Hương Thảo
Dưới đây là bài viết trên Epoch Times hôm 9/3 tóm lược nội dung một đề xuất của Hội đồng An ninh Quốc gia về Trí tuệ Nhân tạo Mỹ (NSCAI) lên chính phủ Hoa Kỳ cách đối phó với kế hoạch phát triển trí tuệ nhân tạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), một kế hoạch mà ngoại giới đánh giá là rất nguy hiểm và “thâm độc”.
Vào ngày 1/3, NSCAI đã phát hành một báo cáo dài 756 trang, trong đó Chương 14 “Bảo hộ Kỹ thuật” đưa ra ba kiến nghị để hạn chế ĐCSTQ phát triển trí tuệ nhân tạo (AI). Theo đó, thứ nhất, Mỹ nên buộc các công ty Trung Quốc tiết lộ khoản đầu tư của họ vào trí tuệ nhân tạo tại Mỹ, thứ hai, cấm chỉ xuất khẩu các thiết bị công nghệ quan trọng như máy quang khắc sang Trung Quốc, và thứ ba, Quốc hội Mỹ nên thông qua “Đạo luật Bảo vệ Nghiên cứu Học thuật”.
Báo cáo đề cập rằng AI không chỉ là một công nghệ mới nổi, mà cũng giống như “điện”, nó là “cơ sở của cơ sở” của tất cả các công nghệ, và nó “chứa đựng bí mật để tái cấu trúc lại lối sống của thế giới”. Nó có thể là “công cụ mạnh mẽ nhất vì lợi ích của nhân loại”, nhưng cũng có thể là “vũ khí được lựa chọn cho các cuộc xung đột trong tương lai”.
Tuy nhiên, Mỹ vẫn chưa sẵn sàng cho việc phòng thủ hoặc cạnh tranh trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo AI. AI đang mở toang cánh cửa hết sức mong manh của Mỹ. Lần đầu tiên kể từ Thế chiến thứ Hai, ưu thế công nghệ của Mỹ đã bị đe dọa. Nếu tình hình không thay đổi, ĐCSTQ, với sức mạnh, tài năng và tham vọng mạnh mẽ, sẽ vượt qua Mỹ trong mười năm tới và trở thành nhà lãnh đạo toàn cầu trong lĩnh vực AI.
Đối mặt với thực tế nghiệt ngã này, Hoa Kỳ phải có những hành động quốc gia toàn diện vì sự phồn vinh, an toàn và hạnh phúc của nước Mỹ. Đồng thời, sự cạnh tranh của AI cũng là sự cạnh tranh về giá trị. ĐCSTQ sử dụng trí tuệ nhân tạo như một công cụ trấn áp và giám sát tại nhà, khiến bất kỳ ai trên thế giới yêu mến tự do cá nhân đều cảm thấy ớn lạnh. Hoa Kỳ nên biết cách sử dụng trí tuệ nhân tạo để phản công.
NSCAI là một ủy ban lưỡng đảng do Quốc hội Mỹ thành lập theo Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng cho năm tài chính 2019, và bao gồm 15 chuyên gia kỹ thuật, chuyên gia an ninh quốc gia, giám đốc điều hành công ty và lãnh đạo học thuật. Báo cáo này là báo cáo cuối cùng được trình lên Quốc hội.
Báo cáo của NSCAI được chia thành hai phần: Phần đầu là “Làm thế nào để bảo vệ Hoa Kỳ trong thời đại trí tuệ nhân tạo”, giải thích một loạt các mối đe dọa do trí tuệ nhân tạo mang lại và những gì Hoa Kỳ phải làm để chống lại; Phần thứ hai là “Chiến thắng trong cuộc cạnh tranh công nghệ” thảo luận về các yếu tố chính của cạnh tranh trí tuệ nhân tạo. Cả hai phần của báo cáo đều coi ĐCSTQ là mối đe dọa số một đối với sự thống trị về công nghệ của Mỹ.
Bài báo này tóm lược nội dung chính Chương 14 “Bảo hộ Công nghệ” của báo cáo.
Đẩy mạnh kiểm soát xuất khẩu và sàng lọc đầu tư
Theo báo cáo, ĐCSTQ đã huy động sức mạnh quốc gia nhằm vào các bộ phận, công ty và cơ quan nghiên cứu chủ chốt ở Hoa Kỳ để bắt đầu một hoạt động đánh cắp và chuyển giao công nghệ có chủ ý nhằm đạt được mục tiêu trở thành “siêu cường công nghệ” vào năm 2050.
