Hôm 15/4, các quan chức liên bang cho biết, khoảng 5.800 người Mỹ đã nhiễm COVID-19 mặc dù được tiêm phòng đầy đủ để chống lại virus gây bệnh.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh CDC đã gửi email thông báo với Epochtimes rằng, những người Mỹ đã nhiễm COVID-19 mặc dù đã tiêm cả hai liều vắc-xin Pfizer hoặc Moderna, hoặc một mũi vắc-xin Johnson & Johnson.
Trong số 5.800 người nhiễm bệnh sau tiêm chủng, gần 400 người phải nhập viện điều trị và 74 người đã tử vong.
Hơn 40% trường hợp nhiễm bệnh xảy ra ở những người từ 60 tuổi trở lên và 65% là phụ nữ. CDC từ chối cung cấp bảng phân tích số lượng người nhiễm COVID sau khi tiêm chủng theo từng tiểu bang, mặc dù họ đã phát triển cơ sở dữ liệu quốc gia để các điều tra viên của sở y tế tiểu bang có thể nhập, lưu trữ và quản lý dữ liệu đối với các trường hợp nhiễm COVID-19 trong thẩm quyền của họ.
Tính đến ngày 15/4, hơn 78 triệu người đã được tiêm phòng COVID-19 đầy đủ ở Hoa Kỳ.
CDC tuyên bố: “Vắc xin COVID-19 có hiệu quả và là một công cụ quan trọng để kiểm soát đại dịch. Tất cả các loại vắc-xin hiện có đã được chứng minh hiệu quả trong việc ngăn ngừa [các ca] bệnh nặng, nhập viện và tử vong. Tuy nhiên, giống như các loại vắc-xin khác, chúng tôi dự đoán sẽ có hàng nghìn ca bệnh sau tiêm mặc dù vắc-xin đang hoạt động như mong đợi”.
Giám đốc CDC Rochelle Walensky tuyên bố trong phiên điều trần quốc hội vào ngày 15/4 rằng nguyên nhân của các vụ nhiễm virus viêm phổi Vũ Hán sau khi tiêm chủng đang được điều tra.
Vào tháng 3, các tiểu bang đã bắt đầu báo cáo số người nhiễm viêm phổi Vũ Hán sau khi được tiêm phòng đầy đủ. Các nhà dịch tễ học ở bang Washington đã xác định 217 trường hợp mắc bệnh, 5 người đã tử vong. Tại Michigan, 246 trường hợp đã tiêm phòng nhưng bị nhiễm COVID được ghi nhận từ ngày 1/1 đến ngày 31/3. Ba trong số những bệnh nhân đó đã chết.
Bộ trưởng Y tế bang Washington Umair Shah cho biết trong một tuyên bố: “Việc tìm thấy bằng chứng về các trường hợp nhiễm bệnh sau khi tiêm vắc-xin nhắc nhở chúng ta rằng, ngay cả khi đã được tiêm vắc-xin, bạn vẫn cần đeo khẩu trang, thực hành giãn cách xã hội và rửa tay để ngăn ngừa lây lan COVID- 19 cho những người khác chưa được chủng ngừa”.
Theo các cơ quan quản lý dược phẩm của Hoa Kỳ, vắc-xin Pfizer có hiệu quả 95% trong việc ngăn ngừa nhiễm virus Corona. Vắc-xin Moderna đã được chứng minh hiệu quả 94,1% trong thử nghiệm lâm sàng, trong khi vắc-xin Johnson & Johnson có hiệu quả 66,9%. Vắc xin Johnson & Johnson đã được thử nghiệm khi các biến thể khác xuất hiện, không giống như hai loại vắc-xin kể trên.