Các lãnh đạo châu Âu bị tình báo Mỹ nghe theo dõi từ Đan Mạch như thế nào?

Anh Vũ

image.png
Trụ sở chính tại Fort Meade, tiểu bang Maryland của cơ quan tình báo Mỹ, NSA, nổi tiếng về các vụ nghe lén theo dõi thông tin trên phạm vi thế giới. AP – Patrick Semansky

Một phóng sự điều tra của truyền hình Đan Mạch khẳng định cơ quan tình báo Mỹ NSA đã chuyển hướng hệ thống giám sát điện tử của vương quốc Bắc Âu nhằm theo dõi một số lãnh đạo đồng minh thân cận.

Trong lĩnh vực tình báo, người ta vẫn thường nói làm gì có tình bạn.  Nước Pháp và một số đồng minh gần gũi đã có không ít những trải nghiệm như vậy. Nhiều nghị sĩ, quan chức cao cấp của Đức, Pháp, Na Uy và Thụy Điển đã bị Cơ Quan An NinH Quốc Gia Mỹ NSA theo dõ bằng cách  chuyển hướng hệ thống giám sát điện tử của Đan mạnh để nghe trộm điện thoại. Trên đây là thông tin  được phát giác trong một phóng sự điều tra phát trên kên truyền hình Đan Mạch (DR) hôm Chủ Nhật 30/05. Nhiều cơ quan truyền thông khác như nhật báo Le Monde của Pháp, các đài truyền hình Đức, Thụy Điển và Na Uy cũng tiếp cận các nguồn thông tin tương tự.

Đài truyền hình Đan Mạch tiết lộ một báo cáo nội bộ của tình báo Đan Mạch cho biết NSA đã tiến hành theo dõi các quan chức chính trị hàng đầu của châu Âu hồi năm 2012 và 2014, qua hệ thống giám sát thông tin liên lạc cáp ngầm dưới biển của Đan mạch. Điều đáng chú ý là việc làm của cơ quan tính báo Mỹ có sự thỏa thuận Đan Mạch.

Trong số các mục tiêu bị nghe lén có thủ tướng Đức Angela Merkel, hai ứng cử viên không thành cho chức thủ tướng Đức hồi 2009 và 2013 là ông Frank-Walter Steinmeier, lãnh đạo phe đối lập ở Quốc Hội Đức, đảng Xã Hội Dân Chủ  (SPD), từng giữ chức ngoại trưởng và hiện là tổng thống  Cộng hòa Liên bang Đức và ông Peer Steinbrück, một trong nhân vật chủ chốt của đảng SPD.

Đan Mạch thông đồng
Đài truyền hình Đan Mạch (DR) đã trao đổi với rất nhiều nguồn tin và được tiếp cận với báo cáo mật do cơ quan tình báo quân sự Đan Mạch hoàn thành hồi tháng 5/2015.  Bản báo cáo được bắt đầu năm 2013, vào thời điểm ngay sau vụ phát giác của Edward Snowden. Khi đó cơ quan tình báo Đan Mạch muốn tìm hiểu cách thức mà cơ quan tình báo đầy sức mạnh của Mỹ làm với những cơ sở chặn thông tin của Đan Mạch. Bốn nhân viên tình báo đặc nhiệm được bí mật tập hợp nghiên cứu các số điện thoại, địa chỉ e-mail mà Cơ Quan An Ninh Mỹ quan tâm theo dõi từ hệ thống dữ liệu thông tin của Đan Mạch.

Các kết luận của bản báo cáo mật có tên gọi « Dunhammer » dầy 15 trang nói trên rất rõ ràng : NSA đã lợi dụng quan hệ đối tác với Đan Mạch để dọ thám các nước đồng minh, làm cho Copenhagen trở thành đồng lõa với các ý đồ theo dõi đồng minh. Báo cáo Dunhammer đã thống kê được, ngoài 3 chính khách Đức, còn có nhiều quan chức cao cấp Pháp, Thụy Điển và Na Uy bị trực tiếp theo dõi nhưng điều tra của truyền hình Đan Mạch hiện tại không xác định rõ danh tính.

Paris không muốn phản ứng
Được chất vấn về vấn đề trên, cả NSA cũng như cơ quan tình báo quân đội Đan Mạch đều từ chối đưa ra bình luận. Bộ trưởng Quốc Phòng Đan Mạch Tine Bramsen cũng từ chố phát biểu về những phát giác trên, đông thời khẳng định hành động « nghe trộm đồng minh thân cận là không thể chấp nhận được ».

Được nhật báo Le Monde thông tin về việc một số quan chức Pháp là mục tiêu theo dõi của NSA, phủ tổng thống Pháp không muốn có phản ứng cũng như trả lời các câu hỏi của nhật báo Pháp. Bộ Ngoại Giao Pháp cũng từ chối bình luận về thông tin liên quan.

