Vũ Dương
Twitter đã ủng hộ “Liên minh trà sữa” – tên một liên minh của các phong trào dân chủ ở Đài Loan, Hồng Kông, Thái Lan và các nơi khác ở châu Á – thách thức Trung Quốc vào thời điểm Bắc Kinh đang trừng phạt các công ty phương Tây vì bình luận về những gì họ coi là vấn đề nội bộ.
Trang Taipei Times cho hay, nền tảng truyền thông xã hội này hôm qua (8/4) đã hiển thị nổi bật cờ của Đài Loan, Hồng Kông, Myanmar và Thái Lan trong khi công bố một biểu tượng cảm xúc để ủng hộ những người ủng hộ dân chủ ở những nơi mà trong vài năm qua đã chứng kiến các cuộc biểu tình lịch sử và chia sẻ tình yêu với món đồ uống đại diện cho nước mình.
Biểu tượng cảm xúc sẽ tự động hiển thị khi người dùng đăng hashtag #MilkTeaAlliance (Liên minh trà sữa). Twitter cho biết hashtag này đã được đăng 11 triệu lần kể từ năm ngoái. Mặc dù công ty nhận được phần lớn doanh thu từ Mỹ, và bị cấm ở Trung Quốc cùng với Facebook và Google, châu Á được coi là khu vực tăng trưởng của công ty.
Những gã khổng lồ Internet của Mỹ kiếm được doanh thu từ quảng cáo thông qua các công ty và tổ chức Trung Quốc muốn tiếp cận khán giả toàn cầu. Các quan chức Trung Quốc cũng càng ngày càng sử dụng Twitter nhiều để chống lại những lời chỉ trích về một loạt các chủ đề từ việc loại bỏ phong trào dân chủ của Hồng Kông cho đến cáo buộc lao động cưỡng bức ở Tân Cương.
Twitter gắn nhãn các tài khoản đó là các tổ chức chính phủ. Vào tháng 1, họ đã sử dụng chính sách chống lại sự hủy hoại nhân tính để khóa tài khoản chính thức của đại sứ quán Trung Quốc ở Washington sau một bài đăng bảo vệ các chính sách của ĐCSTQ ở Tân Cương. Tháng trước, Bắc Kinh ủng hộ tẩy chay các nhà bán lẻ quần áo trong bối cảnh gia tăng chỉ trích các chính sách của ĐCSTQ ở khu vực sản xuất bông vải ở Tân Cương, nơi các nhà quan sát quốc tế lo ngại về vi phạm nhân quyền, bao gồm cả trại giam và lao động cưỡng bức.
“Liên minh trà sữa” là những người ủng hộ dân chủ trẻ tuổi, hiểu biết về kỹ thuật số trên khắp châu Á, họ đã chia sẻ các chiến thuật để tổ chức và duy trì các phong trào dân chủ và biểu tình tại quê nhà, đồng thời cố gắng đảm bảo rằng những người biểu tình và những người tổ chức biết cách tránh bị nhận dạng hoặc bắt giữ.
Sau tình trạng bất ổn kéo dài ở Hồng Kông vào năm 2019, một số người ủng hộ dân chủ ở đây đã lên tiếng ủng hộ các phong trào dân chủ khác: Đầu tiên là những người biểu tình Thái Lan thách thức chế độ quân chủ của đất nước và sau đó là những người biểu tình Myanmar sau cuộc đảo chính ngày 1/2.
Nhà vận động dân chủ Hồng Kông Hoàng Chi Phong, người đang ngồi tù và phải đối mặt với nhiều cáo buộc, đã nói rằng liên minh không chỉ được thành lập bởi sự tức giận đối với các chính sách của Trung Quốc với Đài Loan, Hồng Kông và Tân Cương, mà còn về ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trên khắp châu Á.
Twitter hôm qua cũng lên tiếng phản đối việc các chính phủ kiểm duyệt Internet hoặc ngăn chặn quyền truy cập vào mạng không dây, một chiến thuật đang được chính phủ quân sự Myanmar triển khai.