“Người tốt nên ở nhà”

Du Uyên

Người tốt nên ở nhà” – đọc qua cứ ngỡ là một “slogan” tuyên truyền của nhà nước hoặc truyền thông vào mùa dịch, khuyên người ta không nên ra đường để tránh lây nhau cúm Vũ Hán. Thực tế lại là câu kết của một bài thơ:

“…

Hôm nay chồng bỏ nghề

Luật sư của nhà nước,

Ở nhà nghỉ trồng hoa

Nếu có người đến hỏi

“Người tốt nên ở nhà!”

Em sẽ bảo họ thế

Người tốt nên ở nhà!”

Ở trên là đoạn cuối của bài thơ được tác giả Phương Phạm viết tặng chồng – Luật sư Lê Văn Hòa, người vừa tuyên bố từ bỏ chức nghiệp luật sư vì cảm thấy không còn tin vào sự công minh của nền tư pháp Việt Nam – rất mộc mạc nhưng cũng rất cay đắng, làm cho nhiều người bàn cãi lẫn khen ngợi. Cũng làm cho nhiều luật sư đồng nghiệp của chồng cô cảm thấy buồn và khó chịu, nhiều luật sư đã tuyên bố sẽ tiếp tục “không ở nhà” nhưng vẫn sẽ cố gắng làm “người tốt”, dầu tôn trọng quyết định của cựu luật sư Hòa. Vì họ tin câu nói “Thế giới trở nên tồi tệ hơn, không phải vì sự tàn bạo của những kẻ xấu, mà vì sự im lặng của những người tốt” hơn.

Vậy trong mùa dịch thì sao? “Người tốt nên ở nhà” có đúng hay không? Cứ nhìn… Sài Gòn đi là biết.

Khi dịch trở nặng, Sài Gòn đón nhận “danh hiệu” là “tâm dịch” như một lẽ hiển nhiên và bình thản. Vì thành phố này vẫn luôn nặng oằn vai khi phải chở che hơn biết bao nhiêu người từ khắp mọi miền Việt Nam về làm ăn/học hành/tìm kiếm cơ hội, chưa kể người “nước ngoài” liên tục “vượt biên trái phép” bằng cách nào đó đến vùng đất này. Sự lây nhiễm cúm Vũ Hán là lẽ đương nhiên, khi vaccine tới quá muộn so với những cái vỗ ngực tự hào, những bài viết thể hiện ta đây, “ngạo nghễ”…

Khẩu trang miễn phí tại Sài Gòn

Nhưng Sài Gòn luôn luôn khác biệt so với những “tâm dịch” khác. Trong lúc người thì tỏ vẻ kỳ thị người nhiễm bệnh, điều tra tên/họ/gia phả người nhiễm bệnh, phê phán người bệnh. Người thì cay đắng “sống chết có nhau, ốm đau bỏ chạy”… Thì thị dân Sài Gòn đã cho cả nước biết sự tử tế của vùng đất này, “người tốt” ở Sài Gòn không “ở nhà”. Ðó là lý do khiến không ít bạn bè Facebook của tôi cảm thán: Ở Sài Gòn mùa dịch, nhà hảo tâm còn nhiều hơn là người bị nhiễm bệnh.

Dẫu biết cái nết tử tế của Sài Gòn luôn là hiển nhiên, nhưng tình yêu thương, sự tử tế lúc thương khó luôn được trân trọng hơn lúc đủ đầy, bởi người ta mới nói “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, bởi người ta mới phê phán ông “danh hài” Hoài Linh “ngâm” tiền quyên góp của người dân dành cho dân vùng lũ miền Trung đến 6 tháng, để rồi khi bị lên án, lật đật “giải ngân” tiền chống lũ khi cả nước chống dịch và chống… nắng. Nên cho tôi khoe khoang một chút về sự tử tế của người Sài Gòn quê tôi:

