận. Cái thì ở đường Trương Minh Giảng, cái thì ở đường Tú Xương rồi ở cả đường Gia Long nữa… Tôi chẳng nhớ hết đâu! Ông già nhất đáp lời.
Dòng người xếp hàng trước cổng sứ quán Mỹ để mong vào được bên trong
Nói xong thì ông già nhất ngồi thừ người ra như để dòng ký ức quay trở về ngày tháng cũ của năm đó. Ba người còn lại trong bàn yên lặng nhìn ông ta như một thông cảm cho tâm trạng riêng tư. Nhắc lại những kỷ niệm cũ, lòng ai không bồi hồi. Một lát thì ông già nhất lại tiếp:
– Thấy dòng người quá đông, tôi bảo với bà xã phải xếp hàng thôi, không cách nào khác… Trâu chậm thì uống nước đục. Mình tuy chậm nhưng sẽ là kẻ đến sớm so với các người khác còn đang ở nhà. Vất bỏ cái xe Honda Dame đi, tôi bảo vợ con chịu khó đứng trong hàng để giữ chỗ trước còn bản thân thì chạy lòng vòng tới lui chỗ này chỗ kia tìm cậu em họ. Phải có cậu ấy thì cả gia đình tôi mới mong vào bên trong toà đại sứ được. Tôi đi đến từng đám người tụm 5 tụm 3 bên kia đường và ở các con ngõ gần chung quanh sứ quán Mỹ nhưng không thấy cậu ta. Quay trở về dòng người, tôi xếp hàng lại với vợ con mình và cứ nhích từng bước cả tiếng đồng hồ sau thì gia đình cũng lần đến được cánh cửa cổng nhưng rồi lại bị lính thuỷ quân lục chiến Mỹ đẩy ra rìa ngay vì không có giấy tờ gì để vào bên trong sứ quán được. Không vào được bên trong, gia đình tôi cứ đứng ngay tại cánh cửa cổng, nghĩ cậu em tôi sẽ xuất hiện mà mãi chẳng thấy đâu. Sau thì thằng con trai tôi, khi đó nó mới khoảng 6 tuổi, bám theo chân một gia đình khác và nhờ vậy, đã âm thầm lẻn vào được bên trong sứ quán.
– Thằng bé khôn quá! Đúng con anh giáo. Ông quân nhân gật gù cái đầu và nở nụ cười.
Ông già nhất ánh lên ánh mắt tinh quái khi nghe ông quân nhân khen đứa con trai mình và tiếp ngay:
– Đấy! Vào được bên trong rồi thì thằng con tôi lại chạy trở ra phía cánh cửa cổng, lấy tay làm loa khẽ gọi và vẫy vợ chồng tôi nữa. Vợ tôi bập bẹ vài câu Anh ngữ với mấy gã lính thuỷ quân lục chiến Mỹ bảo đó là đứa con trai, nó theo chúng bạn chạy vào trong mà lại không chịu trở ra ngoài với bố mẹ. Mãi thì một gã lính cho phép vợ tôi vào trong để dẫn nó ra nhưng rồi bà ấy và đứa con trai biến mất luôn vào dòng người, chỉ còn lại mình tôi vẫn đứng bên cánh cửa cổng. Đây là một sắp xếp của vợ chồng tôi từ trước, ai cứ vào được thì vào, đi được người nào thì cứ đi còn hơn chết chùm cả đám. Vợ tôi vào được bên trong đó thì cố kiếm cậu em mà chẳng thấy rồi sau tình cờ thì bà lại gặp một cô bé gần nhà nên mới nhờ giúp. Cô bé này, có tên gọi là cô Hai cũng sống trong khu phố không xa và thỉnh thoảng đến nhờ tôi dạy thêm ít câu tiếng Anh đàm thoại. Không biết cô ta làm cái gì mà cũng có mặt trong sân sứ quán và nhận ra vợ con tôi nên mới đến hỏi chuyện. Hỏi rồi biết tôi còn kẹt ở bên ngoài thì cô bảo sẽ nhờ người chồng ra cánh cửa cổng thử gặp, may ra. Trời ơi! Cô bé này lấy chồng Mỹ từ lâu rồi mà thật khéo dấu, hàng xóm chẳng ai biết và cả gia đình tôi nữa. Vợ chồng cô bé Hai đi ra cánh cửa cổng gặp đám lính thuỷ quân lục chiến Mỹ rồi vẫy tôi lại gần hỏi xem có giấy tờ gì liên quan đến chính phủ Hoa Kỳ không. Tôi định lắc đầu thì chợt nhớ đến tấm ảnh Polaroid cũ liền vội lục trong cái túi xách tay PanAm lấy nó ra cho cả bọn họ xem. Cô bé Hai bảo với người chồng và các gã lính rằng tôi là nhân viên sở Mỹ ở một văn phòng ngoài miền Trung, chạy thoát tay Việt Cộng vào đây và giấy tờ đã mất hết chỉ còn duy nhất tấm ảnh. Mấy gã lính gác cổng chuyền tay nhau xem tấm ảnh và khi hỏi thêm chi tiết thì tôi lấy lý lịch của cậu em điền vào cho bản thân mình nhưng cũng chưa xong việc ngay. Khi một gã lính đòi tôi chi 500 đô thì mới cho vào bên trong thì tôi lấy ra cả một xấp tiền giấy nhưng đếm tất cả chỉ được 310 đô thôi. Lý do: Đô la Mỹ khi đó khan hiếm vô cùng, vợ tôi xoay mãi cũng chỉ đủ tiền mua ngần ấy nhưng lại toàn bạc lẻ. Lúc đầu, gã lính đó không đồng ý cứ khăng khăng phải có đủ 500 đô mới được. Cô bé Hai trổ tài thuyết phục, bảo bọn Việt Cộng mà vào đây thì chúng sẽ giết chết hoặc bỏ tù tôi ngay tức khắc nếu như còn kẹt lại, không chạy kịp. Chồng cô ta cũng nói vào và sau cùng gã lính đó mới chịu nhận xấp tiền và cho tôi đi vào bên trong. Nếu không có vợ chồng cô bé Hai này giúp thì bản thân tôi đành chịu cứ đứng ở cánh cửa cổng mãi vì làm sao mà vào bên trong toà nhà được. Nhưng sau này nghĩ lại, chẳng thà gia đình tôi đừng vào trong sứ quán Mỹ thì biết đâu sẽ hay hơn và sẽ không mất 310 đô mà cả nhà lại có thể đi thoát bằng tàu lớn ở bến Bạch Đằng. Nhiều người ở quận 4 đã di tản thoát thân ngay những phút cuối bằng tàu lớn ở đây mà chẳng mất đồng nào cả. Trở lại chuyện cũ thì vào trong sân sứ quán Mỹ rồi, tôi mới thấy cả ngàn người nam – phụ – lão – ấu đang ngồi, đứng, nằm chen chúc bên nhau trong dòng người xếp hàng rồng rắn để chờ được gọi đến lượt di tản. Hỏi thì mới hay có người đã vào đây từ mấy ngày hôm trước mà tới giờ, họ vẫn chưa nhúc nhích gì cả. Súng ngắn, ai đó vất bỏ vài khẩu nằm im phơi bóng dưới đáy cái hồ nước trong vắt. Bọn lính thuỷ quân lục chiến Mỹ cứ tách dân da trắng hoặc một số người Việt ra trước rồi đưa họ lên sân thượng để theo máy bay trực thăng UH ra hạm đội, người còn lại trong hàng thì phải chờ đi các lượt sau. Thấy cách đưa người di tản như vậy, ai cũng cho là quá chậm vì lâu lâu mới có một chiếc trực thăng đáp xuống mà chỉ chở được độ chục người trong mỗi chuyến. Cuối cùng, nhân viên làm việc ở sứ quán mới hạ lệnh cho cưa đổ cái cây to ở mé sân sau, lấy chỗ trống để trực thăng khổng lồ hạ cánh. Loại trực thăng này to lắm, tôi không biết tên nó… nhưng có thể chở được thêm khá nhiều người so với loại UH nhỏ xíu”.
– Trực thăng vận tải CH 47 Chinook phải không anh giáo? Ông quân nhân hỏi.
Ông già nhất nghe câu hỏi, lắc đầu:
– Không! Không phải loại Chinook CH 47 sâu rọm đâu anh. Loại trực thăng này khác anh à. Nó còn to hơn Chinook CH 47 nữa và cũng vì vậy mà không sử dụng được sau vài chuyến bốc người ở sân sứ quán Mỹ. Sức quay từ các cánh quạt của nó đã làm bể cửa kiếng các phòng, thổi muốn bay người đứng ở dưới đất và có thể sẽ làm sập cả những bức tường vây quanh toà nhà nữa nên kế hoạch dùng loại máy bay này để di tản người trong phút cuối đành phải bỏ. Chỉ dùng duy nhất loại trực thăng UH thôi và lính thuỷ quân lục chiến Mỹ cứ lần lượt đưa từng đợt, từng đợt người lên sân thượng. Sân thượng tuy rộng nhưng chỉ có một bãi đáp cho trực thăng UH mỗi lần xuống một, hai chiếc nên mình có muốn nhanh hơn cũng không được. Khi đó sốt ruột lắm.
Anh chàng bộ đội chen vào:
– Nghe bác nói thì rốt cuộc cả gia đình cũng không đi thoát. Vậy mà cháu nghe kể người Mỹ đưa máy bay trực thăng đáp xuống sân thượng sứ quán đón dân Việt di tản ra hạm đội 7 hết cả.
Ông già nhất gật đầu, nhắc lại câu vừa kể:
– Khi đó sốt ruột lắm… Phải! Cứ nghĩ gia đình mình vào được sứ quán Mỹ thì rồi sẽ đi thoát. Có ai ngờ! Cứ nhích từng bước một để theo nhau lên từng tầng của toà nhà. Tầng hai rồi tầng ba, tấng bốn… thật là lâu trong dòng người xếp hàng. Chiều xuống dần và đêm tối ì ạch trôi qua nhưng đám đông người di tản vẫn còn nghẹt cứng cho đến khi cả gia đình tôi đứng được trong dòng người ở cái cầu thang dẫn lên sân thượng, nơi máy bay trực thăng UH đáp xuống đón người. Rồi lên được tới sân thượng thì mừng muốn rớt nước mắt. Nhìn bầu trời chung quanh, Sài Gòn đã bắt đầu hưng hửng sáng, không khí buổi ban mai thổi mát mặt, làm mình tỉnh ngủ sau cả đêm dài thức trắng. Tôi nói lời an ủi khi thấy vẻ mệt mỏi trên khuôn mặt của vợ mình: Ráng chịu đựng thêm chút nữa đi… Ra được hạm đội 7 thì cả nhà ta sẽ ổn. Tiếng động cơ trực thăng UH từ xa xa vọng lại chung với tiếng gầm rú đinh tai của những khu trục cơ F4 Phantom đảo lộn trên cao để bảo vệ các chuyến bay di tản và rồi một chiếc trực thăng đã xuất hiện ngay ở phía trên đầu mình. Ục… ục… ục! Tôi nhìn lên, chiếc UH đó đang xuống thấp dần để bốc người như các chuyến trước đây. Gia đình tôi rồi sẽ ngồi trên chiếc trực thăng đó chỉ trong vài phút nữa thôi và thoát nạn. Tôi nghĩ vậy thì thấy gã lính thuỷ quân lục chiến Mỹ đứng ngay trước mặt thọc hai ngón tay vào miệng y để phát ra những tiếng tuýt tuýt như một hiệu còi. Sau đó, y ta co tay làm thêm một dấu hiệu mới thì mấy gã lính khác còn lại vội tản ra và đẩy cả đám người chúng tôi đi lùi dần xuống khỏi cái cầu thang. Xuống hết cái thang thì cả dòng người vẫn phải theo lệnh của mấy tay lính thuỷ quân lục chiến Mỹ để tiếp tục đi xuống các tầng dưới toà nhà rồi sau cùng thì đến tầng trệt và ra đứng hẳn ở trên sân sứ quán. Thấy tình hình như vậy, có người hỏi lý do thì một gã lính trả lời tập trung ở sân sứ quán để lên xe buýt chở vào phi trường Tân Sơn Nhứt và máy bay C 130 sẽ đón sau. Gã lính đó nói các tàu chiến của hạm đội 7 đã đầy người, không thể chứa thêm được nên phải chuyển phương cách di tản. Xuống dưới sân của toà nhà thì mới thấy số người chờ di tản vẫn đầy nghẹt tuy không đông như hôm qua. Bây giờ thì chẳng còn hàng ngũ trật tự gì như trước nữa, mạnh ai muốn đứng, ngồi hay nằm vật xuống sàn nhà hoặc bất cứ chỗ nào tuỳ ý nhưng đều giống nhau ở khuôn mặt chung nỗi lo âu cùng mệt mỏi. Vẫn đông người như vậy thì không biết ở cánh cửa cổng có còn ai không? Tôi nghĩ những người ở bên ngoài cánh cửa cổng cố hết sức để vào được bên trong sân toà nhà mà không biết cả đống người vẫn bị dính chặt ở đây chưa di tản và cũng chẳng biết tình hình rồi sẽ ra sao? Bất chợt có tiếng ai đó nói lớn cửa dẫn lên tầng trên đã bị thuỷ quân lục chiến Mỹ khoá chặt rồi. Nghe vậy thì có người nói phải phá ổ khoá cửa. Phá ổ khoá cửa, nhằm có đường để cả bọn mình đi lên trở lại cái sân thượng, chỗ máy bay trực thăng xuống đón người thì mới thoát. Phải làm vậy thôi, bọn mình mà không có mặt ở bãi đáp trên sân thượng, máy bay trực thăng sẽ bay qua luôn và đến các buyn đinh khác. Có người lại nói các xe buýt của sứ quán từ hôm qua đã chở người vào Tân Sơn Nhứt rồi phải quay về đây thì làm gì có vụ tập trung ở đó để lên máy bay C 130 như lời gã lính thuỷ quân lục chiến Mỹ nào đó nói. Mình bị người Mỹ bỏ lại rồi, kết luận là vậy. Những người đang phá ổ khoá cửa thì phải thối lui xuống ngay vì họ chịu không nổi hơi lựu đạn cay do lính thuỷ quân lục chiến Mỹ ném xuống. Hơi khói lựu đạn cay lan dần xuống tới tầng dưới, tôi nắm tay dẫn vợ và đứa con trai theo chân những người khác chạy vội ra chỗ đất trống của toà nhà để bớt ngộp. Ở đây, nhìn ra cánh cửa cổng vẫn còn khoá chặt và vẫn có người đang cố sức trèo qua lớp hàng rào kẽm gai giăng trên cao để nhẩy vào phía bên trong. Không một bóng người lính thuỷ quân lục chiến Mỹ nào cả dù khi đó tiếng máy bay trực thăng trên sân thượng vẫn ục ục vọng xuống đất. “Trực thăng đang bốc những người lính thuỷ quân lục chiến Mỹ cuối cùng và bỏ rơi bọn mình cả rồi…”, tiếng một ai đó thét lớn. Rồi tiếng người khóc rấm rức, tiếng người khác chửi thề chung với lời nguyền rủa bọn Mỹ đểu giả. Trời Sài Gòn khi đó đã sáng rõ mà đám người chúng tôi vẫn không ai dám bỏ ra khỏi toà nhà vì cố nuôi một niềm tin mơ hồ trong lòng: Lính thuỷ quân lục chiến Mỹ cùng các trực thăng rồi sẽ quay trở lại đây và sẽ áp tải hết tất cả người Việt đến thẳng hạm đội 7. Họ sẽ giữ lời hứa như một nhân viên sứ quán đã cam kết vào chiều tối ngày hôm qua “Tất cả các bạn người Việt hiện diện ở đây sẽ được bốc ra hạm đội 7 hết cả. Chúng tôi đang thực hiện chiến dịch di tản. Hãy yên tâm và giúp chúng tôi duy trì trật tự, đi theo hàng ngũ”. Ở góc tường sát với toà nhà bên cạnh, chút khói trắng vẫn bốc lên từ mấy thùng phi sắt mà ngày hôm qua, các nhân viên của sứ quán đã đốt rất nhiều chồng hồ sơ cùng giấy tờ tài liệu mật. Không ai được lại gần mấy thùng phi đó và nhân viên có lúc phải rưới thêm dầu vào để ngọn lửa cháy nhanh hơn. Tình cảnh hiện tại, đám chúng tôi chẳng biết phải làm gì ngoài việc chờ đợi di tản trong vô vọng. Có người suy đoán không chừng công binh đã sửa cấp tốc xong cái phi đạo trong Tân Sơn Nhứt rồi và bọn mình sẽ được di tản bằng máy bay vận tải C 130 như lời gã lính thuỷ quân lục chiến Mỹ đã nói. Bọn mình ở đây cộng thêm số người ở các buyn đinh khác nữa sẽ rất đông, không thể dùng trực thăng di tản hết được và chỉ một cách vào Tân Sơn Nhứt thì mới xong việc. Sau mới biết các tin đó để trấn an tinh thần của nhau. Không thể phá được cái ổ khoá cửa thì vài người lại đi đập bể tấm kiếng của các gian phòng gần đó. Tôi kéo vợ con đến một chỗ kín gần góc nhà và ngồi im để chờ điều chưa biết sắp xẩy đến. Tôi yên lặng khi nghe lời thì thào của bà xã: “Mình làm gì bây giờ anh?”. Tôi không thấy đói bụng ngoài cái mệt mỏi của thân xác. Lương khô, nước ngọt và những lon đồ hộp từ các thùng Ration C nằm lăn lóc đầy trên sàn nhà mà chẳng có ai màng đến. Tôi rối trí khi vợ tôi nhắc lại câu hỏi cũ và chỉ biết lắc đầu vì phải lo lắng nhiều thứ trong một thời gian quá ngắn ngủi.
– Phải chi lúc đó gia đình anh chạy ngay đến bến Bạch Đằng thì may ra còn kịp chuyến di tản. Sau này, nghe tin trên đài VOA, BBC… tường thuật về buổi trưa hôm 30 tháng 4 năm đó, có mấy chiếc tàu thương mãi chở người vừa rời khỏi bến Bạch Đằng độ mươi mười lăm phút thì xe tăng T 54 Cộng Sản Bắc Việt mới xuất hiện ở khu vực kho 5 Khánh Hội. Mấy thương thuyền đó chạy thoát hết ra biển rồi nhập chung với đoàn tàu hải quân Mỹ luôn. Ngẫm lại, thấy do cái số cả anh giáo à. Ông quân nhân thẽ thọt.
– Vậy! Do cái số cả. Ông già nhất lập lại lời nói của ông quân nhân.
– Cuối cùng thì người di tản ở sứ quán Mỹ ra sao hả bác? Trực thăng không đón, cứ chờ mãi ở đó cho đến khi Việt Cộng vào? Anh trẻ tuổi nhất cất tiếng hỏi.
– Còn sao nữa hả cậu! Khi có tin từ ngoài phía cánh cửa cổng bảo là xe tăng T 54 Cộng Sản Bắc Việt chiếm được Ngã Tư Bẩy Hiền, rồi kế đó lại cái tin bọn chúng đã vào được bên trong bộ Tổng Tham Mưu và hiện có một đoàn xe tải Molotova đang trên đường đi đến sứ quán Mỹ này. Tin đó vừa loan ra thì ôi thôi! Không ai bảo ai đều đồng loạt đứng lên, cùng chạy đến cánh cửa cổng và phá banh nó để tìm đường thoát ra được bên ngoài cho nhanh. Tôi và vợ con ra khỏi sứ quán Mỹ và khi đi vào con hẻm nhỏ của ngày hôm trước, chiếc xe Honda Dame vất bỏ vẫn còn nằm nguyên nơi đó. Không ai thèm đụng đến vì nó cũ mèng và chung quanh, vài chiếc xe hơi, xe Vespa, xe Lambetta, xe Standard, xe Honda SS 50 láng coóng còn nằm đầy ra đấy. Nước mất tới nơi, thân không biết có giữ được không thì mấy của nả này ai cần đến. Tôi lấy xâu chìa khoá còn giữ ở trong túi quần và nổ lại máy chiếc xe. Trên đường chạy xe về lại nhà mình, trước mắt tôi ở từng đoạn đường đi ngang qua là các chiếc xe tăng T 54, xe tải Molotova cắm cành lá giả trang ở các cạnh thùng… chở đầy bộ đội chính quy Cộng Sản Bắc Việt chạy ngược chiều đường để vào bên trong nội đô Sài Gòn. Ở vài giao lộ, xe thiết giáp M 113, xe tăng M 41, xe nhà binh GMC đầy vũ khí mà không một bóng lính mình chung quanh. Những gốc cây, cuối một hẻm đường… quân phục lính mình bỏ nằm gọn ở dưới đất chung với các mũ sắt, súng cùng dây ba chạc còn đầy các băng đạn… thấy mà đau lòng. Còn có cả xác lính mình nằm chết bên lề đường nữa, chẳng biết do người ấy tự sát hay bị trúng đạn khi giao tranh. Thấy một nhóm người vừa đàn ông vừa thanh niên cởi trần, quần cụt đứng lớ ngớ, thất thểu bên cạnh đường, tôi dừng xe lại nhìn họ… đoán là lính mình đây và quả thật là vậy. Tự dưng một nỗi buồn vô hạn dâng trào trong lòng tôi vì chỉ trong một thời gian có vài tháng mà đất nước mất hết vào tay giặc, tan hàng tập thể cùng một ngày. Ông già nhất khẽ chắt lưỡi, lắc đầu.
– Người em bà con cô cậu gì của bác, số phận chú ấy ra sao? Anh bộ đội hỏi.
Ông già nhất khẽ lắc đầu, đáp:
– Cậu em bà con hả? Sau cái hôm đó, tôi chẳng bao giờ gặp lại lần nữa… cho đến tận bây giờ. Không biết cậu ta có kịp di tản hay bị kẹt lại. Cậu ta có đến các buyn đinh khác? Tôi thực chẳng biết nữa. Tôi mà định cư ở Mỹ rồi nếu có thì giờ rảnh, sẽ thử dò tìm tin tức xem sao. Hy vọng rồi sẽ gặp lại cậu ta.
– Còn cái cô me Mỹ, chắc cũng đi được hả bác? Anh bộ đội hỏi thêm.
– Khi giúp tôi vào bên trong sân rồi thì ít lâu sau, vợ chồng cô bé Hai được nhân viên toà đại sứ tách riêng rồi đưa họ lên sân thượng. Ông già nhất cười và tiếp lời: “Kể ra thì chua chát thật, me Mỹ lại ưu tiên di tản trước cả những sĩ quan, viên chức cao cấp của chính quyền miền Nam VNCH mình”.
– Anh giáo nói sao, tôi chưa hiểu? Ông quân nhân thắc mắc.
– Thế này! Ừm… Ừm. Ông già nhất khẽ hắng giọng, tiếp: “Khi đứng hết cả ở sân toà nhà rồi thì chúng tôi mới biết, trong số người bị kẹt lại, có một ông thiếu tướng Nam Hàn, một ông thiếu tướng Đài Loan và cả một số người Âu Châu nữa”.
– Người Âu châu! Ý bác muốn nói là dân da trắng, tóc vàng, mắt xanh lơ. Anh trẻ tuổi nhất bập bẹ lời.
– Phải! Chính vì có những người Âu châu này nên đã làm cả bọn chúng tôi nghĩ họ là người Mỹ thì trực thăng UH sẽ quay trở lại đón và mình sẽ theo chân đi cùng. Chừng hỏi ra thì mới biết họ là người Tây Đức, người Ý Đại Lợi và cả dân da đen vùng Bắc Phi, người Á Căn Đình ở Nam Mỹ nữa. Trong số họ, tuy da trắng tóc vàng hoặc tóc nâu, tóc đen… nhưng đều không phải là công dân Mỹ. Thế có bỏ mẹ không! Người Mỹ thực thụ thì đi mất hết cả rồi, đám Âu châu ở đây giờ cũng như dân Việt mình, kẹt giỏ hết cả đám. Tại sao đám người này lại có mặt ở đây? Họ là nhân viên các hãng buôn ngoại quốc, dân du lịch hoặc nhân viên các sứ quán nước khác bị kẹt lại và chạy vào đây để mong được sứ quán Mỹ giúp cho di tản hòng thoát tay bọn Việt Cộng. Mẹ kiếp! Dân Âu châu mà cũng tránh mặt bọn Việt Cộng y như người khoẻ mạnh tránh gặp bệnh nhân phong hủi. Chờ mãi mà không thấy máy bay trực thăng đến thì màn đập phá lại tiếp tục. Có một căn phòng bị đập bể cửa tan hoang và nhờ vậy, vô tình đã giải thoát cho 2 ông bộ trưởng đang bị nhốt trong đó. Thế mới hài hước! Hai ông này, ra được ngoài căn phòng rồi còn tưởng việc di tản vẫn đang tiếp tục. Hỏi, cả hai kể là đã vào sứ quán từ ngày hôm trước lận, lính thuỷ quân lục chiến Mỹ dẫn cả hai ông vào căn phòng đó bảo ngồi chờ sẽ đến lượt gọi ra để đi và mấy cái samsonite hành lý thì phải tách ra, mang lên tập trung trước ở sân thượng. “Các ông sẽ nhận lại khi ra tới hạm đội 7”, một gã lính thuỷ quân lục chiến Mỹ cam đoan và thế là hai ông này tèo hết hành lý. Phòng đó có tường cách âm, có tủ lạnh và đầy đủ các thứ cần dùng không khác gì khách sạn nên hai bộ trưởng nhà ta cứ yên tâm chờ. Ta phải nhớ rằng, trước đó độ hai tuần lễ, sứ quán Mỹ ở Nam Vang bên Campuchia cũng có cái màn trực thăng bốc người di tản sang Thái Lan rồi và, chắc cũng đã có mấy ông to – bà lớn Campuchia bị lính thuỷ quân lục chiến Mỹ đỡ nhẹ cặp samsonite, túi xách tay kiểu như vậy. Ông già nhất khẽ cười.
– Hai ông bộ trưởng đó chắc đã mất khá nhiều tiền đô và có thể cả vàng cục, nhẫn hạt xoàn nữa. Tui thấy mấy cha nội thuỷ quân lục chiến Mỹ chơi một cú quá gọn. Cứ tham nhũng cho cố đi rồi thì cũng trắng tay. Anh chàng mua bán chợ trời nói.
Ông già nhất lắc đầu, nói:
– Bên Campuchia tôi không biết chứ hai ông bộ trưởng đó thì nghĩ tài sản họ mang theo cũng chẳng có là bao. Giỏi lắm là chục ngàn đô, vài lượng vàng lá trong cặp là cùng, vậy thôi. Tôi nói chỉ có như thế là vì một người làm chức bộ trưởng, nếu muốn tham nhũng, người đó cũng phải ngồi ở vị trí có thể kiếm ăn được thì mới có miếng, không gặp chỗ ngon thì cũng đành chịu. Thêm nữa, hai ông này tôi nghe tiếng trên báo là những người có tư cách nên họ mới tin lời nói của mấy tay lính mà giao hành lý mang theo. Bản thân mình thành thực thì cũng nghĩ người khác thành thực như mình. Người khác mà samsonite đựng đầy nhóc tiền đô, vàng lá, nhẫn hạt xoàn thì đời nào chịu đưa cho ai giữ hộ… Đồng tiền liền với khúc ruột mà.
Ông quân nhân lại hỏi:
– Tại sao sứ quán Mỹ lại bỏ rơi không đón hết những người đã được họ chọn cho vào trong toà nhà. Có gì lấn cấn trong nội bộ không hả anh giáo?
– Lúc đầu ai cũng cho là do bộ đội chính quy Cộng Sản Bắc Việt vào tới Sài Gòn quá nhanh nên sứ quán Mỹ đành bỏ rơi người lại, không thể di tản hết cả nhưng tôi thì nghĩ cũng không hẳn là vậy. Ông già nhất ngồi yên trong chốc lát như một cân nhắc điều sẽ nói và sau đó tiếp lời: “Anh nhớ lại đi, chiều ngày hôm trước… tức ngày 29 đó… Ở hướng Tây Bắc Sài Gòn, Bắc Việt đã chiếm được trại huấn luyện tân binh Quang Trung ở vùng ngã tư An Xương rồi. Từ nơi đó vào tới ngã tư Bẩy Hiền chỉ cách độ 6 hay 7 cây số đường là cùng. Ngã tư Bẩy Hiền thuộc quận Tân Bình và cứ thẳng đường Phạm Hồng Thái thì sẽ đến chợ Bến Thành ngay. Tự dưng bọn chúng dừng chân như cố ý… chờ. Chờ cái gì vậy? Chờ cho xong vụ di tản người từ Sài Gòn ra hạm đội 7. Tại sao có vụ chờ này? Phải chăng có một thoả thuận ngầm nào đó giữa người Mỹ và tụi Cộng Sản Bắc Việt hay không thì chẳng ai biết nhưng mình có thể dự đoán theo chiều hướng đó. Phía Cộng Sản Bắc Việt sẽ ngưng bắn từ giờ X đến giờ Y để các trực thăng Mỹ an toàn khi chở người di tản ra hạm đội 7. Các trực thăng đón người hầu như bay rất thấp về hướng Đông để ra biển và trực chỉ thẳng đến hạm đội 7. Đây quả là miếng mồi ngon cho loại hoả tiễn tầm nhiệt SA 7 của bọn Việt Cộng ở vùng Rừng Sát, sông Lòng Tàu nếu như chúng muốn nhắm bắn vào phi cơ. Hoả tiền tầm nhiệt SA 7 là loại súng cá nhân, vác trên vai khi khai hoả. Sáng sớm ngày 29 khi trời chưa rõ hẳn, bằng loại hoả tiễn tầm nhiệt SA 7 này, bọn Việt Cộng đã bắn rớt một máy bay C 119 ngay trên bầu trời Sài Gòn. Thử nghĩ chỉ cần vài máy bay trực thăng UH ăn phải hoả tiễn tầm nhiệt SA 7và bị rớt thì vụ di tản chắc chắn sẽ phải ngưng lại ngay. Ngưng lại có thể một ngày, hai ngày và sẽ kéo dài thêm nữa. Thuỷ quân lục chiến Mỹ buộc phải nhập cuộc rồi sẽ có lính chết, máy bay bị rớt thêm và làm dân Hoa Kỳ bên chính quốc nổi nóng. Biết đâu khi các sự việc đó xẩy ra dồn dập khiến người Mỹ phải thay đổi sách lược và đòi các phe liên quan ở Việt Nam phải tuân theo hiệp định Ba Lê 1973. Rồi máy bay B52 lại được lệnh cất cánh trở lại chung với việc thuỷ quân lục chiến Mỹ đổ bộ để tham chiến. Ta biết người Mỹ đã ép chính quyền miền Nam VNCH mình khi ký hiệp định Ba Lê 1973 mà rồi họ có tuân thủ theo đâu nên bọn Cộng Sản Bắc Việt nó mới lấn tới, lấn tới mãi. Mình thử nghĩ như vậy đi. Thực ra bọn Cộng Sản Bắc Việt rất sợ người Mỹ nên chúng gần như án binh bất động cả bao nhiêu tiếng đồng hồ cho đến khi giờ Y tới, các phi vụ di tản phải chấm dứt theo thoả thuận ngầm này dù vẫn còn rất đông người đang chờ ở sân sứ quán cũng như ở các buyn đinh khác. Nghĩ được như vậy thì mình mới thông cảm người Mỹ đã cố hết sức để đưa dân Việt di tản mà không xuể. Nghĩ được như vậy thì mới thấy chuyện có mặt của nhóm mình tối hôm nay trong trại tị nạn này cũng có phần lớn trách nhiệm của người Mỹ. Như A là nguyên nhân của B và B là đầu mối của C… vậy. Câu chuyện của tôi tới đây là hết”. Ông già nhất lấy tay phất ngang như một dấu hiệu kết thúc một sự việc.
Thoáng yên lặng trôi qua với bốn người họ. Ông quân nhân rít tiếp hơi thuốc lá đang cháy dở trên tay còn ông già nhất cầm cái ấm trà định rót uống thì thấy đã nó cạn nên bỏ xuống trở lại. Hai cậu trẻ tuổi ngồi yên, trơ mắt nhìn. Bất chợt tiếng còi hụ vang lên từ cái loa phóng thanh trên cột đèn đường gần đó khiến cả bốn người họ đồng loạt đứng lên và lục tục theo chân những người khách khác để ra khỏi quán. Giờ giới nghiêm đến rồi, không ai có thể nán lại thêm chút nào được nữa, sẽ rất phiền nếu bị police trong trại bắt gặp.
Đi sát bên nhau trong một hướng khác để về lại barrack, anh bộ đội nói với anh trẻ tuổi nhất:
– Bây giờ thì đến phiên nhóm mình tan hàng. Thôi về ngủ ngon nha mày, mình sẽ gặp lại nhau tối mai. OK!
Không biết khi gặp lại nhau trong chầu cà phê lần tới thì bốn thuyền nhân này sẽ chọn câu chuyện của ai đã kể đêm hôm đó là hay nhất. Còn các bạn đã đọc đến dòng chữ này, sẽ nghĩ sao?
Phạm Thắng Vũ
Chuyện Kể Đêm Mùa Đông Năm Ấy
Phạm Thắng Vũ
Lại một mùa Giáng sinh đang đến gần, câu chuyện dưới đây là của 4 thuyền nhân sống rải rác trong các barrack tại một trại tị nạn thuộc vùng Đông Nam Á.
Ở đâu cũng vậy, tuy là trại tị nạn nhưng từ hơn cả tuần nay, không khí Giáng sinh đã rõ nét qua các giai điệu nhạc Noel trong các quán cà phê, trên màn hình ti vi khi chiếu cảnh mùa đông tuyết phủ với lò sưởi ấm cúng bên cạnh cây thông xanh – chùm đèn lấp lánh đặt trang trí ở góc phòng trong các gia đình bên trời Tây. Sẩm tối hôm đó, bốn người họ gặp nhau ở một bàn trong góc quán cà phê. Họ là: Ông già nhất, vợ con còn lại bên quê nhà, từng đi dạy học và mua bán sách báo cũ mưu sinh trước khi vượt biên, ông thứ hai, gốc là một quân nhân từng coi tù binh chiến tranh tại Phú Quốc, vợ chết khi vượt biên nhưng hai đứa con đang sống ở Mỹ, anh thứ ba, khoảng ba mươi, bộ đội đào ngũ từ đơn vị ở Campuchia và người cuối cùng là dân mua bán ở chợ trời, trẻ tuổi nhất trong số họ.
Anh bộ đội nói với ông già nhất:
– Năm nào cứ đến những ngày lễ như Giáng sinh này làm cháu nhớ lại những kỷ niệm cũ bên quê nhà. Nhớ và buồn quá bác.
Ông già nhất gật đầu nhè nhẹ để ông quân nhân đáp lời thay:
– Ai mà không cùng tâm trạng như cậu, mình ở đây xa cách quê nhà làm sao mà không nhớ thân nhân cho được. Hồi tôi ở Phú Quốc kìa, ngay trên quê hương mình đấy mà nhớ gia đình vô kể. Vài hôm nữa là Giáng sinh rồi lẩm nhẩm tháng hơn, lại đến Tết ta.
Anh trẻ nhất gật đầu:
– Tui cũng vậy. Nhớ gia đình quá mấy ông ơi!
Ông già nhất nói với ba người họ:
– Nghe ai nói cũng buồn và nhớ nhà nên tôi có cái ý này, không biết mấy ông thì sao?
Ý gì vậy! Nói ra đi… Cả ba người hỏi.
– Ngồi nhớ nhà mãi thêm buồn rồi cứ vậy thì sẽ rất chán nên tôi đề nghị tối hôm nay: Mỗi người trong chúng ta hãy kể câu chuyện cũ hoặc một kỷ niệm gì gì đó đã xẩy trong đời mình ở cái đêm Giáng sinh cho cả nhóm biết, xem coi chuyện ai hay nhất, quý vị nghĩ sao?
– Còn nghĩ sao nữa, tui đồng ý với ý kiến của bác. Anh trẻ nhất trả lời rồi sau đó quay qua hỏi ông quân nhân và anh bộ đội: “Không biết chú và anh đây thế nào?””.
– Tôi là một Phật tử nên nếu bảo kể chuyện về ngày Giáng sinh đạo Chúa thì chịu chết… Nhưng anh giáo (ông quân nhân thường ngày vẫn gọi ông già nhất là anh giáo) đã nói vậy thì ai có chuyện rồi cứ kể ra trước đi. Có người kể thì cũng cần có người nghe chứ, phải không nào? Nếu đồng ý cả thì xin anh giáo là người đầu tiên vì dầu sao đây cũng là đề nghị của anh và anh cũng thuộc hàng “trưởng thượng” trong nhóm mình, tôi nghĩ vậy.
Trưởng thượng ở đây là do sự hiểu biết cùng tuổi tác của ông già nhất mà ba người còn lại trong nhóm đã đồng ý từ khi họ làm bạn cà phê – thuốc lá với nhau.
Anh trẻ nhất tán đồng:
– Đúng quá! Kính lão đắc thọ! Người lớn tuổi kể trước rồi hàng em hàng cháu mới dám theo sau chứ.
Ông già nhất gật gật cái đầu như xác nhận mình “người lớn tuổi ” ở cái bàn này nhưng lại bảo:
– Đáng lẽ tôi đầu tiên nhưng tuổi trẻ bao giờ cũng là tương lai của dân tộc. Vậy, tôi đề nghị người trẻ nhất kể trước rồi cứ thế dần dần lên cho đến lượt tôi, đi sau cùng. Mình lớn tuổi rồi… lót tót theo sau thanh niên vậy. Đồng ý nha! Không bàn cãi tới lui gì nữa.
Anh trẻ nhất nghe vậy, trả lời liền:
– Không cho bàn cãi tới lui! Vậy nói tui mở màn trước. Được! Nhưng tui có một thắc mắc này xin muốn hỏi bác, chú và anh đây. Mới ban nãy, nghía qua cái ti vi, tui thấy trên đài chiếu quảng cáo về ngày Giáng sinh lúc thì Christmas lúc lại Xmas mà không biết tại sao. Chữ nào đúng, chữ nào sai và có phải chữ X là viết tắt của chữ Christ không?
Anh chàng này người miền Nam nên nhân xưng đại danh từ của anh ta khi nói chuyện với người khác đều một chữ: Tui, không biết khi anh nói chuyện với các thân nhân ruột thịt trong nhà thì cách xưng hô ra sao? Câu hỏi coi vậy mà khó trả lời ngay, ông quân nhân và anh bộ đội đều đưa mắt nhìn về ông già nhất, họ cũng chờ câu giải đáp. Ông già nhất nhìn cả ba người họ rồi nhăn nhăn vầng trán như khởi động bộ não của mình:
– À! Christmas là tiếng Anh. Christ là Chúa Cứu Thế còn mas là tiếp vĩ ngữ của chữ Christ. Mas xuất xứ từ chữ cổ Latin Âu châu là Missa mà ra. Missa là thánh lễ… Vậy Christmas là lễ mừng Chúa giáng sinh. Còn Xmas thì tôi đã từng nghe bảo X là một hàm số của mas do đám trí thức trẻ thuộc đạo Thiên Chúa bên trời Tây đặt ra cho money, amusement và self. Xmas coi vậy mà có ý nghĩa ngầm đấy. Cũng hay ra phết.
Thấy ba người họ trơ mắt nhìn vì chưa hiểu ý, ông ta tiếp:
– Trong chữ mas thì các chữ m, a, s được viết tắt từ money tiền bạc, amusement thú vui và self cái tôi hay cái ta. Chúng ta hãy tự xét mình rồi đối chiếu nó với ba chữ này thì sẽ tìm ra đáp số của X. X là ẩn số của ngày Giáng sinh đối với từng người.
Nghe như vậy, ông quân nhân cắt ngang:
– Ý anh giáo nói Xmas là đạo Chúa dạy ta nên sống theo kiểu biết xài đồng tiền cho đúng chỗ, đem niềm vui đến cho người khác và quên cái tôi mình đi, chỉ nên nghĩ cho tha nhân phải không?
– Phải! Đó là thông điệp của mỗi mùa Giáng sinh hàng năm. Ông già nhất gật đầu.
– Lạ nha! Lần đầu cháu mới nghe chuyện này đó. Hay quá bác! Anh bộ đội tán thưởng.
Nghe lời khen, ông già nhất khẽ cười như tự thưởng công cho niềm hãnh diện riêng cá nhân mình và quay qua bảo với anh mua bán chợ trời:
– Giải đáp thắc mắc cho rồi thì kể chuyện của cậu đi.
