Tạ Phong Tần
Ở đây, tôi dùng chữ “tàn phá” chớ không dùng chữ “tiêu diệt.” “Tàn phá” thì còn sót lại chút ít (hên xui,) còn “tiêu diệt” là mất hết, không còn một chút gì. Nền văn minh đó là đạo đức, văn hóa miền Nam Việt Nam trước 1975 đã bị “tàn phá” nhưng nay vẫn còn sót lại đâu đó trong dân chúng miền Nam, trong dòng nhạc bolero hay trong dòng sách “Học Làm Người” ít nhiều đã được các nhà xuất bản quốc nội “khai quật” lại in bán thu lợi.
Trước đây, tôi đã từng kể cho quý độc giả về chuyện cái cầu quay ở chợ trung tâm xứ tôi. Người ta kêu nó là “Cầu Quay” đúng nghĩa đen, vì nó là cái cầu bắc qua sông cho người và xe cộ chạy qua lại, nhưng nó có thể quay tới quay lui được. Cầu do người Pháp xây dựng, trụ đá tảng, khung sắt và mặt cầu lót những thanh ván gỗ lớn nằm ngang. Bình thường, hai nhịp cầu khớp với nhau để mọi người có thể qua sông. Khi nào có tàu lớn muốn chạy qua, chủ tàu lên bờ xin phép, người gác cầu điều khiển cho hai nhịp cầu quay dạt ra nằm xuôi theo chiều dọc hai bờ sông cho tàu chạy qua rồi điều khiển hai nhịp cầu khớp lại với nhau như cũ. Vì cầu lót ván gỗ và có khớp nên mặt cầu không trơn láng như cầu bê tông (concrete) ngày nay, mặt cầu có những khe hở rộng từ 1 đến 3 cm. Sau năm 1975 nhà cầm quyền Việt cộng đặt cho nó tên cầu Kim Sơn và gắn tấm bảng tên to đùng ở hai đầu cầu, nhưng dân địa phương chẳng có ai gọi “cầu Kim Sơn” mà vẫn mặc nhiên xài tên “Cầu Quay” như cũ, dù hiện nay cầu cũ khung sắt hư hỏng đã bị dỡ bỏ, thay thế bằng cầu bê tông cốt thép.
Nhà ngoại tôi ở bên kia sông gần chùa Ông, mỗi lần đi chợ phải đi bộ qua Cầu Quay. Khi tôi khoảng 5 – 6 tuổi, tôi thường theo mẹ tôi đi chợ. Mỗi lúc qua cầu tôi nhìn xuống sông qua những khe hở của ván gỗ lót mặt cầu thấy cầu cao quá, phía dưới sông rộng và nước chảy cuồn cuộn làm tôi sợ quíu, níu tay mẹ thiệt chặt. Tôi dò dẫm rụt rè bước từng bước, mắt nhìn chăm chú xuống chân, vừa khóc hị hị. Mẹ tôi nói đừng nhìn xuống chân, cứ bước bình thường, người mình bự như vậy không rớt xuống kẽ ván đó được đâu mà sợ. Nói thì nói, mà tôi sợ cứ sợ, mỗi lần chuẩn bị bước chân lên cầu là tôi sợ, đi qua khỏi cầu thì tôi mừng hết lớn.Xem thêm: Tameichi Hara – Khu trục hạm xứ mặt trời mọc (kỳ 9)
Kỷ niệm nhớ đời của tôi là có lần mới đi tới giữa cầu bỗng nghe tiếng nhạc trên loa phóng thanh (gắn trên cột đèn thành cầu) vang lên. Mẹ tôi nắm tay tôi đứng lại, gió ù ù khiến tôi tưởng tôi sắp bị thổi bay xuống sông, tôi sợ quá xá luôn. Nhìn quanh thấy ai cũng đứng lại, giở nón ra cắp trước ngực, im lặng, đầu ngẩng lên, đến khi dứt nhạc mới đi tiếp. Tôi hỏi mẹ tôi sao đang đi tự dưng đứng lại im ru vậy, mẹ tôi nói đó là chào cờ, nghe quốc ca trên loa phóng thanh phát lên thì ai cũng phải đứng lại chào cờ.
Thời đó, con nít được dạy đi thưa về trình, khoanh tay cúi đầu chào người lớn, cám ơn, xin phép, bỏ nón ra đứng nghiêm chào cờ khi nghe tiếng nhạc quốc ca trong xã hội miền Nam (trước 1975) là điều rất bình thường.
