Liên Hiệp Châu Âu và những cuộc chiến khí đốt

Minh Anh

image.png
Ống dẫn cho công trình Nord Stream 2, xuyên biển Baltic tại cảng Mukran, gần vùng Sassnitz, Đức, ngày 04/12/2020. AP – Stefan Sauer

Nord Stream II, đông Địa Trung Hải, những đường ống dẫn dầu mới vùng Balkan… thị trường khí đốt châu Âu những tháng đầu năm 2021 bỗng nhiều biến động. Châu Âu cùng lúc đối mặt với nhiều mặt trận cạnh tranh khí đốt gay gắt. Các mối quan hệ giữa Đức, Mỹ và Nga cũng như là giữa Liên Hiệp Châu Âu với Thổ Nhĩ Kỳ trở nên căng thẳng. Nội bộ khối 27 thành viên Liên Âu cũng vì vậy bị chia rẽ.

Liên Hiệp Châu Âu (EU) là một thị trường khí đốt béo bở. 75% nhu cầu khí đốt cho khối là phải nhập khẩu. Số liệu thống kê do hãng khai thác dầu khí BP của Anh đưa ra cho thấy, năm 2019, Liên Hiệp Châu Âu, khi ấy vẫn còn 28 nước thành viên, mua đến hơn 416 tỷ m3 khí đốt thông qua các đường ống dẫn khí, trong đó phần lớn là đến từ Nga, hơn 170,7 tỷ m3 (tức chiếm đến 40%), tiếp đến Na Uy (18%), Algeri (11%) và Qatar (4%).

Nord Stream II : Mối bất hòa giữa Mỹ và Đức

Trong bối cảnh này, nhiều mặt trận tranh giành quyền cung cấp và trung chuyển khí đốt đang diễn ra gay gắt. Ở phía bắc, dự án Nord Stream 2 gây tranh cãi từ nhiều năm qua. Công trình đường ống dẫn khí dài 1.200km, lớn nhất tại châu Âu, xuyên biển Baltic, nối liền Nga với Liên Hiệp Châu Âu là tâm điểm bất hòa giữa Mỹ và Đức. Nội bộ Liên Âu cũng vì thế bị chia rẽ.  

Nếu như đối với Đức, dự án này mang tính sống còn cho quá trình chuyển đổi năng lượng khi quyết định từ bỏ hạt nhân sau thảm họa Fukushima năm 2011, thì Hoa Kỳ cùng với nhiều nước như Ba Lan và cả Ukraina (nước châu Âu nhưng không là thành viên của Liên Âu) tố cáo Nord Stream 2 là một « công cụ chính trị, gây ảnh hưởng » của Nga. Chính quyền Washington còn mạnh tay hơn ban hành các biện pháp trừng phạt nhắm vào các thực thể có tham gia dự án.

Hoa Kỳ thật sự quan tâm đến an ninh năng lượng của Đức ? Với nhà địa – kinh tế học về năng lượng, ông Laurent Horvath, chủ bút trang mạng 2000Watts.org, khi trả lời đài truyền hình Thụy Sĩ RTS cho rằng ẩn sau mục tiêu chính trị còn là một vấn đề kinh tế.

« Đầu tiên, trong thế giới dầu khí hay năng lượng, có một nguyên tắc : “Thân ai nấy lo, Chúa cho tất cả”. Nghĩa là mỗi nước phải tự bảo vệ lấy các quyền lợi của chính mình. Vậy nước Mỹ muốn gì ? Điểm thứ nhất mang tính chiến lược, Washington muốn nắm giữ châu Âu. Thứ hai, trên cấp độ thế giới, nên biết là giá bán ra ở mỗi nơi mỗi khác.