Lời nhắc của ông già nhất đã kéo anh trẻ nhất trở về “phận sự ” của mình. Anh ta sửa lại thế ngồi và đằng hắng ứ ừ ít câu trong cuống họng rồi nói:
– Bảo ai trẻ nhất thì phải kể trước tiên nhưng tui lại không biết chuyện gì về nhà thờ, về ngày lễ Giáng sinh đạo Chúa cả để mà tám ra đây. Gia đình tui theo đạo ông bà, thờ cúng tổ tiên bao đời rồi. Khó à nha. Thôi, có chuyện này gần gần với ngày Giáng sinh trong đời tui, không biết có thể kể ra được không nữa.
– Được! Được!… Kể ra đi! Ba người còn lại nhao nhao miệng.
Anh trẻ nhất bắt đầu:
– OK! Năm đó, đám tổ chức vượt biên dẫn tui xuống một vùng gần biển của tỉnh Trà Vinh để chờ taxi đưa ra cá lớn. Gọi là gần biển nhưng thực sự còn xa lắm vì chỗ họ ém tui ở lại nằm trong một cù lao heo hút không biết có phải thuộc huyện Trà Cú không nữa. Chủ nhà bảo từ đây ra được đến biển phải chạy ghe mất cả hàng giờ đồng hồ mới xong. Ém trong nhà đó vài ngày, tui lại được họ chuyển đến ở chung với ba cô gái khác trong căn chòi nằm giữa khu vườn cây ăn trái. Ở chung với người khác phái cũng đỡ buồn dù chẳng có gì với nhau. Khi đó là tháng 12 gần cuối năm rồi, mùa mưa cũng vừa hết nên đám tổ chức dự định sẽ đánh chuyến ngay trong đêm 22 là ngày kỷ niệm thành lập quân đội Việt Cộng. Đám tổ chức tính trong ngày lễ này, mấy tay bộ đội biên phòng vùng duyên hải Trà Vinh vì mải ăn uống nhậu nhẹt trong ngày lễ, sẽ lơ là việc canh gác nên có thể làm chuyến vượt biên thành công. Tính vậy mà không xong, bộ đội biên phòng tuy ăn nhậu nhưng họ vẫn canh gác chặt chẽ. Tui và ba cổ đã ra bãi ngồi chờ taxi rồi mà không xong. Đám tổ chức không đánh chuyến được nên họ lại tách cả nhóm ra, đưa mình ên tui đến trốn trong một xóm nhà dân rất lạ. Ba cô kia, họ đưa đi đâu thì tui không rõ. Đổi chỗ ẩn náu để an toàn và cũng để chờ chuyến mới thôi. Xóm dân cư đó chỉ độ gần hai chục căn nhà, người không nhiều lắm nhưng cái lạ ở đây là có những gia đình trong xóm, thân thể họ cao lớn hơn người mình, làn da họ đen hơn người Miên, mắt họ có khoen dưới mí và môi thì đỏ chót. Khi cười, hầu như ai trong số họ cũng phô hàm răng rất trắng nên trông giống như dân Phi Châu mà thực ra không phải. Họ nói chuyện với nhau và với cả tui nữa đều bằng tiếng Việt rất rành rẽ. Tụi ba Tàu bán hàng ở chợ trời Tân Thành trong Chợ Lớn tui gặp hàng ngày tuy nói rành tiếng Việt nhưng cái âm còn lơ lớ ngọng nghịu không được như đám dân này đâu. Ở trong nhà họ mà tui chẳng thấy trưng bàn thờ, bàn thiên gì cả. Không biết họ là giống dân gì? Người Chàm hay bà con của dân tộc Phù Nam mà lịch sử mình kể đã từng tồn tại ở vùng Óc Eo ngày xưa?
– Tôi nghĩ họ không phải là người Chàm. Ông già nhất chen vào và nói tiếp: “Người Chàm mà họ còn có tên khác Chiêm Thành thì chỉ ở ngoài miền Trung là chính vì đây là cố đô của họ. Tỉnh Trà Vinh chỉ có người Khmer tức người Miên, người Việt và dân ba Tàu thôi. Người Chàm ở miền Nam thì ta thấy họ sống ở vùng Châu Đốc mà bây giờ mình gọi là tỉnh An Giang đó. Tôi cũng không nghĩ đám dân đó là người Phù Nam vì theo lịch sử kể, quốc gia này đã biến mất từ thế kỷ thứ 7 rồi. Xa tít mù so với thời đại bây giờ lắm lắm. Óc Eo chỉ là một địa danh trong vùng núi Ba Thê ngày nay mà có lúc dân khảo cổ bảo đấy từng là một hải cảng sầm uất nhưng đối chiếu trên thực địa, hiện nó cách bờ biển rất xa”.
Nghe như thế, anh trẻ nhất hỏi:
– Vậy dân sống ở xóm tui kể đó là người nào hả bác?
– Cậu kể thì tôi nghe vậy chứ khó biết lắm vì tới bây giờ giới khảo cổ vẫn chưa xác định chắc chắn về sắc tộc của dân gọi là Phù Nam xưa. Có thể đám dân này đến nước Việt từ thời xa xưa nào đó… mà cũng có thể chỉ mới khoảng trong một hai trăm năm gần đây thôi. Biết đâu họ gốc gác là dân Ấn hay một sắc tộc Hồi nào đó thuộc vùng Nam Á Châu đã phải bỏ chạy khỏi quê hương họ để tìm nơi trú thân sau một cuộc binh lửa tranh giành ngôi báu, quyền hành. Thời xưa, cách chạy trốn tốt nhất thì cũng chỉ bằng phương tiện ghe thuyền vì nó vừa nhanh vừa mang được nhiều người cùng một lúc. Thời nhà Lý, mấy ông hoàng cũng dùng ghe thuyền chạy trốn thái sư Trần Thủ Độ mà bây giờ, lịch sử bảo còn tung tích ở tận đâu bên nước Đại Hàn. Mấy người đó cũng vậy, họ đi bằng ghe thuyền và khi đến được vùng ven biển nước mình để ẩn náu, bảo tồn tấm thân trước đã, chuyện quay trở về xứ phục hận sẽ tính sau. Cứ vậy rồi dần dà theo thời gian, con cháu họ lần hồi đã quên hết các tập tục ông bà để lại. Và, trong giao tiếp với dân địa phương là người Việt mình ở chung quanh, họ từ từ mất dần luôn ngôn ngữ riêng. Chỉ có hình hài, dòng giống… là tồn tại thôi.
Ông quân nhân hỏi:
– Xóm nhà đó ở đâu trong vùng Trà Cú – Trà Vinh vậy cậu?
Anh trẻ nhất lắc đầu, nói:
– Đám tổ chức đưa đón trong đêm trong hôm nên tui không biết. Nghĩ lại lúc đó tui thấy mình cũng dở ẹt ở chỗ không chịu hỏi người ta.
Ông quân nhân tiếp:
– Cuối cùng thì chuyến vượt biên đó ra sao? Cậu bảo cái gì gần gần với ngày Giáng sinh đó mà nghe thấy gì đâu.
Anh trẻ nhất ngồi yên giây lát rồi kể:
– Nấn ná hơn tuần lễ ở đó mà không thành, sau cùng phải quay về nhà thôi chú… Ai từng bị ém kín chờ lúc xuống taxi thì có gì hay ho đâu mà kể. Hồi hộp thấy mẹ. Nghe tiếng chân người đến gần thì cầu mong đó không phải công an, du kích đi tuần. Có một việc mà tui không biết nói như thế nào. Đám tổ chức đưa tui đi ẩn náu trong một căn nhà gần như bỏ hoang không có người ở… căn nhà đó có mấy buồng thì không biết nhưng họ đưa tui vào trong một buồng có cái lẫm chứa lúa khá lớn. Họ bắc cái thang tre sát vách buồng, bảo tui trèo vào lẫm và ngồi im trong đó, chờ họ. Trong cái lẫm đó, lúa cạn gần sát đáy và đã có một ông ngồi thù lù từ trước rồi. Xong, họ lấy tấm nắp đậy kín lẫm lại để không ai biết có tụi tui rồi bỏ đi mất tiêu. Ở chung, hỏi tên nhau thì tui được biết ông đó tên Phi, cũng vượt biên chung chuyến. Ở im trong căn buồng, cứ đến giấc trưa, chiều tối thì có người họ đến đưa đồ ăn và cho hai đứa tui ra ngoài vệ sinh tắm rửa một lát rồi trèo trở lại vào cái lẫm trốn. Cái lẫm chứa lúa làm bằng tấm tre đan nên tuy ngồi bên trong nhưng tụi tui vẫn có thể thấy bên ngoài qua các khe hở của mắt lưới. Có người ở chung thì mình cũng vui nhưng mệt vẫn mệt dù chẳng làm việc gì, có lẽ vì sợ mà ra. Một buổi quá trưa, cơm nước xong xuôi rồi, đang thiu thiu ngủ thì nghe có tiếng chân người bước phía bên ngoài nhà, tui tỉnh giấc ngay. Ông tên Phi đó cũng vậy. Hai đứa tui choàng dậy và qua các mắt lưới tre, một cô gái đẩy cửa vào trong căn buồng. Cô ta nhìn cái lẫm lúa, nhìn chung quanh căn phòng rồi từ từ… cởi quần áo mình ra. Trời! hai đứa tui nín thở luôn nhưng vẫn nhòm. Cô gái thoát y, thay bộ quần áo khác xong rồi nhanh chóng bỏ đi ra ngoài. Hai đứa tui nhìn nhau vì sợ mà cũng thích nữa. Sợ vì rủi cô này biết có tụi tui trong lẫm lúa nhòm lén thay đồ thì mặt mũi mình ra sao. Thích thì bản năng con người, ai mà chẳng thế. Sự việc mới xẩy ra trước mắt nên tuy nằm xuống trở lại khá lâu rồi mà trong trí hai đứa tui vẫn lởn vởn hình ảnh người con gái đó làm không tên nào ngủ được nữa. Cứ như vậy cho đến khi con mắt muốn sụp xuống thì tụi tui lại nghe tiếng động mới nên khẽ nhoài người lên để nhòm ra ngoài. Lần này tới hai cô gái khác theo nhau vào trong buồng và hình ảnh cũ lại tái diễn. Hai cô này là bạn nên họ vừa thay quần áo lại vừa trửng giỡn thân thể nhau nữa, thế mới chết tụi tui. Khi hai cô gái ra khỏi căn buồng rồi thì tui nghĩ, họ vào đây để thay quần áo thì chắc là dân ở thành phố xuống để vượt biên. Hỏi ông Phi, tui mới biết hôm nay là ngày Giáng sinh đạo Chúa và đám tổ chức định đánh chuyến vào dịp này. Đó! Câu chuyện tui nói gần gần với ngày Giáng sinh là vậy.
Tay bộ đội quay qua, đối mặt với anh trẻ nhất và hỏi:
– Chuyến đi không thành thế rồi sau mày có gặp lại mấy cô gái đó không?
– Không! Tui không gặp họ lần nào nữa và ngay cả với cái ông tên Phi. Đám tổ chức đưa từng người tụi tui ra khỏi căn buồng để về lại bến xe, ông Phi đó đi ra trước cả lúc lâu rồi mới tới phiên tui. Tui chẳng biết nhà cửa ông ta ở đâu chỉ nhớ có nói sống đâu đó trong vùng Long Xuyên thôi. Mình nghe thì nghe vậy mà chắc gì thật lòng, vượt biên mà.
– Ba cô này là ba cô gái mà mày kể ở chung chỗ trước đấy đó hả?
– Không phải. Mấy cô này khác, đẹp hơn nhiều.
– Đẹp hơn nhiều. Chu choa! Vượt biên không thành mà được quay phim tới ba cô gái lận. Dễ gì có mày!
– Vậy! Về kể chuyện này cho mấy đứa bạn nghe, tụi nó bảo thấy gái ở truồng xui lắm. Chuyến vượt biên đó, tui đi xa nhà lâu nhứt may mà không bị công an nó tó đó anh.
Ông quân nhân ngồi im hút thuốc, thả ra một luồng khói trắng rồi nhìn anh trẻ nhất và anh chàng bộ đội:
– Kỳ ngộ! Hay đấy. Còn chuyện của cậu, chần chừ gì nữa?
Anh chàng bộ đội nghe vậy liền trả lời:
– Chuyện của cháu xẩy ra ngay đêm Giáng sinh và cũng khá lâu rồi trước ngày cháu đi bộ đội lận. Gia đình cháu là dân Bắc kỳ 9 nút, lại đạo Công giáo, tưởng lý lịch như vậy sẽ thoát cảnh làm lính ông già nhưng đám tuyển quân ở phường vẫn ghi tên nên đành phải tuân lệnh thôi. Rời quân trường Núi Đất rồi nhận đơn vị tận bên Camphuchia mới thấy dân nước họ ghét người Việt Nam quá dù mấy năm trước, bộ đội từng giúp họ thoát tay đám Khmer đỏ. Nghe mấy đứa cùng trung đội bảo đây là mối thù truyền kiếp giữa hai dân tộc đã có lâu rồi, y như mình với bọn Ba Tàu – Tung Của. Đóng quân ở gần các phum dân Campuchia mà bộ đội đi lạng quạng thì nếu không chết vì bị bắn sẻ thì cũng cụt giò do đạp mìn gài. Ai gài, ai bắn sẻ? Cũng đám dân Khmer trong phum, y chang kiểu du kích thời chiến tranh ở nước mình khi trước. Do vậy, có chuyến đi công tác ở gần Tây Ninh thì cháu vọt về nhà liền. Về nhà rồi gia đình sắp xếp cho vượt biên và đi thoát ngay được, gặp đúng chuyến mà… Trở lại chuyện đêm Giáng sinh năm đó, cháu vừa vào khuôn viên giáo đường thì cậu bé giúp lễ đến gần bên bảo cháu vào gặp cha xứ ngay. Khi đó trời mới sâm sẩm tối, giờ lễ đêm còn xa, nhà ở lại gần giáo đường nên mình mới vơ vẩn vào xem hang đá trước. Cháu hỏi cậu bé lý do tại sao thì cậu trả lời không biết, bảo lệnh cha nói vậy thì nghe vậy. Vào nhà xứ gặp cha rồi chào và ngài hỏi: “Anh có người bạn học cũ tại trường X tên Cách phải không?”. Đứng yên một lát thì cháu nhớ đã có bạn học tên Cách thật nên gật đầu thì ngài lại tiếp: “Anh ta mới vào đây gặp cha và đang ngồi chờ anh ở phòng bên cạnh, anh sang gặp đi và liệu chuyện ra sao thì tuỳ ý nhưng phải nhanh vì lát nữa người đi lễ đông lắm sẽ rầy rà nếu giải quyết sự việc chậm, cha chỉ giúp được như vậy”. Cách là bạn học cũ với cháu ở trung học đệ nhị cấp nhưng khi chuyển lên lớp mười, đệ nhất cấp thì đã khác lớp vì nó theo ban B còn cháu chọn ban A… nhưng cũng xa cách cả mười năm rồi còn gì.
Anh trẻ nhất dơ tay làm cử chỉ chận mạch chuyện của anh bộ đội và xen vào:
– Đệ Nhị đệ Nhất cấp và ban B ba A của trung học thời đó là sao hả anh?
– Đệ Nhị cấp là trung học cấp 2 và đệ Nhất cấp là trung học cấp 3 bây giờ. Ban B là ban Toán, ban A là ban Văn chương của thời tao học khi đó.
Ông già nhất góp lời:
– Khi đó là trước ngày 30 tháng 4 năm 1975 đấy cậu. Việt Cộng chiếm được miền Nam đã thay mới nhiều thứ nhưng tôi nghĩ sau này, họ sẽ đổi lại theo cách sắp xếp cũ.
Anh bộ đội tiếp câu chuyện:
– Theo tay chỉ của cha xứ về hướng một cánh cửa, cháu bước vào phòng đó thì đã thấy một người ngồi chờ sẵn ở bàn. Đó là thằng Cách. Hồi còn học chung lớp, giữa cháu và nó không thân lắm. Gia đình nhà nó khá giả nên ngày nào đi học cũng bằng xe Honda riêng, mấy đứa học sinh có được. Mặt mũi sáng láng trong bộ y phục đúng mốt nên nó rất bảnh khác hẳn bây giờ ở trước mặt cháu, thằng Cách quá sức tồi tàn trong bộ dạng còm cõi với bộ quần áo cũ vừa bẩn vừa hôi. Cháu kéo ghế ngồi đối diện, nhìn chăm chăm vào mặt nó mà nghĩ: Thằng này thay đổi quá, nếu ở ngoài đường sẽ nhận không ra rồi buột miệng lầm thầm, hỏi từng câu: “Mầy là Cách… Cách dân Tây đây mà… sao mày biết tao ở đây mà tìm… kể ra cũng lâu lắm rồi nhỉ, nay mình mới gặp lại nhau”. Thằng Cách có cái biệt danh là Cách dân Tây, vì ba mẹ nó đặt tên con cái trong nhà theo thứ tự Duex, Trois, Quatre trong tiếng Pháp. Nó là con trai thứ ba trong nhà nên tên Cách, hai chị gái nó mang tên Đơ và Thoa. Thấy cháu lẩm bẩm như vậy, thằng Cách run run nắm lấy tay cháu, nói khẽ: “Vậy là mày nhận ra tao rồi, giúp tao nhen”. Theo lời kể thì mới bốn ngày trước, nó vừa trốn khỏi trại cưỡng bức lao động ở đâu đó trên vùng tỉnh Sông Bé. Nó chạy được vào một cánh rừng rồi lòng vòng lạc đường đến cả hai ngày trời thì mới gặp một căn nhà và vào xin đồ ăn nước uống. Chủ căn nhà là một tay già cán bộ tập kết đã cho nó ăn uống lại che chở và còn giúp nó có phương tiện về lại được Sài Gòn.
Ông quân nhân nghe chuyện kể tới đây liền nói:
– Gặp người tử tế đấy nhưng cũng khó tin ở đoạn kể về tay cán bộ. Cán bộ tập kết là Việt Cộng miền Nam nhưng thường thì đám đó mà gặp tù trốn trại là vây bắt giao cho công an liền một khi.
Anh bộ đội gật đầu, đồng tình:
– Đúng chú! Thằng Cách kể tiếp: “Tay cán bộ tập kết đó bảo mấy năm trước chú mầy mà ló mặt đến đây thì tao sẽ bắt ngay. Tao đã từng bắt mấy đứa tù trốn trại như vậy rồi nhưng nay thì đã khác”. Tuy gã cán bộ không nói lý do tại sao đã khác nhưng thằng Cách đoán có lẽ bọn Việt Cộng miền Bắc ào ào vô Nam quá đông rồi vì tranh dành địa vị với nhau nên đẩy ra rìa đám miền Nam tập kết năm xưa, nay không cần nữa, cho về vườn hết cả. Thêm vào đó, va chạm với xã hội còn lại của miền Nam trong giao tiếp, tâm tính của rất nhiều tên cán bộ tập kết như trường hợp của gã ân nhân thằng Cách đã thay đổi. Không còn tiếp tay cho bọn Việt Cộng làm điều ác như trước nữa, gã cựu cán bộ đó đã dấu thằng Cách trong nhà khi bọn công an lần theo dấu vết và mò vào tận nơi dò hỏi. Gã bảo không thấy tên tù trốn trại và bọn công an tin ngay lời nói đó do cái quá khứ cộng tác cũ. Đến ngày thứ năm kể từ lúc chạy trốn, chính tay già tập kết đã dùng xe bò chở than, ém thằng Cách nằm ở chính giữa đống hàng để lọc cọc ra được quốc lộ 13 và rồi thẳng tới trạm xe đò chạy tuyến đường Sài Gòn – Sông Bé trong chuyến chót an toàn. Ông ta còn cho nó ít tiền phòng thân dọc đường nữa.
Anh trẻ nhất hỏi vặn anh bộ đội:
– Mấy ngày ở trong rừng, bạn Cách của anh sống bằng cái gì? Nước thì uống nước suối, nước lạch đi… mình không kể nhưng đồ ăn kìa. Chắc chỉ trái cây rừng, mà sao biết thứ nào ăn được?
– Tao cũng hỏi như mày bây giờ và nó kể là trước lúc bỏ trốn thì đã dò dẫm chuyện đó từ một bạn tù trong phòng giam từng sống ở vùng rừng núi. Tổng quát, cứ trái cây rừng nào mà vị ngọt và chua thì ăn được. Với loại trái cây có vị vừa ngọt vừa đắng, ngọt không thôi hoặc ngọt nhưng cái hậu có vị beo béo thì mình phải cẩn thận. Nói là nói vậy nhưng khi đói quá thì cũng phải liều mạng và thằng Cách đã thử ăn một loại trái cây rừng nó gặp được, trông giống như quả nhãn mình thường trồng ở nhà. Quả nhãn rừng này khác ở chỗ phần cơm bọc chung quanh hạt đen ở giữa thay vì trắng lại có mầu đỏ và cũng có vị ngọt. Không dám ăn nhiều nhưng mới nuốt vài trái thì nó hoa mắt rồi lăn ra xỉu, miệng sùi bọt. Nằm ngay đơ trên đất cho đến khi cơn đau bụng đã đánh thức nó dậy. Nó cố lết đi, may gặp một con suối và đã uống nước cho có cái để ói ra nhằm làm dịu cơn đau đang cồn cào ruột gan. Nó ói ra nước bầy nhầy kèm với chút máu và nhờ vậy mới gượng đi được. Có suối, nó phải quay lại cái nghĩa địa cũ để lấy một bát cắm hương ở một mả hoang mà thủ làm đồ trữ nước uống. Muỗi trong rừng nhiều vô kể, trời bắt đầu sụp tối thì nó phải trèo lên cây cao, kiếm chỗ chạc ba ngồi ngủ để tránh thú dữ và mong gió khuya sẽ xua bớt đàn muỗi rừng lúc nào cũng vo ve điếc cả tai. Cứ lòng vòng lạc lối trong rừng như vậy cho đến khi nó trông thấy căn nhà của tay cán bộ.
Ông già nhất ngồi nghe nãy giờ, thốt lên:
– Nhân chi sơ tính bản thiện, người ở đâu, thời đại nào cũng có kẻ giống nhau. Bạn cậu và ông cha xứ làm tôi nhớ hình ảnh tay tù Jean Valjean và giám mục Myriel trong truyện Les Miserables của nhà văn Victor Hugo đấy. Kể tiếp chuyện đi.
Anh bộ đội nhìn ông già nhất trong giây lát rồi tiếp:
– Khi thấy cha xứ lấp ló ở cửa phòng, chỉ vào đồng hồ trên tay ngài thì cháu liền đứng lên, đi ra cảm ơn cha và bảo với ngài sẽ lo cho thằng Cách ngay. Rồi cháu dẫn nó về nhà, nói sơ với mẹ về hoàn cảnh. Mẹ cháu nói gần tới giờ lễ đêm rồi, trước mắt bảo bạn con tắm rửa, ăn uống và nghỉ ngơi đi, mai sẽ tính sau. Nó đi tắm, thay quần áo của cháu rồi ra ngồi ăn cơm chung bàn với gia đình. Sau đó cháu hỏi nó: “Sao mày biết tao ở đây mà tìm?”. Nó bảo hồi còn học chung, nhớ có lần đã nghe cháu nói nhà ở trong xứ đạo này nên khi về được tới Sài Gòn thì liền tìm đến ngay. Cũng từ kinh nghiệm của bạn tù dặn rằng: “Thời bây giờ, nếu cần tìm chỗ trú thân trong đêm tối, nên đến nhà thờ gặp mấy ông cha cố đạo Chúa thì hy vọng còn có lối thoát, đừng vô Chùa, mấy ông sư giờ không như ngày trước đâu”, tao đâu biết nhà mày và cũng không chắc mày còn ở đây hay đã chuyển đi nơi khác, cả mười năm rồi chứ ít gì nhưng cứ thử xem mới biết.
Ông quân nhân lấy tay khoa khoa trước mặt như không đồng ý với đoạn chuyện anh bộ đội vừa kể:
– Cha hay sư thì cũng tuỳ người tuỳ nơi chứ không phải đều một ruột như nhau hết cả đâu. Mà thôi, cậu cứ kể tiếp đi, tôi sẽ nói sau vậy
Nghe thế, anh bộ đội nói:
– Ăn xong, thằng Cách xin đi ngủ ngay, cháu đưa nó lên gác vào phòng riêng của mình và bảo: “Mày ngủ đi, lát tan lễ đêm về mình sẽ nói chuyện nhiều hơn”, nhưng nó ngủ một lèo cho tới quá trưa ngày hôm sau mới thức dậy được. Cũng dễ hiểu, nó mệt quá, trốn chạy trong rừng rồi đi cả ngày với tay cán bộ thì có nhắm mắt được là bao. Khi thằng Cách tỉnh ngủ rồi, nhìn mặt mũi nó, cháu phải kêu ông thợ hớt dạo vào nhà, tăm tia cho gọn đầu tóc rồi mới kéo nhau ra quán. Hai đứa ngồi ở cái bàn trong góc vườn cho kín đáo, thằng Cách kể: “Tao theo chuyến xe cuối về tới bến Miền Đông ở Thủ Đức thì trời đã quá chiều. Ra khỏi bến, đi lòng vòng mà lo tối nay chưa biết sẽ ngủ ở đâu, nhà thì xa, sợ mò về thì có thể sẽ bị bắt trở lại vì chắc chắn công an khu vực đã được tin báo rồi. Tao vào một quán cà phê ngồi nghỉ chân và nhớ đến mày, đến cái địa chỉ đã nghe khi trước. Mình không thể lang thang cả đêm ngoài đường được, công an sẽ chận hỏi và rồi rắc rối chứ chẳng chơi. Tao nghĩ vậy nên mới hỏi thăm bà chủ quán nước về đường đi rồi đón xe ôm đến được xứ đạo và xin vào gặp ông cha”.
Anh trẻ nhất hỏi:
– Bạn Cách của anh nhà ở đâu, chắc cũng đâu đó trong Sài Gòn?
Anh bộ đội lắc đầu, đáp lại:
– Không! Nó tận trên vùng Củ Chi-Hậu Nghĩa lận… mày cũng biết chỗ đó mà.
Ông quân nhân nói:
– Củ Chi-Hậu Nghĩa nằm về hướng đi Tây Ninh-Campuchia, cách Sài Gòn cũng cả trăm cây số chứ ít gì. Thời còn chiến tranh, vùng này là địa bàn hoạt động của bọn Việt Cộng đó.
– Đúng chú. Anh bộ đội gật đầu và tiếp: “Thằng Cách kể sau ngày 30 tháng Tư thì bố mẹ nó bán căn nhà ở Sài Gòn và về quê cũ ở trong vùng Củ Chi này. Những năm có chiến tranh với Khmer Đỏ, nhà nước bắt lính dữ lắm nhưng vì là con trai duy nhất trong gia đình nên nó thoát cảnh bộ đội, chỉ lòng vòng ở nhà phụ cha mẹ làm ruộng thôi. Ngoài ruộng rẫy, nhà nó còn nuôi khá nhiều gà vịt. Đám ấp đội rồi cả bọn công an sống chung trong xóm thường bắt trộm gà vịt nhà nó nên ông bà già mới làm đơn thưa nhưng chính quyền địa phương chẳng xử. Tánh nó nóng, ức lòng cái vụ gà vịt mất trộm nên khi gặp đám công an-ấp đội thì chửi đổng. Dịp lễ 30-4 của năm trước đó, nó đi chơi bài ở mấy nhà gần gần thì bị đám này rình bắt và giải giao cho trại cưỡng bức lao động Bố Lá với tội danh thành phần cờ bạc-quậy phá làng xóm. Trong trại lao động này, có một gã quản giáo là anh ruột của tên ấp đội bắt giữ thằng Cách. Tên quản giáo đó đì nó sát ván, sơ hở một chút là bị phạt và có khi còn không cho gia đình tiếp tế thăm nuôi nữa”.
Ba người ngồi chung bàn nghe anh bộ đội kể, họ im lặng như đang thả hồn về các cảnh sống cũ bên quê nhà và rồi ông già nhất khơi lại câu chuyện:
– Ở nước mình, ai bị tù giam đã khổ mà sống trong trại cưỡng bức lao động thì còn thê thảm hơn vì không rõ ngày nào mới được thả ra. Đã thế, tù nhân lại còn phải đi lao động nặng hàng ngày nữa.
Nghe ông già nhất nói, anh bộ đội gật đầu đồng tình và kết thúc:
– Vậy! Thằng Cách đã quyết định phải trốn trại sau khi dò hỏi từ các người bị giam cùng phòng với nó. Có người đã ba năm, người thì năm năm rồi mà họ không chút hy vọng sẽ bao giờ được thả khỏi trại nên nó phải bùng thôi. Chuyện kể đêm Giáng sinh của cháu là vậy… Bây giờ thì tới phiên người khác.
Anh bộ đội dứt lời, đưa mắt nhìn về phía ông quân nhân nhưng anh trẻ nhất khoát tay:
– Tui thấy chưa xong nhen… anh ngưng ngang xương vậy đâu được. Kể thêm đi huynh, tui muốn biết anh bạn Cách cuối cùng ra sao, không lẽ cứ trốn trong nhà anh?
Nghe anh trẻ nhất hỏi, ông già nhất gật đầu còn ông quân nhân hùa theo:
– Phải đó! Chuyện coi như chưa có hồi kết thúc… rồi anh chàng trốn trại đó đi đâu? Kể tiếp đi mà.
Thấy phản ứng của ba người họ, anh bộ đội khẽ lắc đầu, trả lời:
– Thôi được rồi… mà cũng đúng. Để cháu kể tiếp đây. Anh ta khẽ hắng giọng trước khi nói: “Ở được vài ngày thì nhân lúc cháu vắng nhà, mẹ cháu hỏi chuyện và thằng Cách đã nói thật hết cả. Khi cháu về, bà cho gọi cả hai xuống nhà và bảo với thằng Cách: Dân xứ đạo ở vùng Gò Vấp này, chẳng ai ưa đám công an nên gia đình không lo vụ bị hàng xóm chỉ chọt, mách lẻo gì. Bác nói vậy để cháu an tâm nhưng mình phải tính sao cho gọn chứ cứ trốn tránh mãi thì cũng kẹt”. Nói là tính mà có ai trong nhà nghĩ ra được gì đâu nên cuối cùng, cháu đành phải vào vấn kế với cha xứ. Ngài nghe xong chuyện mới bảo cháu và thằng Cách đi gặp báo Tuổi Trẻ. “Báo này có nhóm phóng viên chuyên săn tin về các vụ oan sai của dân, hai anh thử đến trình bày với họ, may ra”, cha góp ý như thế nên cháu mới lấy xe chở thằng Cách đến tận toà soạn của báo. Nó vào gặp và được đám phóng viên ở đó chịu giúp… Chuyện thì dài lắm, không phải một sớm một chiều là xong ngay được đâu. Tóm tắt, đám phóng viên đó đưa thằng Cách quay về trại cưỡng bức lao động và rồi nó đã được thả tự do không lâu sau đó.
– Thế mấy tên công an, ấp đội chơi đểu… tụi nó có bị gì không? Anh trẻ nhất hỏi.
– Thằng Cách không kể thêm gì nữa nhưng tao nghĩ đám lưu manh đó chắc cũng sợ mà bớt tự tung tự tác hại người. Anh bộ đội trả lời.
Ông già nhất gật gù cái đầu, bảo:
– Cậu làm việc lành trong đêm Giáng sinh thật quá hay, coi như món quà dâng lên Chúa vậy. Nhiều người khi gặp nạn, họ chạy cầu cứu bạn bè mà chẳng mấy ai chịu giúp cho.
Ông quân nhân gật đầu, đế vào:
– Giúp người ở bước hoạn nạn là đạo lý trên đời, tôi thật lòng khen cậu đấy. Thời bây giờ, mấy vùng quê hẻo lánh càng xa thành phố chừng nào thì người dân càng khổ chừng nấy với cái bọn công an địa phương lộng quyền.
Anh bộ đội tít mắt hài lòng, quay qua nói với ông quân nhân:
– Bố mẹ cháu vẫn dạy con cái trong nhà phải giúp người hoạn nạn – cơ nhỡ cho dù chẳng phải bà con, bạn bè gì cả. Chính vì vậy mà đêm Giáng sinh năm đó cháu mới dám dẫn thằng Cách về nhà. Chuyện cháu kể xong rồi thì bây giờ đến lượt chú chứ.Ông quân nhân khẽ lấy tay dúi dúi cán điếu thuốc lá vào cái gạt tàn và ậm ừ:
– Lượt tôi ư! Phải rồi. Nhưng tôi đã nói có biết chuyện gì về đạo Chúa đâu mà kể. Anh giáo ác quá… Hai cậu này kể chuyện thì cũng cần có tôi ngồi nghe chứ. Cho tôi qua phà nha, anh giáo và hai cậu nghĩ sao?
Ông già nhất nghe vậy liền ngồi hẳn lên, lắc đầu:
– Không được! Tôi có bảo anh kể chuyện đạo Chúa đâu mà cứ từ chối mãi… Nhớ được chuyện gì liên quan đến anh trong đêm Giáng sinh là OK. Quân nhân thì chắc anh phải biết chuyện gì hay hay chứ. Anh bảo tôi cho qua phà nhưng còn hai cậu này thì sao?
– Không! Không được. Đã nghe chuyện người khác thì mình cũng phải kể chuyện của mình ra chứ, vậy mới công bằng. Chú phải kể thôi. Hai cậu trẻ tuổi lần lượt nói.
Ông quân nhân gục gặc cái đầu, đảo mắt qua ba người họ rồi chậm rãi từng tiếng:
– Á à! Mấy người nhất định không tha tôi ha. Thôi… để tôi kể vậy. Tôi đã từng là lính gác tù tại đảo Phú Quốc đấy. Tù đây là bọn phiến Cộng bị phe mình bắt được và nhốt chung trong một cái trại giam lớn lắm… lúc đông nhất có tới gần bốn mươi ngàn tù binh lận. Gần bốn mươi ngàn tù binh. Ông quân nhân lập lại câu nói và tiếp: “Chuyện tôi sắp kể đây, đã xẩy ra trong một đêm Giáng sinh ở đó nhưng khá lâu rồi”.
Nghe đến đây thì ông già nhất cười dòn:
– Thấy chưa, tôi đã bảo anh là quân nhân thì chắc chắn biết nhiều chuyện hay rồi. Giờ lòi ra chuyện ở trại giam tù binh Việt Cộng thì còn gì hơn.
– Tôi khi đó là một hạ sĩ thuộc Tiểu đoàn 7 Quân cảnh, tòng sự trong ban Tiếp liệu.
Ông quân nhân nói tới đây thì ngưng lại trong chốc lát như để hồi tưởng về câu chuyện sắp kể, ba người ngồi chung bàn chăm chăm nhìn ông chờ đợi. Một khoảng khắc trôi qua, ông quân nhân rít một hơi thuốc lá rồi chậm rãi: “Trại giam tù binh Phú Quốc là cái tên sau này chứ trước kia phe Việt Nam Cộng Hoà mình gọi nó là trại giam phiến Cộng. Mình vẫn coi bọn Việt Cộng là cái đám thổ phỉ, phiến loạn qua các hành động bắt giữ, tra tấn và giết dân lành vô tội ở các vùng nông thôn. Trại giam này nằm ở thung lũng An Thới thuộc ấp 5 của xã Dương Tơ thuộc tỉnh Hà Tiên cũ… bây giờ nó có tên mới là tỉnh Kiên Giang. Như can nãy tôi vừa kể, trại giam từng chứa tới gần bốn mươi ngàn tù binh nên nó rộng tới cả 400 mẫu tây và có tới 4 tiểu đoàn quân cảnh để canh gác bọn tù. Bốn tiểu đoàn quân cảnh đó là tiểu đoàn 7, 8, 9 và 14. Chuyện tôi kể xẩy ra trong đêm 24 tháng 12 của năm 1971 là một cuộc vượt ngục của tù binh Việt Cộng”.
– Anh nói đúng! Trước kia mình vẫn coi bọn Việt Cộng là đám thổ phỉ, phiến loạn. Báo chí đăng tin thời sự cũng gọi bằng cái tên Cộng phỉ hay phiến Cộng. Ông già nhất góp lời:
– Đám tù binh đào một đường hầm từ trong căn phòng giam và trổ lối ra khỏi bên ngoài hàng rào kẽm gai của trại. Tối hôm đó vì là ngày Giáng sinh nên một số lính quân cảnh có đạo Chúa do bận việc đi lễ nủa đêm, đã bỏ việc kiểm danh các phòng giam như thường lệ và vì vậy, đám tù binh đã chui ra khỏi trại giam bằng đường hầm này. Chúng đi thoát hết cả phòng rồi thì mãi đến gần 2 giờ sáng lính gác vào đổi phiên mới phát giác khi họ đi kiểm danh. Khi đó tôi đang ngủ thì nghe còi báo động nên choàng dậy mới biết sự việc vừa xẩy ra.
Ngồi uống cà phê trong quán
Anh bộ đội hỏi:
– Chú kể thì đường hầm đã được bọn họ đào từ trước rồi. Đào hầm từ phòng giam ra tới bên ngoài hàng rào thì chắc phải lâu lắm mới xong. Vậy mà mấy chú không biết?
Ông quân nhân gật đầu, tiếp:
– Thế mới nói! Cái này thì mình phải nhận là bọn tù khéo che mắt lính gác bên phe mình. Cái phòng giam đó nằm gần hàng rào nhất nên chúng mới chọn để đào hầm. Sau này khi quân cảnh bắt được lại một số tù thì mới biết cách thức của bọn chúng. Cái đường hầm đó dài trên 70 mét, ngầm sâu dưới đất hơn 1 mét và chạy thẳng ra khỏi hàng rào. Theo lời cung khai thì khi ló đầu lên khỏi cửa hầm ở bên ngoài hàng rào, tên tù ra trước cột sợi dây để những gã theo sau cứ thế lần theo lối mà vào rừng. Sợi dây này dài tới cả hai trăm thước và là cách để bọn tù khỏi bị lạc nhau trong đêm tối. Dây thì bọn chúng bện bằng sợi xé nhỏ từ các bao nylon đựng thực phẩm. Rồi khi tập trung hết cả ở chỗ cuối của đoạn dây, bọn tù vượt ngục kiểm danh thấy đủ người thì mới chẩu. Phòng giam đó có 40 tên và chúng chia làm 3 hướng để thoát.
Quân cảnh trại giam Phú Quốc và một lỗ đào của tù binh Việt Cộng.
– Thật không khác trong phim Cuộc Vượt Ngục Vĩ Đại mà năm xưa mấy rạp Rex, Eden từng chiếu. Ở hoàn cảnh giống nhau thì hành sự sẽ tương tự thôi. Ông già nhất buột miệng.
– Nghe hay quá chú. Rồi mình có bắt được tụi nó không? Anh trẻ nhất hỏi:
– Có bắt được. Ông quân nhân gật đầu rồi tiếp: “Khi phát giác ra vụ đào tẩu, quân cảnh trại giam liền phối hợp với cảnh sát địa phương làm cuộc lục soát liền nhưng mãi bốn ngày sau mới bắt được 8 tên thôi, số còn lại thì thoát hết cả. Từ lời khai của 8 tên tù này thì mình mới biết bọn tù đào đường hầm cả nửa năm trời mới xong. Mỗi lần đào thì đất được chuyển lên mặt phòng, bọn tù cho vào túi nhỏ rồi lén đem đi rải mỏng ở ngoài sân hay đổ xuống mương nước nằm gần các phòng giam”.
Anh trẻ tuổi hỏi ông quân nhân:
– Tụi tù lấy cái gì để đào đất?
– Bằng muỗng ăn cơm thôi. Thấy nó nho nhỏ vậy chứ khoét đất dễ lắm tuy hơi chậm.
Ông già nhất hỏi:
– Tôi nghe bảo có vài vụ thanh toán giữa tụi tù binh với nhau nữa, phải không anh?
Ông quân nhân đáp:
– Nhiều và ghê rợn lắm anh giáo. Thỉnh thoảng lính gác trại giam vẫn bắt gặp một xác người nào đó nằm chết với cây đũa xuyên qua hai tai. Có khi giữa khuya, nghe tiếng hét ở phòng giam, lính gác chạy đến thì lại một người mặt mũi đầy máu đang gào la, quờ quạng trên sàn… Coi lại thì người đó đã bị móc mất hai con ngươi rồi. Có người khi đang tắm, bị đồng bọn xô chúi xuống giếng vỡ đầu mà chết tươi nữa. Tới giờ, nghĩ lại các chuyện bọn tù binh làm, tôi còn rùng mình.
