Mới đó mà Thứ Bảy rồi. Trời hôm nay lành lạnh như vào đông, Melbourne thật êm đềm dễ thương. Nếu bạn đang ngồi nhấp ly café thì chuyện trò cho vui nghe.
Sau biến cố Mậu Thân 1968, Đại Học Văn Khoa Saigon như lạc mất mùa xuân vì vắng đi thầy cô và một số bạn bè. Tôi trở lại sân trường mà thấy lòng mình lạc lõng bơ vơ. Tôi đến gặp giáo sư bảo trợ Richard Watson, dạy môn English linguistics (Ngữ học Anh) và cũng là giám đốc Summer Institute of Linguistics (SIL) chi nhánh Việt Nam. SIL có nhiều chi nhánh và ảnh hướng lớn khắp năm châu.
Giáo sư Watson rất quý mến sinh viên Việt Nam và khuyên tôi nên bỏ dự định nghiên cứu về Jarai phonology (âm vị học Jarai ) vì lúc đó chiến tranh làm vùng cao nguyên bất ổn cho nghiên cứu về bộ lạc Jarai này. Giáo sư Watson biết nhiều về nghiên cứu linguistics của Đại Học Monash, Australia và muốn tôi xin học bổng hậu đại học loại Elite của Monash.
Hồi đó (1970) Úc chỉ có hai loại học bổng (undergraduate scholarships) cho sinh viên Việt Nam: Colombo Plan dành cho ngành kỹ sư học bằng cử nhân, và University postgraduate scholarships, hậu đại học, chỉ có ở một ít đại học lớn với ngân quỹ đồ sộ như đại học ANU, Monash, Melbourne và ai trên thế giới cũng có quyền xin, nhưng được hay không là chuyện của trời. Tôi may mắn được trời thương.
Đúng là ‘chó ngáp phải ruồi’, và thật ra cũng nhờ sự khuyến nghị mạnh mẽ (strong recommendtion) của giáo sư Watson, tôi may mắn được Monash cho học bổng trong khoa Linguistics, và người thứ hai được học bổng này là Tsunoda, một trong những nghiên cứu sinh linguistics hàng đầu của Tokyo University. Khi nghe tin này, tòa Đại Sứ Việt Nam Cộng Hòa ở Canberra có liên lạc với tôi chúc mừng, vì tôi là người Việt đầu tiên được hân hạnh này.
Trước khi qua Monash, Giáo Sư Watson kêu tôi đến chuyện trò cuối cùng ở văn phòng SIL ở đường cây cao bóng mát Sương Nguyệt Anh, Saigon. Tôi còn nhớ lời dặn cuối cùng của Thầy: “Khi học xong ở Monash, em nhớ tiếp tục đóng góp cho ngành linguistics, ‘our precious scholarly home’ (ngôi nhà ngữ học) trên thế giới.”
Thời gian trôi qua mau, khi học xong, tôi mất liên lạc với Thầy Watson và từ đó tôi bắt đầu nghề ‘gõ đầu trẻ’ ở Đại Học Tasmania vào năm 1974. Nhớ lại lời dặn dò cuối cùng của Thầy trước giờ chia tay, tôi sáng lập ‘Journal- Working Papers in Language and Linguistics’ sau ba năm đặt chân đến Tasmania. Đây là một trong những Linguistics research journals tiên phong ở Úc, kéo dài khoảng 2̀5 năm.
Thời gian trôi qua mau, khoảng 25 năm sau, một hôm ngồi trong office bên bờ sông Tamar mơ màng về những ngày xưa thân ái ở Saigon, tình cờ tôi nhận được một email của ‘ai đó’ viết từ Nam Mỹ. Cứ tưởng đây là một trong những emails thông thường mà tôi nhận được khắp thế giới về bài vở đóng góp cho Journal. Nhưng khi mở email ra đọc, tim tôi bàng hoàng, mắt tôi cảm thấy cay cay, và dòng chữ này luôn luôn được ấp ủ trong khu vườn tình cảm của đời tôi:
“ Thảo thân mến, sau nhiều năm vắng bóng, tôi tình cờ xem được Tạp chí của em ở Nam Mỹ, nơi tôi đang sinh sống, giờ mới biết em đã đóng góp cho ngành ngôn ngữ học. Gởi đến em những lời chúc mừng em.”
“Dear Thao, after many years of absence, I happened to come across your Journal in South America, where I am living, and now know what you have done for linguistics. Best wishes”