Một cách cụ thể, tại Mỹ giá bán khí đốt là 3 franc Thụy Sĩ/m3, tại châu Âu là 5 franc, châu Á là 7 franc, ví dụ vậy. Thế nên, Hoa Kỳ được lợi nhiều khi bán khí đốt cho châu Âu hay châu Á, đây sẽ là một nguồn thu bổ sung. Cuối cùng, chính vì tại Mỹ giá khí đốt rất rẻ, nếu họ xuất khẩu được một phần khí ga, họ có thể tăng giá ở trong nước. Điều đó có nghĩa là Mỹ sẽ có thêm nhiều nguồn thu đáng kể. »

Đức khó từ bỏ Nord Stream II

Kinh tế – tài chính là nguồn cội sâu xa. Không chỉ có Mỹ, tại châu Âu, nhiều nước vùng Baltic như Ba Lan và Ukraina cũng kịch liệt phản đối dự án này do lo ngại nguy cơ bị tước mất nguồn thu tài chính quan trọng, có được từ quyền trung chuyển và cung cấp khí đốt cho những nước khác. Đối với những nước này, Nord Stream II chỉ có lợi cho nước Đức.

Laurent Horvath lưu ý, Hoa Kỳ giờ đang trở thành quốc gia xuất khẩu khí đốt hàng đầu nhờ vào khai thác khí đá phiến. Thế nhưng, theo số liệu thống kê của BP, năm 2019, trong tổng số 106,9 tỷ m3 khí ga hóa lỏng (GNL) nhập khẩu vào châu Âu, Hoa Kỳ chỉ đứng hàng thứ ba (17,1 tỷ m3), sau cả Qatar (29,7 tỷ) và Nga (20,5 tỷ). Thị trường chính cho Mỹ tại châu Âu là Tây Ban Nha, Pháp và Anh.

Thế nên, những gì Washington đang làm hiện nay đối với Berlin là nhằm tìm cách xuất khẩu khí đá phiến sang châu Âu. Đây còn là một cuộc chiến giá cả giữa khí ga hóa lỏng (GNL) của Mỹ và khí đốt bán từ Nga. Trong cuộc cạnh tranh này, bất lợi nghiêng về phía Mỹ.

Trong khi đó, Đức là quốc gia tiêu thụ nhiều khí đốt nhất tại châu Âu. Các số liệu thống kê của BP đưa ra cho thấy, năm 2019, Đức tiêu thụ đến 109,6 tỷ m3 và hơn một nửa trong số này là đến từ Nga. Do vậy, theo quan điểm của ông Laurent Horvath, Berlin khó có thể bỏ dự án Nord Stream II.

« Hiện có hai đường ống dẫn khí. Đường thứ nhất Nord Stream 1 thì đã hoạt động từ lâu. Dự án thứ hai này được hình thành sau thảm họa hạt nhân Fukushima. Vào thời điểm đó, nước Đức bắt đầu suy nghĩ đến tương lai năng lượng đất nước như than đá và hạt nhân. Nhưng không chỉ có vậy, toàn bộ ngành công nghiệp nước Đức rất cần đến khí đốt để sưởi đông, để sản xuất xe ô tô, rồi ngành hóa dầu nữa. BASF là một trong những nhà đầu tư lớn nhất trong dự án này để có thể tiếp nhận nguồn nguyên nhiên liệu rẻ tiền nhằm chế tạo ra nhiều sản phẩm như nhựa, phân bón… »

Liệu rằng cuộc chiến Nord Stream II một ngày nào đó có sẽ kết thúc, trong khi mà dự án đã hoàn tất đến 95% giờ phải tạm ngưng ? Giới quan sát cho rằng câu trả lời giờ đang nằm ở phía Đức. Mọi cặp mắt giờ đều đổ dồn vào cuộc bầu cử lập pháp sắp tới. Bước đi nào cho Nord Stream II, đây sẽ là một bài toán hóc búa cho chính quyền Berlin tương lai.

