Hiểu Minh
Thêm 111 ca COVID-19
VnExpress – Bộ Y tế sáng 1/6 ghi nhận 111 ca dương tính trong nước, gồm tại Sài Gòn 51, Bắc Giang 45 và Bắc Ninh 15.
111 ca mới được ghi nhận từ số 7322-7432, nâng tổng số ca nhiễm tại Bắc Giang lên 2.297, Bắc Ninh 857, TP.HCM 208.
Số lượng ca nhiễm cộng đồng tính từ ngày 27/4 đến nay lên 4.357 ca, ở 36 tỉnh thành. Có 14 tỉnh gồm Yên Bái, Quảng Ngãi, Đồng Nai, Nghệ An, Quảng Ninh, Quảng Nam, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đăk Lăk, Nam Định, Hòa Bình, Tuyên Quang, Phú Thọ, Sơn La, đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới.
Tâm dịch Bắc Giang ‘hạ nhiệt’
VnExpress – Dịch bệnh tại Bắc Giang có dấu hiệu “hạ nhiệt” khi số ca nhiễm COVID-19 trong đợt xét nghiệm thứ hai giảm một nửa so với đợt thứ nhất.
Bắc Giang ghi nhận số ca nhiễm cao nhất cả nước – 2.252. Tuy nhiên, GS Lê Thị Quỳnh Mai, Viện phó Vệ sinh dịch tễ Trung ương, dự báo số ca nhiễm tại Bắc Giang sẽ “tiếp tục giảm sâu trong lần lấy mẫu thứ ba”. Số lượng F0 tại các điểm nóng cũng có xu hướng giảm.
Ông Lê Ánh Dương, Chủ tịch tỉnh Bắc Giang, nhận định điểm nóng huyện Việt Yên “đã có những chuyển biến rõ nét và theo chiều hướng kiểm soát tốt”. Biện pháp cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 tại đây đang phát huy tác dụng.
Trong ngày 31/5, toàn tỉnh ghi nhận thêm 134 ca COVID-19, giảm hơn 2 lần so với đỉnh điểm 375 ca hôm 25/5.
Sài Gòn chuẩn bị phương án có 5.000 ca nhiễm
Tuoitre – Trong cuộc họp với thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình chiều 31/5. Ông Tăng Chí Thượng – phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, thành phố đã chuẩn bị phương án có 5.000 ca COVID-19 trên địa bàn. Hiện tại đã có sẵn hơn 1.900 giường bệnh, trong đó có 200 giường hồi sức với máy thở, hệ thống ECMO (tức hệ thống “oxy hóa qua màng ngoài cơ thể”) tại các bệnh viện tuyến cuối – mỗi bệnh viện tuyến cuối có 2 hệ thống ECMO.
Theo ông Thượng, tính đến ngày 31/5, các bệnh viện trên địa bàn đang điều trị cho 221 bệnh nhân mắc COVID-19, trong đó có 1 trường hợp nặng chuyển đến từ tỉnh An Giang, các bệnh nhân còn lại có sức khỏe ổn định.
Sài Gòn phong tỏa một phần chợ dân sinh ở quận 8
Zing – Khoảng 100m chợ dân sinh ở quận 8 được lực lượng chức năng phong tỏa để phục vụ điều tra dịch tễ ca nghi mắc COVID-19.
Thông tin này được Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) phát đi tối 31/5. Theo HCDC, các lực lượng chức năng đã đưa ca nghi nhiễm đến Bệnh viện dã chiến Củ Chi để cách ly. Việc điều tra truy vết đang gấp rút được thực hiện.
Theo điều tra dịch tễ, ca nghi nhiễm này đã đi nhiều nơi, chưa nhớ hết lịch trình di chuyển và người tiếp xúc. Cơ quan chức năng đã khoanh vùng 229 hộ, gần 900 nhân khẩu tại khu vực này.
Số F1 đã truy vết được là 21 người, F2 là 37 trường hợp. HCDC dự kiến sẽ lấy khoảng 200 mẫu gộp cho người dân và các tiểu thương tại khu chợ này.
Hà Nội phát hiện 40 người liên quan hội truyền giáo ở Sài Gòn
Zng – Chiều 31/5, thành phố Hà Nội có cuộc họp về công tác phòng chống dịch Covid-19 với các đơn vị trực thuộc.
