Liêu Quốc Đạt
Đại dịch COVID-19 tiếp tục hoành hành trên thế giới, làm gia tăng số người mắc bệnh và tử vong. Tuy nhiên, ở một số quốc gia và vùng lãnh thổ, người dân từ chối tiêm vắc-xin của Trung Quốc, bất chấp nguy cơ mắc bệnh.. Điều này xảy ra ở Việt Nam, Philippines, Đài Loan và một số nước châu Âu. Ngay cả các công dân nước ngoài sinh sống ở Trung Quốc cũng tìm kiếm cơ hội được tiêm chủng bằng các loại vắc-xin không phải của Trung Quốc, chẳng hạn như AstraZeneca.
Bộ Y tế Việt Nam mới đây cho biết, ngày 20/6, Trung Quốc đã cung cấp cho Việt Nam 500.000 liều vắc-xin. Số vắc-xin này sẽ được ưu tiên tiêm cho ba nhóm: Người Trung Quốc đang làm việc tại Việt Nam, người Việt Nam có nhu cầu học tập, làm việc tại Trung Quốc và người dân khu vực biên giới. (1)
Việc nhận và sử dụng vắc-xin từ Trung Quốc gây nên một làn sóng dư luận của người dân Việt Nam. Đông đảo người dân lên Facebook thể hiện công khai rằng họ không muốn và sẽ không chích vắc-xin từ Trung Quốc, cho dù hậu quả có thế nào đi chăng nữa.
Vậy vì sao nhiều người dân Việt Nam và các quốc gia khác lại ghét vắc-xin của Trung Quốc như vậy? Có hai lý do để giải thích cho sự căm ghét này. Thứ nhất, đó là lo ngại về chất lượng vắc-xin của Trung Quốc; Thứ hai, đó là với các hành động ngang ngược của Trung Quốc trên biển Đông, đã khiến nhiều người dân muốn tẩy chay vắc-xin từ Trung Quốc.
Nghi ngờ về chất lượng vắc-xin của Trung Quốc
Thoạt nhìn, có vẻ Trung Quốc là nước đi đầu trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19. Họ là nước đầu tiên phát triển vắc-xin phòng ngừa căn bệnh này, khoảng một tỷ mũi tiêm đã được thực hiện ở Trung Quốc, các công ty dược phẩm địa phương gửi hơn 350 triệu liều vắc-xin ra nước ngoài và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cho phép sử dụng vắc-xin Sinopharm và Sinovac Biotech do Trung Quốc sản xuất (dù chỉ trong trường hợp khẩn cấp).
Nhưng từ tháng 5/2020, Trung Quốc đã không ngừng nhấn mạnh rằng vắc-xin ngừa COVID-19 do Trung Quốc nghiên cứu phát triển “đứng hàng đầu thế giới”. Phó Giám đốc Trung tâm Quan hệ quốc tế, Đại học Nhân dân Trung Quốc Kim Xán Vinh thậm chí còn cho rằng vắc-xin ngừa COVID-19 của Trung Quốc chiếm bốn vị trí đầu tiên trong danh sách 10 loại vắc-xin ngừa COVID-19 an toàn nhất thế giới.
Vấn đề là, trên phương diện vắc-xin ngừa COVID-19, chưa có tổ chức, chuyên gia hay tạp chí uy tín quốc tế nào thừa nhận vắc-xin ngừa COVID-19 của Trung Quốc đứng hàng đầu thế giới.
Thực tế, trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, Trung Quốc tự nhận có “ưu thế về mặt thể chế”. Tuy nhiên, ưu thế ấy được xây dựng trên cơ sở sử dụng các biện pháp mạnh, phong tỏa tin tức, người dân tự giác hoặc ép buộc phối hợp… khiến tình hình dịch bệnh ở Trung Quốc trở nên tương đối nhẹ so với các nước khác, trở thành một trong những thành tích chính trị của nước này. Ở phương Tây cũng có không ít người khẳng định hiệu quả chống dịch của Trung Quốc, nhưng nhìn chung cho rằng biện pháp chống dịch của Trung Quốc về căn bản không thể áp dụng trong xã hội tự do Âu-Mỹ.
Báo cáo cho thấy tại Hong Kong có ba trường hợp tử vong sau khi tiêm vắc-xin Trung Quốc; 1 phụ nữ Hàn Quốc cũng tử vong sau khi tiêm vắc-xin ở Thượng Hải. Theo tin tức công khai, tới thượng tuần tháng 3/2021, vắc-xin Sinovac đã được tiêm 44 triệu mũi, ít nhất 56 người chết sau khi tiêm vắc-xin này. Số ca tử vong không nghiêm trọng, cho nên, vẫn chưa dẫn tới tẩy chay hay cấm sử dụng.