– Sát nhất nhân vạn nhân cụ. Ông già nhất chen vào: “Đây là cách hành động của bọn Việt Cộng với dân chúng. Cứ làm các sự ác công khai cho dân thấy thì sẽ phải sợ chúng mà im răm rắp vâng lời. Anh tính xem, giết người bằng cách đâm chiếc đũa vào tai thì ít nhất chúng phải có 5, 6 thằng mới làm được nên không thể nói do thù hằn cá nhân gì cả. Một hành động có sắp xếp sẵn từ trước. Này nhé, bốn thằng giữ hai tay hai chân, một thằng giữ chặt cái đầu, một thằng bịt kín miệng không cho la cầu cứu… để cho đứa khác đóng chiếc đũa vào lỗ tai nạn nhân. Còn lấy bóng đèn giữa đêm khuya như anh kể thì chỉ cần một tên có nghề võ bò đến sát bên nạn nhân đang ngủ say và rồi tung ra như chớp ngón Bạch Cốt Trảo. Ôi thôi!”.
– Đã vào tù rồi, sao họ lại thanh toán nhau khiếp vậy hả chú? Anh trẻ nhất le lưỡi khi hỏi.
– Đám Việt Cộng trong tù vẫn bào chữa cho các vụ thanh toán này bằng điệp khúc: Phải giết tên đó vì nó là một gián điệp của CIA gài vào giả làm tù binh ta để theo dõi các hoạt động trong phòng giam mà báo cáo ra ngoài cho bọn Nguỵ. Cậu biết là tuy ở tù nhưng đám Việt Cộng đầu sỏ vẫn tổ chức ngầm các cấp uỷ đảng để chúng kiểm soát và chỉ huy tất cả tù nhân. Những nạn nhân của chúng, đơn thuần chỉ là người đã chán cảnh ở tù, nay muốn ra hồi chánh với chính quyền nên đó là lý do họ bị giết chết. Gián điệp CIA nào mà vô trong mấy phòng giam tù binh đó để kiếm tin tức. Bất cứ tù binh Việt Cộng nào khi bị bắt, phía an ninh quân đội Việt Nam Cộng Hoà đã điều tra tên đó xong hết cả rồi thì mới đưa đi giam ở Phú Quốc.
Anh bộ đội xen vào:
– Hồi còn ở đơn vị bộ đội, cháu nghe mấy ông chính trị viên bảo tù binh ở Phú Quốc bị quân cảnh chế độ cũ cưỡng bức lao động nặng, bị bỏ đói, bị tra tấn dữ lắm đến nỗi Hồng Thập Tự quốc tế phải can thiệp thì mới bớt. Lại có nhà báo đòi phải cải thiện chuyện giam giữ tù binh nữa. Có đúng vậy không?
Ông quân nhân nghe vậy, buột miệng cười khẩy:
– Cậu từng là bộ đội nên mới hồ nghi những việc tôi vừa kể. Hãy nghe tôi đây. Thứ nhất, bọn chính trị viên đó từng nghe ai đó tuyên truyền như cậu đã nghe và chúng tin nên nói lại như cái loa. Thứ hai, bọn đó biết tất cả sự thật nhưng vẫn phải nói láo vì đây là bổn phận của chúng. Tù binh Việt Cộng trong trại giam Phú Quốc không hề phải lao động gì cả nha cậu. Trong vòng rào kẽm gai thì lao động cái gì đây? Ba cái vụ trồng rau là do tù binh xin tự cải thiện vì xuất thân của chúng hầu như là dân quê. Bọn tù binh muốn siêng năng thì cũng chẳng có việc để làm. Những khi bị quân cảnh bắt buộc phải nhổ cỏ sân trại giam, gia cố làm lại hàng rào, khơi thông cống rãnh hôi thối cho thoáng thì chúng nghe lệnh rồi ngồi ì ra cả đám trên sân. Hỏi, chúng nại cớ không tiếp tay làm các công việc phục vụ quân sự của phe đối phương. Cậu có biết một lần tù binh Việt Cộng trong trại hè nhau tuyệt thực đến ngất xỉu thì bọn cố vấn Mỹ đến trại buộc tụi tôi phải nấu cháo bồi dưỡng chúng nó nữa đó. Nghe không thể tin được phải không, mà đó là sự thật.
– Sao tụi Mỹ nó biết mà đến trại làm chuyện ruồi bu vậy. Rồi mình có nấu cháo cho tụi nó ăn không. Anh trẻ tuổi hỏi:
Ông quân nhân gật đầu:
– Có gì lạ! Bọn cố vấn Mỹ sống ở thị trấn Dương Đông, xa xôi gì. Trong trại mà xẩy ra chuyện gì thì đám tay chân báo tin cho biết ngay. Vụ tuyệt thực kỳ đó, tụi tôi nhận lệnh phải nấu cháo mà cháo gà mới tức chứ. Mình sống ở đảo, món ăn mặn quanh năm gần như chỉ là cá với tôm – cua thôi. Thịt heo cũng có mà ít còn gà thì thôi, quá sang dễ gì. Vậy mà bọn cố vấn Mỹ mang gà đến tận trại giam, buộc tụi tôi phải nấu cháo cho bọn tù ăn để mau lại sức sau cú tuyệt thực. Lý do: Sợ đám Việt Cộng ngoài Hà Nội sẽ đối xử tệ với bọn tù binh phi công Mỹ đang bị nhốt ở Hoả Lò. Gà bọn cố vấn Mỹ đưa đến nhiều lắm, cả trăm con và đã làm sẵn sạch sẽ hết rồi. Đám cố vấn Mỹ áp lực tụi tôi phải nấu cháo ngay vì muốn tận mắt xem tù binh Việt Cộng ăn nữa. Cháo nấu bằng mấy cái nồi lớn như cái phi đựng xăng và khi chín thì đám nhà bếp hè nhau đứng vạch chim đái thẳng vào cho bõ ghét. Bọn cố vấn Mỹ đến kiểm tra rồi thì bọn tù binh xúm lại ăn cháo vì cho là thắng lợi. Bọn tù binh cũng biết đói chứ bộ, tuyệt thực để làm màu với bọn cố vấn Mỹ thôi. Kể cũng tức cười, mình biết tỏng mà chẳng làm gì được. Còn cái vụ Hồng Thập Tự thì cậu phải biết là tổ chức đó lúc nào cũng thiên Cộng… Bây giờ thì đám này sáng mắt rồi vì Việt Cộng đã lộ bộ mặt thật. Tôi kể đến đâu rồi nhỉ? À! Tụi nhân viên Hồng Thập Tự quốc tế đến Sài Gòn, đề nghị với chính quyền phải cho họ đi thăm trại giam Phú Quốc. Vụ này hình như là giữa năm 1970 gì đó. Thăm rồi, khi trở về Sài Gòn, họ lôi mấy quy ước Geneva ra, cáo buộc chính phủ ngược đãi tù binh Việt Cộng: Nhốt quá nhiều người trong phòng giam và lại không có phương tiện giải trí như phim ảnh, truyền hình nữa. Có bố láo không! Cũng trong thời gian đó, bọn trùm Việt Cộng ở Hà Nội không cho mấy nhân viên Hồng Thập Tự này đi thăm đám tù binh phi công Mỹ và bọn Mặt trận trong Nam thì chối phắt: Cách Mạng không có trại giam như bọn Nguỵ, ở các địa phương giải phóng chỉ có nhốt lẻ tẻ vài người thôi và nếu Hồng Thập Tự đòi đi thì cứ tự tiện, không bảo đảm an ninh. Xong! Vậy mà đám nhân viên Hồng Thập Tự quốc tế im re, chẳng phản đối gì sất. Còn cái vụ đòi cải thiện lao tù cho tù binh trong các trại giam nữa. À ha! Chính mấy ông cha đạo Chúa ở Sài Gòn bày ra nhằm phá thối chính quyền thời đó đấy. Can nãy, tôi đã bảo với mấy cậu cha hay sư có thực tâm tốt lành không là còn tuỳ từng người.
Ông già nhất, góp lời:
– Mấy ông linh mục đó thiên Cộng anh ơi, giờ họ cũng lộ mặt mo hết cả rồi. Ngẫm lại mấy chuyện anh vừa kể, mình thấy chính quyền Việt Nam Cộng Hoà thời đó gần như một mình mà tứ bề thọ địch. Ngoài Việt Cộng là chính thì còn phải đối phó với bọn cố vấn Mỹ, bọn mang danh tổ chức quốc tế như báo chí và Hồng Thập Tự này… Thêm vào đó là bọn trí thức nằm vùng xưng tên thành phần thứ ba. Nói đến đây ông già nhất lắc đầu: “Tất cả hè nhau mà phá phe quốc gia mình, hỏi sao mà không mất nước”.
Ông quân nhân hít một hơi thuốc lá, thở ra làn khói trắng rồi đáp:
– Chính xác! Tứ bề thọ địch như vậy, nếu miền Nam Việt Nam Cộng Hoà mình không mất nước thì mới là chuyện lạ. Thôi, chuyện tôi kể đêm Giáng sinh chỉ vậy, coi như xong nhiệm vụ nha anh giáo. Ráng hết sức rồi đó.
Ông già nhất phát một tay lên như chận lời, giọng vui:
– Mới tiết lộ có chút xíu xìu xiu mà nói ráng hết sức… Gác tù Việt Cộng lại để cho chúng vượt ngục chạy thoát được mà nói xong nhiệm vụ. Kể thêm đi… Chuyện tù binh dễ gì có ai biết ngoài mấy ông quân cảnh, tụi này có nghe cũng giữ bí mật cho mà. Bảo đảm.
Hai cậu trẻ tuổi nghe ông già nhất nói vậy, liền a tòng:
– Phải! Phải a! Chú cứ dấu chuyện xưa thì đám hậu sinh làm sao mà biết. Kể thêm đi chú ơi, năn nỉ đó.
– Kể thêm… Ừ thôi cũng được. Nhưng tôi biết kể thêm cái chi đây? Anh giáo và hai cậu đây thử hỏi cái gì liên can đến tù binh thì may ra nhớ đâu tôi xâu đấy. Ông quân nhân ngập ngừng.
Nghe ông quân nhân nói vậy, ba người còn lại khẽ nhìn nhau bối rối. Chắc trong trí họ cũng không biết phải hỏi cái gì đây? Vừa lúc, một người hầu quán đến bàn, mang thêm cho họ bình trà mới thay cho ấm cũ đã cạn. Anh trẻ nhất với tay lấy bình trà và lần lượt rót đầy cốc của từng người. Trà nóng gặp không khí lạnh của ban đêm nên bốc hơi trắng thơm lừng. Ông già nhất cầm cốc lên, nhấp một ngụm rồi khơi lại chuyện:
– Tôi nghe bảo tù Việt Cộng ở Phú Quốc gồm cả bộ đội chính quy miền Bắc với đám giải phóng miền Nam phải không anh. Mình nhốt tụi nó chung với nhau hết hả.
Ông quân nhân:
– Phải mà cũng không phải anh giáo. Lúc mới đầu mình không phân biệt tù binh miền Bắc miền Nam gì, coi chung là phiến Cộng cả. Cứ bên an ninh quân đội điều tra tên tù nào xong, chuyển sang thì mình giam thôi nhưng sau mình tách ra nhốt riêng hết. Bắc ra Bắc, Nam ra Nam không có chung đụng gì với nhau.
– Sao vậy anh?
– Cũng do tụi nó mà ra. Anh biết bọn tù bộ đội miền Bắc lúc nào cũng coi thường đám tù giải phóng miền Nam. Bề ngoài thì bọn chúng cùng là tù binh Việt Cộng nhưng bề trong, chẳng bên nào ưa bên nào. Chính vì vậy mà xẩy ra những vụ ấu đả giữa tụi nó với nhau nên chính phủ mình phải phân loại Bắc ra Bắc, Nam ra Nam và giam giữ riêng biệt. Bắc đây là bọn bộ đội chính quy như đám cán binh của sư đoàn Sao Vàng, sư đoàn 308 hay trung đoàn Bông lau bông liếc gì gì đó thuộc bên kia cầu Hiền Lương – Bến Hải. Còn Nam là đám tập kết năm xưa giờ vượt Trường Sơn, vượt đường mòn Hồ Chí Minh trở về hay bọn dân sống ở miền quê trong này đi theo mà chúng gọi là thoát ly như tụi trong Công trường 7, Công trường 9 hoặc trung đoàn Quyết Thắng, tiểu đoàn Tây Đô… Khi trao trả tù binh, chính phủ mình thả đám miền Bắc ở bờ sông Thạch Hãn của tỉnh Quảng Trị còn đám miền Nam thì tại phi trường Lộc Ninh thuộc tỉnh Bình Long.
– Họ có bị bỏ đói, tra tấn không chú. Cháu nghe người ta vẫn bảo… Anh bộ đội ngưng ngang câu hỏi.
Ông quân nhân thấy thái độ của anh bộ đội, cười gằn:
– Cậu vẫn còn tin lời của mấy tay chính trị viên kể, tôi biết nhiều người cũng nghĩ như cậu. Với lại, ở thời điểm đó cậu cũng còn nhỏ nên không biết sự thật là phải, chẳng trách. Cả một bộ máy chính quyền đồng thanh nói láo, nói láo mãi về một chuyện thì người dân cũng ít nhiều phải mắc bẫy chứ. Lúc trao trả tù binh cho phe chúng ở Lộc Ninh và ở bờ sông Thạch Hãn, Việt Cộng tên nào tên nấy béo tốt mà đám cán bộ đại diện đi nhận người vẫn lu loa: “Tù binh ta bị chính quyền Nguỵ bỏ đói, vi phạm công ước Geneva…”. Những ngày trao trả tù binh, đài truyền hình Sài Gòn cử nhân viên đến tận các nơi quay phim về làm phóng sự tình hình. Buổi tối, màn hình ti vi đài số 9 chiếu đi chiếu lại các phóng sự đó nhưng nhiều người xem mà vẫn tin lời chúng nói. Báo chí cũng đăng tin kèm ảnh mà có người vẫn không chịu nghĩ: Nếu thực sự bị chính quyền miền Nam VNCH bỏ đói, làm sao bọn tù binh Việt Cộng lại mập mạp hơn cả đám cán bộ đi nhận người. Còn tra tấn ư! Bắt được mấy thằng tù bỏ trốn như tôi kể 8 thằng vừa rồi, mang về trại, tra hỏi mà cứ im lặng thì tụi an ninh phải đục sặc máu ra thôi. Không khai thì đánh, đánh cho lòi chuyện mới xong. Trị an thì phải vậy. Ngay cả ở trại Galang này, cậu cũng biết thuyền nhân mình tuy là người của Cao Uỷ Tị Nạn Liên Hiệp Quốc thật nhưng ai nhập nha trộm đồ của người khác hay đánh nhau xem thử, police Indo khi bắt được, chúng có dợt người đó cho phù mỏ không?
Nghe đến đây thì ông già nhất gật gù đầu, thẽ thọt:
– Hồi đó xem vô tuyến truyền hình thấy thân thể tù binh Việt Cộng ở địa điểm trao trả thì mới rõ họ chẳng hề bị bỏ đói đâu. Mấy thầy dạy chung trường với tôi cũng bảo chính phủ mình lo cái ăn uống cho tù binh Việt Cộng còn ngon hơn nuôi tù hình sự ở trại giam Chí Hoà. Bằng cớ là thân xác tù binh Việt Cộng, người nào tay cũng có bắp thịt, ngực nở nang và chạy thật nhanh.
– Đấy, đấy… Ông quân nhân đưa mắt nhìn ông già nhất và anh bộ đội như một đồng tình vì lời xác nhận điều ông vừa nói rồi tiếp: “Khi mình nghe một ai đó nói kiểu tôi bị bỏ đói thì phải nhìn vào thân thể của người ấy xem coi ra sao. Có lòi xương, xanh xao – gầy gò hay lại béo đỏ, vạm vỡ. Tù binh Việt Cộng ở Phú Quốc được nhà thầu giao thực phẩm là gạo trắng trong bao bố chỉ xanh mà dân mình thường gọi là gạo Mỹ hạt dài, gạo Thái Lan hạt tròn đó. Rau xanh như bầu bí, su su, cải này… cũng do nhà thầu mua từ nông dân trồng bên ngoài. Còn cá thì mua từ các chủ ghe cào ngoài biển. Trong tuần, bọn tù binh còn có một ngày ăn thịt heo nữa. Tất cả thứ, nhà thầu hàng ngày gom lại mang vào nạp cho quân cảnh rồi quân cảnh giao lại cho bọn tù nhà bếp mà chúng gọi cái tên chung anh nuôi tự nấu ăn lấy. Cá thì hầu hết là cá biển mà toàn là cá thu, cá ngừ, cá ngân không hà. Chim – Thu – Ngừ – Đé – Hường – Đước – Kìm – Măng… là tên các loại cá biển ngon, có nhiều thịt ai cũng biết. Một lần, nhà thầu giao loại cá chỉ vàng thì bọn nhà bếp tù binh làm reo không nhận. Lý do: Cá đó ít thịt nhiều xương. Theo hợp đồng đã ấn định trước, nếu nhà thầu làm ăn không đúng thì sẽ bị ban chỉ huy trại giam huỷ khế ước ngay và thuê người khác thế chỗ liền. Chính vì vậy mà nhà thầu lúc nào cũng phải đàng hoàng khi nhận cung ứng thực phẩm cho tù binh. Họ kiếm ăn được thì tội gì phải lươn lẹo, cắt xén ăn bớt thực phẩm cung cấp cho tù binh làm gì… Ai muốn mất chỗ bở. Cứ nhìn thân thể bọn tù binh thì biết họ được quân cảnh gác tù cho ăn uống đầy đủ hay bị bỏ đói? Cũng từ cái gian xảo của bọn cán bộ Việt Cộng nên mới lộ ra sự thật. Như tôi đã kể can nãy, trước lúc được thả, đại diện bọn Việt Cộng trong Uỷ ban Quân sự Bốn bên khi đến thăm trại tù binh Phú Quốc đã ngầm ra chỉ thị cho bọn tù đảng uỷ rồi nên khi vừa xuống khỏi máy bay C130 hay xe nhà binh GMC ở địa điểm trao trả, bọn tù binh sau tiếng hô của một gã đảng uỷ nào đó đã đồng loạt quẳng đôi dép đi, cởi bỏ bộ quần áo đang mặc trên người cùng vất túi quà tặng phẩm. Thâm ý của chúng muốn dựa vào hình ảnh tù binh Việt Cộng trần xì tà lỏn, đi chân không để vu vạ cho chính phủ miền Nam VNCH đối xử tệ bạc nhưng không ngờ lại để lộ ra hình ảnh thân thể vạm vỡ, mạnh khoẻ của người tù. Ngậm máu phun người trước đỏ miệng mình. Đến nơi trao trả, tên nào tên nấy chạy nhanh như bị ma đuổi”.
– Nghe bảo ở địa điểm trao trả, có tù binh Việt Cộng xin ở lại với chính phủ mình, phải không anh? Trong các chuyến trao trả đó, chắc anh cũng có mặt. Ông già nhất hỏi.
Ông quân nhân gật đầu, trả lời:
– Tôi có tháp tùng theo một chuyến thôi còn sau đó thì đến phiên người khác nhưng những sự việc tôi biết là do các anh em trong đơn vị kể lại. Nói đến đây thì ông quân nhân ngưng lời, hắng giọng như sắp sửa sẽ phải kể một hơi dài và đưa mắt nhìn cả ba người trong bàn, tiếp: “Riêng anh giáo thì tôi không nói làm gì vì anh đã biết cả nhưng với hai cậu trẻ này thì cần phải nghe để hiểu sự thật. Trong những lần trao trả tù binh ở Lộc Ninh hay ở bờ sông Thạch Hãn. Chuyến nào cũng có tù binh Việt Cộng xin ở lại với chính phủ miền Nam VNCH mình. Ở lại đây là hồi chánh tại chỗ, là không muốn về với phía Việt Cộng nữa. Lúc thì một người, lúc thì vài người hoặc đông nhất cả một tập thể đến hơn trăm tù binh… xin ở lại. Nếu chính phủ mình không đồng ý tiếp nhận họ thì họ tự sát còn hơn là về với Việt Cộng. Họ nói vậy đấy. Có người thủ sẵn giấy xin hồi chánh trong người từ trước và đợi đến lúc đó mới xuỳ ra. Trong khi phía tù binh miền Nam VNCH mình thì không có ai xin ở lại với bọn Việt Cộng mà còn có người bị chúng ỉm đi không trao trả cho nữa. Sau vụ một người xin ở lại thì các chuyến kế tiếp, bọn tù binh Việt Cộng khi vừa đến nơi trao trả, chúng cứ ba người choàng tay với nhau thật chặt tiếng là để dìu nhau đi vì quá yếu sức nhưng thực tế là người này kềm người kia không cho chạy thoát. Vậy mà vẫn có người vùng chạy ra được nhưng phải vọt nhanh đến với phái đoàn kiểm tra quốc tế thì mới ổn. Người lớ ngớ chạy chậm mà đám cán bộ đi nhận người chận được thì sẽ bị đồng bọn xúm lại đánh hội đồng tơi bời, thê thảm máu me đầy mặt rồi bị kéo đi mất trước sự bất lực của đại diện phe bên mình”.
– Bên mình trao trả cho phía Việt Cộng bao nhiêu người và nhận lại bao nhiêu người… Thời gian bao nhiêu lâu mới xong? Còn anh nói có vụ bọn chúng ỉm người đi, không trao trả là sao? Ông giáo cất lời hỏi.
Nghe câu hỏi của ông già nhất, ông quân nhân ngồi yên lặng như đang lục lại ký ức cũ của mình. Một thoáng trôi qua, ông nói:
– Anh giáo hỏi vậy thì tôi chỉ biết thời gian gói gọn trong 60 ngày thôi… Tôi không rõ là ngày đầu tiên khi nào cũng như ngày cuối cùng của việc trao trả. Thật ra thì thời gian và con số bao nhiêu người đã được các bên liên quan thảo luận và chấp nhận ở các buổi họp từ trước rồi. Là một quân nhân coi tù khi đó thì tôi chỉ làm nhiệm vụ đi theo áp tải việc thực hiện trao trả thôi. Con số thì nói gọn là phe mình trao trả cho bọn Việt Cộng gần 27.000 người để nhận lại khoảng 5000 người. Chênh lệch quá mà mình cũng chẳng làm gì hơn được cũng từ sự dối trá lươn lẹo của bọn Việt Cộng và sự phủi tay của người Mỹ. Nói ra điều này thì chắc có người không tin chứ có một lần tại bờ sông Thạch Hãn, phía miền Nam VNCH trao trả 1200 tù binh Việt Cộng để chỉ nhận lại có 3 người tù phe mình mà mấy người này lại phải khiêng bằng cáng băng ca khi đưa xuống ghe.
– Lấy 3 người đổi với 1200 người. Thật tui mới nghe lần đầu. Cậu trẻ nhất thốt lên.
Ông quân nhân gật đầu, tiếp:
– Vậy! Nhưng đó là sự thật. Còn nói người Mỹ phủi tay là vì sau khi họ nhận về gần 600 tù binh ở phi trường Gia Lâm mà đa số là phi công rớt máy bay ngoài miền Bắc thì coi như đã xong chuyện tại Việt Nam nên họ cũng không làm hết trách nhiệm của một đồng minh chủ chốt với phe mình. Những tù binh mình bị bắt bên chiến trường Hạ Lào, ở các trận đánh tại Kampuchia thì phía Việt Cộng ỉm đi đâu có chịu trao trả. Mình phản đối việc đó thì bọn chúng nói để liên lạc với bọn Pathet Lào, Khmer Đỏ và sẽ can thiệp giúp đỡ trong cái tình người Việt giữa người Việt với nhau. Chắc anh giáo còn nhớ vụ ông đại tá Lữ đoàn trưởng dù Nguyễn Văn Thọ bị bắt năm xưa do chính Hà Nội đã rêu rao trên đài phát thanh mà chúng vẫn lì mặt, chối là không biết… Rồi còn cả những tù binh biệt kích Delta, Lôi Vũ nhẩy toán ra Bắc hoạt động thời cụ Ngô Đình Diệm nữa. Chúng bắt được những biệt kích quân này và cũng đưa họ lên báo lên đài phát thanh gọi là tố cáo trước nhân dân: Bọn Nguỵ xâm nhập, phá hoại… mà rồi vẫn chối không có. Thật tội nghiệp cho những người này và cả gia đình họ. Không biết bây giờ số phần họ ra sao? Đã được tha tù chưa hay chết mất xác trong xó xỉnh nào đó ở vùng rừng núi ngoài miền Bắc rồi.
– Anh nói đến số phần làm tôi tự dưng nghĩ không biết đám tù binh Việt Cộng khi được phía mình trao trả thì số phận họ rồi sẽ ra sao? Ông già nhất ưu tư.
– Sẽ khổ lắm anh giáo… Chắc chắn là vậy mà họ chẳng tránh được đâu. Ông quân nhân chắt lưỡi tiếp: “Trước khi được trao trả, có những tù binh đã kín đáo bộc bạch với cá nhân tôi về việc họ sẽ phải tiếp tục ở tù sau khi được thả từ trại giam Phú Quốc. Lúc đầu tôi không hiểu sau hỏi kỹ lại thì mới rõ chuyện. Những người tù này cho biết phía Việt Cộng đã làm xong một trại tù rất lớn ở vùng Sầm Sơn-Thanh Hoá rồi. Tại sao họ biết tin này? Cũng chính từ những nhân viên phía Việt Cộng trong Uỷ ban quân sự bốn bên khi đi thăm tù nhân đã tiết lộ cho biết trước. Tất nhiên đám cán bộ này nói đó là trại an dưỡng, tẩm bổ thân xác tù binh khi được đón về từ tay giặc Nguỵ… nhưng mấy tù binh nói chuyện với tôi thì bảo đó chỉ là trại giam trá hình thôi và họ biết khi được nhận về, sẽ phải vào đó để cải tạo tư tưởng mà lần này, bọn coi tù sẽ là các đồng chí phe mình. Thể nào mà chẳng có vụ kiểm thảo, phê bình, tố cáo lẫn nhau để lập công và tránh tội đã có trong thời gian ở tù tại Phú Quốc. Khổ đó nha, chết người chứ chẳng chơi”.
– Chú ơi! Họ biết vậy mà sao lại không xin hồi chánh ngay lại phải đợi đến khi trao trả mới quyết định? Anh bộ đội vọt miệng hỏi.
– Sau này khi trại giam Phú Quốc sạch bóng tù binh rồi thì ngồi kiểm lại sự việc, mấy ông thầy trong đơn vị tôi bảo là đa số tù binh xin hồi chánh đều thuộc dân miền Nam và thật hiếm hoi mới có một cán binh miền Bắc xin ở lại. Tại sao vậy? Không phải đề cao tinh thần chiến đấu của họ đâu nếu như đặt hoàn cảnh mình là họ thì sẽ phải quyết định như thế nào giữa việc chọn ở lại miền Nam hay quay về miền Bắc để gặp mặt thân nhân sau bao ngày tù đày. Cán binh miền Bắc gần như là dân quê thì hỏi ai không nặng tình quê hương, tình gia đình trong lòng. Bị bắt ở mặt trận rồi khi sống tại trại giam Phú Quốc thì ít nhiều họ cũng biết về xã hội của miền Nam VNCH rồi đối chiếu với xã hội miền Bắc, nó kém xa. Muốn ở lại nhưng cũng muốn gặp mặt thân nhân rồi nỗi lo thân nhân nơi quê nhà sẽ gánh hậu quả từ việc hối chánh của mình mà nhiều tù binh đành phải dấu kín các ưu tư của bản thân với bạn đồng tù chung quanh. Được trao trả mà nhiều mặt anh tù binh lộ rõ vẻ buồn lẫn lo lắng thật khác với khuôn mặt rạng rỡ của tù binh miền Nam VNCH khi được phe ta đón về. Ông quân nhân nói.
Ông già nhất thêm lời:
– Như anh kể, thì tôi nghĩ tù binh Việt Cộng trong trại giam Phú Quốc còn thanh toán nhau được thì nếu ở trong cái trại cải tạo của chính bọn chúng, chúng sẽ lần lượt thịt nhau cho đến chết mà thôi. Bọn Việt Cộng ngoài miệng nói chuyện lúc nào cũng một lòng một dạ, cùng đồng tâm chí hướng nhưng trong thực tế chúng nghi ngờ chẳng tin ai hết. Cái tổ tam tam chế ta thường thấy trong các đơn vị của chúng là để tên này kèm hai thằng kia rồi cả ba đứa âm thầm báo cáo cho cán bộ chỉ huy bất cứ cái gì chúng đã nghe được, thấy được của nhau.
– Sống gần tụi tù binh Việt Cộng lâu ngày thì tôi nghiệm ra điều này anh giáo: Khi nào mình nghe tụi nó nói chuyện với nhau bằng câu cậu cậu, tớ tớ là bình yên, không có gì đáng lo. Còn khi ta nghe xưng hô với nhau bằng câu đồng chí, đồng chí thì thôi, cầm chắc chúng chuẩn bị đưa nhau lên bàn mổ đó. Hà hà! Ông quân nhân cười khá to sau câu nói.
– Lúc nãy chú kể là phía miền Nam VNCH trao trả tới gần 27.000 tù binh vậy thì cái trại an dưỡng ở Thanh Hoá, tui nghĩ chỗ đó phải rộng lắm mới chứa hết được bằng đấy người. Cậu trẻ nhất nói.
– Cháu nói đúng. Như chú đã kể rồi, trại giam tù binh ở Phú Quốc thời trước đã rộng tới cả 400 mẫu tây mà nay tất cả tù binh Việt Cộng hoặc tù chính trị Việt Cộng của tất cả các trại giam khắp 44 tỉnh thành ở miền Nam VNCH đem dồn về một chỗ thì nó phải rộng lắm, rộng lắm… Ông quân nhân vừa nói vừa khoa tay qua lại nhau.
Anh bộ đội gật đầu, đồng tình:
– Rộng lắm! Nhớ lần cháu vào thăm thằng bạn đóng quân trong Trung đoàn Gia Định ở trại Quang Trung cũ đã thấy chỉ có vài ngàn bộ đội thôi mà chỗ nó ở đã rộng khiếp. Đây lại tới cả mấy chục ngàn người kể cả quản giáo nữa.
– Nói như bác với chú đây thì sao bọn Việt Cộng lại ác quá vậy. Anh trẻ nhất hỏi.
– Tôi đã nói rồi, đó là sách lược của chúng. Việt Cộng luôn làm điều ác công khai để nhằm doạ dân thấy mà sợ rồi vì sợ nên đành phải im thin thít nghe theo lời chúng. Hai cậu còn trẻ tuổi nên không biết các chuyện ghê rợn Việt Cộng đã làm đâu. Khi Việt Cộng quyết định giết người nào, thay vì bắn người ấy một phát đạn cho xong đời thì không, chúng lại chặt nạn nhân làm ba khúc, để nằm vương vãi trên mặt đất bất kể kẻ đó là đàn ông, đàn bà hay con gái trẻ tuổi. Giữa việc dùng mã tấu chém và cầm súng bắn vào thân người thì việc nào dễ làm hơn và việc nào sẽ tạo ra hình ảnh ghê rợn hơn? Hai cậu cứ nghĩ đi! Ba khúc thân người nằm đó, sáng ra người dân đi qua có trông thấy ai mà không khiếp vía. Thân nhân ở gần có trông thấy cũng chẳng dám ra dọn xác nạn nhân về chôn vì bọn nằm vùng chưa cho phép. Có khi, xác rữa nát không ai nhận thì lính miền Nam VNCH phải ra tay mới êm. Miệt vườn, dân quê theo Việt Cộng cũng vì lý do sợ chúng mà phải theo chứ tâm hồn dân quê thường chất phác, bằng lòng với cuộc sống ruộng vườn thì hơi đâu mà họ suy nghĩ đến ba cái vụ như bóc lột, đấu tranh giai cấp, lý tưởng lý tiếc gì… Việt Cộng bịa ra hết và nhồi vào đầu dân quê cả thôi. Ông già nhất nói.
– Anh giáo kể cho hai cậu này mấy chuyện Việt Cộng hành hình dân lành vùng quê đó hả? Ông quân nhân hỏi.
– Đúng! Việt Cộng làm cái gì chúng cũng tính toán với nhau trước kể cả giết người mà chúng gọi là họp đảng uỷ. Một tính toán lạnh lùng, bất nhân, vô cảm của loài thú dữ. Chúng đã từng trói tay bao nhiêu nạn nhân rồi bỏ người đó vào bao bố, rọ lợn và nhét đầy đá xong đem ném xuống sông như đã làm với nhà văn Khái Hưng, Lan Khai nè. Có khi lại mổ bụng nạn nhân còn sống rồi nhét trấu vào trước mặt bao nhiêu người đứng xem chung quanh như lúc hành hình ông cả Điệp, hương quản Bụng… ở dưới miền Tây năm xưa. Việt Cộng không coi người thuộc phía đối phương ra cái đinh gì cả khi đã xác định lập trường là kẻ thù hoặc là bạn mà không đếm xỉa đến tình cảnh của nạn nhân như người đó có một mái ấm gia đình, cha mẹ già phải phụng dưỡng, con cái nhỏ cần nuôi nấng. Chỉ biết có lệnh giết là giết… là giết thôi. Giết, giết nữa bàn tay không phút nghỉ. Câu thơ của một thi sĩ Việt Cộng đấy. Có vậy mình mới hiểu tại sao đám cán binh Việt Cộng có thể bình thản bắn thẳng vào dòng người bỏ chạy trên các quốc lộ ở các vùng xẩy ra chiến sự. Chính phủ miền Nam VNCH mình thì lại khác. Người là người chứ không phải con vật mà ngay cả với con vật như chó, mèo thì mình cũng còn đối xử cách nhân ái kia mà. Mạng người là quý nhất nên phải trân trọng dù xuất thân của cá nhân đó không ra gì. Bởi vậy, chính phủ miền Nam VNCH mới lập ra nguyên cả một cái bộ Chiêu hồi dành cho cán binh, bộ đội, tù binh Việt Cộng muốn xin hồi chánh.
Nghe ông già nhất nói thế, ông quân nhân cất lời:
– Ồ! Anh giáo nói ra thì tôi mới nhớ, cái bộ Chiêu Hồi đó đã giúp cho nhiều người làm lại cuộc đời lắm. Nói đâu xa, riêng trại tù binh Phú Quốc không thôi, không kể mấy vụ hồi chánh tại chỗ trong các buổi trao trả, tính ra từ khi lập trại giam cho đến trước ngày thi hành Hiệp định Ba Lê thì đã có trên 10.000 tù binh ở đó xin hồi chánh với chính phủ miền Nam VNCH mình.
– Nhiều người dữ vậy chú, tui thật không ngờ. Anh trẻ nhất nói.
– Con số đó chưa thấm vào đâu so với tổng số tù binh Việt Cộng đã hồi chánh trong thời còn chiến tranh hai miền khi đó đã lên tới trên 200.000 ngàn người lận. Nói thì nói nhưng tôi vẫn thắc mắc không biết sau khi bọn Việt Cộng vào được Sài Gòn rồi thì số phận những người hồi chánh này đã ra sao nữa? Việt Cộng đã làm gì với họ hả anh giáo, anh biết gì không? Ông quân nhân hỏi.
– Có những hồi chánh viên rất nổi tiếng như nhà văn Xuân Vũ, ca sĩ Bùi Thiện, thượng tá Tám Hà… thì những người này kịp thời di tản trong dịp 30 tháng Tư năm đó nên thoát nạn. Hai cậu trẻ này chắc không biết mấy nhân vật tôi vừa nói đâu. Thôi sẵn dịp để tôi nói luôn cho biết. Xuân Vũ là tác giả quyển Đường Đi Không Đến kể chuyện đám Việt Cộng tập kết ra Bắc năm xưa rồi sau này hồi kết về miền Nam bằng cách đi bộ băng qua vùng rừng núi Trường Sơn. Bùi Thiện là ca sĩ của đoàn văn công trung ương Hà Nội còn thượng tá Tám Hà là phó chính uỷ phân khu 1 dịp tết Mậu Thân năm 1968. Hồi chánh viên ở lại trong nước khi đó thì gần như 100% phải thu xếp hành lý đi tù cải tạo như các sĩ quan, viên chức của chính phủ miền Nam VNCH mình. Ông già nhất nói đến đây thì yên lặng như đang nghĩ về những người cũ trong câu chuyện và rồi tiếp lời ngay: “Lúc còn bán sách cũ ở phố Calmet, tôi đã nghe mấy người chủ sạp hàng ở đó xì xào về cái tin trung tá hồi chánh viên Huỳnh Cự bị kẹt lại, phải bị tù cải tạo cả 7, 8 năm trời mới được tha về. Về nhà chưa được bao lâu thì ông này lại chết trong một vụ đụng xe mà ai cũng nói do đám thủ ác Việt Cộng dàn dựng sẵn cách nhà không xa. Nghe kể, ông Cự này cũng biết thân biết phận mình nên chẳng dám đi đâu ra ngoài vậy mà, cho đến ngày Tết ta, ông ta tưởng sẽ yên mới dám ló mặt. Nào ngờ, ra được đầu ngõ thì có chiếc ô tô từ xa phóng đến tông thẳng vào làm ông ngã lăn quay ngay trên mặt đường. Gã tài xế chiếc ô tô lui xe lại thật nhanh và chạy tới cán thêm lên người ông ta lần nữa để chắc ăn trước khi y cho xe vọt mất. Công an có đến lập biên bản rồi sau bảo vì không có tung tích chiếc xe gây nạn nên từ từ nội vụ chìm luôn. Ác và thê thảm quá nhưng theo tôi có lẽ phải dành cho số phận của liệt sĩ Nguyễn Văn Bé kìa”.
– Nguyễn Văn Bé! Phải anh nói đến Nguyễn Văn Bé mà Hà Nội từng phong là liệt sĩ trong vụ đập mìn vào thân thiết vận xa M 113 diệt trên 60 lính Mỹ và Nguỵ đứng vây chung quanh đó không? Ông quân nhân hỏi dồn.
– Đó đa anh! Ông già nhất tiếp thêm: “Tay Nguyễn Văn Bé này ra hồi chánh rồi mà không hiểu sao bọn Hà Nội lại đưa tin về vụ tự sát đập mìn rồi phong cho anh ta là liệt sĩ. Hà Nội còn cho in một con tem dán thư vẽ cảnh đập mìn bá vơ đó nữa… Hình như có cả vụ dựng tượng cho tay Bé này mà khi ấy ở miền Nam VNCH, anh ta đang làm việc trong bộ Chiêu Hồi. Vài ngày sau khi Việt Cộng chiếm được Sài Gòn, có người kể đã gặp Nguyễn Văn Bé tại bến phà Rạch Miễu trong một chiều sâm sẩm tối mà rồi tay hồi chánh viên này ra sao thì không ai biết. Ngay cả với gia đình anh ta cố công đi tìm mà không ra. Mấy sĩ quan miền Nam VNCH khi ở tù cải tạo kể lại họ đã nghe một quản giáo Việt Cộng nói úp úp mở mở lúc thì đảng và nhà nước ta đã giải quyết xong câu chuyện Nguyễn Văn Bé rồi, sau đó y ta lại nói biết chỗ Nguyễn Văn Bé bị giam. Cứ lấy lý mà suy theo cái tin này thì mình nghĩ bọn Việt Cộng bắt được Nguyễn Văn Bé và sau đó đã giết chết anh ta để mất béng đi câu chuyện đã phong liệt sĩ đập mìn giết giặc năm xưa. Kể cũng đáng thương cho số phận của một người tự dưng thành liệt sĩ bất đắc dĩ. Việt Cộng đã tạo ra nhân vật liệt sĩ Nguyễn Văn Bé và rồi cũng chính bọn chúng đã cho bốc hơi người này luôn”.
Tù binh miền Bắc mặt buồn so, lo lắng ở địa điểm trao trả bên bờ sông Thạch Hãn.
– Cháu nghe kể phía chính quyền thời đó định ém một số tù binh nhưng bị phía miền Bắc phản đối quá nên phải trao trả hết. Đúng không chú? Anh bộ đội hỏi ông quân nhân.
