Thanh Hải
Nhiều tuần trước lễ kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), chính quyền Trung Quốc đã phát động một loạt các cuộc đàn áp đối với những người theo chủ nghĩa Mao.
Theo Epoch Times, chế độ bắt họ và đe dọa gia đình và buộc bạn bè của họ phải giữ im lặng. Động thái càn quét đã làm gia tăng căng thẳng giữa những người theo chủ nghĩa Mao.
Những người theo chủ nghĩa Mao của Trung Quốc thường chủ yếu là những người theo chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc. Họ thích kinh tế kế hoạch hơn kinh tế thị trường, mà họ cho là nguyên nhân sâu xa của các vấn đề xã hội của Trung Quốc ngày nay. Khi nói đến các chính sách đối ngoại, họ khẳng định Trung Quốc nên có quan điểm cứng rắn với các nền dân chủ phương Tây.
Theo RedChinaCn.net, một trang web có trụ sở tại Trung Quốc phản đối cải cách kinh tế của chế độ trong 30 năm qua, đưa tin cảnh sát thành phố Tế Ninh ở tỉnh Sơn Đông, miền bắc Trung Quốc đã tiến hành một loạt vụ bắt giữ những người theo chủ nghĩa Mao ở các tỉnh khác nhau từ ngày 12 tháng 5 với tội danh không được tiết lộ.
Thời báo Epoch Times cho biết họ đã ghi nhận nhiều lỗi chính tả bất thường trong bài báo trên RedChina, những lỗi này dường như được cố ý sử dụng để tránh sự kiểm duyệt của ĐCSTQ đối với các từ khóa nhạy cảm.
Tin tức đã không được công bố cho đến gần đây. Hoạt động này được bảo mật đến nỗi chỉ vài ngày sau, gia đình và bạn bè của những người bị bắt mới biết được sự mất tích của họ.
Các vụ bắt giữ liên quan đến ít nhất bốn tỉnh phía bắc Trung Quốc, bao gồm Sơn Đông, Hà Bắc, Hà Nam và Thiểm Tây.
Người đầu tiên và cũng là người bị bắt giữ hàng đầu là ông Mã Hậu Chí, 77 tuổi, cựu giáo sư tại trường Đại học Sư phạm Khúc Phụ, tỉnh Sơn Đông. Sau đó, những người khác đã bị cảnh sát bắt đi, bao gồm Lưu Khánh Phong, Phó Minh Tường, Hồ Gia Hoành, Niếp Cúc Bảo và Ngô Vinh Hoa.
Động thái của Bắc Kinh đã thu hút những lời kêu gọi trả tự do cho những người theo chủ nghĩa Mao. Những người ủng hộ giận dữ đã chất vấn cảnh sát địa phương qua điện thoại về các vụ bắt giữ.
Tuy nhiên, các sĩ quan cảnh sát từ chối tiết lộ những cáo buộc cụ thể dưới danh nghĩa vụ án đang điều tra và được bảo mật. Cảnh sát đe dọa sẽ trừng phạt bất cứ ai phản đối.
Theo Epoch Times, đây không phải là lần đầu tiên những người theo chủ nghĩa Mao bị chế độ ĐCSTQ thanh trừng.
Năm 2009, Mã và những người theo ông đã tập trung tại thành phố Trùng Khánh, tuyên bố rằng họ đã thành lập Đảng Cộng sản Maoist Trung Quốc, một tổ chức ngầm nhằm khôi phục các chính sách của cố lãnh đạo Trung Quốc Mao Trạch Đông. Họ bác bỏ cuộc cải cách kéo dài 30 năm của Trung Quốc, nói rằng đó là “sự phục hồi tư bản”.
Vào thời điểm đó, Trùng Khánh là thành trì của Bạc Hy Lai, một nhân vật chính trị quyền lực lúc bấy giờ, người đã khuấy động các cuộc biểu tình và các chính sách xã hội theo kiểu Maoist, thu hút sự chú ý trong và ngoài nước.
Trớ trêu thay, chính tại Trùng Khánh, cuộc gặp gỡ của Mã và những người đi theo ông ta đã bị cảnh sát Trùng Khánh đột kích. Tất cả những người tham dự đã bị giam giữ; sau đó, các nhà lãnh đạo bị kết án tù, bao gồm cả Mã, người bị hình phạt nặng nhất – 10 năm tù – với tội danh kích động lật đổ quyền lực nhà nước. Mã được thả tự do vào ngày 14/10/2019.
Chuyên gia về Trung Quốc tại California, Ngô Kiến Dân, khi phỏng vấn với Epoch Times vào ngày 10/6 nhận định trong không có gì ngạc nhiên khi nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình thẳng tay đàn áp những người theo chủ nghĩa Mao trong nước.
Theo ý kiến của ông, những người theo chủ nghĩa Mao đã chống lại khoảng cách giàu nghèo hiện nay ở Trung Quốc. Theo đó, họ nhằm mục đích bình đẳng hoặc phân phối lại của cải xã hội hoặc các nguồn lực giữa các công dân. Nói cách khác, họ đã chống lại các quý tộc đỏ thế hệ thứ hai do Tập Cận Bình lãnh đạo, những người sở hữu khối tài sản lớn.
Ông lưu ý rằng chế độ cầm quyền của ĐCSTQ sẽ không bao giờ theo đuổi cái gọi là “thịnh vượng chung”. Ngược lại, giới quý tộc đỏ của Trung Quốc đang lừa dối người Trung Quốc và trục lợi cá nhân dưới danh nghĩa xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Chuyên gia này cho biết, ông Tập sẽ hạ gục bất kỳ lực lượng nào cố gắng thách thức quyền lực của ông ta, bất kể họ có chọn thành lập một chính đảng hay không.