Báo cáo tại phiên họp chiều 31/5, Phó giám đốc Sở Y tế Hoàng Đức Hạnh cho biết, từ 29/4 đến nay TP ghi nhận 209 ca mắc ngoài cộng đồng tại 22 quận huyện và khu cách ly tập trung. Sở Y tế đã xét nghiệm cho 927 người là F1 đang cách ly và phát hiện 27 ca dương tính.
Theo lãnh đạo Sở Y tế, TP đã ghi nhận các ca bệnh ngoài cộng đồng có liên quan đến khu công nghiệp của tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang. Vì vậy, Sở Y tế đề nghị quận, huyện khẩn trương rà soát các trường hợp trở về từ vùng có dịch của các tỉnh.
Sở Y tế bày tỏ lo ngại với tình hình dịch bệnh tại TP.HCM đang rất nóng, số ca mắc chủ yếu liên quan đến hoạt động tôn giáo của Hội thánh truyền giáo Phục Hưng. Đáng chú ý, ông Hạnh thông tin trong 3 ngày, từ 27 đến 29/4, có chức sắc của hội này đến Hà Nội.
Liên quan đến việc này, đại tá Trần Ngọc Dương, Phó giám đốc Công an Hà Nội, cho biết đơn vị đã xác minh 40 người liên quan đến Hội thánh truyền giáo Phục Hưng cư trú tại huyện Chương Mỹ. Trong đó, 30 người đã tiếp xúc với người từ Sài Gòn đến. Phó giám đốc Công an Hà Nội cho biết các trường hợp này đã có kết quả âm tính ban đầu.
Cảnh báo kit test nhanh COVID-19 rao bán trên ‘chợ’ mạng
Thanhnien – Trên mạng xã hội những ngày gần đây, một số cá nhân quảng cáo bán bộ kit test nhanh Covid-19. Tuy nhiên, đại diện Bộ Y tế cảnh báo, người dân phải hết sức cảnh giác khi mua loại kit thử này.
Là cư dân sống ở khu chung cư tại Q.Hai Bà Trưng (Hà Nội) mới xuất hiện ca nhiễm Covid-19, những ngày qua, chị Vũ Thị Lan luôn sống trong tâm trạng lo lắng về dịch bệnh.
Chị Lan chia sẻ: “Khu chung cư của tôi có cả F0 và nhiều F1, tuy không phải tòa nhà của mình, nhưng tôi cũng xin làm việc tại nhà. Ngoài mua thêm khẩu trang, nước rửa tay, lương thực thực phẩm, tôi cũng đặt mua bộ kit test nhanh COVID-19 trên mạng, thấy nhiều người mua, mình cũng mua cho yên tâm”.
Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 có những diễn biến phức tạp tại Hà Nội và một số địa phương, trên mạng xã hội những ngày qua, một số cá nhân rao bán bộ kit thử COVID-19 với không hề rẻ, 1,1 triệu đồng/hộp (2 chiếc).
Một tài khoản bán mặt hàng này quảng cáo: “Em có nhập được số lượng lớn que test nhanh Covid-19 của Hàn Quốc tại nhà. Bác nào đi lại nhiều muốn test cho yên tâm hay các đơn vị nào cần thì liên hệ”.
Đáng chú ý, đánh trúng tâm lý lo lắng về dịch bệnh của người tiêu dùng, một số người bán mặt hàng này còn quảng cáo chỉ sau 15 phút test nhanh cho kết quả chính xác đến 99%. Mức giá bán trên chỉ bằng 2/3 giá thị trường, giá bán lẻ chỉ bằng 1/2 làm test tại các bệnh viện.
Anh Quang Minh, nhân viên văn phòng tại Q.Đống Đa (Hà Nội), cho hay: “Tôi cũng muốn cho gia đình đi xét nghiệm nhưng đến bệnh viện lại sợ. Đây đúng là mặt hàng mà ai cũng quan tâm, nhưng mua bán trên mạng, chất lượng không biết thế nào, có được cơ quan chức năng chứng nhận lưu hành hay không thì chưa rõ. Hỏi người bán cũng chỉ nhận được câu trả lời chung chung là hàng xách tay từ Hàn Quốc”.
Phóng viên đã hỏi một số cửa hàng thuốc tại chợ thuốc Happulico (Q.Thanh Xuân, Hà Nội) loại test thử Covid-19, tuy nhiên, những người bán hàng ở đây cho biết mặt hàng này hiện không bán lẻ.