– Nãy giờ tôi chờ câu hỏi này của cậu. Ông quân nhân cười và tiếp: “Tôi đã trả lời câu này nhiều lần rồi cho những người y như cậu đấy. Đây! Chính quyền miền Nam VNCH không muốn duy trì cái trại giam tù binh Phú Quốc đâu. Chẳng qua hoàn cảnh chiến tranh thì phải vậy thôi. Tại sao? Như tôi đã kể rồi. Duy trì một trại giam cả mấy chục ngàn tù binh cộng thêm 4 tiểu đoàn quân cảnh canh gác thì nó sẽ ngốn vào ngân sách của chính quyền bao nhiêu tiền. Dưới sự theo dõi thường xuyên của bọn Mỹ, bọn nhà báo thiên tả nước ngoài, bọn trí thức phá rối ở Sài Gòn còn thêm tổ chức Hồng thập Tự nữa thì làm sao mà có vụ tù binh phải ăn thức ăn tồi tệ, mặc quần áo rách nát, ốm đau không có thuốc chữa bệnh… Riêng gạo không thôi, mức ấn định đầu người 700 gram một ngày thì cậu cứ tính thử sẽ biết số lượng cần dùng. Nói ra thì ít ai tin chứ tù binh có nhiều tên ăn in ít đi vì sợ mập. Ăn ở không, thực phẩm đầy đủ nếu không kiêng khem thì cơ thể béo ra có gì lạ. Nhưng để thân thể mập béo trong trại tù binh Nguỵ là điều tố cáo người cán binh đó đã đầu hàng giặc, chỉ biết ăn và ăn trong khi bao nhiêu đồng chí ngoài mặt trận phải chịu đói khát trong chiến đấu. Bọn đảng uỷ trong nhà giam nói vậy đấy. Rồi vì thức ăn bỏ thừa nhiều, nhà thầu lấy về đem nuôi heo thì chúng vịn vào đó tuyên truyền quân cảnh ăn bớt khẩu phần của tù binh. Có những đợt cấp phát hàng hoá mới cho tù vừa nhập trại như chiếu, mùng, mền đắp… còn tốt hơn cả so với thứ mà lính quân cảnh chúng tôi đang dùng. Nếu không có trại tù này thì chính phù mình thời đó có thêm tiền để chi dùng vào việc khác nên ai thèm ém giữ tù binh lại làm gì. Bọn Việt Cộng cũng biết điều đó nên thực tế chúng cũng không muốn nhận đám tù binh về đâu. Nghe kỳ quá hả. Còn trại tù binh Phú Quốc thì chính phủ mình vừa hao tốn ngân sách, mất 4 tiểu đoàn lính bận việc canh gác tù thay vì chiến đấu ngoài mặt trận mà chúng còn có chỗ để tuyên truyền ngược đãi tù binh, vi phạm công ước Geneva. Bị nhốt tù lâu ngày, tiếp xúc với binh lính miền Nam VNCH thì tinh thần tù binh đã ít nhiều thay đổi vì các sự thật hiển hiện trước mắt khác với những gì họ đã nghe được khi xưa. Nhận trao trả về một lúc cả hàng ngàn tù binh như vậy, nó sẽ gây xáo trộn tinh thần các cán binh khác nếu như bọn Việt Cộng bổ sung họ vào chung hàng ngũ các đơn vị bộ đội. Còn cho giải ngũ tập thể thì cũng kẹt vì những tù binh này về lại quê nhà sẽ gặp gỡ thân nhân, bè bạn cùng hàng xóm trong giao tiếp. Họ sẽ kể chuyện đã thấy khi ở tù trong miền Nam và đó là điều mà Hà Nội đã phải làm cấp tốc cho xong cái trại ở Sầm Sơn-Thanh Hoá để chờ sẵn”.
– Cháu hiểu rồi. Vậy là tù binh được trao trả hết… không có ém giữ ai lại. Anh bộ đội lắp bắp miệng.
– Đúng! Giữ họ lại để làm mắm à! Trại giam trống không, 4 tiểu đoàn quân cảnh tụi tôi phải rời đảo Phú Quốc về lại đất liền và bổ sung cho quân số đang thiếu hụt của các đơn vị bộ binh ở các vùng chiến thuật khi đó. Cũng có người vừa đến hạn giải ngũ thì xin ở lại Phú Quốc luôn. Cậu cứ nghĩ xem, nếu quân cảnh mà xử tệ bạc với đám tù binh như lời tuyên truyền thì mấy người đó phải cao chạy xa bay khỏi hòn đảo chứ. Tôi nói thêm điều này, trại giam đó bỏ không cho đến khi bọn Việt Cộng chiếm được miền Nam rồi thì chúng dùng lại một thời gian ngắn để nhốt sĩ quan-viên chức VNCH mình chở từ trong đất liền ra gọi là tù cải tạo. Đâu khoảng hơn năm trời thì chúng lại chuyển những người tù cải tạo này vào đất liền trở lại và tôi nghe nói cái trại đó tan hoang cả rồi. Vì sao? Lớp bộ đội coi trại giam trước khi rút đi tháo gỡ làm của riêng một mớ rồi đến đám dân nằm vùng ở Phú Quốc cũng vào tháo gỡ theo. Cứ vậy mà trại giam chỉ còn trơ nền đất không chung với cây cỏ mọc hoang dại. Ông quân nhân dứt lời, với tay lấy ra điếu thuốc mới sau câu nói và mồi lửa hít một hơi ngon lành. Một khoảnh khắc yên lặng trôi qua như chợt nhớ ra điều gì đó, ông quân nhân đưa mắt nhìn ông già nhất, giọng đùa:
– Phần của tôi xong rồi. Bây giờ đến phiên ai kể chuyện đây?
– Anh bảo tôi chứ gì nhưng tự nhiên bây giờ mình lại… quên mất câu chuyện định kể đây. Không biết làm sao nữa. Hay là thế này, cho tôi qua phà nha, được không? Ông già nhất hỏi.
Đâu được! Phải kể chuyện mình chứ… Nghe chuyện người khác thì bác phải kể chuyện mình ra. Hai cậu trẻ tuổi cùng thốt lên.
Ông già nhất nhắm khẽ đôi mắt lại. Anh bộ đội và anh trẻ tuổi nhất nhìn nhau rồi định nói điều gì đó thì ông quân nhân khẽ phát tay ra hiệu cản lại như bảo phải chờ, đừng gấp gáp. Một thoáng qua đi, ông già nhất mở mắt nhìn cả ba người họ, cười:
– Tôi phải kể chuyện mình chứ! Muốn người khác làm điều công bằng với mình thì mình phải đối xử công bằng với họ. Nãy thì tôi quên nhưng bây giờ lại nhớ ra chuyện để kể rồi. Khổ thế đó, dấu hiệu gì đây? Mình đã già rồi, phải không?
Nghe ông già nhất nói vậy, anh trẻ nhất reo lên, vỗ tay khe khẽ vào vai anh bộ đội:
– Bác nhớ ra được là hay quá, kể ngay cho những đứa như tui và anh đây biết chuyện cũ như chú quân cảnh vừa rồi đó. Tui đã là người kể đầu tiên thì bây giờ bác là người bao chót, phải không? Bác kể đi… đặng nhóm mình còn về barrack ngủ chứ, sắp giới nghiêm rồi đó.
Giới nghiêm! Chính là giờ mà phòng an ninh P3V tại trại tị nạn quy định trong mỗi buổi tối. Khi nghe tiếng còi hụ lên từ các loa phóng thanh thì thuyền nhân phải trở về phòng của mình để ngủ, không ai được đi léng phéng hay tiếp tục la cà ngoài đường nữa và thường thì 11 giờ khuya là giới nghiêm nhưng vào những ngày lễ Tết hoặc dịp quốc khánh Indonesia, tiếng còi hụ sẽ trễ hơn vài giờ đồng hồ.
– Tôi biết chứ! Cậu đừng nhắc. Sở dĩ tôi hơi… chậm là vì ban nãy mải nghe bài hát Giáng sinh trên ti vi để nhớ lại chuyện sắp kể ra đây này.
– Bài hát Giáng sinh nào vậy? Anh giáo nói mà tôi không hiểu. Ông quân nhân ngạc nhiên.
– Từ từ! Ông già nhất giơ một cánh tay như muốn chận lời ông quân nhân rồi ông ta khẽ hắng giọng và tiếp: “Vài hôm nữa sẽ đến ngày lễ Giáng sinh và như khởi đầu của buổi kể chuyện hôm nay, tôi bảo vì mình nhớ nhà nên ai có kỷ niệm hoặc có câu chuyện gì liên quan đến ngày lễ Giáng sinh thì hãy kể ra cho mọi người trong nhóm chúng ta cùng nghe, mong rằng sẽ bớt buồn và thử xem câu chuyện của người nào hay nhất. Phải không nào?”.
– Phải đó! Phải đó đa! Hai cậu trẻ nhất cùng thốt lên một câu còn ông quân nhân thì gật gù cái đầu, khẽ khàng: “Nhưng anh giáo chưa kể chuyện anh mà?”.
Ông già nhất khẽ hít một hơi thuốc lá rồi đảo mắt nhìn cả ba người trước mặt và bắt đầu kể sau làn khói trắng:
– Đúng! Thì đây. Năm nào cũng vậy, cứ đến dịp lễ Giáng sinh đạo Chúa thì dù muốn hay không muốn, trong ký ức của tôi vẫn nhớ lại câu chuyện của ngày hôm đó. Tôi không biết phải khởi đầu câu chuyện từ đoạn nào đây? Thôi thì như vầy. Năm 1971 vào mùa hè, học sinh ở các trường trung – tiểu học đã nghỉ hết cả và đang chờ khai trường cho niên khoá mới. Gần hết mùa nghỉ hè thì tôi và vài thầy cô khác trong trường nhận được lệnh đi dự buổi họp của Sở Giáo Dục tổ chức. Họp cũng chỉ bàn về việc chuẩn bị việc giảng dạy cho niên học mới. Tan họp thì do thấy trời còn sớm, tôi mới chạy vào nội đô Sài Gòn rồi gửi xe đi lòng vòng đây đó. Ghé nhà sách Khai Trí mua được vài quyển rồi lúc quay ra ngoài, tôi định bụng thử đến tiệm Xuân Thu xem coi có kiếm được thêm các sách mới xuất bản không. Khi băng qua ngã tư Nguyễn Huệ – Lê Lợi thì gặp lại cậu em họ của tôi cũng đang từ hướng đường đối diện phía bên kia đi tới. Gọi là anh em bà con trong họ hàng nhưng thực tế thì giữa tôi và cậu em này, ngay từ hồi còn nhỏ xíu ngoài Bắc rồi khi di cư vào Nam có gặp mặt nhau lần nào đâu. Chỉ mới trước đó vài tháng, nhân lần đi ăn cỗ cưới của một gia đình người thân trong họ tận trên vùng Thủ Đức thì mới gặp cậu em này do tình cờ ngồi chung một bàn với nhau và vì vậy mới biết cậu đi làm cho USAID, một cơ quan chuyên về viện trợ của Mỹ tại miền Nam VNCH. Cậu ta lại đi chung với 2 người Mỹ khác nên giới thiệu họ với tôi rồi thấy đứng trò chuyện giữa đường không tiện, mời đi cà phê ở một cái quán gần đó, quán Givral… ai ở Sài Gòn cũng biết chỗ này. Hết chầu nước thì cả nhóm lại thả bộ vào hành lang Eden ghé mắt xem tiệm này, vào thăm quán hàng kia một chút rồi thì chia tay. Lúc đó, một trong hai người Mỹ ngỏ ý muốn chụp vài tấm ảnh làm kỷ niệm cho buổi gặp mặt nên tôi và cậu em đồng ý. Cả bốn người chúng tôi đứng chung với nhau trước cửa ra ở hướng bên đường Tự Do đối diện với rạp cine Rex, ngó xeo xéo qua Toà Đô Chánh và nhờ một tay chụp hình dạo lảng vảng gần đó bấm máy hộ. Cái máy chụp ảnh đó là loại máy chụp hình lấy liền chỉ sau vài phút chờ và là ảnh màu. Thế mới hay! Lý do có vụ chụp ảnh kỷ niệm, tôi nghĩ bởi lúc ngồi trong quán Givral, cậu em đã giới thiệu với 2 người Mỹ tôi là giáo sư dạy các trường đại học tại Sài Gòn. Buổi hôm đó vì tôi vừa đi họp Sở về, quần áo vest bảnh bao, thắt caravat cùng giầy vớ cẩn thận thêm mấy quyển sách cầm trên tay nữa… đã làm mình có cái vẻ giáo sư đại học chứ sự thực, mình chỉ dạy làng nhàng ở các lớp trung học thôi. Trình của mình làm sao với tới bậc đại học được. Không nhớ tay người Mỹ đó chụp mấy kiểu nhưng khi lấy ra được ảnh thì cho hai anh em tôi mỗi người một tấm. Đưa ảnh xong thì 2 người Mỹ đó bỏ đi. Họ đi rồi, tôi hỏi ra mới biết là nhân viên của thư viện Abraham Licoln nằm ở góc đường Lê Lợi – Nguyễn Huệ cũng gần đó, không xa. Hai anh em tôi hỏi thăm nhau về công việc đang làm, tin tức vài người bà con thân thuộc… rồi thì cũng chia tay, đường ai nấy đi.
– Abrham Lincoln là ông tổng thống Mỹ bị ám sát chết đó phải không bác. Cậu trẻ nhất hỏi.
Ông già nhất gật đầu, nói:
– Đúng vậy! Abraham Lincoln là vị tổng thống thứ 16 của Hoa Kỳ trong thời nội chiến giữa hai miền Nam – Bắc khi còn vụ nô lệ người da đen gốc Phi châu. Nghe bảo ông ta bị ám sát chết khi đang ngồi xem kịch tại một hí viện. Thư viện Abraham Lincoln này có rất nhiều sách báo Anh ngữ và nơi đây cũng là toà soạn của tạp chí Thế Giới Tự Do nổi tiếng. Cậu em họ của tôi làm việc cho cơ quan USAID mà không hiểu sao lại có bạn Mỹ là nhân viên của thư viện đó vì hai cơ quan này đâu có dính dáng gì đến nhau? Lúc đó tôi thắc mắc như vậy và rồi cũng quên đi ngay. Mãi cho đến những ngày cuối tháng 4 năm 1975 thì tôi mới gặp lại cậu em họ này. Hôm đó, tôi đi dạy học lớp buổi sáng ở trường về nhà thì thấy cậu ta đã ngồi chờ sẵn từ trước. Anh em gặp lại nhau rất mừng, tôi không ngờ lại biết nhà tôi nữa, đang định hỏi thì cậu nói ngay: “Anh còn tâm trí để dạy học được nữa sao? Phải tìm mọi cách mà dọt ngay vì sớm muộn gì, bọn Việt Cộng cũng sẽ chiếm thủ đô Sài Gòn này”. Tình hình khi đó ở thủ đô Sài Gòn hỗn loạn lắm vì rất đông nạn nhân chiến cuộc từ ngoài miền Trung đổ về sống tạm cư lây lất đầy trong các sân vận động, trong chùa và cả nhà thờ nữa… Rồi còn lính mình nữa… Họ đi nghễu nghện ở ngoài đường với quân phục tơi tả của các binh chủng tan hàng từ các tỉnh đổ về và đang chờ bổ sung quân số cho đơn vị mới. Dù cậu em không nói ra thì bản thân tôi cũng biết phải chạy ra ngoại quốc ngay vì phe ta đã bị người Mỹ bỏ rơi rồi. Mất nước tới nơi nhưng mà xuất cảnh bằng cách nào đây? Bằng đường biển thì con đường duy nhất để ra Vũng Tàu là quốc lộ 51 đã bị Việt Cộng cắt ngang do chúng chiếm được vùng Nhơn Trạch. Đi bằng máy bay thì gia đình tôi không đủ tiền mua vé và cũng chẳng có sổ passport gì cả. Ngay tại Sài Gòn đây, tôi muốn chạy xe vào bến cảng hải quân ở Bạch Đằng để xem coi có thể đi ké được chiếc tàu hàng nào không mà cũng không thể. Lính canh gác đã rào kín hết các cổng trong tình trạng giới nghiêm nội bất xuất-ngoại bất nhập. Tôi nói thật với cậu ta: “Anh nghe tin, đọc báo biết các việc đó nhưng chẳng thể làm gì được nên cứ đành tiếp tục đến trường dạy học, chờ xem thế sự ra sao. Cậu đến nhà, anh vui quá, giúp cho gia đình anh di tản ra ngoại quốc nha”.
– Cái máy ảnh anh kể đó là loại Polaroid chụp lấy liền hình mầu chỉ trong vài phút. Tôi đã thấy đám phóng viên ngoại quốc dùng loại máy chụp ảnh này khi họ đến trại tù binh Phú Quốc và ở các buổi trao trả tại phi trường Lộc Ninh. Máy này mắc tiền đó đa anh giáo. Hãng Polaroid đánh đúng vào ý thích của khách hàng là khi chụp ảnh xong thì đều muốn coi được ngay tấm hình đó nhưng nó có một bất tiện là không có phim âm bản nên nếu chụp tấm nào, chỉ có tấm đó thôi và không thể rửa thêm lần thứ hai thứ ba được. Ông quân nhân góp lời.
Ông già nhất khẽ gật đầu như thừa nhận lời vừa nói của ông quân nhân và tiếp:
– Như vừa kể tôi rất muốn gặp lại cậu em này mà chẳng biết chỗ cậu sống ở đâu. Sau lần gặp cậu ta với 2 người Mỹ đó đến nay cả mấy năm rồi còn gì. Gặp là để mong cậu từng có thời gian làm việc với họ thì may ra có thể tìm được cách để mình níu theo mà đi nên giờ cậu ta đến nhà thì khác gì một cái phao cứu sinh cho bản thân và gia đình. Nghe tôi nhờ cậy, cậu ta nói: “Em vừa ở ngoài Trung vào đây, tình hình bây giờ rối mù chẳng biết đường mà liệu nữa, người Mỹ thay đổi kế hoạch liền liền. Giờ phải chờ ngày mai xem có tin gì mới không. Tình hình biến chuyển lẹ quá, càng lúc càng xấu”. Tin gì? Tôi hỏi thêm thì cậu bảo: “Minh lớn sẽ nhận chức tổng thống ngay tối hôm nay ở dinh Độc Lập. Nội các mới có thể phải chia chung một số ghế với bọn Mặt trận Giải phóng nằm vùng ở Sài Gòn. Sứ quán Hoa Kỳ biết hết cả và mong có thể thêm thời gian để họ đưa hết các người cần di tản ra khỏi Sài Gòn trước khi bọn Cộng Sản Bắc Việt chiếm trọn quyền hành, gạt tất cả từ Minh lớn đến đám Mặt trận ra rìa. Em sẽ đưa gia đình anh chị đi chung chuyến bay và chắc chỉ vài ngày nữa mình sẽ lên đường”. Hỏi thêm thì cậu ta bảo sẽ đưa cả nhà tôi vào trong sứ quán Mỹ và để lên xe buýt vô phi trường Tân Sơn Nhứt rồi lên máy bay C 130 bay sang Phi Luật Tân. Nghe như vậy, tôi không biết nói gì hơn vì không ngờ cậu ta còn nhớ đến mình nên kêu vợ con ra cảm tạ cái ơn. Vợ tôi cứ lắp lắp: “Gia đình anh chị thật có phúc mới gặp được bà con như chú, thôi thì đành trông cậy mọi sự”. Cậu em ở lại ăn qua quýt bữa cơm với gia đình tôi xong thì bỏ đi ngay, nói sẽ quay trở lại và bảo tôi thu xếp ít quần áo phòng sẵn. Chiều tối hôm ấy, vang vang những tiếng nổ rung chuyển cả đường phố Sài Gòn rồi sau mới biết do Việt Cộng ném bom ở phi trường Tân Sơn Nhứt và pháo kích vào các khu dân cư mà ra. Điện bị cúp nữa làm cả khu phố tối hù. Cả đêm hôm đó, tôi gần như thức trắng để chờ cậu em quay lại trong tâm trạng sợ đạn pháo kích rớt xuống nhà mình thì khốn. Có lúc, tôi đi ra ngoài đầu ngõ thấy dòng người ta chạy qua lại trên đường bất chấp cả lệnh giới nghiêm. Tiếng còi hụ của xe cứu hoả, xe cứu thương trong tiếng súng nổ cùng tiếng máy bay ầm ì xa xa trên trời cao càng làm mình thêm lo thêm rối trí. Tôi quay về nhà nằm chờ đợi, lúc ngủ lúc thức vật vờ ở cái ghế dài salon phòng khách cho tới khi trời sáng rõ thì cậu ta lại đến, bảo: “Vụ di tản bằng phi cơ ở Tân Sơn Nhứt coi như chấm dứt rồi. Bom máy bay và đạn pháo 130 ly của Việt Cộng chiều tối hôm qua đã cày nát bề mặt phi đạo nên chắc người Mỹ phải tính cách khác. Khi nào anh nghe bài hát X này trên băng tầng FM thì phải nhanh chân chạy đến sứ quán Hoa Kỳ ngay… Em ghé báo tin anh biết và bây giờ thì phải đi chút công việc gấp, nếu không thấy em trở lại đây thì cả nhà cố tự thân đến đó, anh em mình sẽ gặp lại nhau thôi”. Cậu ta còn dặn nên thủ ít tiền đô trong người phòng có lúc cần dùng đến và nhớ đừng chần chờ, đi càng nhanh càng tốt. Khi cậu ta ra khỏi nhà rồi, tôi cứ để nguyên radio mở ở cái băng tần FM mà cậu vừa chỉ dẫn và nghĩ đích thực cậu này là nhân viên CIA như người trong họ hàng đã kháo nhau từ trước. Ở thời điểm đó, hỏi có mấy người Việt mình biết đến cái vụ bài hát X hiệu lệnh di tản này của người Mỹ.
– Á à! Thì ra cái bài hát tôi nghe kể người Mỹ đã dùng trong ngày di tản hôm đó đó phải không? Nghe nói máy bay trực thăng Mỹ sẽ đón người ở sứ quán Hoa Kỳ cũng như ở các toà buyn đinh khác nữa mà. Phải không anh giáo? Ông quân nhân chen vào.
Ông già nhất chưa trả lời thì anh chàng bộ đội hỏi:
– Bài hát trên băng tần FM hả bác? Bác còn nhớ nó không?
– Nhớ chứ! Can nãy mấy người có thấy tôi ngóng xem cái ti vi chơi một khúc chung với cảnh Noel đó không. Ông già nhất gật đầu, khẽ huýt gió một đoạn nhạc ngắn rồi khẽ khàng: “Đó! Đó! Thôi thì nói luôn cho biết. Bài hát X đó có tên là White Christmas và do nam ca sĩ Bing Crosby hát. Cậu em bảo tôi khi nào nghe thấy băng tần FM phát ra bài này thì nó chính là hiệu lệnh để di tản. Tôi chờ thì đến gần trưa mới nghe thấy bài hát này thật… Tôi đang mơ một mùa Giáng sinh tuyết trắng với các tấm thiệp Giáng sinh tôi đã viết… Lời của bài hát X. Tôi và vợ con chuẩn bị sẵn sàng chờ cậu ta đến nhưng rồi một giờ, hai giờ đồng hồ qua đi mà không thấy bóng dáng cậu này đâu cả. Vợ tôi nhớ lời dặn cũ thì lại thúc phải tự đi nhanh kẻo không kịp nên tôi lấy chiếc Honda Dame đèo vợ con chạy ngay đến sứ quán Mỹ. Dọc đường đi, tôi thấy lại cảnh chiến tranh tại Sài Gòn như hồi Tết Mậu Thân năm xưa. Từ Phú Nhuận vào nội đô không xa lắm mà tôi phải nhích từng đoạn từng đoạn trên đường nghẹt cứng người và xe. Mãi rồi khi đến được sứ quán Mỹ thì hỡi ơi… Quá đông con người ta đang xếp hàng dọc trên đường và ngay tại cánh cửa cổng ra vào, tình cảnh trông thật nản. Đám đông người xô lấn chen nhau đông đặc, không ai chịu nhường cho ai cả. Ai cũng muốn vào được bên trong toà nhà nhưng việc đó đâu có dễ dàng gì”.
Ông quân nhân lại hỏi:
– Nghe nói khi đó không chỉ một sứ quán Hoa Kỳ mà còn mấy buyn đinh khác nữa chính phủ Mỹ đã chọn ra để máy bay trực thăng đáp xuống đón người. Mấy buyn đinh đó ở chỗ nào trong Sài Gòn hả anh giáo?
– Mấy gì anh! Tới mười ba cái buyn đinh lận. Cái thì ở đường Trương Minh Giảng, cái thì ở đường Tú Xương rồi ở cả đường Gia Long nữa… Tôi chẳng nhớ hết đâu! Ông già nhất đáp lời.
Dòng người xếp hàng trước cổng sứ quán Mỹ để mong vào được bên trong
Nói xong thì ông già nhất ngồi thừ người ra như để dòng ký ức quay trở về ngày tháng cũ của năm đó. Ba người còn lại trong bàn yên lặng nhìn ông ta như một thông cảm cho tâm trạng riêng tư. Nhắc lại những kỷ niệm cũ, lòng ai không bồi hồi. Một lát thì ông già nhất lại tiếp:
– Thấy dòng người quá đông, tôi bảo với bà xã phải xếp hàng thôi, không cách nào khác… Trâu chậm thì uống nước đục. Mình tuy chậm nhưng sẽ là kẻ đến sớm so với các người khác còn đang ở nhà. Vất bỏ cái xe Honda Dame đi, tôi bảo vợ con chịu khó đứng trong hàng để giữ chỗ trước còn bản thân thì chạy lòng vòng tới lui chỗ này chỗ kia tìm cậu em họ. Phải có cậu ấy thì cả gia đình tôi mới mong vào bên trong toà đại sứ được. Tôi đi đến từng đám người tụm 5 tụm 3 bên kia đường và ở các con ngõ gần chung quanh sứ quán Mỹ nhưng không thấy cậu ta. Quay trở về dòng người, tôi xếp hàng lại với vợ con mình và cứ nhích từng bước cả tiếng đồng hồ sau thì gia đình cũng lần đến được cánh cửa cổng nhưng rồi lại bị lính thuỷ quân lục chiến Mỹ đẩy ra rìa ngay vì không có giấy tờ gì để vào bên trong sứ quán được. Không vào được bên trong, gia đình tôi cứ đứng ngay tại cánh cửa cổng, nghĩ cậu em tôi sẽ xuất hiện mà mãi chẳng thấy đâu. Sau thì thằng con trai tôi, khi đó nó mới khoảng 6 tuổi, bám theo chân một gia đình khác và nhờ vậy, đã âm thầm lẻn vào được bên trong sứ quán.
– Thằng bé khôn quá! Đúng con anh giáo. Ông quân nhân gật gù cái đầu và nở nụ cười.
Ông già nhất ánh lên ánh mắt tinh quái khi nghe ông quân nhân khen đứa con trai mình và tiếp ngay:
– Đấy! Vào được bên trong rồi thì thằng con tôi lại chạy trở ra phía cánh cửa cổng, lấy tay làm loa khẽ gọi và vẫy vợ chồng tôi nữa. Vợ tôi bập bẹ vài câu Anh ngữ với mấy gã lính thuỷ quân lục chiến Mỹ bảo đó là đứa con trai, nó theo chúng bạn chạy vào trong mà lại không chịu trở ra ngoài với bố mẹ. Mãi thì một gã lính cho phép vợ tôi vào trong để dẫn nó ra nhưng rồi bà ấy và đứa con trai biến mất luôn vào dòng người, chỉ còn lại mình tôi vẫn đứng bên cánh cửa cổng. Đây là một sắp xếp của vợ chồng tôi từ trước, ai cứ vào được thì vào, đi được người nào thì cứ đi còn hơn chết chùm cả đám. Vợ tôi vào được bên trong đó thì cố kiếm cậu em mà chẳng thấy rồi sau tình cờ thì bà lại gặp một cô bé gần nhà nên mới nhờ giúp. Cô bé này, có tên gọi là cô Hai cũng sống trong khu phố không xa và thỉnh thoảng đến nhờ tôi dạy thêm ít câu tiếng Anh đàm thoại. Không biết cô ta làm cái gì mà cũng có mặt trong sân sứ quán và nhận ra vợ con tôi nên mới đến hỏi chuyện. Hỏi rồi biết tôi còn kẹt ở bên ngoài thì cô bảo sẽ nhờ người chồng ra cánh cửa cổng thử gặp, may ra. Trời ơi! Cô bé này lấy chồng Mỹ từ lâu rồi mà thật khéo dấu, hàng xóm chẳng ai biết và cả gia đình tôi nữa. Vợ chồng cô bé Hai đi ra cánh cửa cổng gặp đám lính thuỷ quân lục chiến Mỹ rồi vẫy tôi lại gần hỏi xem có giấy tờ gì liên quan đến chính phủ Hoa Kỳ không. Tôi định lắc đầu thì chợt nhớ đến tấm ảnh Polaroid cũ liền vội lục trong cái túi xách tay PanAm lấy nó ra cho cả bọn họ xem. Cô bé Hai bảo với người chồng và các gã lính rằng tôi là nhân viên sở Mỹ ở một văn phòng ngoài miền Trung, chạy thoát tay Việt Cộng vào đây và giấy tờ đã mất hết chỉ còn duy nhất tấm ảnh. Mấy gã lính gác cổng chuyền tay nhau xem tấm ảnh và khi hỏi thêm chi tiết thì tôi lấy lý lịch của cậu em điền vào cho bản thân mình nhưng cũng chưa xong việc ngay. Khi một gã lính đòi tôi chi 500 đô thì mới cho vào bên trong thì tôi lấy ra cả một xấp tiền giấy nhưng đếm tất cả chỉ được 310 đô thôi. Lý do: Đô la Mỹ khi đó khan hiếm vô cùng, vợ tôi xoay mãi cũng chỉ đủ tiền mua ngần ấy nhưng lại toàn bạc lẻ. Lúc đầu, gã lính đó không đồng ý cứ khăng khăng phải có đủ 500 đô mới được. Cô bé Hai trổ tài thuyết phục, bảo bọn Việt Cộng mà vào đây thì chúng sẽ giết chết hoặc bỏ tù tôi ngay tức khắc nếu như còn kẹt lại, không chạy kịp. Chồng cô ta cũng nói vào và sau cùng gã lính đó mới chịu nhận xấp tiền và cho tôi đi vào bên trong. Nếu không có vợ chồng cô bé Hai này giúp thì bản thân tôi đành chịu cứ đứng ở cánh cửa cổng mãi vì làm sao mà vào bên trong toà nhà được. Nhưng sau này nghĩ lại, chẳng thà gia đình tôi đừng vào trong sứ quán Mỹ thì biết đâu sẽ hay hơn và sẽ không mất 310 đô mà cả nhà lại có thể đi thoát bằng tàu lớn ở bến Bạch Đằng. Nhiều người ở quận 4 đã di tản thoát thân ngay những phút cuối bằng tàu lớn ở đây mà chẳng mất đồng nào cả. Trở lại chuyện cũ thì vào trong sân sứ quán Mỹ rồi, tôi mới thấy cả ngàn người nam – phụ – lão – ấu đang ngồi, đứng, nằm chen chúc bên nhau trong dòng người xếp hàng rồng rắn để chờ được gọi đến lượt di tản. Hỏi thì mới hay có người đã vào đây từ mấy ngày hôm trước mà tới giờ, họ vẫn chưa nhúc nhích gì cả. Súng ngắn, ai đó vất bỏ vài khẩu nằm im phơi bóng dưới đáy cái hồ nước trong vắt. Bọn lính thuỷ quân lục chiến Mỹ cứ tách dân da trắng hoặc một số người Việt ra trước rồi đưa họ lên sân thượng để theo máy bay trực thăng UH ra hạm đội, người còn lại trong hàng thì phải chờ đi các lượt sau. Thấy cách đưa người di tản như vậy, ai cũng cho là quá chậm vì lâu lâu mới có một chiếc trực thăng đáp xuống mà chỉ chở được độ chục người trong mỗi chuyến. Cuối cùng, nhân viên làm việc ở sứ quán mới hạ lệnh cho cưa đổ cái cây to ở mé sân sau, lấy chỗ trống để trực thăng khổng lồ hạ cánh. Loại trực thăng này to lắm, tôi không biết tên nó… nhưng có thể chở được thêm khá nhiều người so với loại UH nhỏ xíu”.
– Trực thăng vận tải CH 47 Chinook phải không anh giáo? Ông quân nhân hỏi.
Ông già nhất nghe câu hỏi, lắc đầu:
– Không! Không phải loại Chinook CH 47 sâu rọm đâu anh. Loại trực thăng này khác anh à. Nó còn to hơn Chinook CH 47 nữa và cũng vì vậy mà không sử dụng được sau vài chuyến bốc người ở sân sứ quán Mỹ. Sức quay từ các cánh quạt của nó đã làm bể cửa kiếng các phòng, thổi muốn bay người đứng ở dưới đất và có thể sẽ làm sập cả những bức tường vây quanh toà nhà nữa nên kế hoạch dùng loại máy bay này để di tản người trong phút cuối đành phải bỏ. Chỉ dùng duy nhất loại trực thăng UH thôi và lính thuỷ quân lục chiến Mỹ cứ lần lượt đưa từng đợt, từng đợt người lên sân thượng. Sân thượng tuy rộng nhưng chỉ có một bãi đáp cho trực thăng UH mỗi lần xuống một, hai chiếc nên mình có muốn nhanh hơn cũng không được. Khi đó sốt ruột lắm.
Anh chàng bộ đội chen vào:
– Nghe bác nói thì rốt cuộc cả gia đình cũng không đi thoát. Vậy mà cháu nghe kể người Mỹ đưa máy bay trực thăng đáp xuống sân thượng sứ quán đón dân Việt di tản ra hạm đội 7 hết cả.
Ông già nhất gật đầu, nhắc lại câu vừa kể:
– Khi đó sốt ruột lắm… Phải! Cứ nghĩ gia đình mình vào được sứ quán Mỹ thì rồi sẽ đi thoát. Có ai ngờ! Cứ nhích từng bước một để theo nhau lên từng tầng của toà nhà. Tầng hai rồi tầng ba, tấng bốn… thật là lâu trong dòng người xếp hàng. Chiều xuống dần và đêm tối ì ạch trôi qua nhưng đám đông người di tản vẫn còn nghẹt cứng cho đến khi cả gia đình tôi đứng được trong dòng người ở cái cầu thang dẫn lên sân thượng, nơi máy bay trực thăng UH đáp xuống đón người. Rồi lên được tới sân thượng thì mừng muốn rớt nước mắt. Nhìn bầu trời chung quanh, Sài Gòn đã bắt đầu hưng hửng sáng, không khí buổi ban mai thổi mát mặt, làm mình tỉnh ngủ sau cả đêm dài thức trắng. Tôi nói lời an ủi khi thấy vẻ mệt mỏi trên khuôn mặt của vợ mình: Ráng chịu đựng thêm chút nữa đi… Ra được hạm đội 7 thì cả nhà ta sẽ ổn. Tiếng động cơ trực thăng UH từ xa xa vọng lại chung với tiếng gầm rú đinh tai của những khu trục cơ F4 Phantom đảo lộn trên cao để bảo vệ các chuyến bay di tản và rồi một chiếc trực thăng đã xuất hiện ngay ở phía trên đầu mình. Ục… ục… ục! Tôi nhìn lên, chiếc UH đó đang xuống thấp dần để bốc người như các chuyến trước đây. Gia đình tôi rồi sẽ ngồi trên chiếc trực thăng đó chỉ trong vài phút nữa thôi và thoát nạn. Tôi nghĩ vậy thì thấy gã lính thuỷ quân lục chiến Mỹ đứng ngay trước mặt thọc hai ngón tay vào miệng y để phát ra những tiếng tuýt tuýt như một hiệu còi. Sau đó, y ta co tay làm thêm một dấu hiệu mới thì mấy gã lính khác còn lại vội tản ra và đẩy cả đám người chúng tôi đi lùi dần xuống khỏi cái cầu thang. Xuống hết cái thang thì cả dòng người vẫn phải theo lệnh của mấy tay lính thuỷ quân lục chiến Mỹ để tiếp tục đi xuống các tầng dưới toà nhà rồi sau cùng thì đến tầng trệt và ra đứng hẳn ở trên sân sứ quán. Thấy tình hình như vậy, có người hỏi lý do thì một gã lính trả lời tập trung ở sân sứ quán để lên xe buýt chở vào phi trường Tân Sơn Nhứt và máy bay C 130 sẽ đón sau. Gã lính đó nói các tàu chiến của hạm đội 7 đã đầy người, không thể chứa thêm được nên phải chuyển phương cách di tản. Xuống dưới sân của toà nhà thì mới thấy số người chờ di tản vẫn đầy nghẹt tuy không đông như hôm qua. Bây giờ thì chẳng còn hàng ngũ trật tự gì như trước nữa, mạnh ai muốn đứng, ngồi hay nằm vật xuống sàn nhà hoặc bất cứ chỗ nào tuỳ ý nhưng đều giống nhau ở khuôn mặt chung nỗi lo âu cùng mệt mỏi. Vẫn đông người như vậy thì không biết ở cánh cửa cổng có còn ai không? Tôi nghĩ những người ở bên ngoài cánh cửa cổng cố hết sức để vào được bên trong sân toà nhà mà không biết cả đống người vẫn bị dính chặt ở đây chưa di tản và cũng chẳng biết tình hình rồi sẽ ra sao? Bất chợt có tiếng ai đó nói lớn cửa dẫn lên tầng trên đã bị thuỷ quân lục chiến Mỹ khoá chặt rồi. Nghe vậy thì có người nói phải phá ổ khoá cửa. Phá ổ khoá cửa, nhằm có đường để cả bọn mình đi lên trở lại cái sân thượng, chỗ máy bay trực thăng xuống đón người thì mới thoát. Phải làm vậy thôi, bọn mình mà không có mặt ở bãi đáp trên sân thượng, máy bay trực thăng sẽ bay qua luôn và đến các buyn đinh khác. Có người lại nói các xe buýt của sứ quán từ hôm qua đã chở người vào Tân Sơn Nhứt rồi phải quay về đây thì làm gì có vụ tập trung ở đó để lên máy bay C 130 như lời gã lính thuỷ quân lục chiến Mỹ nào đó nói. Mình bị người Mỹ bỏ lại rồi, kết luận là vậy. Những người đang phá ổ khoá cửa thì phải thối lui xuống ngay vì họ chịu không nổi hơi lựu đạn cay do lính thuỷ quân lục chiến Mỹ ném xuống. Hơi khói lựu đạn cay lan dần xuống tới tầng dưới, tôi nắm tay dẫn vợ và đứa con trai theo chân những người khác chạy vội ra chỗ đất trống của toà nhà để bớt ngộp. Ở đây, nhìn ra cánh cửa cổng vẫn còn khoá chặt và vẫn có người đang cố sức trèo qua lớp hàng rào kẽm gai giăng trên cao để nhẩy vào phía bên trong. Không một bóng người lính thuỷ quân lục chiến Mỹ nào cả dù khi đó tiếng máy bay trực thăng trên sân thượng vẫn ục ục vọng xuống đất. “Trực thăng đang bốc những người lính thuỷ quân lục chiến Mỹ cuối cùng và bỏ rơi bọn mình cả rồi…”, tiếng một ai đó thét lớn. Rồi tiếng người khóc rấm rức, tiếng người khác chửi thề chung với lời nguyền rủa bọn Mỹ đểu giả. Trời Sài Gòn khi đó đã sáng rõ mà đám người chúng tôi vẫn không ai dám bỏ ra khỏi toà nhà vì cố nuôi một niềm tin mơ hồ trong lòng: Lính thuỷ quân lục chiến Mỹ cùng các trực thăng rồi sẽ quay trở lại đây và sẽ áp tải hết tất cả người Việt đến thẳng hạm đội 7. Họ sẽ giữ lời hứa như một nhân viên sứ quán đã cam kết vào chiều tối ngày hôm qua “Tất cả các bạn người Việt hiện diện ở đây sẽ được bốc ra hạm đội 7 hết cả. Chúng tôi đang thực hiện chiến dịch di tản. Hãy yên tâm và giúp chúng tôi duy trì trật tự, đi theo hàng ngũ”. Ở góc tường sát với toà nhà bên cạnh, chút khói trắng vẫn bốc lên từ mấy thùng phi sắt mà ngày hôm qua, các nhân viên của sứ quán đã đốt rất nhiều chồng hồ sơ cùng giấy tờ tài liệu mật. Không ai được lại gần mấy thùng phi đó và nhân viên có lúc phải rưới thêm dầu vào để ngọn lửa cháy nhanh hơn. Tình cảnh hiện tại, đám chúng tôi chẳng biết phải làm gì ngoài việc chờ đợi di tản trong vô vọng. Có người suy đoán không chừng công binh đã sửa cấp tốc xong cái phi đạo trong Tân Sơn Nhứt rồi và bọn mình sẽ được di tản bằng máy bay vận tải C 130 như lời gã lính thuỷ quân lục chiến Mỹ đã nói. Bọn mình ở đây cộng thêm số người ở các buyn đinh khác nữa sẽ rất đông, không thể dùng trực thăng di tản hết được và chỉ một cách vào Tân Sơn Nhứt thì mới xong việc. Sau mới biết các tin đó để trấn an tinh thần của nhau. Không thể phá được cái ổ khoá cửa thì vài người lại đi đập bể tấm kiếng của các gian phòng gần đó. Tôi kéo vợ con đến một chỗ kín gần góc nhà và ngồi im để chờ điều chưa biết sắp xẩy đến. Tôi yên lặng khi nghe lời thì thào của bà xã: “Mình làm gì bây giờ anh?”. Tôi không thấy đói bụng ngoài cái mệt mỏi của thân xác. Lương khô, nước ngọt và những lon đồ hộp từ các thùng Ration C nằm lăn lóc đầy trên sàn nhà mà chẳng có ai màng đến. Tôi rối trí khi vợ tôi nhắc lại câu hỏi cũ và chỉ biết lắc đầu vì phải lo lắng nhiều thứ trong một thời gian quá ngắn ngủi.