– Những người cùng chống dịch, từ công an, bội đội đến y/bác sĩ luôn được tiếp sức hết mình từ cơm ngon đến nước mát từ người dân, anh chàng tài xế xe ôm công nghệ không lấy tiền của bác sĩ để tỏ lòng biết ơn, ai ai cũng viết bài cám ơn họ đã vì cộng đồng, dầu bình thường rất bất mãn những tiêu cực trong ngành công an lẫn ngành y

– Người lao động nghèo, sinh viên mắc kẹt lại Sài Gòn chẳng lo đói vì đã có rất nhiều điểm phát lương thực thực phẩm miễn phí, gian hàng 0 đồng. Các cây ATM gạo cũng được trở lại cho người nghèo đến nhận quà/gạo… Trong lúc tiền cứu trợ dân nghèo mùa dịch mà chính phủ hứa trao từ 2020 vẫn bặt tăm

– Con buôn khẩu trang thì sợ ế vì đi đâu cũng thấy “phát khẩu trang miễn phí”, nhiều nơi còn phát thêm áo mưa miễn phí vì Sài Gòn đang vô mùa mưa

– Xe bán tải, xe 4 – 7 – 16

– 35 chỗ nối đuôi hàng dài sẵn sàng hỗ trợ đội từ thiện. Có cả những nhóm xe luôn sẵn lòng đưa đón mẹ bầu đi sinh trong mùa dịch (vì phương tiện công cộng đang bị hạn chế do dịch)

– Các bạn trẻ tốt bụng chạy xe vòng vòng gửi đồ ăn, đồ dùng cho người vô gia cư/già yếu

– Có người kêu gọi gửi băng vệ sinh cho chị em công nhân đang cách ly – vì khu công nghiệp hơn 80% là nữ.

– Người nhận quà rồi từ chối nhận thêm để chừa phần cho người khác

– Các nhân viên sân bay đã cùng nhau giúp anh vé số khuyết tật được bay về quê chăm cha bệnh

Cô bán hủ tiếu gà ở nhà là “tội ác” với cả xóm – Nguồn hình: Facebook Trúc Phan

– Chỉ sau thời gian ngắn kêu gọi từ nhà nước, tiền đóng góp để “chính phủ mua vaccine” đã lên tới hàng ngàn tỷ, với hy vọng là người khó khăn, không có tiền để mua vaccine được chích ngừa. Tuy không biết hy vọng đó có thành hiện thực không? Nhưng thị dân, trong đó có tôi vẫn tình nguyện góp một tay

– Ngoài quyên tiền mua vaccine, người ta còn đi hiến máu với hy vọng giúp những người bị bệnh nặng có đủ máu để vượt qua vì các bệnh viện lớn kêu gọi hiến máu khẩn, nguồn máu dự trữ sắp hết. Như trên, dẫu chẳng biết máu mình có thật sự đến tay người cần không, nhưng vì lòng tốt, người ta vẫn xách… mạch máu lên và đi.

– Không những giúp nhau, thị dân còn giúp các “tâm dịch” khác bằng cách gửi hàng tấn thực phẩm, đồ dùng ra “tâm dịch” Bắc Giang. “Giải cứu” nông sản, thực phẩm bị ế/không xuất cảng được do dịch từ các tỉnh (dầu không có dịch vẫn “giải cứu”, và nhiều lần bị lừa vì hàng “giải cứu” toàn là hàng dở, giá cao)…

– Ngay cả bà hàng xóm thường ngày hay lườm nguýt, bịa chuyện về những cô gái đẹp trong xóm như tôi, hồi chiều cũng níu tay tôi lại, hỏi: “Nhà còn gạo không? Lấy cái xô qua tao cho mấy ký. Dịch quá, chợ chồm hổm ngoài đây không cho bán nữa rồi…”

Tôi nhìn cô với ánh mắt lấp lánh hơn bóng đèn: Gạo thì không cần, nhưng cô có thể cho con trai cô qua ở với con hết mùa dịch được hông?