Theo ông Nguyễn Đình Anh, Vụ trưởng Vụ Truyền thông và thi đua khen thưởng (Bộ Y tế), đơn vị này cũng đã nhận được thông tin một số cá nhân đăng tải thông tin trên mạng rao bán các kit xét nghiệm nhanh để phát hiện COVID-19.
Ông Trương Đình Anh chia sẻ: “Chúng tôi đang đề nghị các cơ quan chức năng cần vào cuộc để kiểm tra. Người dân hết sức cảnh giác vì các kit xét nghiệm này chưa biết có hiệu quả trong việc xét nghiệm xác định bị nhiễm COVID-19 hay không, đã được các cơ quan Việt Nam kiểm định chất lượng chưa và được cấp phép lưu hành chưa”.
Trước sự lây lan của dịch bệnh COVID-19, ông Nguyễn Đình Anh cảnh báo: “Nếu các kit xét nghiệm này giả mạo, chất lượng không bảo đảm không những không phát hiện ra bệnh mà nguy cơ phát tán và lây lan dịch bệnh nếu bị bỏ sót. Người dân hết sức lưu ý, cẩn thận đừng để tiền mất, tật mang”.
Trao đổi với báo chí ngày 31/5, ông Trịnh Bá Quang, Trưởng phòng Kiểm tra và phối hợp liên ngành (Cục Quản lý thị trường Hà Nội), cho biết đơn vị chưa nhận được thông tin trên.
“Tuy nhiên, với trách nhiệm quản lý thị trường, chúng tôi sẽ giao các đơn vị nghiệp vụ kiểm tra, xác minh, nếu có sai phạm sẽ xử lý để bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng”, ông Quang nói.
Đại diện Cục Quản lý thị trường Hà Nội cũng khuyến cáo người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin về sản phẩm, người bán, đặc biệt không nên mua những mặt hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ bán trôi nổi trên mạng.
Từ 0 giờ 1/6: Người vào Q.Gò Vấp phải trình căn cước, CMND hoặc do chủ nhà bảo lãnh
Thanhnien – Tại chốt kiểm soát dịch COVID-19 Q.Gò Vấp, Sài Gòn, từ 22 giờ ngày 31/5, người dân đi vào quận phải xuất trình CMND/CCCD, giấy tờ xác nhận công việc hoặc nếu ở trọ thì phải có chủ nhà ra bảo lãnh.
Đúng 21 giờ ngày 31/5, Q.Gò Vấp đã lập lại 10 chốt kiểm soát dịch Covid-19 trên địa bàn quận. Nhiệm vụ của các chốt là hạn chế tối đa người và phương tiện ra, vào quận, trừ các trường hợp thật sự cần thiết.
Theo ghi nhận, từ 22 giờ, chốt kiểm soát dịch tại nút giao Phạm Văn Đồng – Phan Văn Trị có lực lượng công an, y tế, dân phòng, dân quân tự vệ, CSGT cùng chốt chặn, hướng dẫn người và phương tiện qua chốt.
Đúng 22 giờ, CSGT đứng điều tiết, hướng dẫn xe di chuyển hướng khác, một số người khai nhà ở trong Gò Vấp thì phải xuất trình CCCD/CMND, sau đó khai báo y tế mới được chạy xe vào. Nếu là người thường trú nơi khác đến Gò Vấp ở trọ thì phải có chủ nhà bảo lãnh mới được vào địa bàn quận.
Từ 22 đến 23 giờ, nhân viên y tế chưa giải quyết cho một số xe đi ra khiến nhiều người bối rối. Theo quan sát, một nhóm công nhân gồm 5 người cho biết vừa vào ngân hàng gần đó lúc 19 giờ để làm việc. Khi vào, có khai báo tại ngân hàng, nhưng giờ không cho ra thì không biết làm sao để về nhà.
Cả nhóm hốt hoảng rồi kêu một người quay lại ngân hàng chụp lại khai báo y tế. Người này chưa kịp quay đi, nhân viên y tế đã thông báo sẽ gải quyết cho tất cả xe ra, riêng xe vào thì phải chứng minh được là người ngụ tại Gò Vấp.