Trung Quốc đã cung cấp vắc-xin ngừa COVID-19 cho 69 quốc gia mà tình hình dịch bệnh căng thẳng. Lãnh đạo một số nước như Indonesia, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Serbia, Jordan… đã tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 của Trung Quốc và khẳng định hiệu quả của nó. Một chuyên gia Trung Quốc là ông Kim Xán Vinh đã tuyên bố vắc-xin ngừa COVID-19 của Trung Quốc có hiệu quả 100%. Nhưng kết quả thử nghiệm ở Brazil cho thấy hiệu quả của vắc-xin ngừa COVID-19 do Trung Quốc nghiên cứu phát triển chỉ đạt 50,4%.
Lãnh đạo các nước như Anh, Mỹ, Canada… đều đã công khai tiêm ngừa COVID-19 để gia tăng sự tin tưởng của người dân vào tác dụng phòng ngừa dịch bệnh của việc tiêm vắc-xin. Tuy nhiên, lãnh đạo Trung Quốc tới nay vẫn chưa công khai tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 do nước này nghiên cứu phát triển. Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc Cao Phúc thẳng thắn nói rằng tác dụng của vắc-xin Trung Quốc “không quá lý tưởng”. Theo ông Cao Phúc, việc WHO trước đây không chấp thuận vắc-xin Trung Quốc là điều dễ hiểu vì vắc-xin Trung Quốc thiếu dữ liệu thử nghiệm giai đoạn ba. Có người cho rằng việc không thể cung cấp dữ liệu đợt ba là do dữ liệu xấu, nên không dám công bố. Thiếu minh bạch đã khiến dư luận đặt câu hỏi về tính an toàn của vắc-xin Trung Quốc.
Dã tâm và hành động của Trung Quốc ở biển Đông
Theo giới quan sát, số vắc-xin của Trung Quốc đến Việt Nam diễn ra khi Bắc Kinh muốn nâng cao vị thế của mình trong khu vực thông qua “chính sách ngoại giao vắc-xin”. Cùng ngày Việt Nam tiếp nhận lô vắc-xin Trung Quốc, một lô vắc-xin khác của hãng Sinopharm cũng đã đến Bangkok (Thái Lan).
Các hành động hung hăng của Trung Quốc ở biển Đông gần đây đã khiến đa số người Việt Nam không có thiện cảm với chính quyền Trung Quốc. Kể từ năm 2007 trở lại đây, Trung Quốc ngày càng lộ rõ dã tâm chiếm đoạt biển Đông trở thành ao nhà của họ. Ngay trong năm nay, Trung Quốc đã gây hấn với hàng loạt quốc gia trên biển Đông. Đầu năm, Trung Quốc thông qua Luật Hải cảnh với việc cho phép lực lượng Hải cảnh Trung Quốc có thể tấn công bằng vũ khí đối với các tàu cá quốc gia khác trong vùng biển “thuộc thẩm quyền của Trung Quốc”. Trung Quốc luôn khẳng định vùng biển nằm trong “đường lưỡi bò” chiếm gần 90% biển Đông là “vùng biển thuộc chủ quyền của họ”. Từ đầu tháng 3 cho đến nay, Trung Quốc đã triển khai hàng trăm tàu cá xung quanh khu vực Đá Ba Đầu (quần đảo Trường Sa). Đầu tháng sáu, 16 máy bay Trung Quốc đã uy hiếp vùng trời của Malaysia tại khu vực gần bãi Luconia. Chính vì vậy, nhiều người dân Đông Nam Á đã tức giận, đòi tẩy chay vắc-xin từ Trung Quốc.
Tại Philippines, dân chúng quốc gia này đang tỏ thái độ chống Trung Quốc do các hành động hung hăng của nước này ở Biển Đông và Trung Quốc cũng là nơi khởi nguồn của đại dịch COVID-19. Richard Heydarian, nhà phân tích chính trị ở Manila, nói: “Trung Quốc đang chịu nhiều điều tiếng xấu ở Đông Nam Á” và nhận thức được rằng họ cần phải tìm cách xoa dịu. Ông Heydarian cho rằng do virus SARS-CoV-2 khởi nguồn từ Trung Quốc, nước này phải “nhân đôi trách nhiệm”. Chuyên gia này cũng đưa ra nhận định Trung Quốc đang gặp nhiều bất lợi hơn mọi người nghĩ. “Cho đến tháng 5/2020, Trung Quốc còn chiếm thế thượng phong trong tranh chấp ở Biển Đông, nhưng mọi chuyện cũng đang thay đổi. Hãy nhìn những tuyên bố phản đối từ Indonesia, từ Việt Nam, thậm chí cả Malaysia”, ông Heydarian phát biểu.