Chẳng biết tại sao, hỏi xong thì cổ tiếp tục lườm nguýt, hy vọng cô không phao tin là “con Du-Uyên mê trai” khắp xóm (dầu đó cũng có chút sự thật!)

Nói chung, người làm việc tốt ở Sài Gòn nhiều đến nỗi, nếu không làm việc tốt, tôi cảm thấy mình có lỗi. Và nếu ai không làm việc tốt, tôi tin họ không phải người Sài Gòn, không phải đồng hương của tôi, vì tôi chưa thấy những người hay hỏi “biết bố mày là ai không?” làm việc tốt bao giờ. Việc tốt ở đây bao gồm cả việc “ở nhà” nữa, dầu đa số những “người tốt” mà tôi kể ở trên, họ không “ở nhà” nhưng ngoài những người trẻ, khá giả thì Sài Gòn cũng có rất đông người cao niên, không khỏe và không dư dả.

Ngoài ra, việc “ở nhà” mùa dịch của một số “người tốt” khác không những không được coi trọng mà còn bị “ghét bỏ” nữa. Như câu chuyện về cô bán hủ tiếu gà trong một hẻm nhỏ Sài Gòn – là nơi ăn sáng ngon, bổ, rẻ của cả xóm, ngày nào cũng vậy, gần như tất cả các nhà đều ra quán cô ăn sáng hoặc đặt mang về. Bây giờ vì dịch, cô nghỉ bán, thế là cả xóm lao đao, xanh xao vì không biết ăn gì, không biết tìm đâu món ngon thay thế… Rứa là có ai đó dán một tờ giấy viết tay bên trên tờ giấy báo nghỉ dịch của quán: “Làng xóm yêu cầu Hủ Tiếu Gà bán lại, để xóm làng khỏi ra ngoài bị lây dịch COVID-19” (dĩ nhiên là khuyên cô mở tiệm lại, nhưng bán mang đi). Dễ thương gì đâu, có lẽ đây cũng là tâm tư của nhiều người dân ở các xóm nhỏ khắp Sài Gòn. Ðừng nhìn mấy tiệm/gánh đồ ăn nhỏ nhỏ, xập xệ mà chê – đó chính là nơi có hủ tiếu gà, bún riêu cua, phở bò, xôi vò… ngon nhất Việt Nam đó, ăn đứt các nhà hàng 5 sao, máy lạnh, nhân viên đẹp luôn! Ðó là lý do mà các bạn thân tôi cứ nghĩ tôi keo kiệt, khi chúng lặn lội đường xa về Sài Gòn thăm tôi, nhưng toàn được dẫn đến những quán nhỏ trong hẻm nhỏ ăn (dầu tụi nó trả tiền).

Nhiều cặp đôi xa nhau, thậm chí chia ly vì biển báo cách ly

Dân tình cứ cười chê chàng tiếp viên hàng không nhiễm bệnh mà vẫn đi gặp bạn trai là thầy giáo, để rồi lây bệnh, lây lan cộng đồng hồi năm ngoái. Hoặc mới đây, người ta cũng lên án việc hai chàng trai leo rào vào khu cách ly để thăm bạn gái (đang là F1, có nguy cơ nhiễm bệnh…) để rồi bị phạt tiền. Liệu những người cười chê, phê phán kia có từng cảm động vì những bộ phim Hàn, đa số nam/nữ chính sẽ bị ung thư, người tình của họ nguyện cạo trọc đầu, chịu chung cảnh ngộ? Hay những bộ phim Hồng Kông, các nam/nữ chính thường luyện võ công bị “tẩu hỏa nhập ma” hoặc uống nhầm thuốc độc, người yêu họ sẽ sẵn sàng hy sinh thân mình để cứu người yêu hoặc cùng uống thuốc độc để chịu đựng chung. Hoặc những bộ phim của Tây, nam/nữ chính thường là sát thủ, vì yêu, người tình của họ nguyện đi học làm sát thủ luôn cho có cặp…

