An Liên
Theo Epoch Times, các email bị rò rỉ chứng minh rằng các quan chức nhân quyền của Liên Hợp Quốc đã cung cấp tên của những người bất đồng chính kiến Trung Quốc cho ĐCSTQ trước khi họ ra làm chứng về những vi phạm của ĐCSTQ ở Geneva. Trước đó, Liên Hợp Quốc đã phủ nhận cáo buộc này.
Trên thực tế, các tài liệu bị rò rỉ cho thấy việc cung cấp thông tin của những người bất đồng chính kiến cho ĐCSTQ được tất cả các nhân viên có liên quan coi là “thông lệ”. Người tố giác nói với Epoch Times rằng LHQ phủ nhận điều đó, nhưng thông lệ này vẫn tiếp tục cho đến ngày nay.
Chính quyền ĐCSTQ đã sử dụng những cái tên nhận được từ LHQ để ngăn cản những người bất đồng chính kiến rời khỏi Trung Quốc. LHQ đã xác định được ít nhất một nhà bất đồng chính kiến, người này đã bị ĐCSTQ bắt giữ tại một sân bay của Trung Quốc trước khi đến Geneva (trụ sở của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc ở Geneva). Bà là Tào Thuận Lợi (Cao Shunli), một nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng ở Trung Quốc. Bà Tào Thuận Lợi đã chết trong khi bị ĐCSTQ giam giữ.
Theo Emma Reilly, nhân viên LHQ đầu tiên vạch trần vụ bê bối, nếu bất kỳ nhà bất đồng chính kiến nào được cho là sẽ khiến Bắc Kinh bối rối tại LHQ, và người này đã ở nước ngoài thì ĐCSTQ sẽ thường xuyên đe dọa đối phương, thậm chí bắt cóc và tra tấn gia đình của đối phương tại đại lục.
Những người chỉ trích ĐCSTQ bao gồm các nhà hoạt động người Duy Ngô Nhĩ ở Tây Tạng, Hồng Kông và miền Tây Trung Quốc, tất cả đều trở thành mục tiêu của ĐCSTQ vì nhiều lý do khác nhau.
Vào tháng 2/2020, Epoch Times đã đưa tin về vụ bê bối và cũng đưa tin rằng cô Reilly đang phải đối mặt với sự trả thù vì đã cố gắng vạch trần và ngăn chặn sự việc này. Vụ việc của cô Reilly vẫn đang tiếp diễn tại LHQ. Cô ấy vẫn được làm việc ở đó, nhưng đang bị “điều tra”.
Trong nhiều năm, LHQ đã phủ nhận việc họ cung cấp cho ĐCSTQ tên của những người bất đồng chính kiến. Tuy nhiên, do rò rỉ các email liên quan đến sự việc này, rõ ràng là LHQ đã đánh lừa chính phủ và các phương tiện truyền thông của các quốc gia thành viên về vụ bê bối này.
Các tài liệu bị rò rỉ tiết lộ chi tiết liên lạc giữa ĐCSTQ và các quan chức LHQ
Một trong những email liên quan được gửi bởi một nhà ngoại giao của ĐCSTQ ở LHQ tại Geneva vào ngày 7/9/2012, yêu cầu các quan chức LHQ cung cấp thông tin về những người bất đồng chính kiến Trung Quốc sẽ ra điều trần trước Hội đồng Nhân quyền LHQ.
“Như thường lệ, bạn có thể giúp tôi kiểm tra xem những người trong danh sách đính kèm yêu cầu được phép tham gia phiên họp thứ 21 của Hội đồng Nhân quyền được không?”, nhà ngoại giao Trung Quốc hỏi trong email gửi tới các cơ quan liên quan của LHQ, “Phái đoàn của tôi có một số lo ngại về an ninh đối với những người này”.
Một quan chức LHQ xác nhận với nhà ngoại giao ĐCSTQ trong thư trả lời rằng hai nhà bất đồng chính kiến trong danh sách của ĐCSTQ trên thực tế đã được chấp thuận và có kế hoạch tham dự. Tên của quan chức LHQ đã trên nội dung email bị rò rỉ đã được che mờ.