Lúc 23 giờ 30 phút, chị N. chạy xe máy từ hướng đường Phạm Văn Đồng vào Phan Văn Trị. Công an hỏi: “Chị đi đâu? Phải trú ở Gò Vấp không?”, chị N. đáp: “Em ở trong này”. Công an yêu cầu chị N. xuất trình CCCD để kiểm tra nhưng CCCD của chị N. lại ở một tỉnh khác. Chị giải thích: “Em ở trọ trong này”. Công an dẫn chị tới bàn khai báo y tế để giải quyết.
Một nhân viên y tế trực chốt giải thích: “Người vào quận Gò Vấp phải chứng minh mình ở Gò Vấp qua CCCD hoặc CMND, ở trọ thì có tạm trú, không có nữa thì phải gọi chủ nhà ra bảo lãnh để hạn chế người vào quận”.
23 giờ, chị Nguyễn Hoàng Cẩm T. (ngụ Q.Bình Thạnh, làm thu ngân tại siêu thị Emart) xong công việc, trở về nhà. Khi qua chốt, chị T. xuất trình giấy xác nhận đi lại do yêu cầu công việc để đảm bảo việc lưu thông hàng hóa và hoạt động sản xuất kinh doanh không bị đình trệ, do công ty đóng dấu. Tuy nhiên, nhân viên y tế vẫn yêu cầu chị T. phải khai báo y tế.
Loay hoay một hồi vì không đăng ký 3G, chị T. phải nhờ người đứng bên cạnh phát wifi để thực hiện khai báo online.
Tương tự, chị L. (ở trọ trong Q.Gò Vấp) cũng phải mất hơn nửa tiếng mới được qua chốt. Điện thoại hết pin, trong lúc đang chờ sạc dự phòng thì con mèo trong túi nhảy bổ ra ngoài, chị cùng PV phải cùng đi tìm mèo hết 10 phút. Sau đó, chị L. không chứng minh được mình ở trọ tại Gò Vấp nên nhân viên y tế yêu cầu gọi người nhà ra bảo lãnh. Bối rối vì người nhà không ở đây, chỉ có người bạn cùng phòng trọ, chị L. phải mất khá nhiều thời gian trước chốt. Một lúc sau, nhân viên y tế giải quyết và hướng dẫn chị khai báo để vào bên trong.
Nhìn chung, công tác kiểm soát tại chốt trước 0 giờ ngày 1/6 còn khá lúng túng, nhiều người dân còn bối rối không biết việc ra, vào thế nào. Một số trường hợp đi từ Q.Bình Thạnh qua Q.12 muốn đi ngang Gò Vấp được lực lượng trực chốt hướng dẫn đi đường vòng.
Trước đó, từ 0 giờ ngày 31/5, 10 chốt kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 đã được UBND Q.Gò Vấp thành lập, phân công nhiệm vụ. Tuy nhiên, đến giờ cao điểm sáng 31/5, nhiều người dân vẫn tập trung đông ở các chốt, chính quyền Q.Gò Vấp đã tạm gỡ chốt để người dân khai báo y tế rồi lưu thông bình thường. Q.Gò Vấp sau đó đã họp lại với các cơ quan có thẩm quyền và tiến hành lập lại 10 chốt từ 21 giờ cùng ngày.
Bốn cán bộ Sở Nông nghiệp bị cách ly vì tiếp xúc với ca COVID-19
Dân Trí – Chiều 31/5, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT) tỉnh Bình Phước có báo cáo về trường hợp đoàn thanh tra của Sở tiếp xúc gần với ca mắc Covid-19.
Cụ thể, ngày 26/5, đoàn công tác của Sở NN&PTNT gồm Chánh Thanh tra Sở và 3 thanh tra viên có tiếp xúc với đại diện của Công ty CJ Vina Agri tại trại heo Bình Long 1FF (xã Thanh Lương, thị xã Bình Long, tỉnh Bình Phước).
Ngày 30/5, đại diện của Công ty CJ Vina Agri (ngụ quận 12, TP.HCM) có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.
Ngay sau đó, 4 cán bộ liên quan được xác định là F1 nên phải đi cách ly tập trung. Ngành y tế tỉnh Bình Phước đang điều tra dịch tễ người tiếp xúc với 4 F1 trên.
Nhân viên công ty ở Cụm công nghiệp Phong Phú, Thủ Đức dương tính COVID-19
Tuoitre – Tối 31/5, một lãnh đạo Trung tâm Y tế ở TP. Thủ Đức xác nhận một nữ nhân viên của Công ty TNHH Coats Phong Phú, TP. Thủ Đức, đã nhiễm COVID-19.