Bởi vậy, không những các chủ tiệm đồ ăn ngon cứ “ở nhà” trốn dịch, liền trở thành người đỡ tốt trong mắt khách hàng. Mà người có nhiệm vụ mua thức ăn cứ cố chấp “ở nhà” trốn dịch cũng rất dễ bị biến thành người… xấu trong mắt người yêu họ/người họ yêu. Bao cuộc chia tay đã âm thầm xảy ra trong mùa dịch vừa qua? Có ai thống kê được?

Khi chàng vì nàng ở trong “tâm dịch” mà xa lánh, khi nàng vì “giãn cách xã hội” mà không đến nơi hẹn cùng chàng, hoặc đôi khi vì dịch, bị buộc phải “làm người tốt”, cùng “ở nhà” cùng nhau 24/24 giờ quá lâu, nhận ra quá nhiều cái xấu của nhau, thế là chia tay. Hoặc chia tay vì chàng vô tình ho vào mặt nàng, sau đó hai người bị đưa đi cách ly vì chàng là F1 (từng tiếp xúc trực tiếp với người nhiễm bệnh)… Người ta nói “hai người chia tay, bốn người hạnh phúc”, “có tan ắt có hợp”, vì vậy, chúng ta lại có thêm không biết bao nhiêu cặp đôi đến với nhau. Vì ly chè “to go” mà chàng mang đến cho nàng đúng lúc nàng tìm hoài không ra quán ngon nào còn mở cửa mùa dịch. Vì chàng dám tìm đến nhà nàng, khi nơi nàng ở ngay cạnh bên khu có người nghi nhiễm. Vì nàng dám lặn lội xa xôi về Việt Nam giữa lúc tiền vé mắc, phải cách ly gần cả tháng chỉ để gặp chàng (đó là nàng nói, còn lý do phía sau, ai rảnh mà đào bới)… Cư dân mạng hay nói “đâu ai muốn làm người bình thường khi yêu”, nên thôi đừng chê trách, ai cũng sẽ yêu và bị tình yêu làm mù quáng đôi lần…

Tóm lại, dẫu mùa gì thì trong tình yêu lẫn ẩm thực, câu “người tốt nên ở nhà” cũng khó được hoan nghênh, dầu nó đúng về lý (mà nhân loài là sanh vật cảm tánh nhất thế gian này). Nhiều người còn đùa rằng, luật sư Hòa sau chuỗi ngày phải cách ly cùng vợ vì dịch, ông ta sẽ làm bài thơ “người tốt không nên ở nhà” hổng chừng…

Nói về tình yêu thì mỗi thời mỗi khác, ngày xưa thì “thương nhau cởi áo cho nhau”, rồi đến thời hiện đại thì người ta có câu “thương nhau mua đồ xách tay cho nhau”, tại nhiều người tin rằng áo “made in Việt Nam” đắt tiền và không đẹp bằng áo Tây, áo Mỹ. Bởi vậy, từ đầu năm 2021 tới giờ, tôi được không ít chàng tán tỉnh bằng lời hứa hẹn: Phải chi vaccine COVID-19 có thể mua bán tự do, anh gửi hàng… xách tay về cho em!

Nói gì nói, dịch này, nếu không gì cấp bách thì đúng là “người tốt nên ở nhà”. Tuy vậy, nhìn cảnh dân Sài Gòn bị các tỉnh khác “kỳ thị”, bị “ban lệnh” sẽ cách ly 21 ngày tất cả những ai đến từ Sài Gòn thì nhiều thị dân cũng xót xa.

Có người thở dài, nói: “Phải chi ngày xưa Việt cộng cũng sợ SG như đợt dịch này, thì đâu mất SG”.

Related posts