Các chiến thuật của ĐCSTQ rất đa dạng, bao gồm: trốn tránh các biện pháp kiểm soát xuất khẩu, hợp tác với các công ty Mỹ để có được quyền sở hữu trí tuệ, hoạt động gián điệp (gây thiệt hại 300-600 tỷ USD cho Mỹ mỗi năm), xâm nhập mạng, tuyển dụng nhân tài và nghiên cứu hợp tác, v.v. Trên thực tế, ĐCSTQ đang sử dụng tiền của những người đóng thuế Mỹ để tài trợ cho quá trình hiện đại hóa kinh tế và quân sự của mình.
Đối mặt với mối đe dọa liên tục từ việc đánh cắp tri thức của ĐCSTQ, Hoa Kỳ phải kiểm tra thẩm định lại toàn bộ việc bảo hộ công nghệ, phần cứng, các công ty sáng tạo, v.v.
Hoa Kỳ có thể và nên sử dụng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu và sàng lọc đầu tư để ngăn chặn việc chuyển giao công nghệ và thiết bị nhạy cảm cho các đối thủ cạnh tranh chiến lược, nhưng hai biện pháp này đều được thiết kế trong thời Chiến tranh Lạnh, khi Mỹ và các đối thủ cạnh tranh hầu như không có sự hợp tác chồng chéo về kinh tế.
Ngày nay, hai điều kiện này đã thay đổi. Trí tuệ nhân tạo có tính lưỡng dụng (dùng cả trong quân sự và dân sự), đồng thời nền kinh tế kỹ thuật mới nổi của Mỹ và Trung Quốc đã dung hợp một cách sâu rộng, điều này khiến hai biện pháp này trở nên vô cùng khó khăn trong việc tối đa hóa tác động chiến lược và giảm thiểu chi phí kinh tế. Tính chất lưỡng dụng của trí tuệ nhân tạo có nghĩa là nhiều linh kiện thành phần quan trọng nhất đối với an ninh quốc gia cũng được dùng phổ biến trong lĩnh vực thương mại.
Đồng thời, các quy định của Mỹ không theo kịp với sự phát triển công nghệ. Bộ Thương mại, Bộ Tài chính và Hội đồng Nhà nước thiếu năng lực kỹ thuật và phân tích, không có khả năng thiết kế và thực hiện hiệu quả các chính sách bảo vệ công nghệ đối với các công nghệ lưỡng dụng mới nổi. Quốc hội đã thực hiện một số biện pháp quan trọng trong những năm gần đây, nổi tiếng nhất là Đạo luật cải cách kiểm soát xuất khẩu (ECRA) và Đạo luật hiện đại hóa rà soát rủi ro đầu tư nước ngoài (FIRRMA) được thông qua vào năm 2018. Tuy nhiên, hơn hai năm sau khi hai đạo luật được thông qua, việc chấp hành các phương diện then chốt của nó vẫn chưa được hoàn thành.
Hoa Kỳ phải thực hiện các bước để cải thiện khả năng thiết kế và thực hiện các chính sách bảo hộ công nghệ hiệu quả và thực hiện đầy đủ Đạo luật Cải cách Kiểm soát Xuất khẩu ECRA và Đạo luật Hiện đại hoá Rà soát Rủi ro Đầu tư Nước ngoài FIRRMA hiện có. Trong tương lai gần, Bộ Thương mại, Bộ Tài chính và Quốc vụ viện phải đảm bảo có đủ số lượng nhân lực có kỹ năng để tập trung vào các chính sách bảo hộ công nghệ, và tận dụng tốt hơn các ủy ban cố vấn bên ngoài với các chuyên gia kỹ thuật để thiết kế các chính sách.
Cần kiểm soát việc ĐCSTQ đầu tư vào Mỹ
Trí tuệ nhân tạo vẫn là lĩnh vực công nghệ chính cho đầu tư mạo hiểm của các công ty Trung Quốc tại Mỹ. Từ năm 2010 đến năm 2017, các nhà đầu tư Trung Quốc đã đầu tư hơn 1,3 tỷ USD vào các công ty khởi nghiệp trí tuệ nhân tạo của Mỹ. Tuy nhiên, chính phủ Mỹ chỉ có thông tin rất hạn chế về các giao dịch này.
