Lý Lâm
Gần đây, cộng đồng quốc tế lên án việc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) xâm phạm nhân quyền người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Châu Âu và Hoa Kỳ cũng đã thông qua một loạt các biện pháp trừng phạt. Vào thời điểm nhạy cảm này, ông Uông Dương – Chủ tịch Ủy ban Toàn quốc Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc và ông Triệu Khắc Chí – Bộ trưởng Bộ Công an ĐCSTQ, đã dẫn đầu một phái đoàn đi khảo sát các địa phương tại Tân Cương. Ngoại giới cho rằng các chuyến thăm thường xuyên đến Tân Cương gần đây của các quan chức hàng đầu ĐCSTQ có thể là đang chuẩn bị cho một hành động lớn ở đó.
Các phóng viên ở 14 quốc gia vạch trần vấn nạn cưỡng bức tẩy não hàng triệu người Duy Ngô Nhĩ
Theo báo cáo của truyền thông ĐCSTQ, ngày 19/3, ông Triệu Khắc Chí đã đi khảo sát Tân Cương, lần lượt đến thăm Urumqi, Turpan và Quân đoàn Sản xuất và Xây dựng, cũng như kiểm tra các đồn cảnh sát an ninh công cộng, các trung tâm giam giữ và các cơ sở huấn luyện cảnh sát đặc biệt, đồng thời hô hào chống lại các đe dọa và duy trì ổn định.
Trước đó, ông Uông Dương, đồng thời là lãnh đạo Nhóm công tác Tân Cương của Ủy ban Trung ương ĐCSTQ, đã tiến hành khảo sát ở Tân Cương từ ngày 15-17/3. Đoàn đi cùng được chia thành 4 nhóm đi đến Urumqi, Kashgar, Turpan, Hami, Kizilsu, Changji và những khu vực khác.
Theo một phân tích được tờ Minh Báo (Ming Pao) của Hồng Kông đăng tải vào ngày 25/3, đằng sau việc các quan chức cấp cao của Ủy ban Trung ương ĐCSTQ thường xuyên đến thăm Tân Cương trong thời gian gần đây, nếu không phải là địa phương có vấn đề cần quan tâm, thì hẳn là ĐCSTQ đang chuẩn bị cho một hành động lớn ở đó.
Các phóng viên ở 14 quốc gia vạch trần vấn nạn cưỡng bức tẩy não hàng triệu người Duy Ngô Nhĩ
Theo báo cáo, Tân Cương có dân số 25 triệu người, trong đó có hàng triệu người bị giam giữ tại khoảng 1.200 trại tập trung. Ngay từ ngày 24/11/2019, “Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế” (ICIJ) và các cơ quan truyền thông đối tác đã phát hành một báo cáo điều tra tiết lộ tình hình bên trong các trại tập trung này.
Báo cáo trên là kết quả điều tra của 14 quốc gia, 17 tổ chức truyền thông và hơn 75 nhà báo, công bố chi tiết việc những người Duy Ngô Nhĩ Tân Cương bị cưỡng bức tẩy não và bị bức bách từ bỏ ngôn ngữ cũng phương thức tư duy của dân tộc họ khi bị giam giữ trong các trại tập trung được canh gác nghiêm ngặt.
Nội dung của bản báo cáo bao gồm việc không bao giờ được phép xảy ra các sự cố trốn thoát, và tất cả thông tin được giáo dục đều phải được nhập vào “nền tảng thống nhất” của cơ quan an ninh. Ngay cả những người gốc Tân Cương có quốc tịch nước ngoài cũng bị đưa vào trại giáo dục tập trung nếu có dấu hiệu khả nghi. Và sau ít nhất một năm, họ mới có thể có cơ hội vượt qua đợt kiểm tra cải tạo tư tưởng và thoát ra khỏi trại giáo dục.
Theo báo cáo, trong ba năm qua, ĐCSTQ đã giam giữ hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ, người Kazakhstan và các tôn giáo thiểu số khác theo cách này.
Vào ngày 16/11 trong cùng năm, tờ New York Times đã tiết lộ hơn 400 trang tài liệu bí mật của ĐCSTQ bị rò rỉ, cho thấy ông Tập Cận Bình đã chỉ đạo cuộc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số khác ở Tân Cương, với các yêu cầu như “tuyệt đối không nhân nhượng” và “tuyệt đối không nể nang” đối với các nạn nhân. Thông tin do vệ tinh thu thập cho thấy có khoảng 1.200 trại tập trung ở Tân Cương, nơi hàng triệu người Duy Ngô Nhĩ đang bị giam giữ.