Thổ Nhĩ Kỳ : Tác nhân mới, nước cờ sai của Liên Âu

Vụ Nord Stream II ầm ĩ đến mức che mờ một cuộc đọ sức khác không kém phần gay gắt ở sườn phía đông và nam châu Âu. Sự trỗi dậy của Thổ Nhĩ Kỳ làm nảy sinh nhiều xung đột giữa nước này với các thành viên Liên Âu trong khu vực.

Do nhu cầu khí đốt cao, châu Âu là khu vực có mạng lưới đường ống dẫn khí khá dầy đặc. Thổ Nhĩ Kỳ những năm gần đây cũng cho xây lắp nhiều đường ống dẫn khí trung chuyển qua nước này, nhằm cạnh tranh với các đường ống dẫn khí do châu Âu lắp đặt, như hệ thống ống dẫn TANAP xuyên Thổ Nhĩ Kỳ.

image.png

Mạng lưới đường ống dẫn khí đốt tại châu Âu. © Ảnh chụp màn hình trang mạng Planete Energie.
Mới đây nhất là hệ thống ống dẫn Turkish Stream nối dài với vùng Balkan để vận chuyển khí đốt từ Nga đến vùng này và các nước Trung Âu. Đường ống này được khánh thành rầm rộ trước sự chứng kiến của tổng thống Nga Vladimir Putin và đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ, Recep Tayyip Erdogan.

Với những đường ống dẫn khí mới này, vị thế địa chính trị của Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng được củng cố đến mức có thể khóa vòi cung cấp khí đốt cho châu Âu. Chủ biên trang mạng 2000watts.org cho rằng đó là do những tính toán chiến lược sai lầm từ Liên Hiệp Châu Âu.

« Đây chính là điều không thể nào tin nổi. Đối với Liên Hiệp Châu Âu, nước Thổ Nhĩ Kỳ nằm đâu đó ở một góc bên phải phía dưới tấm bản đồ. Nhưng trên thực tế, Thổ Nhĩ Kỳ có một vị trí chiến lược quan trọng. Nước này trở thành điểm trung chuyển khí đốt cho châu Âu. Một sự thay đổi tưởng chừng không thể đã xảy ra.

Nhưng người ta cũng có thể nói chính châu Âu đã tự bắn vào chân mình. Bởi vì, vài năm trước đó, Nga vì muốn tránh Ukraina đã đề nghị dẫn khí đi qua những nước phía nam Ukraina nhưng châu Âu đã nói “Không”, mà ông Vladimir Putin thì rất sáng tạo. Thế nên, ông ấy nói rằng “được thôi, những gì chúng ta có thể làm là nối ống dẫn khí từ Nga đến Thổ Nhĩ Kỳ, rồi châu Âu tự xoay sở ráp nối với Thổ Nhĩ Kỳ”

Như vậy, để có được nguồn khí đốt, Liên Hiệp Châu Âu phải xin phép ông Erdogan. Đây chính là những gì mà người ta gọi là hiệu ứng kép, giải quyết một lần cùng lúc hai vấn đề. »

Đông Địa Trung Hải : Một mặt trận cạnh tranh mới

Tuy nhiên, tham vọng của chủ nhân thành Ankara không chỉ dừng ở đó. Bất chấp các phản đối từ Liên Âu và việc vi phạm ranh giới lãnh hải, Thổ Nhĩ Kỳ trong suốt mùa hè 2020, đã tiến hành một chiến dịch thăm dò dầu khí ngoài khơi biển Egée. Khu vực này cũng là nơi đang có những tranh chấp lãnh hải hay chia sẻ giếng dầu được phát hiện gần đây tại phía Đông Địa Trung Hải giữa 6 tác nhân : Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, Chypre, Liban, Israel và Ai Cập.

Các cuộc va chạm giữa tầu chiến Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ trong suốt mùa hè 2020 làm dấy lên nỗi lo điều tồi tệ nhất sẽ xảy ra. Tranh chấp còn mở rộng khi tổng thống Erdogan can dự quân sự vào Libya. Tổng thống Erdogan đã có được quyền khai thác dầu khí ngoài khơi Libya khi đề nghị hậu thuẫn chính quyền Tripoli.