Ủy ban Đầu tư Nước ngoài tại Hoa Kỳ (CFIUS) chịu trách nhiệm sàng lọc đầu tư nước ngoài đối với các rủi ro an ninh quốc gia, nhưng chỉ yêu cầu các công ty Mỹ sản xuất hàng hóa bị kiểm soát xuất khẩu tiết lộ tình trạng đầu tư của họ. Rất ít công ty trí tuệ nhân tạo được yêu cầu làm điều này. Do đó, nhiều công ty Trung Quốc có trụ sở chính tại Mỹ đầu tư vào các công ty trí tuệ nhân tạo của Mỹ không có nghĩa vụ phải báo cáo khoản đầu tư của họ cho CFIUS. Điều này tạo ra rủi ro chuyển giao công nghệ rất lớn.
Mỹ phải sửa đổi thẩm quyền và thủ tục của Ủy ban Đầu tư Nước ngoài để ứng phó tốt hơn với những thách thức hiện đại liên quan đến các công nghệ lưỡng dụng nhạy cảm. Đặc biệt, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo, chất bán dẫn, thiết bị viễn thông, điện toán lượng tử và công nghệ sinh học liên quan đến an ninh quốc gia, cũng như các ngành công nghiệp khác được xác định trong kế hoạch “Made in China 2025”.
Ủy ban Đầu tư Nước ngoài của Hoa Kỳ nên tăng yêu cầu công bố thông tin đối với các khoản đầu tư công nghệ nhạy cảm của các công ty Trung Quốc và Nga. Quốc hội nên yêu cầu tất cả các khoản đầu tư từ “các quốc gia đặc biệt chú ý” (gồm Trung Quốc và Nga) phải tiết lộ các khoản đầu tư của họ vào trí tuệ nhân tạo và các “công nghệ nhạy cảm” khác để CFIUS có cơ hội xem xét chúng trước khi giao dịch hoàn tất.
Kiểm soát xuất khẩu máy quang khắc sang Trung Quốc
Ở cấp độ kỹ thuật, xét về bản chất lưỡng dụng, phạm vi rộng và nguồn mở của trí tuệ nhân tạo, nó đặt ra những thách thức đặc biệt đối với việc kiểm soát xuất khẩu. Phần cứng là mục tiêu khả thi nhất của kiểm soát xuất khẩu truyền thống.
1. Thực hiện kiểm soát xuất khẩu có mục tiêu đối với thiết bị sản xuất chất bán dẫn quan trọng (SME)
ĐCSTQ đang cố gắng phát triển ngành công nghiệp sản xuất vi điện tử và sản xuất chip tiên tiến quy mô lớn tại bản quốc. Đây là đối thủ cạnh tranh duy nhất của Mỹ. Việc hạn chế khả năng sản xuất chất bán dẫn cao cấp của ĐCSTQ sẽ làm nản lòng những nỗ lực của họ. Mục tiêu của Mỹ là đi trước Trung Quốc hai thế hệ trong lĩnh vực thiết kế và sản xuất vi điện tử tiên tiến.
Mục tiêu kiểm soát xuất khẩu chính của Mỹ là thiết bị sản xuất chất bán dẫn tiên tiến cần thiết để sản xuất chip cao cấp, cụ thể là máy quang khắc. Máy quang khắc là điểm nhấn quan trọng và cũng là điểm hấp dẫn nhất, vì việc chế tạo máy quang khắc khá chuyên nghiệp và do Hoa Kỳ và các đồng minh thống trị.
Tuy nhiên, với số lượng lớn các quốc gia có khả năng sản xuất chip bán dẫn đa năng, việc kiểm soát các chất bán dẫn đa năng khó có thể hiệu quả. Nếu được thực hiện một cách đơn phương, các biện pháp kiểm soát như vậy có thể gây hại cho ngành công nghiệp bán dẫn của Hoa Kỳ.
