Đẩy ‘thoát nghèo’ thành kỳ tích, ông Tập đang tạo đà cho tái đắc cử tại Đại hội 20?

Vũ Dương

Ông Tập Cận Bình trao giải thưởng cho các cá nhân và doanh nghiệp tiêu biểu tại “Hội nghị Tổng kết và Tuyên dương Xóa đói Giảm nghèo Toàn quốc” được tổ chức hôm 25/2 (ảnh: Youtube/欧华传媒).

Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã tổ chức “Hội nghị Tổng kết và Tuyên dương Xóa đói Giảm nghèo Toàn quốc” hôm 25/2. Tại hội nghị, ông Tập Cận Bình tuyên bố rằng cuộc chiến xóa đói giảm nghèo đã tạo ra “kỳ tích nơi thế gian con người”. Về vấn đề này, ngoại giới cho rằng ông Tập đang tạo đà cho bản thân để tiếp tục nắm quyền sau đại hội đảng 20, theo Vision Times.

Hôm 25/2, nhà chức trách ĐCSTQ đã tổ chức “Hội nghị Tổng kết và Tuyên dương Xóa đói Giảm nghèo Toàn quốc” tại Đại lễ đường Nhân dân Bắc Kinh. Tổng Bí thư ĐCSTQ Tập Cận Bình đã trao giải thưởng cho các cá nhân và doanh nghiệp tiêu biểu. Tại hội nghị, ông Tập đã có bài phát biểu tuyên bố rằng ĐCSTQ đã đạt được thắng lợi toàn diện trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, và đã tạo nên cái gọi là “kỳ tích nơi thế gian con người”.

Ông Tập: Hơn 10 triệu người thoát nghèo mỗi năm

Ông Tập Cận Bình đã điểm lại những thành tựu thoát nghèo trong suốt 8 năm cầm quyền của mình. Ông Tập tuyên bố, bình quân mỗi năm cả nước có hơn 10 triệu người thoát nghèo, tương đương với số người thoát nghèo ở một quốc gia có thu nhập trung bình. Theo tiêu chuẩn hiện hành, tất cả 98,99 triệu người nghèo ở nông thôn đã thoát nghèo và tất cả 832 huyện nghèo trên khắp cả nước đã được xóa bỏ. Tình trạng đói nghèo mang tính khu vực đã được giải quyết, nhiệm vụ khó khăn trong công cuộc xóa đói giảm nghèo đã được hoàn thành.

Ông Tập Cận Bình cũng cho biết trong 8 năm qua, ông đã tổ chức 7 cuộc hội thảo về công tác xóa đói giảm nghèo ở cấp trung ương, tổ chức hơn 50 lần nghiên cứu thực thi về công tác xóa đói giảm nghèo, bản thân ông cũng đã đi đến 14 vùng miền đặc biệt khó khăn và đã kiên trì xem xét thực trạng đói nghèo cũng như kiên trì nắm bắt triển khai chiến dịch thoát nghèo một cách hiệu quả.

Ông Tập Cận Bình tiết lộ hiếm hoi rằng 1.800 người đã chết trong quá trình xóa đói giảm nghèo, và nói rằng ông “sẽ không quên” những người đã hy sinh vì nhiệm vụ này.

Tạo đà cho tái đắc cử

Liên quan đến việc ông Tập Cận Bình khoe khoang cái gọi là thành công trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, tờ “Apple Daily” đã dẫn phân tích của các học giả chính trị cho rằng động thái này có nhiều tầng ý nghĩa. 

Trên trường quốc tế, các vấn đề nhân quyền của ĐCSTQ ở Hồng Kông, Tân Cương và khu vực khác vẫn luôn bị xã hội quốc tế lên án. Việc ĐCSTQ tuyên bố thoát nghèo toàn diện sẽ cho phép Tập Cận Bình chứng minh với quốc tế rằng ĐCSTQ có thể dẫn dắt người dân đạt được mục tiêu thoát nghèo của Liên Hợp Quốc, Khi bị cộng đồng quốc tế lên án về các vấn đề nhân quyền, ĐCSTQ có thể mang điều này ra để phản bác lại.

Ở trong nước, ông Tập có thể tuyên bố rằng ông đã thành công trong việc lãnh đạo người dân thoát nghèo trong 8 năm cầm quyền của mình, thông qua điều này có thể tạo ra một loại dư luận và ông cũng có thể chứng tỏ với trung ương rằng nếu ông tái đắc cử tại Đại hội ĐCSTQ lần thứ 20 sắp tới, bước tiếp theo ông có năng lực dẫn dắt người dân cả nước bước vào một xã hội sung túc toàn diện.

Nhà bình luận chính trị Trung Quốc người Hồng Kông Lâm Hòa Lập (Willy Wo-Lap Lam ) cho rằng ông Tập Cận Bình đã tổ chức cuộc họp khen thưởng vào thời điểm này, nhấn mạnh rằng dưới sự lãnh đạo của  bản thân, ĐCSTQ đã đánh bại đói nghèo và ông sẽ tiếp tục khoe khoang về thành tựu chính trị quan trọng này, thiết lập vị trí lịch sử của mình và để tiếng nói trong đảng ủng hộ ông tái đắc cử tại Đại hội ĐCSTQ lần thứ 20 sắp tới. 

Nhà bình luận thâm niên về các vấn đề thời sự Lưu Nhuệ Thiệu cũng nhìn nhận rằng ông Tập Cận Bình hư trương thanh thế và tô son trát phấn cho chính quyền của mình, mục đích là để tạo lập cơ sở cho việc tái đắc cử tại Đại hội ĐCSTQ lần thứ 20 năm 2022 sắp tới.