– Phải chi lúc đó gia đình anh chạy ngay đến bến Bạch Đằng thì may ra còn kịp chuyến di tản. Sau này, nghe tin trên đài VOA, BBC… tường thuật về buổi trưa hôm 30 tháng 4 năm đó, có mấy chiếc tàu thương mãi chở người vừa rời khỏi bến Bạch Đằng độ mươi mười lăm phút thì xe tăng T 54 Cộng Sản Bắc Việt mới xuất hiện ở khu vực kho 5 Khánh Hội. Mấy thương thuyền đó chạy thoát hết ra biển rồi nhập chung với đoàn tàu hải quân Mỹ luôn. Ngẫm lại, thấy do cái số cả anh giáo à. Ông quân nhân thẽ thọt.
– Vậy! Do cái số cả. Ông già nhất lập lại lời nói của ông quân nhân.
– Cuối cùng thì người di tản ở sứ quán Mỹ ra sao hả bác? Trực thăng không đón, cứ chờ mãi ở đó cho đến khi Việt Cộng vào? Anh trẻ tuổi nhất cất tiếng hỏi.
– Còn sao nữa hả cậu! Khi có tin từ ngoài phía cánh cửa cổng bảo là xe tăng T 54 Cộng Sản Bắc Việt chiếm được Ngã Tư Bẩy Hiền, rồi kế đó lại cái tin bọn chúng đã vào được bên trong bộ Tổng Tham Mưu và hiện có một đoàn xe tải Molotova đang trên đường đi đến sứ quán Mỹ này. Tin đó vừa loan ra thì ôi thôi! Không ai bảo ai đều đồng loạt đứng lên, cùng chạy đến cánh cửa cổng và phá banh nó để tìm đường thoát ra được bên ngoài cho nhanh. Tôi và vợ con ra khỏi sứ quán Mỹ và khi đi vào con hẻm nhỏ của ngày hôm trước, chiếc xe Honda Dame vất bỏ vẫn còn nằm nguyên nơi đó. Không ai thèm đụng đến vì nó cũ mèng và chung quanh, vài chiếc xe hơi, xe Vespa, xe Lambetta, xe Standard, xe Honda SS 50 láng coóng còn nằm đầy ra đấy. Nước mất tới nơi, thân không biết có giữ được không thì mấy của nả này ai cần đến. Tôi lấy xâu chìa khoá còn giữ ở trong túi quần và nổ lại máy chiếc xe. Trên đường chạy xe về lại nhà mình, trước mắt tôi ở từng đoạn đường đi ngang qua là các chiếc xe tăng T 54, xe tải Molotova cắm cành lá giả trang ở các cạnh thùng… chở đầy bộ đội chính quy Cộng Sản Bắc Việt chạy ngược chiều đường để vào bên trong nội đô Sài Gòn. Ở vài giao lộ, xe thiết giáp M 113, xe tăng M 41, xe nhà binh GMC đầy vũ khí mà không một bóng lính mình chung quanh. Những gốc cây, cuối một hẻm đường… quân phục lính mình bỏ nằm gọn ở dưới đất chung với các mũ sắt, súng cùng dây ba chạc còn đầy các băng đạn… thấy mà đau lòng. Còn có cả xác lính mình nằm chết bên lề đường nữa, chẳng biết do người ấy tự sát hay bị trúng đạn khi giao tranh. Thấy một nhóm người vừa đàn ông vừa thanh niên cởi trần, quần cụt đứng lớ ngớ, thất thểu bên cạnh đường, tôi dừng xe lại nhìn họ… đoán là lính mình đây và quả thật là vậy. Tự dưng một nỗi buồn vô hạn dâng trào trong lòng tôi vì chỉ trong một thời gian có vài tháng mà đất nước mất hết vào tay giặc, tan hàng tập thể cùng một ngày. Ông già nhất khẽ chắt lưỡi, lắc đầu.
– Người em bà con cô cậu gì của bác, số phận chú ấy ra sao? Anh bộ đội hỏi.
Ông già nhất khẽ lắc đầu, đáp:
– Cậu em bà con hả? Sau cái hôm đó, tôi chẳng bao giờ gặp lại lần nữa… cho đến tận bây giờ. Không biết cậu ta có kịp di tản hay bị kẹt lại. Cậu ta có đến các buyn đinh khác? Tôi thực chẳng biết nữa. Tôi mà định cư ở Mỹ rồi nếu có thì giờ rảnh, sẽ thử dò tìm tin tức xem sao. Hy vọng rồi sẽ gặp lại cậu ta.
– Còn cái cô me Mỹ, chắc cũng đi được hả bác? Anh bộ đội hỏi thêm.
– Khi giúp tôi vào bên trong sân rồi thì ít lâu sau, vợ chồng cô bé Hai được nhân viên toà đại sứ tách riêng rồi đưa họ lên sân thượng. Ông già nhất cười và tiếp lời: “Kể ra thì chua chát thật, me Mỹ lại ưu tiên di tản trước cả những sĩ quan, viên chức cao cấp của chính quyền miền Nam VNCH mình”.
– Anh giáo nói sao, tôi chưa hiểu? Ông quân nhân thắc mắc.
– Thế này! Ừm… Ừm. Ông già nhất khẽ hắng giọng, tiếp: “Khi đứng hết cả ở sân toà nhà rồi thì chúng tôi mới biết, trong số người bị kẹt lại, có một ông thiếu tướng Nam Hàn, một ông thiếu tướng Đài Loan và cả một số người Âu Châu nữa”.
– Người Âu châu! Ý bác muốn nói là dân da trắng, tóc vàng, mắt xanh lơ. Anh trẻ tuổi nhất bập bẹ lời.
– Phải! Chính vì có những người Âu châu này nên đã làm cả bọn chúng tôi nghĩ họ là người Mỹ thì trực thăng UH sẽ quay trở lại đón và mình sẽ theo chân đi cùng. Chừng hỏi ra thì mới biết họ là người Tây Đức, người Ý Đại Lợi và cả dân da đen vùng Bắc Phi, người Á Căn Đình ở Nam Mỹ nữa. Trong số họ, tuy da trắng tóc vàng hoặc tóc nâu, tóc đen… nhưng đều không phải là công dân Mỹ. Thế có bỏ mẹ không! Người Mỹ thực thụ thì đi mất hết cả rồi, đám Âu châu ở đây giờ cũng như dân Việt mình, kẹt giỏ hết cả đám. Tại sao đám người này lại có mặt ở đây? Họ là nhân viên các hãng buôn ngoại quốc, dân du lịch hoặc nhân viên các sứ quán nước khác bị kẹt lại và chạy vào đây để mong được sứ quán Mỹ giúp cho di tản hòng thoát tay bọn Việt Cộng. Mẹ kiếp! Dân Âu châu mà cũng tránh mặt bọn Việt Cộng y như người khoẻ mạnh tránh gặp bệnh nhân phong hủi. Chờ mãi mà không thấy máy bay trực thăng đến thì màn đập phá lại tiếp tục. Có một căn phòng bị đập bể cửa tan hoang và nhờ vậy, vô tình đã giải thoát cho 2 ông bộ trưởng đang bị nhốt trong đó. Thế mới hài hước! Hai ông này, ra được ngoài căn phòng rồi còn tưởng việc di tản vẫn đang tiếp tục. Hỏi, cả hai kể là đã vào sứ quán từ ngày hôm trước lận, lính thuỷ quân lục chiến Mỹ dẫn cả hai ông vào căn phòng đó bảo ngồi chờ sẽ đến lượt gọi ra để đi và mấy cái samsonite hành lý thì phải tách ra, mang lên tập trung trước ở sân thượng. “Các ông sẽ nhận lại khi ra tới hạm đội 7”, một gã lính thuỷ quân lục chiến Mỹ cam đoan và thế là hai ông này tèo hết hành lý. Phòng đó có tường cách âm, có tủ lạnh và đầy đủ các thứ cần dùng không khác gì khách sạn nên hai bộ trưởng nhà ta cứ yên tâm chờ. Ta phải nhớ rằng, trước đó độ hai tuần lễ, sứ quán Mỹ ở Nam Vang bên Campuchia cũng có cái màn trực thăng bốc người di tản sang Thái Lan rồi và, chắc cũng đã có mấy ông to – bà lớn Campuchia bị lính thuỷ quân lục chiến Mỹ đỡ nhẹ cặp samsonite, túi xách tay kiểu như vậy. Ông già nhất khẽ cười.
– Hai ông bộ trưởng đó chắc đã mất khá nhiều tiền đô và có thể cả vàng cục, nhẫn hạt xoàn nữa. Tui thấy mấy cha nội thuỷ quân lục chiến Mỹ chơi một cú quá gọn. Cứ tham nhũng cho cố đi rồi thì cũng trắng tay. Anh chàng mua bán chợ trời nói.
Ông già nhất lắc đầu, nói:
– Bên Campuchia tôi không biết chứ hai ông bộ trưởng đó thì nghĩ tài sản họ mang theo cũng chẳng có là bao. Giỏi lắm là chục ngàn đô, vài lượng vàng lá trong cặp là cùng, vậy thôi. Tôi nói chỉ có như thế là vì một người làm chức bộ trưởng, nếu muốn tham nhũng, người đó cũng phải ngồi ở vị trí có thể kiếm ăn được thì mới có miếng, không gặp chỗ ngon thì cũng đành chịu. Thêm nữa, hai ông này tôi nghe tiếng trên báo là những người có tư cách nên họ mới tin lời nói của mấy tay lính mà giao hành lý mang theo. Bản thân mình thành thực thì cũng nghĩ người khác thành thực như mình. Người khác mà samsonite đựng đầy nhóc tiền đô, vàng lá, nhẫn hạt xoàn thì đời nào chịu đưa cho ai giữ hộ… Đồng tiền liền với khúc ruột mà.
Ông quân nhân lại hỏi:
– Tại sao sứ quán Mỹ lại bỏ rơi không đón hết những người đã được họ chọn cho vào trong toà nhà. Có gì lấn cấn trong nội bộ không hả anh giáo?
– Lúc đầu ai cũng cho là do bộ đội chính quy Cộng Sản Bắc Việt vào tới Sài Gòn quá nhanh nên sứ quán Mỹ đành bỏ rơi người lại, không thể di tản hết cả nhưng tôi thì nghĩ cũng không hẳn là vậy. Ông già nhất ngồi yên trong chốc lát như một cân nhắc điều sẽ nói và sau đó tiếp lời: “Anh nhớ lại đi, chiều ngày hôm trước… tức ngày 29 đó… Ở hướng Tây Bắc Sài Gòn, Bắc Việt đã chiếm được trại huấn luyện tân binh Quang Trung ở vùng ngã tư An Xương rồi. Từ nơi đó vào tới ngã tư Bẩy Hiền chỉ cách độ 6 hay 7 cây số đường là cùng. Ngã tư Bẩy Hiền thuộc quận Tân Bình và cứ thẳng đường Phạm Hồng Thái thì sẽ đến chợ Bến Thành ngay. Tự dưng bọn chúng dừng chân như cố ý… chờ. Chờ cái gì vậy? Chờ cho xong vụ di tản người từ Sài Gòn ra hạm đội 7. Tại sao có vụ chờ này? Phải chăng có một thoả thuận ngầm nào đó giữa người Mỹ và tụi Cộng Sản Bắc Việt hay không thì chẳng ai biết nhưng mình có thể dự đoán theo chiều hướng đó. Phía Cộng Sản Bắc Việt sẽ ngưng bắn từ giờ X đến giờ Y để các trực thăng Mỹ an toàn khi chở người di tản ra hạm đội 7. Các trực thăng đón người hầu như bay rất thấp về hướng Đông để ra biển và trực chỉ thẳng đến hạm đội 7. Đây quả là miếng mồi ngon cho loại hoả tiễn tầm nhiệt SA 7 của bọn Việt Cộng ở vùng Rừng Sát, sông Lòng Tàu nếu như chúng muốn nhắm bắn vào phi cơ. Hoả tiền tầm nhiệt SA 7 là loại súng cá nhân, vác trên vai khi khai hoả. Sáng sớm ngày 29 khi trời chưa rõ hẳn, bằng loại hoả tiễn tầm nhiệt SA 7 này, bọn Việt Cộng đã bắn rớt một máy bay C 119 ngay trên bầu trời Sài Gòn. Thử nghĩ chỉ cần vài máy bay trực thăng UH ăn phải hoả tiễn tầm nhiệt SA 7và bị rớt thì vụ di tản chắc chắn sẽ phải ngưng lại ngay. Ngưng lại có thể một ngày, hai ngày và sẽ kéo dài thêm nữa. Thuỷ quân lục chiến Mỹ buộc phải nhập cuộc rồi sẽ có lính chết, máy bay bị rớt thêm và làm dân Hoa Kỳ bên chính quốc nổi nóng. Biết đâu khi các sự việc đó xẩy ra dồn dập khiến người Mỹ phải thay đổi sách lược và đòi các phe liên quan ở Việt Nam phải tuân theo hiệp định Ba Lê 1973. Rồi máy bay B52 lại được lệnh cất cánh trở lại chung với việc thuỷ quân lục chiến Mỹ đổ bộ để tham chiến. Ta biết người Mỹ đã ép chính quyền miền Nam VNCH mình khi ký hiệp định Ba Lê 1973 mà rồi họ có tuân thủ theo đâu nên bọn Cộng Sản Bắc Việt nó mới lấn tới, lấn tới mãi. Mình thử nghĩ như vậy đi. Thực ra bọn Cộng Sản Bắc Việt rất sợ người Mỹ nên chúng gần như án binh bất động cả bao nhiêu tiếng đồng hồ cho đến khi giờ Y tới, các phi vụ di tản phải chấm dứt theo thoả thuận ngầm này dù vẫn còn rất đông người đang chờ ở sân sứ quán cũng như ở các buyn đinh khác. Nghĩ được như vậy thì mình mới thông cảm người Mỹ đã cố hết sức để đưa dân Việt di tản mà không xuể. Nghĩ được như vậy thì mới thấy chuyện có mặt của nhóm mình tối hôm nay trong trại tị nạn này cũng có phần lớn trách nhiệm của người Mỹ. Như A là nguyên nhân của B và B là đầu mối của C… vậy. Câu chuyện của tôi tới đây là hết”. Ông già nhất lấy tay phất ngang như một dấu hiệu kết thúc một sự việc.
Thoáng yên lặng trôi qua với bốn người họ. Ông quân nhân rít tiếp hơi thuốc lá đang cháy dở trên tay còn ông già nhất cầm cái ấm trà định rót uống thì thấy đã nó cạn nên bỏ xuống trở lại. Hai cậu trẻ tuổi ngồi yên, trơ mắt nhìn. Bất chợt tiếng còi hụ vang lên từ cái loa phóng thanh trên cột đèn đường gần đó khiến cả bốn người họ đồng loạt đứng lên và lục tục theo chân những người khách khác để ra khỏi quán. Giờ giới nghiêm đến rồi, không ai có thể nán lại thêm chút nào được nữa, sẽ rất phiền nếu bị police trong trại bắt gặp.
Đi sát bên nhau trong một hướng khác để về lại barrack, anh bộ đội nói với anh trẻ tuổi nhất:
– Bây giờ thì đến phiên nhóm mình tan hàng. Thôi về ngủ ngon nha mày, mình sẽ gặp lại nhau tối mai. OK!
Không biết khi gặp lại nhau trong chầu cà phê lần tới thì bốn thuyền nhân này sẽ chọn câu chuyện của ai đã kể đêm hôm đó là hay nhất. Còn các bạn đã đọc đến dòng chữ này, sẽ nghĩ sao?
Chuyện Kể Đêm Mùa Đông Năm Ấy
Phạm Thắng Vũ
Lại một mùa Giáng sinh đang đến gần, câu chuyện dưới đây là của 4 thuyền nhân sống rải rác trong các barrack tại một trại tị nạn thuộc vùng Đông Nam Á.
Ở đâu cũng vậy, tuy là trại tị nạn nhưng từ hơn cả tuần nay, không khí Giáng sinh đã rõ nét qua các giai điệu nhạc Noel trong các quán cà phê, trên màn hình ti vi khi chiếu cảnh mùa đông tuyết phủ với lò sưởi ấm cúng bên cạnh cây thông xanh – chùm đèn lấp lánh đặt trang trí ở góc phòng trong các gia đình bên trời Tây. Sẩm tối hôm đó, bốn người họ gặp nhau ở một bàn trong góc quán cà phê. Họ là: Ông già nhất, vợ con còn lại bên quê nhà, từng đi dạy học và mua bán sách báo cũ mưu sinh trước khi vượt biên, ông thứ hai, gốc là một quân nhân từng coi tù binh chiến tranh tại Phú Quốc, vợ chết khi vượt biên nhưng hai đứa con đang sống ở Mỹ, anh thứ ba, khoảng ba mươi, bộ đội đào ngũ từ đơn vị ở Campuchia và người cuối cùng là dân mua bán ở chợ trời, trẻ tuổi nhất trong số họ.
Anh bộ đội nói với ông già nhất:
– Năm nào cứ đến những ngày lễ như Giáng sinh này làm cháu nhớ lại những kỷ niệm cũ bên quê nhà. Nhớ và buồn quá bác.
Ông già nhất gật đầu nhè nhẹ để ông quân nhân đáp lời thay:
– Ai mà không cùng tâm trạng như cậu, mình ở đây xa cách quê nhà làm sao mà không nhớ thân nhân cho được. Hồi tôi ở Phú Quốc kìa, ngay trên quê hương mình đấy mà nhớ gia đình vô kể. Vài hôm nữa là Giáng sinh rồi lẩm nhẩm tháng hơn, lại đến Tết ta.
Anh trẻ nhất gật đầu:
– Tui cũng vậy. Nhớ gia đình quá mấy ông ơi!
Ông già nhất nói với ba người họ:
– Nghe ai nói cũng buồn và nhớ nhà nên tôi có cái ý này, không biết mấy ông thì sao?
Ý gì vậy! Nói ra đi… Cả ba người hỏi.
– Ngồi nhớ nhà mãi thêm buồn rồi cứ vậy thì sẽ rất chán nên tôi đề nghị tối hôm nay: Mỗi người trong chúng ta hãy kể câu chuyện cũ hoặc một kỷ niệm gì gì đó đã xẩy trong đời mình ở cái đêm Giáng sinh cho cả nhóm biết, xem coi chuyện ai hay nhất, quý vị nghĩ sao?
– Còn nghĩ sao nữa, tui đồng ý với ý kiến của bác. Anh trẻ nhất trả lời rồi sau đó quay qua hỏi ông quân nhân và anh bộ đội: “Không biết chú và anh đây thế nào?””.
– Tôi là một Phật tử nên nếu bảo kể chuyện về ngày Giáng sinh đạo Chúa thì chịu chết… Nhưng anh giáo (ông quân nhân thường ngày vẫn gọi ông già nhất là anh giáo) đã nói vậy thì ai có chuyện rồi cứ kể ra trước đi. Có người kể thì cũng cần có người nghe chứ, phải không nào? Nếu đồng ý cả thì xin anh giáo là người đầu tiên vì dầu sao đây cũng là đề nghị của anh và anh cũng thuộc hàng “trưởng thượng” trong nhóm mình, tôi nghĩ vậy.
Trưởng thượng ở đây là do sự hiểu biết cùng tuổi tác của ông già nhất mà ba người còn lại trong nhóm đã đồng ý từ khi họ làm bạn cà phê – thuốc lá với nhau.
Anh trẻ nhất tán đồng:
– Đúng quá! Kính lão đắc thọ! Người lớn tuổi kể trước rồi hàng em hàng cháu mới dám theo sau chứ.
Ông già nhất gật gật cái đầu như xác nhận mình “người lớn tuổi ” ở cái bàn này nhưng lại bảo:
– Đáng lẽ tôi đầu tiên nhưng tuổi trẻ bao giờ cũng là tương lai của dân tộc. Vậy, tôi đề nghị người trẻ nhất kể trước rồi cứ thế dần dần lên cho đến lượt tôi, đi sau cùng. Mình lớn tuổi rồi… lót tót theo sau thanh niên vậy. Đồng ý nha! Không bàn cãi tới lui gì nữa.
Anh trẻ nhất nghe vậy, trả lời liền:
– Không cho bàn cãi tới lui! Vậy nói tui mở màn trước. Được! Nhưng tui có một thắc mắc này xin muốn hỏi bác, chú và anh đây. Mới ban nãy, nghía qua cái ti vi, tui thấy trên đài chiếu quảng cáo về ngày Giáng sinh lúc thì Christmas lúc lại Xmas mà không biết tại sao. Chữ nào đúng, chữ nào sai và có phải chữ X là viết tắt của chữ Christ không?
Anh chàng này người miền Nam nên nhân xưng đại danh từ của anh ta khi nói chuyện với người khác đều một chữ: Tui, không biết khi anh nói chuyện với các thân nhân ruột thịt trong nhà thì cách xưng hô ra sao? Câu hỏi coi vậy mà khó trả lời ngay, ông quân nhân và anh bộ đội đều đưa mắt nhìn về ông già nhất, họ cũng chờ câu giải đáp. Ông già nhất nhìn cả ba người họ rồi nhăn nhăn vầng trán như khởi động bộ não của mình:
– À! Christmas là tiếng Anh. Christ là Chúa Cứu Thế còn mas là tiếp vĩ ngữ của chữ Christ. Mas xuất xứ từ chữ cổ Latin Âu châu là Missa mà ra. Missa là thánh lễ… Vậy Christmas là lễ mừng Chúa giáng sinh. Còn Xmas thì tôi đã từng nghe bảo X là một hàm số của mas do đám trí thức trẻ thuộc đạo Thiên Chúa bên trời Tây đặt ra cho money, amusement và self. Xmas coi vậy mà có ý nghĩa ngầm đấy. Cũng hay ra phết.
Thấy ba người họ trơ mắt nhìn vì chưa hiểu ý, ông ta tiếp:
– Trong chữ mas thì các chữ m, a, s được viết tắt từ money tiền bạc, amusement thú vui và self cái tôi hay cái ta. Chúng ta hãy tự xét mình rồi đối chiếu nó với ba chữ này thì sẽ tìm ra đáp số của X. X là ẩn số của ngày Giáng sinh đối với từng người.
Nghe như vậy, ông quân nhân cắt ngang:
– Ý anh giáo nói Xmas là đạo Chúa dạy ta nên sống theo kiểu biết xài đồng tiền cho đúng chỗ, đem niềm vui đến cho người khác và quên cái tôi mình đi, chỉ nên nghĩ cho tha nhân phải không?
– Phải! Đó là thông điệp của mỗi mùa Giáng sinh hàng năm. Ông già nhất gật đầu.
– Lạ nha! Lần đầu cháu mới nghe chuyện này đó. Hay quá bác! Anh bộ đội tán thưởng.
Nghe lời khen, ông già nhất khẽ cười như tự thưởng công cho niềm hãnh diện riêng cá nhân mình và quay qua bảo với anh mua bán chợ trời:
– Giải đáp thắc mắc cho rồi thì kể chuyện của cậu đi.
Lời nhắc của ông già nhất đã kéo anh trẻ nhất trở về “phận sự ” của mình. Anh ta sửa lại thế ngồi và đằng hắng ứ ừ ít câu trong cuống họng rồi nói:
– Bảo ai trẻ nhất thì phải kể trước tiên nhưng tui lại không biết chuyện gì về nhà thờ, về ngày lễ Giáng sinh đạo Chúa cả để mà tám ra đây. Gia đình tui theo đạo ông bà, thờ cúng tổ tiên bao đời rồi. Khó à nha. Thôi, có chuyện này gần gần với ngày Giáng sinh trong đời tui, không biết có thể kể ra được không nữa.
– Được! Được!… Kể ra đi! Ba người còn lại nhao nhao miệng.
Anh trẻ nhất bắt đầu:
– OK! Năm đó, đám tổ chức vượt biên dẫn tui xuống một vùng gần biển của tỉnh Trà Vinh để chờ taxi đưa ra cá lớn. Gọi là gần biển nhưng thực sự còn xa lắm vì chỗ họ ém tui ở lại nằm trong một cù lao heo hút không biết có phải thuộc huyện Trà Cú không nữa. Chủ nhà bảo từ đây ra được đến biển phải chạy ghe mất cả hàng giờ đồng hồ mới xong. Ém trong nhà đó vài ngày, tui lại được họ chuyển đến ở chung với ba cô gái khác trong căn chòi nằm giữa khu vườn cây ăn trái. Ở chung với người khác phái cũng đỡ buồn dù chẳng có gì với nhau. Khi đó là tháng 12 gần cuối năm rồi, mùa mưa cũng vừa hết nên đám tổ chức dự định sẽ đánh chuyến ngay trong đêm 22 là ngày kỷ niệm thành lập quân đội Việt Cộng. Đám tổ chức tính trong ngày lễ này, mấy tay bộ đội biên phòng vùng duyên hải Trà Vinh vì mải ăn uống nhậu nhẹt trong ngày lễ, sẽ lơ là việc canh gác nên có thể làm chuyến vượt biên thành công. Tính vậy mà không xong, bộ đội biên phòng tuy ăn nhậu nhưng họ vẫn canh gác chặt chẽ. Tui và ba cổ đã ra bãi ngồi chờ taxi rồi mà không xong. Đám tổ chức không đánh chuyến được nên họ lại tách cả nhóm ra, đưa mình ên tui đến trốn trong một xóm nhà dân rất lạ. Ba cô kia, họ đưa đi đâu thì tui không rõ. Đổi chỗ ẩn náu để an toàn và cũng để chờ chuyến mới thôi. Xóm dân cư đó chỉ độ gần hai chục căn nhà, người không nhiều lắm nhưng cái lạ ở đây là có những gia đình trong xóm, thân thể họ cao lớn hơn người mình, làn da họ đen hơn người Miên, mắt họ có khoen dưới mí và môi thì đỏ chót. Khi cười, hầu như ai trong số họ cũng phô hàm răng rất trắng nên trông giống như dân Phi Châu mà thực ra không phải. Họ nói chuyện với nhau và với cả tui nữa đều bằng tiếng Việt rất rành rẽ. Tụi ba Tàu bán hàng ở chợ trời Tân Thành trong Chợ Lớn tui gặp hàng ngày tuy nói rành tiếng Việt nhưng cái âm còn lơ lớ ngọng nghịu không được như đám dân này đâu. Ở trong nhà họ mà tui chẳng thấy trưng bàn thờ, bàn thiên gì cả. Không biết họ là giống dân gì? Người Chàm hay bà con của dân tộc Phù Nam mà lịch sử mình kể đã từng tồn tại ở vùng Óc Eo ngày xưa?
– Tôi nghĩ họ không phải là người Chàm. Ông già nhất chen vào và nói tiếp: “Người Chàm mà họ còn có tên khác Chiêm Thành thì chỉ ở ngoài miền Trung là chính vì đây là cố đô của họ. Tỉnh Trà Vinh chỉ có người Khmer tức người Miên, người Việt và dân ba Tàu thôi. Người Chàm ở miền Nam thì ta thấy họ sống ở vùng Châu Đốc mà bây giờ mình gọi là tỉnh An Giang đó. Tôi cũng không nghĩ đám dân đó là người Phù Nam vì theo lịch sử kể, quốc gia này đã biến mất từ thế kỷ thứ 7 rồi. Xa tít mù so với thời đại bây giờ lắm lắm. Óc Eo chỉ là một địa danh trong vùng núi Ba Thê ngày nay mà có lúc dân khảo cổ bảo đấy từng là một hải cảng sầm uất nhưng đối chiếu trên thực địa, hiện nó cách bờ biển rất xa”.
Nghe như thế, anh trẻ nhất hỏi:
– Vậy dân sống ở xóm tui kể đó là người nào hả bác?
– Cậu kể thì tôi nghe vậy chứ khó biết lắm vì tới bây giờ giới khảo cổ vẫn chưa xác định chắc chắn về sắc tộc của dân gọi là Phù Nam xưa. Có thể đám dân này đến nước Việt từ thời xa xưa nào đó… mà cũng có thể chỉ mới khoảng trong một hai trăm năm gần đây thôi. Biết đâu họ gốc gác là dân Ấn hay một sắc tộc Hồi nào đó thuộc vùng Nam Á Châu đã phải bỏ chạy khỏi quê hương họ để tìm nơi trú thân sau một cuộc binh lửa tranh giành ngôi báu, quyền hành. Thời xưa, cách chạy trốn tốt nhất thì cũng chỉ bằng phương tiện ghe thuyền vì nó vừa nhanh vừa mang được nhiều người cùng một lúc. Thời nhà Lý, mấy ông hoàng cũng dùng ghe thuyền chạy trốn thái sư Trần Thủ Độ mà bây giờ, lịch sử bảo còn tung tích ở tận đâu bên nước Đại Hàn. Mấy người đó cũng vậy, họ đi bằng ghe thuyền và khi đến được vùng ven biển nước mình để ẩn náu, bảo tồn tấm thân trước đã, chuyện quay trở về xứ phục hận sẽ tính sau. Cứ vậy rồi dần dà theo thời gian, con cháu họ lần hồi đã quên hết các tập tục ông bà để lại. Và, trong giao tiếp với dân địa phương là người Việt mình ở chung quanh, họ từ từ mất dần luôn ngôn ngữ riêng. Chỉ có hình hài, dòng giống… là tồn tại thôi.
Ông quân nhân hỏi:
– Xóm nhà đó ở đâu trong vùng Trà Cú – Trà Vinh vậy cậu?
Anh trẻ nhất lắc đầu, nói:
– Đám tổ chức đưa đón trong đêm trong hôm nên tui không biết. Nghĩ lại lúc đó tui thấy mình cũng dở ẹt ở chỗ không chịu hỏi người ta.
Ông quân nhân tiếp:
– Cuối cùng thì chuyến vượt biên đó ra sao? Cậu bảo cái gì gần gần với ngày Giáng sinh đó mà nghe thấy gì đâu.
Anh trẻ nhất ngồi yên giây lát rồi kể:
– Nấn ná hơn tuần lễ ở đó mà không thành, sau cùng phải quay về nhà thôi chú… Ai từng bị ém kín chờ lúc xuống taxi thì có gì hay ho đâu mà kể. Hồi hộp thấy mẹ. Nghe tiếng chân người đến gần thì cầu mong đó không phải công an, du kích đi tuần. Có một việc mà tui không biết nói như thế nào. Đám tổ chức đưa tui đi ẩn náu trong một căn nhà gần như bỏ hoang không có người ở… căn nhà đó có mấy buồng thì không biết nhưng họ đưa tui vào trong một buồng có cái lẫm chứa lúa khá lớn. Họ bắc cái thang tre sát vách buồng, bảo tui trèo vào lẫm và ngồi im trong đó, chờ họ. Trong cái lẫm đó, lúa cạn gần sát đáy và đã có một ông ngồi thù lù từ trước rồi. Xong, họ lấy tấm nắp đậy kín lẫm lại để không ai biết có tụi tui rồi bỏ đi mất tiêu. Ở chung, hỏi tên nhau thì tui được biết ông đó tên Phi, cũng vượt biên chung chuyến. Ở im trong căn buồng, cứ đến giấc trưa, chiều tối thì có người họ đến đưa đồ ăn và cho hai đứa tui ra ngoài vệ sinh tắm rửa một lát rồi trèo trở lại vào cái lẫm trốn. Cái lẫm chứa lúa làm bằng tấm tre đan nên tuy ngồi bên trong nhưng tụi tui vẫn có thể thấy bên ngoài qua các khe hở của mắt lưới. Có người ở chung thì mình cũng vui nhưng mệt vẫn mệt dù chẳng làm việc gì, có lẽ vì sợ mà ra. Một buổi quá trưa, cơm nước xong xuôi rồi, đang thiu thiu ngủ thì nghe có tiếng chân người bước phía bên ngoài nhà, tui tỉnh giấc ngay. Ông tên Phi đó cũng vậy. Hai đứa tui choàng dậy và qua các mắt lưới tre, một cô gái đẩy cửa vào trong căn buồng. Cô ta nhìn cái lẫm lúa, nhìn chung quanh căn phòng rồi từ từ… cởi quần áo mình ra. Trời! hai đứa tui nín thở luôn nhưng vẫn nhòm. Cô gái thoát y, thay bộ quần áo khác xong rồi nhanh chóng bỏ đi ra ngoài. Hai đứa tui nhìn nhau vì sợ mà cũng thích nữa. Sợ vì rủi cô này biết có tụi tui trong lẫm lúa nhòm lén thay đồ thì mặt mũi mình ra sao. Thích thì bản năng con người, ai mà chẳng thế. Sự việc mới xẩy ra trước mắt nên tuy nằm xuống trở lại khá lâu rồi mà trong trí hai đứa tui vẫn lởn vởn hình ảnh người con gái đó làm không tên nào ngủ được nữa. Cứ như vậy cho đến khi con mắt muốn sụp xuống thì tụi tui lại nghe tiếng động mới nên khẽ nhoài người lên để nhòm ra ngoài. Lần này tới hai cô gái khác theo nhau vào trong buồng và hình ảnh cũ lại tái diễn. Hai cô này là bạn nên họ vừa thay quần áo lại vừa trửng giỡn thân thể nhau nữa, thế mới chết tụi tui. Khi hai cô gái ra khỏi căn buồng rồi thì tui nghĩ, họ vào đây để thay quần áo thì chắc là dân ở thành phố xuống để vượt biên. Hỏi ông Phi, tui mới biết hôm nay là ngày Giáng sinh đạo Chúa và đám tổ chức định đánh chuyến vào dịp này. Đó! Câu chuyện tui nói gần gần với ngày Giáng sinh là vậy.
Tay bộ đội quay qua, đối mặt với anh trẻ nhất và hỏi:
– Chuyến đi không thành thế rồi sau mày có gặp lại mấy cô gái đó không?
– Không! Tui không gặp họ lần nào nữa và ngay cả với cái ông tên Phi. Đám tổ chức đưa từng người tụi tui ra khỏi căn buồng để về lại bến xe, ông Phi đó đi ra trước cả lúc lâu rồi mới tới phiên tui. Tui chẳng biết nhà cửa ông ta ở đâu chỉ nhớ có nói sống đâu đó trong vùng Long Xuyên thôi. Mình nghe thì nghe vậy mà chắc gì thật lòng, vượt biên mà.
– Ba cô này là ba cô gái mà mày kể ở chung chỗ trước đấy đó hả?
– Không phải. Mấy cô này khác, đẹp hơn nhiều.
– Đẹp hơn nhiều. Chu choa! Vượt biên không thành mà được quay phim tới ba cô gái lận. Dễ gì có mày!
– Vậy! Về kể chuyện này cho mấy đứa bạn nghe, tụi nó bảo thấy gái ở truồng xui lắm. Chuyến vượt biên đó, tui đi xa nhà lâu nhứt may mà không bị công an nó tó đó anh.
Ông quân nhân ngồi im hút thuốc, thả ra một luồng khói trắng rồi nhìn anh trẻ nhất và anh chàng bộ đội:
– Kỳ ngộ! Hay đấy. Còn chuyện của cậu, chần chừ gì nữa?
Anh chàng bộ đội nghe vậy liền trả lời:
– Chuyện của cháu xẩy ra ngay đêm Giáng sinh và cũng khá lâu rồi trước ngày cháu đi bộ đội lận. Gia đình cháu là dân Bắc kỳ 9 nút, lại đạo Công giáo, tưởng lý lịch như vậy sẽ thoát cảnh làm lính ông già nhưng đám tuyển quân ở phường vẫn ghi tên nên đành phải tuân lệnh thôi. Rời quân trường Núi Đất rồi nhận đơn vị tận bên Camphuchia mới thấy dân nước họ ghét người Việt Nam quá dù mấy năm trước, bộ đội từng giúp họ thoát tay đám Khmer đỏ. Nghe mấy đứa cùng trung đội bảo đây là mối thù truyền kiếp giữa hai dân tộc đã có lâu rồi, y như mình với bọn Ba Tàu – Tung Của. Đóng quân ở gần các phum dân Campuchia mà bộ đội đi lạng quạng thì nếu không chết vì bị bắn sẻ thì cũng cụt giò do đạp mìn gài. Ai gài, ai bắn sẻ? Cũng đám dân Khmer trong phum, y chang kiểu du kích thời chiến tranh ở nước mình khi trước. Do vậy, có chuyến đi công tác ở gần Tây Ninh thì cháu vọt về nhà liền. Về nhà rồi gia đình sắp xếp cho vượt biên và đi thoát ngay được, gặp đúng chuyến mà… Trở lại chuyện đêm Giáng sinh năm đó, cháu vừa vào khuôn viên giáo đường thì cậu bé giúp lễ đến gần bên bảo cháu vào gặp cha xứ ngay. Khi đó trời mới sâm sẩm tối, giờ lễ đêm còn xa, nhà ở lại gần giáo đường nên mình mới vơ vẩn vào xem hang đá trước. Cháu hỏi cậu bé lý do tại sao thì cậu trả lời không biết, bảo lệnh cha nói vậy thì nghe vậy. Vào nhà xứ gặp cha rồi chào và ngài hỏi: “Anh có người bạn học cũ tại trường X tên Cách phải không?”. Đứng yên một lát thì cháu nhớ đã có bạn học tên Cách thật nên gật đầu thì ngài lại tiếp: “Anh ta mới vào đây gặp cha và đang ngồi chờ anh ở phòng bên cạnh, anh sang gặp đi và liệu chuyện ra sao thì tuỳ ý nhưng phải nhanh vì lát nữa người đi lễ đông lắm sẽ rầy rà nếu giải quyết sự việc chậm, cha chỉ giúp được như vậy”. Cách là bạn học cũ với cháu ở trung học đệ nhị cấp nhưng khi chuyển lên lớp mười, đệ nhất cấp thì đã khác lớp vì nó theo ban B còn cháu chọn ban A… nhưng cũng xa cách cả mười năm rồi còn gì.
Anh trẻ nhất dơ tay làm cử chỉ chận mạch chuyện của anh bộ đội và xen vào:
– Đệ Nhị đệ Nhất cấp và ban B ba A của trung học thời đó là sao hả anh?
– Đệ Nhị cấp là trung học cấp 2 và đệ Nhất cấp là trung học cấp 3 bây giờ. Ban B là ban Toán, ban A là ban Văn chương của thời tao học khi đó.
Ông già nhất góp lời:
– Khi đó là trước ngày 30 tháng 4 năm 1975 đấy cậu. Việt Cộng chiếm được miền Nam đã thay mới nhiều thứ nhưng tôi nghĩ sau này, họ sẽ đổi lại theo cách sắp xếp cũ.