Khi tôi học phổ thông, mỗi lần có lễ lạt gì thì trường lại dẫn học sinh ra sân lễ đài dự lễ (cho đông vui, xôm tụ đặng chụp ảnh, quay phim đọc diễn văn đó mà.) Khác với thời xưa ở chỗ trong sân lễ đài phát nhạc chào cờ inh ỏi, bên ngoài xe cộ, người đi lại láo nháo như không có chuyện gì xảy ra. Có lần nhạc vừa phát lên “Ðoàn quân Việt Nam đi chung lòng cứu quốc…” thì bên ngoài tiếng chuông lắc tay của mấy chú đẩy xe bán cà rem vang lên leng keng leng keng inh ỏi, làm tôi mắc cười không nhịn nổi, phải lấy tay bụm miệng để cười.Xem thêm: Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu
Tuần rồi, báo chí quốc nội lẫn cộng đồng mạng xôn xao vụ một cháu học sinh tiểu học ở Cần Thơ khoanh tay, cúi đầu chào người tài xế đã dừng xe nhường cho cháu băng qua đường. Vậy là các cơ quan ban ngành đoàn thể nhà nước bu vô trao giấy khen, trao quà, “động viên,” “tuyên dương,” “khích lệ,” hứa hẹn “xem xét thêm gia cảnh” để giúp đỡ…. Cứ như Việt Nam vừa xuất hiện một ngôi sao sáng anh hùng cứu nguy dân tộc vậy. Nếu trong xã hội ai cũng có cái đuôi mà bạn không có cái đuôi, tự dưng bạn sẽ bị mọi người coi là “quái nhơn” dù chưa xét tới phương diện thẩm mỹ có đuôi đẹp hơn hay không có đuôi thì đẹp hơn. Cũng như giờ đây, trong một xã hội mà đạo đức xuống cấp đến tột cùng thì hành vi cúi đầu chào, cám ơn (người đã giúp cho mình) lại trở nên chói sáng làm xôn xao dư luận. Bạn đọc xem video trên báo online lại thấy người đi đường đi đứng loạn xạ, còn cháu bé băng sang đường ở chỗ không được phép sang đường (trái luật) tại sao lại khen tới tấp??? Sự việc trở thành khôi hài không giống con giáp nào hết.
Dưới video tôi phỏng vấn nhân chứng thời di cư, nick Stephanie Pham Nguyen viết: “Cụ ông 94 tuổi nói chuyện thì chào độc giả: “Thưa quý ông, quý bà, thưa quý vị” còn mấy cô mấy cậu 9x, 10x bây giờ lên YouTube chúng nó gọi ai cũng các bạn tuốt. Thế mới biết giáo dục thời cộng sản càng ngày càng xuống dốc và suy đồi.” Một sự thật cay đắng và buồn vô cùng. Buồn hơn là năm nào nhà cầm quyền cộng sản cũng tổ chức ăn mừng
Ðiều 115 Bộ Luật Lao Ðộng 2012 (đang có hiệu lực thi hành) quy định về nghỉ lễ, Tết ghi rõ “c- Ngày Chiến thắng 01 ngày (ngày 30 tháng 4 dương lịch).” Nhóm chữ “Ngày Chiến thắng” được dùng trong tất cả các văn bản hành chánh nhà nước và các phương tiện truyền thông. Có người thắng tất phải có kẻ thua, năm nào người “thắng” cũng hoan hỉ tổ chức rất nhiều loại hình vui chơi giải trí, tuyên truyền, ca ngợi “chiến thắng,” vậy kẻ thắng có thật tâm muốn “hòa hợp hòa giải,” “xóa bỏ hận thù” không? Tôi khẳng định rằng không. Giả sử có lão hàng xóm cướp tài sản, đánh quý vị trọng thương, thậm chí giết luôn người nhà của quý vị. Rồi hàng năm lão í mời quý vị tới ngồi nghe lão khoe khoang kể lể về lão đã đánh, đã cướp, đã giết người nhà quý vị ra sao và quý vị phải ngồi nghe, phải vỗ tay khen lão, phải hứa hẹn giúp đỡ lão, không được quyền thù lão. Vậy quý vị có chịu ngồi đó nghe không? Hay quý vị nhảy dựng lên bỏ về ngay tức khắc? Kiểu “hòa hợp hòa giải,” “xóa bỏ hận thù” của tà quyền Việt cộng giống y như lão hàng xóm đó vậy, nên không có gì ngạc nhiên khi mỗi năm người Việt hải ngoại vẫn tổ chức tưởng niệm ngày Tháng Tư Ðen, mỗi năm vẫn có hàng ngàn trang viết, hình ảnh, tư liệu video tiếp tục phơi bày tội ác của những kẻ đã tàn phá nền văn minh miền Nam, thay vào đó là lối sống dối trá, ích kỷ, tham lam, mị dân, vô đạo đức… làm cho dân tộc Việt Nam ngày càng trở nên thấp hèn trong con mắt của thế giới.
Không cần ví von đâu xa, cứ so với dân các nước trong khu vực như Thái, Miên, Lào, Mã Lai, Phi Luật Tân, Singapore, Nam Hàn, Nam Dương, Nhựt Bổn cũng đủ thấy vị thế người Việt Nam thời nay đứng áp chót danh sách này, thiệt là nhờ “ơn đảng, ơn bác” vậy. Trong những ngày cận kề cuối Tháng Tư này, người Việt tỵ nạn Little Sài Gòn dường như quên đi những lùm sùm về sắc tộc để trở về với nỗi đau mất nước âm ỉ của chính mình.