Các quan chức nói rằng theo yêu cầu của bạn…Dolkun Isa và Cảnh Hạp đã được chấp thuận để tham gia phiên họp thứ 21 của Hội đồng Nhân quyền LHQ.
Tuy nhiên, quan chức này xác nhận vấn đề trong khi rõ ràng không lo lắng về sự an toàn của những người bất đồng chính kiến hoặc các thành viên gia đình của họ vẫn đang ở Trung Quốc.
Ông Isa là Chủ tịch của Đại hội Duy Ngô Nhĩ Thế giới, đại diện cho những người Duy Ngô Nhĩ bị ĐCSTQ đàn áp dã man ở Tân Cương, miền tây Trung Quốc mà tổ chức này đứng ra bảo vệ quyền lợi của họ.
Một năm sau email này, theo yêu cầu của phái đoàn ĐCSTQ, các nhân viên an ninh của LHQ đã cố gắng đuổi ông Isa khỏi phòng họp của Hội đồng Nhân quyền. Tuy nhiên, cô Reilly đã can thiệp để ông không bị đuổi ra.
Bà Cảnh Hạp, một nhà bất đồng chính kiến khác được LHQ xác định trong một email gửi tới phái đoàn ĐCSTQ, là vợ của luật sư nhân quyền Trung Quốc Cao Trí Thịnh bị bỏ tù. Cao Trí Thịnh là một tín đồ Cơ đốc giáo, ông đã viết một cuốn sách về việc bản thân bị ĐCSTQ tra tấn vì công việc và niềm tin của mình.
Một trong những lý do khiến Cao Trí Thịnh bị tra tấn dã man là do vợ ông đã phát biểu tại LHQ. Các quan chức LHQ đã tiết lộ trước tin tức này cho ĐCSTQ trong email đó.
Một email rò rỉ khác được gửi vào năm 2013, cũng chính nhà ngoại giao Trung Quốc này một lần nữa tìm cách xác nhận danh tính của những người bất đồng chính kiến Trung Quốc, những người được cho là sẽ vạch trần sự tàn bạo của ĐCSTQ tại Hội đồng Nhân quyền LHQ.
“Phái đoàn Trung Quốc đã có sự hợp tác rất tốt với bạn và bộ phận của bạn trong các phiên họp trước”. Trong một email được Epoch Times và các phương tiện truyền thông khác thu được, một nhà ngoại giao Trung Quốc nói với các quan chức LHQ. “Chúng tôi rất biết ơn vì điều đó”.
“Lần này, tôi cần các bạn giúp tôi một việc”, nhà ngoại giao Trung Quốc tiếp tục, “Một số phần tử ly khai chống chính phủ Trung Quốc (ĐCSTQ) đang cố gắng tham gia các cuộc họp của Hội đồng Nhân quyền dưới danh nghĩa của các tổ chức phi chính phủ khác. Họ có thể gây ra mối đe dọa tới LHQ và phái đoàn Trung Quốc”.
“Hãy xác minh và thông báo cho tôi biết những người trong danh sách dưới đây đã được chứng nhận tham gia phiên họp thứ 22 của Hội đồng Nhân quyền hay chưa?”, nhà ngoại giao Trung Quốc hỏi và yêu cầu các quan chức LHQ thông báo những thông tin liên quan qua email hoặc điện thoại.
Nhà bất đồng chính kiến Dolkun Isa một lần nữa lại có tên trong danh sách của ĐCSTQ.
Các quan chức nhân quyền của LHQ đã trả lời email này của phái đoàn ĐCSTQ và cung cấp tên của bốn nhà hoạt động dự kiến sẽ tham dự Hội đồng Nhân quyền.
Vì mục đích bảo vệ nhân chứng và quyền riêng tư, phóng viên của Epoch Times sẽ không tiết lộ tên của những nhà hoạt động chưa được công khai trước đó.
Reilly: Hành động của LHQ đặt những người bất đồng chính kiến vào nguy hiểm là đồng lõa với tội diệt chủng
Trong khi LHQ xác nhận danh sách những người bất đồng chính kiến với các nhà ngoại giao Trung Quốc, cô Reilly vừa tức giận vừa sợ hãi.