Anh bộ đội tiếp câu chuyện:
– Theo tay chỉ của cha xứ về hướng một cánh cửa, cháu bước vào phòng đó thì đã thấy một người ngồi chờ sẵn ở bàn. Đó là thằng Cách. Hồi còn học chung lớp, giữa cháu và nó không thân lắm. Gia đình nhà nó khá giả nên ngày nào đi học cũng bằng xe Honda riêng, mấy đứa học sinh có được. Mặt mũi sáng láng trong bộ y phục đúng mốt nên nó rất bảnh khác hẳn bây giờ ở trước mặt cháu, thằng Cách quá sức tồi tàn trong bộ dạng còm cõi với bộ quần áo cũ vừa bẩn vừa hôi. Cháu kéo ghế ngồi đối diện, nhìn chăm chăm vào mặt nó mà nghĩ: Thằng này thay đổi quá, nếu ở ngoài đường sẽ nhận không ra rồi buột miệng lầm thầm, hỏi từng câu: “Mầy là Cách… Cách dân Tây đây mà… sao mày biết tao ở đây mà tìm… kể ra cũng lâu lắm rồi nhỉ, nay mình mới gặp lại nhau”. Thằng Cách có cái biệt danh là Cách dân Tây, vì ba mẹ nó đặt tên con cái trong nhà theo thứ tự Duex, Trois, Quatre trong tiếng Pháp. Nó là con trai thứ ba trong nhà nên tên Cách, hai chị gái nó mang tên Đơ và Thoa. Thấy cháu lẩm bẩm như vậy, thằng Cách run run nắm lấy tay cháu, nói khẽ: “Vậy là mày nhận ra tao rồi, giúp tao nhen”. Theo lời kể thì mới bốn ngày trước, nó vừa trốn khỏi trại cưỡng bức lao động ở đâu đó trên vùng tỉnh Sông Bé. Nó chạy được vào một cánh rừng rồi lòng vòng lạc đường đến cả hai ngày trời thì mới gặp một căn nhà và vào xin đồ ăn nước uống. Chủ căn nhà là một tay già cán bộ tập kết đã cho nó ăn uống lại che chở và còn giúp nó có phương tiện về lại được Sài Gòn.
Ông quân nhân nghe chuyện kể tới đây liền nói:
– Gặp người tử tế đấy nhưng cũng khó tin ở đoạn kể về tay cán bộ. Cán bộ tập kết là Việt Cộng miền Nam nhưng thường thì đám đó mà gặp tù trốn trại là vây bắt giao cho công an liền một khi.
Anh bộ đội gật đầu, đồng tình:
– Đúng chú! Thằng Cách kể tiếp: “Tay cán bộ tập kết đó bảo mấy năm trước chú mầy mà ló mặt đến đây thì tao sẽ bắt ngay. Tao đã từng bắt mấy đứa tù trốn trại như vậy rồi nhưng nay thì đã khác”. Tuy gã cán bộ không nói lý do tại sao đã khác nhưng thằng Cách đoán có lẽ bọn Việt Cộng miền Bắc ào ào vô Nam quá đông rồi vì tranh dành địa vị với nhau nên đẩy ra rìa đám miền Nam tập kết năm xưa, nay không cần nữa, cho về vườn hết cả. Thêm vào đó, va chạm với xã hội còn lại của miền Nam trong giao tiếp, tâm tính của rất nhiều tên cán bộ tập kết như trường hợp của gã ân nhân thằng Cách đã thay đổi. Không còn tiếp tay cho bọn Việt Cộng làm điều ác như trước nữa, gã cựu cán bộ đó đã dấu thằng Cách trong nhà khi bọn công an lần theo dấu vết và mò vào tận nơi dò hỏi. Gã bảo không thấy tên tù trốn trại và bọn công an tin ngay lời nói đó do cái quá khứ cộng tác cũ. Đến ngày thứ năm kể từ lúc chạy trốn, chính tay già tập kết đã dùng xe bò chở than, ém thằng Cách nằm ở chính giữa đống hàng để lọc cọc ra được quốc lộ 13 và rồi thẳng tới trạm xe đò chạy tuyến đường Sài Gòn – Sông Bé trong chuyến chót an toàn. Ông ta còn cho nó ít tiền phòng thân dọc đường nữa.
Anh trẻ nhất hỏi vặn anh bộ đội:
– Mấy ngày ở trong rừng, bạn Cách của anh sống bằng cái gì? Nước thì uống nước suối, nước lạch đi… mình không kể nhưng đồ ăn kìa. Chắc chỉ trái cây rừng, mà sao biết thứ nào ăn được?
– Tao cũng hỏi như mày bây giờ và nó kể là trước lúc bỏ trốn thì đã dò dẫm chuyện đó từ một bạn tù trong phòng giam từng sống ở vùng rừng núi. Tổng quát, cứ trái cây rừng nào mà vị ngọt và chua thì ăn được. Với loại trái cây có vị vừa ngọt vừa đắng, ngọt không thôi hoặc ngọt nhưng cái hậu có vị beo béo thì mình phải cẩn thận. Nói là nói vậy nhưng khi đói quá thì cũng phải liều mạng và thằng Cách đã thử ăn một loại trái cây rừng nó gặp được, trông giống như quả nhãn mình thường trồng ở nhà. Quả nhãn rừng này khác ở chỗ phần cơm bọc chung quanh hạt đen ở giữa thay vì trắng lại có mầu đỏ và cũng có vị ngọt. Không dám ăn nhiều nhưng mới nuốt vài trái thì nó hoa mắt rồi lăn ra xỉu, miệng sùi bọt. Nằm ngay đơ trên đất cho đến khi cơn đau bụng đã đánh thức nó dậy. Nó cố lết đi, may gặp một con suối và đã uống nước cho có cái để ói ra nhằm làm dịu cơn đau đang cồn cào ruột gan. Nó ói ra nước bầy nhầy kèm với chút máu và nhờ vậy mới gượng đi được. Có suối, nó phải quay lại cái nghĩa địa cũ để lấy một bát cắm hương ở một mả hoang mà thủ làm đồ trữ nước uống. Muỗi trong rừng nhiều vô kể, trời bắt đầu sụp tối thì nó phải trèo lên cây cao, kiếm chỗ chạc ba ngồi ngủ để tránh thú dữ và mong gió khuya sẽ xua bớt đàn muỗi rừng lúc nào cũng vo ve điếc cả tai. Cứ lòng vòng lạc lối trong rừng như vậy cho đến khi nó trông thấy căn nhà của tay cán bộ.
Ông già nhất ngồi nghe nãy giờ, thốt lên:
– Nhân chi sơ tính bản thiện, người ở đâu, thời đại nào cũng có kẻ giống nhau. Bạn cậu và ông cha xứ làm tôi nhớ hình ảnh tay tù Jean Valjean và giám mục Myriel trong truyện Les Miserables của nhà văn Victor Hugo đấy. Kể tiếp chuyện đi.
Anh bộ đội nhìn ông già nhất trong giây lát rồi tiếp:
– Khi thấy cha xứ lấp ló ở cửa phòng, chỉ vào đồng hồ trên tay ngài thì cháu liền đứng lên, đi ra cảm ơn cha và bảo với ngài sẽ lo cho thằng Cách ngay. Rồi cháu dẫn nó về nhà, nói sơ với mẹ về hoàn cảnh. Mẹ cháu nói gần tới giờ lễ đêm rồi, trước mắt bảo bạn con tắm rửa, ăn uống và nghỉ ngơi đi, mai sẽ tính sau. Nó đi tắm, thay quần áo của cháu rồi ra ngồi ăn cơm chung bàn với gia đình. Sau đó cháu hỏi nó: “Sao mày biết tao ở đây mà tìm?”. Nó bảo hồi còn học chung, nhớ có lần đã nghe cháu nói nhà ở trong xứ đạo này nên khi về được tới Sài Gòn thì liền tìm đến ngay. Cũng từ kinh nghiệm của bạn tù dặn rằng: “Thời bây giờ, nếu cần tìm chỗ trú thân trong đêm tối, nên đến nhà thờ gặp mấy ông cha cố đạo Chúa thì hy vọng còn có lối thoát, đừng vô Chùa, mấy ông sư giờ không như ngày trước đâu”, tao đâu biết nhà mày và cũng không chắc mày còn ở đây hay đã chuyển đi nơi khác, cả mười năm rồi chứ ít gì nhưng cứ thử xem mới biết.
Ông quân nhân lấy tay khoa khoa trước mặt như không đồng ý với đoạn chuyện anh bộ đội vừa kể:
– Cha hay sư thì cũng tuỳ người tuỳ nơi chứ không phải đều một ruột như nhau hết cả đâu. Mà thôi, cậu cứ kể tiếp đi, tôi sẽ nói sau vậy
Nghe thế, anh bộ đội nói:
– Ăn xong, thằng Cách xin đi ngủ ngay, cháu đưa nó lên gác vào phòng riêng của mình và bảo: “Mày ngủ đi, lát tan lễ đêm về mình sẽ nói chuyện nhiều hơn”, nhưng nó ngủ một lèo cho tới quá trưa ngày hôm sau mới thức dậy được. Cũng dễ hiểu, nó mệt quá, trốn chạy trong rừng rồi đi cả ngày với tay cán bộ thì có nhắm mắt được là bao. Khi thằng Cách tỉnh ngủ rồi, nhìn mặt mũi nó, cháu phải kêu ông thợ hớt dạo vào nhà, tăm tia cho gọn đầu tóc rồi mới kéo nhau ra quán. Hai đứa ngồi ở cái bàn trong góc vườn cho kín đáo, thằng Cách kể: “Tao theo chuyến xe cuối về tới bến Miền Đông ở Thủ Đức thì trời đã quá chiều. Ra khỏi bến, đi lòng vòng mà lo tối nay chưa biết sẽ ngủ ở đâu, nhà thì xa, sợ mò về thì có thể sẽ bị bắt trở lại vì chắc chắn công an khu vực đã được tin báo rồi. Tao vào một quán cà phê ngồi nghỉ chân và nhớ đến mày, đến cái địa chỉ đã nghe khi trước. Mình không thể lang thang cả đêm ngoài đường được, công an sẽ chận hỏi và rồi rắc rối chứ chẳng chơi. Tao nghĩ vậy nên mới hỏi thăm bà chủ quán nước về đường đi rồi đón xe ôm đến được xứ đạo và xin vào gặp ông cha”.
Anh trẻ nhất hỏi:
– Bạn Cách của anh nhà ở đâu, chắc cũng đâu đó trong Sài Gòn?
Anh bộ đội lắc đầu, đáp lại:
– Không! Nó tận trên vùng Củ Chi-Hậu Nghĩa lận… mày cũng biết chỗ đó mà.
Ông quân nhân nói:
– Củ Chi-Hậu Nghĩa nằm về hướng đi Tây Ninh-Campuchia, cách Sài Gòn cũng cả trăm cây số chứ ít gì. Thời còn chiến tranh, vùng này là địa bàn hoạt động của bọn Việt Cộng đó.
– Đúng chú. Anh bộ đội gật đầu và tiếp: “Thằng Cách kể sau ngày 30 tháng Tư thì bố mẹ nó bán căn nhà ở Sài Gòn và về quê cũ ở trong vùng Củ Chi này. Những năm có chiến tranh với Khmer Đỏ, nhà nước bắt lính dữ lắm nhưng vì là con trai duy nhất trong gia đình nên nó thoát cảnh bộ đội, chỉ lòng vòng ở nhà phụ cha mẹ làm ruộng thôi. Ngoài ruộng rẫy, nhà nó còn nuôi khá nhiều gà vịt. Đám ấp đội rồi cả bọn công an sống chung trong xóm thường bắt trộm gà vịt nhà nó nên ông bà già mới làm đơn thưa nhưng chính quyền địa phương chẳng xử. Tánh nó nóng, ức lòng cái vụ gà vịt mất trộm nên khi gặp đám công an-ấp đội thì chửi đổng. Dịp lễ 30-4 của năm trước đó, nó đi chơi bài ở mấy nhà gần gần thì bị đám này rình bắt và giải giao cho trại cưỡng bức lao động Bố Lá với tội danh thành phần cờ bạc-quậy phá làng xóm. Trong trại lao động này, có một gã quản giáo là anh ruột của tên ấp đội bắt giữ thằng Cách. Tên quản giáo đó đì nó sát ván, sơ hở một chút là bị phạt và có khi còn không cho gia đình tiếp tế thăm nuôi nữa”.
Ba người ngồi chung bàn nghe anh bộ đội kể, họ im lặng như đang thả hồn về các cảnh sống cũ bên quê nhà và rồi ông già nhất khơi lại câu chuyện:
– Ở nước mình, ai bị tù giam đã khổ mà sống trong trại cưỡng bức lao động thì còn thê thảm hơn vì không rõ ngày nào mới được thả ra. Đã thế, tù nhân lại còn phải đi lao động nặng hàng ngày nữa.
Nghe ông già nhất nói, anh bộ đội gật đầu đồng tình và kết thúc:
– Vậy! Thằng Cách đã quyết định phải trốn trại sau khi dò hỏi từ các người bị giam cùng phòng với nó. Có người đã ba năm, người thì năm năm rồi mà họ không chút hy vọng sẽ bao giờ được thả khỏi trại nên nó phải bùng thôi. Chuyện kể đêm Giáng sinh của cháu là vậy… Bây giờ thì tới phiên người khác.
Anh bộ đội dứt lời, đưa mắt nhìn về phía ông quân nhân nhưng anh trẻ nhất khoát tay:
– Tui thấy chưa xong nhen… anh ngưng ngang xương vậy đâu được. Kể thêm đi huynh, tui muốn biết anh bạn Cách cuối cùng ra sao, không lẽ cứ trốn trong nhà anh?
Nghe anh trẻ nhất hỏi, ông già nhất gật đầu còn ông quân nhân hùa theo:
– Phải đó! Chuyện coi như chưa có hồi kết thúc… rồi anh chàng trốn trại đó đi đâu? Kể tiếp đi mà.
Thấy phản ứng của ba người họ, anh bộ đội khẽ lắc đầu, trả lời:
– Thôi được rồi… mà cũng đúng. Để cháu kể tiếp đây. Anh ta khẽ hắng giọng trước khi nói: “Ở được vài ngày thì nhân lúc cháu vắng nhà, mẹ cháu hỏi chuyện và thằng Cách đã nói thật hết cả. Khi cháu về, bà cho gọi cả hai xuống nhà và bảo với thằng Cách: Dân xứ đạo ở vùng Gò Vấp này, chẳng ai ưa đám công an nên gia đình không lo vụ bị hàng xóm chỉ chọt, mách lẻo gì. Bác nói vậy để cháu an tâm nhưng mình phải tính sao cho gọn chứ cứ trốn tránh mãi thì cũng kẹt”. Nói là tính mà có ai trong nhà nghĩ ra được gì đâu nên cuối cùng, cháu đành phải vào vấn kế với cha xứ. Ngài nghe xong chuyện mới bảo cháu và thằng Cách đi gặp báo Tuổi Trẻ. “Báo này có nhóm phóng viên chuyên săn tin về các vụ oan sai của dân, hai anh thử đến trình bày với họ, may ra”, cha góp ý như thế nên cháu mới lấy xe chở thằng Cách đến tận toà soạn của báo. Nó vào gặp và được đám phóng viên ở đó chịu giúp… Chuyện thì dài lắm, không phải một sớm một chiều là xong ngay được đâu. Tóm tắt, đám phóng viên đó đưa thằng Cách quay về trại cưỡng bức lao động và rồi nó đã được thả tự do không lâu sau đó.
– Thế mấy tên công an, ấp đội chơi đểu… tụi nó có bị gì không? Anh trẻ nhất hỏi.
– Thằng Cách không kể thêm gì nữa nhưng tao nghĩ đám lưu manh đó chắc cũng sợ mà bớt tự tung tự tác hại người. Anh bộ đội trả lời.
Ông già nhất gật gù cái đầu, bảo:
– Cậu làm việc lành trong đêm Giáng sinh thật quá hay, coi như món quà dâng lên Chúa vậy. Nhiều người khi gặp nạn, họ chạy cầu cứu bạn bè mà chẳng mấy ai chịu giúp cho.
Ông quân nhân gật đầu, đế vào:
– Giúp người ở bước hoạn nạn là đạo lý trên đời, tôi thật lòng khen cậu đấy. Thời bây giờ, mấy vùng quê hẻo lánh càng xa thành phố chừng nào thì người dân càng khổ chừng nấy với cái bọn công an địa phương lộng quyền.
Anh bộ đội tít mắt hài lòng, quay qua nói với ông quân nhân:
– Bố mẹ cháu vẫn dạy con cái trong nhà phải giúp người hoạn nạn – cơ nhỡ cho dù chẳng phải bà con, bạn bè gì cả. Chính vì vậy mà đêm Giáng sinh năm đó cháu mới dám dẫn thằng Cách về nhà. Chuyện cháu kể xong rồi thì bây giờ đến lượt chú chứ.Ông quân nhân khẽ lấy tay dúi dúi cán điếu thuốc lá vào cái gạt tàn và ậm ừ:
– Lượt tôi ư! Phải rồi. Nhưng tôi đã nói có biết chuyện gì về đạo Chúa đâu mà kể. Anh giáo ác quá… Hai cậu này kể chuyện thì cũng cần có tôi ngồi nghe chứ. Cho tôi qua phà nha, anh giáo và hai cậu nghĩ sao?
Ông già nhất nghe vậy liền ngồi hẳn lên, lắc đầu:
– Không được! Tôi có bảo anh kể chuyện đạo Chúa đâu mà cứ từ chối mãi… Nhớ được chuyện gì liên quan đến anh trong đêm Giáng sinh là OK. Quân nhân thì chắc anh phải biết chuyện gì hay hay chứ. Anh bảo tôi cho qua phà nhưng còn hai cậu này thì sao?
– Không! Không được. Đã nghe chuyện người khác thì mình cũng phải kể chuyện của mình ra chứ, vậy mới công bằng. Chú phải kể thôi. Hai cậu trẻ tuổi lần lượt nói.
Ông quân nhân gục gặc cái đầu, đảo mắt qua ba người họ rồi chậm rãi từng tiếng:
– Á à! Mấy người nhất định không tha tôi ha. Thôi… để tôi kể vậy. Tôi đã từng là lính gác tù tại đảo Phú Quốc đấy. Tù đây là bọn phiến Cộng bị phe mình bắt được và nhốt chung trong một cái trại giam lớn lắm… lúc đông nhất có tới gần bốn mươi ngàn tù binh lận. Gần bốn mươi ngàn tù binh. Ông quân nhân lập lại câu nói và tiếp: “Chuyện tôi sắp kể đây, đã xẩy ra trong một đêm Giáng sinh ở đó nhưng khá lâu rồi”.
Nghe đến đây thì ông già nhất cười dòn:
– Thấy chưa, tôi đã bảo anh là quân nhân thì chắc chắn biết nhiều chuyện hay rồi. Giờ lòi ra chuyện ở trại giam tù binh Việt Cộng thì còn gì hơn.
– Tôi khi đó là một hạ sĩ thuộc Tiểu đoàn 7 Quân cảnh, tòng sự trong ban Tiếp liệu.
Ông quân nhân nói tới đây thì ngưng lại trong chốc lát như để hồi tưởng về câu chuyện sắp kể, ba người ngồi chung bàn chăm chăm nhìn ông chờ đợi. Một khoảng khắc trôi qua, ông quân nhân rít một hơi thuốc lá rồi chậm rãi: “Trại giam tù binh Phú Quốc là cái tên sau này chứ trước kia phe Việt Nam Cộng Hoà mình gọi nó là trại giam phiến Cộng. Mình vẫn coi bọn Việt Cộng là cái đám thổ phỉ, phiến loạn qua các hành động bắt giữ, tra tấn và giết dân lành vô tội ở các vùng nông thôn. Trại giam này nằm ở thung lũng An Thới thuộc ấp 5 của xã Dương Tơ thuộc tỉnh Hà Tiên cũ… bây giờ nó có tên mới là tỉnh Kiên Giang. Như can nãy tôi vừa kể, trại giam từng chứa tới gần bốn mươi ngàn tù binh nên nó rộng tới cả 400 mẫu tây và có tới 4 tiểu đoàn quân cảnh để canh gác bọn tù. Bốn tiểu đoàn quân cảnh đó là tiểu đoàn 7, 8, 9 và 14. Chuyện tôi kể xẩy ra trong đêm 24 tháng 12 của năm 1971 là một cuộc vượt ngục của tù binh Việt Cộng”.
– Anh nói đúng! Trước kia mình vẫn coi bọn Việt Cộng là đám thổ phỉ, phiến loạn. Báo chí đăng tin thời sự cũng gọi bằng cái tên Cộng phỉ hay phiến Cộng. Ông già nhất góp lời:
– Đám tù binh đào một đường hầm từ trong căn phòng giam và trổ lối ra khỏi bên ngoài hàng rào kẽm gai của trại. Tối hôm đó vì là ngày Giáng sinh nên một số lính quân cảnh có đạo Chúa do bận việc đi lễ nủa đêm, đã bỏ việc kiểm danh các phòng giam như thường lệ và vì vậy, đám tù binh đã chui ra khỏi trại giam bằng đường hầm này. Chúng đi thoát hết cả phòng rồi thì mãi đến gần 2 giờ sáng lính gác vào đổi phiên mới phát giác khi họ đi kiểm danh. Khi đó tôi đang ngủ thì nghe còi báo động nên choàng dậy mới biết sự việc vừa xẩy ra.
Ngồi uống cà phê trong quán
Anh bộ đội hỏi:
– Chú kể thì đường hầm đã được bọn họ đào từ trước rồi. Đào hầm từ phòng giam ra tới bên ngoài hàng rào thì chắc phải lâu lắm mới xong. Vậy mà mấy chú không biết?
Ông quân nhân gật đầu, tiếp:
– Thế mới nói! Cái này thì mình phải nhận là bọn tù khéo che mắt lính gác bên phe mình. Cái phòng giam đó nằm gần hàng rào nhất nên chúng mới chọn để đào hầm. Sau này khi quân cảnh bắt được lại một số tù thì mới biết cách thức của bọn chúng. Cái đường hầm đó dài trên 70 mét, ngầm sâu dưới đất hơn 1 mét và chạy thẳng ra khỏi hàng rào. Theo lời cung khai thì khi ló đầu lên khỏi cửa hầm ở bên ngoài hàng rào, tên tù ra trước cột sợi dây để những gã theo sau cứ thế lần theo lối mà vào rừng. Sợi dây này dài tới cả hai trăm thước và là cách để bọn tù khỏi bị lạc nhau trong đêm tối. Dây thì bọn chúng bện bằng sợi xé nhỏ từ các bao nylon đựng thực phẩm. Rồi khi tập trung hết cả ở chỗ cuối của đoạn dây, bọn tù vượt ngục kiểm danh thấy đủ người thì mới chẩu. Phòng giam đó có 40 tên và chúng chia làm 3 hướng để thoát.
– Thật không khác trong phim Cuộc Vượt Ngục Vĩ Đại mà năm xưa mấy rạp Rex, Eden từng chiếu. Ở hoàn cảnh giống nhau thì hành sự sẽ tương tự thôi. Ông già nhất buột miệng.
– Nghe hay quá chú. Rồi mình có bắt được tụi nó không? Anh trẻ nhất hỏi:
– Có bắt được. Ông quân nhân gật đầu rồi tiếp: “Khi phát giác ra vụ đào tẩu, quân cảnh trại giam liền phối hợp với cảnh sát địa phương làm cuộc lục soát liền nhưng mãi bốn ngày sau mới bắt được 8 tên thôi, số còn lại thì thoát hết cả. Từ lời khai của 8 tên tù này thì mình mới biết bọn tù đào đường hầm cả nửa năm trời mới xong. Mỗi lần đào thì đất được chuyển lên mặt phòng, bọn tù cho vào túi nhỏ rồi lén đem đi rải mỏng ở ngoài sân hay đổ xuống mương nước nằm gần các phòng giam”.
Anh trẻ tuổi hỏi ông quân nhân:
– Tụi tù lấy cái gì để đào đất?
– Bằng muỗng ăn cơm thôi. Thấy nó nho nhỏ vậy chứ khoét đất dễ lắm tuy hơi chậm.
Ông già nhất hỏi:
– Tôi nghe bảo có vài vụ thanh toán giữa tụi tù binh với nhau nữa, phải không anh?
Ông quân nhân đáp:
– Nhiều và ghê rợn lắm anh giáo. Thỉnh thoảng lính gác trại giam vẫn bắt gặp một xác người nào đó nằm chết với cây đũa xuyên qua hai tai. Có khi giữa khuya, nghe tiếng hét ở phòng giam, lính gác chạy đến thì lại một người mặt mũi đầy máu đang gào la, quờ quạng trên sàn… Coi lại thì người đó đã bị móc mất hai con ngươi rồi. Có người khi đang tắm, bị đồng bọn xô chúi xuống giếng vỡ đầu mà chết tươi nữa. Tới giờ, nghĩ lại các chuyện bọn tù binh làm, tôi còn rùng mình.
– Sát nhất nhân vạn nhân cụ. Ông già nhất chen vào: “Đây là cách hành động của bọn Việt Cộng với dân chúng. Cứ làm các sự ác công khai cho dân thấy thì sẽ phải sợ chúng mà im răm rắp vâng lời. Anh tính xem, giết người bằng cách đâm chiếc đũa vào tai thì ít nhất chúng phải có 5, 6 thằng mới làm được nên không thể nói do thù hằn cá nhân gì cả. Một hành động có sắp xếp sẵn từ trước. Này nhé, bốn thằng giữ hai tay hai chân, một thằng giữ chặt cái đầu, một thằng bịt kín miệng không cho la cầu cứu… để cho đứa khác đóng chiếc đũa vào lỗ tai nạn nhân. Còn lấy bóng đèn giữa đêm khuya như anh kể thì chỉ cần một tên có nghề võ bò đến sát bên nạn nhân đang ngủ say và rồi tung ra như chớp ngón Bạch Cốt Trảo. Ôi thôi!”.
– Đã vào tù rồi, sao họ lại thanh toán nhau khiếp vậy hả chú? Anh trẻ nhất le lưỡi khi hỏi.
– Đám Việt Cộng trong tù vẫn bào chữa cho các vụ thanh toán này bằng điệp khúc: Phải giết tên đó vì nó là một gián điệp của CIA gài vào giả làm tù binh ta để theo dõi các hoạt động trong phòng giam mà báo cáo ra ngoài cho bọn Nguỵ. Cậu biết là tuy ở tù nhưng đám Việt Cộng đầu sỏ vẫn tổ chức ngầm các cấp uỷ đảng để chúng kiểm soát và chỉ huy tất cả tù nhân. Những nạn nhân của chúng, đơn thuần chỉ là người đã chán cảnh ở tù, nay muốn ra hồi chánh với chính quyền nên đó là lý do họ bị giết chết. Gián điệp CIA nào mà vô trong mấy phòng giam tù binh đó để kiếm tin tức. Bất cứ tù binh Việt Cộng nào khi bị bắt, phía an ninh quân đội Việt Nam Cộng Hoà đã điều tra tên đó xong hết cả rồi thì mới đưa đi giam ở Phú Quốc.
Anh bộ đội xen vào:
– Hồi còn ở đơn vị bộ đội, cháu nghe mấy ông chính trị viên bảo tù binh ở Phú Quốc bị quân cảnh chế độ cũ cưỡng bức lao động nặng, bị bỏ đói, bị tra tấn dữ lắm đến nỗi Hồng Thập Tự quốc tế phải can thiệp thì mới bớt. Lại có nhà báo đòi phải cải thiện chuyện giam giữ tù binh nữa. Có đúng vậy không?
Ông quân nhân nghe vậy, buột miệng cười khẩy:
– Cậu từng là bộ đội nên mới hồ nghi những việc tôi vừa kể. Hãy nghe tôi đây. Thứ nhất, bọn chính trị viên đó từng nghe ai đó tuyên truyền như cậu đã nghe và chúng tin nên nói lại như cái loa. Thứ hai, bọn đó biết tất cả sự thật nhưng vẫn phải nói láo vì đây là bổn phận của chúng. Tù binh Việt Cộng trong trại giam Phú Quốc không hề phải lao động gì cả nha cậu. Trong vòng rào kẽm gai thì lao động cái gì đây? Ba cái vụ trồng rau là do tù binh xin tự cải thiện vì xuất thân của chúng hầu như là dân quê. Bọn tù binh muốn siêng năng thì cũng chẳng có việc để làm. Những khi bị quân cảnh bắt buộc phải nhổ cỏ sân trại giam, gia cố làm lại hàng rào, khơi thông cống rãnh hôi thối cho thoáng thì chúng nghe lệnh rồi ngồi ì ra cả đám trên sân. Hỏi, chúng nại cớ không tiếp tay làm các công việc phục vụ quân sự của phe đối phương. Cậu có biết một lần tù binh Việt Cộng trong trại hè nhau tuyệt thực đến ngất xỉu thì bọn cố vấn Mỹ đến trại buộc tụi tôi phải nấu cháo bồi dưỡng chúng nó nữa đó. Nghe không thể tin được phải không, mà đó là sự thật.
– Sao tụi Mỹ nó biết mà đến trại làm chuyện ruồi bu vậy. Rồi mình có nấu cháo cho tụi nó ăn không. Anh trẻ tuổi hỏi:
Ông quân nhân gật đầu:
– Có gì lạ! Bọn cố vấn Mỹ sống ở thị trấn Dương Đông, xa xôi gì. Trong trại mà xẩy ra chuyện gì thì đám tay chân báo tin cho biết ngay. Vụ tuyệt thực kỳ đó, tụi tôi nhận lệnh phải nấu cháo mà cháo gà mới tức chứ. Mình sống ở đảo, món ăn mặn quanh năm gần như chỉ là cá với tôm – cua thôi. Thịt heo cũng có mà ít còn gà thì thôi, quá sang dễ gì. Vậy mà bọn cố vấn Mỹ mang gà đến tận trại giam, buộc tụi tôi phải nấu cháo cho bọn tù ăn để mau lại sức sau cú tuyệt thực. Lý do: Sợ đám Việt Cộng ngoài Hà Nội sẽ đối xử tệ với bọn tù binh phi công Mỹ đang bị nhốt ở Hoả Lò. Gà bọn cố vấn Mỹ đưa đến nhiều lắm, cả trăm con và đã làm sẵn sạch sẽ hết rồi. Đám cố vấn Mỹ áp lực tụi tôi phải nấu cháo ngay vì muốn tận mắt xem tù binh Việt Cộng ăn nữa. Cháo nấu bằng mấy cái nồi lớn như cái phi đựng xăng và khi chín thì đám nhà bếp hè nhau đứng vạch chim đái thẳng vào cho bõ ghét. Bọn cố vấn Mỹ đến kiểm tra rồi thì bọn tù binh xúm lại ăn cháo vì cho là thắng lợi. Bọn tù binh cũng biết đói chứ bộ, tuyệt thực để làm màu với bọn cố vấn Mỹ thôi. Kể cũng tức cười, mình biết tỏng mà chẳng làm gì được. Còn cái vụ Hồng Thập Tự thì cậu phải biết là tổ chức đó lúc nào cũng thiên Cộng… Bây giờ thì đám này sáng mắt rồi vì Việt Cộng đã lộ bộ mặt thật. Tôi kể đến đâu rồi nhỉ? À! Tụi nhân viên Hồng Thập Tự quốc tế đến Sài Gòn, đề nghị với chính quyền phải cho họ đi thăm trại giam Phú Quốc. Vụ này hình như là giữa năm 1970 gì đó. Thăm rồi, khi trở về Sài Gòn, họ lôi mấy quy ước Geneva ra, cáo buộc chính phủ ngược đãi tù binh Việt Cộng: Nhốt quá nhiều người trong phòng giam và lại không có phương tiện giải trí như phim ảnh, truyền hình nữa. Có bố láo không! Cũng trong thời gian đó, bọn trùm Việt Cộng ở Hà Nội không cho mấy nhân viên Hồng Thập Tự này đi thăm đám tù binh phi công Mỹ và bọn Mặt trận trong Nam thì chối phắt: Cách Mạng không có trại giam như bọn Nguỵ, ở các địa phương giải phóng chỉ có nhốt lẻ tẻ vài người thôi và nếu Hồng Thập Tự đòi đi thì cứ tự tiện, không bảo đảm an ninh. Xong! Vậy mà đám nhân viên Hồng Thập Tự quốc tế im re, chẳng phản đối gì sất. Còn cái vụ đòi cải thiện lao tù cho tù binh trong các trại giam nữa. À ha! Chính mấy ông cha đạo Chúa ở Sài Gòn bày ra nhằm phá thối chính quyền thời đó đấy. Can nãy, tôi đã bảo với mấy cậu cha hay sư có thực tâm tốt lành không là còn tuỳ từng người.
Ông già nhất, góp lời:
– Mấy ông linh mục đó thiên Cộng anh ơi, giờ họ cũng lộ mặt mo hết cả rồi. Ngẫm lại mấy chuyện anh vừa kể, mình thấy chính quyền Việt Nam Cộng Hoà thời đó gần như một mình mà tứ bề thọ địch. Ngoài Việt Cộng là chính thì còn phải đối phó với bọn cố vấn Mỹ, bọn mang danh tổ chức quốc tế như báo chí và Hồng Thập Tự này… Thêm vào đó là bọn trí thức nằm vùng xưng tên thành phần thứ ba. Nói đến đây ông già nhất lắc đầu: “Tất cả hè nhau mà phá phe quốc gia mình, hỏi sao mà không mất nước”.
Ông quân nhân hít một hơi thuốc lá, thở ra làn khói trắng rồi đáp:
– Chính xác! Tứ bề thọ địch như vậy, nếu miền Nam Việt Nam Cộng Hoà mình không mất nước thì mới là chuyện lạ. Thôi, chuyện tôi kể đêm Giáng sinh chỉ vậy, coi như xong nhiệm vụ nha anh giáo. Ráng hết sức rồi đó.
Ông già nhất phát một tay lên như chận lời, giọng vui:
– Mới tiết lộ có chút xíu xìu xiu mà nói ráng hết sức… Gác tù Việt Cộng lại để cho chúng vượt ngục chạy thoát được mà nói xong nhiệm vụ. Kể thêm đi… Chuyện tù binh dễ gì có ai biết ngoài mấy ông quân cảnh, tụi này có nghe cũng giữ bí mật cho mà. Bảo đảm.
Hai cậu trẻ tuổi nghe ông già nhất nói vậy, liền a tòng:
– Phải! Phải a! Chú cứ dấu chuyện xưa thì đám hậu sinh làm sao mà biết. Kể thêm đi chú ơi, năn nỉ đó.
– Kể thêm… Ừ thôi cũng được. Nhưng tôi biết kể thêm cái chi đây? Anh giáo và hai cậu đây thử hỏi cái gì liên can đến tù binh thì may ra nhớ đâu tôi xâu đấy. Ông quân nhân ngập ngừng.
Nghe ông quân nhân nói vậy, ba người còn lại khẽ nhìn nhau bối rối. Chắc trong trí họ cũng không biết phải hỏi cái gì đây? Vừa lúc, một người hầu quán đến bàn, mang thêm cho họ bình trà mới thay cho ấm cũ đã cạn. Anh trẻ nhất với tay lấy bình trà và lần lượt rót đầy cốc của từng người. Trà nóng gặp không khí lạnh của ban đêm nên bốc hơi trắng thơm lừng. Ông già nhất cầm cốc lên, nhấp một ngụm rồi khơi lại chuyện:
– Tôi nghe bảo tù Việt Cộng ở Phú Quốc gồm cả bộ đội chính quy miền Bắc với đám giải phóng miền Nam phải không anh. Mình nhốt tụi nó chung với nhau hết hả.
Ông quân nhân:
– Phải mà cũng không phải anh giáo. Lúc mới đầu mình không phân biệt tù binh miền Bắc miền Nam gì, coi chung là phiến Cộng cả. Cứ bên an ninh quân đội điều tra tên tù nào xong, chuyển sang thì mình giam thôi nhưng sau mình tách ra nhốt riêng hết. Bắc ra Bắc, Nam ra Nam không có chung đụng gì với nhau.
– Sao vậy anh?
– Cũng do tụi nó mà ra. Anh biết bọn tù bộ đội miền Bắc lúc nào cũng coi thường đám tù giải phóng miền Nam. Bề ngoài thì bọn chúng cùng là tù binh Việt Cộng nhưng bề trong, chẳng bên nào ưa bên nào. Chính vì vậy mà xẩy ra những vụ ấu đả giữa tụi nó với nhau nên chính phủ mình phải phân loại Bắc ra Bắc, Nam ra Nam và giam giữ riêng biệt. Bắc đây là bọn bộ đội chính quy như đám cán binh của sư đoàn Sao Vàng, sư đoàn 308 hay trung đoàn Bông lau bông liếc gì gì đó thuộc bên kia cầu Hiền Lương – Bến Hải. Còn Nam là đám tập kết năm xưa giờ vượt Trường Sơn, vượt đường mòn Hồ Chí Minh trở về hay bọn dân sống ở miền quê trong này đi theo mà chúng gọi là thoát ly như tụi trong Công trường 7, Công trường 9 hoặc trung đoàn Quyết Thắng, tiểu đoàn Tây Đô… Khi trao trả tù binh, chính phủ mình thả đám miền Bắc ở bờ sông Thạch Hãn của tỉnh Quảng Trị còn đám miền Nam thì tại phi trường Lộc Ninh thuộc tỉnh Bình Long.
– Họ có bị bỏ đói, tra tấn không chú. Cháu nghe người ta vẫn bảo… Anh bộ đội ngưng ngang câu hỏi.
Ông quân nhân thấy thái độ của anh bộ đội, cười gằn:
– Cậu vẫn còn tin lời của mấy tay chính trị viên kể, tôi biết nhiều người cũng nghĩ như cậu. Với lại, ở thời điểm đó cậu cũng còn nhỏ nên không biết sự thật là phải, chẳng trách. Cả một bộ máy chính quyền đồng thanh nói láo, nói láo mãi về một chuyện thì người dân cũng ít nhiều phải mắc bẫy chứ. Lúc trao trả tù binh cho phe chúng ở Lộc Ninh và ở bờ sông Thạch Hãn, Việt Cộng tên nào tên nấy béo tốt mà đám cán bộ đại diện đi nhận người vẫn lu loa: “Tù binh ta bị chính quyền Nguỵ bỏ đói, vi phạm công ước Geneva…”. Những ngày trao trả tù binh, đài truyền hình Sài Gòn cử nhân viên đến tận các nơi quay phim về làm phóng sự tình hình. Buổi tối, màn hình ti vi đài số 9 chiếu đi chiếu lại các phóng sự đó nhưng nhiều người xem mà vẫn tin lời chúng nói. Báo chí cũng đăng tin kèm ảnh mà có người vẫn không chịu nghĩ: Nếu thực sự bị chính quyền miền Nam VNCH bỏ đói, làm sao bọn tù binh Việt Cộng lại mập mạp hơn cả đám cán bộ đi nhận người. Còn tra tấn ư! Bắt được mấy thằng tù bỏ trốn như tôi kể 8 thằng vừa rồi, mang về trại, tra hỏi mà cứ im lặng thì tụi an ninh phải đục sặc máu ra thôi. Không khai thì đánh, đánh cho lòi chuyện mới xong. Trị an thì phải vậy. Ngay cả ở trại Galang này, cậu cũng biết thuyền nhân mình tuy là người của Cao Uỷ Tị Nạn Liên Hiệp Quốc thật nhưng ai nhập nha trộm đồ của người khác hay đánh nhau xem thử, police Indo khi bắt được, chúng có dợt người đó cho phù mỏ không?
Nghe đến đây thì ông già nhất gật gù đầu, thẽ thọt:
– Hồi đó xem vô tuyến truyền hình thấy thân thể tù binh Việt Cộng ở địa điểm trao trả thì mới rõ họ chẳng hề bị bỏ đói đâu. Mấy thầy dạy chung trường với tôi cũng bảo chính phủ mình lo cái ăn uống cho tù binh Việt Cộng còn ngon hơn nuôi tù hình sự ở trại giam Chí Hoà. Bằng cớ là thân xác tù binh Việt Cộng, người nào tay cũng có bắp thịt, ngực nở nang và chạy thật nhanh.