Sử gia Canada: Tội ác của ĐCSTQ vượt trên cả Taliban
Tại một cuộc hội thảo về hiện trạng của người Duy Ngô Nhĩ, nhà sử học người Canada Olsi Jazexhi, người từng trực tiếp đến thăm Tân Cương vào tháng 10/2019, đã kể lại câu chuyện về chuyến thăm của ông đến các trại tập trung của địa phương này.
Tiến sĩ lịch sử Jazexhi là người Albania gốc Canada. Bởi vì, Ban Tuyên giáo ĐCSTQ xác định rằng ông là một ứng cử viên tương đối có thể yên tâm nên đã cho phép ông đến thăm Tân Cương cùng với một số phóng viên vào tháng 8/2019. Ông Jazexhi nói rằng cái gọi là “trường giáo dục dạy nghề” của ĐCSTQ thực chất là các trung tâm giam giữ quy mô lớn nhằm cưỡng bức tẩy não. Chế độ cực đoan này đang phạm phải những tội ác khủng khiếp. Những gì họ đang làm ở Tân Cương chính là tàn sát các dân tộc thiểu số và tiêu diệt họ cũng như tín ngưỡng của họ.
Người Duy Ngô Nhĩ, bất kể họ là đàn ông, phụ nữ, ở bất kỳ lứa tuổi nào, người lớn hay trẻ em… chỉ cần họ có một chút dấu hiệu của tín ngưỡng tôn giáo, họ sẽ bị ĐCSTQ bắt đưa đến trại tập trung để tẩy não. Những người trẻ tuổi trong các trại tập trung được sắp xếp để hát và nhảy múa, biểu diễn trước các nhà báo nước ngoài, thậm chí các nhà báo này còn được mời nhảy múa cùng với họ.
Ông Jazexhi nói rằng chính quyền ĐCSTQ không cho phép các nhà báo tự mình đến những nơi công cộng để đặt câu hỏi với mọi người, ông cảm nhận được rằng mọi người ở đó đều rất sợ nói chuyện với người nước ngoài, nét mặt và hành động thể hiện ra vô cùng sợ hãi và kinh hoàng, còn có rất nhiều cảnh sát và các lực lượng quân sự ở khắp mọi nơi.
Ông nói: “Tôi đã đến nhiều quốc gia điên rồ. Tôi đã ở Palestine vài tháng trước. Nhưng tôi chưa bao giờ thấy một chính quyền như thế này – chính quyền Trung Quốc đang giam giữ và phân biệt đối xử với công dân của mình trên quy mô lớn”, kết luận cuối cùng là ĐCSTQ còn xấu, ác hơn cả Taliban.
Một ngày trước khi cựu Tổng thống Trump rời nhiệm sở (ngày 19/1), Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã định tính hành động đối xử với người Duy Ngô Nhĩ và những người Hồi giáo khác của chính quyền ĐCSTQ là “tội ác diệt chủng”. Ngày 22/2, Hạ viện Canada cũng đã thông qua một kiến nghị tuyên bố chính sách của Bắc Kinh đối với người Hồi giáo ở Tân Cương là “tội diệt chủng”. Ngày 22/3, Mỹ, Anh, Liên minh châu Âu, Canada, Australia, New Zealand và các quốc gia khác đã cùng hợp lực trừng phạt các quan chức và cơ quan Trung Quốc về vấn đề Tân Cương.
Chính phủ Australia và New Zealand đã đưa ra một tuyên bố chung vào ngày 23/3, ủng hộ các biện pháp trừng phạt đa đảng nêu trên, bày tỏ quan ngại sâu sắc về việc ĐCSTQ vi phạm nhân quyền của người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số khác, đồng thời nhấn mạnh rằng kết luận này là có bằng chứng chắc chắn.
Liên quan đến cuộc khảo sát Tân Cương gần đây của ông Uông Dương và ông Triệu Khắc Chí, người phát ngôn Bộ Ngoại giao ĐCSTQ Hoa Xuân Oánh cho biết trên Twitter vào ngày 3/3: “Trung Quốc hoan nghênh tất cả mọi người đến Tân Cương.” Một số nhà phân tích cho rằng hai ông này đến Tân Cương có thể là để chỉ huy tiêu hủy chứng cứ, và sau đó ĐCSTQ có thể cho phép các chuyên gia cộng đồng quốc tế đến Tân Cương để điều tra.
Đồng thời, trên Twitter và YouTube bị ĐCSTQ chặn ở Trung Quốc, bỗng nhiên xuất hiện một số lượng lớn các bộ phim cổ vũ “cuộc sống tốt đẹp và tự do” của các dân tộc thiểu số ở Tân Cương. Ngoại giới phân tích rằng đây cũng có thể là sự chuẩn bị dư luận mà ĐCSTQ thực hiện trước để cộng đồng quốc tế tiến hành điều tra thực địa ở Tân Cương.
Lý Lâm, Vision Times