“Đây là một thực tế tồi tệ, nếu LHQ định làm điều này, ít nhất họ phải đảm bảo rằng nó được công khai để mọi người có thể biết rằng họ sẽ gặp nguy hiểm”, cô Reilly nói với Epoch Times trong một cuộc phỏng vấn qua video.
“Đây là phép xã giao cơ bản và tiêu chuẩn cơ bản của con người – đừng âm thầm đặt những người này vào tình thế nguy hiểm. Đây có phải là một đòi hỏi quá đáng không?”, cô Reilly hỏi.
Các tổ chức nhân quyền nổi tiếng trên thế giới đã chỉ trích các hoạt động của LHQ vì gây nguy hiểm đến tính mạng của những người bất đồng chính kiến và gia đình của họ.
Trong bình luận của mình với Epoch Times, cô Reilly gọi hành vi này là một “tội ác” và thậm chí còn nói rằng nó khiến LHQ trở thành “kẻ đồng lõa với tội ác diệt chủng”.
Nhà bất đồng chính kiến Isa nói rằng các đặc vụ ĐCSTQ đã xuất hiện tại nhà của ông ở nước ngoài và cố gắng bịt miệng ông. ĐCSTQ cũng bắt gia đình ông ở Trung Quốc, bao gồm cả mẹ ông đã chết trong một “trại tập trung” của ĐCSTQ vào năm 2018. Anh trai của ông cũng bị bắt và đã mất tích từ năm 2016. Các phương tiện truyền thông của ĐCSTQ đưa tin rằng cha của ông đã chết, mặc dù ông không biết cha mình qua đời khi nào và ở đâu.
Epoch Times đã cố gắng sử dụng số điện thoại di động ở Thụy Sĩ có trong email để liên lạc với nhà ngoại giao Trung Quốc, người đã yêu cầu LHQ cung cấp thông tin về những người bất đồng chính kiến, nhưng không thành công.
Email cho thấy cô Reilly phản đối việc cung cấp cho ĐCSTQ tên của những người bất đồng chính kiến ngay từ đầu. Ngược lại, cô ủng hộ việc thông báo cho những cá nhân đã trở thành mục tiêu của ĐCSTQ.
Eric Tistounet, giám đốc Bộ phận Hội đồng Nhân quyền của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền LHQ, lập luận rằng danh sách này được công khai và do đó không thể từ chối yêu cầu của ĐCSTQ.
Trên thực tế, các email bị rò rỉ cho thấy ông Tistounet đề nghị hành động càng sớm càng tốt để tránh “làm gia tăng sự ngờ vực đối với Trung Quốc (ĐCSTQ)”.
“Khi nào yêu cầu này mới được (LHQ) xem xét?”, cô Reilly hỏi một cách hùng hồn trong bình luận của với Epoch Times.
Email bị rò rỉ xác nhận rằng LHQ đã cung cấp tên của những người bất đồng chính kiến cho ĐCSTQ, điều này đã gây ra một chấn động lớn trên các phương tiện truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, ở các nước Âu Mỹ, giới truyền thông hầu như không đề cập đến vụ bê bối này.
Reilly: Hành vi xấu của LHQ vẫn tiếp tục cho đến ngày nay
Cô Reilly nói với Epoch Times rằng các quan chức cấp cao của LHQ trong nhiều năm đã cố gắng đánh lừa các quốc gia thành viên LHQ, giới truyền thông và công chúng trong vụ bê bối cung cấp cho ĐCSTQ thông tin của những người bất đồng chính kiến Trung Quốc.
Từ năm 2013 đến năm 2017, LHQ tuyên bố rằng không có việc này. Vào tháng 1/2021, một phát ngôn viên của LHQ đã nói với truyền thông quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ “Anadolu Agency” rằng LHQ đã ngừng hoạt động này kể từ năm 2015.
Tuy nhiên, vào ngày 2/2/2017, Văn phòng Cao ủy Nhân quyền LHQ (OHCHR) đã thừa nhận trong một thông cáo báo chí rằng họ đã xác nhận với các chính phủ nước ngoài danh tính của những người được phép tham gia vào các hoạt động nhân quyền của mình.