– Đấy, đấy… Ông quân nhân đưa mắt nhìn ông già nhất và anh bộ đội như một đồng tình vì lời xác nhận điều ông vừa nói rồi tiếp: “Khi mình nghe một ai đó nói kiểu tôi bị bỏ đói thì phải nhìn vào thân thể của người ấy xem coi ra sao. Có lòi xương, xanh xao – gầy gò hay lại béo đỏ, vạm vỡ. Tù binh Việt Cộng ở Phú Quốc được nhà thầu giao thực phẩm là gạo trắng trong bao bố chỉ xanh mà dân mình thường gọi là gạo Mỹ hạt dài, gạo Thái Lan hạt tròn đó. Rau xanh như bầu bí, su su, cải này… cũng do nhà thầu mua từ nông dân trồng bên ngoài. Còn cá thì mua từ các chủ ghe cào ngoài biển. Trong tuần, bọn tù binh còn có một ngày ăn thịt heo nữa. Tất cả thứ, nhà thầu hàng ngày gom lại mang vào nạp cho quân cảnh rồi quân cảnh giao lại cho bọn tù nhà bếp mà chúng gọi cái tên chung anh nuôi tự nấu ăn lấy. Cá thì hầu hết là cá biển mà toàn là cá thu, cá ngừ, cá ngân không hà. Chim – Thu – Ngừ – Đé – Hường – Đước – Kìm – Măng… là tên các loại cá biển ngon, có nhiều thịt ai cũng biết. Một lần, nhà thầu giao loại cá chỉ vàng thì bọn nhà bếp tù binh làm reo không nhận. Lý do: Cá đó ít thịt nhiều xương. Theo hợp đồng đã ấn định trước, nếu nhà thầu làm ăn không đúng thì sẽ bị ban chỉ huy trại giam huỷ khế ước ngay và thuê người khác thế chỗ liền. Chính vì vậy mà nhà thầu lúc nào cũng phải đàng hoàng khi nhận cung ứng thực phẩm cho tù binh. Họ kiếm ăn được thì tội gì phải lươn lẹo, cắt xén ăn bớt thực phẩm cung cấp cho tù binh làm gì… Ai muốn mất chỗ bở. Cứ nhìn thân thể bọn tù binh thì biết họ được quân cảnh gác tù cho ăn uống đầy đủ hay bị bỏ đói? Cũng từ cái gian xảo của bọn cán bộ Việt Cộng nên mới lộ ra sự thật. Như tôi đã kể can nãy, trước lúc được thả, đại diện bọn Việt Cộng trong Uỷ ban Quân sự Bốn bên khi đến thăm trại tù binh Phú Quốc đã ngầm ra chỉ thị cho bọn tù đảng uỷ rồi nên khi vừa xuống khỏi máy bay C130 hay xe nhà binh GMC ở địa điểm trao trả, bọn tù binh sau tiếng hô của một gã đảng uỷ nào đó đã đồng loạt quẳng đôi dép đi, cởi bỏ bộ quần áo đang mặc trên người cùng vất túi quà tặng phẩm. Thâm ý của chúng muốn dựa vào hình ảnh tù binh Việt Cộng trần xì tà lỏn, đi chân không để vu vạ cho chính phủ miền Nam VNCH đối xử tệ bạc nhưng không ngờ lại để lộ ra hình ảnh thân thể vạm vỡ, mạnh khoẻ của người tù. Ngậm máu phun người trước đỏ miệng mình. Đến nơi trao trả, tên nào tên nấy chạy nhanh như bị ma đuổi”.
– Nghe bảo ở địa điểm trao trả, có tù binh Việt Cộng xin ở lại với chính phủ mình, phải không anh? Trong các chuyến trao trả đó, chắc anh cũng có mặt. Ông già nhất hỏi.
Ông quân nhân gật đầu, trả lời:
– Tôi có tháp tùng theo một chuyến thôi còn sau đó thì đến phiên người khác nhưng những sự việc tôi biết là do các anh em trong đơn vị kể lại. Nói đến đây thì ông quân nhân ngưng lời, hắng giọng như sắp sửa sẽ phải kể một hơi dài và đưa mắt nhìn cả ba người trong bàn, tiếp: “Riêng anh giáo thì tôi không nói làm gì vì anh đã biết cả nhưng với hai cậu trẻ này thì cần phải nghe để hiểu sự thật. Trong những lần trao trả tù binh ở Lộc Ninh hay ở bờ sông Thạch Hãn. Chuyến nào cũng có tù binh Việt Cộng xin ở lại với chính phủ miền Nam VNCH mình. Ở lại đây là hồi chánh tại chỗ, là không muốn về với phía Việt Cộng nữa. Lúc thì một người, lúc thì vài người hoặc đông nhất cả một tập thể đến hơn trăm tù binh… xin ở lại. Nếu chính phủ mình không đồng ý tiếp nhận họ thì họ tự sát còn hơn là về với Việt Cộng. Họ nói vậy đấy. Có người thủ sẵn giấy xin hồi chánh trong người từ trước và đợi đến lúc đó mới xuỳ ra. Trong khi phía tù binh miền Nam VNCH mình thì không có ai xin ở lại với bọn Việt Cộng mà còn có người bị chúng ỉm đi không trao trả cho nữa. Sau vụ một người xin ở lại thì các chuyến kế tiếp, bọn tù binh Việt Cộng khi vừa đến nơi trao trả, chúng cứ ba người choàng tay với nhau thật chặt tiếng là để dìu nhau đi vì quá yếu sức nhưng thực tế là người này kềm người kia không cho chạy thoát. Vậy mà vẫn có người vùng chạy ra được nhưng phải vọt nhanh đến với phái đoàn kiểm tra quốc tế thì mới ổn. Người lớ ngớ chạy chậm mà đám cán bộ đi nhận người chận được thì sẽ bị đồng bọn xúm lại đánh hội đồng tơi bời, thê thảm máu me đầy mặt rồi bị kéo đi mất trước sự bất lực của đại diện phe bên mình”.
– Bên mình trao trả cho phía Việt Cộng bao nhiêu người và nhận lại bao nhiêu người… Thời gian bao nhiêu lâu mới xong? Còn anh nói có vụ bọn chúng ỉm người đi, không trao trả là sao? Ông giáo cất lời hỏi.
Nghe câu hỏi của ông già nhất, ông quân nhân ngồi yên lặng như đang lục lại ký ức cũ của mình. Một thoáng trôi qua, ông nói:
– Anh giáo hỏi vậy thì tôi chỉ biết thời gian gói gọn trong 60 ngày thôi… Tôi không rõ là ngày đầu tiên khi nào cũng như ngày cuối cùng của việc trao trả. Thật ra thì thời gian và con số bao nhiêu người đã được các bên liên quan thảo luận và chấp nhận ở các buổi họp từ trước rồi. Là một quân nhân coi tù khi đó thì tôi chỉ làm nhiệm vụ đi theo áp tải việc thực hiện trao trả thôi. Con số thì nói gọn là phe mình trao trả cho bọn Việt Cộng gần 27.000 người để nhận lại khoảng 5000 người. Chênh lệch quá mà mình cũng chẳng làm gì hơn được cũng từ sự dối trá lươn lẹo của bọn Việt Cộng và sự phủi tay của người Mỹ. Nói ra điều này thì chắc có người không tin chứ có một lần tại bờ sông Thạch Hãn, phía miền Nam VNCH trao trả 1200 tù binh Việt Cộng để chỉ nhận lại có 3 người tù phe mình mà mấy người này lại phải khiêng bằng cáng băng ca khi đưa xuống ghe.
– Lấy 3 người đổi với 1200 người. Thật tui mới nghe lần đầu. Cậu trẻ nhất thốt lên.
Ông quân nhân gật đầu, tiếp:
– Vậy! Nhưng đó là sự thật. Còn nói người Mỹ phủi tay là vì sau khi họ nhận về gần 600 tù binh ở phi trường Gia Lâm mà đa số là phi công rớt máy bay ngoài miền Bắc thì coi như đã xong chuyện tại Việt Nam nên họ cũng không làm hết trách nhiệm của một đồng minh chủ chốt với phe mình. Những tù binh mình bị bắt bên chiến trường Hạ Lào, ở các trận đánh tại Kampuchia thì phía Việt Cộng ỉm đi đâu có chịu trao trả. Mình phản đối việc đó thì bọn chúng nói để liên lạc với bọn Pathet Lào, Khmer Đỏ và sẽ can thiệp giúp đỡ trong cái tình người Việt giữa người Việt với nhau. Chắc anh giáo còn nhớ vụ ông đại tá Lữ đoàn trưởng dù Nguyễn Văn Thọ bị bắt năm xưa do chính Hà Nội đã rêu rao trên đài phát thanh mà chúng vẫn lì mặt, chối là không biết… Rồi còn cả những tù binh biệt kích Delta, Lôi Vũ nhẩy toán ra Bắc hoạt động thời cụ Ngô Đình Diệm nữa. Chúng bắt được những biệt kích quân này và cũng đưa họ lên báo lên đài phát thanh gọi là tố cáo trước nhân dân: Bọn Nguỵ xâm nhập, phá hoại… mà rồi vẫn chối không có. Thật tội nghiệp cho những người này và cả gia đình họ. Không biết bây giờ số phần họ ra sao? Đã được tha tù chưa hay chết mất xác trong xó xỉnh nào đó ở vùng rừng núi ngoài miền Bắc rồi.
– Anh nói đến số phần làm tôi tự dưng nghĩ không biết đám tù binh Việt Cộng khi được phía mình trao trả thì số phận họ rồi sẽ ra sao? Ông già nhất ưu tư.
– Sẽ khổ lắm anh giáo… Chắc chắn là vậy mà họ chẳng tránh được đâu. Ông quân nhân chắt lưỡi tiếp: “Trước khi được trao trả, có những tù binh đã kín đáo bộc bạch với cá nhân tôi về việc họ sẽ phải tiếp tục ở tù sau khi được thả từ trại giam Phú Quốc. Lúc đầu tôi không hiểu sau hỏi kỹ lại thì mới rõ chuyện. Những người tù này cho biết phía Việt Cộng đã làm xong một trại tù rất lớn ở vùng Sầm Sơn-Thanh Hoá rồi. Tại sao họ biết tin này? Cũng chính từ những nhân viên phía Việt Cộng trong Uỷ ban quân sự bốn bên khi đi thăm tù nhân đã tiết lộ cho biết trước. Tất nhiên đám cán bộ này nói đó là trại an dưỡng, tẩm bổ thân xác tù binh khi được đón về từ tay giặc Nguỵ… nhưng mấy tù binh nói chuyện với tôi thì bảo đó chỉ là trại giam trá hình thôi và họ biết khi được nhận về, sẽ phải vào đó để cải tạo tư tưởng mà lần này, bọn coi tù sẽ là các đồng chí phe mình. Thể nào mà chẳng có vụ kiểm thảo, phê bình, tố cáo lẫn nhau để lập công và tránh tội đã có trong thời gian ở tù tại Phú Quốc. Khổ đó nha, chết người chứ chẳng chơi”.
– Chú ơi! Họ biết vậy mà sao lại không xin hồi chánh ngay lại phải đợi đến khi trao trả mới quyết định? Anh bộ đội vọt miệng hỏi.
– Sau này khi trại giam Phú Quốc sạch bóng tù binh rồi thì ngồi kiểm lại sự việc, mấy ông thầy trong đơn vị tôi bảo là đa số tù binh xin hồi chánh đều thuộc dân miền Nam và thật hiếm hoi mới có một cán binh miền Bắc xin ở lại. Tại sao vậy? Không phải đề cao tinh thần chiến đấu của họ đâu nếu như đặt hoàn cảnh mình là họ thì sẽ phải quyết định như thế nào giữa việc chọn ở lại miền Nam hay quay về miền Bắc để gặp mặt thân nhân sau bao ngày tù đày. Cán binh miền Bắc gần như là dân quê thì hỏi ai không nặng tình quê hương, tình gia đình trong lòng. Bị bắt ở mặt trận rồi khi sống tại trại giam Phú Quốc thì ít nhiều họ cũng biết về xã hội của miền Nam VNCH rồi đối chiếu với xã hội miền Bắc, nó kém xa. Muốn ở lại nhưng cũng muốn gặp mặt thân nhân rồi nỗi lo thân nhân nơi quê nhà sẽ gánh hậu quả từ việc hối chánh của mình mà nhiều tù binh đành phải dấu kín các ưu tư của bản thân với bạn đồng tù chung quanh. Được trao trả mà nhiều mặt anh tù binh lộ rõ vẻ buồn lẫn lo lắng thật khác với khuôn mặt rạng rỡ của tù binh miền Nam VNCH khi được phe ta đón về. Ông quân nhân nói.
Ông già nhất thêm lời:
– Như anh kể, thì tôi nghĩ tù binh Việt Cộng trong trại giam Phú Quốc còn thanh toán nhau được thì nếu ở trong cái trại cải tạo của chính bọn chúng, chúng sẽ lần lượt thịt nhau cho đến chết mà thôi. Bọn Việt Cộng ngoài miệng nói chuyện lúc nào cũng một lòng một dạ, cùng đồng tâm chí hướng nhưng trong thực tế chúng nghi ngờ chẳng tin ai hết. Cái tổ tam tam chế ta thường thấy trong các đơn vị của chúng là để tên này kèm hai thằng kia rồi cả ba đứa âm thầm báo cáo cho cán bộ chỉ huy bất cứ cái gì chúng đã nghe được, thấy được của nhau.
– Sống gần tụi tù binh Việt Cộng lâu ngày thì tôi nghiệm ra điều này anh giáo: Khi nào mình nghe tụi nó nói chuyện với nhau bằng câu cậu cậu, tớ tớ là bình yên, không có gì đáng lo. Còn khi ta nghe xưng hô với nhau bằng câu đồng chí, đồng chí thì thôi, cầm chắc chúng chuẩn bị đưa nhau lên bàn mổ đó. Hà hà! Ông quân nhân cười khá to sau câu nói.
– Lúc nãy chú kể là phía miền Nam VNCH trao trả tới gần 27.000 tù binh vậy thì cái trại an dưỡng ở Thanh Hoá, tui nghĩ chỗ đó phải rộng lắm mới chứa hết được bằng đấy người. Cậu trẻ nhất nói.
– Cháu nói đúng. Như chú đã kể rồi, trại giam tù binh ở Phú Quốc thời trước đã rộng tới cả 400 mẫu tây mà nay tất cả tù binh Việt Cộng hoặc tù chính trị Việt Cộng của tất cả các trại giam khắp 44 tỉnh thành ở miền Nam VNCH đem dồn về một chỗ thì nó phải rộng lắm, rộng lắm… Ông quân nhân vừa nói vừa khoa tay qua lại nhau.
Anh bộ đội gật đầu, đồng tình:
– Rộng lắm! Nhớ lần cháu vào thăm thằng bạn đóng quân trong Trung đoàn Gia Định ở trại Quang Trung cũ đã thấy chỉ có vài ngàn bộ đội thôi mà chỗ nó ở đã rộng khiếp. Đây lại tới cả mấy chục ngàn người kể cả quản giáo nữa.
– Nói như bác với chú đây thì sao bọn Việt Cộng lại ác quá vậy. Anh trẻ nhất hỏi.
– Tôi đã nói rồi, đó là sách lược của chúng. Việt Cộng luôn làm điều ác công khai để nhằm doạ dân thấy mà sợ rồi vì sợ nên đành phải im thin thít nghe theo lời chúng. Hai cậu còn trẻ tuổi nên không biết các chuyện ghê rợn Việt Cộng đã làm đâu. Khi Việt Cộng quyết định giết người nào, thay vì bắn người ấy một phát đạn cho xong đời thì không, chúng lại chặt nạn nhân làm ba khúc, để nằm vương vãi trên mặt đất bất kể kẻ đó là đàn ông, đàn bà hay con gái trẻ tuổi. Giữa việc dùng mã tấu chém và cầm súng bắn vào thân người thì việc nào dễ làm hơn và việc nào sẽ tạo ra hình ảnh ghê rợn hơn? Hai cậu cứ nghĩ đi! Ba khúc thân người nằm đó, sáng ra người dân đi qua có trông thấy ai mà không khiếp vía. Thân nhân ở gần có trông thấy cũng chẳng dám ra dọn xác nạn nhân về chôn vì bọn nằm vùng chưa cho phép. Có khi, xác rữa nát không ai nhận thì lính miền Nam VNCH phải ra tay mới êm. Miệt vườn, dân quê theo Việt Cộng cũng vì lý do sợ chúng mà phải theo chứ tâm hồn dân quê thường chất phác, bằng lòng với cuộc sống ruộng vườn thì hơi đâu mà họ suy nghĩ đến ba cái vụ như bóc lột, đấu tranh giai cấp, lý tưởng lý tiếc gì… Việt Cộng bịa ra hết và nhồi vào đầu dân quê cả thôi. Ông già nhất nói.
– Anh giáo kể cho hai cậu này mấy chuyện Việt Cộng hành hình dân lành vùng quê đó hả? Ông quân nhân hỏi.
– Đúng! Việt Cộng làm cái gì chúng cũng tính toán với nhau trước kể cả giết người mà chúng gọi là họp đảng uỷ. Một tính toán lạnh lùng, bất nhân, vô cảm của loài thú dữ. Chúng đã từng trói tay bao nhiêu nạn nhân rồi bỏ người đó vào bao bố, rọ lợn và nhét đầy đá xong đem ném xuống sông như đã làm với nhà văn Khái Hưng, Lan Khai nè. Có khi lại mổ bụng nạn nhân còn sống rồi nhét trấu vào trước mặt bao nhiêu người đứng xem chung quanh như lúc hành hình ông cả Điệp, hương quản Bụng… ở dưới miền Tây năm xưa. Việt Cộng không coi người thuộc phía đối phương ra cái đinh gì cả khi đã xác định lập trường là kẻ thù hoặc là bạn mà không đếm xỉa đến tình cảnh của nạn nhân như người đó có một mái ấm gia đình, cha mẹ già phải phụng dưỡng, con cái nhỏ cần nuôi nấng. Chỉ biết có lệnh giết là giết… là giết thôi. Giết, giết nữa bàn tay không phút nghỉ. Câu thơ của một thi sĩ Việt Cộng đấy. Có vậy mình mới hiểu tại sao đám cán binh Việt Cộng có thể bình thản bắn thẳng vào dòng người bỏ chạy trên các quốc lộ ở các vùng xẩy ra chiến sự. Chính phủ miền Nam VNCH mình thì lại khác. Người là người chứ không phải con vật mà ngay cả với con vật như chó, mèo thì mình cũng còn đối xử cách nhân ái kia mà. Mạng người là quý nhất nên phải trân trọng dù xuất thân của cá nhân đó không ra gì. Bởi vậy, chính phủ miền Nam VNCH mới lập ra nguyên cả một cái bộ Chiêu hồi dành cho cán binh, bộ đội, tù binh Việt Cộng muốn xin hồi chánh.
Nghe ông già nhất nói thế, ông quân nhân cất lời:
– Ồ! Anh giáo nói ra thì tôi mới nhớ, cái bộ Chiêu Hồi đó đã giúp cho nhiều người làm lại cuộc đời lắm. Nói đâu xa, riêng trại tù binh Phú Quốc không thôi, không kể mấy vụ hồi chánh tại chỗ trong các buổi trao trả, tính ra từ khi lập trại giam cho đến trước ngày thi hành Hiệp định Ba Lê thì đã có trên 10.000 tù binh ở đó xin hồi chánh với chính phủ miền Nam VNCH mình.
– Nhiều người dữ vậy chú, tui thật không ngờ. Anh trẻ nhất nói.
– Con số đó chưa thấm vào đâu so với tổng số tù binh Việt Cộng đã hồi chánh trong thời còn chiến tranh hai miền khi đó đã lên tới trên 200.000 ngàn người lận. Nói thì nói nhưng tôi vẫn thắc mắc không biết sau khi bọn Việt Cộng vào được Sài Gòn rồi thì số phận những người hồi chánh này đã ra sao nữa? Việt Cộng đã làm gì với họ hả anh giáo, anh biết gì không? Ông quân nhân hỏi.
– Có những hồi chánh viên rất nổi tiếng như nhà văn Xuân Vũ, ca sĩ Bùi Thiện, thượng tá Tám Hà… thì những người này kịp thời di tản trong dịp 30 tháng Tư năm đó nên thoát nạn. Hai cậu trẻ này chắc không biết mấy nhân vật tôi vừa nói đâu. Thôi sẵn dịp để tôi nói luôn cho biết. Xuân Vũ là tác giả quyển Đường Đi Không Đến kể chuyện đám Việt Cộng tập kết ra Bắc năm xưa rồi sau này hồi kết về miền Nam bằng cách đi bộ băng qua vùng rừng núi Trường Sơn. Bùi Thiện là ca sĩ của đoàn văn công trung ương Hà Nội còn thượng tá Tám Hà là phó chính uỷ phân khu 1 dịp tết Mậu Thân năm 1968. Hồi chánh viên ở lại trong nước khi đó thì gần như 100% phải thu xếp hành lý đi tù cải tạo như các sĩ quan, viên chức của chính phủ miền Nam VNCH mình. Ông già nhất nói đến đây thì yên lặng như đang nghĩ về những người cũ trong câu chuyện và rồi tiếp lời ngay: “Lúc còn bán sách cũ ở phố Calmet, tôi đã nghe mấy người chủ sạp hàng ở đó xì xào về cái tin trung tá hồi chánh viên Huỳnh Cự bị kẹt lại, phải bị tù cải tạo cả 7, 8 năm trời mới được tha về. Về nhà chưa được bao lâu thì ông này lại chết trong một vụ đụng xe mà ai cũng nói do đám thủ ác Việt Cộng dàn dựng sẵn cách nhà không xa. Nghe kể, ông Cự này cũng biết thân biết phận mình nên chẳng dám đi đâu ra ngoài vậy mà, cho đến ngày Tết ta, ông ta tưởng sẽ yên mới dám ló mặt. Nào ngờ, ra được đầu ngõ thì có chiếc ô tô từ xa phóng đến tông thẳng vào làm ông ngã lăn quay ngay trên mặt đường. Gã tài xế chiếc ô tô lui xe lại thật nhanh và chạy tới cán thêm lên người ông ta lần nữa để chắc ăn trước khi y cho xe vọt mất. Công an có đến lập biên bản rồi sau bảo vì không có tung tích chiếc xe gây nạn nên từ từ nội vụ chìm luôn. Ác và thê thảm quá nhưng theo tôi có lẽ phải dành cho số phận của liệt sĩ Nguyễn Văn Bé kìa”.
– Nguyễn Văn Bé! Phải anh nói đến Nguyễn Văn Bé mà Hà Nội từng phong là liệt sĩ trong vụ đập mìn vào thân thiết vận xa M 113 diệt trên 60 lính Mỹ và Nguỵ đứng vây chung quanh đó không? Ông quân nhân hỏi dồn.
– Đó đa anh! Ông già nhất tiếp thêm: “Tay Nguyễn Văn Bé này ra hồi chánh rồi mà không hiểu sao bọn Hà Nội lại đưa tin về vụ tự sát đập mìn rồi phong cho anh ta là liệt sĩ. Hà Nội còn cho in một con tem dán thư vẽ cảnh đập mìn bá vơ đó nữa… Hình như có cả vụ dựng tượng cho tay Bé này mà khi ấy ở miền Nam VNCH, anh ta đang làm việc trong bộ Chiêu Hồi. Vài ngày sau khi Việt Cộng chiếm được Sài Gòn, có người kể đã gặp Nguyễn Văn Bé tại bến phà Rạch Miễu trong một chiều sâm sẩm tối mà rồi tay hồi chánh viên này ra sao thì không ai biết. Ngay cả với gia đình anh ta cố công đi tìm mà không ra. Mấy sĩ quan miền Nam VNCH khi ở tù cải tạo kể lại họ đã nghe một quản giáo Việt Cộng nói úp úp mở mở lúc thì đảng và nhà nước ta đã giải quyết xong câu chuyện Nguyễn Văn Bé rồi, sau đó y ta lại nói biết chỗ Nguyễn Văn Bé bị giam. Cứ lấy lý mà suy theo cái tin này thì mình nghĩ bọn Việt Cộng bắt được Nguyễn Văn Bé và sau đó đã giết chết anh ta để mất béng đi câu chuyện đã phong liệt sĩ đập mìn giết giặc năm xưa. Kể cũng đáng thương cho số phận của một người tự dưng thành liệt sĩ bất đắc dĩ. Việt Cộng đã tạo ra nhân vật liệt sĩ Nguyễn Văn Bé và rồi cũng chính bọn chúng đã cho bốc hơi người này luôn”.
Tù binh miền Bắc mặt buồn so, lo lắng ở địa điểm trao trả bên bờ sông Thạch Hãn.
– Cháu nghe kể phía chính quyền thời đó định ém một số tù binh nhưng bị phía miền Bắc phản đối quá nên phải trao trả hết. Đúng không chú? Anh bộ đội hỏi ông quân nhân.
– Nãy giờ tôi chờ câu hỏi này của cậu. Ông quân nhân cười và tiếp: “Tôi đã trả lời câu này nhiều lần rồi cho những người y như cậu đấy. Đây! Chính quyền miền Nam VNCH không muốn duy trì cái trại giam tù binh Phú Quốc đâu. Chẳng qua hoàn cảnh chiến tranh thì phải vậy thôi. Tại sao? Như tôi đã kể rồi. Duy trì một trại giam cả mấy chục ngàn tù binh cộng thêm 4 tiểu đoàn quân cảnh canh gác thì nó sẽ ngốn vào ngân sách của chính quyền bao nhiêu tiền. Dưới sự theo dõi thường xuyên của bọn Mỹ, bọn nhà báo thiên tả nước ngoài, bọn trí thức phá rối ở Sài Gòn còn thêm tổ chức Hồng thập Tự nữa thì làm sao mà có vụ tù binh phải ăn thức ăn tồi tệ, mặc quần áo rách nát, ốm đau không có thuốc chữa bệnh… Riêng gạo không thôi, mức ấn định đầu người 700 gram một ngày thì cậu cứ tính thử sẽ biết số lượng cần dùng. Nói ra thì ít ai tin chứ tù binh có nhiều tên ăn in ít đi vì sợ mập. Ăn ở không, thực phẩm đầy đủ nếu không kiêng khem thì cơ thể béo ra có gì lạ. Nhưng để thân thể mập béo trong trại tù binh Nguỵ là điều tố cáo người cán binh đó đã đầu hàng giặc, chỉ biết ăn và ăn trong khi bao nhiêu đồng chí ngoài mặt trận phải chịu đói khát trong chiến đấu. Bọn đảng uỷ trong nhà giam nói vậy đấy. Rồi vì thức ăn bỏ thừa nhiều, nhà thầu lấy về đem nuôi heo thì chúng vịn vào đó tuyên truyền quân cảnh ăn bớt khẩu phần của tù binh. Có những đợt cấp phát hàng hoá mới cho tù vừa nhập trại như chiếu, mùng, mền đắp… còn tốt hơn cả so với thứ mà lính quân cảnh chúng tôi đang dùng. Nếu không có trại tù này thì chính phù mình thời đó có thêm tiền để chi dùng vào việc khác nên ai thèm ém giữ tù binh lại làm gì. Bọn Việt Cộng cũng biết điều đó nên thực tế chúng cũng không muốn nhận đám tù binh về đâu. Nghe kỳ quá hả. Còn trại tù binh Phú Quốc thì chính phủ mình vừa hao tốn ngân sách, mất 4 tiểu đoàn lính bận việc canh gác tù thay vì chiến đấu ngoài mặt trận mà chúng còn có chỗ để tuyên truyền ngược đãi tù binh, vi phạm công ước Geneva. Bị nhốt tù lâu ngày, tiếp xúc với binh lính miền Nam VNCH thì tinh thần tù binh đã ít nhiều thay đổi vì các sự thật hiển hiện trước mắt khác với những gì họ đã nghe được khi xưa. Nhận trao trả về một lúc cả hàng ngàn tù binh như vậy, nó sẽ gây xáo trộn tinh thần các cán binh khác nếu như bọn Việt Cộng bổ sung họ vào chung hàng ngũ các đơn vị bộ đội. Còn cho giải ngũ tập thể thì cũng kẹt vì những tù binh này về lại quê nhà sẽ gặp gỡ thân nhân, bè bạn cùng hàng xóm trong giao tiếp. Họ sẽ kể chuyện đã thấy khi ở tù trong miền Nam và đó là điều mà Hà Nội đã phải làm cấp tốc cho xong cái trại ở Sầm Sơn-Thanh Hoá để chờ sẵn”.
– Cháu hiểu rồi. Vậy là tù binh được trao trả hết… không có ém giữ ai lại. Anh bộ đội lắp bắp miệng.
– Đúng! Giữ họ lại để làm mắm à! Trại giam trống không, 4 tiểu đoàn quân cảnh tụi tôi phải rời đảo Phú Quốc về lại đất liền và bổ sung cho quân số đang thiếu hụt của các đơn vị bộ binh ở các vùng chiến thuật khi đó. Cũng có người vừa đến hạn giải ngũ thì xin ở lại Phú Quốc luôn. Cậu cứ nghĩ xem, nếu quân cảnh mà xử tệ bạc với đám tù binh như lời tuyên truyền thì mấy người đó phải cao chạy xa bay khỏi hòn đảo chứ. Tôi nói thêm điều này, trại giam đó bỏ không cho đến khi bọn Việt Cộng chiếm được miền Nam rồi thì chúng dùng lại một thời gian ngắn để nhốt sĩ quan-viên chức VNCH mình chở từ trong đất liền ra gọi là tù cải tạo. Đâu khoảng hơn năm trời thì chúng lại chuyển những người tù cải tạo này vào đất liền trở lại và tôi nghe nói cái trại đó tan hoang cả rồi. Vì sao? Lớp bộ đội coi trại giam trước khi rút đi tháo gỡ làm của riêng một mớ rồi đến đám dân nằm vùng ở Phú Quốc cũng vào tháo gỡ theo. Cứ vậy mà trại giam chỉ còn trơ nền đất không chung với cây cỏ mọc hoang dại. Ông quân nhân dứt lời, với tay lấy ra điếu thuốc mới sau câu nói và mồi lửa hít một hơi ngon lành. Một khoảnh khắc yên lặng trôi qua như chợt nhớ ra điều gì đó, ông quân nhân đưa mắt nhìn ông già nhất, giọng đùa:
– Phần của tôi xong rồi. Bây giờ đến phiên ai kể chuyện đây?
– Anh bảo tôi chứ gì nhưng tự nhiên bây giờ mình lại… quên mất câu chuyện định kể đây. Không biết làm sao nữa. Hay là thế này, cho tôi qua phà nha, được không? Ông già nhất hỏi.
Đâu được! Phải kể chuyện mình chứ… Nghe chuyện người khác thì bác phải kể chuyện mình ra. Hai cậu trẻ tuổi cùng thốt lên.
Ông già nhất nhắm khẽ đôi mắt lại. Anh bộ đội và anh trẻ tuổi nhất nhìn nhau rồi định nói điều gì đó thì ông quân nhân khẽ phát tay ra hiệu cản lại như bảo phải chờ, đừng gấp gáp. Một thoáng qua đi, ông già nhất mở mắt nhìn cả ba người họ, cười:
– Tôi phải kể chuyện mình chứ! Muốn người khác làm điều công bằng với mình thì mình phải đối xử công bằng với họ. Nãy thì tôi quên nhưng bây giờ lại nhớ ra chuyện để kể rồi. Khổ thế đó, dấu hiệu gì đây? Mình đã già rồi, phải không?
Nghe ông già nhất nói vậy, anh trẻ nhất reo lên, vỗ tay khe khẽ vào vai anh bộ đội:
– Bác nhớ ra được là hay quá, kể ngay cho những đứa như tui và anh đây biết chuyện cũ như chú quân cảnh vừa rồi đó. Tui đã là người kể đầu tiên thì bây giờ bác là người bao chót, phải không? Bác kể đi… đặng nhóm mình còn về barrack ngủ chứ, sắp giới nghiêm rồi đó.
Giới nghiêm! Chính là giờ mà phòng an ninh P3V tại trại tị nạn quy định trong mỗi buổi tối. Khi nghe tiếng còi hụ lên từ các loa phóng thanh thì thuyền nhân phải trở về phòng của mình để ngủ, không ai được đi léng phéng hay tiếp tục la cà ngoài đường nữa và thường thì 11 giờ khuya là giới nghiêm nhưng vào những ngày lễ Tết hoặc dịp quốc khánh Indonesia, tiếng còi hụ sẽ trễ hơn vài giờ đồng hồ.
– Tôi biết chứ! Cậu đừng nhắc. Sở dĩ tôi hơi… chậm là vì ban nãy mải nghe bài hát Giáng sinh trên ti vi để nhớ lại chuyện sắp kể ra đây này.
– Bài hát Giáng sinh nào vậy? Anh giáo nói mà tôi không hiểu. Ông quân nhân ngạc nhiên.
– Từ từ! Ông già nhất giơ một cánh tay như muốn chận lời ông quân nhân rồi ông ta khẽ hắng giọng và tiếp: “Vài hôm nữa sẽ đến ngày lễ Giáng sinh và như khởi đầu của buổi kể chuyện hôm nay, tôi bảo vì mình nhớ nhà nên ai có kỷ niệm hoặc có câu chuyện gì liên quan đến ngày lễ Giáng sinh thì hãy kể ra cho mọi người trong nhóm chúng ta cùng nghe, mong rằng sẽ bớt buồn và thử xem câu chuyện của người nào hay nhất. Phải không nào?”.
– Phải đó! Phải đó đa! Hai cậu trẻ nhất cùng thốt lên một câu còn ông quân nhân thì gật gù cái đầu, khẽ khàng: “Nhưng anh giáo chưa kể chuyện anh mà?”.
Ông già nhất khẽ hít một hơi thuốc lá rồi đảo mắt nhìn cả ba người trước mặt và bắt đầu kể sau làn khói trắng:
– Đúng! Thì đây. Năm nào cũng vậy, cứ đến dịp lễ Giáng sinh đạo Chúa thì dù muốn hay không muốn, trong ký ức của tôi vẫn nhớ lại câu chuyện của ngày hôm đó. Tôi không biết phải khởi đầu câu chuyện từ đoạn nào đây? Thôi thì như vầy. Năm 1971 vào mùa hè, học sinh ở các trường trung – tiểu học đã nghỉ hết cả và đang chờ khai trường cho niên khoá mới. Gần hết mùa nghỉ hè thì tôi và vài thầy cô khác trong trường nhận được lệnh đi dự buổi họp của Sở Giáo Dục tổ chức. Họp cũng chỉ bàn về việc chuẩn bị việc giảng dạy cho niên học mới. Tan họp thì do thấy trời còn sớm, tôi mới chạy vào nội đô Sài Gòn rồi gửi xe đi lòng vòng đây đó. Ghé nhà sách Khai Trí mua được vài quyển rồi lúc quay ra ngoài, tôi định bụng thử đến tiệm Xuân Thu xem coi có kiếm được thêm các sách mới xuất bản không. Khi băng qua ngã tư Nguyễn Huệ – Lê Lợi thì gặp lại cậu em họ của tôi cũng đang từ hướng đường đối diện phía bên kia đi tới. Gọi là anh em bà con trong họ hàng nhưng thực tế thì giữa tôi và cậu em này, ngay từ hồi còn nhỏ xíu ngoài Bắc rồi khi di cư vào Nam có gặp mặt nhau lần nào đâu. Chỉ mới trước đó vài tháng, nhân lần đi ăn cỗ cưới của một gia đình người thân trong họ tận trên vùng Thủ Đức thì mới gặp cậu em này do tình cờ ngồi chung một bàn với nhau và vì vậy mới biết cậu đi làm cho USAID, một cơ quan chuyên về viện trợ của Mỹ tại miền Nam VNCH. Cậu ta lại đi chung với 2 người Mỹ khác nên giới thiệu họ với tôi rồi thấy đứng trò chuyện giữa đường không tiện, mời đi cà phê ở một cái quán gần đó, quán Givral… ai ở Sài Gòn cũng biết chỗ này. Hết chầu nước thì cả nhóm lại thả bộ vào hành lang Eden ghé mắt xem tiệm này, vào thăm quán hàng kia một chút rồi thì chia tay. Lúc đó, một trong hai người Mỹ ngỏ ý muốn chụp vài tấm ảnh làm kỷ niệm cho buổi gặp mặt nên tôi và cậu em đồng ý. Cả bốn người chúng tôi đứng chung với nhau trước cửa ra ở hướng bên đường Tự Do đối diện với rạp cine Rex, ngó xeo xéo qua Toà Đô Chánh và nhờ một tay chụp hình dạo lảng vảng gần đó bấm máy hộ. Cái máy chụp ảnh đó là loại máy chụp hình lấy liền chỉ sau vài phút chờ và là ảnh màu. Thế mới hay! Lý do có vụ chụp ảnh kỷ niệm, tôi nghĩ bởi lúc ngồi trong quán Givral, cậu em đã giới thiệu với 2 người Mỹ tôi là giáo sư dạy các trường đại học tại Sài Gòn. Buổi hôm đó vì tôi vừa đi họp Sở về, quần áo vest bảnh bao, thắt caravat cùng giầy vớ cẩn thận thêm mấy quyển sách cầm trên tay nữa… đã làm mình có cái vẻ giáo sư đại học chứ sự thực, mình chỉ dạy làng nhàng ở các lớp trung học thôi. Trình của mình làm sao với tới bậc đại học được. Không nhớ tay người Mỹ đó chụp mấy kiểu nhưng khi lấy ra được ảnh thì cho hai anh em tôi mỗi người một tấm. Đưa ảnh xong thì 2 người Mỹ đó bỏ đi. Họ đi rồi, tôi hỏi ra mới biết là nhân viên của thư viện Abraham Licoln nằm ở góc đường Lê Lợi – Nguyễn Huệ cũng gần đó, không xa. Hai anh em tôi hỏi thăm nhau về công việc đang làm, tin tức vài người bà con thân thuộc… rồi thì cũng chia tay, đường ai nấy đi.
– Abrham Lincoln là ông tổng thống Mỹ bị ám sát chết đó phải không bác. Cậu trẻ nhất hỏi.
Ông già nhất gật đầu, nói:
– Đúng vậy! Abraham Lincoln là vị tổng thống thứ 16 của Hoa Kỳ trong thời nội chiến giữa hai miền Nam – Bắc khi còn vụ nô lệ người da đen gốc Phi châu. Nghe bảo ông ta bị ám sát chết khi đang ngồi xem kịch tại một hí viện. Thư viện Abraham Lincoln này có rất nhiều sách báo Anh ngữ và nơi đây cũng là toà soạn của tạp chí Thế Giới Tự Do nổi tiếng. Cậu em họ của tôi làm việc cho cơ quan USAID mà không hiểu sao lại có bạn Mỹ là nhân viên của thư viện đó vì hai cơ quan này đâu có dính dáng gì đến nhau? Lúc đó tôi thắc mắc như vậy và rồi cũng quên đi ngay. Mãi cho đến những ngày cuối tháng 4 năm 1975 thì tôi mới gặp lại cậu em họ này. Hôm đó, tôi đi dạy học lớp buổi sáng ở trường về nhà thì thấy cậu ta đã ngồi chờ sẵn từ trước. Anh em gặp lại nhau rất mừng, tôi không ngờ lại biết nhà tôi nữa, đang định hỏi thì cậu nói ngay: “Anh còn tâm trí để dạy học được nữa sao? Phải tìm mọi cách mà dọt ngay vì sớm muộn gì, bọn Việt Cộng cũng sẽ chiếm thủ đô Sài Gòn này”. Tình hình khi đó ở thủ đô Sài Gòn hỗn loạn lắm vì rất đông nạn nhân chiến cuộc từ ngoài miền Trung đổ về sống tạm cư lây lất đầy trong các sân vận động, trong chùa và cả nhà thờ nữa… Rồi còn lính mình nữa… Họ đi nghễu nghện ở ngoài đường với quân phục tơi tả của các binh chủng tan hàng từ các tỉnh đổ về và đang chờ bổ sung quân số cho đơn vị mới. Dù cậu em không nói ra thì bản thân tôi cũng biết phải chạy ra ngoại quốc ngay vì phe ta đã bị người Mỹ bỏ rơi rồi. Mất nước tới nơi nhưng mà xuất cảnh bằng cách nào đây? Bằng đường biển thì con đường duy nhất để ra Vũng Tàu là quốc lộ 51 đã bị Việt Cộng cắt ngang do chúng chiếm được vùng Nhơn Trạch. Đi bằng máy bay thì gia đình tôi không đủ tiền mua vé và cũng chẳng có sổ passport gì cả. Ngay tại Sài Gòn đây, tôi muốn chạy xe vào bến cảng hải quân ở Bạch Đằng để xem coi có thể đi ké được chiếc tàu hàng nào không mà cũng không thể. Lính canh gác đã rào kín hết các cổng trong tình trạng giới nghiêm nội bất xuất-ngoại bất nhập. Tôi nói thật với cậu ta: “Anh nghe tin, đọc báo biết các việc đó nhưng chẳng thể làm gì được nên cứ đành tiếp tục đến trường dạy học, chờ xem thế sự ra sao. Cậu đến nhà, anh vui quá, giúp cho gia đình anh di tản ra ngoại quốc nha”.
– Cái máy ảnh anh kể đó là loại Polaroid chụp lấy liền hình mầu chỉ trong vài phút. Tôi đã thấy đám phóng viên ngoại quốc dùng loại máy chụp ảnh này khi họ đến trại tù binh Phú Quốc và ở các buổi trao trả tại phi trường Lộc Ninh. Máy này mắc tiền đó đa anh giáo. Hãng Polaroid đánh đúng vào ý thích của khách hàng là khi chụp ảnh xong thì đều muốn coi được ngay tấm hình đó nhưng nó có một bất tiện là không có phim âm bản nên nếu chụp tấm nào, chỉ có tấm đó thôi và không thể rửa thêm lần thứ hai thứ ba được. Ông quân nhân góp lời.