2. Thống nhất các chính sách kiểm soát xuất khẩu của Mỹ, Hà Lan và Nhật Bản đối với máy quang khắc
Ủy ban đánh giá rằng 16 nanomet là hữu ích nhất cho các ứng dụng trí tuệ nhân tạo tiên tiến. Các máy quang khắc được yêu cầu để sản xuất chip 16 nanomet trở xuống, đặc biệt là máy quang khắc nhúng cực tím (EUV) và argon florua (ArF), là những kiểu máy phức tạp và đắt tiền nhất.
Bộ Ngoại giao và Bộ Thương mại Mỹ nên hợp tác với chính phủ Hà Lan và Nhật Bản để điều chỉnh chính sách cấp phép xuất khẩu của ba quốc gia này đối với máy quang khắc cao cấp, đặc biệt là máy quang khắc nhúng EUV và ArF. Điều này sẽ ngăn cản nỗ lực của ĐCSTQ trong việc sản xuất chip 7 nanomet hoặc 5 nanomet trên quy mô lớn ở Trung Quốc và hạn chế năng lực sản xuất chất bán dẫn của ĐCSTQ đối với chip từ 16 nanomet trở xuống bằng cách hạn chế khả năng sửa chữa hoặc thay thế thiết bị hiện có của các công ty Trung Quốc.
3. Triển khai hệ thống báo cáo người dùng cuối (end-user) để ngăn chặn việc sử dụng trí tuệ nhân tạo cho mục đích vi phạm nhân quyền
Các báo cáo đã tiết lộ rằng chip do Mỹ sản xuất đang được sử dụng trên một siêu máy tính ở Tân Cương, Trung Quốc để nhận dạng khuôn mặt và giám sát quy mô lớn của người dân Duy Ngô Nhĩ. Điều này cho thấy cần phải giám sát việc sử dụng chip cao cấp của Mỹ chặt chẽ hơn.
Bộ Thương mại nên cấm xuất khẩu các chip trí tuệ nhân tạo cụ thể, hiệu suất cao dùng cho giám sát quy mô lớn, buộc các công ty Mỹ xuất khẩu những con chip này phải chứng minh rằng người mua sẽ không sử dụng những con chip này để tạo điều kiện vi phạm nhân quyền và yêu cầu các công ty phải nộp cho Bộ Thương mại, báo cáo hàng quý liệt kê doanh số bán tất cả các loại chip như vậy cho Trung Quốc.
Những hành động như vậy sẽ thể hiện cam kết của Hoa Kỳ đối với việc sử dụng trí tuệ nhân tạo có trách nhiệm và có đạo đức, thúc đẩy hành vi đạo đức của các công ty Mỹ và gây khó khăn hơn cho những kẻ xấu sử dụng chip tiên tiến của Mỹ cho mục đích xấu.
Tăng cường bảo vệ nghiên cứu và chống lại việc ĐCSTQ tuyển dụng nhân tài nước ngoài
Việc sử dụng nghiên cứu của Mỹ của ĐCSTQ vi phạm các nguyên tắc cốt lõi về tính liêm chính, cởi mở, trách nhiệm giải trình và công bằng trong cộng đồng nghiên cứu. Tuy nhiên, các biện pháp của Mỹ để phản ứng lại các hành động của chính phủ ĐCSTQ vẫn còn trong trứng nước.
1. Quốc hội Mỹ nên thông qua ‘Đạo luật bảo vệ nghiên cứu hàn lâm‘
Quốc hội nên thông qua “Đạo luật bảo vệ nghiên cứu hàn lâm” (ARPA), thành lập một ủy ban bảo vệ nghiên cứu quốc gia đặc biệt, cải thiện việc phổ biến thông tin tình báo có nguồn gốc công khai liên quan đến các mối đe dọa từ nước ngoài và thúc đẩy chia sẻ nghiên cứu giữa chính phủ và các tổ chức nghiên cứu.
Các hành động chính sách của Mỹ chống lại chuyển nhượng công nghệ có thể gây tổn hại đến lực cạnh tranh của Hoa Kỳ và tiến bộ khoa học toàn cầu. Các hành động chống lại ĐCSTQ không cần thiết phải cắt đứt hầu hết các liên hệ giữa cộng đồng nghiên cứu Trung – Mỹ. Hoa Kỳ giữ liên lạc với các nghiên cứu hàng đầu của Trung Quốc, hoan nghênh các tài năng tiến sĩ hàng đầu của họ đến học tại các trường đại học của Mỹ và ở lại Mỹ với tỷ lệ 85% đến 90% sau khi tốt nghiệp, do đó sẽ được hưởng lợi từ việc hợp tác.