“Các nhà chức trách Trung Quốc và các chính phủ khác thường hỏi Văn phòng Nhân quyền LHQ vài ngày hoặc vài tuần trước cuộc họp của Hội đồng Nhân quyền, liệu đại diện của các tổ chức phi chính phủ có tham gia vào cuộc họp sắp tới hay không”, OHCHR nói, “Trước khi quá trình chứng nhận chính thức được thực hiện, văn phòng không bao giờ xác nhận thông tin này cho đến khi xác định được rằng không có rủi ro bảo mật nào”.
Nhưng cô Reilly cho biết cô đã bị sốc bởi những lời lẽ trong thông cáo báo chí của OHCHR.
“Việc kiểm tra an ninh duy nhất từng được thực hiện bởi một nhà ngoại giao Trung Quốc (ĐCSTQ)”, cô nói với Epoch Times.
Trên thực tế, bản ghi của vụ việc cho thấy cô Reilly đã đặt câu hỏi liệu LHQ có bất kỳ bằng chứng nào để chứng minh cái gọi là kiểm tra “an ninh” trước khi cung cấp những cái tên này hay không. Không có bằng chứng nào được cung cấp.
Cô ấy nói rằng mọi thứ là về việc liệu những người bất đồng chính kiến này có gây rắc rối cho các nhà ngoại giao của ĐCSTQ tại LHQ hay không, “Điều này không liên quan gì đến việc bảo đảm an toàn cho bất kỳ ai”.
Cô Reilly cho biết điều này cũng vi phạm nghiêm trọng các quy tắc riêng của LHQ. Nếu các chính phủ muốn biết ai sẽ tham dự cuộc họp, họ nên hỏi trước sự chứng kiến của các quốc gia thành viên LHQ khác.
Cô Reilly nói với Epoch Times rằng hoạt động của LHQ trong việc cung cấp tên của những người bất đồng chính kiến cho ĐCSTQ vẫn tiếp tục cho đến ngày nay.
“Giờ đây, nó đã trở thành sứ mệnh và trách nhiệm của cá nhân tôi trong việc ngăn chặn loại âm mưu diệt chủng này của LHQ”, cô nói.
LHQ đã trả đũa những người tố giác vạch trần hoạt động này. Các tài liệu do Epoch Times thu được cho thấy một số quan chức cấp cao nhất trong hệ thống LHQ đã cố gắng trấn áp, vu khống và trả đũa những nỗ lực của cô Reilly.
OHCHR đã không trả lời yêu cầu bình luận của Epoch Times về email bị rò rỉ hoặc các vụ bê bối lớn hơn.
Vào đầu năm 2020, OHCHR từ chối bình luận với Epoch Times với lý do các vụ kiện tụng đang diễn ra. Tuy nhiên, cô Reilly nói với Epoch Times tuần này rằng cô đã cho phép tất cả họ bình luận về vụ việc với giới truyền thông.
Một số người phát ngôn của Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres cũng từ chối bình luận.
Trong bình luận của mình với Epoch Times, cô Reilly kêu gọi các phóng viên trên khắp thế giới kiểm tra các tài liệu liên quan, hồ sơ vụ án nội bộ và các bằng chứng khác để xem ai là người nói sự thật – và sau đó báo cáo sự thật để mọi người trên thế giới có thể thấy những gì đang xảy ra.
Cô Reilly nói rằng đây là vấn đề mang tính hệ thống của LHQ, “không có sự giám sát từ bên ngoài”. Cô cũng trích dẫn các ví dụ khác về việc những người tố cáo bị ngược đãi vì cố gắng làm điều đúng đắn.
“Trừ khi các quốc gia thành viên có hành động, nếu không tình trạng này có thể sẽ vẫn tiếp diễn”.
Cô Reilly cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc về mối quan hệ chặt chẽ giữa các đặc vụ ĐCSTQ và các quan chức cấp cao chịu trách nhiệm bảo vệ nhân quyền trong hệ thống nhân quyền của LHQ.