Ông già nhất khẽ gật đầu như thừa nhận lời vừa nói của ông quân nhân và tiếp:
– Như vừa kể tôi rất muốn gặp lại cậu em này mà chẳng biết chỗ cậu sống ở đâu. Sau lần gặp cậu ta với 2 người Mỹ đó đến nay cả mấy năm rồi còn gì. Gặp là để mong cậu từng có thời gian làm việc với họ thì may ra có thể tìm được cách để mình níu theo mà đi nên giờ cậu ta đến nhà thì khác gì một cái phao cứu sinh cho bản thân và gia đình. Nghe tôi nhờ cậy, cậu ta nói: “Em vừa ở ngoài Trung vào đây, tình hình bây giờ rối mù chẳng biết đường mà liệu nữa, người Mỹ thay đổi kế hoạch liền liền. Giờ phải chờ ngày mai xem có tin gì mới không. Tình hình biến chuyển lẹ quá, càng lúc càng xấu”. Tin gì? Tôi hỏi thêm thì cậu bảo: “Minh lớn sẽ nhận chức tổng thống ngay tối hôm nay ở dinh Độc Lập. Nội các mới có thể phải chia chung một số ghế với bọn Mặt trận Giải phóng nằm vùng ở Sài Gòn. Sứ quán Hoa Kỳ biết hết cả và mong có thể thêm thời gian để họ đưa hết các người cần di tản ra khỏi Sài Gòn trước khi bọn Cộng Sản Bắc Việt chiếm trọn quyền hành, gạt tất cả từ Minh lớn đến đám Mặt trận ra rìa. Em sẽ đưa gia đình anh chị đi chung chuyến bay và chắc chỉ vài ngày nữa mình sẽ lên đường”. Hỏi thêm thì cậu ta bảo sẽ đưa cả nhà tôi vào trong sứ quán Mỹ và để lên xe buýt vô phi trường Tân Sơn Nhứt rồi lên máy bay C 130 bay sang Phi Luật Tân. Nghe như vậy, tôi không biết nói gì hơn vì không ngờ cậu ta còn nhớ đến mình nên kêu vợ con ra cảm tạ cái ơn. Vợ tôi cứ lắp lắp: “Gia đình anh chị thật có phúc mới gặp được bà con như chú, thôi thì đành trông cậy mọi sự”. Cậu em ở lại ăn qua quýt bữa cơm với gia đình tôi xong thì bỏ đi ngay, nói sẽ quay trở lại và bảo tôi thu xếp ít quần áo phòng sẵn. Chiều tối hôm ấy, vang vang những tiếng nổ rung chuyển cả đường phố Sài Gòn rồi sau mới biết do Việt Cộng ném bom ở phi trường Tân Sơn Nhứt và pháo kích vào các khu dân cư mà ra. Điện bị cúp nữa làm cả khu phố tối hù. Cả đêm hôm đó, tôi gần như thức trắng để chờ cậu em quay lại trong tâm trạng sợ đạn pháo kích rớt xuống nhà mình thì khốn. Có lúc, tôi đi ra ngoài đầu ngõ thấy dòng người ta chạy qua lại trên đường bất chấp cả lệnh giới nghiêm. Tiếng còi hụ của xe cứu hoả, xe cứu thương trong tiếng súng nổ cùng tiếng máy bay ầm ì xa xa trên trời cao càng làm mình thêm lo thêm rối trí. Tôi quay về nhà nằm chờ đợi, lúc ngủ lúc thức vật vờ ở cái ghế dài salon phòng khách cho tới khi trời sáng rõ thì cậu ta lại đến, bảo: “Vụ di tản bằng phi cơ ở Tân Sơn Nhứt coi như chấm dứt rồi. Bom máy bay và đạn pháo 130 ly của Việt Cộng chiều tối hôm qua đã cày nát bề mặt phi đạo nên chắc người Mỹ phải tính cách khác. Khi nào anh nghe bài hát X này trên băng tầng FM thì phải nhanh chân chạy đến sứ quán Hoa Kỳ ngay… Em ghé báo tin anh biết và bây giờ thì phải đi chút công việc gấp, nếu không thấy em trở lại đây thì cả nhà cố tự thân đến đó, anh em mình sẽ gặp lại nhau thôi”. Cậu ta còn dặn nên thủ ít tiền đô trong người phòng có lúc cần dùng đến và nhớ đừng chần chờ, đi càng nhanh càng tốt. Khi cậu ta ra khỏi nhà rồi, tôi cứ để nguyên radio mở ở cái băng tần FM mà cậu vừa chỉ dẫn và nghĩ đích thực cậu này là nhân viên CIA như người trong họ hàng đã kháo nhau từ trước. Ở thời điểm đó, hỏi có mấy người Việt mình biết đến cái vụ bài hát X hiệu lệnh di tản này của người Mỹ.
– Á à! Thì ra cái bài hát tôi nghe kể người Mỹ đã dùng trong ngày di tản hôm đó đó phải không? Nghe nói máy bay trực thăng Mỹ sẽ đón người ở sứ quán Hoa Kỳ cũng như ở các toà buyn đinh khác nữa mà. Phải không anh giáo? Ông quân nhân chen vào.
Ông già nhất chưa trả lời thì anh chàng bộ đội hỏi:
– Bài hát trên băng tần FM hả bác? Bác còn nhớ nó không?
– Nhớ chứ! Can nãy mấy người có thấy tôi ngóng xem cái ti vi chơi một khúc chung với cảnh Noel đó không. Ông già nhất gật đầu, khẽ huýt gió một đoạn nhạc ngắn rồi khẽ khàng: “Đó! Đó! Thôi thì nói luôn cho biết. Bài hát X đó có tên là White Christmas và do nam ca sĩ Bing Crosby hát. Cậu em bảo tôi khi nào nghe thấy băng tần FM phát ra bài này thì nó chính là hiệu lệnh để di tản. Tôi chờ thì đến gần trưa mới nghe thấy bài hát này thật… Tôi đang mơ một mùa Giáng sinh tuyết trắng với các tấm thiệp Giáng sinh tôi đã viết… Lời của bài hát X. Tôi và vợ con chuẩn bị sẵn sàng chờ cậu ta đến nhưng rồi một giờ, hai giờ đồng hồ qua đi mà không thấy bóng dáng cậu này đâu cả. Vợ tôi nhớ lời dặn cũ thì lại thúc phải tự đi nhanh kẻo không kịp nên tôi lấy chiếc Honda Dame đèo vợ con chạy ngay đến sứ quán Mỹ. Dọc đường đi, tôi thấy lại cảnh chiến tranh tại Sài Gòn như hồi Tết Mậu Thân năm xưa. Từ Phú Nhuận vào nội đô không xa lắm mà tôi phải nhích từng đoạn từng đoạn trên đường nghẹt cứng người và xe. Mãi rồi khi đến được sứ quán Mỹ thì hỡi ơi… Quá đông con người ta đang xếp hàng dọc trên đường và ngay tại cánh cửa cổng ra vào, tình cảnh trông thật nản. Đám đông người xô lấn chen nhau đông đặc, không ai chịu nhường cho ai cả. Ai cũng muốn vào được bên trong toà nhà nhưng việc đó đâu có dễ dàng gì”.
Ông quân nhân lại hỏi:
– Nghe nói khi đó không chỉ một sứ quán Hoa Kỳ mà còn mấy buyn đinh khác nữa chính phủ Mỹ đã chọn ra để máy bay trực thăng đáp xuống đón người. Mấy buyn đinh đó ở chỗ nào trong Sài Gòn hả anh giáo?
– Mấy gì anh! Tới mười ba cái buyn đinh lận. Cái thì ở đường Trương Minh Giảng, cái thì ở đường Tú Xương rồi ở cả đường Gia Long nữa… Tôi chẳng nhớ hết đâu! Ông già nhất đáp lời.
Dòng người xếp hàng trước cổng sứ quán Mỹ để mong vào được bên trong
Nói xong thì ông già nhất ngồi thừ người ra như để dòng ký ức quay trở về ngày tháng cũ của năm đó. Ba người còn lại trong bàn yên lặng nhìn ông ta như một thông cảm cho tâm trạng riêng tư. Nhắc lại những kỷ niệm cũ, lòng ai không bồi hồi. Một lát thì ông già nhất lại tiếp:
– Thấy dòng người quá đông, tôi bảo với bà xã phải xếp hàng thôi, không cách nào khác… Trâu chậm thì uống nước đục. Mình tuy chậm nhưng sẽ là kẻ đến sớm so với các người khác còn đang ở nhà. Vất bỏ cái xe Honda Dame đi, tôi bảo vợ con chịu khó đứng trong hàng để giữ chỗ trước còn bản thân thì chạy lòng vòng tới lui chỗ này chỗ kia tìm cậu em họ. Phải có cậu ấy thì cả gia đình tôi mới mong vào bên trong toà đại sứ được. Tôi đi đến từng đám người tụm 5 tụm 3 bên kia đường và ở các con ngõ gần chung quanh sứ quán Mỹ nhưng không thấy cậu ta. Quay trở về dòng người, tôi xếp hàng lại với vợ con mình và cứ nhích từng bước cả tiếng đồng hồ sau thì gia đình cũng lần đến được cánh cửa cổng nhưng rồi lại bị lính thuỷ quân lục chiến Mỹ đẩy ra rìa ngay vì không có giấy tờ gì để vào bên trong sứ quán được. Không vào được bên trong, gia đình tôi cứ đứng ngay tại cánh cửa cổng, nghĩ cậu em tôi sẽ xuất hiện mà mãi chẳng thấy đâu. Sau thì thằng con trai tôi, khi đó nó mới khoảng 6 tuổi, bám theo chân một gia đình khác và nhờ vậy, đã âm thầm lẻn vào được bên trong sứ quán.
– Thằng bé khôn quá! Đúng con anh giáo. Ông quân nhân gật gù cái đầu và nở nụ cười.
Ông già nhất ánh lên ánh mắt tinh quái khi nghe ông quân nhân khen đứa con trai mình và tiếp ngay:
– Đấy! Vào được bên trong rồi thì thằng con tôi lại chạy trở ra phía cánh cửa cổng, lấy tay làm loa khẽ gọi và vẫy vợ chồng tôi nữa. Vợ tôi bập bẹ vài câu Anh ngữ với mấy gã lính thuỷ quân lục chiến Mỹ bảo đó là đứa con trai, nó theo chúng bạn chạy vào trong mà lại không chịu trở ra ngoài với bố mẹ. Mãi thì một gã lính cho phép vợ tôi vào trong để dẫn nó ra nhưng rồi bà ấy và đứa con trai biến mất luôn vào dòng người, chỉ còn lại mình tôi vẫn đứng bên cánh cửa cổng. Đây là một sắp xếp của vợ chồng tôi từ trước, ai cứ vào được thì vào, đi được người nào thì cứ đi còn hơn chết chùm cả đám. Vợ tôi vào được bên trong đó thì cố kiếm cậu em mà chẳng thấy rồi sau tình cờ thì bà lại gặp một cô bé gần nhà nên mới nhờ giúp. Cô bé này, có tên gọi là cô Hai cũng sống trong khu phố không xa và thỉnh thoảng đến nhờ tôi dạy thêm ít câu tiếng Anh đàm thoại. Không biết cô ta làm cái gì mà cũng có mặt trong sân sứ quán và nhận ra vợ con tôi nên mới đến hỏi chuyện. Hỏi rồi biết tôi còn kẹt ở bên ngoài thì cô bảo sẽ nhờ người chồng ra cánh cửa cổng thử gặp, may ra. Trời ơi! Cô bé này lấy chồng Mỹ từ lâu rồi mà thật khéo dấu, hàng xóm chẳng ai biết và cả gia đình tôi nữa. Vợ chồng cô bé Hai đi ra cánh cửa cổng gặp đám lính thuỷ quân lục chiến Mỹ rồi vẫy tôi lại gần hỏi xem có giấy tờ gì liên quan đến chính phủ Hoa Kỳ không. Tôi định lắc đầu thì chợt nhớ đến tấm ảnh Polaroid cũ liền vội lục trong cái túi xách tay PanAm lấy nó ra cho cả bọn họ xem. Cô bé Hai bảo với người chồng và các gã lính rằng tôi là nhân viên sở Mỹ ở một văn phòng ngoài miền Trung, chạy thoát tay Việt Cộng vào đây và giấy tờ đã mất hết chỉ còn duy nhất tấm ảnh. Mấy gã lính gác cổng chuyền tay nhau xem tấm ảnh và khi hỏi thêm chi tiết thì tôi lấy lý lịch của cậu em điền vào cho bản thân mình nhưng cũng chưa xong việc ngay. Khi một gã lính đòi tôi chi 500 đô thì mới cho vào bên trong thì tôi lấy ra cả một xấp tiền giấy nhưng đếm tất cả chỉ được 310 đô thôi. Lý do: Đô la Mỹ khi đó khan hiếm vô cùng, vợ tôi xoay mãi cũng chỉ đủ tiền mua ngần ấy nhưng lại toàn bạc lẻ. Lúc đầu, gã lính đó không đồng ý cứ khăng khăng phải có đủ 500 đô mới được. Cô bé Hai trổ tài thuyết phục, bảo bọn Việt Cộng mà vào đây thì chúng sẽ giết chết hoặc bỏ tù tôi ngay tức khắc nếu như còn kẹt lại, không chạy kịp. Chồng cô ta cũng nói vào và sau cùng gã lính đó mới chịu nhận xấp tiền và cho tôi đi vào bên trong. Nếu không có vợ chồng cô bé Hai này giúp thì bản thân tôi đành chịu cứ đứng ở cánh cửa cổng mãi vì làm sao mà vào bên trong toà nhà được. Nhưng sau này nghĩ lại, chẳng thà gia đình tôi đừng vào trong sứ quán Mỹ thì biết đâu sẽ hay hơn và sẽ không mất 310 đô mà cả nhà lại có thể đi thoát bằng tàu lớn ở bến Bạch Đằng. Nhiều người ở quận 4 đã di tản thoát thân ngay những phút cuối bằng tàu lớn ở đây mà chẳng mất đồng nào cả. Trở lại chuyện cũ thì vào trong sân sứ quán Mỹ rồi, tôi mới thấy cả ngàn người nam – phụ – lão – ấu đang ngồi, đứng, nằm chen chúc bên nhau trong dòng người xếp hàng rồng rắn để chờ được gọi đến lượt di tản. Hỏi thì mới hay có người đã vào đây từ mấy ngày hôm trước mà tới giờ, họ vẫn chưa nhúc nhích gì cả. Súng ngắn, ai đó vất bỏ vài khẩu nằm im phơi bóng dưới đáy cái hồ nước trong vắt. Bọn lính thuỷ quân lục chiến Mỹ cứ tách dân da trắng hoặc một số người Việt ra trước rồi đưa họ lên sân thượng để theo máy bay trực thăng UH ra hạm đội, người còn lại trong hàng thì phải chờ đi các lượt sau. Thấy cách đưa người di tản như vậy, ai cũng cho là quá chậm vì lâu lâu mới có một chiếc trực thăng đáp xuống mà chỉ chở được độ chục người trong mỗi chuyến. Cuối cùng, nhân viên làm việc ở sứ quán mới hạ lệnh cho cưa đổ cái cây to ở mé sân sau, lấy chỗ trống để trực thăng khổng lồ hạ cánh. Loại trực thăng này to lắm, tôi không biết tên nó… nhưng có thể chở được thêm khá nhiều người so với loại UH nhỏ xíu”.
– Trực thăng vận tải CH 47 Chinook phải không anh giáo? Ông quân nhân hỏi.
Ông già nhất nghe câu hỏi, lắc đầu:
– Không! Không phải loại Chinook CH 47 sâu rọm đâu anh. Loại trực thăng này khác anh à. Nó còn to hơn Chinook CH 47 nữa và cũng vì vậy mà không sử dụng được sau vài chuyến bốc người ở sân sứ quán Mỹ. Sức quay từ các cánh quạt của nó đã làm bể cửa kiếng các phòng, thổi muốn bay người đứng ở dưới đất và có thể sẽ làm sập cả những bức tường vây quanh toà nhà nữa nên kế hoạch dùng loại máy bay này để di tản người trong phút cuối đành phải bỏ. Chỉ dùng duy nhất loại trực thăng UH thôi và lính thuỷ quân lục chiến Mỹ cứ lần lượt đưa từng đợt, từng đợt người lên sân thượng. Sân thượng tuy rộng nhưng chỉ có một bãi đáp cho trực thăng UH mỗi lần xuống một, hai chiếc nên mình có muốn nhanh hơn cũng không được. Khi đó sốt ruột lắm.
Anh chàng bộ đội chen vào:
– Nghe bác nói thì rốt cuộc cả gia đình cũng không đi thoát. Vậy mà cháu nghe kể người Mỹ đưa máy bay trực thăng đáp xuống sân thượng sứ quán đón dân Việt di tản ra hạm đội 7 hết cả.
Ông già nhất gật đầu, nhắc lại câu vừa kể:
– Khi đó sốt ruột lắm… Phải! Cứ nghĩ gia đình mình vào được sứ quán Mỹ thì rồi sẽ đi thoát. Có ai ngờ! Cứ nhích từng bước một để theo nhau lên từng tầng của toà nhà. Tầng hai rồi tầng ba, tấng bốn… thật là lâu trong dòng người xếp hàng. Chiều xuống dần và đêm tối ì ạch trôi qua nhưng đám đông người di tản vẫn còn nghẹt cứng cho đến khi cả gia đình tôi đứng được trong dòng người ở cái cầu thang dẫn lên sân thượng, nơi máy bay trực thăng UH đáp xuống đón người. Rồi lên được tới sân thượng thì mừng muốn rớt nước mắt. Nhìn bầu trời chung quanh, Sài Gòn đã bắt đầu hưng hửng sáng, không khí buổi ban mai thổi mát mặt, làm mình tỉnh ngủ sau cả đêm dài thức trắng. Tôi nói lời an ủi khi thấy vẻ mệt mỏi trên khuôn mặt của vợ mình: Ráng chịu đựng thêm chút nữa đi… Ra được hạm đội 7 thì cả nhà ta sẽ ổn. Tiếng động cơ trực thăng UH từ xa xa vọng lại chung với tiếng gầm rú đinh tai của những khu trục cơ F4 Phantom đảo lộn trên cao để bảo vệ các chuyến bay di tản và rồi một chiếc trực thăng đã xuất hiện ngay ở phía trên đầu mình. Ục… ục… ục! Tôi nhìn lên, chiếc UH đó đang xuống thấp dần để bốc người như các chuyến trước đây. Gia đình tôi rồi sẽ ngồi trên chiếc trực thăng đó chỉ trong vài phút nữa thôi và thoát nạn. Tôi nghĩ vậy thì thấy gã lính thuỷ quân lục chiến Mỹ đứng ngay trước mặt thọc hai ngón tay vào miệng y để phát ra những tiếng tuýt tuýt như một hiệu còi. Sau đó, y ta co tay làm thêm một dấu hiệu mới thì mấy gã lính khác còn lại vội tản ra và đẩy cả đám người chúng tôi đi lùi dần xuống khỏi cái cầu thang. Xuống hết cái thang thì cả dòng người vẫn phải theo lệnh của mấy tay lính thuỷ quân lục chiến Mỹ để tiếp tục đi xuống các tầng dưới toà nhà rồi sau cùng thì đến tầng trệt và ra đứng hẳn ở trên sân sứ quán. Thấy tình hình như vậy, có người hỏi lý do thì một gã lính trả lời tập trung ở sân sứ quán để lên xe buýt chở vào phi trường Tân Sơn Nhứt và máy bay C 130 sẽ đón sau. Gã lính đó nói các tàu chiến của hạm đội 7 đã đầy người, không thể chứa thêm được nên phải chuyển phương cách di tản. Xuống dưới sân của toà nhà thì mới thấy số người chờ di tản vẫn đầy nghẹt tuy không đông như hôm qua. Bây giờ thì chẳng còn hàng ngũ trật tự gì như trước nữa, mạnh ai muốn đứng, ngồi hay nằm vật xuống sàn nhà hoặc bất cứ chỗ nào tuỳ ý nhưng đều giống nhau ở khuôn mặt chung nỗi lo âu cùng mệt mỏi. Vẫn đông người như vậy thì không biết ở cánh cửa cổng có còn ai không? Tôi nghĩ những người ở bên ngoài cánh cửa cổng cố hết sức để vào được bên trong sân toà nhà mà không biết cả đống người vẫn bị dính chặt ở đây chưa di tản và cũng chẳng biết tình hình rồi sẽ ra sao? Bất chợt có tiếng ai đó nói lớn cửa dẫn lên tầng trên đã bị thuỷ quân lục chiến Mỹ khoá chặt rồi. Nghe vậy thì có người nói phải phá ổ khoá cửa. Phá ổ khoá cửa, nhằm có đường để cả bọn mình đi lên trở lại cái sân thượng, chỗ máy bay trực thăng xuống đón người thì mới thoát. Phải làm vậy thôi, bọn mình mà không có mặt ở bãi đáp trên sân thượng, máy bay trực thăng sẽ bay qua luôn và đến các buyn đinh khác. Có người lại nói các xe buýt của sứ quán từ hôm qua đã chở người vào Tân Sơn Nhứt rồi phải quay về đây thì làm gì có vụ tập trung ở đó để lên máy bay C 130 như lời gã lính thuỷ quân lục chiến Mỹ nào đó nói. Mình bị người Mỹ bỏ lại rồi, kết luận là vậy. Những người đang phá ổ khoá cửa thì phải thối lui xuống ngay vì họ chịu không nổi hơi lựu đạn cay do lính thuỷ quân lục chiến Mỹ ném xuống. Hơi khói lựu đạn cay lan dần xuống tới tầng dưới, tôi nắm tay dẫn vợ và đứa con trai theo chân những người khác chạy vội ra chỗ đất trống của toà nhà để bớt ngộp. Ở đây, nhìn ra cánh cửa cổng vẫn còn khoá chặt và vẫn có người đang cố sức trèo qua lớp hàng rào kẽm gai giăng trên cao để nhẩy vào phía bên trong. Không một bóng người lính thuỷ quân lục chiến Mỹ nào cả dù khi đó tiếng máy bay trực thăng trên sân thượng vẫn ục ục vọng xuống đất. “Trực thăng đang bốc những người lính thuỷ quân lục chiến Mỹ cuối cùng và bỏ rơi bọn mình cả rồi…”, tiếng một ai đó thét lớn. Rồi tiếng người khóc rấm rức, tiếng người khác chửi thề chung với lời nguyền rủa bọn Mỹ đểu giả. Trời Sài Gòn khi đó đã sáng rõ mà đám người chúng tôi vẫn không ai dám bỏ ra khỏi toà nhà vì cố nuôi một niềm tin mơ hồ trong lòng: Lính thuỷ quân lục chiến Mỹ cùng các trực thăng rồi sẽ quay trở lại đây và sẽ áp tải hết tất cả người Việt đến thẳng hạm đội 7. Họ sẽ giữ lời hứa như một nhân viên sứ quán đã cam kết vào chiều tối ngày hôm qua “Tất cả các bạn người Việt hiện diện ở đây sẽ được bốc ra hạm đội 7 hết cả. Chúng tôi đang thực hiện chiến dịch di tản. Hãy yên tâm và giúp chúng tôi duy trì trật tự, đi theo hàng ngũ”. Ở góc tường sát với toà nhà bên cạnh, chút khói trắng vẫn bốc lên từ mấy thùng phi sắt mà ngày hôm qua, các nhân viên của sứ quán đã đốt rất nhiều chồng hồ sơ cùng giấy tờ tài liệu mật. Không ai được lại gần mấy thùng phi đó và nhân viên có lúc phải rưới thêm dầu vào để ngọn lửa cháy nhanh hơn. Tình cảnh hiện tại, đám chúng tôi chẳng biết phải làm gì ngoài việc chờ đợi di tản trong vô vọng. Có người suy đoán không chừng công binh đã sửa cấp tốc xong cái phi đạo trong Tân Sơn Nhứt rồi và bọn mình sẽ được di tản bằng máy bay vận tải C 130 như lời gã lính thuỷ quân lục chiến Mỹ đã nói. Bọn mình ở đây cộng thêm số người ở các buyn đinh khác nữa sẽ rất đông, không thể dùng trực thăng di tản hết được và chỉ một cách vào Tân Sơn Nhứt thì mới xong việc. Sau mới biết các tin đó để trấn an tinh thần của nhau. Không thể phá được cái ổ khoá cửa thì vài người lại đi đập bể tấm kiếng của các gian phòng gần đó. Tôi kéo vợ con đến một chỗ kín gần góc nhà và ngồi im để chờ điều chưa biết sắp xẩy đến. Tôi yên lặng khi nghe lời thì thào của bà xã: “Mình làm gì bây giờ anh?”. Tôi không thấy đói bụng ngoài cái mệt mỏi của thân xác. Lương khô, nước ngọt và những lon đồ hộp từ các thùng Ration C nằm lăn lóc đầy trên sàn nhà mà chẳng có ai màng đến. Tôi rối trí khi vợ tôi nhắc lại câu hỏi cũ và chỉ biết lắc đầu vì phải lo lắng nhiều thứ trong một thời gian quá ngắn ngủi.
– Phải chi lúc đó gia đình anh chạy ngay đến bến Bạch Đằng thì may ra còn kịp chuyến di tản. Sau này, nghe tin trên đài VOA, BBC… tường thuật về buổi trưa hôm 30 tháng 4 năm đó, có mấy chiếc tàu thương mãi chở người vừa rời khỏi bến Bạch Đằng độ mươi mười lăm phút thì xe tăng T 54 Cộng Sản Bắc Việt mới xuất hiện ở khu vực kho 5 Khánh Hội. Mấy thương thuyền đó chạy thoát hết ra biển rồi nhập chung với đoàn tàu hải quân Mỹ luôn. Ngẫm lại, thấy do cái số cả anh giáo à. Ông quân nhân thẽ thọt.
– Vậy! Do cái số cả. Ông già nhất lập lại lời nói của ông quân nhân.
– Cuối cùng thì người di tản ở sứ quán Mỹ ra sao hả bác? Trực thăng không đón, cứ chờ mãi ở đó cho đến khi Việt Cộng vào? Anh trẻ tuổi nhất cất tiếng hỏi.
– Còn sao nữa hả cậu! Khi có tin từ ngoài phía cánh cửa cổng bảo là xe tăng T 54 Cộng Sản Bắc Việt chiếm được Ngã Tư Bẩy Hiền, rồi kế đó lại cái tin bọn chúng đã vào được bên trong bộ Tổng Tham Mưu và hiện có một đoàn xe tải Molotova đang trên đường đi đến sứ quán Mỹ này. Tin đó vừa loan ra thì ôi thôi! Không ai bảo ai đều đồng loạt đứng lên, cùng chạy đến cánh cửa cổng và phá banh nó để tìm đường thoát ra được bên ngoài cho nhanh. Tôi và vợ con ra khỏi sứ quán Mỹ và khi đi vào con hẻm nhỏ của ngày hôm trước, chiếc xe Honda Dame vất bỏ vẫn còn nằm nguyên nơi đó. Không ai thèm đụng đến vì nó cũ mèng và chung quanh, vài chiếc xe hơi, xe Vespa, xe Lambetta, xe Standard, xe Honda SS 50 láng coóng còn nằm đầy ra đấy. Nước mất tới nơi, thân không biết có giữ được không thì mấy của nả này ai cần đến. Tôi lấy xâu chìa khoá còn giữ ở trong túi quần và nổ lại máy chiếc xe. Trên đường chạy xe về lại nhà mình, trước mắt tôi ở từng đoạn đường đi ngang qua là các chiếc xe tăng T 54, xe tải Molotova cắm cành lá giả trang ở các cạnh thùng… chở đầy bộ đội chính quy Cộng Sản Bắc Việt chạy ngược chiều đường để vào bên trong nội đô Sài Gòn. Ở vài giao lộ, xe thiết giáp M 113, xe tăng M 41, xe nhà binh GMC đầy vũ khí mà không một bóng lính mình chung quanh. Những gốc cây, cuối một hẻm đường… quân phục lính mình bỏ nằm gọn ở dưới đất chung với các mũ sắt, súng cùng dây ba chạc còn đầy các băng đạn… thấy mà đau lòng. Còn có cả xác lính mình nằm chết bên lề đường nữa, chẳng biết do người ấy tự sát hay bị trúng đạn khi giao tranh. Thấy một nhóm người vừa đàn ông vừa thanh niên cởi trần, quần cụt đứng lớ ngớ, thất thểu bên cạnh đường, tôi dừng xe lại nhìn họ… đoán là lính mình đây và quả thật là vậy. Tự dưng một nỗi buồn vô hạn dâng trào trong lòng tôi vì chỉ trong một thời gian có vài tháng mà đất nước mất hết vào tay giặc, tan hàng tập thể cùng một ngày. Ông già nhất khẽ chắt lưỡi, lắc đầu.
– Người em bà con cô cậu gì của bác, số phận chú ấy ra sao? Anh bộ đội hỏi.
Ông già nhất khẽ lắc đầu, đáp:
– Cậu em bà con hả? Sau cái hôm đó, tôi chẳng bao giờ gặp lại lần nữa… cho đến tận bây giờ. Không biết cậu ta có kịp di tản hay bị kẹt lại. Cậu ta có đến các buyn đinh khác? Tôi thực chẳng biết nữa. Tôi mà định cư ở Mỹ rồi nếu có thì giờ rảnh, sẽ thử dò tìm tin tức xem sao. Hy vọng rồi sẽ gặp lại cậu ta.
– Còn cái cô me Mỹ, chắc cũng đi được hả bác? Anh bộ đội hỏi thêm.
– Khi giúp tôi vào bên trong sân rồi thì ít lâu sau, vợ chồng cô bé Hai được nhân viên toà đại sứ tách riêng rồi đưa họ lên sân thượng. Ông già nhất cười và tiếp lời: “Kể ra thì chua chát thật, me Mỹ lại ưu tiên di tản trước cả những sĩ quan, viên chức cao cấp của chính quyền miền Nam VNCH mình”.
– Anh giáo nói sao, tôi chưa hiểu? Ông quân nhân thắc mắc.
– Thế này! Ừm… Ừm. Ông già nhất khẽ hắng giọng, tiếp: “Khi đứng hết cả ở sân toà nhà rồi thì chúng tôi mới biết, trong số người bị kẹt lại, có một ông thiếu tướng Nam Hàn, một ông thiếu tướng Đài Loan và cả một số người Âu Châu nữa”.
– Người Âu châu! Ý bác muốn nói là dân da trắng, tóc vàng, mắt xanh lơ. Anh trẻ tuổi nhất bập bẹ lời.
– Phải! Chính vì có những người Âu châu này nên đã làm cả bọn chúng tôi nghĩ họ là người Mỹ thì trực thăng UH sẽ quay trở lại đón và mình sẽ theo chân đi cùng. Chừng hỏi ra thì mới biết họ là người Tây Đức, người Ý Đại Lợi và cả dân da đen vùng Bắc Phi, người Á Căn Đình ở Nam Mỹ nữa. Trong số họ, tuy da trắng tóc vàng hoặc tóc nâu, tóc đen… nhưng đều không phải là công dân Mỹ. Thế có bỏ mẹ không! Người Mỹ thực thụ thì đi mất hết cả rồi, đám Âu châu ở đây giờ cũng như dân Việt mình, kẹt giỏ hết cả đám. Tại sao đám người này lại có mặt ở đây? Họ là nhân viên các hãng buôn ngoại quốc, dân du lịch hoặc nhân viên các sứ quán nước khác bị kẹt lại và chạy vào đây để mong được sứ quán Mỹ giúp cho di tản hòng thoát tay bọn Việt Cộng. Mẹ kiếp! Dân Âu châu mà cũng tránh mặt bọn Việt Cộng y như người khoẻ mạnh tránh gặp bệnh nhân phong hủi. Chờ mãi mà không thấy máy bay trực thăng đến thì màn đập phá lại tiếp tục. Có một căn phòng bị đập bể cửa tan hoang và nhờ vậy, vô tình đã giải thoát cho 2 ông bộ trưởng đang bị nhốt trong đó. Thế mới hài hước! Hai ông này, ra được ngoài căn phòng rồi còn tưởng việc di tản vẫn đang tiếp tục. Hỏi, cả hai kể là đã vào sứ quán từ ngày hôm trước lận, lính thuỷ quân lục chiến Mỹ dẫn cả hai ông vào căn phòng đó bảo ngồi chờ sẽ đến lượt gọi ra để đi và mấy cái samsonite hành lý thì phải tách ra, mang lên tập trung trước ở sân thượng. “Các ông sẽ nhận lại khi ra tới hạm đội 7”, một gã lính thuỷ quân lục chiến Mỹ cam đoan và thế là hai ông này tèo hết hành lý. Phòng đó có tường cách âm, có tủ lạnh và đầy đủ các thứ cần dùng không khác gì khách sạn nên hai bộ trưởng nhà ta cứ yên tâm chờ. Ta phải nhớ rằng, trước đó độ hai tuần lễ, sứ quán Mỹ ở Nam Vang bên Campuchia cũng có cái màn trực thăng bốc người di tản sang Thái Lan rồi và, chắc cũng đã có mấy ông to – bà lớn Campuchia bị lính thuỷ quân lục chiến Mỹ đỡ nhẹ cặp samsonite, túi xách tay kiểu như vậy. Ông già nhất khẽ cười.
– Hai ông bộ trưởng đó chắc đã mất khá nhiều tiền đô và có thể cả vàng cục, nhẫn hạt xoàn nữa. Tui thấy mấy cha nội thuỷ quân lục chiến Mỹ chơi một cú quá gọn. Cứ tham nhũng cho cố đi rồi thì cũng trắng tay. Anh chàng mua bán chợ trời nói.
Ông già nhất lắc đầu, nói:
– Bên Campuchia tôi không biết chứ hai ông bộ trưởng đó thì nghĩ tài sản họ mang theo cũng chẳng có là bao. Giỏi lắm là chục ngàn đô, vài lượng vàng lá trong cặp là cùng, vậy thôi. Tôi nói chỉ có như thế là vì một người làm chức bộ trưởng, nếu muốn tham nhũng, người đó cũng phải ngồi ở vị trí có thể kiếm ăn được thì mới có miếng, không gặp chỗ ngon thì cũng đành chịu. Thêm nữa, hai ông này tôi nghe tiếng trên báo là những người có tư cách nên họ mới tin lời nói của mấy tay lính mà giao hành lý mang theo. Bản thân mình thành thực thì cũng nghĩ người khác thành thực như mình. Người khác mà samsonite đựng đầy nhóc tiền đô, vàng lá, nhẫn hạt xoàn thì đời nào chịu đưa cho ai giữ hộ… Đồng tiền liền với khúc ruột mà.
Ông quân nhân lại hỏi:
– Tại sao sứ quán Mỹ lại bỏ rơi không đón hết những người đã được họ chọn cho vào trong toà nhà. Có gì lấn cấn trong nội bộ không hả anh giáo?
– Lúc đầu ai cũng cho là do bộ đội chính quy Cộng Sản Bắc Việt vào tới Sài Gòn quá nhanh nên sứ quán Mỹ đành bỏ rơi người lại, không thể di tản hết cả nhưng tôi thì nghĩ cũng không hẳn là vậy. Ông già nhất ngồi yên trong chốc lát như một cân nhắc điều sẽ nói và sau đó tiếp lời: “Anh nhớ lại đi, chiều ngày hôm trước… tức ngày 29 đó… Ở hướng Tây Bắc Sài Gòn, Bắc Việt đã chiếm được trại huấn luyện tân binh Quang Trung ở vùng ngã tư An Xương rồi. Từ nơi đó vào tới ngã tư Bẩy Hiền chỉ cách độ 6 hay 7 cây số đường là cùng. Ngã tư Bẩy Hiền thuộc quận Tân Bình và cứ thẳng đường Phạm Hồng Thái thì sẽ đến chợ Bến Thành ngay. Tự dưng bọn chúng dừng chân như cố ý… chờ. Chờ cái gì vậy? Chờ cho xong vụ di tản người từ Sài Gòn ra hạm đội 7. Tại sao có vụ chờ này? Phải chăng có một thoả thuận ngầm nào đó giữa người Mỹ và tụi Cộng Sản Bắc Việt hay không thì chẳng ai biết nhưng mình có thể dự đoán theo chiều hướng đó. Phía Cộng Sản Bắc Việt sẽ ngưng bắn từ giờ X đến giờ Y để các trực thăng Mỹ an toàn khi chở người di tản ra hạm đội 7. Các trực thăng đón người hầu như bay rất thấp về hướng Đông để ra biển và trực chỉ thẳng đến hạm đội 7. Đây quả là miếng mồi ngon cho loại hoả tiễn tầm nhiệt SA 7 của bọn Việt Cộng ở vùng Rừng Sát, sông Lòng Tàu nếu như chúng muốn nhắm bắn vào phi cơ. Hoả tiền tầm nhiệt SA 7 là loại súng cá nhân, vác trên vai khi khai hoả. Sáng sớm ngày 29 khi trời chưa rõ hẳn, bằng loại hoả tiễn tầm nhiệt SA 7 này, bọn Việt Cộng đã bắn rớt một máy bay C 119 ngay trên bầu trời Sài Gòn. Thử nghĩ chỉ cần vài máy bay trực thăng UH ăn phải hoả tiễn tầm nhiệt SA 7và bị rớt thì vụ di tản chắc chắn sẽ phải ngưng lại ngay. Ngưng lại có thể một ngày, hai ngày và sẽ kéo dài thêm nữa. Thuỷ quân lục chiến Mỹ buộc phải nhập cuộc rồi sẽ có lính chết, máy bay bị rớt thêm và làm dân Hoa Kỳ bên chính quốc nổi nóng. Biết đâu khi các sự việc đó xẩy ra dồn dập khiến người Mỹ phải thay đổi sách lược và đòi các phe liên quan ở Việt Nam phải tuân theo hiệp định Ba Lê 1973. Rồi máy bay B52 lại được lệnh cất cánh trở lại chung với việc thuỷ quân lục chiến Mỹ đổ bộ để tham chiến. Ta biết người Mỹ đã ép chính quyền miền Nam VNCH mình khi ký hiệp định Ba Lê 1973 mà rồi họ có tuân thủ theo đâu nên bọn Cộng Sản Bắc Việt nó mới lấn tới, lấn tới mãi. Mình thử nghĩ như vậy đi. Thực ra bọn Cộng Sản Bắc Việt rất sợ người Mỹ nên chúng gần như án binh bất động cả bao nhiêu tiếng đồng hồ cho đến khi giờ Y tới, các phi vụ di tản phải chấm dứt theo thoả thuận ngầm này dù vẫn còn rất đông người đang chờ ở sân sứ quán cũng như ở các buyn đinh khác. Nghĩ được như vậy thì mình mới thông cảm người Mỹ đã cố hết sức để đưa dân Việt di tản mà không xuể. Nghĩ được như vậy thì mới thấy chuyện có mặt của nhóm mình tối hôm nay trong trại tị nạn này cũng có phần lớn trách nhiệm của người Mỹ. Như A là nguyên nhân của B và B là đầu mối của C… vậy. Câu chuyện của tôi tới đây là hết”. Ông già nhất lấy tay phất ngang như một dấu hiệu kết thúc một sự việc.
Thoáng yên lặng trôi qua với bốn người họ. Ông quân nhân rít tiếp hơi thuốc lá đang cháy dở trên tay còn ông già nhất cầm cái ấm trà định rót uống thì thấy đã nó cạn nên bỏ xuống trở lại. Hai cậu trẻ tuổi ngồi yên, trơ mắt nhìn. Bất chợt tiếng còi hụ vang lên từ cái loa phóng thanh trên cột đèn đường gần đó khiến cả bốn người họ đồng loạt đứng lên và lục tục theo chân những người khách khác để ra khỏi quán. Giờ giới nghiêm đến rồi, không ai có thể nán lại thêm chút nào được nữa, sẽ rất phiền nếu bị police trong trại bắt gặp.
Đi sát bên nhau trong một hướng khác để về lại barrack, anh bộ đội nói với anh trẻ tuổi nhất:
– Bây giờ thì đến phiên nhóm mình tan hàng. Thôi về ngủ ngon nha mày, mình sẽ gặp lại nhau tối mai. OK!
Không biết khi gặp lại nhau trong chầu cà phê lần tới thì bốn thuyền nhân này sẽ chọn câu chuyện của ai đã kể đêm hôm đó là hay nhất. Còn các bạn đã đọc đến dòng chữ này, sẽ nghĩ sao?
Phạm Thắng Vũ