2. Phối hợp với các đồng minh và đối tác
Văn phòng Chính sách Khoa học và Công nghệ, Bộ Tư pháp Mỹ nên phối hợp với các đồng minh và đối tác để chia sẻ thêm thông tin về các hợp tác học thuật với các thực thể thuộc Quân đội Trung Quốc (PLA), và đưa ra các biện pháp đối phó đa phương để giảm thiểu tác hại của những hành động này.
Hoa Kỳ nên cố gắng xây dựng một liên minh dành riêng cho việc nghiên cứu tính liêm chính và loại trừ những ai không tuân thủ các giá trị cơ bản của đổi mới và hợp tác khoa học toàn cầu.
3. Tăng cường an ninh mạng cho các cơ quan nghiên cứu
Bảo vệ dữ liệu nghiên cứu khoa học và quyền sở hữu trí tuệ khỏi bị đánh cắp bởi Internet có lẽ là biện pháp quan trọng nhất, và cũng là tầng diện an toàn dễ thực hiện nhất. Điều này đặc biệt nổi bật đối với trí tuệ nhân tạo, vì dữ liệu đào tạo hoặc mô hình đào tạo dễ bị đánh cắp và về cơ bản có thể lấy được sản phẩm cuối cùng.
Các tổ chức như Bộ An ninh Nội địa và FBI nên tăng cường hỗ trợ các cấu trúc chia sẻ thông tin và đưa ra các cảnh báo kịp thời và có thể hành động về các mối đe dọa và xâm nhập không gian mạng. Ngoài ra, chính phủ nên cung cấp tín dụng đám mây thương mại cho các trường đại học thông qua trung gian để hỗ trợ lưu trữ dữ liệu an toàn cho các nhóm nghiên cứu và phòng thí nghiệm thực hiện nghiên cứu.
4. Chống lại các dự án tuyển dụng nhân tài nước ngoài
ĐCSTQ sử dụng chương trình tuyển dụng nhân tài nước ngoài như một phương tiện để tạo ra “vị thế cao” cho các chuyên gia trí tuệ nhân tạo của ĐCSTQ. Nhiều dự án không phải là cạnh tranh hợp pháp, nhưng được xây dựng theo cách vi phạm các tiêu chuẩn về tính liêm chính trong nghiên cứu của Mỹ, vi phạm các quy tắc công bố thông tin và tạo ra phương tiện để chuyển nhượng công nghệ.
Các chương trình này thường sử dụng mô hình tuyển dụng “bán thời gian”, nơi người tham gia giữ các vị trí ở Mỹ trong khi duy trì liên hệ với các cơ sở Trung Quốc. Ngay cả khi nghiên cứu được Mỹ tài trợ, những người tham gia thường sao chép kết quả của công việc do Mỹ tài trợ cho ĐCSTQ vì họ là thành viên của chương trình tuyển dụng nhân tài.
Chúng tôi đánh giá cao các hành động gần đây của Quốc hội nhằm hạn chế tác hại của các chương trình này thông qua các yêu cầu công bố thông tin được tiêu chuẩn hóa đối với nghiên cứu do liên bang tài trợ, yêu cầu công bố đầy đủ các xung đột lợi ích, xung đột cam kết và tất cả các hỗ trợ từ bên ngoài và nước ngoài.
5. Tăng cường xem xét thị thực và hạn chế hợp tác nghiên cứu có vấn đề
Một số trường đại học và nhà nghiên cứu Mỹ đã chấp nhận hợp tác nghiên cứu với các nhà nghiên cứu từ quân đội Trung Quốc mà không hề hay biết. Các học giả hoặc sinh viên đến thăm nó bị phát hiện đã cố tình sử dụng các tên thay thế để che giấu mối quan hệ với quân đội (ĐCSTQ).
Hoa Kỳ nên ngăn chặn việc nhập cảnh của các nhà nghiên cứu có lý lịch có vấn đề và thực hiện các thủ tục xét duyệt thị thực đặc biệt cho các sinh viên và nhà nghiên cứu liên quan đến quân đội của ĐCSTQ, đồng thời cấm nhập cảnh những người xin thị thực cố tình không tiết lộ hoặc tiết lộ lý lịch tình báo và quân sự của họ.