Theo thông tin ban đầu, nữ nhân viên này đã về Đồng Tháp, sau đó có triệu chứng nên đến cơ sở y tế khám và đã có kết quả dương tính với COVID-19.
Hiện toàn bộ công nhân của công ty khoảng 1.000 người đã nghỉ làm ngày cuối tuần nên ngày mai (1/6), cơ quan chức năng của TP sẽ tiến hành lấy mẫu toàn bộ nhân viên công ty để xét nghiệm.
Nguồn tin của báo chí cho biết nữ nhân viên này thường làm việc tại Thủ Đức, có đến tập huấn tại phân xưởng của Công ty TNHH Coats Phong Phú nằm trong khuôn viên Cụm công nghiệp Phong Phú (phường Tăng Nhơn Phú B, TP. Thủ Đức).
Cụm công nghiệp Phong Phú có khoảng 5 công ty với tổng số hơn 4.000 nhân viên và người lao động. Riêng phân xưởng của Công ty Coats Phong Phú có khoảng 1.000 nhân viên.
Theo thông báo của cơ quan chức năng, ngày mai (1/6), cơ quan chức năng sẽ lấy mẫu xét nghiệm với toàn bộ nhân viên tại phân xưởng này.
Riêng nhân viên các công ty còn lại nằm trong Cụm công nghiệp Phong Phú ngày mai vẫn đi làm, việc xét nghiệm như thế nào vẫn đang chờ chỉ đạo của cơ quan chức năng.
Nguồn tin này cho biết thêm hiện tại Cụm công nghiệp Phong Phú không bị phong tỏa nhưng được kiểm soát phòng dịch nghiêm ngặt.
Tìm thấy mối liên hệ giữa hai chuỗi lây nhiễm tại Sài Gòn
Zing – Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) tối 31/5 cho biết, ngành y tế đã xác định được mối liên hệ giữa hai chuỗi lây nhiễm tại thành phố là Hội thánh truyền giáo Phục Hưng ở quận Gò Vấp và các ca bệnh được phát hiện tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn.
Cụ thể, ngày 27/5, Sài Gòn phát hiện 3 ca chỉ điểm của chuỗi lây nhiễm Hội thánh. Đến tối 31/5, thành phố xác định 191 ca nhiễm thuộc chuỗi lây nhiễm này. Trong đó, 40 người là hội viên, 104 là F1 và 47 người là F2.
Người đầu tiên có triệu chứng là ngày 13/5 và có khả năng là nguồn lây của nhóm tham gia Hội thánh. Người này đã từng đi Hà Nội và trở về Sài Gòn vào ngày 29/4.
Cùng xuất hiện với chuỗi lây nhiễm liên quan Hội thánh là một chuỗi lây nhiễm được phát hiện khi 2 vợ chồng cư trú tại Tân Phú đi khám bệnh tại Bệnh viện Hoàn Mỹ (BN6444 và BN6445). Từ đây, TP truy vết được thêm 5 ca nhiễm là người tiếp xúc gần.
Trong đó, BN6781 (đồng nghiệp của người vợ) có chị gái sống chung (BN6907). Người này (BN6907) nằm trong chuỗi tiếp xúc gần với ca bệnh làm việc tại tòa nhà Novaland (quận 1) là BN6770. BN6770 lại chính là F1 thuộc chuỗi lây nhiễm Hội thánh. Qua điều tra, ngành y tế phát hiện BN6781 (em của BN6907) có triệu chứng bệnh từ 20/5.
Trong khi đó, BN6445 có triệu chứng từ ngày 23/5, chồng người này là BN6444 có triệu chứng từ 25/5. Thêm vào đó, kết quả giải mã gene của cả hai chuỗi lây nhiễm này đều mang biến chủng Ấn Độ B.1.617.2.
Qua các phân tích trên, ngành y tế kết luận chuỗi lây nhiễm tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn có mối liên hệ với chuỗi lây nhiễm Hội thánh (thông qua mối liên kết chung là BN6907 – người làm việc tại tòa nhà Novaland).
Tiến sĩ toán dự báo ‘dịch suy giảm cuối tháng 7’
VnExpress – Theo phân tích của tiến sĩ toán học Nguyễn Lê Anh, khoảng cuối tháng 7, Việt Nam sẽ ghi nhận rất ít ca Covid-19 mới; đến cuối tháng 8, đợt dịch này kết thúc.