Để chống lại mầm mống bành trướng của Thổ Nhĩ Kỳ, một liên minh dầu khí mới được hình thành gồm Cộng hòa Chypre, Hy Lạp và Israel và khởi động một dự án đường ống dẫn khí dài 2.000 km có tên gọi là « East Med ». Liệu việc Ankara trở thành tâm điểm trên bàn cờ khí đốt cũng như việc Thổ Nhĩ Kỳ cho thăm dò dầu khí trong khu vực Đông Địa Trung Hải có làm nhen nhúm lên những rủi ro xung đột hay không ?

Về điểm này, ông Laurent Horvath có nhận định như sau : « Ở đây ông Erdogan có một giải pháp. “Quý vị muốn có khí đốt phải không ?”, được thôi, rồi ông ấy đưa ra danh sách các điều kiện cho những nước đó. Trên thực tế, khi nước nào càng bị lệ thuộc vào khí đốt bao nhiêu, thì nước đó càng phải chấp nhận các điều kiện đặt ra bấy nhiêu. Nhưng nếu ai đó không bị lệ thuộc thì họ sẽ nói không. Ở đây, ông Erdogan có tất cả các lá bài trong tay, bởi vì toàn bộ vùng Nam Âu phụ thuộc hoàn toàn vào khí đốt. »

Cuộc đua giành quyền phân phối khí đốt

Thế mạnh này của Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng được củng cố khi một hành lang đường ống dẫn khí mới đang được phát triển, đi từ vùng biển Caspi như các nước Turmekistan, Azerbaijan, những tác nhân khai thác khí ga mới. Và trong dự án này, Thổ Nhĩ Kỳ một lần nữa lại trở thành một điểm trung chuyển. Mạng lưới ống dẫn khí tại châu Âu vì thế càng thêm dầy đặc.

Và cuộc cạnh tranh giành thị phần khí đốt còn sôi động hơn, khi cùng ngày Nga – Thổ Nhĩ Kỳ khánh thành đường ống Balkan Stream, ngày 01/01/2021, một tầu hàng chở khí hóa lỏng GNL của Mỹ cập cảng Krk của Croatia. Nguồn khí này không chỉ dành cho Croatia mà còn cung cấp cho cả Hungary, Ukraina và nhiều nước khác.

Với sự xuất hiện của nhiều tác nhân mới, thế độc quyền cung cấp khí đốt cho châu Âu của nước Nga ít nhiều bị lung lay. Khí đốt của Nga giờ bị cạnh tranh bởi Mỹ cũng như là Azerbaijan, những nước đang gậm nhấm dần các thị trường mà Nga có được từ lâu. Nord Stream 2 và Turkish Stream, hai dự án chiến lược của Nga cả trên bình diện chính trị lẫn kinh tế được cho như là cơ may cuối cùng để Nga « cắm rễ » tại châu Âu.

Nhật báo Jutarnji List của Croatia, trong một bài viết được tờ Courrier International trích dịch lại khẳng định rằng năm 2021 sẽ mang đậm dấu ấn của « cuộc chiến khí đốt » giữa những nhà cung cấp lớn nhất cho thị trường châu Âu. Một số nhà quan sát cho rằng Gazpromp rất có thể sẽ phải hạ giá nhằm lôi kéo các khách hàng khí hóa lỏng của Mỹ, vốn dĩ đắt hơn. Tuy nhiên, trong điều kiện kinh tế hiện nay, Nga có thể cầm cự được bao lâu với mức giá đó, âu cũng điều đáng hỏi !

Nhưng có một điều chắc chắn là năng lượng gió và mặt trời còn lâu mới thay thế được than đá, dầu hỏa và khí đốt !

Related posts