ĐCSTQ đang “lừa mình dối người”

Tuy nhiên, ông Lưu Nhuệ Thiệu cũng nhắc nhở cái gọi là thoát nghèo toàn diện của ĐCSTQ là thoát nghèo một cách giả tạo. Ông nói rằng ông Tập Cận Bình đã đặt năm 2020 là năm cuối cùng của công cuộc xóa đói giảm nghèo, tức là các quan chức địa phương nhất định phải làm cho được. Chính quyền đã liên tục hạ thấp tiêu chuẩn thoát nghèo, hiện nay mức thu nhập chuẩn nghèo được đặt ra là dưới 8,81 NDT một ngày (khoảng 26.000 VNĐ), như vậy ĐCSTQ có thể thu được thành tích 100 triệu người đã thoát nghèo.

Ông cũng nhắc nhở rằng trên thực tế, có khoảng 1 tỷ người ở Trung Quốc có thu nhập hàng tháng dưới 2.000 NDT (khoảng 6,4 triệu VNĐ), trong đó có 600 triệu người có thu nhập hàng tháng dưới 1.000 NDT (khoảng 3,2 triệu VNĐ). Ngay cả khi GDP bình quân đầu người hơn 10.000 NDT thì nhìn chung vẫn nghèo, người dân Trung Quốc không thật  sự giàu lên một cách toàn diện.

Đài Á Châu Tự Do đưa tin rằng vẫn còn một khoảng cách rất lớn giữa mức chuẩn nghèo của Trung Quốc và mức chuẩn nghèo của quốc tế. Mức thu nhập chuẩn nghèo do Ngân hàng Thế giới đưa ra vào năm 2018 đối với Trung Quốc và các quốc gia có thu nhập ở mức trung bình khác là 5,5 đô-la Mỹ một người mỗi ngày (khoảng 35 NDT).

Một học giả tài chính tốt nghiệp Đại học Sơn Đông nói rằng thu nhập hàng năm của người  dân nông thôn Trung Quốc thực sự đã tăng đáng kể trong những năm gần đây, nhưng sự mức tăng này là sai khi giải thích rằng người dân Trung Quốc đã thoát nghèo, bởi giá cả các mặt hàng của Trung Quốc đang tăng cao, trong khi tăng trưởng thu nhập của người dân lại không vượt quá lạm phát, vậy nên người dân trên thực tế ngày càng trở nên nghèo hơn.

Mặc dù Tập Cận Bình tuyên bố cả nước đã “thoát nghèo toàn diện”, đời sống của các hộ nghèo vẫn khó khăn như thường (ảnh: Twitter/虎王 nikiv).

Ông Hoa Pha (Hua Po), nhà phân tích chính trị Bắc Kinh, cũng cho biết: Cái gọi là “xóa đói giảm nghèo” của ĐCSTQ cần phải đặt một dấu hỏi lớn về các liệu dữ liệu mà nó đưa ra  có đúng hay không. Lịch sử của ĐCSTQ không thiếu những chuyện tương tự như vậy, chẳng hạn như “lời khoác lác” thu hoạch 10.000 cân thóc trên một mẫu ruộng trong thời Đại Nhảy Vọt đã khiến biết bao nông dân phải chết đói? Bây giờ lại xuất hiện “lời khoác lác” kiểu như vậy.

Ông nói, chỉ nhìn từ dữ liệu chúng ta đã có thể thấy được rằng Trung Quốc đã thoát nghèo như thế nào? Chuẩn nghèo mà họ đưa ra thật sự quá thấp! Trong xã hội văn minh ngày nay, tiêu chuẩn này thật sự quá đáng thương!

Sau tuyên bố của ĐCSTQ vào năm ngoái, ông Lương, người từng làm tình nguyện viên cứu trợ ở núi Đại Lương cho biết nơi đó có rất nhiều người còn nghèo khổ hơn, có những nhà cả năm không ăn được mấy bữa cơm, trẻ con không có nước sạch để tắm, cũng không biết giấy vệ sinh là gì.

Thành phố Cửu Giang, tỉnh Giang Tây không phải khu vực lạc hậu, tuy nhiên ông Lý – người dân sống ở thành phố này cũng nói rằng nơi thành phố ông đang sống, những khó khăn của người dân tầng đáy xã hội ngày càng gia tăng, nhà chức trách tuyên bố thoát nghèo toàn diện về cơ bản chỉ là tự lừa mình dối người, chính là trò hề lớn nhất trong vũ trụ này. Có những gia đình chỉ có thể miễn cưỡng sống qua ngày.

Ông Nhạc, một cựu quan chức tỉnh Hà Nam, nói rằng, thoát nghèo toàn diện, bước vào xã hội thịnh vượng, đó đều là những lời nói dối của ĐCSTQ hàng mấy thập kỷ qua. Ông nói, giống như ở các vùng núi ở Vân Nam, Quý Châu và Tứ Xuyên, người dân không có tài nguyên gì, đến cơm cũng không có mà ăn. Ngoài ra, các địa phương ở vùng tây bắc, Cam Túc, Nội Mông, Thiểm Tây, Sơn Tây, và Thanh Hải, có bao nhiêu hộ nghèo ở những nơi này? Ở cao nguyên Tây Bắc có rất nhiều người vẫn phải sống ở nhà hầm, nước cũng không có để uống, những người này thoát nghèo thế nào đây? Cái gọi là thoát nghèo chỉ là mấy lời nói mớ khi ngủ của nhà chức trách mà thôi.

Related posts