Tiến sĩ Toán – Lý Nguyễn Lê Anh, nguyên giảng viên Học viện Kỹ thuật Quân sự, nhận định sự lây nhiễm của đợt dịch này đang được khống chế hiệu quả, khả năng bùng phát mất kiểm soát gần như không có.
Đồ thị dự báo của tiến sĩ Lê Anh được vẽ dựa trên sự cân bằng giữa nỗ lực chống dịch và áp lực lây nhiễm của virus. Số ca nhiễm trong ngày thể hiện sự tương quan giữa lây lan và dập dịch. Quy luật của sự tương tác này là đường cong có dạng nhất định, giúp dự báo được tình hình dịch. Tuy nhiên vẫn có những ca bệnh đã ủ bệnh lâu hoặc không có triệu chứng nên sau nhiều ngày mới phát hiện, do đó phải chờ dữ liệu qua nhiều tuần thì đồ thị sẽ chính xác hơn.
Để dự báo, tiến sĩ Lê Anh giả định sự lây lan theo 3 hình thức: Lây theo quan hệ gia đình bạn bè người thân, lây theo quan hệ công việc xã hội, và lây ngẫu nhiên khi cùng ở trong một khu vực, đồng thời giả định số người chết do dịch là ít và không đáng kể so với số người bị nhiễm. Ngoài ra, số người bệnh sẽ tự khỏi sau một thời gian nào đó, người đã khỏi bệnh không bị tái nhiễm. Thời gian này được coi là một đại lượng ngẫu nhiên.
Dựa vào các dữ liệu về ca nhiễm bệnh, đường đồ thị được vẽ nhiều lần, tiến sĩ Lê Anh lấy đường trung bình, tìm hàm số, mô phỏng trên máy tính, giải phương trình vi phân để ra được đồ thị dự báo dịch.
Biểu đồ cho thấy, từ ngày 8/7 đến khoảng giữa tháng 7, Việt Nam không ghi nhận hoặc ghi nhận rất ít ca nhiễm mới. Đến cuối tháng 7, dịch sẽ suy giảm mạnh. Đến ngày 29/8, phần lớn các ca nhiễm nCoV trung bình và nhẹ đang điều trị tại các cơ sở y tế khỏi bệnh, Việt Nam sẽ không còn bệnh nhân Covid-19. Nếu kể đến việc điều trị các bệnh nhân nặng kéo dài, chuyên gia dự báo đến tháng 12 dịch mới có thể chấm dứt hoàn toàn. Như vậy, Covid-19 có thể sẽ suy giảm vào giữa tháng 7 và cơ bản kết thúc vào cuối tháng 8.
Bộ Y tế không ‘độc quyền’ nhập khẩu vắc-xin COVID-19
Được giao là đầu mối nhập khẩu vaccine, nhưng Bộ Y tế không “độc quyền” mà khuyến khích các địa phương, doanh nghiệp có khả năng tiếp cận nguồn vaccine tham gia.
Chủ trương trên được Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định tại cuộc họp với Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, sáng 31/5.
Tuy nhiên, Bộ Y tế cảnh báo tình trạng “lừa đảo vaccine”. Nhiều tổ chức, cá nhân tự giới thiệu là đại diện được ủy quyền các nhà sản xuất để chào bán vaccine nhưng khi Bộ liên hệ thì các nhà sản xuất đều khẳng định là không đúng sự thật.
Theo quy định hiện hành, chỉ các công ty có chức năng nhập khẩu, kinh doanh vaccine mới được nhập khẩu mặt hàng này. Việt Nam hiện có 27 đơn vị có chức năng này. Các đơn vị có điều kiện tiếp cận nguồn cung vaccine có thể trực tiếp làm việc với Bộ Y tế hoặc với một trong 27 đơn vị này.
Các vaccine phải được Bộ Y tế cấp phép, cấp số đăng ký, từng lô vaccine phải có hồ sơ chứng thực xuất xứ, chất lượng. Việt Nam đã cấp phép cho 2 loại vaccine của Astra Zeneca và Sputnik V; đang xem xét hồ sơ đối với 2 loại khác.
Về thử nghiệm lâm sàng, Bộ Y tế khẳng định, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong tình trạng đại dịch hiện nay, Việt Nam chỉ kiểm tra trên hồ sơ và nếu đầy đủ, chỉ mất tối đa 48h.