Một quan chức cao cấp của chính quyền Pháp chỉ nhận định, “nếu những sự việc trên được xác nhận, hiển nhiên thì đó là điều không thể chấp nhận và chúng tôi đã thông báo điều này cho các đối tác liên quan. Chúng tôi đã yêu cầu họ giải thích cũng như bảo đảm phải chấm dứt cách làm như vậy. Những vấn đề này rất nhạy cảm cần được xử lý ở kênh thích hợp”.

Được nhật báo Đức Süddeutsche Zeitung hỏi, thủ tướng Angela Merkel cho biết đã nắm được thông tin nhưng không muốn có phản ứng. Về phần mình,  tổng thống Đức Steinmeier nói ông « không biết và cũng không nhớ là đã bị các cơ quan mật theo dõi ». Trong khi đó ông Peer Steinbrück trả lời trên truyền hình Đức WDR, ông gọi đây là vụ «  bê bối » nhưng cũng không tỏ ngạc nhiên về sự việc được phát giác.  Trả lời báo chí, bộ trưởng Quốc Phòng Thụy Điển và Na Uy  đều xác nhận sự việc là nghiêm trọng và đã yêu cầu đồng nhiệm Đan Mạch giải thích.

Đây không phải là lần đầu tiên cơ quan tình báo Mỹ NSA bị tố cáo đã theo dõi các lãnh đạo những nước đồng minh. Năm 2013, trên cơ sở các tài liệu Snowden tung ra, báo chí đã phát hiện bà Angela Merkel bị nghe trộm điện thoại từ đại sứ quán Mỹ của Berlin.

Giờ đây bà lãnh đạo của một trong những đồng minh chủ chốt của Hoa Kỳ bị đặt nghe lén từ nhiều điểm của châu Âu. Năm 2015, các nhật báo Pháp Libération, tờ Suddeutsch Zeitung của Đức hay trang mạng Mediapart của Pháp cũng đã nêu trường hợp ông Steinmeier bị theo dõi.

Sau khi phát hiện liên quan đến việc nghe lén bà Merkel được tung ra, tổng thống Mỹ lúc bấy giờ, ông Barack Obama đã lên tiếng hứa cho chấm dứt các hoạt động theo dõi đồng minh. Báo cáo của tình báo Đan Mạch nêu ra các việc làm diễn ra trong năm 2012 và 2014, nhưng truyền hình Đan Mạch hiện tại không cho biết liệu có phải các quan chức cấp cao đã bị theo dõi sau khi có hứa hẹn của tổng thống Mỹ.

Liệu chính quyền Đan Mạch có biết được hệ thống do thám của họ đã bị chuyển hướng để nhằm vào các nước bạn hữu, mà đa số trong đó là thành viên của Liên Hiệp Châu Âu ?  Chính quyền các nước Thụy Điển, Na Uy và Đức đều tuyên bố không được thông tin về kết luận báo cáo của tình báo Đan Mạch.

Những phát giác này một lần nữa lại phơi ra các quan hệ đối tác giữa các cơ quan tình báo của các nước. Quan hệ giữa NSA và sở tình báo quân đội Đan Mạch đã được tăng cường cách đây hơn chục năm với việc triển khai tại quốc gia Bắc Âu này một hệ thống chặn dữ liệu thông tin khối lượng lớn qua mạng cáp thông tin dưới biển Baltic.

“Trước khi có hệ thống này, người ta có thể nghe lén ở chỗ này chỗ khác. Các cánh cửa hoàn toàn mở. Chỉ có duy nhất vấn đề, xử lý và lưu giữ các dữ liệu có được”, theo giải thích của một nguồn tin trong sở mật vụ Đan Mạch với kênh truyền hình DR. Chính vì mục đích đó mà một trung tâm lưu giữ thông tin thuộc sở tình báo Đan Mạch được xây dựng ở phía nam Copenhagen với sự giúp đỡ của NSA. Đó là nơi đến của các dữ liệu được trích xuất từ hệ thống cáp trước khi được sàng lọc và cất giữ.

Nhờ những phát giác của Snowden, mọi người biết là cơ quan mật vụ Mỹ NSA đã đề xuất nhiều thỏa thuận kiểu như vậy  với những đối tác thứ ba : Cơ quan của Mỹ hỗ trợ kiên thức công nghệ và hậu cần để lắp đặt cơ sở nghe trộm ở nước đối tác. Việc sử dụng các thông tin sẽ được chia sẻ, NSA có thể sử dụng các cơ sở đó để tìm kiếm các luồng thông tin mà họ muốn theo dõi. Năm 2010, theo một tài liệu được Edwward Snowden tiết lộ, NSA duy trì 5 đối tác như vậy.

Tại Đức, phát giác về một thỏa thuận kiểu như thế giữa cơ quan tình báo Đức và NSA đã từng gây ra vụ bê bối lớn khiến Quốc Hội phải mở điều tra. Còn tại Đan Mạch, toàn bộ ban chỉ huy của tình báo quân đội đã bị đình chỉ hoạt động hồi tháng 8/2020, cựu chỉ huy của cơ quan này, vừa được bổ nhiệm làm đại sứ tại Berlin đã bị triệu hồi.  Tuy nhiên việc hợp tác với NSA vẫn tiếp tục.

Related posts