Dừng 4 khu công nghiệp, Bắc Giang mất hơn 2.000 tỷ mỗi ngày
VnExpress – Mỗi ngày, giá trị sản xuất công nghiệp tại Bắc Giang mất 2.000 tỷ đồng, 140.000 lao động phải nghỉ việc do Covid-19. Thông tin này được lãnh đạo tỉnh Bắc Giang nêu tại cuộc họp vào chiều 30/5.
Nêu cụ thể hơn, ông Nguyễn Xuân Ngọc – Phó ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) tỉnh Bắc Giang cho biết, hiện có 395 doanh nghiệp hoạt động trong các KCN của tỉnh, với 163.000 lao động. Các doanh nghiệp này mỗi năm đóng góp 300.000 tỷ đồng vào giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh, hơn 3.000 tỷ vào ngân sách Nhà nước.
Sau gần nửa tháng phải tạm dừng hoạt động để tránh lây lan dịch bệnh, 10 doanh nghiệp đã đủ điều kiện hoạt động trở lại với hơn 4.000 lao động. Ông Ngọc cho hay, dự kiến sẽ có thêm một số doanh nghiệp nữa được hoạt động trở lại trong hôm nay (31/5).
Ngày 8/5, Bắc Giang ghi nhận ca nhiễm Covid-19 đầu tiên trong nhà máy tại Công ty Shin Young (KCN Vân Trung). Sáu ngày sau đó, tỉnh ghi nhận tiếp các ca nhiễm tại Công ty Hosiden (KCN Quang Châu). Đến trưa qua 31/5, Bắc Giang đã ghi nhận tổng cộng 2.209 ca mắc.
Người dân vội vã mua vé máy bay để rời Sài Gòn, hãng bay phải tăng chuyến
Tuoitre – Sau thông tin giãn cách toàn Sài Gòn 15 ngày từ 0h ngày 31/5, nhiều người ra sân bay Tân Sơn Nhất mua vé giờ chót. Hãng bay phải tăng thêm chuyến từSài Gòn– Hà Nội để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Vội vã đến Tân Sơn Nhất cùng con nhỏ 6 tuổi, chị Nguyễn Quỳnh Trâm (tỉnh Bình Định) tìm đến các quầy đại diện hãng bay để mua vé máy bay về Phù Cát ngay trong chiều 30-5. Chị Trâm cho biết, chị đưa con gái đi khám bệnh ở Sài Gòn. Khi nghe thông tin thành phố giãn cách 15 ngày, nếu không rời khỏi TP.HCM trong hôm nay, thì hôm sau trở về địa phương sẽ khó hơn.
Loay hoay gần 20 phút, chị Trâm vẫn chưa mua được vé máy bay đi Phù Cát vì đã hết chỗ. Chị chuyển sang mua vé bay về Cam Ranh hoặc Chu Lai, sau đó bắt xe khách về Bình Định. Chị Trâm nói: “Tôi đưa con đi khám bệnh. Nếu bị kẹt 2 tuần ở Sài Gòn tôi không biết xoay xở sao nữa, nên phải tìm cách mua vé bay trong chiều hoặc tối nay thôi”.
Không chỉ chị Trâm, theo ghi nhận của phóng viên Tuổi Trẻ Online, chiều 30-5 tại sân bay Tân Sơn Nhất, dù lượng khách đi lại ở nhà ga không đông, nhưng tại quầy vé của các hãng luôn có khách tới hỏi mua vé.
Một nhân viên của Vietnam Airlines cho biết từ chiều 30/5, số lượng khách tìm mua vé giờ chót tăng cao, chủ yếu là chặng TP.HCM – Hà Nội. Thậm chí đến 4h chiều 30/5, 2 chuyến bay từ Sài Gòn – Hà Nội lúc 18h và 21h của Vietnam Airlines đã kín chỗ. Khách mua phải đăng ký chờ.
Bamboo Airways cũng ghi nhận số lượng khách tìm mua vé đi Hà Nội, Tuy Hòa cũng tăng. Hãng tăng cường thêm 2 chuyến bay đi Hà Nội lúc 21h và 21h30 tối để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Các chặng bay khác như Sài Gòn đi Đà Nẵng, Cam Ranh, Chu Lai… đều hết chỗ.